Những điểm mạnh lớn nhất của anh/chị là gì

Trong các cuộc phỏng vấn, nhiều ứng viên có thể khó nói về điểm mạnh của bản thân và thành tích của họ vì có một ranh giới mong manh giữa tự tin và tự mãn và họ sợ bị cho là khoe khoang hoặc kiêu ngạo. Bạn có phải là một trong số đó? Nếu có thì khi hiểu lí do tại sao nhà tuyển dụng hỏi về điểm mạnh, bạn sẽ có thể đưa ra câu trả lời mạnh mẽ với tinh thần thoải mái và chứng tỏ bạn là người tốt nhất cho công việc.

Tại sao nhà tuyển dụng lại hỏi về điểm mạnh của bản thân ứng viên?

Khi đặt câu hỏi về thế mạnh, nhà tuyển dụng muốn tìm hiểu xem bạn có đủ hiểu bản thân để liệt kê những ưu điểm của mình dưới áp lực và liệu bạn có thể thảo luận về các điểm vượt trội đó một cách khiêm tốn nhưng chuyên nghiệp hay không. Đi cùng với đó, họ cũng muốn biết tính cách và các kỹ năng của bạn phù hợp với nhu cầu công việc hay không.

Điều này có nghĩa là họ đang tạo điều kiện để bạn nói về lý do tại sao bạn phù hợp với vai trò. Thế nên hãy nắm bắt cơ hội và đưa ra câu trả lời lôi cuốn, thuyết phục nhất.

Bạn nên tập trung vào những điểm mạnh nào?

Kinh nghiệm làm việc

Nhà tuyển dụng luôn muốn nghe về bất kỳ trải nghiệm liên quan nào mà bạn có, cho dù là làm việc trong vai trò tương tự hay kinh nghiệm sử dụng các thiết bị hoặc phần mềm hữu ích. Tuy nhiên cũng cần đảm bảo rằng đó là giá trị của riêng bạn. Nếu chọn thế mạnh là các yêu cầu bắt buộc thì tốt nhất bạn không nên tập trung quá kỹ vì mọi ứng viên đều sẽ có khả năng đó.

Trình độ học vấn

Học vấn của bạn, từ kiến thức chuyên môn đến các khóa đào tạo ngắn hạn hay học thêm một văn bằng khác, đều quan trọng. Đây cũng là thời điểm thích hợp để đề cập đến việc tự học, cập nhật các kiến thức mới mà bạn đã thực hiện trong thời gian rảnh rỗi. Điều này thể hiện quyết tâm, động lực vươn tới thành công và là yếu tố giúp bạn tạo được ấn tượng mạnh mẽ với nhà tuyển dụng.  

Kỹ năng mềm

Kỹ năng mềm là kỹ năng mà nhà tuyển dụng mong muốn ở ứng viên nhưng có thể khó tìm được như giao tiếp, giải quyết vấn đề hoặc quản lý thời gian… Bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng muốn một kỹ sư có đam mê và kỹ năng giải quyết vấn đề hay một nhân viên kế toán giỏi chuyên môn lại có khả năng giao tiếp tích cực. Vì vậy, hãy chắc chắn rằng bạn luôn đề cập đến những kỹ năng mềm đôi khi không phải là điều kiện bắt buộc trong ngành nghề nhưng không thể thiếu nếu muốn đạt được kết quả vượt trội.

Bí quyết nói về điểm mạnh của bản thân một cách chuyên nghiệp

“Mục đích khi nói về các điểm mạnh của bản thân không phải là thuyết phục nhà tuyển dụng rằng bạn là nhân viên giỏi nhất thế giới. Thay vào đó, bạn cần cho họ thấy rằng bạn là người phù hợp nhất với công việc.”

Dưới đây là một số cách để làm điều đó.

Quan tâm đến chất lượng hơn số lượng

Bạn có thể có rất nhiều điểm mạnh và phẩm chất cá nhân mà bạn nghĩ sẽ hữu ích, nhưng bạn cần chọn những điểm tốt nhất để tập trung vào.

Hãy đưa ra 2 hoặc 3 điểm mạnh chính và giải thích những ưu điểm này một cách cô đọng. Điều đó sẽ đáng nhớ hơn nhiều so với việc liệt kê hàng chục điểm tốt một cách qua loa, hời hợt.

Mặt khác, bạn cũng cần hướng tới sự cân bằng giữa kiêu ngạo và quá khiêm tốn. Nếu đề cập đến quá nhiều điểm mạnh, bạn sẽ có nguy cơ trở nên tự tin thái quá, trong khi chỉ nói về một thế mạnh duy nhất có nghĩa là thiếu tự tin hoặc tệ hơn là thiếu kỹ năng.

Giải thích tại sao điểm mạnh này sẽ giúp bạn thành công trong công việc

Sau khi chia sẻ về thế mạnh, hãy chỉ ra chính xác điều này sẽ giúp bạn thành công trong công việc như thế nào. Ví dụ, bạn có thể nói: “Một trong những điểm mạnh nhất của tôi là chú ý đến chi tiết. Tôi luôn để ý đến chi tiết nhỏ nhất trong công việc của mình và tôi thích làm điều đó. Tôi thấy mô tả công việc cho vị trí này liên quan rất nhiều đến sự tỉ mỉ, cẩn thận và đây là lý do tôi đã đăng ký ứng tuyển”.

Minh họa điểm mạnh bằng các chứng cứ cụ thể

Sau khi cho nhà tuyển dụng biết thế mạnh lớn nhất của bạn là gì và tại sao nó hữu ích ở vị trí ứng tuyển, hãy cố gắng đưa ra bằng chứng cụ thể. Ví dụ, nếu bạn nói rằng một trong những điểm mạnh của bản thân là khả năng lãnh đạo, thì hãy nghĩ đến cách bạn đã sử dụng khả năng này trong quá khứ và kết quả đạt được đã giúp gì cho doanh nghiệp trước đây.

Đưa ra một ví dụ cụ thể có tác dụng mạnh hơn gấp 10-20 lần so với việc chỉ nói rằng bạn giỏi một việc gì đó. Bởi điều này cung cấp thêm thông tin và khiến bạn trông đáng tin hơn. Mặc dù vậy, điều quan trọng là không lan man, câu trả lời của bạn cần ngắn gọn và đi vào trọng tâm.

Đừng quên thể hiện sự tự tin

Nghe có vẻ sáo rỗng nhưng tin vào bản thân thực sự tạo nên sự khác biệt. Bạn cần tin rằng bạn đủ giỏi để đạt được kết quả công việc như mong muốn. Vì nếu bạn không tin thì chắc rằng nhà tuyển dụng cũng sẽ không làm như thế. Vậy bạn cần thể hiện sự tự tin như thế nào?

Hãy luôn duy trì giao tiếp bằng mắt; nói to, rõ ràng, rành mạch một cách bình tĩnh; Không tỏ ra bồn chồn hay thay đổi tư thế liên tục.

Một khi thốt ra câu trả lời trong cuộc phỏng vấn, bạn sẽ không thể lấy lại được. Vì vậy, đừng bao giờ sợ phải tạm dừng như “Đó là một câu hỏi hay, hãy để tôi suy nghĩ một chút…”

Ngoài ra, hãy chú ý xem giọng nói của bạn có cao hơn ở cuối mỗi câu trả lời như thể đang đặt câu hỏi hay không. Đây cũng có thể được xem là biểu hiện của sự thiếu tự tin mà bạn cần tránh khi nói về điểm mạnh của bản thân trong bất kỳ cuộc phỏng vấn nào.

Huỳnh Trâm

Điểm mạnh và điểm yếu của bản thân là một câu hỏi quan trọng mà hầu hết các nhà tuyển dụng đặt ra với ứng viên trong buổi phỏng vấn. Đây tưởng như là một câu hỏi dễ nhưng cũng làm khá nhiều người cảm thấy lúng túng. Vậy điểm mạnh điểm yếu của bản thân là gì? cách trả lời điểm mạnh và điểm yếu của bản thân như thế nào?

Chúng tôi sẽ giúp quý bạn đọc nắm rõ câu hỏi này thông qua bài viết Ví dụ về điểm mạnh điểm yếu của bản thân.

Thế nào là điểm mạnh của bản thân?

Khi được hỏi về điểm mạnh của bản thân chúng ta cần liệt kê hết những điểm mạnh của mình để gây được ấn tượng với nhà tuyển dụng cũng như gây ấn tượng với người khác. Tuy nhiên, việc liệt kê những điểm mạnh này là phải đúng sự thật, tránh tình trạng khoác lác, bịa ra những đặc điểm mình không có, không làm được để phô trương bản thân mình.

Điểm mạnh là những kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm bạn có thể làm tốt. Khi đi phỏng vấn nói về điểm mạnh thì chúng ta nên đưa ra những thế mạnh “có thật” và những điểm mạnh có liên quan cũng như giúp ích cho công việc mà bạn đang ứng tuyển. Tuỳ vào những vị trí công việc khác nhau mà bạn cần nói về điểm mạnh phù hợp với công việc đó, ví dụ như bạn ứng tuyển vào vị trí nhân viên kế toán thì bạn cần nêu những điểm mạnh của mình như: Có tư duy nhạy bén trước những con số, có tính cẩn thận khi làm việc, có kinh nghiệm công tác trong ngành kế toán 05 năm…

Một số câu trả lời về điểm mạnh của bản thân:

+ Điểm mạnh của tôi là khả năng tư duy tốt, khả năng lãnh đạo và khả năng thuyết trình nói chuyện trước đám đông. Trong thời gian là sinh viên ở trường Đại học tôi đều tham gia các câu lạc bộ của trường và tham gia vào các hoạt động tình nguyện của đoàn trường. Tôi giữ vị trí chủ chốt trong những công tác xây dựng, tổ chức các chương trình của đoàn trường.

+ Bản thân tôi có khả năng tư duy tốt, nhẹn bén trước những con số và tính cẩn thận trong công việc, cùng với đó tôi có khả năng chịu áp lực cao và tối ưu hoá. Sau 05 năm làm việc tại công ty cũ tôi được 03 lần vinh danh là nhân viên xuất sắc của công ty.

Thế nào là điểm yếu của bản thân?

Điểm yếu được hiểu là những kỹ năng, kiến thức, … bạn làm chưa tốt và cần cải thiện để phù hợp với công việc mà bạn đang ứng tuyển. Chẳng hạn như thiếu tự tin trước đám đông, thiếu tập trung, dễ bỏ cuộc, khả năng thích nghi kém, kỹ năng quản lý thời gian chưa tốt, chưa có nhiều kinh nghiệm trong công việc mà bạn ứng tuyển… Điểm yếu là một trong những yếu tố có thể nhà tuyển dụng dựa vào đó để có thể cân nhắc lựa chọn bạn vào vị trí công việc mà bạn đang ứng tuyển.

Vì vậy, với câu hỏi này, bạn cần trả lời một cách thật khéo léo, khôn ngoan, vừa nói đúng sự thật những đồng thời cũng thể hiện một khía cạnh nào đó từ bạn để nhà tuyển dụng có thể cân nhắc. Ngoài ra, bạn cũng nên nói thêm các biện pháp mà bạn đang áp dụng để khắc phục điểm yếu của mình.

Ví dụ như khi được hỏi điểm yếu, bạn có thể trả lời là điểm yếu của em là tính cầu toàn trong công việc, bình thường em thường dành khá nhiều thời gian để thực hiện công việc sao cho chỉn chu nhất, em đang cố gắng khắc phục bằng cách cố gắng tối ưu hóa thời gian thực hiện công việc mà vẫn đảm bảo được chất lượng những công việc mà mình thực hiện.

Dưới đây là một số ví dụ về cách trả lời phỏng vấn đối với câu hỏi điểm yếu của bản thân:

+ Đối với tôi điểm yếu lớn nhất chính là nóng vội. Bằng khả năng tư duy sáng tạo tốt, nhưng ý tưởng liên tục nảy ra trong đầu tôi vì vậy tôi luôn hấp tấp thực hiện những kế hoạch đó. Gần đây tôi đã tiết chế tính cạnh đó bằng việc giữ bình tĩnh hơn, lắng nghe, tham khảo thêm nhiều ý kiến của đồng nghiệp.

+ Bên cạnh những điểm mạnh, tôi cũng nhìn thấy một số yếu điểm của bản thân như là khả năng ngoại ngữ vẫn còn hạn chế. Tôi đang dành nhiều thời gian rảnh của mình cho việc học tiếng Anh mỗi ngày, tôi đang tham gia các khóa học giao tiếp tiếng anh cũng như là xem các video tiếng anh để dần cải thiện kỹ năng nghe của mình hơn.

+ Ví dụ về điểm mạnh của bản thân

Thông thường điểm mạnh của bản thân có thể là những điểm ví dụ như sau:

Trình độ chuyên môn

Trình độ ngoại ngữ tốt

Khả năng sử dụng tin học văn phòng tốt

Khả năng xử lý vấn đề nhanh và hiệu quả

Khả năng đàm phán và thuyết phục người khác

Khả năng trình bày, thuyết trình trước đám đông

 Khả năng thích nghi với sự thay đổi

Khả năng tư duy sáng tạo

Khả năng kết hợp, làm việc nhóm

Tinh thần trách nhiệm, kỷ luật, đạo đức nghề nghiệp

+ Ví dụ về điểm yếu của bản thân

Kỹ năng thuyết trình còn yếu

Kỹ năng tiếng anh hạn chế

Kỹ năng làm việc nhóm còn hạn chế

Kỹ năng quản lý và sắp xếp công việc còn hạn chế

Cẩu thả trong công việc, xử lý vấn đề một cách nóng vội

Trên đây là những chia sẻ của chúng tôi về vấn đề Ví dụ về điểm mạnh điểm yếu của bản thân. Chúng tôi hi vọng rằng những chia sẻ này sẽ hữu ích và giúp quý bạn đọc hiểu rõ được vấn đề này. Nếu có thắc mắc về vấn đề này xin vui lòng liên hệ chúng tôi để được giải đáp. Xin cảm ơn!

Video liên quan

Chủ Đề