Phân tích các yêu cầu thỏa thuận hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong GDNN

Xây dựng mối quan hệ cùng có lợi

Theo đánh giá của Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, năm 2018, với chủ trương đúng đắn, sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo ngành, việc gắn kết giữa GDNN với thị trường lao động và việc làm bền vững đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cơ chế phối hợp ba bên: Nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp đang bắt đầu hình thành và vận hành tốt trong thực tiễn thông qua chương trình phối hợp công tác giữa Tổng cục GDNN với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), các hiệp hội, tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và ngoài nước. Nhiều địa phương đã quan tâm đến hoạt động gắn kết với doanh nghiệp; các cơ sở GDNN đã chủ động, thuận lợi hơn khi tìm đến doanh nghiệp; các doanh nghiệp đã tích cực hơn trong việc tiếp cận, tìm đến các nhà trường. Những kết quả hoạt động nêu trên bước đầu đã tạo nên sự chuyển biến về chất lượng GDNN, gắn đào tạo với việc làm và thị trường lao động.

Theo đánh giá của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc, doanh nghiệp sẽ là động lực chính để thúc đẩy GDNN ở nước ta. Nhà nước tạo ra chính sách, khuôn khổ, còn doanh nghiệp mới là người sử dụng nguồn lao động, cho nên họ phải là người đầu tư, định hướng vào thị trường GDNN. Ðể mối liên kết này thật sự hiệu quả, doanh nghiệp phải gắn kết với các trường nghề từ khâu tuyển sinh - đào tạo - sử dụng.

Tại Trường cao đẳng Lý Tự Trọng (TP Hồ Chí Minh) "xây dựng mối liên kết bền vững giữa nhà trường và doanh nghiệp được xem là nhiệm vụ quan trọng". Trường đã có nhiều cách làm hay để xây dựng mối liên kết này, từ việc cùng doanh nghiệp tham gia hỗ trợ trường trong các hoạt động tư vấn tuyển sinh; tham gia xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo. Hằng năm nhà trường tổ chức các ngày hội việc làm tại trường, chủ động mời các doanh nghiệp đến trường gặp gỡ, trao đổi trực tiếp với HSSV để giới thiệu về các ngành, nghề đào tạo của trường với các doanh nghiệp, cũng như giúp HSSV có thể tiếp nhận và trao đổi thông tin cần thiết về điều kiện tuyển dụng của các doanh nghiệp, về cơ hội nghề nghiệp; tổ chức các buổi tham quan thực tế tại các doanh nghiệp cho HSSV của trường, tham quan, tiếp cận trực tiếp quy trình và công nghệ vận hành sản xuất của các công ty trong khu công nghiệp, khu chế xuất...

Giám đốc Trung tâm nhân lực (Công ty cổ phần Fecon) Vũ Phi Trường chia sẻ, với đội ngũ khoảng 1.900 lao động, Fecon đặc biệt chú trọng tới việc phát triển nguồn nhân lực. Là đơn vị hoạt động trong nhiều lĩnh vực, cho nên công ty đòi hỏi nguồn nhân lực chất lượng cao ở nhiều ngành nghề. Fecon đã từng mất nhiều thời gian "loay hoay" trong công tác tuyển dụng khi tìm kiếm nguồn nhân lực cho công ty. Việc liên kết với trường nghề là hướng đi đúng đắn của doanh nghiệp.

Là đơn vị liên kết với Fecon, Hiệu trưởng Trường cao đẳng nghề Việt Xô 1 (Vĩnh Phúc) Trần Ðức Tiệp cho biết, cùng với Fecon, nhà trường đã ký kết đào tạo và cung ứng lao động cho hàng trăm doanh nghiệp trên địa bàn và cả nước. Yếu tố quan trọng trong mối liên kết này là có sự tham gia của các doanh nghiệp trong các khâu tuyển sinh, đào tạo. Theo Hiệu trưởng Trần Ðức Tiệp, nhà trường đã phải thay đổi rất nhiều trong cách đào tạo, nắm bắt nhu cầu của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng đào tạo và mục tiêu cuối cùng là giải quyết việc làm sau khi sinh viên tốt nghiệp...

Ðây mới thật sự là điểm mấu chốt, giá trị cốt lõi cho sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Cần sự phối hợp đồng bộ

Gắn kết nhà trường và doanh nghiệp, bên cạnh những kết quả bước đầu đã đạt được, trên thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, khi chất lượng hợp tác giữa doanh nghiệp và các cơ sở GDNN vẫn chưa cao; theo thống kê tỷ lệ hợp tác này mới chỉ đạt khoảng 9,11%. Khung pháp lý về trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN chưa được áp dụng trong thực tiễn; thiếu các chế tài trong tuyển dụng, sử dụng lao động qua đào tạo của doanh nghiệp; nhiều doanh nghiệp chỉ muốn tuyển lao động phổ thông, không qua đào tạo nghề nghiệp.

Doanh nghiệp chưa cung cấp nhu cầu nhân lực lao động hằng năm cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động và GDNN theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp, cho nên trên thực tế, các cơ sở GDNN vẫn chưa thật sự đào tạo theo sát với nhu cầu của doanh nghiệp; doanh nghiệp còn thiếu thông tin về cơ chế, chính sách, cơ chế lợi ích khi tham gia đào tạo nghề nghiệp. Một số chương trình hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, Nhà nước với doanh nghiệp đã được ký kết nhưng chưa có nhiều hoạt động, chưa tìm ra được cơ chế hoạt động hiệu quả...

Tiến sĩ Trương Anh Dũng, Phó Tổng cục trưởng GDNN cho rằng, để mối quan hệ "cộng sinh" này hoạt động thật sự hiệu quả, phải sớm rà soát lại cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho mối quan hệ này. Ðồng thời, mối quan hệ này phải nhìn rộng hơn, từ khâu dự báo nguồn nhân lực đến xác định nhu cầu từ khâu xây dựng tiêu chuẩn, chương trình đến tuyển sinh, đào tạo và đánh giá tuyển dụng sau đào tạo... Vì vậy, doanh nghiệp phải thấy rõ trách nhiệm của mình trong khâu dự báo nhu cầu, khâu phối hợp đào tạo, tuyển dụng...

Còn về phía nhà trường, phải thay đổi cách thức đào tạo, chuyển từ hướng trọng "cung" sang hướng trọng "cầu"; bám sát doanh nghiệp để biết nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, từ đó có thể thích ứng với nhu cầu của thị trường lao động...

Có thể thấy, mối liên kết giữa nhà trường và doanh nghiệp có một vị trí đặc biệt quan trọng trong việc bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm đào tạo của nhà trường, cũng là nguồn nhân lực đầu vào của doanh nghiệp. Chính vì vậy, thời gian tới cần có giải pháp đồng bộ nhằm xây dựng và thắt chặt mối liên kết này một cách bền vững. Coi đó là giải pháp tối ưu để đạt được sự đồng thuận và mang lại nhiều lợi ích thiết thực, lâu dài cho cả hai phía trong quá trình tuyển sinh, đào tạo; phát triển và sử dụng nguồn nhân lực, để cả nhà trường và doanh nghiệp đều có thêm nhiều cơ hội thành công.

Nhật Anh

BỘ LAO ĐỘNG – THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI
TỔNG CỤC GIÁO DỤC
NGHỀ NGHIỆP

——-

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

—————

Số: 589/TCGDNN-ĐTCQ
Về việc đẩy mạnh hợp tác giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp

Hà Nội, ngày 29 tháng 03 năm 2018

Kính gửi: Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Ngày 02 tháng 3 năm 2018, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 786/LĐTBXH-TCGDNN về việc gắn kết giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với doanh nghiệp gửi các Bộ, ngành Trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương để chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các cơ sở GDNN thuộc quyền quản lý triển khai đồng bộ một số nhiệm vụ, giải pháp tăng cường gắn kết với doanh nghiệp.

Để giúp các cơ sở GDNN thực tốt việc gắn kết với doanh nghiệp theo chỉ đạo nêu trên, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp hướng dẫn các cơ sở GDNN triển khai, thực hiện một số hoạt động sau:

1. Về công tác tổ chức, kết nối với doanh nghiệp

– Kiện toàn hoặc thành lập bộ phận chức năng làm nhiệm vụ đầu mối hợp tác đào tạo với doanh nghiệp; thiết lập kênh thông tin tiếp nhận nhu cầu đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp; triển khai nhiệm vụ đào tạo theo đặt hàng;

– Chủ động tiếp cận và tìm đến các doanh nghiệp trên địa bàn để đề xuất và ký kết các chương trình hợp tác (hợp đồng liên kết đào tạo, hợp đồng đặt hàng đào tạo hoặc các thỏa thuận hợp tác khác.v.v…); xây dựng mạng lưới doanh nghiệp đối tác đào tạo và tuyển dụng thường xuyên;

– Tăng cường truyền thông để thu hút sự quan tâm của doanh nghiệp, người học và xã hội về GDNN; thông tin về chính sách của Nhà nước đến với doanh nghiệp, nhất là các chính sách thuế cho doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN (tham khảo Phụ lục kèm theo); thiết lập kênh thông tin (website, email, điện thoại.v.v…) về hợp tác với các doanh nghiệp của cơ sở GDNN;

– Xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch đấy mạnh hợp tác với doanh nghiệp trong năm 2018; báo cáo kết quả thực hiện ban đầu cùng các kiến nghị đề xuất về Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Địa chỉ: 37B Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hai Bà Trưng, Hà Nội; email: ), Sở Lao động – Thương binh và Xã hội các địa phương và các Bộ, ngành chủ quản.

2. Về thực hiện các chương trình hợp tác với doanh nghiệp

a) Liên kết đào tạo với doanh nghiệp

– Liên kết đào tạo với doanh nghiệp là sự phối hợp với doanh nghiệp để tổ chức thực hiện các chương trình đào tạo cấp bằng tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp, chứng chỉ sơ cấp và các chứng chỉ đào tạo khác thông qua hợp đồng liên kết đào tạo. Cơ sở GDNN là đơn vị chủ trì liên kết đào tạo, doanh nghiệp là đơn vị phối hợp liên kết đào tạo;

– Hợp đồng liên kết đào tạo với doanh nghiệp cần quy định cụ thể về những nội dung sau:

+ Quyền, trách nhiệm của các bên (nhà trường, doanh nghiệp, người dạy, người học);

+ Thống nhất nội dung chương trình đào tạo theo chuẩn đầu ra (theo hướng giảm thời gian đào tạo lý thuyết, tăng thời gian thực hành, thực tập tại doanh nghiệp), kế hoạch tiến độ đào tạo, thời gian đào tạo tại doanh nghiệp và thời gian đào tạo tại cơ sở GDNN (doanh nghiệp có thể đảm nhận tới 40% chương trình đào tạo, nhất là phần đào tạo thực hành);

+ Hình thức tổ chức kiểm tra, đánh giá;

+ Phụ cấp hoặc tiền lương cho nhà giáo, người học nếu làm ra sản phẩm đạt quy cách trong quá trình thực hành, thực tập tại doanh nghiệp;

+ Phụ cấp hoặc tiền lương của cơ sở GDNN trả cho người hướng dẫn của doanh nghiệp (nếu có);

+ Những nội dung khác liên quan đến quyền và trách nhiệm của các bên.

– Việc tổ chức liên kết đào tạo với doanh nghiệp; quyền và trách nhiệm của các bên trong liên kết đào tạo được thực hiện theo quy định tại Thông tư số 29/2017/TT-BLĐTBXH ngày 15/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về liên kết chương trình đào tạo; Thông tư số 09/2017/TT-BLĐTBXH ngày 13/03/2017 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định việc tổ chức thực hiện chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng theo niên chế hoặc theo phương thức tích lũy mô-đun hoặc tín chỉ; quy chế kiểm tra, thi, xét công nhận tốt nghiệp; Thông tư số 42/2015/TT-BLĐTBXH ngày 20/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội quy định về đào tạo trình độ sơ cấp và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

b) Đào tạo theo đặt hàng của doanh nghiệp

– Cơ sở GDNN tổ chức việc đào tạo theo hợp đồng đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp để đào tạo nhân lực lao động cho doanh nghiệp;

– Hợp đồng đặt hàng đào tạo của doanh nghiệp cần quy định cụ thể về những nội dung tương tự như Hợp đồng liên kết đào tạo với doanh nghiệp và có điều khoản quy định việc tiếp nhận người học sau quá trình đào tạo nếu đạt yêu cầu của doanh nghiệp;

– Việc tổ chức đào tạo theo đặt hàng được áp dụng theo hình thức đào tạo chính quy hoặc thường xuyên theo quy định của Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, bảo đảm đáp ứng theo yêu cầu đặt hàng của doanh nghiệp.

c) Các chương trình hợp tác khác

Ngoài hai chương trình hợp tác chính nêu trên, cơ sở GDNN cần chủ động hợp tác với doanh nghiệp thông qua các thỏa thuận hợp tác giữa các bên trong các hoạt động sau:

– Hợp tác trong việc rà soát và điều chỉnh các chương trình, giáo trình đào tạo của cơ sở GDNN đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động;

– Hợp tác tổ chức cho nhà giáo đi thực hành, thực tập tại doanh nghiệp; mời cán bộ kỹ thuật, chuyên gia đến từ doanh nghiệp để giảng dạy, tham gia vào hội đồng trường của các trường cao đẳng, trường trung cấp công lập, hội đồng quản trị trường cao đẳng, trường trung cấp tư thục và các hội đồng chuyên môn khác của cơ sở GDNN;

– Hợp tác tổ chức, bồi dưỡng kỹ năng giảng dạy, kỹ năng tổ chức, quản lý đào tạo cho nhà giáo của các cơ sở GDNN và người dạy của doanh nghiệp tham gia giảng dạy;

– Hợp tác trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho các cơ sở GDNN.

3. Về nhà giáo, người dạy trong các chương trình liên kết, đặt hàng đào tạo và các chương trình hợp tác đào tạo khác

– Nhà giáo giảng dạy trong các chương trình liên kết, đặt hàng đào tạo và các chương trình hợp tác đào tạo khác với doanh nghiệp là nhà giáo của cơ sở GDNN có tiêu chuẩn theo quy định tại Khoản 4 Điều 53 Luật Giáo dục nghề nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Cơ sở GDNN cần bố trí nhà giáo tham gia hướng dẫn, quản lý người học trong các chương trình liên kết, đặt hàng đào tạo và các chương trình hợp tác khác khi người học thực hành, thực tập tại doanh nghiệp;

– Người dạy của doanh nghiệp trong các chương trình liên kết đào tạo, đặt hàng đào tạo và các chương trình hợp tác đào tạo khác với doanh nghiệp là cử nhân, kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, nghệ nhân, người có tay nghề cao.v.v…có đủ tiêu chuẩn theo quy định về chuẩn nhà giáo GDNN tại từng cấp trình độ đào tạo tương ứng, được người đứng đầu doanh nghiệp cử tham gia giảng dạy, hướng dẫn thực hành, thực tập cho người học trong các chương trình liên kết đào tạo, đặt hàng đào tạo và các chương trình hợp tác khác. Người dạy của doanh nghiệp được sinh hoạt chuyên môn với đơn vị tham gia giảng dạy của cơ sở GDNN.

Trên đây là một số hướng dẫn về đẩy mạnh hợp tác với doanh nghiệp. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng mắc đề nghị các cơ sở GDNN liên hệ với Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp để được hỗ trợ1./.

– Như trên; – Lãnh đạo Bộ (để báo cáo); – Các Sở LĐTB&XH (để biết);

– Lưu: VT, TCGDNN.

TỔNG CỤC TRƯỞNG

Nguyễn Hồng Minh

PHỤ LỤC

THÔNG TIN VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI CHO DOANH NGHIỆP KHI THAM GIA HOẠT ĐỘNG GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP
(Kèm theo Công văn số 589/TCGDNN-ĐTCQ ngày 29 tháng 3 năm 2018 của Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp)

Theo quy định của Bộ luật Lao động, Luật Giáo dục nghề nghiệp, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế xuất, nhập khẩu, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa .v.v.. và các văn bản hướng dẫn thi hành, các doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN được hưởng một số chính sách ưu đãi như sau:

1. Chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp

a) Chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế

Theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế và các văn bản hướng dẫn (Thông tư số 11/VBHN-BTC ngày 15/5/2017 của Bộ Tài chính về hợp nhất hướng dẫn một số chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp…), doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN thì được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế đối với những khoản chi sau:

– Chi phí trả cho người dạy; chi phí cho biên soạn tài liệu học tập; chi phí cho mua sắm thiết bị dùng để hoạt động GDNN, vật liệu thực hành;

– Chi phí xây dựng cơ sở vật chất, chi phí mua sắm máy, thiết bị là tài sản cố định dùng để tổ chức hoạt động GDNN được trích khấu hao tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế;

– Các chi phí khác hỗ trợ cho người học và các khoản chi khi tham gia hoạt động GDNN theo quy định.

– Chi phí đào tạo của doanh nghiệp cho người lao động được tuyển dụng vào làm việc tại doanh nghiệp;

– Chi tài trợ cho các cơ sở GDNN công lập, tư thục mà khoản tài trợ này không phải là để góp vốn, mua cổ phần trong các cơ sở GDNN;

– Chi tài trợ cơ sở vật chất phục vụ giảng dạy, học tập và hoạt động thường xuyên của cơ sở GDNN;

– Chi tài trợ học bổng cho học sinh, sinh viên của các cơ sở GDNN; tài trợ cho các cuộc thi tay nghề mà đối tượng tham gia dự thi là người học.

– Chi tài trợ để thành lập các Quỹ khuyến học giáo dục theo quy định của pháp luật về giáo dục đào tạo;

– Thu nhập từ hoạt động dạy nghề dành riêng cho người dân tộc thiểu số, người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, đối tượng tệ nạn xã hội, người đang cai nghiện, người sau cai nghiện, người nhiễm HIV/AIDS;

b) Thuế suất ưu đãi

– Thuế suất ưu đãi 10% trong suốt thời gian hoạt động áp dụng đối với phần thu nhập của doanh nghiệp từ hoạt động trong lĩnh vực GDNN;

– Doanh nghiệp thành lập mới hoạt động trong lĩnh vực GDNN được miễn thuế tối đa không quá bốn năm và giảm 50% số thuế phải nộp tối đa không quá chín năm tiếp theo tại địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn

2. Chính sách thuế giá trị gia tăng

Theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng và các văn bản hướng dẫn (Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành về thuế giá trị gia tăng….), các đối tượng không chịu thuế giá trị gia tăng bao gồm:

– Dạy học, dạy nghề theo quy định của pháp luật bao gồm cả dạy ngoại ngữ, tin học …. và dạy các nghề khác nhằm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ văn hóa, kiến thức chuyên môn nghề nghiệp;

– Xuất bản, nhập khẩu, phát hành báo, tạp chí, bản tin chuyên ngành, sách giáo khoa, giáo trình, sách khoa học-kỹ thuật.

3. Chính sách thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu

Theo quy định của Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu năm 2016 và các văn bản hướng dẫn, doanh nghiệp được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu chuyên dùng trong nước chưa sản xuất được phục vụ trực tiếp cho GDNN.

Ngoài các chính sách nêu trên, doanh nghiệp còn được hưởng các chính sách xã hội hóa, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ, vừa và một số chính sách ưu đãi về thuế khác khi tham gia hoạt động GDNN./.

1 Mọi chi tiết đề nghị liên hệ:

– Ông Vũ Xuân Hùng, Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, số điện thoại: 0983.752.225, email: ;

– Ông Đào Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên, số điện thoại: 0903.411.568, email: )