Nghiên cứu Ai đã đặt tên cho dòng sông

LÝ GIẢI TÊN GỌI CỦA SÔNG HƯƠNG TRONG BÚT KÝ “AI ĐÃ ĐẶT TÊN CHO DÒNG SÔNG” (Hoàng Phủ Ngọc Tường)

* Sông Hương trong cách gọi của người Pháp là: Rivière de parfum (Dòng sông của hương thơm) (Theo thầy Trần Đại Vinh – Khoa Ngữ văn ĐHSP Huế)

1. Lý giải của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường

“Có một huyền thoại vọng về từ làng Thành Trung, một ngôi làng trồng rau thơm ở Huế: Vì yêu quý con sông xinh đẹp, người dân hai bên bờ sông Hương đã nấu nước của trăm loài hoa đổ xuống dòng sông cho làn nước xanh thắm ấy mãi mãi thơm tho.” (Trích bút ký “Ai đã đặt tên cho dòng sông”)

2. Tên gọi sông Hương xứ Huế là xuất phát từ truyền thuyết dân gian.

       Đó là chuyện chúa Nguyễn Hoàng làm theo mách bảo của một bà tiên, thắp hương chèo thuyền trên sông, khi hết cây hương sẽ thấy một vùng đất tươi tốt để chọn làm nơi xây phủ Chúa. Chúa cho xây chùa Linh Mụ trên gò đất để tạ ân bà tiên, và dòng sông đó được gọi là sông Hương. Cách giải thích tên gọi sông Hương xuất phát từ việc thắp hương (nhang) trên sông chỉ là một truyền thuyết dân gian.

3. Cách lý giải của cụ Vân Bình Tôn Thất Lương (1887 – 1951)

          Hương Giang nghĩa là sông thơm, sông có mùi hương. Cụ Vân Bình Tôn Thất Lương (1887 – 1951), tác giả bài Hương Giang hành đã cho biết nguồn gốc của mùi thơm đó khi nói về con sông xinh đẹp này: “Hương Giang phát nguyên từ hai nguồn tả, hữu trạch nguyên ở miền thượng lưu tỉnh Thừa Thiên, quanh co gành bãi ruộng vườn, chảy lần qua kinh thành, đến cửa Thuận An rồi ra Đông Hải. Hai bên bờ tả hữu trạch có giống “Thạch xương bồ” là một vị thuốc trường sanh, có mùi thơm, mọc hai bên bờ khe, nước khe lần hóa ra thơm. Hương giang (sông Thơm) bởi đó mà có danh vậy”.

4. Cách lý giải cuả nhà văn hóa Phan Thuận An:

         Sông Hương được cho là mang tên vùng đất mà nó chảy qua. Nhà nghiên cứu Phan Thuận An, trong bài viết “Giá trị của sông Hương” đăng trên tạp chí Nghiên cứu và Phát triển số 11 (54) năm 2006, cho biết: “Xưa nay, người ta thường gọi tên một con sông bằng tên của vùng đất mà nó chảy qua. Vào các thời kỳ lịch sử nói trên, khi vùng đất ấy còn mang tên là huyện Kim Trà thì con sông chúng ta đang nói đến được gọi là sông Kim Trà. Sau đó, khi tên huyện đổi thành Hương Trà thì tên sông cũng đổi theo: sông Hương Trà”.

Để thuyết phục hơn, nhà nghiên cứu Phan Thuận An, trong bài viết nói trên, đã dẫn lời tác giả Nguyễn Hữu Đính trong bài “Sông Hương đã có tên ấy từ bao giờ” đăng trên tạp chí Sông Hương số 1, tháng 6-1983: “Từ sông Hương Trà đến sông Hương chỉ còn một bước, vì trong ngôn ngữ, bất cứ ngôn ngữ nước nào, dân gian thường hay rút gọn. Vả chăng, hai chữ sông Hương đẹp quá, giới văn chương, trí thức cũng không muốn gì hơn”.

           Và để củng cố thêm cho lập luận tên gọi sông Hương chính là do địa danh huyện Hương Trà và sông Hương Trà mà ra, tác giả Phan Thuận An đã trưng ra phần “Đệ nhất kỷ” nói về thời Gia Long trong sách Đại Nam thực lục của triều Nguyễn: Vào ngày Bính Thân tháng 7 năm Tân Dậu (8-1801), “vua đi Quảng Bình… Thuyền ngự khởi hành từ sông Hương tức là sông Hương Trà…”.

            Nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân, trong bài viết “Sông Hương giữa chúng ta” đăng trong tập sách “700 năm Thuận Hóa – Phú Xuân Thừa Thiên – Huế” đã trích dẫn bài viết của nhà nghiên cứu Phan Thuận An và kết luận: “Như vậy, căn cứ vào các tư liệu thành văn dẫn trên, chúng ta có thể khẳng định rằng cái tên sông Hương là do địa danh Hương Trà được rút gọn từ khoảng cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX. (…) Khi đúc bộ Cửu đỉnh bằng đồng vào năm 1836, vua Minh Mạng cho khắc nổi hình ảnh sông Hương lên Nhân đỉnh và ngay tại đó khắc liền hai chữ Hán “Hương Giang” như ta còn thấy trước sân Thế Miếu trong Hoàng thành ngày nay”.

(Thầy Phan Danh Hiếu – tổng hợp từ nhiều nguồn)

A. Đặt vấn đề:

1. Lí do chọn đề tài:

Kí là một thể loại xuất hiện khá mới nhưng cũng khá phức tạp trong văn học Việt Nam hiện đại. Nó được xem là thể loại cơ động, linh hoạt, nhạy bén và ngày càng khẳng định được vị trí của mình trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống, con người và xã hội ở cái thế trực tiếp, mới mẻ nhất.

Trong chương trình SGK Ngữ văn 12, tập 1 có hai tác phẩm thuộc thể loại kí: “Người lái đò sông Đà” (Nguyễn Tuân) và “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” (Hoàng Phủ Ngọc Tường). Tác phẩm của Nguyễn Tuân đưa vào từ trước, còn tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường mới đưa vào. Đây là dụng ý của nhà soạn sách: Nguyễn Tuân - đại diện thế hệ tiền chiến, Hoàng Phủ Ngọc Tường - đại diện cho thể kí đương đại. Đây là hai tác phẩm rất hay, nó giúp các em học sinh làm quen với một thể loại văn học vừa được biết đến phong cách độc đáo của nhà văn.Song ở chuyên đề này,tôi đưa ra cách tiếp cận văn bản “Ai đã đặt tên cho dòng sông” của Hoàng Phủ Ngọc Tường theo đặc trưng thể loại.

2. Mục đích nghiên cứu:

Trước khi tôi thực hiện chuyên đề này đã có rất nhiều công trình nghiên cứu, bài viết hay về “Ai đã đặt tên cho dòng sông”. Do đó thật khó để tôi có thể viết được những phát kiến hay, mới lạ, độc đáo.

Nhận thức rõ thực tế đó nên trong phạm vi chuyên đề tôi chỉ đưa ra cách tiếp cận đoạn trích “ Ai đã đặt tên cho dòng sông” từ đặc trưng thể loại, để từ đó thấy được vẻ đẹp của tác phẩm và cái tôi độc đáo, tài hoa của Hoàng Phủ Ngọc Tường .

3. Đối tượng nghiên cứu:

- Đối tượng: Chuyên đề chỉ tập trung nghiên cứu từ đặc trưng thể loại để tìm hiểu vẻ đẹp của đoạn trích“Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, từ đó tìm hiểu cái tôi độc đáo của tác giả.

B. Phần nội dung.

I. Cơ sở lí luận:

1. Tác phẩm kí của Hoàng Phủ Ngọc Tường được đưa vào chương trình Ngữ văn 12 là một việc làm có giá trị, góp phần tăng cường chất văn và đáp ứng mục tiêu giáo dục mĩ cảm cho học sinh. Việc khai thác đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông” – Hoàng Phủ Ngọc Tường theo đặc trưng thể loại đó là một nguyên tắc cơ bản trong quá trình cảm thụ và bình giá tác phẩm.

Nhưng thực tế khi dạy và học tác phẩm này đã và đang gặp nhiều khó khăn. Bởi sự phân định không rõ ràng đối với thể loại tùy bút, bút kí và hướng tiếp cận các tác phẩm căn cứ vào loại hình của nó cũng chưa được rõ ràng.

Nhận thức rõ điều đó, là người trực tiếp giảng dạy đòi hỏi phải nắm chắc đặc trưng cơ bản của thể loại, phải biết vận dụng linh hoạt phương pháp giảng dạy một thể loại văn học vốn lấy người thật, việc thật làm đối tượng phản ánh. Từ đó giúp học sinh có những hiểu biết cơ bản về thể kí; cảm thụ được cái hay, cái đẹp của tác phẩm.

2. Theo quan điểm của cá nhân tôi tùy bút và bút kí có những điểm chung và nét riêng, chúng không có ranh giới rạch ròi giữa các tiểu loại kí. Nhưng tựu trung lại có thể thấy nổi bật ở kí (có nghĩa là cả tùy bút và bút kí) có những đặc trưng cơ bản sau:

- Về đối tượng phản ánh: Đối tượng phản ánh của kí là những con người, sự vật, hiện thực đời sống có tính xác thực. Hiện thực khách quan được phản ánh trung thực trong các tác phẩm kí và còn được phân tích, cảm thụ, đánh giá, bình luận, nhận xét theo cái nhìn độc đáo của tác giả.

- Hình tượng tác giả trong kí: Được hiểu qua nhân vật người trần thuật . Nó thường đóng vai trò là nhân chứng nhằm tăng cường tính chính xác và chân thực của thông tin. Vì vậy những tác giả kí đều là những người từng trải, gắn bó, hòa nhập với thực tế, có vốn hiểu biết sâu rộng, tỉ mỉ, chính xác về đối tượng được phản ánh trong tác phẩm.

- Về cốt truyện: có thể có hay không có cốt truyện phụ thuộc vào các thể loại kí khác nhau, thậm chí là từng tác phẩm cụ thể.

- Về kết cấu: kết cấu của tác phẩm kí có liên quan chặt chẽ đến vấn đề có hay không có cốt truyện.. Việc xác định đúng các yếu tố này sẽ góp phần định hướng đúng đắn cho việc tìm hiểu tác phẩm.

- Về ngôn ngữ: Ngôn ngữ kí vừa cụ thể sinh động, đậm chất đời thường gần với cuộc sống, vừa khái quát. Ngôn ngữ nghệ thuật trong kí mang đậm tính chủ thể gắn với cá tính sáng tạo của tác giả Ngôn ngữ của tùy bút rất giàu hình ảnh và giàu chất thơ.

II. Thực trạng của vấn đề:

Như chúng ta đã biết Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong những kí giả xuất sắc của kí Việt Nam với ngòi bút tài hoa uyên bác có cá tính sáng tạo. Đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông” được trích từ tác phẩm cùng tên biểu hiện khá rõ điều này.

Nhưng thực tế khi giảng dạy trên lớp cho học sinh hiểu được cái hay, cái đẹp của tác phẩm, cái tôi độc đáo là điều không hề dễ dàng.

- Về phía giáo viên:

Nhiều năm qua việc tìm hiểu những thiết kế bài học trong các tài liệu tham khảo, tham khảo các bài dạy của đồng nghiệp trong và ngoài trường, tôi thấy có một thực tế các bài dạy đều theo định hướng: phân chia theo hình tượng nghệ thuật theo đặc trưng thể kí để từ đó khám phá ra cái hay, cái độc đáo tác giả so với các thể loại văn xuôi khác là điều nên làm.

- Về phía học sinh:

Ngữ văn là môn học đặc thù, yêu cầu học sinh đọc - hiểu, phát huy trí tưởng tượng của các em là điều khó khăn. Khi gặp tác phẩm kí này học sinh nào cũng ngán, sợ là một thực tế đáng để chúng ta phải suy nghĩ. Phải chăng cả một thời gian dài, học sinh được học nhiều các tác phẩm văn xuôi thiên về tự sự, các em làm quen với cốt truyện, hệ thống nhân vật, tình tiết, tình huống... Bây giờ cảm thụ một tác phẩm văn xuôi giàu chất trữ tình, các em sẽ thấy lúng túng, mất phương hướng với những khái niệm nhân vật trữ tình, cái tôi trữ tình, giọng điệu trữ tình, mạch cảm xúc chủ quan... Hậu quả mà thực tế đã cho ta thấy là người dạy lẫn người học đều sợ gặp phải những tác giả, tác phẩm kí nên kết quả học tập không cao là điều tất yếu.

Như vậy, sau khi học xong tác phẩm số học sinh hiểu bài không nhiều, yêu thích nó lại càng ít hơn vì các em thấy khó học, khó nhớ và chưa biết cách tiếp cận tác phẩm, chưa khám phá được cái hay, cái đẹp của nó. Khi dạy học giáo viên cần chú ý đến cái khó của từng bài để có phương án dạy phù hợp. Vì vậy tôi mạnh dạn áp dụng Cách tiếp cận đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông ” – Hoàng Phủ Ngọc Tường từ đặc trưng thể loại mong rằng có thể nâng cao chất lượng dạy và học tác phẩm này.

III. Cách tiếp cận đoạn trích “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” - Hoàng Phủ Ngọc Tường.

1. Tiếp cận thể bút kí:

- Đây là thể văn thuộc loại kí nhằm ghi lại những điều mắt thấy tai nghe trong cuộc sống bằng những nhận xét, những cảm xúc của người viết.

- Bút kí thường được xem là thể trung gian giữa kí sự và tùy bút, không có ranh giới rạch ròi giữa các loại kí (bút kí, kí sự, tùy bút) mà biến hóa tùy theo ý định sáng tác và đặc điểm, bút pháp của nhà văn.

- Nổi bật lên trong tác phẩm kí chính là chất chủ quan, chất trữ tình sâu đậm của cái tôi tác giả - chủ yếu là cái tôi uyên bác, độc đáo.

- Ngôn ngữ bút kí giàu hình ảnh và giàu chất thơ.

2. Tiếp cận các yếu tố ngoài văn bản.

a. Hoàn cảnh sáng tác:

Tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” được viết vào tháng 1- 1981 tại Huế. Trong những dòng mở đầu tác phẩm tác giả cho biết: mùa thu ông ngồi đọc Kiều dưới mái rêu phong của chiếc cổng vòm quay ra mặt sông Hương trong khung cảnh rất thơ. Trong trạng thái tiêu diêu giữa cõi thực và thơ, ông cảm nhận ra âm hưởng của Huế trên mỗi trang Kiều. Ông nghĩ về sông Hương, Huế và “Truyện Kiều”: “Chính sông Hương và thành phố của nó vẫn gợi cho tôi như một vang bóng của thời gian, hình tượng của cặp tình nhân lí tưởng”. Ở Hoàng Phủ Ngọc Tường, tình yêu nước gắn với tình yêu thiên nhiên và truyền thống văn hóa, lịch sử lâu đời của dân tộc. Tình yêu sông Hương với các giá trị văn hóa, lịch sử của nó đã mở lối cho sự ra đời của bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”.

b. Ý đồ sáng tác tác phẩm:

Trong một cuộc phỏng vấn nhân dịp tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường được đưa vào chương trình SGK “Trong gia tài sáng tác của mình ông xếp bút kí “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” ở vị trí nào?”.

- “Đây là bút kí dài nhất và tâm huyết nhất của tôi về Huế. Tôi mang cả tâm huyết vẽ nên một dòng sông vốn y như nó vốn có. (Dòng sông của văn hóa, lịch sử, huyền thoại… với vẻ đẹp thật của thiên nhiên và có tính nhân văn). Đó là một thứ tài sản tôi muốn gửi lại cho thế hệ mai sau với lời nhắn gửi: sông Hương như một viên ngọc quý mà thiên nhiên đã ban tặng cho Huế. Hãy bảo vệ vẻ đẹp ấy để nó trường tồn mãi mãi, đừng tham vọng tác động làm thay đổi nó dù điều này không phải dễ… ”.

c. Nhan đề tác phẩm

- Nhan đề bài bút kí là “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” - một câu hỏi bâng quơ gợi sự chú ý của mọi người về cái tên đẹp của con sông: sông Hương, sông thơm nhưng lại là một tín hiệu thẩm mĩ. Câu hỏi đưa nhà văn thực hiện cuộc hành trình “về nguồn” đối với sông Hương. Không phải về nơi nó bắt đầu hình thành mà về với vẻ đẹp thiên nhiên - văn hóa - lịch sử của nó.

- Nhan đề đó còn được lặp lại ở giữa và cuối tác phẩm tạo thành một trục liên tưởng xuyên suốt bài kí. Nó có vai trò kết nối các nội dung của tác phẩm thành một chỉnh thể thống nhất. Nhan đề là cái cớ để nhà văn tìm hiểu, lí giải vẻ đẹp của con sông. Kết thúc tác phẩm nhà văn đã trả lời bằng một huyền thoại: “Người làng Thành Trung… thơm tho mãi mãi” và quan niệm đầy nhân văn: “ước vọng đem cái đẹp và tiếng thơm để xây đắp văn hóa và lịch sử”.

3. Tiếp cận hình tượng sông Hương:

Khi khám phá vẻ đẹp đa dạng của sông Hương, cần thấy được các điểm nhìn (thường gọi là góc nhìn): thiên nhiên, văn hóa, lịch sử.

* Vẻ đẹp sông Hương ở góc nhìn thiên nhiên:

- Với câu hỏi gợi tìm Ai đã đặt tên cho dòng sông? bằng bước chân rong ruổi Hoàng Phủ Ngọc Tường đã tìm về cội nguồn và dòng chảy của sông Hương để khám phá nó.

+ Ở thượng nguồn: sông Hương mang trong mình vẻ đẹp dữ dội, hoang sơ khiến tác giả hình dung là “một cô gái Di - gan phóng khoáng và man dại”, “Rầm rộ giữa những bóng cây đại ngàn… đỗ quyên rừng”.

+ Lúc đến đồng bằng: sông Hương dịu dàng và yên ả giống như “người con gái đẹp ngủ mơ màng” được đánh thức dậy với những phẩm chất nữ tính nhất để bước vào hành trình đi tìm tình yêu: “uốn mình theo những đường cong thật mềm”, “dòng sông mềm như tấm lụa”.

+ Khi sông Hương liên tục đổi dòng, giống như người con gái đang băn khoăn kiếm tìm đường về với người yêu: thành phố Huế. Khi sông Hương phát hiện ra thành phố Huế của mình, cô gái ấy chợt dâng đầy cảm xúc: tươi vui, yên tâm.

+ Giữa lòng thành phố Huế, dòng sông trở nên tĩnh lặng, trôi thật chậm giống như sự say đắm của đôi lứa trong tình yêu nồng nàn “uốn một cánh cung rất nhẹ sang cồn Hến khiến dòng sông mềm hẳn đi như tiếng “vâng” không nói ra của tình yêu, giống điệu slow tình cảm dành riêng cho Huế”.

+ Khi sông Hương trôi đi, cái dáng uốn cong ôm lấy thành phố Huế được tác giả hình dung như sự lưu luyến nghẹn ngào vì phải chia li của lứa đôi “đột ngột rẽ dòng, rẽ ngoặt sang hướng đông tây để gặp thành phố lần cuối ở góc thị trấn Bao Vinh xưa cổ”, “đấy là nỗi vương vấn, cả một chút lẳng lơ kín đáo của tình yêu”.

- Sông Hương và thiên nhiên Huế: Lần theo dòng chảy của con sông Hương, ta bắt gặp những bức tranh thiên nhiên đẹp mượt mà: vẻ đẹp đa dạng trong thời gian và không gian. Sông Hương phản quang vẻ đẹp biến ảo của Huế: “sớm xanh, trưa vàng, chiều tím”, “sắc nước trở nên xanh thẳm”.

- Sông Hương và con người Huế:

+ Thiên nhiên luôn gắn bó với con người. Qua điệu chảy của dòng sông nhà văn thấy được tính cách con người Huế: mềm mại, chí tình “mãi mãi chung tình với quê hương xứ sở”.

+ Qua màu sắc trời Huế, màu sương khói trên sông Hương nhà văn thấy được trang phục trang nhã, dịu dàng của các cô gái Huế: “sắc áo cưới của Huế ngày xưa, rất xưa: màu áo điều lục… sau tiết sương giáng”.

* Vẻ đẹp sông Hương từ góc nhìn lịch sử:

Sông Hương hóa thân từ vẻ dịu dàng, trầm tư để trở thành chủ nhân, chứng nhân của xứ Huế anh hùng từ thời cổ đại, qua trung đại, đến hiện đại “là dòng sông biên thùy xa xôi của đất nước các vua Hùng… qua những thế kỉ trung đại”. Là dòng Linh Giang (dòng sông thiêng) ghi dấu những thế kỉ vinh quang thuở các vua Hùng, từng soi bóng “kinh thành Phú Xuân của người anh hùng Nguyễn Huệ”, “nó sống hết lịch sử bi tráng của thế kỉ mười chín với máu của những cuộc khởi nghĩa”, chứng kiến thời đại mới Cách mạng tháng Tám, kháng chiến chống Pháp, chống Mĩ…

* Vẻ đẹp sông Hương từ góc nhìn văn hóa:

Trong suy tưởng của Hoàng Phủ Ngọc Tường, sông Hương như người mẹ sản sinh và nuôi dưỡng các giá trị văn hóa cổ truyền của xứ Huế.

- Sông Hương- làm cho Huế giá trị của một đô thị cổ:

 + Những nhánh sông đào mang nước sông Hương toả đi khắp phố thị, với những cây đa, cây cừa cổ thụ toả vầng lá u sầm xuống những xóm thuyền xúm xít.

 + Những nơi ấy, vẫn lập loè trong đêm sương những ánh lửa thuyền chài của một linh hồn mô tê xưa cũ.

- Sông Hương - dòng sông lễ hội

 +Lễ hội hoa đăng

 + Diễn ra từ rằm tháng bảy, từ điện hòn ch1n trôi về, qua Huế

- Sông Hương - dòng sông âm nhạc:

+ Từ âm thanh của dòng sông (tiếng chuông chùa Thiên Mụ ngân nga, tiếng mái chèo khua sóng đêm khuya, tiếng nước vỗ mạn thuyền…) đã hình thành những làn điệu hò dân gian và nền âm nhạc cổ điển Huế. Và rồi cũng chính trên dòng sông ấy, những câu hò Huế vang lên mênh mang, xao xuyến…

+ Viết về sông Hương nhiều lần nhà văn đã liên tưởng đến “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Đại thi hào đã từng có thời gian sống ở Huế, những trang Kiều ra đời từ mảnh đất có truyền thống nhã nhạc cung đình. Đó là cơ sở để Hoàng Phủ Ngọc Tường hóa thân vào một nghệ sĩ già, nghe những câu thơ tả tiếng đàn của nàng Kiều, chợt nhận ra âm hưởng của âm nhạc cung đình và bật thốt lên “Tứ đại cảnh”.

- Sông Hương - dòng sông thi ca:

+ Hoàng Phủ Ngọc Tường đã làm sống dậy những vần thơ biếc xanh của Tản Đà về xứ Huế “Dòng sông trắng - lá cây xanh”. Hình ảnh thơ này cùng với câu chữ của tác giả “màu cỏ lá xanh biếc” là minh chứng cho sự tương giao của những tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm với sắc biếc của thiên nhiên Huế.

+ Nhà văn cũng làm sống dậy một sông Hương hùng tráng bất tử “như kiếm dựng trời xanh” trong thơ Cao Bá Quát, một “mối quan hoài vạn cổ” trong thơ Bà Huyện Thanh Quan…

Bằng vốn kiến văn phong phú của mình, Hoàng Phủ Ngọc Tường đã lay động linh hồn của con sông mà tên gọi của nó đã đi vào văn chương nghệ thuật mà theo tác giả “dòng sông ấy không bao giờ lặp lại mình trong cảm hứng của các nghệ sĩ”.

- Sông Hương –với tà áo dài truyền thống của dân tộc:

 + Sắc áo cưới của Huế ngày xưa, rất xưa, các cô dâu trẻ vẫn mặc sau tiết sương giáng

 + Là màu của sương khói trên sông Hương, giống như tấm voan huyền ảo của tự nhiên, sau đó ẩn giấu khuôn mặt thực của dòng sông

C. Kết luận và đề xuất.

I. Kết luận:

- Qua việc tìm hiểu đoạn trích  “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” một lần nữa ta khẳng định tài năng nghệ thuật của Hoàng Phủ Ngọc Tường trong nền văn xuôi hiện đại Việt Nam. Và ta có thể coi đây là một giải pháp cụ thể để các em tiếp cận hai tác phẩm kí dễ dàng hơn; từ đó có hướng suy nghĩ mới khi tiếp cận tác phẩm khó trong chương trình.

- Với đề tài và “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của Hoàng Phủ Ngọc Tường theo đặc trưng thể loại, tôi nghĩ không quá khó để thực hiện và cũng không cần nhiều sự hỗ trợ của các phương tiện dạy học hiện đại; tôi hi vọng đáp ứng được phần nào thực tế dạy và học môn Ngữ văn trong tình hình hiện nay. Hi vọng với bài viết này tôi sẽ đóng góp được chút gì đó cho học sinh, đồng nghiệp để môn Văn được yêu thích, không còn cảm giác ngại, sợ nữa.

II. Kiến nghị, đề xuất:

1. Đối với nhà trường:

- Đầu tư thêm nhiều tài liệu tham khảo về các tác giả, tác phẩm mới được đưa vào chương trình THPT trong đó có “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” - Hoàng Phủ Ngọc Tường.

2. Đối với tổ chuyên môn:

- Khi giảng dạy giáo viên nên sưu tầm, sử dụng công cụ hỗ trợ như bản đồ Địa lí về sông Ngòi Việt Nam; với sông Hương có thể dùng bản đồ tỉnh Thừa Thiên Huế, các tranh ảnh minh họa cho học sinh dễ tiếp thu và hiệu quả học tập chắc sẽ cao hơn.