Lê văn tất là ai

Phóng to
Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài
AT - 1/ ÐOÀN THỊ PHƯƠNG LAM [113/18 Vành Ðai Phi Trường, An Thới, Bình Thủy, Cần Thơ]

* Câu 1: Thưa nhà thơ, so với thời đại trước [có áp bức, có chiến tranh...] thì ngày nay [ở thời đại hòa bình] cảm xúc dường như bị bão hòa. Vậy nhà thơ làm thế nào để nuôi dưỡng được cảm xúc cùng cảm hứng để sáng tác thơ?

- Nhà thơ Trịnh Bửu Hoài: Cảm xúc của tôi không bao giờ bị bão hòa. Có hoặc không, ít hay nhiều, nhẹ nhàng hay mãnh liệt mà thôi. Không chỉ có áp bức, chiến tranh hay bất công xã hội... mới tạo được cảm xúc. Trước cái đẹp tôi luôn cảm xúc, mà cái đẹp thì thời nào cũng có.

* Câu 2: Nhà thơ thường có một đời sống tình cảm riêng, vượt xa những lo toan đời thường. Vậy cách để nhà thơ cân bằng, dung hòa giữa cảm xúc và làm tốt vai trò trụ cột trong gia đình mình như thế nào?

- Mỗi người đều có một đời sống tình cảm riêng chứ không riêng gì nhà thơ. Nhưng nhà thơ vì "ham" làm thơ nên thường bị "lộ". Nhà thơ sống, yêu và cảm nhận để viết thành lời, đôi khi đó chỉ là những vần thơ nói hộ giùm người khác những điều mà người ta cũng từng sống, từng yêu, từng cảm nhưng không diễn tả được; nên người ta thường hiểu lầm nhà thơ là người có cuộc sống tình cảm riêng tư vượt xa đời thường hoặc lãng mạn quá mức.

Tôi luôn tôn trọng và ngưỡng mộ cái đẹp, sự thủy chung và lòng trung thực, không bao giờ muốn gây đau khổ cho ai, nên đời sống tình cảm và vai trò trụ cột gia đình của tôi luôn cân bằng, có khi chỉ là một.

Cuộc đời luôn biến dịch, thời cuộc luôn đổi thay, nhưng tôi không bao giờ thay đổi chí hướng của mình: Ca ngợi cái đẹp, dùng cái đẹp đẩy lùi cái ác, cái xấu.

2/ PHAN HỮU TIẾP [Hộp thư 06 Bưu điện Cái Tắc, Châu Thành, Hậu Giang]

* Năm học lớp tư, tôi được tặng tập thơ Dừng chân của thi sĩ Lê Văn Tất. Chẳng biết sao tôi thấy thích nhưng hoàn cảnh chiến tranh người khó giữ, tôi bị mất rất nhiều sách, trong số ấy có tập Dừng chân. Nay đọc những lời tâm sự của anh, tôi bỗng nhớ lại mẩu chuyện vui. "Ðứa con hỏi người cha: Thi sĩ là sao hở ba? Người cha đáp: Thi sĩ là rung theo gió". Lúc ấy tôi không hiểu nghĩa rung theo gió thế nào. Chừng lớn lớn thì tôi cảm thấy đôi lần gió ngấm vào tim, cũng viết mà không dám lấy tên thật. Gửi báo cầu may lại được đăng. Ðến khi một người bạn đề nghị lấy tên thật, tôi nghe có lý. Không ngờ lại chẳng viết được gì. Muốn hỏi anh, lần đầu làm thơ anh lấy tên thật cho đến nay hay cũng chọn một bút danh bay bổng?

Ðịa chỉ 58 Bảo Hộ Thoại, Châu Ðốc, An Giang năm xưa hiện nay là nhà ai, có liên quan thi sĩ Lê Văn Tất không?

- Tôi không ngờ cái tên lại ảnh hưởng đến sự sáng tác của anh như vậy. Có lẽ do anh thiếu tự tin ở mình [khi lấy tên thật] nhưng lại có niềm tin với người khác [khi dùng bút hiệu] mà người khác đó lại chính là mình nhưng anh nghĩ là độc giả không biết. Khi tôi viết chỉ tập trung cho tác phẩm chớ không nghĩ bài đó ký tên gì. Những năm đầu làm thơ đăng báo tôi vẫn ký bút hiệu. Lúc còn nhỏ, tôi thích chọn cho mình những bút hiệu hoa mỹ dính tới một kỷ niệm, một con người hay một vùng đất. Vả lại, hồi nhỏ tôi chưa bao giờ tin cái tên của mình là đẹp [có khi còn nghĩ ngược lại] nên vẫn thích xài bút hiệu. Ðến năm 1969, tôi đoạt giải nhất thơ giải văn chương Thủ Khoa Nghĩa ở Châu Ðốc, đây là giải sáng tác của trường tôi học nên phải ký tên thật và tên tôi được cả trường biết đến khi xướng danh đoạt giải. Cũng trong thời điểm này, có một người thầy gọi tôi lên bảng làm bài, thầy chợt nói: "Trịnh Bửu Hoài, một cái tên rất đẹp, ai đặt tên cho trò vậy?". Tôi ngượng đỏ mặt nhưng về suy nghĩ lại thấy tên của mình nghe cũng được và tin là thầy mình nói thật, nên từ đó tôi tự tin ký tên thật trên các sáng tác của mình.

Tôi mong anh tiếp tục sáng tác và viết với những cảm xúc chân thật của mình để có những bài thơ hay, còn dưới những bài thơ ấy anh ký tên gì đừng quá quan tâm.

Lúc sinh thời, nhà thơ Lê Văn Tất chỉ ở căn nhà số 20 đường Phan Văn Vàng, thị xã Châu Ðốc. Hiện nay các con ông đã bán nhà để về TP.HCM sinh sống. Còn căn nhà số 58 đường Bảo Hộ Thoại [hiện nay là số 92 đường Nguyễn Văn Thoại] là của anh Lâm Hữu Nhứt [ca sĩ Huy Thanh, đã qua đời], không dính líu gì tới nhà thơ Lê Văn Tất.

3/ LÊ THỊ XUÂN HƯƠNG [số 27 Ung Công Uẩn, thị trấn Kế Sách, Sóc Trăng]

* Có rất nhiều nhà thơ viết về tuổi học trò, về mái trường nhưng rất ít người thành công và thành danh. Nhưng cái tên "Trịnh Bửu Hoài" đã lắng đọng trong tâm hồn nhiều thế hệ học trò trước và sau năm 1975. Xin nhà thơ cho biết: bí quyết gì đã làm nên một "thương hiệu Trịnh Bửu Hoài" như vậy?

- Tôi làm thơ khá sớm, từ những năm đầu vào trung học nên quãng đời áo trắng khá dài trong đoạn đường làm thơ của tôi, có lẽ vì thế nên tôi có nhiều thơ về tuổi học trò. Và cũng chính trong lứa tuổi này tôi có những cái ban đầu khó quên, đó là thuở ban đầu của tình yêu, ban đầu của con đường thơ... Trong gần suốt cuộc đời tôi quý nhất là thời áo trắng, với tôi đó là thời đẹp nhất của đời người. Hồn nhiên, mơ mộng, vô tư, lãng mạn, chân thật... những điều ấy khi qua đi thời áo trắng bạn khó tìm lại được. Tôi làm thơ là để giãi bày nỗi lòng mình. Một phút trải lòng trên trang giấy tôi thấy mình được sống thêm một chút trong đời sống tinh thần, thả được nỗi buồn xuống trang giấy thấy lòng mình nhẹ đi... Tôi không hề nghĩ mình sẽ trở thành nhà thơ hay làm nên một "thương hiệu". Với thơ, tôi có nỗi đam mê nên khi viết thì say sưa hết lòng, xem nó như người bạn đời chung thủy và chắc chắn nó không phụ bạc mình bao giờ. May mắn là tôi có một số bài đồng cảm với các bạn đang sống trong lứa tuổi học trò, có lẽ vì thế nên được các bạn yêu thích.

4/ NGUYỄN VĂN THẢO [khu phố 5, phường Phú Ðông, thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên]

* Câu 1: Xuất bản 49 tác phẩm. Vậy theo chú, viết thơ với văn xuôi cái nào dễ làm chú "rung động trái tim" hơn?

- Tôi đến với văn chương bằng thơ, và có lẽ thơ là người đồng hành đến cuối đời. Tôi viết văn vì có những điều mình cảm nhận, bức xúc mà không thể diễn đạt bằng thơ được. Khi cầm một tập thơ vừa xuất bản trên tay, lòng tôi vẫn xúc động hơn khi cầm một tập văn xuôi.

* Câu 2: Theo cháu biết, trước khi đặt bút, nhiều nhà văn, nhà thơ thường nhâm nhi cốc cà phê nóng hay đi đâu đó để tìm cảm xúc... Chú đã làm gì trước khi đặt bút viết?

- Mỗi người có một thói quen khi viết. Thói quen đó do chính mình hoặc hoàn cảnh tạo ra. Có người dùng cà phê, thuốc lá để gợi hứng. Có người phải ăn mặc chỉnh tề mới viết được [nhà thơ Ðông Hồ]. Có người quen đặt giấy trên đầu gối để viết, khi ngồi vào bàn thì không viết được [nhà văn Mai Văn Tạo]. Có người viết bằng máy đánh chữ, không nghe tiếng gõ lóc cóc là không ra thơ [nhà thơ Phạm Hữu Quang]; thậm chí có người quen viết trên giấy kẻ hàng, ngồi trước trang giấy trắng không viết ra một dòng nào. Tôi tập cho mình thói quen viết bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào nếu có cảm hứng. Khi tôi nhập tâm vào trang viết thì không có gì chi phối được. Lúc viết tôi thường nghe nhạc, nhất là nhạc không lời.

5/ KIM SƠN [167/7A Thích Quảng Ðức, quận Phú Nhuận, TP.HCM]

* Câu 1: Ðược biết ngoài chuyên môn là sáng tác thơ văn, đã có thời gian anh đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Hội văn nghệ ở một tỉnh miền Tây. Theo anh, công việc của một viên chức hành chính có ảnh hưởng gì đến quá trình sáng tác của anh?

- Công việc quản lý chi phối thời gian và tinh thần của mình rất nhiều. Tôi có những đề tài tâm đắc ấp ủ đã lâu nhưng lúc công tác ở hội không thể nào có điều kiện để viết. Bây giờ nghỉ hưu mới có kế hoạch thực hiện. Nhưng trong thời gian hơn 10 năm làm ở hội, tôi và ban thường trực hội đã lo được cho anh chị em văn nghệ sĩ của tỉnh nhà có nhiều tác phẩm ra đời và phổ biến đến công chúng thưởng ngoạn, cũng như phát hiện bồi dưỡng một đội ngũ kế thừa khá hùng hậu và có thực tài, góp thêm hương vị cho đời sống tinh thần của mọi người. Ở đời, thường được cái này phải mất cái kia.

* Câu 2: Anh có theo dõi tình hình văn học nghệ thuật nước nhà thường xuyên không, nhất là các cây bút thơ trẻ mới nổi bật gần đây? Anh nhận xét về họ thế nào?

- Tôi luôn theo dõi tình hình văn học trong và ngoài nước. Các cây bút trẻ ngày nay có điều kiện tiếp cận, hòa nhập và tiến bộ nhanh hơn chúng tôi ngày xưa. Nhưng đôi khi nhanh quá làm giảm đi độ lắng của cảm xúc. Các cây bút thơ trẻ rất thích đột phá, chọn hướng đi riêng, thoát khỏi lối mòn và làm mới thơ mình. Ðó là điều đáng mừng, đáng kỳ vọng nhưng không phải bạn nào cũng thành công. Tôi thường xuyên đọc tác phẩm của các bạn trẻ [kể cả văn xuôi], tuy kỹ thuật chưa nhuần nhuyễn lắm nhưng các bạn viết rất thông minh, hồn nhiên, mạnh mẽ và trung thực.

6/

* Giai đoạn làm "chức sắc" ở Hội Văn học nghệ thuật An Giang, anh có góp phần phát hiện và nâng đỡ những tài năng văn chương trẻ hay không? Anh có thể kể ra một số tên tuổi cụ thể?

- Thời gian tôi làm quản lý ở Hội Văn học nghệ thuật An Giang, công việc phát hiện và bồi dưỡng tài năng văn chương trẻ là một trong những nhiệm vụ hàng đầu. Những năm gần đây, nhiều em ở An Giang đã dần khẳng định mình trên văn đàn như: Trương Thị Thanh Hiền, Võ Diệu Thanh, Trần Mỹ Hiền, Trần Hoàng Trâm, Nguyễn Ðức Phú Thọ... Các em này đều đã có tác phẩm xuất bản. Tôi rất vui trước sự tiến bộ của các em.

7/ LINH TUYỀN [P.3, Q.Gò Vấp, TP.HCM]

* Câu 1: Trong tất cả những bài thơ sáng tác từ trước tới giờ, anh ưng ý bài thơ nào nhất? Vì sao?

- Những "đứa con" của mình thì đứa nào mình cũng yêu thương và ưng ý nên mới cho ra đời. Tuy nhiên, có một số bài khi mình đọc lại vẫn cảm thấy lòng bồi hồi xúc động như đang sống với những cảm xúc dạt dào của ngày xưa. Có lẽ nó đã là một phần của tâm hồn nên mình yêu nó hơn. Những bài thơ đó khá nhiều, không thể liệt kê hết ra được, tiêu biểu đôi bài như: Thơ tình viết trước 1975 có Cánh phượng hồng thuở ấy, Ðêm trăng lầu Phượng, Khi đến thăm người, Người em tóc ngắn vĩnh biệt trường..., sau này là Khúc trăng xưa, Chiều xuân, Gởi một người phương xa... Thơ viết về tình bạn có Bạn tôi, Tiễn bạn, Ðêm ngủ dưới chân Ngự Bình, Chiều Kinh Bắc... Về quê hương có Quê xa, Ði xuồng trên sông Bình Di, Trái tim Thăng Long...

* Câu 2: Nhìn vào các tác phẩm chính của anh, thấy có một tiểu thuyết Nửa tuần trăng mật. Trong tương lai, anh có dự định viết thêm một truyện dài hoặc hồi ký gì không?

- Tôi có trên 10 cuốn tiểu thuyết xuất bản khoảng thời gian từ 1988 đến 1995. Khi tôi chuyển về công tác ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh An Giang thì không còn thời gian để viết tiểu thuyết nữa. Sắp tới, tôi sẽ thu xếp công việc để bắt tay vào quyển tiểu thuyết Thăm thẳm đêm sâu viết về cái làng quê nơi tôi sinh ra và lớn lên bên bờ sông Hậu, trải qua hai chế độ trong chiến tranh và hòa bình với biết bao bi kịch, bi ai và bi hùng; dự kiến dày trên một ngàn trang và viết trong ba năm. Quyển tiểu thuyết này tôi ấp ủ đã lâu và đã có sẵn đề cương, chỉ còn việc ngồi vào bàn phím. Tôi chưa nghĩ tới việc viết hồi ký.

8/ PHẠM HỮU HÒA [125/42 Nguyễn Thái Học, Quy Nhơn, Bình Ðịnh]

* Câu 1: Ðể có được thành công như ngày nay anh có thể cho biết những gian truân mà anh đã trải qua? Có bao giờ anh xem viết thơ, văn là cái nghề chính để nuôi sống mình? Anh có nhận xét gì về sáng tác thơ của thế hệ trước so với thế hệ trẻ hiện nay?

- Tôi viết rất nhẹ nhàng, thanh thản vì tôi không đặt cho mình một "chỉ tiêu" thành công nào. Tôi viết để trút tâm sự của mình lên trang giấy, để chia sẻ cảm xúc với những người đồng cảm, để đưa cái đẹp mà mình cảm nhận được đến với mọi người. Nên cuộc đời sáng tác của tôi ít có gian truân, mà chính gian truân của cuộc đời đã giúp cho tác phẩm của tôi có thêm sức sống và đa dạng hơn. Tôi chưa bao giờ xem làm thơ, viết văn là nghề chính; dù tôi nghĩ đó cũng là một nghề như bao nghề khác. Tôi đến với thơ văn bằng nỗi đam mê nên phải tìm một nghề khác để nuôi nỗi đam mê đó, mặc dù có một giai đoạn tiểu thuyết nuôi sống tôi nhưng tôi vẫn mê thơ hơn.

Thế hệ thơ trẻ hiện nay đang trên đường tìm tòi cái mới từ nhận thức cho tới diễn đạt và cả ngôn ngữ thơ. Tôi nhận thấy thế hệ trẻ thời nào cũng muốn làm điều đó và chỉ có các bạn trẻ ấy mới làm được. Tôi rất thích đọc thơ của các cây bút trẻ, có bạn khá thành công, nhưng cũng có bạn đi vòng về "chốn cũ" mà không hay.

* Câu 2: Trong các lĩnh vực mà anh đã tham gia [viết thơ, làm báo, văn nghệ dân gian, khoa học lịch sử], anh thích nhất là cái nào? Những chuyến đi thực tế gặp nhiều người có nhiều cảnh ngộ, anh có kỷ niệm nào sâu sắc?

- Làm thơ là sở trường và cũng là bộ môn tôi yêu thích từ thuở nhỏ cho đến bây giờ. Từ khi còn học tiểu học, tôi gặp thơ in trên báo là cắt để dành. Còn công việc làm báo là do sau 1975 tôi công tác ở đài phát thanh. Làm biên khảo về lịch sử vì tôi sinh ra, lớn lên ở vùng biên thùy Châu Ðốc có dãy Thất Sơn huyền bí và vùng đất này được trù phú như hiện nay là nhờ công cuộc khẩn hoang đào kinh lập ấp, chống lại thiên tai, thú dữ và giặc ngoại xâm rất gian khổ, hào hùng của người xưa. Chính những điều này đã tạo cho quê tôi có một kho tàng văn nghệ dân gian với những truyền thuyết, huyền thoại hấp dẫn và lý thú; để lại cho đời sau một pho sử thi phong phú nhưng ngày nay cháu con vẫn chưa khám phá hết. Tôi và một số cây bút ở đây cảm thấy không ghi lại là có lỗi với tiền nhân và nếu để mất dần theo thời gian thì rất uổng nên đã xăn tay vào viết.

Tôi có rất nhiều chuyến đi thực tế nhưng ấn tượng với tôi nhất là những chuyến đi xuyên Việt. Ðất nước mình càng đi càng thấy đẹp, từ phong cảnh cho đến con người. Nếu nói đến những kỷ niệm sâu sắc trên đường mình đi thì có quá nhiều, có lẽ phải viết ra thành một cuốn sách.

Tôi rất cám ơn tất cả các bạn đã tham gia đặt câu hỏi.

Áo Trắng số 16 ra ngày 01/09/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

TRỊNH BỬU HOÀI

Video liên quan

Chủ Đề