Qua văn bản trên anh chị hiểu thế nào là nơi dựa của mỗi con người trong cuộc đời

Mình được mẹ chồng cho đọc bài kiểm tra văn đạt điểm 9 của Nam Anh tên thật là Minh Quân. Hôm nay, rảnh rỗi nên type lại và post lên blog. Có 1 đoạn giống trong văn mẫu, tuy nhiên mình thấy vẫn xứng đáng đạt điểm 9. Những đoạn in đậm là mình thích nhất.

NƠI DỰA
Người đàn bà nào dắt đứa nhỏ đi trên đường kia?
Khuôn mặt trẻ đẹp chìm vào những miền xa nào
Đứa bé đang lẫm chẫm muốn chạy lên, hai chân nó cứ ném về phía trước,
bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ.
Và cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có.
Ai biết đâu, đứa bé bước còn chưa vững lại chính là nơi dựa cho người
đàn bà kia sống.
Người chiến sĩ nào đỡ bà cụ trên đường kia?
Đôi mắt anh có cái ánh riêng của đôi mắt đã nhiều lần nhìn vào cái chết.
Bà cụ lưng còng tựa trên cánh tay anh, bước từng bước run rẩy.
Trên khuôn mặt già nua, không biết bao nhiêu nếp nhăn đan vào nhau, mỗi
nếp nhăn chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời.
Ai biết đâu, bà cụ bước không còn vững lại chính là nơi dựa cho người
chiến sĩ kia đi qua những thử thách.
[Nguyễn Đình Thi, Tia nắng, NXB Văn học, Hà Nội, 1983]
Đề bài: Từ ý nghĩa văn bản Nơi dựa- Nguyễn Đình Thi, hãy trình bày suy nghĩ của em về nơi dựa của mỗi người trong cuộc sống

Họ tên: Hồ Minh Quân Lớp 10A1 Trường Olympia:

Lời phê của thầy, cô giáo: Suy nghĩ chín chắn, chân thành, cởi mở. Song cô vẫn muốn gặp 1 Minh Quân sắc nhọn hơn, phân tích sâu sắc hơn.

Điểm 9

Nơi dựa cho ta thấy một giá trị nhân văn cao cả trong cuộc sống mỗi con người, một giá trị sâu sắc mà Tia nắng của Nguyễn Đình Thi đã dạy cho chúng ta. Đọc Nơi dựa tuy ngắn nhưng lại mang một ý nghĩa to lớn, đáng để cho ta học hỏi, ngẫm nghĩ. Còn bản thân tôi, sau khi đọc xong đoạn văn ấy lại mang một suy nghĩ riêng, một suy nghĩ kì lạ.

Nơi dựa là một hình ảnh, một giây phút, ngắn thôi nhưng thần kì! Không phải là một câu chuyện tầm thường hàng ngày người ta thường trao đổi với nhau mà trong đó con người gặp nhau và chào hỏi nhau đơn giản như một phép xã giao bình thường Mà là nột câu chuyện với một làn gió lạ, rất đỗi giản dị nhưng lại thâm thúy vô cùng giữa quan hệ con người với con người, cái quan hệ kể ra cũng buồn cười.

Đọc tác phẩm, ta chợt thấy thú vị bởi không chỉ nội dung câu chuyện, mà đến văn phong của tác giả cũng có nét thật đặc biệt. Những câu từ mộc mạc, giản đơn, không cao sang mà gần gũi, mặn mà và thân thuộc, hay những câu văn lửng lơ, tưởng như không có sắp xếp mà hóa ra lại là dụ ý của tác giả Đó là một sự kết hợp ngộ nghĩnh, một bản hòa ca êm ái, du dương mà chủ đề là cuộc sống với những con người bình thường, nhỏ bé nhưng lại có những suy nghĩ, tư tưởng lớn lao, tất cả đều được miêu tả rõ ràng, dễ cảm nhận.

Tác phẩm cho ta thấy những mảnh đời khác nhau, con người khác nhau với số phận và cuộc sống khác nhau, thế hệ khác nhau, cùng tụ họp lại, dựa vào nhau, bám lấy nhau và giúp đỡ lẫn nhau. Đó là cái mà tôi luôn gọi là tinh thần Việt dù là ai, dù ở đâu hay đi đâu, cứ là con đất Việt thì đều là người một nhà. Như bà cụ đã một đời lam lũ, mang trên mình bao dấu tích của thời gian, tựa vào tay anh bộ đội trẻ, bước tưng bước run rẩy. Vậy ai là nơi dựa của ai? Có lẽ mọi người đều nghĩ rằng đó là anh bộ đội kia ?! Nhưng ai biết đâu, cụ già với khuôn mặt đầy nếp nhăn, mà mỗi nếp nhăn ấy chứa đựng bao nỗi cực nhọc gắng gỏi một đời ấy lại chính là chỗ dựa cho anh bộ đội trẻ ấy. Bởi bà cụ đó như một tấm gương cho anh chiến sĩ, một tấm gương để anh noi theo, gắng sức bước tiếp chặng đường dài của cuộc đời mình và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ những con người như bà cụ kia, bẻ nhỏ nhưng vĩ đại Hay như đứa trẻ nọ, chân tay còn lẫm chẫm, bàn tay hoa hoa một điệu múa kì lạ, chạy lon ton bên người mẹ của nó, trẻ đẹp và đang chìm vào dòng suy tư kia. Phải chăng người đàn bà đó là nơi dựa của đứa bé ?! Nhưng ai biết đâu, đứa bé với cái miệng nhỏ líu lo không thành lời, hát một bài hát chưa từng có ấy lại là lý tưởng sống cho người mẹ, là kho báu, là cái mà cô đã rứt ruột đẻ đau, chịu ngàn gian khổ để có được, cho cô một động lực mạnh mẽ trong cuộc sống.

Nơi dựa của Nguyễn Đình Thi là một cái gì đó sâu sắc hơn cả những suy nghĩ tầm thường của chúng ta, ông nhìn được vào nội tâm con người, phán xét, nhìn nhận và đánh giá cuộc sống qua một lăng kính khác biệt. Như một sự thức tỉnh trong mỗi chúng ta, cho ta thêm yêu thương những con người xung quanh ta, dù là lớn hay nhỏ, trân trọng họ, luôn bên họ để họ biết rằng ta là nơi dựa của họ và họ cũng là nơi dựa cho ta, để ta thấy an toàn, thấy có thêm nghị lực để không bỏ cuộc.

Nhưng tôi vẫn tự hỏi nơi dựa trong cuộc sống, rốt cuộc là gì nhỉ? Nguyễn Đình Thi đã cho tôi câu trả lời, rằng nơi dựa thực sự gần hơn ta tưởng. Có thể là gia đình, là bố mẹ, ông bà, anh chị hay em, vì điều đó cho ta cảm giác có trách nhiệm hơn, hay những người hàng xóm, luôn tốt bụng và sẵn sàng giúp đỡ, hay thậm chí là cả những con người hoàn toàn xa lạ, như bà cụ và anh bộ đội, với anh, cụ có một ý nghĩa cao cả như một người thân. Nơi dựa có thể bắt nguồn từ bất kì ai, bất kì giai cấp nào, không phân biệt tuổi tác, địa vị. Như Marc Levy đã từng nói: Ai cũng đều là một người ngoài của một người nào đó còn tôi, Ai cũng đều là nơi dựa của một người nào đó.

Hẳn ai cũng đã có lần gặp biến cố trong cuộc sống, và nó làm ta suy sụp, khiến ta muốn từ bỏ, đôi khi lạc lối. Khi còn rất nhỏ, ông nội tôi qua đời, điều đó khiến tôi suy sụp, dần dần trở nên lầm lì và ít nói, tự khép mình lại, chỉ biết ngồi một góc và khóc. Tôi đã khóc nhiều đến nỗi không còn đủ sức để khóc nữa, và tôi ngủ thiếp đi, và tôi đã mơ Trong giấc mơ, tôi mơ được gặp ông, được nói chuyện với ông và lại được nghe ông kể chuyện như ngày nào, và rồi tôi chợt bừng tỉnh, vuốt vội những giọt nước mắt kia đi, nhưng chúng vẫn không ngừng tuôn ra, vì tôi hạnh phúc. Vào cái khoảnh khắc ấy, tôi chợt nhận ra rằng, Khi bạn yêu một ai đó, họ sẽ mãi ở trong trái tim mình và luôn luôn đi theo, nhìn theo chúng ta, là nơi dựa của chúng ta dù ở nơi đâu.

Quan niệm của tôi về Nơi dựa đó là nơi mà ta cảm thấy thật sự yên tâm, được an toàn, giãi bày tâm sự và là chính mình. Là những con người mà tôi yêu quý, tin tưởng và tôn trọng nhất và nếu được, tôi cũng muốn trở thành nơi dựa của họ.

p/s: Một câu mà Nam Anh có trích dẫn trong bài viết của Marc Levy được trích từ tác phẩm Những đứa con của tự do: Tất cả chúng ta , đều là người ngoài của một ai đó !

Marc Levy

Comments

comments

Video liên quan

Chủ Đề