Nấu cháo gạo lứt bằng nồi áp suất

1. Cách nấu cơm gạo lứt muối mè, pháp cao nhất của thực dưỡng, đây là món ăn chính mà mọi người nên biết, nấu sao cho ngon và đúng.

PHÂN LƯỢNG GẠO LỨT, NƯỚC VÀ MUỐI:

Một lon gạo (lon sữa bò) + hai lon nước (lon sữa bò) + một phần tư muỗng cà phê muối hầm (chú ý không được dùng muối iốt và muối bọt, muối đã chế biến). Lượng nước có thể thêm bớt tùy theo loại gạo.

CÁCH NẤU GẠO LỨT BẰNG NỒI THƯỜNG ( không được nấu bằng nồi cơm điện):

Nấu nước sôi, đổ gạo và 1/4 muỗng cà phê muối hầm vô nước sôi khuấy đều. Đậy nắp nấu cho sôi bùng lên rồi tắt lửa. Nhắc nồi xuống vẫn đậy nắp để 15 phút. Sau đó nhắc nồi lên bếp, nấu tiếp lửa nhỏ cho đến khi chín.

CÁCH NẤU GẠO LỨT BẰNG NỒI ÁP SUẤT:

Một gạo + một rưỡi nước (đong bằng lon sữa bò) + một phần tư muỗng cà phê muối hầm. Cho gạo, nước, muối vô nồi một lượt. Nấu sôi xì hơi, tắt lửa. Để yên 15 phút. Sau đó, nấu tiếp, lửa nhỏ, cho đến khi chín.

CÁCH NẤU CƠM GẠO LỨT TỐT NHẤT:

CHƯNG CÁCH THỦY BẰNG NỒI ÁP SUẤT:

Một chén gạo lứt nấu với hơn một chén nước. Nếu cơm khô, thêm nước; nếu cơm nhão, bớt nước (1 ký gạo lứt + 1 muỗng cà phê muối hầm). Gạo lứt + nước + muối để vô tô và đặt tô này vào nồi áp suất có nước. Nước trong nồi áp suất cho vừa đủ để khi nấu sôi lên không bị tràn nước vào tô gạo. Bật lửa, chưng cách thủy tô gạo lứt đã có nước, đến khi nghe sôi kêu nồi đợt đầu 15 phút, tắt lửa, để yên đó. Sau 20 phút, bật lửa lên nấu tiếp, nghe sôi kêu nồi đợt hai 5 phút thì tắt lửa. Để 30 phút sau là chín cơm.

NẤU CƠM GẠO LỨT BẰNG CÁCH CHƯNG CÁCH THỦY TRONG NỒI THƯỜNG:

Một chén gạo lứt nấu với hơn một chén nước (1 ký gạo lứt + 1 muỗng cà phê muối hầm). Nếu cơm khô, thêm nước; nếu cơm nhão, bớt nước. Gạo lứt + nước + muối để vô tô và đặt tô này vào nồi có nước. Nước trong nồi cho vừa đủ để khi nấu sôi lên không bị tràn nước vào tô gạo. Bật lửa, chưng cách thủy tô gạo lứt đã có nước, đến khi nghe sôi xì hơi đợt đầu 30 phút, tắt lửa, để yên đó. Sau 15 phút, bật lửa lên nấu tiếp, nghe sôi xì hơi đợt hai 10 phút thì tắt lửa. Để 30 phút sau là chín cơm.

CÁCH GIỮ CƠM GẠO LỨT KHÔNG THIU:

Không đậy nắp kín mà dùng rá để đậy nồi cơm. Không được để cơm trong tủ lạnh

CÁCH HÂM CƠM GẠO LỨT:

Khoét một lỗ tròn giữa nồi cơm cho đến đụng đáy nồi, đổ nước vô (lượng nước đủ tráng đáy nồi để cơm không bị khét khi hâm). Đậy nắp nồi cơm, nấu cho nước bốc hơi lên, mở nắp nồi khuấy đều. Dùng muỗng ép cơm cho bằng mặt và cứng. Đậy nắp nồi, để lửa riu riu khoảng 5 phút, tắt lửa.

CÁCH RANG MÈ:

Mè vàng còn vỏ. Đổ mè vô thau nước đầy, đãi vớt lấy mè nổi trên mặt nước và bỏ sạn cát chìm xuống dưới thau. Phơi khô mè sạch đã vớt, đựng trong hộp đậy nắp. Nếu mua mè sạch, không phải đãi nữa. Khi rang mè, nhúng tay cho ướt để bóp sơ mè cho thấm nước mới rang thì mè thơm hơn là rang khô. Rang lửa đều và nhỏ, khuấy đều mè, đến khi nghe mè nổ lách tách, rang thêm một chút nữa là mè chín. Đổ mè chín ra thau, phải đậy kín liền. Mười phút sau, mè nguội, bỏ vô cối nghiền chung với muối hầm. ( chú ý nghiền chứ không phải giã). Một muỗng cà phê muối hầm nghiền với 12 muỗng mè. Phân lượng này thay đổi tùy theo tuổi tác và loại bệnh. Mè trộn muối rồi chỉ được sử dụng 4 ngày. Nếu ăn tiếp, phải rang mè mới.

CÁCH ĂN CƠM GẠO LỨT VỚI MUỐI MÈ:

Khi múc cơm ra chén, không được xới cơm đều, chỉ xắn cơm trong nồi từ trên xuống dưới để lấy đủ âm dương. Ăn bao nhiêu thì xắn bấy nhiêu ra chén. Để nguyên phần cơm dư ngày mai, không được xới lên. Một chén cơm trộn đều với 4 muỗng cà phê muối mè đã nghiền. Ăn bằng muỗng cà phê, một lần ăn 1 muỗng cà phê cơm trộn mè, không được nhiều hơn để nhai nát cơm cho dễ. Phải nhai cho đến khi cơm thành nước và cảm thấy ngọt mới được nuốt và chỉ nuốt một lần, không được nuốt nhiều lần; vì nuốt nhiều lần sẽ bị khát nước. Khi ăn không được hở môi, không được nói chuyện. Ăn bất cứ giờ nào, không cần đúng bữa. Trước khi ngủ hai tiếng, không được ăn. Dùng số lượng chén cơm nhiều ít tùy ý, nhưng không nên ăn no một lần, một chén cơm có thể ăn nhiều lần.

CÁCH RANG GẠO LỨT DÙNG ĐỂ ĂN:

Nấu cơm gạo lứt chín bình thường. Xới cơm ra mâm phơi khô. Khi phơi cơm, phải trở cơm thường xuyên mới khô đều và cơm rang được dòn. Mỗi ngày phơi cơm, chiều mang vô, mai phơi tiếp, không nên phơi ban đêm ngoài sương. Nhớ đậy cơm phơi bằng vải mỏng để tránh bụi và các con vật nhỏ không bám vào cơm. Phơi cơm 3 nắng gắt, đến nắng thứ ba, lấy gạo đang phơi còn nóng đổ vô chảo đang nóng để rang thì gạo mới dòn và xốp. Rang gạo đến khi hạt gạo vừa vàng và thơm thì tắt lửa và đổ gạo đã rang vào một son sạch, đậy nắp liền, gạo sẽ thơm. Đậy nắp khoảng 30 phút trở lên, khi sờ tay thấy gạo còn ấm, không phỏng tay, cho muối hầm vào ( lượng muối hầm bao nhiêu cũng được), đậy nắp lại. Khi gạo nguội hoàn toàn, đổ ra vợt rây, bỏ muối lấy gạo. Chú ý, nếu cho muối hầm vào gạo còn nóng thì gạo sẽ hút nhiều muối, không được. Nếu cho muối vào gạo đã nguội thì gạo sẽ không thấm được muối. Nếu răng yếu, có thể xay gạo rang thành bột rồi cho nước nóng vào để ăn; hoặc không xay thành bột thì có thể ăn bằng cách ngậm gạo lứt rang trong miệng cho mềm, rồi nhai cho đến thành nước, mới được nuốt.

GẠO LỨT RANG DÙNG ĐỂ UỐNG:

Rang gạo lứt sống đến khi gạo vàng đậm là được, để nguội đựng vô keo dùng từ từ.

NẾU BỊ BÓN: 2 tiếng một lần, nhai 1 muỗng cà phê muối mè rang rồi. Và trước khi ngủ, nhai 4 muỗng cà phê muối mè rang, nhai đến lúc không còn mặn mới được nuốt ( khoảng 5 phút).

NƯỚC UỐNG TÙY THEO BỆNH: Bệnh tim mạch, đường ruột, bao tử, vôi cột sống: Dùng lá trà ba năm.

CÁCH PHƠI LÁ TRÀ 3 NĂM:

Nấu nước sôi, cho lá trà tươi vào rồi vớt ra liền ( đó là cách rửa trà). Sau đó ủ một đêm, phơi chỗ mát, một ngày xốc lên ba lần ( sáng, trưa, chiều), phơi khoảng 1 tuần đến 10 ngày, lá trà khô cho vô bao, để chỗ không bị ẩm. Khi dùng, sao khử thổ bằng cách đổ lá trà đã rang thơm xuống nền gạch tàu, rồi hốt lên liền, không được để lâu. Có thể mua 4 miếng gạch tàu, nếu nhà không lót gạch tàu. Lá trà rang để nguội cho vô bao để dành.

2. CÁCH NẤU NƯỚC TRÀ

– Cách 1: Lấy 10 lá trà khô, rửa sạch bằng nước lạnh, vò nát lá trà, cho vô bình thủy và đổ 3 xị nước sôi vô (3 xị = 0,75 lít) . Để khoảng 15 phút, trà sẽ ra đủ chất và để nguyên lá như vậy trong bình thủy, khi uống rót nước thôi.

– Cách 2: Nấu 10 lá trà đã rửa sạch, nấu sôi 15 phút, đổ nước trà vô bình thủy giữ nóng, bỏ lá trà.

3. ĐÁNH RĂNG.

Không được dùng kem đánh răng vì có chất hóa học. Đánh răng bằng bột thuốc theo pháp dưỡng sinh. Một ngày chỉ đánh một lần buổi tối. Các lần khác súc miệng bằng nước muối.

Chú ý ĂN GẠO LỨT MUỐI MÈ THEO SỐ 7 là ngoài gạo lứt muối mè, không được ăn bất cứ thức ăn gì ( kể cả rau củ và trái cây cũng không được ăn).

4. Cơm lứt hạt kê hoặc bắp

Thành phần:

1 lon gạo lứt, 2-1/4 lon nước lọc, 1/4 lon kê, 1/4 muỗng cà phê muối

Cách làm:

Đãi kê ngâm 15 phút rồi vớt ra để ráo.
Đãi gạo ngâm nước 1.3 đến 2 giờ thì vớt ra. Thêm nước sạch vào nước ngâm cho đủ 2 lon đổ vào nồi, đậy vung, đun lửa lớn cho nhanh sôi. Bỏ gạo vào, dùng đũa khuấy đều rồi đậy vung lại, để sôi lại 10 phút. Mở vung nêm muối, khuấy đảo nhẹ và nấu gạo với nước. Cơm cạn nước, mở vung bỏ kê vào, dùng đũa trộn đều và đậy vung nấu tiếp cho chín. Ăn với muối mè.

Cơm lứt hạt kê tốt cho người Âm tạng, béo phệ, phù nề, bị tai biến mạch não hoặc ăn mùa lạnh làm ấm người.

Có thể thay kê bằng hạt bắp tươi hoặc hạt bắp khô giã tấm, dành cho người tạng Dương hoặc ăn Mùa hè.

Món ăn này được lấy trong cuốn “Nghệ thuật nấu ăn vui khỏe” theo phương pháp thực dưỡng Ohsawa

5. Bún lứt xào

Nguyên liệu:

Bún gạo lứt (dạng khô): 120 gam, rong biển Phổ tai: 1 miếng, ngưu bàng: 30 gam, cà rốt: 1 củ (bào nhỏ), mơ muối: 1 quả, muối hầm: 1/4 thìa súp (có bán tại các siêu thị), nước chấm Tamari: 1/3 thìa súp, dầu vừng: 1 thìa súp, mướp đắng, cà rốt: 1 quả/củ để trang trí, rau mùi: 1 mớ.

Cách làm:

Ngâm bún khô gạo lứt trong nước lạnh khoảng 5 phút rồi để ráo. Rong biển ngâm nước lạnh 5 phút rồi thái miếng vừa ăn. Cho rong biển, ngưu bàng, cà rốt, mơ muối, muối hầm, nước chấm Tamari vào nồi nước 250ml, đun nhỏ lửa trong khoảng 30 phút để tiết ra nước ngon ngọt tự nhiên, vớt nguyên liệu ra để ráo. Thả bún lứt ( đã ngâm ) vào nồi nước dùng rồi đun sôi, cho thêm 1 thìa dầu vừng vào đợi đến khi sôi lại thì tắt bếp. Đậy nắp vung lại để bún tự hút lấy nước, 10 phút sau trộn bún với nguyên liệu rong biển, ngưu bàng, cà rốt, mơ muối (vừa vớt). Trang trí thêm cà rốt, mướp đắng và rau thơm cho thật đẹp mắt.

6. Cơm lứt cuốn rong biển

Nguyên liệu:

Gạo lứt trắng 200 gam, muối hầm 1/3 thìa cà phê, mơ muối 1 quả hoặc vài giọt dấm mơ muối, tía tô rắc cơm ( tía tô ngâm nước mơ muối và đem phơi khô tán bột) 2 thìa cà phê. Hoặc có thể dùng lá tía tô tươi, rong biển nori sấy khô hai lá to, Ca-la-thầu (củ cải dầm tương) 15 gam

Cách làm:

Gạo lứt trắng, mơ muối xé nhỏ, muối hầm ngâm trong 1 lít nước khoảng 3 tiếng, rồi nấu như bình thường. Có thể nấu nồi cơm điện, hoặc tốt nhất là nấu cách thuỷ, hạt cơm sẽ dẻo và căng tròn như xôi. Nắm cơm thành những nắm nhỏ, cho thêm vài miếng ca-la-thầu làm nhân. Lăn nắm cơm qua “tía tô rắc cơm”, hoặc có thể lấy lá tía tô tươi đem băm vụn, rồi rắc lên bề mặt nắm cơm. Rong biển cắt thành miếng dài vừa đủ để cuộn cơm, cuộn chặt tay.

7. Cháo gạo lứt

Nguyên liệu: 

Gạo lứt đỏ 200 gam, đậu đỏ 15 gam, rong biển phổ tai 1 miếng to bằng 1/2 bàn tay, mơ muối 1 quả (hoặc vài giọt nước mơ muối lâu năm), nghệ (hoặc bột nghệ) chút bột nghệ bằng hạt ngô, 10 hạt sen tươi hoặc 5 gam sen khô, muối hầm 1/2 thìa cà phê.

Cách làm:

Gạo lứt, đậu đỏ vo đãi sạch. Luộc sôi đậu đỏ rồi vớt ra để ráo. Cho gạo lứt, đậu đỏ, hạt sen, phổ tai, mơ muối (cắt nhỏ), bột nghệ, muối hầm ngâm với 1 lít nước trong nồi áp suất khoảng 20 phút, tắt bếp, để nửa tiếng sau đun tiếp lần 2 trong 20 phút. Có thể lấy cơm lứt nấu thành cháo rất ngon và nhanh. Có thể cho thêm rau củ theo mùa vào thành món cháo thập cẩm. Khi cho rau củ thì không ninh ngay từ đầu vì sẽ bị nồng. Nên hầm hoặc luộc rau củ riêng rồi ninh cùng cháo khi đun lần 2. Có thể ăn kèm rau thơm, hành lá. Món cháo gạo lứt ăn rất hợp vị với Ca-la-thầu ( củ cải ngâm tương).

8. Cơm cốm gạo lứt

Nguyên liệu:
Gạo lứt đỏ 300 gam; đậu đỏ 15 gam; đậu xanh 150 gam; cốm 200 gam; vừng, hành khô, rong biển Phổ tai 1 miếng to bằng 1/2 bàn tay; mơ muối 1 quả (hoặc vài giọt nước mơ muối lâu năm); nghệ hoặc bột nghệ; muối hầm 1/2 thìa cà phê.

Cách làm:

Gạo lứt, đậu đỏ vo đãi sạch. Luộc sôi đậu đỏ rồi vớt ra để ráo. Cho gạo, đậu đỏ, mơ muối, phổ tai, bột nghệ, muối hầm vào nồi áp suất với 1 lít nước rồi ngâm trong khoảng 1 – 3 giờ, sau đó vặn chặt nắp và ninh trong 15 phút, tiếp đó hạ nhỏ lửa và đun thêm 20 phút. Hạt cơm và đậu đỏ sẽ căng tròn và dẻo như xôi. Cơm gạo lứt đậu đỏ, đậu xanh, cốm bày ra đĩa thành từng lớp, rải thêm hành khô, đậu xanh, rắc chút mè lên cơm gạo lứt.

9.Bánh bèo lứt

Nguyên liệu:

1 ký gạo lức, 100g nếp lức, 100g bột sắn dây, 150g càrốt, 50g hành lá, 2 muỗng canh dầu mè.

Cách làm:

Gạo lức, nếp lức ngâm khoảng ba tiếng, đem xay với nước. Cho bột sắn dây vào tô, quậy với nước lạnh, lóng bỏ cặn. Trộn các loại bột với hai muỗng càphê muối, hai muỗng canh dầu mè. Để xửng hấp lên bếp, hấp chén trước khoảng năm phút, sau đó cho bột cho vào chén hấp thêm 20 phút. Bánh chuyển sang màu nâu đỏ là gạo lức là chín.

– Nhân: càrốt bằm nhuyễn, hành lá cắt nhuyễn. Phi đầu hành cho thơm, cho càrốt vào xào, sau đó cho hành lá vào đảo sơ, nêm ít muối. Món này ăn kèm với nước tương.

10.Phở gạo lức

Nguyên liệu:

Củ sắn, càrốt, mướp hương, củ cải trắng, mỗi loại 1/2 ký, 150g hành tây, 1 củ cải muối, 100g nấm đông cô, 50g hành poarô, 2 miếng đậu hũ tươi, 1 gói gia vị phở, 5 muỗng càphê tương tamary, 3 muỗng càphê tương đặc, ngò gai, rau quế.

Cách làm:
Nấu nước lèo:

Bào vỏ các loại củ quả, cắt khúc nấu sôi với ba lít nước, sau đó để lửa liu riu khoảng mười phút để củ quả ra chất ngọt rồi vớt bỏ xác. Rang vàng gói gia vị phở cho vào túi lọc, bỏ vào nồi nước lèo. Nấu nước sôi khoảng 10 phút cho ra mùi phở, nêm tương tamary, hai muỗng tương đặc. Nấm đông cô luột sơ, cắt nhỏ. Đậu hũ tươi rửa sạch, vắt nước, bóp khô. Trộn đậu hũ với nấm đông cô, 1 muỗng nêm tương đặc, 1/2 muỗng càphê đường thốt nốt, 1/2 muỗng tiêu, xào với dầu đã phi hành pơrô. Trụng phở cho vào tô, cho nấm, đậu hũ lên trên, cho nước lèo vào. Rắc hành poarô xắt nhuyễn lên.

11. Bánh chuối lức

Nguyên liệu:

5 phần ăn 500g bánh mì sandwich gạo lức (lúa mạch), 300g chuối già, 1 ký chuối sứ, 300g dừa nạo, 1 muỗng càphê muối, mè rang vàng.

Cách làm:

Bánh mì, chuối già bóp nhuyễn trộn chung. Dừa nạo ra ngâm nước nóng khoảng 15 phút, vắt lấy 500ml nước cốt, nêm muối, trộn với hỗn hợp bánh mì. Chuối sứ cắt lát mỏng. Lót lá chuối tươi dưới đáy khuôn, thoa dầu mè lên lá, rắc mè rang vàng lên. Rải chuối sứ theo vòng cho hết mặt khuôn. Cho hỗn hợp bánh mì vào, làm cho bằng mặt, rải tiếp chuối sứ lên mặt bánh, rắc mè, đậy lá chuối tươi lên. Cho bánh vào lò nướng mười phút, lật mặt bánh nướng thêm mười phút.

12. Rau quả nước xốt Mi-Sô

Nguyên liệu:

Cà rốt 3 củ, súp lơ 1 cây, khoai tây 4 củ, rong biển phổ tai một miếng to bằng 1/2 bàn tay, dầu hạt điều 1/2 thìa cà phê, dầu vừng 1/2 thìa cà phê, dầu mơ muối 1/2 thìa cà phê (hoặc nước mơ muối lâu năm), muối hầm 1/2 thìa cà phê, bột sắn 1 thìa súp.

Cách làm:

Rửa sạch rồi cắt nguyên liệu củ quả thành từng miếng vừa ăn. Riêng súp lơ lấy cả thân cây, bỏ vỏ rồi xắt miếng nhỏ. Luộc hoặc hấp chín nguyên liệu.

– Làm xốt Mi-sô: bào nhỏ 1/2 củ cà rốt, cắt nhỏ miếng rong biển rồi ninh trong 300ml nước (khoảng 20 phút), để lấy nước cốt ngọt tự nhiên. Lọc lấy nước. Khuấy đều bột sắn dây rồi đổ vào nước cốt, thêm 1/2 thìa muối hầm và dấm mơ muối. Chưng dầu hạt điều với dầu vừng rồi đổ vào nước cốt để tạo mầu. Hạt điều dầu có tính dương để điều hoà hỗn hợp nước xốt. Rưới nước xốt lên trên rau củ.