Ngân hàng Chính sách xã hội thuộc loại hình gì

Mục lục bài viết

  • 1. Căn cứ pháp lý
  • 2. Lịch sử hình thành ngân hàng chính sách
  • 3. Pháp luật về Ngân hàng chính sách
  • 3.1. Ngân hàng chính sách xã hội
  • 3.2. Ngân hàng Phát triển Việt Nam

1. Căn cứ pháp lý

- Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 sửa đổi bổ sung năm 2017

2. Lịch sử hình thành ngân hàng chính sách

Ngân hàng chính sách xã hội là ngân hàng do Nhà nước thành lập để cho những người thuộc đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết đời sống, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Ngân hàng chính sách trước đây được gọi là ngân hàng phục vụ người nghèo, được thành lập theo Quyết định số 525/TTg ngày 31.8.1995 của Thủ tướng Chính phủ; là tổ chức tín dụng thuộc sở hữu nhà nước, hoạt động trong phạm vi cả nước, có tư cách pháp nhân, có vốn điều lệ, có tài sản, có bảng cân đối, có con dấu; trụ sở chính đặt tại Hà Nội. Vốn điều lệ ban đầu là 5 ngàn tỉ đồng, được cấp bổ sung phù hợp với yêu cầu hoạt động từng thời kì.

Ngân hàng phục vụ người nghèo có chức năng khai thác các nguồn vốn của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước, tiếp nhận các nguồn vốn tín dụng của Nhà nước đối với người nghèo và các nguồn vốn khác được Nhà nước cho phép để lập quỹ cho người nghèo vay, thực hiện chương trình của Chính phủ đối với người nghèo. Hoạt động của Ngân hàng phục vụ người nghèo vì mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, không vì mục đích lợi nhuận, thực hiện bảo toàn vốn ban đầu, phát triển vốn, bù đắp chi phí. Ngân hàng phục vụ người nghèo thực hiện cho vay trực tiếp đối với hộ nghèo có sức lao động nhưng thiếu vốn, được vay vốn để phát triển sản xuất, không phải thế chấp tài sản, có hoàn trả vốn vay và theo lãi suất quy định.

Ngân hàng phục vụ người nghèo được xét miễn giảm thuế doanh thu [thuế giá trị gia tăng] và thuế lợi tức [thuế thu nhập doanh nghiệp], để giảm lãi suất cho vay đối với người nghèo. Các rủi ro bất khả kháng trong quá trình hoạt động của Ngân hàng phục vụ người nghèo được bù đắp bằng quỹ bù đắp rủi ro theo quy chế tài chính của Bộ Tài chính.

Ngày 04.10.2002, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg về việc thành lập Ngân hàng chính sách xã hội, trong đó chỉ rõ: thành lập Ngân hàng chính sách xã hội để thực hiện chính sách tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, trên cơ sở tổ chức lại Ngân hàng phục vụ người nghèo được thành lập theo Quyết định số 230/QĐ-NH5 ngày 01.9.1995 của Thống đốc Ngân hàng nhà nước Việt Nam.

3. Pháp luật về Ngân hàng chính sách

Ngân hàng chính sách xã hội là ngân hàng do Nhà nước thành lập để cho những người thuộc đối tượng chính sách vay vốn phát triển sản xuất, giải quyết đời sống, nhằm góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 [sửa đổi, bổ sung năm 2017] quy định: Chính phủ thành lập ngân hàng chính sách hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận nhằm thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội của Nhà nước.

Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 [sửa đổi, bổ sung năm 2017] chỉ quy định “Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của ngân hàng chính sách”. Vì vậy, Ngân hàng chính sách nói chung, ngân hàng chính sách xã hội nói riêng được tổ chức và hoạt động hầu như không theo quy định của Luật Các tổ chức tín dụng năm 2010 [sửa đổi, bổ sung năm 2017] và Luật Doanh nghiệp năm 2014 mà chủ yếu theo các quy định của Thủ tướng Chính phủ.

Sau bảy năm Ngân hàng Phục vụ người nghèo hoạt động, nhằm tách tín dụng chính sách ra khỏi hoạt động tín dụng thông thường của các ngân hàng thương mại nhà nước, ngày 4 tháng 10 năm 2002, Chính phủ ban hành Nghị định số 78/2002/NĐ-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; cũng trong ngày này, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 131/2002/QĐ-TTg thành lập Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay người nghèo và các đối tượng chính sách khác. Vốn điều lệ ban đầu của Ngân hàng là 5 nghìn tỷ đồng và được cấp bổ sung phù hợp với yêu cầu hoạt động từng thời kỳ. Thời hạn hoạt động là 99 năm. Ngày 11 tháng 3 năm 2003, Ngân hàng chính thức hoạt động.

Đến ngày 30 tháng 9 năm 2017, tổng nguồn vốn của Ngân hàng là hơn 179.000 tỉ đồng, gấp hơn 25 lần so với khi thành lập. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt hơn 169.000 tỷ đồng, gấp 24 lần so với khi thành lập. Hơn 6,7 triệu hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ. Hơn 31,8 triệu lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác đã vay vốn từ Ngân hàng, nhờ đó hơn 4,5 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo.[6] Vốn ủy thác của địa phương gần 8.500 tỉ đồng.

Đến năm 2020, có hai ngân hàng chính sách là Ngân hàng Chính sách xã hội - VBSP [thuộc Ngân hàng Nhà nước] và Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB [thuộc Bộ Tài chính].

3.1. Ngân hàng chính sách xã hội

Ngân hàng Chính sách xã hội được Nhà nước bảo đảm khả năng thanh toán; tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% [không phần trăm]; không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi; được miễn thuế và các khoản phải nộp Ngân sách Nhà nước.

Tuy là công ty trách nhiệm hữu hạn, nhưng hai ngân hàng trên lại không tổ chức theo mô hình hội đồng thành viên theo quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2014, mà hội đồng quản trị là cơ quan đại diện trực tiếp của chủ sở hữu nhà nước tại Ngân hàng, quyết định các vấn đề liên quan đến hoạt động của Ngân hàng theo phân cấp.

Ngân hàng Chính sách xã hội có mô hình và mạng lưới hoạt động từ trung ương đến tỉnh, thành phố, quận, huyện theo địa giới hành chính, được tổ chức theo ba cấp: hội sở chính ở trung ương, chi nhánh ở cấp tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương và phòng giao dịch ở cấp quận/huyện/thị xã/thành phố trực thuộc tỉnh. Ở mỗi cấp đều có bộ máy quản trị và bộ máy điều hành tác nghiệp. Cách tổ chức như vậy là để thực hiện chủ trương xã hội hóa, dân chủ hóa, thực hiện công khai, minh bạch hoạt động tín dụng chính sách.

Bộ máy quản trị của Ngân hàng Chính sách xã hội bao gồm: Hội đồng quản trị tại Trung ương, 63 Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp tỉnh, thành phố và hơn 660 Ban đại diện Hội đồng quản trị cấp quận, huyện.

Đặc biệt đối với Ngân hàng Chính sách xã hội, tại các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương; quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh được thành lập Ban đại diện Hội đồng quản trị do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban.

Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện các nghiệp vụ: huy động vốn, cho vay, thanh toán, ngân quỹ và được nhận vốn ủy thác cho vay ưu đãi của chính quyền địa phương, các tổ chức kinh tế, tổ chức chính trị - xã hội, các hiệp hội, các hội, các tổ chức phi Chính phủ, các cá nhân trong và ngoài nưốc đầu tư cho các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ỗ địa phương.

Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật của Ngân hàng Chính sách xã hội.

Ngân hàng Chính sách xã hội, khi mới thành lập vào năm 1995 được gọi là Ngân hàng Phục vụ người nghèo. Khi đó, ngân hàng này, tuy có tư cách pháp nhân, nhưng điều hành tác nghiệp tại các tỉnh, thành phố’ trực thuộc Trung ương, quận, huyện, thị xã thành phố trực thuộc tỉnh lại do Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam đảm nhiệm1.

3.2. Ngân hàng Phát triển Việt Nam

Ngân hàng Phát triển Việt Nam có một số đặc điểm như sau:

Thứ nhất, là ngân hàng chính sách, hoạt động theo mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vôh điều lệ, với mức vốn điều lệ là 30.000 tỷ đồng;

Thứ hai, được ngân sách nhà nước cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý, được Chính phủ bảo đảm khả năng thanh toán; được miễn nộp thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước; được áp dụng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng 0% và không phải tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Chức năng, nhiệm vụ của Ngân hàng Phát triển Việt Nam được quy định như sau:

Thứ nhất, hoạt động huy động vốn sau đây:

+ Phát hành trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh theo quy định của pháp luật;

+ Phát hành trái phiếu, kỳ phiếu, chứng chỉ tiền gửi, giấy tờ có giá bằng đồng Việt Nam của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo qụy định của pháp luật;

+ Vay Bảo hiểm xã hội Việt Nam; vay của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước và nước ngoài theo quy định của pháp luật;

+ Vay tái cấp vốn tại Ngân hàng Nhà nước theo quy định của pháp luật;

+Nhận tiền gửi ủy thác của các tổ chức trong nước và nước ngoài;

+ Huy động các nguồn vốn khác phù hợp quy định của pháp luật.

Thứ hai, hoạt động tín dụng sau đây:

+ Cho vay theo chính sách tín dụng của Nhà nước; cho vay các chương trình, dự án do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao;

+ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhở và vừa vay vốn tại ngân hàng thương mại theo quy định của Thủ tướng Chính phủ;

+Cho vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ;

+ Cho vay vốn ngắn hạn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với nguyên tắc ngân sách nhà nước không cấp bù chênh lệch lãi suất.

Thứ ba, hoạt động ủy thác và nhận ủy thác sau đây:

+ Nhận ủy thác huy động vốn, ủy thác cho vay theo quy định của pháp luật;

+ Nhận ủy thác điều hành hoạt động của quỹ bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhở và vừa và quỹ tài chính địa phương theo mục tiêu phát triển của địa phương;

+ Ủy thác cho các tổ chức tín dụng thực hiện một số hoạt động của Ngân hàng Phát triển Việt Nam theo quy định của pháp luật;

+ Ủy thác, nhận ủy thác cung ứng các dịch vụ tài chính, ngân hàng cho khách hàng theo quy định của pháp luật.

Thứ tư, tham gia thị trường liên ngân hàng; tổ chức thanh toán nội bộ; cung cấp các dịch vụ thanh toán, dịch vụ ngoại hối và các dịch vụ ngân hàng khác cho khách hàng; thực hiện hoạt động ngoại hối; tham gia hệ thống thanh toán trong nước và quốc tế theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nưốc.

Thứ năm, thực hiện một số nhiệm vụ khác do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nghiên cứu hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng liên quan đến nhà ở xã hội, trong đó có “mô hình Ngân hàng tiết kiệm nhà ở.

Trên đây là bài viết về nội dung "Pháp luật về ngân hàng chính sách, đặc điểm, phân loại và chức năng".

Luật Minh Khuê [Sưu tầm và biên tập]

Video liên quan

Chủ Đề