Quan điểm xã hội học pháp luật của Montesquieu


Sau thời kỳ dài của “đêm trường Trung cổ”, nhu cầu về thiết lập một trật tự xã hội mới với nền tảng cơ bản là giải phóng con người, tôn trọng quyền tự do của con người đặt ra hết sức gay gắt… Các nhà tư tưởng khai sáng đã xuất hiện và các ông đã có những công trình triết học, văn học, pháp luật, xã hội học…, nhằm hướng tới xây dựng một xã hội “tự do, bình đẳng, bác ái”.

Montesquieu [1689 – 1755] và Rousseau [1712 – 1778] nổi lên với tư cách là hai nhà tư tưởng có những ảnh hưởng rất lớn đến cuộc cách mạng tư sản Pháp nói riêng và nền văn minh thế giới nói chung. Hai tác phẩm: “Bàn về tinh thần pháp luật” [1748] của Montesquieu và “Bàn về khế ước xã hội” [1762] của Rousseau ra đời, trở thành bộ đôi tác phẩm có ý nghĩa khai sáng về quan điểm pháp chế, vạch ra định hướng xây dựng xã hội công dân, nhà nước pháp quyền, mở đường cho tư duy xã hội Pháp đi tới cuộc đại cách mạng tư sản năm 1789. Nhiều quan điểm trong hai tác phẩm này đã trở thành những nguyên tắc pháp lý chi phối sâu sắc đến sự phát triển của nhà nước và pháp luật hiện đại.

Hai tác phẩm ra đời đúng vào thời điểm mà tư tưởng cách tân bị ngăn cản, cấm đoán bởi các thế lực phong kiến hủ bại và thần quyền đương thời. Nhưng các tác giả đã dũng cảm thể hiện thái độ và tinh thần xây dựng tích cực của mình trước hiện thực xã hội. “Bàn về tinh thần pháp luật” đã đề cập và lý giải hàng loạt vấn đề luật học cũng như các khoa học xã hội đương thời; phân tích so sánh các nội dung và bản chất của các thể chế chính trị khác nhau, chỉ ra nhiều điểm hạn chế và tích cực của từng thể chế; bàn về các yếu tố liên quan đến luật, cách soạn thảo luật và ứng dụng luật trong các lĩnh vực xã hội… “Bàn về khế ước xã hội” cũng đề cập những vấn đề nêu trên nhưng đi theo hướng tư duy hoàn toàn khác: Nếu như Montesquieu muốn khám phá cái “trật tự, cái quy luật trong mớ hỗn độn các luật pháp ở mọi xứ sở và mọi thời đại” thì Rousseau lại cố gắng tìm kiếm trong cái “trật tự dân sự có hay không một số quy tắc cai trị chính đáng, vững chắc, biết đối đãi với con người như con người”; nếu như Montesquieu dùng phương pháp quy nạp trên cơ sở khảo sát, phân tích đặc điểm từ tự nhiên đến xã hội và các chính thể để rút ra các nguyên tắc chi phối chúng, thì Rousseau đi từ những nguyên tắc chung để đưa ra những hình thức chính thể cần phải có. Vì vậy, Rousseau chỉ đề cập lịch sử chính trị của loài người một cách khái quát nhất, còn lại tập trung bàn đến vấn đề phải tổ chức lại xã hội như thế nào. Ông đưa ra những nguyên tắc thiết lập một xã hội lý tưởng bằng các khế ước – đó là những luật cơ bản như hiến pháp, luật dân sự, hình sự… mà mọi thành viên trong đó phải tự nguyện tuân theo. Những khế ước đó bảo đảm các quyền lợi của xã hội, của mỗi thành viên như sự tự do, bình đẳng, quyền tư hữu… Sau khi đưa ra những nguyên tắc ấy, Rousseau bàn đến các hình thức chính thể. Ông đề cao chính thể dân chủ – chính thể mà người dân có thể tham gia nhiều nhất vào các hoạt động điều hành của nhà nước, đặc biệt là trên lĩnh vực lập pháp. Do đó, bao trùm tác phẩm là tinh thần xây dựng nguyên tắc của chế độ mới.

Đã hơn 200 năm trôi qua kể từ khi ra đời, “Bàn về tinh thần pháp luật” và “Bàn về khế ước xã hội” không tránh khỏi có một số quan điểm bị lịch sử vượt qua. Song, những giá trị kinh điển của nó đến nay vẫn còn nguyên giá trị và các tác phẩm này được xếp vào hàng tinh hoa tư tưởng của nhân loại.

Độc giả Việt Nam đã rất quen thuộc với tên tuổi của Montesquieu và Rousseau nhưng trực tiếp tiếp xúc với di sản tư tưởng của các ông thì mới chỉ giới hạn ở một phạm vi rất hẹp. Công cuộc đổi mới trên đất nước ta hiện nay, đặc biệt là đổi mới chính trị, đổi mới pháp luật theo hướng xây dựng một xã hội pháp quyền xã hội chủ nghĩa đang có những bước tiến đáng kể. Việc mở rộng nghiên cứu những tác phẩm kinh điển về lĩnh vực lập pháp là rất cần thiết đối với toàn thể mọi người quan tâm, đặc biệt là các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy khoa học xã hội cũng như cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền và đoàn thể. Hai tác phẩm: “Bàn về tinh thần pháp luật” và “Bàn về khế ước xã hội” [bản dịch của Hoàng Thanh Đạm] chính là những tư liệu quý phục vụ tốt cho nhu cầu đa dạng của các bạn.

This entry was posted in Điểm sách. Bookmark the permalink.

Hiện nay ở hầu hết các quốc gia, làm thế nào để kiểm soát được quyền lực của nhà nước, tránh tình trạng lộng quyền và tha hóa quyền lực vẫn là vấn đề có tính thời sự. Qua nghiên cứu lý thuyết về kiểm soát quyền lực nhà nước của một số học giả phương Tây, bài viết tiếp cận vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước trên nhiều góc độ như luật pháp, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự giám sát của nhân dân nhằm ngăn chặn, kiểm soát sự lộng quyền, tha hóa quyền lực của bộ máy nhà nước và đội ngũ cán bộ, công chức ở nước ta hiện nay.

Ảnh minh họa: internet

1. Quan điểm của một số tác giả thuyết phân quyền về kiểm soát quyền lực nhà nước

Hiện nay ở hầu hết các quốc gia theo chính thể cộng hòa [kể cả chính thể quân chủ - lập hiến], vấn đề làm thế nào kiểm soát được quyền lực của nhà nước để tránh tình trạng lộng quyền và tha hóa quyền lực vẫn tiếp tục là vấn đề có tính thời sự. Nói cách khác, nền dân chủ đương đại đang bị đe dọa hoặc đứng trước nguy cơ khủng hoảng do thực trạng quyền lực nhà nước bị “lợi dụng” để trục lợi từ phía một bộ phận quan chức nắm trong tay “công quyền”. Tình trạng lộng quyền, tha hóa quyền lực của người đại diện mà nhân dân bầu ra có thể làm mai một những nguyên tắc chính trị cơ bản của chính thể cộng hòa dân chủ với nền tảng là sự phân quyền. Để xây dựng và bảo đảm cho nền dân chủ không quay lại với tình trạng chuyên quyền, các lý thuyết chính trị - pháp lý ra đời chứa đựng nhiều nội dung cơ bản xung quanh vấn đề quyền lực nhà nước, chẳng hạn thuyết phân quyền của Ch.Montesquieu [1689-1755], tác giả của cuốn “Tinh thần pháp luật” và của Jean Jaques Rousseau [1712-1778] với tác phẩm “Khế ước xã hội”.

Trong chương II quyển thứ VIII cuốn “Tinh thần pháp luật” với tựa đề “Sự sa đọa trong nguyên tắc của ba loại chính thể”, Ch.Montesquieu khẳng định “sự sa đọa của mỗi chính thể hầu như bao giờ cũng bắt đầu từ sự sa đọa trong nguyên tắc của chính thể ấy”. Từ suy luận này, các chương tiếp theo của cuốn sách nói về sự tha hóa của chính thể cộng hòa khi đánh mất tư tưởng bình đẳng hoặc nắm giữ tinh thần bình đẳng cực đoan. 

Nhận thức cho thấy, tinh thần bình đẳng chân chính không phải làm cho mọi người đều là chỉ huy hay không ai bị chỉ huy, mà là chỉ huy những người bình đẳng với mình và phục tùng con người bình đẳng với mình. Nhưng tự do chính trị không đồng nghĩa muốn làm gì cũng được. Trong một nước có luật pháp, tự do chỉ có thể là được làm những cái nên làm và không bị bắt buộc những điều không nên làm, “tự do là quyền được làm tất cả những điều mà luật cho phép...”. Ch.Montesquieu luôn quan ngại đến sự tha hóa của các loại chính thể, nhất là chính thể dân chủ khi mà nền dân chủ trở nên cực đoan với hệ lụy là tình trạng vô chính phủ và tự do bị xâm hại. Ch.Montesquieu cho rằng: “Tự do chính trị của công dân là sự yên tâm vì mỗi người nghĩ rằng mình được an ninh. Muốn bảo đảm tự do chính trị như vậy thì Chính phủ phải làm thế nào để mỗi công dân không phải sợ một công dân khác”.

Hiện nay, nhận thức về lý thuyết phân quyền [còn được sử dụng với tên gọi khác là “tam quyền phân lập”] có những cách tiếp cận thiếu đầy đủ. Nhiều quan điểm coi thuyết này là căn nguyên của đa nguyên chính trị, nhưng cũng có quan điểm cho rằng lý thuyết này đi ngược lại với lý thuyết “quản lý nhà nước là thống nhất”... Cách tiếp cận có thể do từ những nhãn quan chính trị khác nhau, nhưng có một điều không thể phủ nhận rằng: Ch.Montesquieu đã tìm thấy một công cụ cơ bản nhất để chống lại sự lộng quyền chính trị và sự sa đọa của mọi chính thể do lộng quyền chính trị đe dọa tự do công dân, an ninh quốc gia và xã hội. Trong chương 6, quyển XI nói về “hiến pháp nước Anh”, thuyết phân quyền của Ch.Montesquieu bắt đầu được hình thành bằng quan điểm: “Trong mỗi quốc gia đều có ba thứ quyền lực: quyền lập pháp, quyền hành pháp quốc gia và quyền tư pháp... Ba quyền này phải tách rời [độc lập] vì rằng: “Khi mà quyền lập pháp và quyền hành pháp nhập lại trong tay một người hay một Viện Nguyên lão [cơ quan lập pháp] thì sẽ không còn gì là tự do nữa vì người ta sợ rằng chính ông ta hay Viện ấy chỉ đặt ra luật độc tài để thi hành một cách độc tài. Cũng không có gì là tự do nếu quyền tư pháp không tách khỏi quyền lập pháp và quyền hành pháp. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền lập pháp thì người ta sẽ độc đoán với quyền sống và quyền tự do của công dân, quan tòa sẽ là người đặt ra luật. Nếu quyền tư pháp nhập lại với quyền hành pháp thì quan tòa sẽ có cả sức mạnh của kẻ đàn áp”.

Có thể nói, Ch.Montesquieu đã phân tích kỹ tính độc lập của 3 nhánh quyền lực trong chương 6, chẳng hạn cơ quan lập pháp, mặc dù không nên có quyền ngăn cản cơ quan hành pháp nhưng nó phải có chức năng xem xét các đạo luật đã ban hành được thực hiện như thế nào... và “nếu cơ quan hành pháp không có quyền ngăn cản các dự định của cơ quan lập pháp thì cơ quan lập pháp sẽ trở thành chuyên chế...”. Với sự việc dẫn đến thực tế lịch sử của các quốc gia như Italia, Roma hoặc Đức, Hà Lan, Ch.Montesquieu đi đến khẳng định rằng tính độc lập, kiềm chế lẫn nhau của ba quyền chính là công cụ tốt nhất chống lại tình trạng lộng quyền chính trị, hoặc đó là công cụ kiểm soát quyền lực.

Trong lịch sử phát triển các quốc gia từ thời kỳ cách mạng tư sản [thế kỷ XVII-XVIII] đến nay, người ta đánh giá và tiếp thu khá đầy đủ lý thuyết  “tam quyền phân lập” nêu trên của Ch.Montesquieu. Tuy nhiên, có nhiều cách tiếp cận lý thuyết này dẫn đến có sự khác nhau trong quan điểm về chính trị - pháp lý. Nhiều khi người ta gắn “tam quyền phân lập” với chủ nghĩa “đa nguyên chính trị” vì cho rằng ba quyền phân lập ấy sẽ do các thế lực tranh nhau nắm giữ và “khống chế lẫn nhau”. Tuy nhiên, khi đưa ra “sự phân lập của 3 quyền này” Ch.Montesquieu vẫn luôn cho rằng, người dân phải giữ cho mình quyền được lựa chọn đại diện cho cơ quan quyền lực cao nhất đó là quyền lập pháp. Tuy nhiên thực tế cho thấy, Ch.Montesquieu chỉ bàn về tính độc lập của 3 nhánh quyền lực nhà nước như công cụ kìm chế tình trạng lộng quyền, chứ ông chưa có những quan điểm về việc kiểm soát quyền lực như thế nào trong chính ba quyền lực ấy ngoài việc nêu giả thiết về thành lập Lưỡng viện: Viện quý tộc [Thượng viện như cách gọi ngày nay], Viện dân biểu [Hạ viện - Viện dân chúng][1]. Nói cách khác, trong sự vận hành bộ máy các nhà nước trên thế giới hiện nay cho thấy sự quan ngại về tình trạng quyền lực bị tha hóa, không kiểm soát được và lộng quyền vẫn là hiện tượng có tính nguy hại cho sự tồn vong của các chế độ chính trị, đặc biệt là sự lộng quyền trong các mắt xích của bộ máy quyền lực công. Thực tế này thường được mô tả dưới dạng khuyết tật của bộ máy như tham nhũng, lãng phí, cửa quyền, hạch sách, tha hóa, suy thoái... đây là cuộc đấu tranh phòng chống đang được tiến hành mạnh mẽ ở hầu hết các quốc gia.

2. Kiểm soát quyền lực nhà nước ở Việt Nam hiện nay 

Từ năm 1945 đến nay, Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển và được thừa nhận là một trong những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân - trong đó, mối quan hệ giữa các chủ thể trong thực hiện quyền lực là Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ. Thành tựu kinh tế - xã hội mà Việt Nam đạt được là không thể phủ nhận. Chế độ xã hội mà Việt Nam đã tạo dựng nên được thừa nhận là tiến bộ và phát triển theo chiều hướng tích cực.

Tuy nhiên, từ một nền kinh tế kế hoạch hóa, tập trung, quan liêu, bao cấp chuyển sang nền kinh tế thị trường nhiều thành phần có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa cũng để lại những hệ lụy [nếu xét dưới góc độ quy luật kinh tế thị trường]. Những khuyết tật mới nảy sinh trong bộ máy công quyền dưới tác động của nền kinh tế thị trường như quan liêu, cồng kềnh, hoạt động kém hiệu quả, tham nhũng, lãng phí và sự thoái hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ, đảng viên đã gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội. Sự tha hóa quyền lực đã dẫn tới một thực trạng đáng lo ngại. Điều này được Nghị quyết số 12/NQ-TW ngày 16/01/2012[2] của Ban Chấp hành Trung ương khóa XI đánh giá: “Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo cao cấp suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi tiền tài kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng lãng phí, tùy tiện vô nguyên tắc”... Tình trạng này tiếp tục được đề cập tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XII, cụ thể là 27 biểu hiện suy thoái của cán bộ, đảng viên trong bộ máy công quyền[3]. Đây không chỉ là những đánh giá mang tính cảnh báo của Đảng mà còn là hậu quả của tình trạng quyền lực không được kiểm soát một cách có hiệu quả. Sự tha hóa quyền lực có nguyên nhân chính là do thiếu sự kiểm tra, giám sát kịp thời. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, nghiêm túc từ phía các cơ quan chức năng và chưa có một công cụ kiểm soát hữu hiệu.

Tiếp cận vấn đề kiểm soát quyền lực nhà nước không chỉ đơn thuần là nhìn nhận dưói góc độ pháp luật. Về cơ bản, chúng ta đã có một số luật điều chỉnh các hành vi vi phạm trong lĩnh vực quản lý nhà nước. Luật cán bộ, công chức năm 2008 [Điều 18, 19 về đạo đức công vụ][4], Luật viên chức năm 2010 [Điều 19, 20 về trách nhiệm viên chức][5], Luật phòng, chống tham nhũng, Luật khiếu nại, Luật tố cáo,v.v... là cơ sở để kiểm soát các hoạt động công vụ. Câu hỏi đặt ra là, nguyên nhân nào dẫn đến sự suy yếu của quyền lực nhà nước ở một số khâu, một số bộ phận? 
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, sự buông lỏng quản lý luôn là nguyên nhân cơ bản dẫn đến sự lộng quyền của một bộ phận đảng viên giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý. Nguyên tắc làm việc là “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, nhưng khi xảy ra sai sót, vi phạm thì không ai nhận trách nhiệm và đổ lỗi cho tập thể.

Nguyên tắc tổ chức quyền lực ở nước ta đã được quy định trong Hiến pháp năm 2013, theo đó: 

1. Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

2. Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam do nhân dân làm chủ, tất cả quyền lực thuộc về nhân dân...

3. Quản lý nhà nước là thống nhất, có sự phân công phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.
Theo quy định trên đây thì quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Tuy nhiên, khái niệm “nhân dân” là khái niệm mà ngay cả các nhà tư tưởng tư sản thế kỷ XVIII đều coi như “một chủ thể” mà vì lợi ích quốc gia, nó chỉ giữ cho mình cái quyền lực đã “giao cho” một bộ phận quan chức là đại diện của mình[6]. Quyền lực thực tế, do vậy, thuộc về những người “được giao quyền” trong bộ máy dưới hình thức được lựa chọn, tuyển dụng, bổ nhiệm từ phía đảng chính trị cầm quyền. Nếu thừa nhận điều này có nghĩa là không thể ai khác ngoài lực lượng chính trị cầm quyền chịu trách nhiệm trước nhân dân về việc tổ chức bộ máy, con người và đạo đức công vụ trong bộ máy. Nói cách khác, chính các tổ chức đảng từ Trung ương đến địa phương phải chịu trách nhiệm về sự “tha hóa”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của những cấp lãnh đạo. Trên thực tế ở Việt Nam, các cấp ủy đảng có vai trò then chốt trong công tác kiểm tra, giám sát các cán bộ, công chức do mình điều động, lựa chọn, bổ nhiệm vào bộ máy công quyền nhằm đảm bảo cho bộ máy hoạt động hiệu quả. Về cơ bản, đội ngũ cán bộ, công chức của chúng ta hiện nay là tốt, là xứng đáng với sự tin cậy của Đảng, của nhân dân. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận cán bộ, đơn vị thoái hóa biến chất, hư hỏng mà nguyên nhân là do thiếu sự giám sát, đôn đốc, kiểm tra, đánh giá, xếp loại dẫn đến tình trạng “trên bảo dưới không nghe”, “trên nóng dưới lạnh”... 

Như vậy, nếu so sánh với các chính thể cộng hòa khác, Việt Nam cũng có ba nhánh quyền lực: lập pháp, hành pháp, tư pháp. Tuy nhiên, theo quy định của Hiến pháp thì ba nhánh quyền lực này ở Việt Nam không phân biệt, đối lập và hoạt động theo nguyên tắc quyền lực nhà nước là thống nhất. Sự thống nhất về quyền lực nhà nước dẫn đến ba nhánh quyền lực nhà nước hiện nay hoạt động dưới sự lãnh đạo của Đảng thông qua các tổ chức đảng trong chính từng cơ quan quyền lực đó. 

Theo đó, có thể thấy Đảng chính là tổ chức có chức năng kiểm soát quyền lực của các thành viên [đảng viên] của mình trong tổ chức bộ máy nhà nước. Cấp ủy phải là công cụ đầu tiên, cơ bản để kiểm soát quyền lực. 

Tuy nhiên, mọi hoạt động quản lý nhà nước lại diễn ra qua bộ máy hành pháp hoặc nói cách khác là Chính phủ và chính quyền địa phương. Với chức năng hành pháp, Chính phủ kiến tạo, và bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương theo một hình thức quản trị, đó là nền hành chính tập trung, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện ba quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Sự phân công, phối hợp và kiểm soát tại thành một chế tổng quát, đó là Chính phủ quản lý chung, các bộ ngành và địa phương thực hiện chức năng được phân công hoặc được ủy quyền “Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm giám sát các cơ quan nhà nước ở địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền, phân cấp”. Tại khoản 2, Điều 12, Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 ghi rõ “Chính quyền địa phương tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn được phân quyền”.

“Tự chủ, tự chịu trách nhiệm” ở Việt Nam mới chỉ dừng lại ở việc trao cho chính quyền các cấp chủ động triển khai nhiệm vụ, quyền hạn được giao và phải chịu trách nhiệm trước hoạt động của mình. Vậy nếu chính quyền địa phương thực hiện nghiêm chỉnh một chính sách nào đó do Chính phủ ban hành, mà chính sách đó sai hoặc gây ra hậu quả thì ai chịu trách nhiệm?

Trong lý thuyết về quyền lực, có một số quan niệm cho rằng quyền lực bao giờ cũng có xu hướng bị lạm dụng, bị tha hóa... Vậy thì sinh ra quyền lực đó phải có công cụ để kiểm soát quyền lực. Đối với Việt Nam, có ba nhánh quyền lực [nhưng được phân công, phối hợp] đó là lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vai trò giám sát tối cao của Quốc hội được khẳng định là một công cụ giám sát hai nhánh quyền lực còn lại. Bên cạnh Đảng, Nhà nước, chúng ta có các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức đoàn thể quần chúng, các hiệp hội... Hiến pháp cho phép các tổ chức này tham gia giám sát hoạt động của Đảng và Nhà nước. Xét về mặt hình thức, vai trò này của các tổ chức nêu trên là công cụ để kiểm soát quyền lực. Tuy nhiên, mối quan hệ chằng chịt giữa những cá nhân tham gia các tổ chức này với các đối tượng phải được kiểm soát dẫn đến việc giám sát còn nhiều hạn chế. 

Mối quan hệ “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” cho thấy, muốn kiểm soát quyền lực tốt thì bản thân Đảng với các tổ chức từ trung ương đến địa phương phải chịu trách nhiệm trước hết đối với những biểu hiện lộng quyền từ phía các thành viên của mình. Hoạt động tích cực của Ủy ban Kiểm tra Đảng các cấp gần đây cho thấy chúng ta đã đi đúng hướng để kiểm soát quyền lực. Dân chủ trong tổ chức và hoạt động của Đảng bộ các cấp là bệ đỡ cho sự thành công theo hướng này, hoặc nói cách khác, tính dân chủ, công khai trong lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức của các cấp ủy đảng là nguyên tắc cơ bản phải được khẳng định và thực hiện nghiêm túc. Một đảng viên lãnh đạo có phẩm chất đạo đức cách mạng tốt, là tấm gương sáng thì tổ chức dưới quyền hoạt động có hiệu lực, hiệu quả. Mọi hoạt động của các tổ chức đảng phải công khai, minh bạch và chịu sự giám sát chặt chẽ của nhân dân. 

Bộ máy quản lý nhà nước phải chịu trách nhiệm trước Đảng về tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương thông qua hoạt động hoạch định và thực thi chính sách. Kỷ luật Đảng phải được coi là một công cụ răn đe đối với những đảng viên vi phạm. Quyết định sa thải cán bộ công chức, viên chức vi phạm là kỷ luật của Nhà nước. 

Thực tế cho thấy, ở địa phương nào các cấp ủy đảng làm tốt vai trò lãnh đạo của mình thì địa phương đó không có tình trạng “Đảng làm thay cho Nhà nước”. Mặt khác, Đảng lãnh đạo, chỉ đạo không có nghĩa là “cầm tay chỉ việc” cho chính quyền. Lợi dụng khái niệm “lãnh đạo, chỉ đạo” ở một mức độ vượt quá quy định của pháp luật là cơ sở cho sự lộng quyền chính trị. Đối với các cấp chính quyền, ngoài việc phải chịu sự lãnh đạo về mọi mặt từ phía các cấp ủy đảng còn phải đảm bảo tinh thần thượng tôn pháp luật trong tổ chức và hoạt động. 

Ngày nay, các quốc gia vẫn phải tiếp tục với những nỗ lực không ngừng để ngăn chặn, kiểm soát sự tha hóa quyền lực. Quyền lực phải được kiểm soát bằng cơ chế kiểm soát quyền lực được cụ thể hóa bằng pháp luật. Kiểm soát quyền lực nhà nước phải được tiến hành một cách đồng bộ, quyết liệt từ cấp ủy đảng và chính quyền các cấp, các tổ chức quần chúng nhân dân trên cơ sở hành lang pháp lý cụ thể, dễ thực hiện./.

PGS.TS. Nguyễn Ngọc Đào - Học viện Hành chính Quốc gia

-------------------------------------
Ghi chú: [1] Charles Montesquieu, Tinh thần pháp luật, Nxb Giáo dục, H.1996. [2] Nghị quyết số 12/NQ-TW ngày 16/01/2012. [3] Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XII. [4] Luật cán bộ, công chức năm 2008, Nxb CTQG, H.2009. [5] Luật Viên chức năm 2010, Nxb CTQG, H.2010.

[6] Jean Jaques Russeau, Bàn về khế ước xã hội, Nxb CTQG, H.1998.

Tài liệu tham khảo:  1. Hiến pháp năm 2013. 2. Nghị quyết số 12/NQ-TW của Ban Chấp hành Trung ương, 2012. 3. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4 khóa XII, 2016. 4. Nghị quyết Hội nghị Trung ương  lần thứ 5 khóa XII, 2017. 5. Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 7 khóa XII, 2018. 6. Luật cán bộ, công chức năm 2008, Nxb CTQG, H.2008. 7. Luật Viên chức 2010, Nxb CTQG, H.2010. 8. Luật Khiếu nại, Nxb CTQG, H.2011. 9. Luật Tố cáo, Nxb CTQG, H.2011. 10. Luật Tiếp công dân, Nxb CTQG, H.2013. 11. Ch.Montesquieu, Tinh thần pháp luật, Nxb Đại học Quốc gia, H.1996.

12. Jean Jaques Rousseau, Khế ước xã hội, Nxb CTQG, H.1998.

tcnn.vn

Video liên quan

Chủ Đề