Hướng dẫn công tác thanh tra trường học

Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nội bộ đối với các cơ sở đào tạo.

Theo hướng dẫn này, nội dung thanh tra, kiểm tra nội bộ năm học của cơ sở đào tạo bám sát nhiệm vụ năm học theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo đảm chủ động, linh hoạt phù hợp với điều kiện của từng cơ sở đào tạo; tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục đại học theo phân cấp quản lý, thực hiện tự chủ đại học gắn với trách nhiệm giải trình trong hoạt động chuyên môn, học thuật; tổ chức, bộ máy và quản trị; tài chính, tài sản của cơ sở đào tạo.

Hướng dẫn công tác thanh tra trường học

Ảnh minh họa: Phạm Linh

Cụ thể, thực hiện thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh hằng năm theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học, trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non.

Thanh tra, kiểm tra trách nhiệm quản lý của người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu đơn vị thuộc, trực thuộc cơ sở đào tạo; công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật về giáo dục đại học; việc xây dựng, ban hành văn bản, quy định nội bộ của cơ sở đào tạo theo thẩm quyền.

Thanh tra, kiểm tra việc tổ chức, quản lý quá trình đào tạo; quản lý văn bằng, chứng chỉ; việc tự chủ mở ngành các trình độ của giáo dục đại học, các điều kiện bảo đảm thực hiện ngành đào tạo, chương trình đào tạo; các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục.

Thanh tra, kiểm tra việc liên kết đào tạo với nước ngoài; việc đầu tư, quản lý, sử dụng tài sản công, sử dụng cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc và dạy học; việc đảm bảo an ninh, an toàn trường học; công khai, giải trình với xã hội....

Thanh tra, kiểm tra công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong nhà trường, đặc biệt lưu ý nội dung đưa phòng chống tham nhũng vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục theo Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 12/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ...

Cục Nhà trường - Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Cục Đào tạo - Bộ Công an theo chức năng nhiệm vụ được giao, xác định nội dung kiểm tra đối với các cơ sở giáo dục thuộc quyền quản lý có trọng tâm, trọng điểm, bám sát nhiệm vụ trọng tâm năm học của ngành, phục vụ hiệu quả công tác quản lý của đơn vị, theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và yêu cầu của Bộ chủ quản.

Thủ trưởng cơ sở đào tạo chỉ đạo xây dựng và ban hành quy định về công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và các biểu mẫu, biên bản thanh tra, kiểm tra nội bộ trong đơn vị mình; có trách nhiệm bảo đảm điều kiện về thời gian, phương tiện làm việc cho hoạt động thanh tra, kiểm tra nội bộ.

Người làm công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ được hưởng các chế độ, chính sách và các khoản phụ cấp khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra, kiểm tra nội bộ theo cơ chế tài chính của cơ sở đào tạo, Quy chế chi tiêu nội bộ của cơ sở đào tạo và các quy định pháp luật có liên quan.

Cục trưởng Cục Nhà trường - Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam và Cục trưởng Cục Đào tạo - Bộ Công an chỉ đạo cơ sở đào tạo xây dựng và ban hành quy định về công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và các biểu mẫu, biên bản thanh tra, kiểm tra nội bộ của cơ sở đào tạo thuộc quyền quản lý.

Đồng thời, tổ chức thực hiện kế hoạch kiểm tra nội bộ đối với cơ sở đào tạo trực thuộc theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, quy định của cơ quan chủ quản và các quy định pháp luật có liên quan.

1. Tuân thủ theo quy định của pháp luật; thực hiện đúng nhiệm vụ, quyền hạn được giao; bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; mọi ý kiến, phản ánh của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được phản ánh trung thực đến người có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.

2. Không được lợi dụng nhiệm vụ, quyền hạn để kích động, dụ dỗ, lôi kéo công chức, viên chức, người lao động để thực hiện các hành vi trái pháp luật.

3. Làm việc theo chế độ tập thể và quyết định theo đa số.

Tổ chức của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị

Thành viên Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị được bầu tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được thực hiện theo quy định tại Điều 51 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bầu thành viên Ban Thanh tra nhân dân, Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị công nhận kết quả bầu thành viên Ban Thanh tra nhân dân.

Theo khoản 1 Điều 60 Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị do hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bầu gồm từ 03 đến 09 thành viên theo đề nghị của Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị.

Trường hợp cơ quan, đơn vị có tính chất đặc thù hoặc hoạt động phân tán thì hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động có thể quyết định số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân nhiều hơn để bảo đảm hoạt động có hiệu quả.

Trường hợp cơ quan, đơn vị có từ 07 cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trở xuống hoặc trong các trường hợp đặc thù thì không tổ chức Ban Thanh tra nhân dân.

Số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 60 của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Trường hợp cơ quan, đơn vị có tính chất đặc thù hoặc hoạt động phân tán, căn cứ vào yêu cầu, nhiệm vụ, đặc điểm, tính chất tổ chức, hoạt động và điều kiện thực tế, sau khi thống nhất với người đứng đầu cơ quan, đơn vị, Ban Chấp hành công đoàn đề xuất để hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động quyết định số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân nhiều hơn 09 người để bảo đảm hoạt động hiệu quả.

Trường hợp đặc thù không tổ chức Ban Thanh tra nhân dân, Ban Chấp hành Công đoàn sau khi thống nhất với người đứng đầu cơ quan, đơn vị báo cáo công đoàn cấp trên trực tiếp quyết định.

Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị có Trưởng ban, Phó Trưởng ban và các Ủy viên. Trường hợp số lượng thành viên Ban Thanh tra nhân dân từ 09 người trở lên thì số lượng Phó Trưởng ban không quá 02 người.

Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị

Xây dựng chương trình, kế hoạch công tác

Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị xây dựng chương trình công tác để thực hiện các nhiệm vụ được quy định tại Điều 61 (Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị) của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo từng quý, 06 tháng và hằng năm.

Chương trình công tác gồm các nội dung cơ bản: mục đích, yêu cầu, nội dung, thời gian, kinh phí, tổ chức thực hiện và các điều kiện bảo đảm khác. Chương trình công tác có thể được điều chỉnh, bổ sung phù hợp với yêu cầu, tình hình thực tế hoặc khi có vấn đề phát sinh đột xuất.

Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát cụ thể báo cáo Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị và thông báo đến đối tượng kiểm tra, giám sát khác (nếu có) chậm nhất 05 ngày làm việc trước khi tiến hành hoạt động kiểm tra, giám sát.

Phương thức hoạt động

Tiếp nhận thông tin do cán bộ, công chức, viên chức, người lao động phản ánh trực tiếp, qua hòm thư góp ý; qua nghiên cứu văn bản tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra, giám sát do lãnh đạo cơ quan, đơn vị cung cấp. Làm việc với đơn vị, cá nhân liên quan đến kiến nghị, phản ánh để đánh giá tính xác thực của nội dung phản ánh, kiến nghị.

Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị tổng hợp, phân tích, đối chiếu với các quy định pháp luật, quy định, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị để đánh giá, đề xuất, kiến nghị với người đứng đầu cơ quan, đơn vị xem xét giải quyết theo quy định của pháp luật hoặc thông qua Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, đơn vị.

Kết quả kiểm tra, giám sát, xác minh được lập thành văn bản và gửi đến cơ quan, tổ chức, cá nhân có phản ánh, kiến nghị. Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật thì kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định.

Chế độ báo cáo

Ban Thanh tra nhân dân có trách nhiệm định kỳ báo cáo Ban Chấp hành Công đoàn ở cơ quan, đơn vị kết quả thực hiện nhiệm vụ quý, 06 tháng, năm, nhiệm kỳ hoặc khi có yêu cầu; báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm tại hội nghị cán bộ, công chức, viên chức người lao động của cơ quan, đơn vị.

Phối hợp thực hiện nhiệm vụ của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan, đơn vị

Giữ mối liên hệ và phối hợp chặt chẽ với người đứng đầu và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ở cơ quan, đơn vị để kịp thời tiếp nhận ý kiến, phản ánh; tổng hợp, đối chiếu, xác minh và kiến nghị giải quyết theo thẩm quyền hoặc báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết theo quy định của pháp luật.