Khoản 1 điều 12 nghị định 15 2023 nđ cp

Giảm thuế GTGT theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP, 05 vấn đề quan trọng cần lưu ý trong hoạt động quản lý chi phí đầu tư xây dựng

Trước tiên, phải nhìn nhận chính sách giảm thuế GTGT của Nghị định 15/2022/NĐ-CP là một trong các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11 tháng 01 năm 2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội.

Vì vậy, chính sách giảm thuế GTGT của Nghị định 15/2022/NĐ-CP là một chính sách vĩ mô điều tiết chung cả nền kinh tế nhằm mục tiêu “tiết giảm chi phí, hỗ trợ dòng tiền, bảo đảm tính chủ động, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế và người dân” và các mục tiêu vĩ mô khác chứ không hẳn là hỗ trợ doanh nghiệp hay một vài lĩnh vực đang gặp khó khăn thuần túy.

Thuế GTGT là thuế gián thu, tức là người nộp thuế (nhà thầu) không phải là người chịu thuế (chủ đầu tư). Điều này có nghĩa là thuế GTGT không trực tiếp đánh vào thu nhập hay tài sản (kết quả kinh doanh) nhà thầu.

Hiểu một cách cụ thể hơn thì thuế GTGT do người sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ chịu thuế GTGT nộp cho Nhà nước. Nhưng người chịu thuế là người tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cuối cùng.

Nên thuế GTGT nói chung và trong hoạt động xây dựng nói riêng có tính chất trung lập về kinh tế. Nên khi điều chỉnh giảm thuế GTGT thì Người hưởng lợi trực tiếp là Chủ đầu tư (nếu là người tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cuối cùng: Ví dụ như Chủ đầu tư dự án đầu tư phát triển sử dụng vốn nhà nước).

Nên đối với hoạt động quản lý xây dựng nói chung và quản lý chi phí đầu tư xây dựng nói riêng, chúng ta phải chủ động nghiên cứu, đối chiếu và áp dụng cho phù hợp và linh hoạt với các quy định hiện hành (đầu tư, đấu thầu, xây dựng…), chứ không thể trông chờ các bộ ban ngành “cầm tay chỉ việc” đối với từng vấn đề, đến từng ngõ ngách trong cả nền kinh tế vĩ mô được!

Sau đây, tôi xin chia sẻ một 05 vấn đề chịu ảnh hưởng của chính sách giảm thuế GTGT trong hoạt động quản lý xây dựng nói chung và quản lý chi phí đầu tư xây dựng nói riêng liên quan đến việc áp dụng Nghị định 15/2022/NĐ-CP:

Vấn đề 01 – Áp dụng chính sách giảm thuế GTGT trong việc khâu xác định tổng mức đầu tư, dự toán xây dựng công trình:

Đối với dự án, công trình có kế hoạch thực hiện trong năm 2022: thì mạnh dạn áp dụng giảm thuế GTGT là 8%.

Đối với dự án, công trình có kế hoạch thực hiện trong năm 2022 và kéo dài sang các năm sau:

  • Nếu xác định được chính xác hạng mục, công trình phải thực hiện hoàn thành trong năm 2022: thì phải xác định thuế GTGT là 8%;
  • Trường hợp không xác định được thì nên lập thuế GTGT là 10%.
  • Trách nhiệm của tư vấn lập và thẩm tra, thẩm định phải xác định chính xác các yếu tố chi phí đầu vào, đầu ra của dự án, công trình (vật liệu đầu vào chịu thuế 8% hay 10% như cát, sỏi, thép… không ảnh hưởng vì giá trị trị đưa vào tính toàn là trước thuế).

Đến bước này, đã hoàn thành tốt nhất có thể việc áp dụng đồng thời chính sách giảm thuế GTGT của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP và Nghị định số 10/2021/NĐ-CP theo nguyên tắc “tính đúng, tính đủ”:

“d) Xác định giá trị tổng mức đầu tư xây dựng đảm bảo tính đúng, tính đủ theo quy định, phù hợp với yêu cầu thiết kế, điều kiện xây dựng, mặt bằng giá thị trường và kế hoạch thực hiện dự án;” (điểm d, khoản 3, điều 7 của Nghị định 10/2021/NĐ-CP)

“d) Xác định giá trị dự toán xây dựng công trình đảm bảo tính đúng, tính đủ theo quy định; phù hợp với giá trị tổng mức đầu tư xây dựng; phù hợp với yêu cầu kỹ thuật, công nghệ xây dựng, điều kiện thi công, biện pháp thi công xây dựng định hướng, tiến độ thi công công trình và mặt bằng giá thị trường;” (điểm d, khoản 4, điều 13 của Nghị định 10/2021/NĐ-CP).

Vấn đề 02 – Áp dụng chính sách giảm thuế GTGT trong hoạt động đấu thầu:

1) Đối với Chủ đầu tư/Bên mời thầu cần lưu ý các quy định sau:

Về giá gói thầu xây dựng/dự toán gói thầu xây dựng: Cần lưu ý điều 19 của Nghị định 10/2021/NĐ-CP:

Điều 19. Giá gói thầu xây dựng
1. Giá gói thầu xây dựng là giá trị của gói thầu xây dựng được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu làm cơ sở để lựa chọn nhà thầu. Giá gói thầu xây dựng gồm toàn bộ chi phí cần thiết được tính đúng, tính đủ để thực hiện gói thầu xây dựng, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế.
2. Giá gói thầu được cập nhật trước ngày mở thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu nếu cần thiết.” (“Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết” – điểm a, khoản 2, điều 35 của Luật Đấu thầu 2013).

Về căn cứ lập hồ sơ mời thầu: Cần lưu ý điểm đ, khoản 1, điều 12 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP:

“đ) Các chính sách của Nhà nước về thuế, phí, ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu và các quy định khác liên quan.”

Vì vậy, khâu lập giá gói thầu, dự toán gói thầu Chủ đầu tư cần thiết phê duyệt dự toán gói thầu để thay thế giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu khi đánh giá có ảnh hưởng bởi chính sách giảm thuế GTGT.

Đồng thời, đến bước này, Chủ đầu tư có điều kiện rõ ràng hơn trong việc xác định hạng mục, công trình phải thực hiện hoàn thành trong năm 2022 hay sau 2022 để tiến hành tốt hơn nguyên tắc “tính đúng, tính đủ” như đã nêu ở vấn đề 01.

2) Đối với Nhà thầu cần lưu ý các quy định sau:

Về giá dự thầu:

Cần lưu ý khoản 2, điều 35 của Luật Đấu thầu 2013:

“17. Giá dự thầu là giá do nhà thầu ghi trong đơn dự thầu, báo giá, bao gồm toàn bộ các chi phí để thực hiện gói thầu theo yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.”

Về cần lưu ý điều 4 của Thông tư số 03/2015/TT-BKHĐT (tương tự đối với các thông tư hướng dẫn việc lập hồ sơ mời thầu khác)

Điều 4. Áp dụng các quy định về thuế, phí, lệ phí
1. Giá dự thầu của nhà thầu phải bao gồm toàn bộ các chi phí cần thiết để thực hiện gói thầu, trong đó có thuế, phí, lệ phí (nếu có). Thuế, phí, lệ phí được áp theo thuế suất, mức phí, lệ phí theo quy định tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu.
2. Khi tham dự thầu, nhà thầu phải chịu trách nhiệm tìm hiểu, tính toán và chào đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có) trong giá dự thầu. Trường hợp hồ sơ dự thầu không đề cập về thuế, phí, lệ phí thì giá dự thầu của nhà thầu được coi là đã bao gồm đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí; trong trường hợp này, nếu nhà thầu trúng thầu, được trao hợp đồng thì phải chịu mọi trách nhiệm và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về thuế, phí, lệ phí (nếu có) đối với Nhà nước. Trường hợp trong hồ sơ dự thầu, nhà thầu tuyên bố giá dự thầu không bao gồm thuế, phí, lệ phí (nếu có) thì hồ sơ dự thầu của nhà thầu sẽ bị loại.”

Nhà thầu phải chịu trách nhiệm tìm hiểu, tính toán và chào đầy đủ các loại thuế, phí, lệ phí (nếu có) trong giá dự thầu. Thuế, phí, lệ phí được áp theo thuế suất, mức phí, lệ phí theo quy định tại thời điểm 28 ngày trước ngày có thời điểm đóng thầu. Nên nhà thầu cần xác định giá dự thầu có áp dụng chính sách giảm thuế GTGT hay không để có kế hoạch phù hợp.

Khoản 1 điều 12 nghị định 15 2023 nđ cp

Vấn đề 03 – Thương thảo hợp đồng về chính sách giảm thuế GTGT

Trước tiên vẫn phải đúng 02 nguyên tắc quan trọng lâu nay: Không tiến hành thương thảo đối với các nội dung mà nhà thầu đã chào thầu theo đúng yêu cầu của hồ sơ mời thầu; Việc thương thảo hợp đồng không được làm thay đổi đơn giá dự thầu.

Về nội dung thương thảo hợp đồng, cần lưu ý điểm a và d, điều 19 của Nghị định 63/2014/NĐ-CP:

“a) Thương thảo về những nội dung chưa đủ chi tiết, chưa rõ hoặc chưa phù hợp, thống nhất giữa hồ sơ mời thầu và hồ sơ dự thầu, giữa các nội dung khác nhau trong hồ sơ dự thầu có thể dẫn đến các phát sinh, tranh chấp hoặc ảnh hưởng đến trách nhiệm của các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng;”

“d) Thương thảo về các vấn đề phát sinh trong quá trình lựa chọn nhà thầu (nếu có) nhằm mục tiêu hoàn thiện các nội dung chi tiết của gói thầu;”

Vận dụng cơ sở pháp lý này đề cập đến các vấn đề có thể phát sinh trong quá trình thực hiện hợp đồng mà có khả năng áp dụng chính sách giảm thuế GTGT so với giá trúng thầu và ký kết hợp đồng.

Vấn đề 04 – Điều chỉnh hợp đồng khi Nhà nước thay đổi chính sách (giảm thuế GTGT)

Cần lưu ý khoản 11, điều 1 của Nghị định 50/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung khoản 2,  điều 35 của Nghị định 37/2015/NĐ-CP:

“Trường hợp khi Nhà nước thay đổi chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện hợp đồng xây dựng, thì việc điều chỉnh hợp đồng chỉ được áp dụng cho phần công việc bị ảnh hưởng của sự thay đổi chính sách đó và việc điều chỉnh thực hiện theo quy định của cơ quan ban hành, hướng dẫn thực hiện chính sách.”

Trong trường hợp cần điều chỉnh giảm thuế GTGT phải nộp thì có thể áp dụng quy định này và kết hợp các quy định về thuế GTGT (để điều chỉnh hợp đồng liên quan đến giảm thuế GTGT phải nộp của Chủ đầu tư).

Vấn đề 05 – Thanh toán khối lượng hoàn thành và lập hóa đơn

Về thời điểm xác định thuế GTGT: Theo quy định tại Khoản 5, Điều 8, Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính:

“5. Đối với xây dựng, lắp đặt, bao gồm cả đóng tàu, là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền.”

Về cách lập một số tiêu thức cụ thể trên hóa đơn: Theo quy định tại điểm a, Khoản 2, Điều 16, Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/03/2014 của Bộ Tài chính:

“Ngày lập hóa đơn đối với cung ứng dịch vụ là ngày hoàn thành việc cung ứng dịch vụ, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp tổ chức cung ứng dịch vụ thực hiện thu tiền trước hoặc trong khi cung ứng dịch vụ thì ngày lập hóa đơn là ngày thu tiền.”

“Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp giao hàng nhiều lần hoặc bàn giao từng hạng mục, công đoạn dịch vụ thì mỗi lần giao hàng hoặc bàn giao đều phải lập hóa đơn cho khối lượng, giá trị hàng hóa, dịch vụ được giao tương ứng.”

Vì vậy:

Đối với Hợp đồng xây dựng ký trước 01/02/2022 (10%):

  • Khối lượng lượng nghiệm thu trước/sau giai đoạn 01/02/2022 – 31/12/2022: áp dụng thuế suất 10%;
  • Khối lượng lượng nghiệm thu trong giai đoạn 01/02/2022 – 31/12/2022: áp dụng thuế suất 8%; Chênh lệch giảm 2% so với giá HĐ, xử lý theo vấn đề 04.

Hợp đồng xây dựng ký trong giai đoạn 01/02/2022 – 31/12/2022 (8%):

  • Khối lượng lượng nghiệm thu trong giai đoạn 01/02/2022 – 31/12/2022: áp dụng thuế suất 8%;
  • Khối lượng lượng nghiệm thu sau giai đoạn 01/02/2022 – 31/12/2022: áp dụng thuế suất 10%; Chênh lệch tăng 2% so với giá HĐ, xử lý theo vấn đề 04.

Trên đây là 05 vấn đề mang tính nguyên lý cần lưu ý, bắt tay vào xử lý từng tình huống còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện cụ thể từng dự án mà có cách xử lý cho phù hợp, bởi vì dự án xây dựng về cơ bản đã là một đối tượng rất phức tạp khi triển khai thực tế đã cần khâu phối hợp giữa các bên thật sự linh hoạt, nên khi áp dụng chính sách giảm thuế GTGT của Nghị định số 15/2022/NĐ-CP sẽ còn phức tạp hơn!

Phan Việt Hiếu Giảng Viên Chính

Liêm chính học thuật: Khi trích dẫn, chia sẻ thông tin tại các bài viết của tác giả xin vui lòng ghi rõ nguồn. (VD: Theo Phan Việt Hiếu, Diễn đàn Kiểm toán Xây dựng)