Giao dục học sinh nói lời xin lỗi

Chỉ nói “Con xin lỗi” khi bị ép buộc mà vẫn lặp lại lỗi tương tự, đó là bởi trẻ không ý thức được sai lầm mình đã mắc phải. Vì vậy, dạy trẻ biết tự nhận lỗi của mình mới là điều quan trọng hơn cả. Thông thường khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ sẽ yêu cầu con nói xin lỗi. Đó là một phản xạ cửa miệng. Nhưng để trẻ không cần nhắc nhở mà vẫn biết nói lời xin lỗi, trẻ cần phải tự nhận thức được lỗi lầm mình đã gây ra. Việc buộc trẻ nói lời xin lỗi khi làm điều gì sai không giúp chúng phát triển các kỹ năng xã hội và tình cảm. Điều quan trọng là cha mẹ cần dạy trẻ biết được lý do tại sao phải xin lỗi để trẻ nhận ra những lỗi lầm của mình. Một lời xin lỗi sẽ không được xem là xin lỗi khi trẻ vừa nói xong đã nhổ nước bọt khắp phòng, và cho dù xin lỗi bao nhiêu lần, bé vẫn tiếp tục lặp lại việc đó.

Bạn có thể giúp trẻ nhận thức được lỗi lầm của mình và tự nguyện nói câu xin lỗi qua 5 bước sau đây.

1. Yêu cầu trẻ nói lời xin lỗi kèm theo lý do

Khi trẻ chập chững biết đi, chúng thường có hành động ném đồ chơi tứ tung, thậm chí ném cả vào người anh chị. Khi trẻ học tiểu học, một số bé sẵn sàng hét lên “Mẹ đi ra đi” khi mẹ yêu cầu trẻ hoàn thành bài tập về nhà. Dù lý do khiến trẻ tức giận là gì đi chăng nữa, hãy bắt đầu quá trình nhận lỗi bằng cách yêu cầu trẻ nói hoàn chỉnh một câu: “Con xin lỗi vì…”. Càng cụ thể càng tốt.

Hãy dạy trẻ nói ra và hiểu cảm giác người khác bị tổn thương như thế nào trước cách hành xử của trẻ.

Nếu câu trả lời của trẻ phù hợp với hành động tiêu cực của chúng, đó là một sự khởi đầu tốt. Nếu trẻ từ chối trả lời hoặc không hiểu tại sao bạn lại yêu cầu trẻ phải xin lỗi vì điều gì, bạn cần phải giải thích, hướng dẫn rõ ràng hơn một chút về hành động hay thái độ sai trái của trẻ.

  1. Cho trẻ cơ hội nhận biết trẻ đã làm sai những gì và tại sao

Một khi con bạn đã hiểu rằng đổ bát mì ống vào chung với phô mai và hét lên: “Con muốn ăn xúc xích” là sai, thì bạn có thể chuyển qua hỏi tại sao hành động đó sai. Bạn hãy dạy trẻ nói và hiểu cảm giác người khác bị tổn thương như thế nào trước cách hành xử của trẻ. Trong trường hợp này, bạn có thể nói cho trẻ nghe về cảm giác của chính bạn: “Mẹ rất buồn khi con hét lên với mẹ như vậy. Mẹ rất mệt, mẹ không có đủ thời gian để dọn dẹp giúp con bát mì và chuẩn bị món xúc xích…”

Giúp trẻ hiểu rằng hành động của mình sẽ ảnh hưởng đến người khác là một trong những bài học quan trọng mà bạn phải dạy cho trẻ biết.

3. Thảo luận về những hành vi mang tính chất tích cực để giải quyết vấn đề

Sau khi đã giúp trẻ xác nhận lý do tại sao phải xin lỗi và xin lỗi ai, bước thứ 3, bạn hãy dạy trẻ cách giải quyết vấn đề của mình theo hướng tích cực hơn. Thay vì nói: “Con sẽ không ném đồ vật vào bố/mẹ nữa”, hãy thử một cách nói khác, hỏi xem con muốn gì trong lúc đang cảm thấy thất vọng, chẳng hạn “Con muốn hai mẹ con mình cùng chơi ô tô không?”. Tùy thuộc vào độ tuổi của con, bạn sẽ có cách hướng dẫn rõ ràng, dễ hiểu và trẻ có thể cần sự giúp đỡ của bạn cho đến khi có những hành vi tích cực hơn.

4. Dạy trẻ về sự tha thứ

Là con người, ai cũng mong muốn được tha thứ khi chúng ta làm tổn thương một ai đó. Với người lớn, sự tha thứ phụ thuộc vào suy nghĩ của mỗi người. Còn với trẻ nhỏ, bạn có thể sẽ gặp khó khăn để giải thích tại sao sự tha thứ là rất quan trọng và lý do đôi khi có những người không thể tha thứ cho trẻ.

Ở giai đoạn này, con bạn biết rằng chúng đã làm sai điều gi, tại sao lại sai, cảm giác bị tổn thương như thế nào, và cố gắng làm thế nào để cư xử tốt hơn trong tương lai. Bây giờ bạn cần giúp trẻ có một tấm lòng bao dung rộng lượng với mọi người, với cha mẹ, và biết cách linh hoạt biến chuyển các tình huống để cả hai bên cảm thấy tốt hơn.

Muốn dạy trẻ biết vị tha, trước hết hãy luôn làm gương cho trẻ. Bố mẹ cần thể hiện thái độ rộng lượng trước những hành động hay thái độ tiêu cực mà trẻ cũng như những người xung quanh gây ra. Chỉ khi chứng kiến bố mẹ sống tốt, rộng lượng, trẻ mới học theo mộc cách dễ dàng.

5. Hãy giúp trẻ biến “xin lỗi” thành thói quen

Nếu đã học qua 4 bước trên, mỗi khi có hành động gì đó sai lầm, con bạn đảm bảo sẽ tự biết nói lời xin lỗi. Như vậy, xin lỗi đã trở thành một thói quen chứ không phải là một phản xạ thiếu trung thực. Nó không còn dừng lại ở lời nói suông mà thực sự là cảm gián hối lỗi, muốn nhận lỗi và sửa chữa sai lầm.

GD&TĐ - Thông thường, khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ sẽ yêu cầu con nói xin lỗi. Đó là một phản xạ cửa miệng.

Song, để trẻ tự giác biết nói lời xin lỗi mà không cần cha mẹ nhắc, đó mới là điều quan trọng. Trẻ phải tự nhận thức được lỗi lầm mình đã gây ra.

Cha mẹ cần dạy con nói lời xin lỗi khi có hành động sai bằng cách cho bé thấy rằng, tất cả mọi người đều làm vậy. Việc thành tâm xin lỗi sẽ khiến cuộc sống trở nên dễ chịu và thoải mái hơn.

Khi phụ huynh đi “chệch hướng”

“Nói xin lỗi đi!”; “Con có vẻ không thật lòng muốn xin lỗi mẹ”; “Bạn ấy sẽ không chơi với con nữa nếu con không xin lỗi ngay bây giờ”. Đây là những câu nói mà không ít phụ huynh sử dụng trong trường hợp trẻ mắc lỗi.

Thường thì sau câu xin lỗi, vấn đề sẽ kết thúc mà không có bất kỳ cuộc thảo luận nào về những gì đã xảy ra. Nhiều phụ huynh thường không giải thích lý do vì sao hành động của con lại gây tổn thương cho người cần được nghe lời xin lỗi. Hoặc, cách con có thể giải quyết sai lầm mà bản thân gây ra, hay những gì nên làm để thay đổi hành vi của mình.

Hầu hết cha mẹ đều mong trẻ cư xử đúng mực, đồng cảm và thể hiện lòng trắc ẩn đối với người khác, biết cách xin lỗi thật tâm. Tuy nhiên, liệu các phụ huynh đã đi đúng hướng khi bắt trẻ phải nói lời xin lỗi?

Thực tế, việc bắt trẻ nói lời xin lỗi khi làm điều gì sai không giúp bé phát triển các kỹ năng xã hội và tình cảm. Điều quan trọng là cha mẹ cần dạy trẻ biết được lý do tại sao phải xin lỗi. Từ đó, trẻ sẽ nhận ra những lỗi lầm của mình. Một lời xin lỗi sẽ không được xem là xin lỗi khi trẻ vừa nói xong đã lặp lại hành động vừa làm sai. Hay, cho dù xin lỗi bao nhiêu lần, trẻ vẫn tiếp tục có những hành vi không tốt.

Tất cả chúng ta có lẽ đều trải qua tuổi thơ của mình với ít nhất một lần rạn vỡ mối quan hệ nào đó. Tình bạn ở trẻ nhỏ có thể dễ dàng “tan” vì một lý do rất trẻ con và “hợp” sau khi một “phía” chịu nói câu xin lỗi. Khi trưởng thành và nhìn lại, chúng ta sẽ thấy những việc đã xảy ra lúc nhỏ thật buồn cười. Thậm chí, chúng ta có thể cho rằng, mình hoặc người bạn thuở ấu thơ quá nghiêm trọng hóa vấn đề.

Tuy nhiên, ở góc nhìn của trẻ nhỏ, mọi thứ lại thực sự quan trọng. Để nói ra được lời xin lỗi với người khác, trẻ phải là người rất dũng cảm. Đối với những bé có suy nghĩ này, nghĩa là con hiểu được tầm quan trọng và ý nghĩa của câu nói xin lỗi.

Việc trẻ biết xin lỗi thể hiện sự nhận thức được khuyết điểm hoặc hành động sai của mình. Đồng thời, đó cũng là sự nhận thức rằng, hành động đó đã làm tổn thương người khác.

Một lời xin lỗi chân thành với thái độ đúng mực sẽ giúp mở cánh cửa của sự tha thứ. Đồng thời, khiến mọi người cảm thông cho nhau hơn. Từ đó, cải thiện tình trạng của một mối quan hệ.

Ngược lại, việc “cố chấp” không nói xin lỗi có thể khiến mối quan hệ đó tệ đi. Chính vì vậy, việc dạy trẻ biết và hiểu ý nghĩa của hành động xin lỗi là rất quan trọng. Nó sẽ tác động đến sự duy trì mối quan hệ xã hội của bé sau này.

Theo các chuyên gia, “hành động xin lỗi” không chỉ gồm câu nói “xin lỗi”. Hành động này còn chỉ đến thái độ khi nói và những việc làm thiết thực để thể hiện mục đích xin lỗi.

Lời xin lỗi chân thành có thể cải thiện mối quan hệ. Ảnh minh họa.

Dạy trẻ phân biệt đúng - sai

Chị Mỹ Huyền [Hoàn Kiếm, Hà Nội] - phụ huynh của bé Bin học lớp 3 - chia sẻ, bé nhà chị thường khóc toáng lên mỗi khi làm điều gì sai. Gần đây, khi làm vỡ mấy cái cốc của ông ngoại, lo sợ bị mắng, Bin khóc to: “Ông ơi, con mèo làm vỡ cốc của ông rồi!”.

Trước đó, Bin để quên bình nước ở sân trường. Tuy nhiên, khi về nhà, vì sợ bị mắng là không cẩn thận, Bin đã nói với mẹ rằng, có bạn nào đó đã lấy mất bình nước của bé.

Nhiều lần, dù mắc lỗi nhưng Bin luôn đổ tội cho người khác, lúc thì tại cái ghế, khi thì do anh, chị, bạn bè. Dù biết con đổ lỗi, song, chị Huyền cho biết thường bỏ qua và dỗ dành bé. Bởi, mỗi lần như vậy, Bin thường khóc rất to.

“Từ nhỏ tới giờ, Bin được gia đình chiều chuộng. Vì vậy, cháu không có tính tự nhận lỗi. Tôi nghĩ là cháu còn nhỏ, nên cũng tặc lưỡi bỏ qua”, nữ phụ huynh chia sẻ.

Do được nuông chiều, nên Bin còn hay vòi vĩnh, nhõng nhẽo, bướng bỉnh. Đặc biệt là bé không biết xin lỗi và luôn tìm cách đổ tội cho người khác. Mặc dù hoàn toàn có nhận thức về hành vi của mình, nhưng Bin hiểu rằng, nếu đổ lỗi cho ai đó và khóc toáng lên, bé sẽ không bị mắng.

Thực tế, trường hợp của bé Bin chỉ là một ví dụ cho thói đổ lỗi ở rất nhiều trẻ. Theo các chuyên gia, trẻ đổ lỗi sang người khác để tìm sự an toàn cho bản thân, hoặc khẳng định “giá trị” của mình, hay kiếm cớ thỏa mãn những đòi hỏi vô lý…

Chia sẻ về vấn đề này, giáo viên Nghiêm Thị Thúy - Hệ thống Giáo dục Kỹ năng sống Cara - cho biết, để trẻ biết nhận lỗi và nói lời xin lỗi, trước hết, cha mẹ cần làm mẫu. Cụ thể, trong trường hợp cha mẹ có hành động sai, hãy thừa nhận điều đó. Hoặc, cha mẹ cũng nên xin lỗi khi đã phản ứng thái quá bằng cách nói những câu như: “Cha/mẹ xin lỗi vì la mắng con. Con không đáng bị mắng như vậy”.

Ngoài ra, khi trẻ mắc lỗi, cha mẹ không nên chỉ tay vào mặt con và nói: “Tại sao con lại lặp lại như vậy? Mẹ đã nói con như thế nào rồi?”. Thay vào đó, hãy thử hoán đổi vị trí với trẻ, cha mẹ sẽ hiểu được cảm giác của con. Bởi, thực tế, mọi người đều có những lúc mắc sai lầm.

“Dạy cho trẻ em nói lời xin lỗi khi con có hành động sai trái bằng cách cho bé thấy rằng, tất cả mọi người đều làm vậy. Nó khiến cuộc sống trở nên dễ chịu và thoải mái hơn. Đây là bài học quý giá mà chúng ta cần dạy cho trẻ”, nữ giáo viên chia sẻ. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng cần dạy con biết cách phân biệt đúng sai. Cụ thể, bé cần được giáo dục về hành vi, cũng như điều đúng - sai trong cuộc sống hằng ngày. Có như thế, trẻ mới hình thành được những phản xạ tự nhiên. Từ đó, có thái độ đúng đắn hơn trong việc nhận lỗi về mình.

Ví dụ, trẻ cần biết rằng, nói lời cảm ơn khi được tặng quà là hành động đúng, trong khi cư xử vô lễ với người lớn là việc làm sai… Đó có thể là những bài học đầu tiên để giúp trẻ biết phân biệt thế nào là đúng - sai. Để làm được điều này, ngoài việc dạy cho trẻ, cha mẹ còn cần phải thường xuyên quan sát những hành động của con hằng ngày. Nhờ đó, có thể kịp thời chỉ bảo ngay khi trẻ làm sai.

Ảnh minh họa.

Học cách tha thứ

Một hành động vô cùng cần thiết khác là các phụ huynh cần dạy trẻ biết tha thứ sau khi nói lời xin lỗi. Xin lỗi và tha thứ là điều cần thiết phải làm, nếu trẻ làm ai đó cảm thấy tổn thương hay bị xúc phạm.

“Đối với hầu hết các cuộc cãi vã hằng ngày, các con hãy ‘làm hòa’ với bất cứ ai mà trẻ có mâu thuẫn. Dạy trẻ hiểu được ‘làm hòa’ có nghĩa như thế nào và làm sao để thực hiện điều đó. Để có thể sống trong cùng nhà với nhau, anh chị em cần phải sống ôn hòa với nhau. Lời xin lỗi mà không có sự tha thứ là một quá trình không đầy đủ. Cha mẹ phải dạy trẻ biết rằng, xin lỗi và tha thứ phải đi đôi với nhau”, giáo viên Nghiêm Thị Thúy nhấn mạnh.

Đặc biệt, phụ huynh cần có sự động viên, khen ngợi xứng đáng khi trẻ biết nhận lỗi. Bởi, một lời khen ngợi là rất cần thiết khi trẻ dám dũng cảm đứng ra nhận lỗi của bản thân. Trong trường hợp đó, cha mẹ có thể dùng những câu như: “Con rất dũng cảm, biết nhận lỗi như thế là đã lớn”… để khích lệ trẻ. Hãy đưa ra cho trẻ những ví dụ rằng, kể cả người lớn đôi khi cũng mắc sai lầm. Do đó, việc thành thật nhận lỗi để mọi người cùng góp ý, sửa chữa mới đáng khen và được tha thứ.

“Trong những trường hợp khác nhau, tất nhiên không phải lúc nào cũng ngợi khen. Song, khi trẻ có ý muốn “tự thú” cho dù chúng “bóng gió”, cha mẹ hãy tỏ ý cho con biết rằng, nói thật là điều nên làm hơn”, nữ giáo viên gợi ý.

Một yếu tố khác cha mẹ cần lưu ý đó là không ép buộc cảm xúc và dàn xếp sự chân thành của trẻ. Bởi, một số trẻ học vẹt nói “con xin lỗi” khi bị cha mẹ ép. Do đó, khi dạy trẻ nói xin lỗi, phụ huynh cần nhớ rằng, cha mẹ không thể ép buộc cảm xúc của con. Chỉ có trẻ mới biết được cảm xúc của bản thân bé ra sao. Ép buộc cảm xúc có thể dạy cho trẻ cách nói lời xin lỗi giả tạo, không thành thật, hoặc tha thứ mà không có sự chân thành.

“Dạy trẻ nói lời xin lỗi còn khó hơn dạy con học giỏi một môn học. Cha mẹ cần kiên trì đồng hành cùng trẻ trong mọi chặng đường, uốn nắn từng chút một. Noi theo tấm gương sáng của bố mẹ, lời xin lỗi sẽ là một hành trang đẹp đi theo trẻ suốt cả cuộc đời”, giáo viên Nghiêm Thị Thúy chia sẻ.

Chủ Đề