khoa hồi sức tích cực - chống độc là gì

Mắt thấy tai nghe, người ta mới cảm nhận hết bao nỗi nhọc nhằn, áp lực cùng sự bao dung của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Lao động của họ khẩn trương và hối hả chẳng khác nào cuộc chiến thầm lặng giành lại mạng sống cho người bệnh trong từng giây phút.

LAO ĐỘNG ĐẶC THÙ

Một, hai, ba, bốn, rồi lại năm ca, những chiếc xe để bệnh nhân nằm cứ liên tiếp lăn bánh vào Khoa Hồi sức tích cực - chống độc bất kể ngày đêm. Những ca bệnh nặng không chỉ đến từ trong tỉnh, mà các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng cũng chuyển đến nơi này. Ca, kíp trực của đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng và hộ lý phải làm việc suốt ngày đêm. Bởi đạo đức nghề y không cho phép họ lơ là với bất cứ một ca bệnh nào dù cho áp lực tăng lên gấp bội. Không khí làm việc lúc nào cũng khẩn trương, đôi khi pha lẫn tiếng khóc la, gào thét rợn người của bệnh nhân. Khoa có tổng số 30 giường bệnh, nhưng ngày nào cũng quá tải từ 130 - 145%. Bác sĩ Quách Văn Lực, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - chống độc, cho biết nhiệm vụ của y, bác sĩ ở đây là tiếp nhận những bệnh nhân trong tình trạng nguy cấp đến tính mạng cần phải cứu chữa ngay; bệnh nhân bị rối loạn chức năng các cơ quan của cơ thể cần được hồi sức, cấp cứu tích cực. Do đó, mỗi cán bộ, nhân viên không một ai được phép lơ là mà tất cả hợp thành một đội quân năng động, nhanh trí, tận tình và chính xác.

Bác sĩ Lực phân tích, yêu cầu công việc của bác sĩ ở đây vừa nhận bệnh từ Khoa Cấp cứu và Khoa Khám bệnh, vừa xử trí hồi sức ca nặng tại chỗ và phải lọc các nhóm bệnh đã hồi phục đưa sang các khoa khác. Đôi khi bác sĩ trực vừa phải cấp cứu một ca nặng và các ca khác cũng diễn biến nặng lên nên phải làm việc trong điều kiện căng thẳng và xử trí liên tục. Không dừng ở đó, Khoa Hồi sức tích cực - chống độc còn có nhiệm vụ phối hợp với Khoa Cấp cứu tham gia tác nghiệp ngoài bệnh viện và tại bệnh viện trong tình huống xảy ra cấp cứu hàng loạt, cấp cứu thảm họa; hỗ trợ chuyên môn cho hệ thống cấp cứu tại các khoa khác trong bệnh viện và chỉ đạo chuyên khoa cho tuyến dưới.

Về nguyên tắc, lao động ở nơi đây làm việc trực theo ca, kíp [liên tục 24 giờ], sau đó được nghỉ 24 giờ. Tuy nhiên, do không đủ nhân lực nên tập thể lao động ở đây phải thường xuyên làm tăng giờ, kể cả những ngày lễ, tết. Chính vì vậy, mỗi bác sĩ phải ở bệnh viện từ 2 - 3 đêm liền, điều dưỡng kéo dài thời gian giao ca từ 8 - 12 giờ đồng hồ đã trở thành chuyện bình thường. Khác với các khoa lâm sàng, điều dưỡng ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc cứ hai tiếng đồng hồ phải cập nhật tình trạng sức khỏe của những ca bệnh nặng vào hồ sơ bệnh án một lần, còn bệnh nhẹ hơn thì 4 tiếng/lần. Yêu cầu công việc vừa nặng nề lại vừa chính xác nhưng thu nhập của người lao động bao gồm lương chính nhân thêm hệ số 0,6 là chấm hết! Nhân viên điều dưỡng khá lâu năm ở đây cho biết, thu nhập của họ tối đa khoảng 5 triệu đồng/tháng, nhưng đôi khi chỉ được nhận hơn 3 triệu đồng. Bởi vì chỉ cần một sơ suất nhỏ trong chuyên môn hoặc trễ công việc một chút là bị cắt giảm thẳng vào lương chính.

Các bác sĩ hội chẩn thông qua hình ảnh cận lâm sàng.Ảnh: T.Đ

Bác sĩ và đội ngũ điều dưỡng Khoa Hồi sức tích cực - chống độc chăm sóc người bệnh.Ảnh: T.Đ

CON NGƯỜI CŨNG ĐẶC THÙ

Một buổi sáng khá yên ả ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc bỗng dưng có một ca bệnh ngộ độc thuốc tây từ xã Vĩnh Trạch [TP. Bạc Liêu] chuyển đến. Không khí ngột ngạt hẳn lên không phải vì bệnh quá nặng mà do người nhà bệnh nhân kéo tới quá đông. Sự nôn nóng của người nhà cứ giục bác sĩ, điều dưỡng bằng những lời lẽ nặng nề. Vậy mà, tất cả những người thầy thuốc đều lặng thầm phục vụ, sự nhẫn nại và chịu đựng của họ khiến tôi vô cùng cảm kích. Điều dưỡng viên Đoàn Thị Cam là một trong những người như thế. Không một tiếng than van, Cam cứ lân lê chiếc xe đồ nghề đi hết giường này tới giường khác cho đến 2 giờ chiều vẫn chưa ăn cơm trưa. Cam tâm sự: Ăn, uống thất thường, điện thoại thường xuyên bị nhỡ đã trở nên quen thuộc đối với chúng em. Sự la mắng, lớn tiếng từ phía người nhà bệnh nhân thường xuyên đến nỗi em không nhớ hết từng trường hợp. Trong tình huống đó, có khi người ta không còn bình tĩnh nên em chẳng trách móc gì. Còn việc của em là phải phục vụ tận tình để xoa dịu nỗi đau người bệnh. Vậy mà, những người như Cam đôi khi vẫn phải nhận "án phạt" cay đắng, chẳng hạn: Đợt này em không được tăng lương, mà phải chờ đợt sau - nghĩa là phải 6 tháng nữa. Tôi lại hỏi, điều dưỡng viên Trần Kim Cương trả lời: Ở đây tụi em quen rồi, công việc cực nhọc đến đâu không ai một tiếng than phiền, nhưng hễ người nhà bệnh nhân nóng nảy lớn tiếng phàn nàn là xem như tháng đó bị cắt thi đua.

Gần 15 năm làm Trưởng khoa, bác sĩ Quách Văn Lực chia sẻ: Trong mỗi tình cảnh như vậy và trước cường độ, áp lực công việc, nếu không có tình yêu nghề, tinh thần yêu thương người bệnh, sự nhẫn nại và chịu đựng thì người thầy thuốc ở đây khó lòng bám trụ nổi.

Nói về lao động ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, bác sĩ Trần Văn Khánh, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh đánh giá: Khoa Hồi sức tích cực - chống độc đã đóng góp rất lớn, là một trong những khoa chủ lực của bệnh viện. Tôi hiểu rằng, đội ngũ y, bác sĩ, điều dưỡng ở đó lúc nào cũng đối diện với tình trạng nguy kịch của bệnh nhân và sự nóng nảy của người nhà. Chính vì vậy, đội ngũ những người thầy thuốc không chỉ rèn luyện thói quen chịu đựng, bao dung, cao cả mà họ còn phải có chuyên môn giỏi. Bác sĩ Khánh giải thích thêm, đặc thù ở Khoa Hồi sức tích cực - chống độc là hạn chế người nhà chăm sóc, mạng sống bệnh nhân gần như phó thác hoàn toàn cho người thầy thuốc nên đòi hỏi cán bộ, nhân viên ở đây phải thấm nhuần 12 điều y đức của người thầy thuốc Việt Nam, xem người người bệnh như chính người thân của mình thì mới có thể làm tròn trọng trách.

Dẫn chứng xa hơn, bác sĩ Khánh cho rằng, với 1.000 cán bộ, công nhân viên chức của Bệnh viện Đa khoa tỉnh mà phải tiếp xúc, đối xử trọn vẹn với khoảng 5.000 bệnh nhân mỗi ngày, cho thấy một trọng trách lớn đè nặng lên vai mỗi người thầy thuốc. Xác định nhọc nhằn nhưng không kém phần vẻ vang, tập thể người lao động Khoa Hồi sức tích cực - chống độc vẫn kề vai sát cánh ngày đêm hết lòng cứu chữa người bệnh, tích cực nghiên cứu khoa học, cập nhật phác đồ điều trị, để lại những ấn tượng tốt đẹp, niềm tin yêu của người bệnh và nhân dân.

TẤN ĐẠT

Video liên quan

Chủ Đề