Phân tích vai trợ của thủ tục phân tích trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán

Mục lục bài viết

  • 1. Thủ tục phân tích trong kiểm toán tài chính là gì?
  • 2. Nội dung phân tích trong kiểm toán tài chính
  • 3. Thủ tục phân tích cơ bản
  • 4. Các thủ tục phân tích hỗ trợ khi hình thành kết luận, kiến nghị kiểm toán
  • 5. Tài liệu, hồ sơ kiểm toán

1. Thủ tục phân tích trong kiểm toán tài chính là gì?

Trong hệ thống chuẩn mực kiểm toán nhà nước, thuật ngữ Thủ tục phân tích được hiểu như sau: Thủ tục phân tích: Là việc đánh giá thông tin tài chính thông qua việc phân tích các mối quan hệ hợp lý giữa dữ liệu tài chính và phi tài chính; việc kiểm tra, xác minh khi cần thiết về các biến động hoặc các mối quan hệ được xác định là không nhất quán với các thông tin liên quan khác hoặc có sự chênh lệch đáng kể so với các giá trị dự tính. Thủ tục phân tích trong kiểm toán tài chính gồm thủ tục phân tích cơ bản và thủ tục phân tích hỗ trợ; thủ tục phân tích cơ bản được sử dụng trong các giai đoạn của cuộc kiểm toán, thủ tục phân tích hỗ trợ được sử dụng trong giai đoạn gần kết thúc cuộc kiểm toán.

Các thuật ngữ khác sử dụng trong chuẩn mực này được định nghĩa như trong các chuẩn mực kiểm toán do Kiểm toán nhà nước ban hành.

2. Nội dung phân tích trong kiểm toán tài chính

Khi thực hiện các thủ tục phân tích trong cuộc kiểm toán tài chính, kiểm toán viên nhà nước phải tiến hành các công việc sau:

- So sánh và phân tích để đánh giá sự phù hợp, mức độ chính xác, mức độ tin cậy của các thông tin tài chính của đơn vị với các thông tin có thể so sánh được của các kỳ trước, với các dự toán, các ước tính của đơn vị được kiểm toán và của kiểm toán viên nhà nước, với các thông tin tương tự trong cùng ngành, lĩnh vực hoặc địa phương;

- Xem xét, đánh giá sự phù hợp của các mối quan hệ giữa các yếu tố của thông tin tài chính được kỳ vọng theo một chiều hướng có thể dự đoán được của đơn vị được kiểm toán, giữa thông tin tài chính và thông tin phi tài chính của đơn vị được kiểm toán;

- Kiểm toán viên nhà nước có thể sử dụng nhiều phương pháp khác nhau để thực hiện các thủ tục phân tích, từ việc so sánh đơn giản đến các phân tích phức tạp đòi hỏi phải sử dụng các kỹ thuật thống kê tiên tiến; các thủ tục phân tích có thể được áp dụng cho báo cáo tài chính hợp nhất, báo cáo tổng hợp, các bộ phận cấu thành hoặc các yếu tố riêng lẻ của thông tin tài chính.

3. Thủ tục phân tích cơ bản

Khi thiết kế và thực hiện thủ tục phân tích cơ bản một cách độc lập hoặc kết hợp với kiểm tra chi tiết như là các thử nghiệm cơ bản, kiểm toán viên nhà nước phải:

- Xác định sự phù hợp của các thủ tục phân tích cơ bản cụ thể đối với các cơ sở dẫn liệu nhất định, trong đó có tính đến rủi ro có sai sót trọng yếu đã được đánh giá và các kiểm tra chi tiết(nếu có)đối với các cơ sở dẫn liệu này;

- Đánh giá độ tin cậy của dữ liệu mà kiểm toán viên nhà nước sử dụng để dự tính về các số liệu, tỷ suất đã ghi nhận, trong đó có xem xét đến nguồn gốc, tính có thể so sánh được, nội dung và sự phù hợp của thông tin sẵn có, và các kiểm soát đối với việc tạo lập thông tin;

- Dự tính về các số liệu, tỷ suất đã ghi nhận và đánh giá liệu dự tính này có đủ chính xác để xác định một sai sót, khi xét riêng lẻ hoặc kết hợp với các sai sót khác, có thể làm cho báo cáo tài chính bị sai sót trọng yếu hay không;

- Xác định giá trị của bất kỳ chênh lệch nào có thể chấp nhận được giữa số liệu đơn vị đã ghi nhận và giá trị dự tính mà không cần kiểm tra lại.

Các thử nghiệm cơ bản kiểm toán viên nhà nước thực hiện ở cấp độ cơ sở dẫn liệu có thể là kiểm tra chi tiết, thủ tục phân tích cơ bản, hoặc kết hợp thực hiện cả kiểm tra chi tiết và thủ tục phân tích cơ bản. Việc quyết định thực hiện thủ tục kiểm toán, quyết định có sử dụng thủ tục phân tích cơ bản hay không, tùy thuộc vào xét đoán của kiểm toán viên nhà nước về hiệu quả và hiệu suất của các thủ tục kiểm toán có thể áp dụng để giảm rủi ro kiểm toán ở cấp độ cơ sở dẫn liệu xuống mức có thể chấp nhận được.

Kiểm toán viên nhà nước có thể phỏng vấn đơn vị được kiểm toán về mức độ sẵn có và độ tin cậy của các thông tin cần thiết cho việc áp dụng các thủ tục phân tích cơ bản và kết quả của bất kỳ thủ tục phân tích nào đơn vị được kiểm toán đã thực hiện. Việc sử dụng dữ liệu do đơn vị được kiểm toán lập và kết quả thực hiện các thủ tục phân tích của đơn vị được kiểm toán có hiệu quả nếu kiểm toán viên nhà nước cho rằng các dữ liệu và kết quả của các thủ tục phân tích này được lập một cách đúng đắn.

- Sự phù hợp của các thủ tục phân tích cụ thể đối với các cơ sở dẫn liệu nhất định

Các thủ tục phân tích cơ bản thường dễ áp dụng hơn đối với các giao dịch lớn có thể dự đoán được theo thời gian; việc áp dụng các thủ tục phân tích đã dự kiến dựa trên kỳ vọng có mối quan hệ giữa các dữ liệu và không có thông tin trái ngược liên quan đến mối quan hệ đó; sự phù hợp của một thủ tục phân tích cụ thể phụ thuộc vào đánh giá của kiểm toán viên nhà nước về hiệu quả của việc phát hiện một sai sót, mà khi xét riêng lẻ hay kết hợp với các sai sót khác, có thể làm cho thông tin tài chính, báo cáo tài chính chứa đựng sai sót trọng yếu.

Trong một số trường hợp, việc áp dụng một mô hình hoặc một phương pháp dự đoán, tính toán không phức tạp có thể cũng hiệu quả như áp dụng một thủ tục phân tích.

Khi áp dụng các thủ tục phân tích khác nhau có thể cho các mức độ đảm bảo khác nhau. Các thủ tục phân tích có thể cung cấp bằng chứng thuyết phục và loại bỏ sự cần thiết phải kiểm tra chi tiết, với điều kiện là các yếu tố được kiểm tra chi tiết là phù hợp; ngược lại, việc tính toán và so sánh có thể cung cấp bằng chứng ít thuyết phục, nhưng lại cung cấp bằng chứng chứng thực hữu ích nếu được sử dụng kết hợp với các thủ tục kiểm toán khác.

Đặc điểm của các cơ sở dẫn liệu và đánh giá của kiểm toán viên nhà nước về rủi ro có sai sót trọng yếu có ảnh hưởng đến việc xác định tính phù hợp của các thủ tục phân tích cơ bản cụ thể.

Các thủ tục phân tích cơ bản cụ thể cũng có thể được coi là phù hợp khi Kiểm toán viên nhà nước thực hiện kiểm tra chi tiết cho cùng một cơ sở dẫn liệu.

Khi kiểm toán doanh nghiệp nhà nước, kiểm toán viên nhà nước thường xem xét mối quan hệ giữa các khoản mục riêng lẻ của báo cáo tài chính; tuy nhiên, việc xem xét này có thể không phù hợp khi kiểm toán các đơn vị thuộc lĩnh vực công khác, vì các đơn vị này ít khi có mối quan hệ trực tiếp giữa doanh thu và chi phí, các khoản chi mua tài sản không được vốn hóa, có thể không có mối liên hệ giữa các chi phí và có thể không có số liệu của ngành hoặc các số liệu thống kê cho mục đích so sánh. Do vậy, cùng với việc xem xét mối quan hệ giữa các khoản mục riêng lẻ của báo cáo tài chính, kiểm toán viên nhà nước phải xem xét các thông tin phi tài chính và các thông tin về tính tuân thủ có liên quan.

- Độ tin cậy của dữ liệu

Độ tin cậy của dữ liệu chịu ảnh hưởng của nguồn gốc, nội dung của dữ liệu và phụ thuộc vào hoàn cảnh mà dữ liệu được thu thập. Do vậy, để xác định liệu dữ liệu có đáng tin cậy cho việc thiết kế các thủ tục phân tích cơ bản hay không, kiểm toán viên nhà nước cần xem xét các yếu tố: nguồn gốc của thông tin thu thập được; khả năng so sánh của thông tin thu thập được; nội dung và sự phù hợp của thông tin thu thập được; các kiểm soát đối với việc tạo lập thông tin được thiết kế để đảm bảo tính đầy đủ, tính chính xác và tính hợp lý của thông tin. Quy định tại Đoạn này cũng áp dụng cho trường hợp kiểm toán viên nhà nước thực hiện các thủ tục phân tích cơ bản đối với các thông tin tài chính, báo cáo tài chính cuối kỳ của đơn vị hay tại thời điểm giữa kỳ và có kế hoạch thực hiện các thủ tục phân tích cơ bản cho giai đoạn còn lại được thực hiện tương tự.

Kiểm toán viên nhà nước có thể cân nhắc việc kiểm tra tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát (nếu có) đối với việc tạo lập thông tin sử dụng để thực hiện các thủ tục phân tích cơ bản nhằm xử lý các rủi ro đã đánh giá. Khi các kiểm soát đó hoạt động hữu hiệu, kiểm toán viên nhà nước thường tin tưởng hơn vào độ tin cậy của thông tin và do đó cũng tin tưởng hơn vào kết quả của các thủ tục phân tích. Việc kiểm tra tính hữu hiệu của hoạt động kiểm soát đối với thông tin phi tài chính thường được thực hiện kết hợp với các thử nghiệm kiểm soát khác.

- Đánh giá tính chính xác của dự tính

Khi đánh giá về việc liệu dự tính được đưa ra có đủ chính xác để xác định một sai sót mà khi kết hợp với các sai sót khác có thể làm cho thông tin tài chính, báo cáo tài chính bị sai sót trọng yếu hay không, các vấn đề liên quan đến đánh giá của kiểm toán viên nhà nước, gồm:

- Độ chính xác trong việc dự đoán về các kết quả dự tính của thủ tục phân tích cơ bản.

- Mức độ thông tin có thể được phân tách. Chẳng hạn, áp dụng thủ tục phân tích cơ bản đối với thông tin tài chính về các phần riêng lẻ của một hoạt động hoặc đối với báo cáo tài chính của các bộ phận trong một đơn vị đa ngành nghề có thể sẽ hiệu quả hơn so với áp dụng cho báo cáo tài chính tổng thể của đơn vị.

- Mức độ sẵn có của thông tin tài chính và phi tài chính. Nếu có sẵn các thông tin này, kiểm toán viên cũng có thể xem xét độ tin cậy của thông tin.

- Giá trị chênh lệch có thể chấp nhận được giữa số liệu đơn vị đã ghi nhận và giá trị dự tính:

Việc kiểm toán viên nhà nước xác định giá trị chênh lệch có thể chấp nhận được so với dự tính mà không cần điều tra thêm bị ảnh hưởng bởi mức trọng yếu (theo quy định tại CMKTNN 1320 - Xác định và vận dụng trọng yếu kiểm toán trong kiểm toán tài chính)và tính nhất quán với mức độ đảm bảo mong muốn, trong đó có tính đến khả năng một sai sót, khi xét riêng lẻ hoặc kết hợp với các sai sót khác, có thể làm cho báo cáo tài chính chứa đựng sai sót trọng yếu. CMKTNN 1315 - Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính quy định mức độ rủi ro được kiểm toán viên nhà nước đánh giá càng cao thì càng phải thu thập bằng chứng kiểm toán thuyết phục hơn. Theo đó, khi mức độ rủi ro được đánh giá tăng lên, giá trị chênh lệch có thể coi là chấp nhận được mà không cần điều tra thêm sẽ giảm xuống nhằm thu được bằng chứng có mức độ thuyết phục mong muốn (theo quy định tại CMKTNN 1315 - Xác định và đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu thông qua hiểu biết về đơn vị được kiểm toán và môi trường hoạt động của đơn vị trong kiểm toán tài chính).

4. Các thủ tục phân tích hỗ trợ khi hình thành kết luận, kiến nghị kiểm toán

Kiểm toán viên nhà nước phải thiết kế và thực hiện các thủ tục phân tích vào giai đoạn gần kết thúc cuộc kiểm toán để giúp hình thành các kết luận tổng thể về sự nhất quán giữa thông tin tài chính, báo cáo tài chính với hiểu biết của kiểm toán viên nhà nước về đơn vị được kiểm toán.

Kiểm toán viên nhà nước sử dụng các kết luận rút ra từ kết quả của các thủ tục phân tích hỗ trợ để chứng minh cho các kết luận đã hình thành trong quá trình kiểm toán các thông tin tài chính, các cơ sở dẫn liệu, các bộ phận hoặc yếu tố riêng lẻ của báo cáo tài chính. Việc này giúp kiểm toán viên nhà nước rút ra các kết luận hợp lý làm cơ sở hình thành kết luận và kiến nghị kiểm toán. Các thủ tục phân tích này có thể tương tự với các thủ tục phân tích được sử dụng để đánh giá rủi ro.

Kết quả của các thủ tục phân tích hỗ trợ khi hình thành kết luận tổng thể có thể giúp kiểm toán viên nhà nước xác định được rủi ro có sai sót trọng yếu chưa được phát hiện trước đó. Khi đó, kiểm toán viên nhà nước phải xem xét lại đánh giá của mình về rủi ro có sai sót trọng yếu và điều chỉnh các thủ tục kiểm toán tiếp theo đã đề ra.

- Kiểm tra lại kết quả của các thủ tục phân tích

Nếu việc thực hiện các thủ tục phân tích theo quy định của Chuẩn mực này giúp kiểm toán viên nhà nước phát hiện được các biến động hoặc các mối quan hệ không nhất quán với các thông tin liên quan khác hoặc có chênh lệch đáng kể so với các giá trị dự tính, kiểm toán viên nhà nước phải kiểm tra lại những khác biệt này bằng cách:

- Phỏng vấn đơn vị được kiểm toán và thu thập bằng chứng kiểm toán thích hợp liên quan đến các câu trả lời của đơn vị được kiểm toán bằng cách đánh giá các câu trả lời đó; trong đó vận dụng hiểu biết của kiểm toán viên nhà nước về đơn vị được kiểm toán và môi trường của đơn vị được kiểm toán và kết hợp với các bằng chứng kiểm toán khác đã thu thập được trong quá trình kiểm toán;

- Thực hiện các thủ tục kiểm toán khác nếu thấy cần thiết, tùy theo từng trường hợp cụ thể. Kiểm toán viên nhà nước có thể cần thực hiện các thủ tục kiểm toán khác trong trường hợp đơn vị được kiểm toán không thể giải thích được, hoặc giải thích đó khi kết hợp với những bằng chứng kiểm toán khác liên quan đến câu trả lời phỏng vấn của đơn vị được kiểm toán, được coi là không thỏa đáng.

5. Tài liệu, hồ sơ kiểm toán

Kiểm toán viên nhà nước lập và lưu trong tài liệu, hồ sơ kiểm toán theo quy định tại CMKTNN 1230 - Tài liệu, hồ sơ kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính, đồng thời lưu ý lập và lưu trong tài liệu, hồ sơ kiểm toán những vấn đề sau:

- Các thông tin, tài liệu, dữ liệu, bằng chứng kiểm toán sử dụng để thực hiện các thủ tục phân tích.

- Các tài liệu, biên bản làm việc với đơn vị được kiểm toán liên quan đến thực hiện các thủ tục phân tích.

- Tài liệu, hồ sơ của kiểm toán viên nhà nước phản ánh việc thực hiện các thủ tục phân tích.

- Các tài liệu khác có liên quan.