Dò hóa đơn depot chân thật sngs thần năm 2024

Trưa hôm qua trong bữa trưa ông Áng ngồi ăn , ngó ra ngoài cửa kiếng của hãng . Ngoài trời mưa lất phất , những giọt nước đóng băng trên các cành cây khô tạo ra những bông hoa đá lóng lánh .

- Chào anh , hôm nay ăn món gì vậy ?

Tiếng cậu Bô vang đằng sau . Cậu ta mới vô làm trong hãng phôn chừng hơn tháng nay .

- Có gì đâu , bà nhà tôi nấu bún măng gà . Nè ! Cậu thử làm một miếng gà xé xem sao . Miếng này tui gắp riêng , chưa đụng đũa vào .

Bô ăn xong , gật đầu : - Ngon thiệt , thơm như gà ở Việt Nam . Bà xã anh mua ở đây vậy ? Chỉ cho em tới mua . - Gà này mua ở farm [nông trại ] . Hôm qua đi làm về chạy xe xuống tận farm ở thành phố Rendon . Mưa quá xá , không thấy đường đi . Mua được vài con gà , trên đường về lại kẹt xe mất ba tiếng mấy . Về nhà bà nhà tôi hỏi bao nhiêu một con . Bảy đô , bà lắc đầu chê mắc mỏ : " Vậy mà cũng mua , tui mua gà Đồng Nai có 8 đô một con , to như vầy nè . " Tui nói thiệt với cậu , gà phải lựa con nào còn tơ ăn mới ngon .

Bô ngồi nghe , mắt sáng lên : - Làm sao anh biết con gà nào tơ con nào già ? - Con trống thì dễ thôi , nó có cựa . Lựa con nào cựa nó mới nhú ra . Còn con mái thì xem lông xem đít . Cầm con mái lên , cậu cứ thổi phù phù như tui nè , con nào da còn non , còn mịn thì là gà tơ . Con nào nhăn nhăn như da tui thì là gà già .

Bô chép miệng : - Hồi đó mới sang Mỹ , vợ em mua gà Mỹ về ăn . Thịt mềm và bở . Em than quá , con vợ em ra chợ xách về con gà thiệt bự như vầy . - Bự như thế là gà già rồi , dai nhách ăn còn gì ngon ! - Nhưng còn đỡ hơn thịt gà Mỹ . - Coi vậy gà còn dễ làm , vịt mới chết . Gặp con có lông măng , mua về nhổ lông mất mấy tiếng như không . - Anh có biết lựa vịt không ? - Không , ông già vợ tui giỏi lắm . Ổng chỉ cần rờ , nắn dưới cái ức nó biết con nào tơ con nào già . - Sao anh không thổi phù phù ?

Áng mỉm cười : - Tui thử rồi .Lông vịt không chịu bay , nó khác lông gà .

Cậu Bô gãi đầu : - Anh nói đến vịt làm em nhớ đến ông bạn hàng xóm , ông Hai Càng . Một hôm đang ngồi nhậu , ông ta tâm sự : " Bên Mỹ này dân ta khoái ăn tiết canh vịt , nhưng họ ngại nhổ lông lắm . " Em mới đuà , biểu ổng : " Nếu vậy , bây giờ anh đang thất nghiệp chưa làm gì . Anh ngồi nghĩ cách làm sao mua vịt về , tìm cách nhổ lông làm sao mà con vịt vẫn còn sống . Như thế anh đem bán cho dân đầu đen nhà mình . Đảm bảo bán đắt như tôm tươi , họ chỉ cần lấy tiết rồi nấu canh măng vịt luôn . " Nói chơi vậy mà ảnh tưởng thiệt , về nhà mua mô tưa , lọc cà lọc cọc mấy đêm . Rồi ảnh qua nhà em , chép miệng : " Tao nghe lời chú mày , mua chục con vịt về làm thử . Cho nó vô máy quay , đánh mấy vòng . Lông cũng rụng ra , nhưng mà kỳ lắm ! "

Áng tò mò hỏi tiếp : - Phương pháp đó coi bộ được a !

Cậu Bô lắc đầu , cười : - Ảnh vừa nói vừa nghẹn ngào : " Nhưng mà kỳ lắm , con nào con nấy lúc xách từ máy ra . Bỏ xuống đất nó quay quay mấy vòng rồi đai [die = chết] luôn . Tao cũng thử vặt lông mà không cắt tiết . Nó đau quá , quang quác điếc cả tai . Vợ tao chịu không nỗi , mắng tao ngu . "

Tung Son 14.1.07

TungSon1

14-01-2007, 11:00 PM

Chào các bạn

Đường nào cũng về La mã

Từ nhà bà chị M. ra phi trường Munster chừng nửa giờ lái xe . Đây là một phi trường nhỏ , hành khách chờ chuyến bay đi về những thành phố khác , đứng tán ngẫu hay phì phèo điếu thuốc lá trên môi . Hầu hết các phi trường quốc tế khác đều nghiêm cấm hút thuốc lá nơi công cộng .

Phi cơ bay chừng ba giờ , tôi ngó xuyên qua cửa sổ . Thành phố cổ kính Roma thấp thoáng dưới ánh đèn . Xa xa vùng biển Địa Trung Hải xanh thẳm . Xuống máy bay chúng tôi đợi chờ lấy hành lý và ngó dáo dác xung quanh . Ở phi trường Fiumicino hành khách đủ mọi màu da , ngơ ngác tìm lối ra hay ra đón tắc xi về hô ten . Thỉnh thoảng vài bà sơ trong chiếc áo nữ tu , hoặc các linh mục vội vã tìm hướng đi . Đâu đó cảnh sát Ý trong bộ nhung phục đen xanh đứng canh chừng . Tóc họ hơi đen , dáng dong dỏng cao tỏa vẻ cương nghị . Trông họ giông giống như những người Ý trong phim Bố Già [The Godfather ] .

Một ông người Ý chừng ngoài ba mươi , cao ráo , bảnh trai từ trong một cái quầy bước ra tươi cười và hỏi người cháu tôi : - Chào quí bạn . Chúc mừng tới thành phố Roma . Các bạn muốn mướn xe về trung tâm thành phố ? - Ừ , chừng bao nhiêu vậy ? - Bảy chục tiền Euro .

Xe van chất chứa mười người chúng tôi và tiến thẳng về cổ thành . Lúc này hơn 8 giờ tối , trời còn lờ mờ chạng vạng . Tôi ngồi sau lưng ông tài xế , thỉnh thoảng hỏi ông ta về cuộc sống nơi đây . Mới đầu nghe ông ta rổn rảng nói tiếng Ăng lê , tôi nghe khó hiểu lắm . Mấy đứa cháu sống bên Đức , đều nói được mấy thứ tiếng mà nghe ông ta nói lỏm bỏm câu được câu không .

Cư quay lại ngó sang tôi : - Chú biết không ? Mấy người dân miền Nam Âu châu ăn nói lớn tiếng hơn người miền Bắc . Không khí miền Bắc loãng hơn , êm lặng hơn nên người miền Bắc nói nhỏ nhẹ hơn chăng !

Tôi mới qua Âu châu mới hơn một tuần , nghe các cháu biểu sao thì biết vậy . Ở trong hãng tôi bên Mỹ , người Mỹ nghe vài người Việt chúng tôi nói chuyện tầm phào , thắc mắc hỏi : " Bộ tui bay cãi nhau sao mà người nào người nấy giọng to thế ! " Tôi biết một điều là tai tôi hơi lãng nên cứ phải nói lớn mới nghe rõ .

Giọng ông tài xế cứ vang đều bên tai chúng tôi , nào nơi đây cần phải thăm , chỗ kia cần phải ngắm . Tôi loáng thoáng mơ màng đến giác đấu trường coliseum , nơi đây Lý Tiểu Long đang co chân co cẳng thế Tiệt Quyền Cước với cao thủ ka ra tê người Mỹ .

Đường vào thành phố trở nên chật hẹp , nhà cửa xây bằng gạch san sát nhau . Thành phố Roma được xây trên bảy ngọn đồi , nên đền đài biệt thự nằm trên các tầng lớp thoai thoải . Lúc này đã hơn chín giờ . Bác tài cứ thủng thẳng loanh quanh chở chúng tôi vào một con đường Pineta Sacchetti . Bên tay phải những hàng thông cao mấy chục thước in đậm trên nền trời hoàng hôn . Bác tài ngừng xe và bấm máy gọi vào trong foyer do các bà sơ người Việt trông nom [Foyer này từa tựa như một cư xá có vào chục phòng , giống như motel 6 bên Mỹ ]. Chúng tôi lục tục kéo vào , bụng người nào nguời nấy đói meo .

Trong phòng tiếp tân một bà sơ dáng nhỏ con , chừng ngoài bảy mười , khuôn mặt hiền từ tươi cười hỏi chúng tôi . - Dạ , con tên là Cư , có đặt trước mấy phòng . - Vậy các cháu lên trên phòng , đã dọn dẹp sẵn rồi . Cư mau mắn hỏi : - Ở đây có tiệm ăn nào gần đây không sơ ? - Ngay đầu đường có tiệm ăn Ý , còn muốn ăn tiệm Tàu thì đi xa hơn một chút . Nhưng nhớ về trươc 11 giờ nhé .

Cất hành lý nhận phòng xong . Chúng tôi 10 ngưòi chia ra bốn phòng và lửng thửng mon men qua con đường Pineta Sacchetti trở ra đầu ngã tư , nơi đây là trạm xe buýt giống như một xa cảng miền Tây . Một tiệm ăn Ý trông khang trang sạch sẽ . Chúng tôi lựa một hai cái bàn ngồi ngoài trời . Cầm menu tôi ngó nhìn. Toàn chữ Ý macaroni , ravioli vần i với vần a .

Cư cười và hỏi chúng tôi muốn dùng gì . - Chắc cho pizza hay spaghetti .

Chừng nửa giờ sau một cô hầu bàn trong y phục đen viền vải trắng tay nâng vài mâm và đặt bánh pizza xuống . Tôi nhìn loại pizza mong mỏng , dưới đáy lại cháy khét đen lòng tôi ngao ngán không muốn ăn .

Con bé Linda nhà tôi nhai mấy sợi mì spaghetti , nhăn mặt : - Eo ! Spaghetti gì mà không giống ở nhà bố nấu .

Món spaghetti của Ý nấu kiểu theo tôi rất dễ . Sợi mì Vermicelli mua sẵn ở chợ Mỹ , đem về bỏ vào nồi luộc chừng 30 phút , vớt ra rửa nước lạnh rồi để ráo nước . Giống như mình luộc bún khô vậy . Sốt ăn chung cũng mua ngoài tiệm Mỹ hiệu Ragu chai 1 quart chừng hơn hai đô . Mang về nhà cho thêm tí nước lã , xịt thêm tí nước mắm . Nơi đây món spaghetti chan một tí loại sốt cà chua đo đỏ thêm vài miếng thịt bằm .

Vợ cháu Cư cười toe toét : - Cô chú ăn những món này ở đây mới đúng là món người Ý .

Cháu tôi nói thì đúng rồi , nhưng vẫn khác mấy món pizza , spaghetti bên Mỹ nên ăn vẫn không thấy ngon . Chúng tôi quay trở lại nhà trọ do dòng Phát Diệm phụ trách . Một mùi quen thuộc phảng phất bay ra từ cuối phòng . Bà chị vợ tôi thốt lên : - A ! Thơm quá ! Hình như là canh mồng tơi nấu với tôm . Tôi ngửi xong , lắc đầu : - Không phải chị , canh rau đay đó . Chà ! giờ đây có bữa canh với dưa cà thì nhứt .

Trời mùa hạ tháng bảy cảnh quan ngoại ô thành phố Roma thật êm ả , trời mát dịu in rõ những vì sao trên bầu trời .

Tung Son 13.1.07

TungSon1

16-01-2007, 04:10 AM

Đường nào cũng về La mã

Tôi quen giấc cứ 5 hay 6 giờ sáng thức dậy . Con bé Linda và bà nhà tôi còn đang trong giấc mộng . Bụng hơi đói , tôi lục trong va li ra tìm gói mì mang từ bên Đức . Kiểu nhà trọ này không giống các hotel lớn như ở Las Vegas , chỉ có kê đủ 3 giường và một phòng vệ sinh . Tôi xách gói mì lơn tơn xuống cầu thang , ra phòng tiếp tân . Nơi đây một bà sơ chừng ba mươi mấy tuổi đang chăm chỉ đọc sách .

- Chào sơ . Sơ đọc truyện hả . Ba chàng ngự lâm pháo thủ ?

Bà sơ ngước mắt lên , mỉm cười : - Không , tôi đang làm luận án tiến sĩ .

Tôi ngạc nhiên bà sơ coi bộ nhỏ nhắn , không ngờ lại học giỏi đến thế . Lòng tôi cứ tưởng bà sơ đang học sách vỡ lòng tiếng Ý . - Nhưng tui thấy hình như sách bằng tiếng Ý mà ? - Dạ , viết luận án bằng tiếng Italy .

Vừa đó mẹ bề trên quản đốc bước vào . Tôi gật đầu chào , hỏi ngay : - Thưa sơ , ở đây có bếp không ? Để con nấu tí nước sôi ăn mì . - Tôi có một bình nước nấu bằng điện , ông ra phòng khách mà cắm .

Tôi đổ nước vào bình , hí hửng cầm đầu cắm tròn của bình nước vào ổ cắm . Nào ngờ lỗ cắm nhỏ quá . Hệ thống điện nhà bên Âu châu 220 vôn , nhưng tiêu chuẩn chấu điện lại không giống nhau .

- Sơ ơi ! Con trả lại bình nước cho sơ và đợi con một chút . Trong va li con còn mấy gói mì , thôi con biếu hết cho nhà dòng . Tí nữa tụi con ra ngoài phố ăn sáng cũng được . - Cám ơn con nhiều . Mấy thứ này ở dây quí lắm .

Tôi ngẫm nghĩ , giá mà tôi cho người bạn trong sở làm bên Mỹ . Họ còn mắng cho : " Ăn ba thứ này , chả bổ ích gì hết . "

Lúc này có hai sở trẻ khác lục tục bước vào . Tôi hỏi thăm được biết các sơ qua tu nghiệp một khoá Thần Học bên Pháp và ghé qua Rome chơi một tuần . - Hình như các sơ đều là người Bắc ? Người Hà Nội ? - Không , chúng em người Phát Diệm . - Thế sơ đoán xem tui người ở miền nào ?

Sơ trẻ cười hiền từ , lặng im một chút : - Tôi chắc chắn ông người Thanh Hóa .

Cảm thấy là lạ , tôi hỏi lại : - Làm sao sơ biết hay vậy ? - Tại vì ông nói chữ dấu hỏi thay vì chữ dấu ngã .

Âm NGÃ sơ kéo dài lên . Bố mẹ tôi người Bắc , vô Nam sinh sống trong vùng người Nam , thành ra tôi nói giọng Trung sền sệt .

Ngoài vườn trước nắng đã lên cao . Hàng cây xanh trông xanh tươi mát rượi . Hoa cam , bưởi thoang thoảng bay quanh .

Gần bến xe Pineta có một tiệm Ý Parana bán cà phê và thức ăn sáng . Bánh ngọt của người Ý nhìn vẫn thấy khác hơn Mỹ . Chúng tôi ngồi quây quần , thưởng thức tách cà phê Ý , và bánh mì Ý . Cà phê Ý rất đặc biệt , được đánh cho sủi bọt , thơm tho như cà phê Mocha .

Từ đây chúng tôi mua vé xe điện ngầm . Vé đi cho cả ngày là 4 đồng Euro . Lúc này gần 11 giờ sáng , các toa trên xe đầy những người . Xe điện chạy hơi lắc lư , thỉnh thoảng dừng lại để hành khách đổi trạm . Hai cậu bé chừng hơn mười tuổi đứng chơi đàn violin với điệu nhạc buồn Come back to Sorrento [Trở về mái nhà xưa ] . Cậu em cầm nón len lỏi chìa ra xin tiền .

Xe dừng lại trạm chính Termini . Chúng tôi bước lên những bậc thang để vào trung tâm thành phố Roma , va` ngắm thành phố bằng xe buýt có hai tầng . Tầng trên không mui . Xe chạy ngoằn ngoèo qua các con đường chật hẹp . Từ đây nhìn các đền đài kiến trúc theo lối La mã , chúng trông thật vĩ đại và hoành tráng .

Tung Son 15.1.07

//i83.photobucket.com/albums/j302/HaiPhoi1/AP_30.jpg

//i83.photobucket.com/albums/j302/HaiPhoi1/ap_29.jpg

//i83.photobucket.com/albums/j302/HaiPhoi1/ap_28.jpg

Bài viết của bác hay thiệt, thỉnh thoảng trong forum lại được pha chút hương vị kiểu như thế này cũng thêm fần lý thú lắm. Chúc mừng bác!

Bác cho em hỏi mấy cây cột trong tấm hình thứ hai ở chỗ nào của La mã, di tích tên là gì thế ạ? Trông hoành tráng quá xá.

TungSon1

25-01-2007, 07:30 AM

Chào DucLoi va` các bạn

Biny ơi ! Hẹn kỳ tới trả lời nhé .

Đường nào cũng về La mã

//i83.photobucket.com/albums/j302/HaiPhoi1/ap_27.jpg

Một con đường chính thành phố Rome

//i83.photobucket.com/albums/j302/HaiPhoi1/ap_26.jpg

Xuống xe buýt chúng tôi lững thững theo cháu Cư . Hắn tay cầm bản đồ và sách chỉ dẫn . Đi ngang đi dọc dưới trời nắng khoảng 82 độ F , dù cái nắng không gắt như ở Sài Gòn , nhưng có lẽ không đi bộ quen , bọn trẻ tí lại cây kem , chốc lon nước ngọt . Một chai nước lạnh 240ml hai đồng Euro , nước ngọt 4 Euro .

Fontana di Trevi , bồn nước Trevi là một trong những thắng cảnh của thành phố La mã , cao 25,9 mét rộng 19,8 mét . Bồn nước này là tụ điểm Aqua Virgo của ba dòng nước dẫn aqueduct vào thành phố La mã từ năm 19 BC . Trước mặt đài là tượng thần Hải vương tinh Neptune lái chiến xa có hình dạng như vỏ sò , kéo bởi hai con ngựa biển [seahorse] , mỗi con được hướng dẫn bởi thần Triton . Một con ngựa có vẻ thuần phục và vâng lời , con kia có vẻ bướng bỉnh tượng trưng cho trạng thái dao động của biển cả .

Du khách bu lại đông đảo , kẻ chụp hình người chỉ trỏ . Tôi nghe một chị du khách hỏi hai người Ý trong y phục người lính La mã : - Tui thắc mắc không hiểu sao ở thành phố này , người ta hay trưng bày các tượng đàn ông trần truồng như nhộng vậy ?

Ông lính cười : - Phong tục xứ Tây nó vậy đó . Thời xa xưa không có chỉ may nhiều , chắc chắn như bây giờ . - Còn quí bà có vậy đâu ? - Đàn bà thì không được , cấm . Nhưng mà bà chị ơi ! Hồi nãy chị chụp hình với tôi , 5 Euro .

Bà du khách nhăn mặt : - Giời ơi ! Đắt thế ! Tui hỏi ông mặt ngựa đằng kia , chỉ tốn 2 Euro kia mà . - Ổng khác , tui đẹp trai hơn nhiều .

Bọn chúng tôi thấy hai chàng lính đẹp trai quây lại , vẫy tay đòi chụp hình . Bà chị tôi móc bóp ra trả họ hai Euro . Người lính trẻ lắc đầu , xoè hai ngón tay : - Mỗi người 2 Euro . - Chụp có một tấm thôi , gì đắt quá vậy cha nội ?

Tên lính cứ nhe răng , xòe tay xin tiền . - Thôi đưa nó cho rồi , kẻo không nó cứ víu áo kéo quần thì chả ra gì .

//i83.photobucket.com/albums/j302/HaiPhoi1/ap_25.jpg

Tôi ngó sang bên hông bồn nước Trevi , một tượng thần Tự do sơn trắng đục , dưới chân có để có giỏ xin tiền . Con bé Linda nhà tôi hí hửng chạy lại bỏ vào một đồng Euro , bức tượng cử động , mỉm cười cúi người xuống tỏ vẻ cám ơn .

//i83.photobucket.com/albums/j302/HaiPhoi1/ap_24.jpg

Một số du khách cầm tiền xu thảy vào trong bồn nước . Các đồng cắc lóng lánh dưới mặt nước ban trưa .

Theo truyền thuyết xa xưa , khi người lính chiến La mã trước khi ra trận bèn tới đây thảy vào bồn nước một đồng xu , để cầu nguyện trở về bình an . Và một trong những chuyện đó , Ba đồng xu trong bồn nước [The three coins in the Fountain] kể rằng , nếu ba người cùng ném đồng xu xuồng bồn nước . Nếu hai đồng chồng lên nhau thì sẽ mau chóng tìm được ý trung nhân , còn như ba đồng chồng lên nhau , sẽ ly dị sau đó . Mỗi ngày ước chừng 3000 tiền Euro được thảy xuống bồn . Ban đêm tiền này sẽ thu cất và trao cho một siêu thị để mua sắm thức ăn , vật dụng cho người nghèo tại Roma .

Tung Son 24.1.07

Bài viết của bác hay lắm. Mà em cứ chờ mãi mới thấy có mấy ảnh ở cuối. Hi` hi` Bác định làm anh em hồi hộp và luyện tính kiễn nhẫn ạ?

TungSon1

25-01-2007, 06:12 PM

Bạn Biny ơi !

Hình đó có thể là Roman Forum , kèo trên bị động đất rơi xuống , nay chỉ còn trơ mấy cột đá thôi .

Nguồn : //wikitravel.org/en/Image:Forum.jpeg

ngthanh

26-01-2007, 02:07 AM

Cảm ơn bài viết của anh, anh làm tôi cũng nhớ Roma quá, cảm xúc nhất là lần ra ngoại thành Roma thăm Catacombs [//en.wikipedia.org/wiki/Catacombs_of_Rome] Kính chúc anh những ngày vui. Thanhnguyen

Bạn Biny ơi !

Hình đó có thể là Roman Forum , kèo trên bị động đất rơi xuống , nay chỉ còn trơ mấy cột đá thôi .

Nguồn : //wikitravel.org/en/Image:Forum.jpeg

Cảm ơn bác đã cất công tìm lại và trả lời. Em không nghĩ là Forum, vì Forum không có chỗ nào lắm cột + thiếu kèo trên + nằm trên cái đê như trong ảnh của bác. Lục lọi mãi, sáng nay mới ra "Temple of Venus and Rome" là giống ảnh của bác nhất ạ :]

//www.aviewoncities.com/gallery/showpicture.htm?key=kveit0259&dir=rome&tpe=city

TungSon1

30-01-2007, 02:02 AM

Chào bạn NgThanh , VPTS

Cám ơn các bạn đã chia sẻ với chuyến đi qua La mã . Tôi ráng viết xong , nhưng lần lựa hòai . Chúc vui.

Bạn Biny ơi !

Cám ơn bạn đã tìm tòi và cho biết hình đó tên gì . Lúc ban đầu ngồi xe búyt đi tham quan thành phố Rome , tôi cứ xách chụp lia lịa. Rồi về đây mới vào các trang sử của Rome để viết bài .

Chào các bạn

Bồng bồng bố ẵm trên tay

Dù nắng hanh vàng nhưng với cơn gió lạnh từ phương Bắc thổi tới thành phố Fort Worth , ông Áng cảm thấy lạnh , co ro kéo áo lạnh đến tận cổ , và vội bước vào trong hội trường giáo xứ nhà thờ .

Trong một góc một nhóm các ông bà ngồi lố nhố . Cô giáo dạy giáo lý giọng ung dung lên tiếng : - ... chúng tôi rất cần đến sự quan tâm đến ông bà ở nhà kèm dạy cháu , nhất là còn vài tháng nữa sẽ cho các em xưng tội lần đâu . Các cháu phải cần ôn luyện để test phần hai ...

Ông Áng cũng như bố mẹ ngồi im lặng lắng nghe như những đứa bé vào lớp tiểu học .

- Nhiều khi các em còn bé quá , tôi dạy các em những điều giáo lý quá cao xa , các em không hiểu nỗi . Có lần tôi dạy các em phải ngoan ngoản , trở thành người tốt người lành , tránh sự dữ . Có em thắc mắc hỏi tôi : " Thưa cô làm những đó để chi vậy ? . Ông bà còn nhớ ngày xưa mỗi gia đình công giáo chúng ta nhà nào cũng treo một tấm ảnh một người bệnh hấp hối . Người lành sẽ được các thiên thần vây quanh , còn kẻ xấu lúc chết còn mê mẩn sắc dục , ma quỉ bu quanh chực lôi xuống hỏa ngục . Tôi lấy hình đó cho các em xem . Chúng nó coi xong , le lưỡi ý ghê quá . Có em rụt rè hỏi : " Thưa cô mình làm điều ngay điều tốt , nhưng lúc đó chẳng may Chúa và các thiên thần một lý do nào đó tới trễ thì sao ?

Cô giáo cười toe toét , ngừng một chút lấy hơi rồi tiếp tục : - Hopely , I think that will not happen . How I do ?

Cô vừa nói tiếng Việt vừa chen tiếng Anh . Ông Áng nghĩ thầm : " Cô giáo này tiếng Anh nói gẫy cả khúc cứ hay văng ra tùm lum . Ý cô chắc muốn diễn tả rằng :" Hi vọng điều đó sẽ không xảy ra . Tôi biết làm cách nào được ? "

Gần bốn giờ tan buổi họp về việc chuẩn bị các thiếu nhi rước lễ lần đầu . Ông Áng bước ra ngoài sân giáo đường . Một nhóm ba bốn ông co ro trong chiếc áo jacket khoác . - Chào các ông . Chào thầy Bình . Thầy Bình trạc ngoài năm mươi , da dẻ hồng hào với chiếc kính cận . - Dạo này ra sao , khỏe không ? - Không , chắc tôi phải đi thông tim tuần sau ,dạo này cứ hay bị tức ngực . - Chắc thầy bị ma đè hay ma phăm đè . [ma femme ]

Thần Bình tay ôm ngực vẫn nở nụ cười : - Không có đâu . Lúc trước có đi thông tim một lần . Nếu mà không bớt chắc phải đi mổ .

Ông Kim tóc hơi bạc mầu lên tiếng : - Dạo này thầy dạy lớp tám lớp chín ? - Vâng . Nhưng chúng nó khó bảo lắm .

Ông Áng góp vào : - Thì đấy ngày xưa tui dạy lớp năm Việt Ngữ . Vô lớp chúng nó cứ ào ào nói chuyện với bằng tiếng Mỹ , chi cha chí chét . Biểu chúng im được chút rồi đâu cũng vào đó . Trẻ con bên này mình không phạt được .

- Mấy ông biết không , gần đến Tết dân tộc tôi dạy các cháu bài ca Xuân . Lúc nói chuyện thì chúng nó nói to thế , vậy lúc bảo chúng hát . Chúng không chịu hát , làm như chúng không muốn há cái miệng ra .

Thầy Bình , thày Áng này ngày xưa là dân Hướng Đạo , thích họp bạn vỗ tay múa hát . Giờ muốn đem chút kiến thức dạy cho bọn trẻ thiếu nhi bên Mỹ này . - Chúng cứ kháo nhau , bài hát gì khó hiểu quá , nghe kỳ kỳ làm sao ! Nói tiếng Việt thì chúng không hiểu lắm , tôi thỉnh thoảng cắt nghĩa bằng tiếng Anh . Chúng nó lại kháo nhau : " Thầy Bình nói tiếng Mỹ nghe kỳ quá ."

Chữ kỳ thầy Bình cố kéo dài ra , làm các ông ôm bụng cười . Ông Áng góp ý : - Thì đúng rồi , con bé Linda nhà tôi tui nói nó còn chê sai . Thí dụ chữ PILOT , chữ L phải uốn lưỡi như vầy mới đúng . Ngôn ngữ nào cũng có cái rắc rối . Như chúng nó nói tiếng Việt cũng như người Tàu nói tiếng Việt .

Thầy Bình sửa gọng kiếng xong , thủng thỉnh nói tiếp : - Coi chúng nó ào ào vậy , chứ bắt chúng thi test , chả đứa nào khá .

- Lúc tui chở các cháu đi học , trên xe tui có mở một băng nhạc dân tộc do nhạc sĩ Khắc Chi biên soạn . Con tui lắng nghe một chút , chúng biểu nhau : " Nhạc gì nghe kỳ vậy bố ! " Tui biểu chúng nó : " Xưa các con còn bé , bố hay ôm các con ru Ả à ời Bồng bồng bố bế ẵm con đây . Mẹ mày đi chợ mua quà a à còn lâu mới về " . Lúc đó chả thấy đứa nào nói kỳ . Chúng khúc khích biểu tui : " Chúng con mới mấy tháng biết gì mà nói hả bố . "

Vừa lúc ấy bọn trẻ nít tan học lớp tiếng Việt ùa ra như bầy ong . Các ông vội vàng nói lời từ giã : - Chào các ông nhé ! Chúng nó tan lớp rồi .

Tung Son 29.1.07

Moonlights

04-02-2007, 11:22 PM

Em xin chen ngang 1 phát. Cái hình bác Tùng Sơn chụp mấy cái cột là trên đường [thật ra phải gọi là hẻm, ngõ thì đúng hơn] từ Forum qua Colosseo.

Bác Tùng Sơn dịp vừa rồi đi khắp EU, chắc mất 1 tháng không bác???

TungSon1

11-02-2007, 05:33 AM

Moonlight ơi !

Chuyến đi Âu châu vỏn vẹn có 3 tuần thôi . Nếu thật sự đi coi hết từng nơi có lẻ phải vài tháng . Bạn nói đúng , bên La mã nhiều ngõ hẻm lắm . Chúc vui .

Chào các bạn

Con đường nào cũng về La Mã

Chúng tôi cứ theo cháu Cư trưởng toán hướng dẫn , dắt đi đâu mình theo đó . Trời khá nóng , đi bộ một chút mấy đứa con tôi và các đứa cháu lại vào tiệm kem giải khát . Ði bộ lòng vòng chừng nửa giờ trên đường lộ của thành phố , tôi chợt thấy một nhóm người ăn mặc không được sạch sẽ lắm , có vẻ bẩn thỉu nham nhuốc . Khi tới gần hai ba bà tay bồng một đứa bé nít chừng hơn một tuổi , tay kia dắt theo một hai đứa bé chừng đâu mươi tuổi . Họ xoè tay xin tiền . Tôi móc trong túi có chừng hơn một đồng Euro tiền cắc , đưa cho họ . Bà ta có vẻ là người Bô hê miên , nhỏ con , mặt bướng bỉnh sấn lại gần tôi , xòe tay xin thêm . Trong lòng hơi cảm thấy kỳ kỳ , đành cho thêm vài Euro cho xong . Có lẽ thành phố La mã sinh hoạt đắt đỏ , một hai Euro chỉ được chai nước lạnh .

Trong nhóm chúng tôi mười người , chỉ có Cư và tôi là đàn ông , đi theo các bà các cô lòng vòng vào các cửa tiệm quần áo . Qua chừng vài cửa hàng , tôi học được thêm chữ Ý mới : SALDI [on sale : hạ giá ] . Chữ này được trưng bày ngay trước các mặt bằng cửa hiệu . Giá cả so với ở Mỹ mắc hơn một chút . Tôi ngắm nghiá mãi ba cái hàng quần áo phụ nữ cũng chán , qua gian hàng phái nam , tìm xem có đôi giày Ý nào vừa chân không . Giày Ý nổi tiếng vừa nhẹ vừa bền . Mang đôi giầy này mà lượn theo điệu luân vũ thì khỏi sợ đạp cẳng mấy bà . Nhưng coi tới coi lui giầy nào cũng Made in China . Ðường phố không nhiều xe hơi qua lại , phương tiện chuyên chở công cộng phần nhiều do các tuyến đường điện ngầm và xe buýt đảm trách . Thỉnh thoảng có vài chiếc vét pa [vespa] chạy vượt qua . Các mặt lộ nhỏ hẹp , cũng không sạch sẽ lắm . Ðâu đó trong góc phố một vài nghệ nhân đứng như trời trồng đủ tư thế , và dưới chân bao giờ cũng có một cái nón bạc màu . Tôi nghĩ thầm giá như về sau già hay thất nghiệp cứ qua Rome thì khỏi sợ đói .

Các dinh thự không ngay ngắn vuông vức như thành phố Bá Linh , ô bàn cờ tướng . Nhưng sau khi bạn đi dạo chơi thành phố La Mã vào giấc trưa và len lỏi dưới bóng râm , mới cảm thấy họ có lý khi xây dựng như vậy . Khi quân La mã dần dần chiếm được các miền xung quanh vào năm 256 B.C. , họ bắt đầu mở mang xây dựng thêm các con đường mới đi qua các vùng mới chiếm Cumae , Neapolis, Sybaris v.v... và từ đó người dân La mã tự hào bắt đầu nói rằng : " Con đường nào cũng về La Mã " . Điều này rất đúng vì lúc đó các vùng chung quanh Địa Trung Hải đã bị người La Mã chinh phục .

Nhóm chúng tôi chia ra làm hai , ai muốn đi shopping thì theo các bà , còn ai muốn đi dạo phố thì theo hai vợ chồng cháu Cư . Rốt cuộc chỉ có tôi và bé Linda nhập theo . Chúng tôi lang thang qua các con hẻm to nhỏ , bày bán linh tinh , Gần đó một cửa hàng bày bán đồ tiểu công nghệ , hàng gỗ tiện khắc hình hài chú bé Pinocchio với cái mũi dài . Một ông lão người Ý đang say sưa đục đẽo chiếc xe gỗ đồ chơi con nít . Bàn tay ông rất khéo léo với chiếc dùi . Có lẽ đây là một loại gỗ nhẹ và rất mềm . Nhìn ông ta đục khắc cứ tưởng là đang bào đục miếng đậu hủ vậy .

Ngắm nghía mãi chúng tôi cảm thấy đói bụng và xà vào một cái quán bên đường hẻm với chừng năm sáu cái bàn được che dù . Người hầu bàn quần áo đen lịch thiệp chào mời , đưa cho chúng tôi một thực đơn bằng tiếng Ý , dưới có phụ đề tiếng Anh . Tôi gọi một đùi gà chiên với khoai tây . Cư , một dĩa mì xào sốt cà chua với mực nang và vợ Cư một đĩa trộn xà lách . Cư san bớt cho tôi một ít mì xào Ý ăn thử thế nào . Mùi vị thơm ngon không biết vì lúc đó đã đói bụng hay hương vị đặc biệt của người Ý nấu . [Về Mỹ tôi tìm tòi trong các trang lưới vẫn không thấy món mực xào . Tôi nghĩ chắc nấu nướng cũng như người Tàu thôi . Mì sợi to đem luộc , rồi cho vào rỗ ráo nước . Xào mực với cà chua , cho thêm tí cần Tây cần Tàu và cho chút phô mai parmesan . Nếm thử cũng hơi giông giống và đặc biệt thêm tí nước mắm cho đậm đà hơn ] . Ba món ăn giản đơn với hai ly cô ca , 48 Euro . Eo ơi đắt ơi là đắt . Nhớ hồi năm 83 mới qua Mỹ , tôi một mình đi dạo chơi thành phố Nữu Ước với một ổ bánh mì dài một đô la , gặm ăn cả ngày . Ở thành phố này bạn không sợ khát , vì đâu đó đều có một phông ten nước rỉ rả cả ngày đêm . Nước rất ngọt ,mát lạnh và sạch sẽ .

//i83.photobucket.com/albums/j302/HaiPhoi1/ap_23.jpg

//i83.photobucket.com/albums/j302/HaiPhoi1/ap_22.jpg

//i83.photobucket.com/albums/j302/HaiPhoi1/ap_21.jpg

//i83.photobucket.com/albums/j302/HaiPhoi1/ap_20.jpg

//i83.photobucket.com/albums/j302/HaiPhoi1/ap_19.jpg

Tung Son 10.2.08

ngthanh

11-02-2007, 07:54 AM

Bác TùngSon ơi có phải bác chụp ba tấm hình cuối này ở gần Trevi không? Người ta đẽo khéo thật bác nhỉ. Chúc bác vui luôn.

khanhdo

11-02-2007, 09:13 AM

Xem mấy tấm ảnh bác TS chụp các chú người gỗ Pinochio mà lòng bồi hồi . Đến giờ mà vẫn còn có người ngồi đẽo gọt và chắc là vẫn còn các cô cậu nhóc đến mua những món đồ chơi cổ tích này . Một nét văn hóa thật đáng yêu vẫn còn tồn tại ở nơi mà nền kỹ thuật hiện đại đã phát triển vượt bậc , chả bù cho nước mình...

TungSon1

18-02-2007, 02:55 AM

Chào NgThanh , KhanhDo va` các bạn

Bác TùngSon ơi có phải bác chụp ba tấm hình cuối này ở gần Trevi không? Da. , ddu'ng dza^.y .

Chúc các bạn MỘT NĂM MỚI TRÀN ĐẦY VUI TƯƠI VÀ HẠNH PHÚC

Quê hương là chùm khế ngọt

//i83.photobucket.com/albums/j302/HaiPhoi1/at_20.jpg

Chiều nay ông Áng ra nhà thờ đón con . Trời Fort Worth đổi gió bấc bất ngờ đột ngột trở lạnh . Một vài ông đứng co ro , chuyện trò ở một góc nhà nguyện . - Chào các ông . - Chào ông . Bánh chưng năm nay nhà thờ bán hết trơn . Nhiều người tới mua bánh không còn tiu nghỉu bỏ về . - Thì đợi sang năm .

Nhác trông thấy một ông cụ chậm chạp bước ra ra xe , ông Áng gọi vói theo : - Bác Huê ơi ! Tuần rồi cháu mua một bánh chưng chay nhân ngọt , nhưng sao bóc ra lại có miếng thịt heo dày như vầy nè .

Cụ Huê lắc đầu , chép miệng : - Tôi nói mấy cụ rồi , chả có ai nghe . Họ nói năm mới con Lợn cho miếng thịt heo cho lấy hên . Sang năm chắc tôi không làm , giao cho mấy cậu đó .

Nói xong cụ vào xe , rồ máy và chạy đi . Ông Lạt dáng người cao ráo , dù gần sáu mươi tuổi tóc vẫn mượt mà đen . - Mấy ông biết không ? Nhiều khi mình cảm thấy chán , kiếm cái gì làm . Gặp mấy cụ già trong hội cao niên , rồi mình xin vô hội . Mấy cụ hỏi tuổi tôi , năm mươi tám . Chưa đủ , còn trẻ lắm . Mà thôi cho thằng Lạt Ma nó quậy lắm .

Ông Áng cười hỏi thêm : - Sao vậy ? - Thì mấy cụ rảnh rỗi ngồi binh xập xám , tui nói thì mấy cụ giận dỗi . Nên giờ mấy cụ thấy bản mặt tui nhứt định không cho nhập hội . - Thôi đợi bảy mươi rồi vô . - Tới đó làm lễ thượng thọ cho rồi .

Đón con ra xe , ông Áng chạy xe về nhà . Thấp thóang một ông đầu đen khệ nệ khiêng hai chậu cây vào nhà ông . Bà Áng tươi cười , vẫy tay : - Ông giúp một tay khiêng cây khế giùm tui . - Ừ ! Bà mua cây khế này bao nhiêu vậy ?

Bà Áng mỉm cười , không nói . Trên bàn vài trái khế xanh vàng tươi ngon như chào mời . - Tui vặt hết khế rồi , ông có muốn ăn không ?

Ông Áng lắc đầu : - Chi vậy ? - Để cây có sức nó còn ra bông nữa chớ . - Vậy khoan khoan một chút . Cây vẫn còn vài trái .

Ông Áng loay hoay lấy máy hình chụp vài phát . Ông nhớ đến một bài ca nói về mấy trái khế xanh . Quê hương là chùm khế ngọt . Chua hay ngọt không cần thiết vì nó gợi nhớ lên một tình quê hương trong những ngày gần Tết . Nỗi nhung nhớ cứ dâng tràn .

Tung Sơn 11.2.08

Xuân về

Sáng 30 Tết Áng đang cặm cụi test mấy bo mạch điện , bỗng nghe một bà Mỹ đen nhe răng vẫy tay : - Andy , chỉ cho ông này làm sao check dây ESD .

Áng quay lại nhìn xem . À ! một ông Mỹ đen dáng vạm vỡ khỏe mạnh .

Bà Mỹ giới thiệu : - Đây là ông Tây lo , technician vô làm ca A . Áng nghĩ thầm : " Tây đen chớ Tây lo gì ! Lại thêm một ông lớ ngớ vô . " . - Chào ông .

Sau khi chào hỏi hết mọi người , Ông Taylor im lặng ngồi xuống một bench chăm chỉ nghe anh Thà giải thích cách sử dụng giàn máy và cách thức test . Ông Mỹ đen gật đầu chăm chú nghe . Khoảng hơn một giờ sau , bà Mễ leader [coi một ca] le te tới biểu chúng tôi : - Xin lỗi , tui không hiểu sao . Ông này chỉ là thợ mới xin vào lắp ráp đường line assembly .

Cậu Thà cười hì hì , nói : - Vậy mà nãy giờ em tốn bao nhiêu nước miếng chỉ bảo hắn , Jtag chạy như thế này chạy thế kia . Hỏi hắn có phải là téc ní sơn không , hắn cười toe toét Yes yes luôn miệng .

Joe , một ông Mỹ trắng khúc khích cười : - Biết đâu hắn là Plumping Technician hay Warehouse technician . Cậu Bô chen vào : - Hồi xưa em đang làm ở hãng điện trên Dallas . Một hôm trên văn phòng đưa xuống một anh Tàu rồi giao cho ông người Kampuchia , lead tech . Ông ta biểu em hướng dẫn công việc . Em cũng giảng giải mấy cái mạch điện chạy làm sao , chạy như thế nào . Qua được nửa buổi , đến giờ ăn trưa anh người Tàu kể lể là hắn vô xin công việc giữ kho , không biết làm sao ban nhân sự lại đưa vào chỗ này , rồi hắn nằng nặc xin vào nhà kho làm . Ông Kampuchia lắc đầu biểu : " Bây giờ you vào được đây rồi , thì tui nhận you làm téc . Anh người Tàu mặt mày xanh lét , xua tay : " No , no . Tui coi mấy cái sơ đồ schematics tá hỏa tam tinh , cho tui vào nhà kho đi . "

Chiều hai giờ Áng ra xe đi về nhà , lòng hớn hở : - Hôm nay 30 Tết rồi . Chiều này mình làm món gì ăn nhỉ ? Hay là mì sợi Tứ Xuyên xào thịt bò bông cải xanh . Ở nhà không hiểu năm nay Tết đến bà con lối xóm biếu toàn là giò lụa , chả chiên . Mình thì bị cao mỡ không xơi được . Bà nhà này với mấy cô không thích giò lụa , chỉ béo con Linda .

Mì sợi to được luộc chín , Áng đem ra rỗ , xóc lại cho ráo nước . À ! Phải lấy cục thịt bò trong đông đá ra chứ . - Má con Linda hả ! Bà có đi làm về , ghé chợ Việt Nam mua vài thứ rau để tui làm món mì xào ăn Tết . - Ờ ! Nghe rồi . Tui cúp phôn đây .

Áng mở máy côm piu tơ lên , lòng chợt nghĩ : " Trong khi chờ đợi mình vào trang cờ tướng làm vài bàn . "

Bà Áng mở cửa đi vào , miệng cằn nhằn : - Gần sáu giờ tối , ông không đón con Kim . - Ừa , con lớn nhà mình dặn khi nào nó lên trường đại học UTA về , rồi mình lên đón hai đứa một lượt . Từ đây lên trường trung học Dunbar hết nửa tiếng . - Ông biết sáu giờ chiều mùa đông trời mau tối . Trường học nằm ngay khu Mỹ đen , để nó một mình chờ ngóng ngoài trường coi sao được . - Dạ , tui đi ngay .

Áng hấp tấp ra xe , hướng về xa lộ 287 . Giờ này mà đi loanh quanh qua vòng đai 820 kẹt xe dài dài . Đúng như ông nghĩ , hàng đoàn xe đủ màu , ánh đèn chớp nhoáng từ bên kia chậm rãi bò tạo nên những làn ánh sáng trắng vàng ngoằn ngoèo như con rắn bạc .

Trường học Dunbar nằm trên đường Ramsey , khu đông nam thành phố Fort Worth . Nhà cửa hai bên vẫn xập xệ sơn xanh sơn vàng cũ kỷ như hai mươi năm về trước .

Không thấy bóng con mình , Áng vội vàng bước ra khỏi xe , hấp tấp mở cánh cửa to gọi to : - Kim ơi ! Tiếng vang dội lại , vẫn không thấy bóng học sinh nào . Lòng ông Áng lo lắng , gọi to : - Kim ơi ! Áng rảo bước đi về tới văn phòng , bỗng nhiên một dáng người nho nhỏ bước ra . - Con đó hả ! Vậy mà bố gọi mãi chẳng thấy con trả lời . Tiếng con gái lí nhí trong miệng : - Con có dạ , bố có nghe đâu . - Ở trường còn ai không ? - Có , một con nhỏ ở lại học chung với con . - Ờ ! Thôi ra xe đợi chị Thi con . Nó biểu mấy giờ về trường ? - Khoảng 7 giờ . Áng ngó đồng hồ , 6 giờ 5 . - Còn sớm chán , hay là hai bố con kiếm cái gì ăn . Để coi trong túi bố còn bao nhiêu , 10 đô . Con muốn ăn cái gì ? - Hambuger cũng được .

Vòng xe ra ngoài khu Meadowbrook , Áng chui xe vào tiệm Mc Donald . - Đó , con vào mua cho bố một cái chicken sandwich một đô . Còn lại nhớ mua cho con Linda , chị Ba con một cái french fries . - Dạ .

Chừng mươi mười lăm phút , Kim xách bịch thức ăn vào xe . - Bây giờ mình lại về trường chờ . Áng ngồi trong xe , nhai hết miếng bánh mì săng quích và nằm ngã người trên chiếc ghế tài xế . Bỗng nghe tiếng phôn reng . - Hê lô ! Linda hả ? Gì hả con . Mua cho con một phần Big Mac . Bố hết tiền rồi con . Mai bố ra nhà băng lấy ít tiền về xài Tết . À ! Kim . Con ăn phân nửa , còn lại chừa cho cho con Linda nhé .

Ngoài trời bóng tối đã lan dần xuống . Áng ngó đồng hồ . Đã hơn bảy giờ . - Mình đã gọi phôn mãi cho con Ba , nó chẳng chịu mở phôn . Thôi hai bố con chạy tới tới trường UTA , nhân tiện đón nó luôn . Từ trường trung học Dunbar qua đường Pioneer Parkway , hai bên dãy những cửa tiệm ánh đèn xanh đỏ vàng tím chớp sáng . - Bố à ! Bố có thấy bên này có vẻ gì là Tết không ? - Không , chỉ có vào mấy cái chợ Việt Nam bày bàn mứt kẹo , bánh chưng bánh tét hoa đào hoa mai giả chưng đầy trên kệ mới biết là Tết . Bên Mỹ này ngày Tết cũng như ngày thường . Khi nào có dịp đưa các con về Việt Nam , xem hương vị Tết quê hương như thế nào .

Reng reng ...

- Hê lô ! Bố hả , bố đón Kim chưa . Con chừng hơn 8 giờ mới xong . - Đón ở chỗ nào . Trường UTA rộng mênh mông mà . - Để con hỏi bạn con . Nó nói khúc đường Nê đờ me và Quét . Tiếng trong phông lẹt xẹt đầy tiếng người . - Thôi được rồi , để bố chạy tới đó hỏi thăm người ta chắc biết .

Áng cho xe chạy từ từ dọc theo các bin đinh trong khung trường đại học . Một chiếc xe buýt chớp đèn vàng đậu sát bên đường .

Kim reo lên : - Chắc đúng chỗ rồi bố . Con thấy bin đinh có đề Calculus gì đó . - Vậy bố con mình đậu xe ở đây chờ nó ra . Chừng mười phút đám lố nhố học sinh bước ra từ thang lầu . Con thứ hai nhớn nhác tìm xe . - Bố bố , đúng chị Thi rồi . Chỉ mặc cái lạnh màu đen đó .

Trong xe , Thi cười : - Bố chờ lâu chưa ? - Con biểu là khoảng 6 giờ . Nếu biết là khoảng tám chín giờ gọi phôn cho bố . Bố biết đường bố tới đón . - Tại con bận thi . - Thi môn gì vậy ? Bố nghe con biểu con đi tham quan trường mà . - Không , bố . Hôm nay 22 trường trung học tới thi môn toán Calculus xem trường nào giỏi nhứt . - Vậy trường xếp hạng mấy ? - Hạng bảy . Họ hỏi khó quá , một câu chỉ được 45 giây thôi . - Con có biết các học sinh thế giới , nước nào giỏi nhứt không ? Singapore rồi tới Phần Lan . Mỹ hả ! Thứ mấy chục . Để bố gọi phôn cho má xem món mì xào tới đâu rồi . Bà hả ! Bà nói tui luộc mì nhảo nhét . Sao kỳ vậy , bà có ăn mì gói tui nấu cho bà . Khỏi hả . Thôi bai nhé .

Gần 9 giờ tối , trời lành lạnh nhiệt độ ngoài chỉ 35 độ F . Vào trong nhà , con Linda hớn hở chạy ra : - Bố có mua Big Mac cho con không , con đói bụng quá ?

Áng ngó vào trong bịch thức ăn , vỏn vẹn còn một nhúm khoai tây chiên . - Không , còn đủ tiền mua French fries cho con . Má đâu rồi con ? - Má ngủ trong phòng .

Bà Áng nghe tiếng người láo nháo ngoài phòng , bước ra mặt bí xị . - Thôi ăn đỡ canh bầu tui nấu hôm kia . Kim à ! Cắt thêm mấy khoanh giò ra ăn tối . Đợi món mì xào Tứ Xuyên Tứ Xiếc của bố mày chắc đói rụng răng ra hết .

Tung Son 17.2.07

TungSon1

24-02-2007, 04:51 AM

Chào các bạn

Đầu xuân khai thuế

Dưới bếp tiếng bà Trần léo nhéo : - Ông à ! Rảnh rỗi không làm gì , ông thử khai thuế xem gia đình mình năm nay lấy về bao nhiêu ? - Ờ , từ từ bà , đến giữa tháng Tư mới hết hạn .

Bà Trần mặt không vui : - Ông tối ngày cứ chơi cờ , nhờ chút việc cũng không xong . Thôi để tui ra ông Tôm Hà mất mấy chục đô .

Ông Trần cười xòa : - Được rồi , bà sai mấy cô ra dọn cơm tối , để tui soạn lại ba cái giấy tờ . Nào xem ! Tờ W-2 lợi tức của tui của bà , mẫu 1099_NT tiền lời nhà băng nè , tiền lời cho mướn đất khoan dầu nè . Còn cái gì nữa không bà . - Không . - Vậy bà đưa cho tui cái đĩa Tax Cut , họ gởi free cho mình đó . - Sao ông biểu nó không hay không tốt . - Thì mình cứ thử xem . Nào cho nó vô máy côm piu tơ xem sao . À ! Được rồi bà , khung số 1 là .... , khung số 2 là ... Ba đứa con ở với mình , tiền Child Earn Income Credit là 2000 đô . Xong rồi , bà ra coi .

Bà Trần hớn hở ra mặt : - Năm nay mình lấy về bao nhiêu ?

Ông Trần ngập ngừng một chút : - Hình như ... mình phải đóng ra 8900 đô . - Ông nói sao ? - Theo tờ báo cáo do chương trình khai thuế free , mình đưa dữ kiện đầy đủ như vầy , lợi tức như vầy phải trả tiền thuế gần 9 ngàn . Bà Trần nhăn nhó , tay buông đôi đũa xuống : - Ông nói như thế . Thà năm ngoái tui nghỉ cha ở nhà cho khỏe . Tui đi làm cả năm chỉ hơn chục ngàn , mà bây giờ gia đình mình phải đóng ra 9 ngàn đô . Ông xem lại khai có đúng không ? Tui biểu ông rồi đừng ham làm overtime quá mà không nghe .

Ông Trần thở dài : - Thôi để tui chạy ra thư viện lấy vài cái mẫu 1040 về khai tay . - Ăn cơm xong đã . - Tui ăn cũng chẳng ngon đâu .

Bạn nào có cần khai thuế lợi tức , xin liên lạc với TS . Bảo đảm khai thuế đúng mẫu mực và chính xác .

TS 23.2.07

TungSon1

25-02-2007, 07:08 PM

Chào các bạn

Công việc đầu năm

Sáng hôm sau ông Trần lững thửng vào trong hãng phôn . Thà ngồi trong một góc phòng gọi vói ra : - Andy , hôm qua ông nói trả thuế ra gần chín ngàn đô , gởi đi chưa . Ông mà không trả đúng hẹn sở thuế phạt cho thấy cha .

Biết Thà cậu thanh niên trẻ tuổi hay nói giỡn, có bằng kỹ sư điện EE mà chịu vô làm công việc téc ní sơn , . ông Trần cười hề hề : - Tối qua thằng con trai tui về , nó biểu tui có thể khai lộn . Nếu tui khai thuế bằng tay , tui lấy về mấy trăm . Còn như dùng software Tax Cut tui phải trả ra gần chín ngàn đô . - Sao kỳ vậy ? Ông có học khai thuế không ? - Không , mấy năm trước tui ra sở H@R Block khai rồi về bắt chước . Năm nay tui làm cũng như năm ngoái mà, biết sao không ? Trong cái khung 12d của mẫu 1040 tui cho lộn . Thay vì tiền về hưu 401K tui cho vào tiền tip , nên máy tính cứ thế mà tăng thuế . Đã vậy bà nhà tui còn hỏi sao lấy về ít thế :"Mấy trăm thôi à ! "

Sid Patel , một ông Ấn Độ làm công việc test , hoặc lắp ráp những linh kiện điện tử khẽ nói : - Mấy ông biết không , hình như hôm nay có buổi họp quan trọng . - Thì mấy xếp lớn họp tới họp lui cũng vậy thôi . - Không có đâu , lần này có mấy xếp lớn từ Chicago xuống .

Vừa nói gã Ấn độ giơ bàn tay chặt xéo như thể đang chặt theo thế a tê mi : - Chop , chop [cắt người] Ông Trần thở dài : - Làm hãng phôn này năm nào cũng đòi bớt đòi chặt . Bao công việc mang qua Tàu qua Ấn , bên này không biết tìm việc nào để sống .

Thà cười khúc khích : - Trời sinh voi sinh cỏ mà , hơi đây mà lo . - Tại cậu có vợ là dược sĩ . Ở nhà trông con cho vợ cũng được mà . À nè Thà , nghe nói vợ cậu có nhận pham téc [pharmacy tech] không ? Có dễ học không ?

Thà dòm sang ông Trần , lắc đầu : - Chắc không được rồi ông Andy , tui biết tánh ông . Sáng sớm ông hay quạu quọ . Công việc này đỏi hỏi phải chiều khách hàng , đa số là bệnh nhân . Họ cầm toa thuốc tới tiệm mua , gặp ông hả . Cãi nhau với khách họ đuổi ông ngay . Bà vợ tui hiền như nai mà nhiều khi còn nổi nóng . - Ủa tui tưởng dược sĩ coi toa sao thì bán vậy , có gì đâu mà phiền . - Tại ông không trong nghề . Toa thuốc thì bác sĩ cho , nhưng mấy con mẹ Mỹ đen uống vài ngày không thấy bớt , ra cằn nhằn : " Thuốc gì uống hoài không bớt ho , chắc thuốc made in China chắc . " Đó thấy không , tối ngày gặp những bệnh nhân đủ mọi màu da , già cả lụ khụ nhìn họ phát chán .

Trần nhìn cậu Thà không nói , tuổi chưa đến bốn mươi , da dẻ hồng hào đời còn tươi đẹp chưa biết đến cái bệnh già nua đau ốm bệnh tật của người già lão . Hôm qua mỏi lưng mốt nghẹt mũi ngứa mắt . - Pharm tech trả bao nhiêu , khá không ? - Mới đầu trả chừng 12 đô , làm vài năm chừng 15 đô . Nhưng mà không biết ông già như thế học có nổi không , hay là chữ chìm chữ nổi . Mỗi ngày phải thuộc trăm chữ tên thuốc men .

Trần ngắt lời : - Dễ mà , tetramycine , ampicilline ... - Ngoài ra còn phải học lối chữ viết ngoáy của các đốc tưa . Chữ viết xấu như gà bới .

Đang ngồi tán dóc , ông xếp Mỹ lò tò đi tới . - Chiều nay 3 giờ có Town Hall meeting .

Mỗi lần nghe họp Town Hall ở nhà ăn , ai cũng biết hãng phôn đều có sự thay đổi . Không biết lần này giảm bớt ra sao .

Gần 3 giờ chiều mọi nhân viên trong hãng rảo bước hướng về cafeteria , nơi đây họ đã ngồi gần đầy đủ vào các hàng ghế xếp theo hình cánh cung .

Quán ăn nằm trên một ngọn đồi quay mặt về hướng bắc của đường Beach . Xa xa các dãy nhà với mái màu xám ẩn hiện qua các tàng cây trơ nhánh . Một hồ nước trong xanh với một vòi nước tỏa ra những tia nước óng ánh dưới ánh nắng ban chiều .

Một ông Mỹ khoan thai bước ra , tay cầm microphone , nhỏ nhẹ nói : - Good afternoon , tôi xin thông báo với các bạn . Tôi biết rằng công ty chúng ta đang bước vào một khúc rẽ khó khăn nhất . Cơ sở ở đây sẽ dọn về chi nhánh ở Mễ Tây Cơ trong vòng mấy tháng nữa .

Dù trước đây nghe phong phanh tin này , mọi người nửa tin nửa ngờ nhưng giờ đây chính thức được thông báo giữa buổi họp ai nấy đều im lặng , nét mặt đầy căng thẳng .

Ông xếp Mỹ nói tiếp : - Có ý kiến thắc mắc gì không ? Nếu không xin mời bà trưởng phòng nhân sự lên nói về quyền lợi của quí vị .

Hãng Motorola là một hãng chuyên về sản xuất các thiết bị thông tin . Hiện nay để cạnh tranh trên thương trường các hãng xưởng lớn đều đưa cơ sở qua Trung Quốc , Ấn Độ , Mễ Tây Cơ để giảm giá thành phẩm .

Ông Sid , người Ấn Độ vỗ vai Trần khi mọi người bước ra khỏi cafeteria : - Sao Andy ? Có đi kiếm việc làm khác không ?

Trần lắc đầu : - Chưa , theo dự định phải đến cuối năm hãng sẽ dọn đi . Sau đó đi xin tiền thất nghiệp . - Chừng bao nhiêu một tuần ? - Tui đoán chừng ba trăm . Với số tiền đó cũng sống qua ngày đủ trả tiền bill nếu you đừng mua xe mới nhà mới .

Sid cười khành khạch : - Mẹ kiếp , giờ này bố ai còn dám mua nhà . Andy muốn qua Ấn Độ chơi không ? - Không , tui tính rồi ở nhà ăn tiền thất nghiệp rồi hè sang năm dắt gia đình tui cho các cháu về quê hương thăm bà con bạn bè rồi về Mỹ kiếm việc .

TS 25.2.07

TungSon1

01-03-2007, 08:20 AM

Chào các bạn

Đền Pantheon

Chúng tôi lang thang tới một ngôi đền cổ Pantheon , chữ này có nghĩa Đền thờ các vị Thần . Nhìn bề ngoài dáng dấp như có vẻ muốn hư hại xuống cấp . Các trụ cột gạch đá đều có vết nứt , tróc mẻ . Gần đỉnh nóc vài xà gỗ màu nâu dày dạn qua năm tháng . Tôi ngại ngùng phân vân chưa muốn bước vào trong .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_18.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_17.jpg

Đây là một đền đài cổ xưa được bảo quản tốt nhất trong các dinh thự của La Mã . Ban đầu nó được xây dựng để dâng hiến cho Bảy Vị Thần chủ quản Bảy Hành Tinh của Cổ La Mã và sau đó được biến thành nhà thờ Ki tô vào thế kỷ thứ 7 . Đền Pantheon nguyên thủy được xây cất vào khoảng năm 27 đến 25 BC dưới thời đế quốc Roma , trong thời trị vì của Marcus Vipsanius Agrippa . Bạn cứ nhìn lên trên đỉnh mặt đền [portico] , và đọc thử : " M. AGRIPPA . L .F . COS . TERTIUM . FECIT " , nghĩa là Marcus Agrippa , con của Lucius , trong thời consulate thứ ba xây dựng "

Những cây cột chống đỡ bề mặt đền có lẽ được đúc bằng xi măng cốt thép . Bên trong ánh sáng dìu dịu tỏa xuống từ oculus , một lỗ hổng khoét tròn từ trên nóc đỉnh đền thờ , giống như các kiểu nhà hiện đại có skylight để ánh sáng mặt trời rọi sáng trong nhà , và đây là một kỹ thuật kiến trúc đầy tính cách khoa học và sáng tạo .

Bên trong đền thờ rất nhiều các tranh ảnh , tượng do các nghệ sĩ , họa sĩ tên tuổi sáng tác như Raphael , Annibale Caracci , kiến trúc sư Baldassare và nổi tiếng nhất là bức họa "Truyền Tin , Annunciazione của Melozzo da Forli .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_15.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_14.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_13.jpg

Ngắm mãi cũng chán , tôi ra bên ngoài đền , ngồi dựa góc cột đá , mắt lim dim mơ màng , mặc kệ thiên hạ ông đi qua bà đi lại . Ta cứ đánh một bên đồi "dạ lan" . Lúc tỉnh dậy ngó xung quanh toàn chim bồ câu bay lượn và ị bậy đâu đó .

TS 28.2.07

sonph

08-03-2007, 08:59 AM

Cám ơn bác Tùng Sơn có những bức ảnh đẹp cho anh em thưởng thức. Bác tiếp tục post ảnh phong cảnh các nơi đi, để anh em ở VN được "du lịch" các nước qua ảnh của Bác.

TungSon1

12-03-2007, 06:37 AM

Chào ba.n Sonph va` các bạn

Đài Tưởng Niệm Victor Emmanuel

Đài Tưởng Niệm Victor Emmanuel , tiếng Ý là Altare della Patria [Altar of the Fatherland] là đền tưởng niệm Victor Emmanuel , vua đầu tiên thống nhất nước Ý . Nằm ngay trung tâm La Mã , chiếm một vùng đất giữa quảng trường Piazza Venezia và ngọn đồi Capitoline Hill . Đài này được thiết kế bởi ông Giuseppe Sacconi năm 1895 . Khánh thành năm 1911 và hoàn tất 1925 .

Đài được xây bằng đá cẩm thạch trắng , với những bậc thang tuyệt hảo , và những trụ cột Corinthian , bồn nước , một bức tượng Victor Emmanuel cỡi ngựa và hai tượng nữ thần Victoria cưỡi trên bờ quadrigas . Đền ngang 135 mét , cao 70 mét . Trong đây có nấm mộ tưởng niệm Chiến Sĩ Vô danh bên cạnh một ngọn lửa không bao giờ tắt .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_12.jpg

Cô dâu bên đền Vua

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_11.jpg

Chúng tôi canh đồng hồ để bốn giờ tập họp tại quảng trường Tây ban nha . Vừa quẹo sang từ ga điện ngầm trông nhìn lên trên đã thấy lố nhố kẻ đứng người ngồi trên các bục thang đá . Xung quanh là các dãy nhà cũ kỹ , dưới có bán cà phê . Nơi đây có lẽ là nơi dừng chân của du khách từ xứ ngoài trước khi tìm được chỗ trọ qua đêm tại thành phố La Mã .

Gần tiệm cà phê một anh chàng người Trung Đông đứng chào bán những hạt màu đen đen , tôi bước lại gần hỏi mua . Thì ra đó là hạt dẻ , chestnut được nướng trên than hồng , bóc vỏ ra ngửi mùi thơm phức , nhân ăn bùi ngọt . Năm Euro chỉ được chừng mười hạt dẻ .

Một anh chàng da trắng tay cầm đàn ghi ta tửng từng tưng vài điệu nhạc và xoè nón xin tiền . Cạnh bậc thang đá hai anh em có lẽ người Trung Á , người anh chơi đàn phong cầm , đứa em cầm cái xắc chập choè [tamborine] vừa gõ vào người vừa uốn éo theo điệu nhạc vui tươi Hungarian Dance , và cuối cùng cậu em cầm nón đi xin tiền ủng hộ .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_10.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_09.jpg

TS 9.3.07

TungSon1

14-03-2007, 08:31 AM

Chào các bạn

Xe chạy bằng nước

Một buổi sáng Chủ Nhật ông Trần cùng gia đình sửa soạn đi lễ . Ông nhìn sang bà vợ đang ngồi ghế bên cạnh , hỏi vói sang : - Bà à ! Xe có cần đi đổ xăng không ?

Bà Trần thản nhiên nói : - Không cần , tui mới đổ đầy bình tuần trước .

Linda cô gái Út nói leo vào : - Xe này làm gì có bình xăng , mà đổ xăng ở chỗ nào vậy bố ?

Ông Trần mỉm cười , hỏi lại con : - Thế Linda từ trước đến giờ cứ tưởng xe chạy bằng gì ? Nước hay xăng ?

Ngập ngừng một lát Linda nói : - Con có bao giờ trông thấy bình xăng đâu , con tưởng xe nó bằng phẳng [flat].

Trong xe ai nấy đều bật cười . Ông Trần chậm rãi nói : - Để bố cắt nghĩa cho mấy cô gái bố nghe . Thường thường các bình chứa xăng đều nằm dưới đáy xe . - Rồi nó không rớt ra hả bố ? - Nó được giữa bằng những sợi đai thép , làm sao mà rơi ra được . Bố nghe một câu chuyện này xảy ra ở bên quê nhà , không biết là câu chuyện có thiệt hay không . Các xe buýt chạy từ miền xa xôi về tới thành phố Sài Gòn , bây giờ gọi là Thành phố H C M đó . Xe buýt này họ gọi là xe đò . Trên mui xe , mấy ông tài xế chế ra một phương pháp làm nguội máy bằng cách để trên mui một thùng phi nước . Cái thùng này chừng 200 lít nước . Khi xe đò chạy gần gần một con suối chảy bên đường thì bác tài và cậu thanh niên lơ xe chạy xuống suối múc nước và đổ vào thùng phi đó . Xe tiếp tục lên đường được một đoạn , anh lơ xe xòe tay xin tiền lộ phí : - Cô bác cho xin tiền xe . - Bao nhiêu vậy ? - Hai chục ngàn .

Một bà có lẽ là người thiểu số Gia rai , Hu đê gì đó thắc mắc hỏi : - Lúc trước tui đi trả có mười lăm ngàn . Sao lên giá vậy ?

Anh lơ xe cười cầu tài : - Dạ , bà con thông cảm . Xăng dầu dạo này tăng giá quá .

Bà người thiểu số phản đối : - Anh nói sao ! Tui thấy rõ ràng anh lấy nước đổ vào máy xe , rõ ràng xe chạy bằng nước , xăng dầu tăng giá ở chỗ nào .

Nói đến đây ông Trần hỏi lại co^ gái út tám tuổi : - Hiểu chưa con ? Cô gái út nghệch mặt ra : - Chưa bố !

TS 13.3.07

TungSon1

26-03-2007, 06:33 PM

Chào các bạn

Giác đấu trường Coleseum

Khoảng sáu giờ chúng tôi ghé thăm Giác đấu trường Coleseum và hỏi xem giá vé vào cửa bao nhiêu .

Ông bán vé nhe răng cười : - Người lớn 11 tiền Euro , con nít 5 Euro . Cổng đóng lúc 7 giờ . Cư ngó đồng hồ và nói : - Vậy chỉ coi được 15 phút , ý kiến mọi người ra sao ? Chúng tôi lắc đầu . - Thôi ra ngoài đi ngắm vòng vòng cũng được .

Giác đấu trường hình bầu dục , trục dài nhất 188 mét , trục ngắn 156 mét , cao 48 mét với sức chứa khoảng 75 ngàn khán giả . Khoảng 300 tấn mấu xích sắt nối kết các tảng đá khối bằng vôi . Vào thời Trung Cổ những sợi xích này được tháo ra để đúc kiếm , và do đó mặt tường loang lỗ khắp nơi .

Sàn cũng bằng dá vôi với bề dày 9 tấc , và 100000 mét khối đá travertine được dùng , trong đó 45000 mét khối cho các mặt tường . Amphitheatrum Flavium , biệt danh là Giác đấu trường Coloseum được các hoàng đế La mã thuộc dòng họ Flavian ra lệnh xây cất vào năm 72 và thái tử Titus , con hoàng đế Vespasian , coi như là một món quà tặng cho công dân thành La Mã và được hoàn tất năm 80 . Trong ngày khánh thành có khoảng 100 trận đấu kinh hồn giữa các võ sĩ giác đấu .

Năm 2005 với gần 4 triệu du khách tới viếng chỗ này .

Giờ này vắng hẵn du khách . Bờ thành sừng sững in rõ trên nền trời trong xanh , lổ chổ những hõm sâu . Vài con chim bồ câu chúi đầu rỉa cánh trong hốc .

Tôi thắc mắc hỏi cô cháu vợ Huyên , học về ngành kiến trúc . - Theo cháu thì tại sao bờ thành lại lổ chổ như vậy ?

Huyên cười đùa , dí dỏm trả lời : - Ờ cái này cháu nghĩ rằng họ xây như vậy để cho chim trú ngụ qua mùa đông .

Cháu Cư ,chồng Huyên vui vẻ nói : - Cháu nghĩ ngày xưa các tảng gạch được nối với nhau bằng những sợi dây xích , lâu ngày hơn 2000 ngàn năm sét rỉ rụng hết rồi . - Chú nghe nói ở La mã có khoảng 300 ngàn con mèo , riêng nơi đây giác đấu trường có độ 200 con . Nãy giờ mình chẳng thấy chúng đâu ! - Cháu nghĩ đến tối đêm chúng mới mò ra , chuyên môn đi bắt chim bồ câu .

Cư dân thành La Mã rất quí trọng giống mèo . Có khoảng 300000 con sống rải rác tòan thành phố , trong nhà 180000 con , và số còn lại 120000 sống lang thang ngoài đường phố . Theo thống kê có khoảng 4000 đàn mèo [colonies of cats] .

Giống mèo được coi như giống gia súc duy nhất có quyền hiện hữu [ omnipresent ] mọi ngả ngóc tại thành phố này . Cư dân coi chúng như là công dân khả kính và biểu tưọng của thành phố . Một đạo luật ban hành , nếu như có 5 con mèo trở lên quây quần với nhau thì được bảo vệ , cho chúng từ chỗ ăn chốn ngủ , được chăm sóc thuốc men và có cả một miêu viện .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_08.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_07.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ao_06.jpg

Có ngưòi cho rằng từ thời Thế Chiến Thứ 2 , khi thành La Mã bị vây hãm , không có lương thực người ta xơi cả thịt mèo . Sau này để tưởng nhớ công ơn to tát đó , loài mèo được trả công một phần cũng vì chuyện đó , một phần cũng vì giống mèo tướng quí phái , sạch sẽ , hiền lành và nhất là khiến cho giống chuột chạy xa .

Tại thành phố La mã có vài ngàn người tình nguyện cho ăn ,chăm lo sức khỏe loài mèo , và thiến chúng [ sterilization] . Hầu hết là phái nữ , được gọi là gattare . Trong số những người đó lập ra một hội bảo vệ giống mèo , ARCA khoảng 1000 hội viên .

Gần cửa ra vào một chiếc xe bày bán vật dụng kỷ niệm linh tinh ,tôi nhìn xem nào là kềm cắt móng tay có khắc vài biểu tượng của cổ thành La mã , quạt giấy , vật kỷ niệm Giáo hoàng biệt viện v.v ...

Tôi hỏi thử giá vài món . Cậu thanh niên đứng bán tươi cười nói : - Một cái 3 Ero , bốn cái 10 Euro .

Tôi mới cầm cái cắt móng tay , nhìn thoáng nước mạ xi trông cũng đẹp , không thấy dấu khắc làm ở đâu . thì nó rớt ra làm hai mảnh . Cậu thanh niên trợn mắt , xòe ba ngón tay : - Ba đồng Euro . - Nông [ không ]

Tôi cố gắng trình bày với cậu ta bằng tiếng Anh là tôi mới vừa đụng vào , nó hư là đâu phải lỗi tại tôi . - No , no . Ông làm hư ông phải mua . Ba đồng Euro .

Thấy cậu con hơi to tiếng , ông bố đang lim dim hút thuốc chạy tới hất hàm hỏi cớ sao . Nhìn thấy bộ dạng vạm vỡ như võ sĩ giác đấu của ông bố , tôi hơi ngan ngán và nói cho êm chuyện :

- Được rồi tôi mua bốn cái , kể cả cái hư này 10 Euro ? Hai cha con mặt mày tươi rói gật đầu : - Ô kê , không sao hết .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_04.jpg

Mặt trời sắp lặn xuống nhìn thoáng qua ngọn đồi cổng thành mờ nhạt . Vài cây thông cao nghều nghệu trên bầu trời xanh đẫm . Chúng tôi chuẩn bị kéo nhau đón xe buýt để trở về trạm xe điện ngầm và trở về nhà trọ .

TS 17.3.07

TungSon1

29-03-2007, 07:21 AM

Chào các bạn

Đi thi Toán

6 giờ rưỡi sáng Reng reng ...

Ông Trần nhấc phôn . - Hê lô tui là ...

Bên đầu dây ngập ngừng , một giọng đàn bà nói tiếng Việt vang lên : - Xin lỗi ông , giờ này mới sáng sớm đã gọi ông vì tôi sợ một tí nữa ông bà đi làm không gọi được . Tôi là bà giáo dạy trong trường tiểu học Springdale , cháu Linda đang học lớp Ba đó .

Ông Trần lo lắng , nghĩ bụng : " Không biết Linda nhà này đi học có gây chuyện gì trong lớp không mà giờ này bà giáo gọi đến mắng vốn : - Dạ , có chuyện gì không ? - Không có chi , tôi mong muốn cho bé Linda thứ Bảy này đi thi Toán ở trường gần TCC đó . Ông biết chỗ đó không ?

Ông Trần nhớ mang máng : - Hình như nó nằm ngay khúc đường Seminary và Campus thì phải . - Dạ , đúng rồi ông . Ông nhớ chở cháu tới đó đúng 12 giờ trưa . Nếu mà ông bà không thể chở cháu tới được , thứ Bảy cứ đưa cháu tới trường chúng tôi sẽ chở cháu đi thi . - Vậy lớp Ba của cháu có mấy cháu đi thi ? - Hai người , một cháu người Lào và bé Linda . Hi vọng hai cháu sẽ lấy cúp về cho trường . Và xin ông ký vào tờ đơn cho phép cháu đi thi . Cám ơn ông nhé .

Ông Trần liếc nhìn đồng hồ treo trên vách . Bảy giờ đúng . Ông từ từ gọi vọng vào : - Mấy con dậy đi học . Linda à , thứ Bảy này con đi thi Toán hả Giọng Linda còn ngái ngủ : - Sao bố biết ? - Thì bà giáo mới gọi phôn cho biết . Thế con thi cái gì vậy . Thi làm Toán nhân chia cộng trừ . - Không phải bố , thi toán đố mà . - Vậy thì bố hỏi lại xem Linda còn nhớ không , Chín lần chín là mấy ? - 81 - Thế 8 lần 8 - 64 - Bảy lần chín - 62 - Hừm - Khoan khoan để con nghĩ lại . Chắc 64 .

Bé Kim ngồi kế bên , nhắc nhở : - 63 Linda hớn hở : - Đúng rồi bố , 63 .

Trên xe chở các con đi học , ông Trần nói có vẻ không lạc quan lắm : - Linda đi thi coi bộ không khá lắm . Con phải ôn lại mấy cái cửu chương mới được . - Sao bố khó quá , con nói gần trúng mà . Sai có chút xíu .

Thy cô thứ hai lên tiếng : - Ngày xưa tụi con đi học đâu có chương trình này . Chắc cái này mới mở . - Đúng rồi , dạo này học sinh Mỹ "Giỏi Toán " quá nên mới đốc thúc học sinh chăm học . Kỳ này trường Springdale cử Linda nhà này đi thi Toán cùng mới mấy chục trường khác , chắc sẽ đoạt mấy cái cúp về .

Tiếng cười trong xe vang lên .

... Nào ta cùng đi thi thi thi Mang cái cúp về trường trường trường

TS 27.3.06

TungSon1

03-04-2007, 07:52 AM

Cha`o ca'c ba.n

Buổi Thi Toán [ Problem Solving ]

Các em học sinh của các trường tiểu học Khu Học Chánh thành Phố Fort Worth bước vào các dãy bàn kê dưới sân bóng rỗ của trường cao đẳng TCC [ Tarrant County College ] . Thầy cô cũng như các em đều mặc áo thun đen có in ngọn lửa hồng với chữ Math Madness in March , Tháng Ba Điên về Toán .

Với vẻ mặt hớn hở vui tươi , các em học sinh ngồi vào bàn với lòng tự tin . Mỗi bàn đều có hai máy laptop dành cho học sinh sử dụng .

Trần đứng trên khán đài , dụi mắt tìm xem con gái mình ngồi ở bàn nào . - Chắc mình già rồi , mắt lại kém . Mình nhìn quanh nhìn quẩn chả thấy con Linda ngồi đâu .

Từ trên khán đài xuống đến chỗ thi Toán cũng chừng vài chục mét . Học sinh , thầy giáo làm giám khảo lố nhố trong chiếc áo thun đen . Nhìn mãi mờ cả mắt , Trần bước qua khán đài chính . Bỗng nghe tiếng ai gọi . Trần quay lại bắt gặp vài khuôn mặt quen thuộc , các thầy cô dạy trường tiểu học Springdale . Trần vẫy tay chào và nhận ra con Linda đang ngồi cùng với một bé gái người Mễ cười hí hửng gần đó , trên tay vài tấm thẻ có vài con số .

- Sao Linda không xuống thi ? - Không bố , con chỉ thi khi nào có đứa nào bỏ cuộc .

À ! Thì ra con bé nhà mình dự khuyết . Trường nào cũng có hai ba đứa dự bị . Tổng cộng có khoảng 40 trường tham gia . Có đứa ngồi với cha mẹ hoặc thầy cô , chúng chơi chán với mấy bài toán rồi chạy lăng quăng trên khán đài .

Bên dưới các học sinh chăm chỉ theo dõi các đề thi từ màn ảnh nhỏ laptop . Trần nghĩ bụng : " Ngày xưa làm gì có mấy toán lỉnh kỉnh đầy trò chơi như vầy , toàn là cộng trừ nhân chia . Không thì mấy bài toán vòi nước chảy vô hồ , vòi chảy ra . Mình mà có đi thi kiểu này chắc không ăn lại tụi nó . "

Trần quay sang hỏi thầy hiệu trưởng , ông này gốc Phi luật Tân : - Chừng nào xong hả thầy ? - Khoảng sáu giờ . - Vậy thì khoảng giờ đó tui tới trường đón cháu . Chúc học sinh trường mang nhiều cúp về .

Sau lễ ban chiều thay thế cho ngày Lễ Lá , Trần cùng vợ ra đón con ở trường học . Trước cửa trường một xe van đã đậu sẵn đó và một ông người Lào giơ tay chào . Lúc lên xe Trần hỏi cô gái út :

- Sao trường con đoạt được mấy cúp ?

Linda lắc đầu .

Trần mỉm cười :

- Giá như mà thầy hiệu trưởng cho Linda thi , biết đâu lại mang về mấy cái .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_30.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_28.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_26.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_29.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_27.jpg

Tung Son 2.4.07

iha.eut

05-04-2007, 08:29 PM

Những câu chuyện nhỏ, những đoạn đối thoại rất "đời thường", rất tình cảm. Lời kể của bác đơn giản mà hấp dẫn lắm. Cảm ơn bác vì sự chia sẻ này! .

TungSon1

10-04-2007, 06:52 AM

Cha`o iha va` ca'c ba.n

Ca'm o+n ba.n vo+'i nhu+~ng lo+`i khen

Con muốn rửa chân

Khi mười hai người giáo dân từ từ bước lên bàn thờ , chuẩn bị được Cha Chủ Tế rửa chân , con Linda quay sang hỏi nhỏ me : - Má má , con muốn được rửa chân như mấy người kia được không má ? Bà Trần mỉm cười , lắc đầu : - Không được đâu con. Trước giờ chỉ có đàn ông mới được ân sủng làm chuyện này . - Sao kỳ vậy má ? - Thì ngày xưa Chúa chọn 12 vị tông đồ toàn là mấy ông không à. - Mấy bà đâu hả má ? - À ! Mấy bà còn đang bận nấu cơm rửa chén như má đây .

Tung Son 9.4.07

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_28-1.jpg

Một ca viên bồng con đứng hát với những bài Thánh Ca trong Đêm Vọng Phục Sinh

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_29-1.jpg

Các bé Thiếu Nhi cầm nến chờ đón Chúa sống lại

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_30-1.jpg

Trước giờ Lễ Vọng Phục Sinh do các Cha Đồng Tế

TungSon1

15-04-2007, 09:18 AM

Cơn bão lốc

Chiều thứ Sáu 13.4 ông Trần hắng giọng hỏi bà vợ : - Sao chiều nay có muốn đi chợ Walmart không ?

Tiếng Linda vang lên : - Dạ bố , con cần mua vài thứ cho bài tập trong trường .

Bà Trần ngắt ngang : - Hai bố con ông không thấy mây đen kéo ùn ùn đầy trời à ?

Buổi chiều trong sở làm , gã Patel Ấn độ có nhắc nhở ông Trần : " Chiều nay khoảng 5 giờ mưa lớn lắm . When it rains it pours ." Bên cạnh hắn , Thanh một đồng nghiệp giương mắt ra nhìn . Ông Trần cười : " Có hiểu câu đó không ? Không à ! Câu thành ngữ đó có nghĩa là Xui tận mạng , Họa vô đơn chí . Gã Patel nói thêm : "Giống như ở làng quê bên Ấn tôi , các ông biết chữ fasting không ? Là kiêng ăn bớt ăn đó . Tục lệ làng có tục lệ ăn kiêng cữ vào mấy tuần tôn thờ Thần Brahma . Không ngờ fasting xong , trời hạn hán mùa màng thất thu cả làng lại tiếp tục nhịn đói ."

Ông Trần mở hé cánh cửa nghiêng đầu ngó lên bầu trời xám xịt . Gió thổi mạnh , cây hai bên đường lắc lư . Mưa lác đác rơi , bỗng dưng ông nghe tiếng lộp độp trên mái nhà . Giông gió ù ù thổi , đưa từng cơn lạnh về ông Trần vội đóng cửa .

Bà Trần hớt hải : _ Ông có nghe còi hụ không ? Không hả ! Tai ông điếc quá , hình như họ báo có tornado [bão xoáy ] . Cách đây mấy năm thành phố này ngay downtown đã bị nó đánh . Năm nay sao xui quá , ông mở ti vi ra xem ông .

Trên màn hình Doppler radar những vùng đỏ tím đang lan dần qua vùng Haltom City . Tiếng xướng ngôn viên vang lên : - Theo tin mới nhất cơn lốc vừa touch ground [chạm đất ] ngay xa lộ 121 và đường Beach .

Bà Trần nói tiếp : - Thấy chưa ông , may mà tui cản ông chứ không đi ngang đã dính chấu rồi . Mà hình như chỗ đó là chợ Walmart phải không ông ? Ông nghe xong dịch tiếp chớ ông ?

Trên màn hình , cơn bão từ từ di chuyển về hướng đông , qua North Richland Hill , Bedford và tiếp tục đi qua thành phố Arlington và Dallas .

Tiếng Linda vang lên : - Má coi kìa , cái chợ này quen quá má . Hình như là chợ Minyard gần nhà mình .

Không hiểu làm sao ti vi lấy tin tức đâu quá nhanh . Có lẽ do máy quay phim từ máy bay trực thăng trực tiếp truyền hình . Một siêu thị Minyard bán thực phẩm khang trang bỗng dưng trong chốc lát trong cơn gió lốc , một góc mái nhà bị gió cuốn đi . Hệ thống điện lạnh tan vỡ văng tứ tung . Một khu chuyên bán xe RV [Recreation Vehicles] cái nghiêng cái bị lật bốn vó . Bên cạnh một hãng chuyên chở các xe xúc , xe rờ mọt nghiêng ngả tứ tung .

7 giờ 15 cơn bão lốc kéo tới thành phố Dallas . Tiếng trong ti vi tiếp tục vang đều .

Doppler Radar : xin bấm vài đây để xem định nghĩa

//en.wikipedia.org/wiki/Doppler_radar

RV : loại xe dùng đi du lịch , có giường ngủ , phòng tắm và vệ sinh

Tung Son 14.4.07

//media.star-telegram.com/smedia/2007/04/14/14/817-12yroldpic_jpg.standalone.prod_affiliate.58.jpg

//media.star-telegram.com/smedia/2007/04/14/10/267-photo.standalone.prod_affiliate.58.jpg

Hình lấy từ //www.star-telegram.com/229/story/68250.html

TungSon1

30-04-2007, 02:33 AM

Chào các bạn

Đường về La mã

Sáng Chủ Nhật tôi lò mò xuống phòng khách. Giờ này trong nhà trọ vắng bóng Trời hừng sáng những rặng thông vươn cao ngất mãi xa . Một bà sơ thuộc dòng tu Phát Diệm đang lãng vãng đâu đó . Tôi bắt chuyện làm quen và hỏi :

- Hôm qua các sơ đi tham quan nhiều chỗ không ?

Bà sơ này chừng khoảng hăm lăm hăm sáu tuổi , cười vui vẻ : - Chúng cháu đi xem nhiều nơi lắm . - Ai hướng dẫn các sơ mà sao biết nhiều chỗ quá vậy . Hôm qua tụi tui chỉ đi coi có vài chỗ thôi .

Bà sơ chỉ vào một bà sơ trẻ đang làm luận án Tiến sĩ : - Đó sơ bề ngang đó . Sơ Trần nhanh nhẹn lắm ,ở đây lâu nên biết rất nhiều nơi . - Tiếc thiệt , giá như có bà sơ này chắc chúng tôi được coi nhiều nơi .

Sơ cười tươi : - Không được đâu ông ! - Sao thế ? - Tôi xem chừng ông và các em còn bé xíu không thể nào đi nhanh như chúng tôi đâu . Thoắt bên này thoắt bên kia , các sơ đi nhanh lắm . Tôi đành cười trừ . Lâu ngày không đi bộ , không vận động , đi chừng vài giờ là há miệng thở dốc . - Sơ ở đây mấy ngày thấy thành phố có gì hay có gì lạ không ?

Bà sơ ngẫm nghĩ giây lát : - Tôi thấy Là Mã có nhiều điểm mạnh cũng như có nhiều điểm yếu . - Sơ nói rõ được không ? - Điểm mạnh là thành phố có nhiều cảnh quan đẹp , nhiều tượng đài . Điểm yếu là hay bị mất cắp giấy tờ tiền bạc chẳng hạn .

Nghe vậy tôi vội vàng sờ vào cái bóp sau túi quần , nó vẫn còn nguyên và tôi yên chí hỏi tiếp : - Thế các sơ có ai bị mất cái gì không ? - Chúng cháu gửi hết giấy tờ nhờ các sơ ở đây trông hộ , nên chả việc gì mà lo .

Tôi thong thả ra góc vườn , nơi đây các sơ trồng vài luống rau đay , mồng tơi , bầu bí để cải thiện miếng ăn . Sống xa quê hương , nhất là tại thành phố cổ kính này những thứ rau hoa quả đều quí giá , đắt như vàng . Chín giờ sáng "phái đoàn" mới tỉnh giấc . Chúng tôi rảo bộ tới quán cà phê mà ngày hôm qua đã ghé đến .

Dọc theo quảng trường Thánh Phê rô [Saint Peter's Square, hay là Saint Peter's Piazza [Piazza San Pietro] du khách lững thững tản bộ ngắm các tượng khắc trên các trụ đá tít trên cao . Trên thế giới có lẽ không nơi nào nhiều tranh ảnh tượng đài bằng nơi đây . Chúng tôi ghé vào một tiệm bán tranh ảnh , vật lưu niệm về đạo Công giáo .

Con bé Linda nhà tôi hí hửng nói : - Bố bố con mua cái quạt này nhé ! Bố không mua gì à ? - Không , đi chơi bố không thích xách cái gì hết . Nội cái máy ảnh cũng đã thấy nặng .

Trong cửa hàng bày biện đủ mọi vật dụng thường bán , tràng hạt , kinh sách . Các bức tượng Mẹ Maria , Thánh Giu se , các Thánh chạm trổ rất khéo đầy nghệ thuật .

Cô cháu tôi thắc mắc hỏi : - Sao chú không mua cây Thánh giá ở góc đằng kia . Cháu thấy chú khô khan lắm . - Chú hả ? Bây giờ chú chưa muốn vác Thánh Giá theo chân Chúa cháu ơi . Nè quí vị coi chừng giấy tờ tiền bạc đó. - Chú khỏi lo mấy bà sơ dặn rồi . Trong quảng trường Thánh Phê rô và trong Giáo đường kẻ trộm không lấy cắp đâu . Ra khỏi khu vực này thì coi chừng .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_50.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_49.jpg

Qua cánh cung bao quanh quảng trường Thánh Phê rô chúng tôi thấy từng đoàn người xếp hàng vào Thánh Đường . Hai cánh cung được chống đỡ bằng những trụ đá khổng lồ . Chúng được xếp từng hàng bốn cái một theo cách kiến trúc Doric order . Nếu như bạn đứng vào tâm điểm [trục] của chúng , bạn sẽ trông thấy một thay vì bốn cột . Sân quảng trường được thiết kế do kiến trúc sư Bernini vào những năm 1660 làm sao có sức chứa một số lượng lớn người tới tham dự Thánh Lễ và có thể chiêm ngưỡng và nhận lãnh Ơn phúc lành do Đức Giáo Hoàng từ trên ban công cung điện ban phe'p .

Chính giữa quảng trường là trụ đài obelisk mô phỏng theo Ai cập , bằng đá hoa cương [granite] đỏ , cao 25,5 mét . Nó được dời về đây năm 1586 , và có lẽ là trụ obelisk duy nhất không bị đổ ngã trong thời kỳ La Mã ngự trị . Bình cầu mạ vàng tuốt luốt đỉnh cao có lẽ chứa đựng di cốt của Hoàng Đế Julius Caesar .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_48.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_47.jpg

Chú thích : 1. Sơ bề ngang : các sơ cùng ngang vai , nói theo nhà văn Nhật Tiến . 2. Doric order : Một trong các kiểu cột đá và hoa văn mô phỏng theo kiến trúc Hi lạp .

Tung Son 28.4.07

TungSon1

11-05-2007, 07:06 PM

Chào các bạn

Nhà em có nuôi một con chó Trông nó ngoan như con mèo Sáng nó kêu gấu gấu gấu Trưa nó kêu gâu gâu gâu Tối nó kêu gầu gầu gầu

Tối qua nghe tiếng lục đục ngoài patio [ mái che bên ngoài nhà chính ] , ông Trần nằm trong phòng ngủ quay sang hỏi bà vợ : - Hình như có tiếng ai xì xào ngoài đó . Có lẽ thằng Hai về , bà ra xem sao .

Bà Trần bỉu môi , nhưng chân rảo bước ra ngoài . - Ông lại sợ ma sao ? Đúng rồi , nó mang về con chó lông khoang đen trắng . Con bồ nó biểu nó không thích nuôi , mới có hai tháng con chó nặng hơn mười kí . - Chó gì vậy , giống cho bẹc giê chăng ? - Nghe nó nói không phải . Nó biểu ai cần thì nó cho .

Đám con gái ông Trần quay quần bên con chó , thích thú xoa đầu và vuốt lưng nó . Con bé Linda mặt hí hửng nói : - Thôi má ơi ! Má đừng đem cho con chó . Để chúng con tếch ke [take care : săn sóc ] .

Bà Trần trố mắt nhìn bé Linda : - Nhà ai cũng đi làm các con đi học cả ngày , ai mà rảnh rỗi lo cho nó , ị bậy ra nhà . Thế Linda dọn dẹp hốt nhá .

Linda ngoe nguẩy lắc đầu : - Không má , đã có hai chị lớn lo chuyện đó .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_10-1.jpg

Tung Son 11.5.07

TungSon1

20-05-2007, 07:51 PM

Chào các bạn

Thánh Đường Phê rô

Chúng tôi theo đoàn du khách đông đảo chờ qua cổng an ninh . Có lẽ dạo này khủng bố nhiều nơi , nên mọi sự ra vô các dinh thự đều phòng bị nghiêm nhặt . Chúng tôi phải đợi hơn nửa giờ mới vào được cửa chính Thánh Đường Phê rô .

Mới bước vào trong tôi tưởng lạc vào một thế giới nào khác . Hai bên với những trụ đá cẩm thạch bóng loáng màu hồng nhạt , cao vút chống đỡ các vòm trên cao . Các bức tượng khắc tạc các Thánh to lớn chạm trổ tinh vi . Các bức tranh Thiên Thần được vẽ giương cánh bay trên các vòm Thánh Điện . Trong đây vài bóng đèn điện vàng mờ, nhưng với ánh sáng tự nhiên từ các lỗ tròn trên đỉnh cao tỏa sáng lung linh khiến cảnh vật trở nên huyền bí thiêng liêng . Nơi đây cho chụp hình nhưng không được dùng đèn chớp .

Nhà thờ Thánh Phê rô nổi tiếng thế giới , là một trong bốn Thánh đường chính của thành phố La mã [Nhà thờ Thánh Gioan Lateran , Nhà thờ Thánh Maria Maggiore , Nhà thờ Thánh Phao lồ ] . Với diện tích 2,3 mẫu và sức chứa 60000 người , Thánh đường Phê rô được coi như là nơi thờ phượng chính của giáo dân Công giáo , và theo lời giáo truyền nơi đây là chỗ chôn cất Thánh Phê rô , một trong mười hai vị tông đdồ theo chân Chúa , giám mục thành Antioch và sau là Giám mục thành La mã . Theo như cổ truyền , ngôi mộ Thánh Phê rô nằm dưới trướng và bàn thờ . Vì thế về sau này theo lệ này các vị Giáo Hoàng cũng được chôn cất nơi đây .

Đầu tiên là tượng điêu khắc Mẹ Sầu Bi ôm Chúa Giê su lả chết trong lòng do kiến trúc sư Michelangelo tạc vào năm 1499 tại miền bắc rặng núi Alps . Cao 1m74 ngang 1,95m . Tượng Đức Mẹ vẻ mặt trông còn non trẻ , mặt buồn bã nhìn xác con ngã gục đầu ra đằng sau . Tượng Chúa ngã người ra chết diễn tả nỗi đau đớn tột cùng , từng bắp thịt , từng mạch máu với những vết thương nhòa máu hồng . Nghệ sĩ tài danh Michelangelo lúc ấy mới 23 tuổi đã cho chúng ta một hình ảnh sống động tài tình lúc Chúa lịm chết trong lòng Mẹ .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_43.jpg

Tượng Mẹ Sầu Bi trong Thánh Đường Phê rô

Sau khi tượng Pieta [Mẹ Sầu Bi] này bị một người dùng búa định phá hủy , tượng được dời vào sâu bên trong với tấm kính bảo vệ . Kế đến là tượng kỷ niệm nhớ thượng Hoàng hậu Christina Vương quốc Thụy điển , bà đã từ bỏ ngai vàng năm 1654 và nhập đạo Công giáo . Xa hơn nữa là tượng các Giáo Hoàng Pi ô XI và XII , cũng như bàn thờ Thánh Sebastian . Nhà nguyện Ơn Phước Lành [Blessed Sacrament] với các ngọn nến cháy lập loè .

Quanh quẩn trong cung Thánh một hồi lâu , ngắm hình này sang hình khác , tôi chợt thấy một bức tượng tạc một ông Thánh như tượng đồng đen bóng nhoáng ngồi vắt vẻo trên cao . Du khách đi qua ngang lẩm bẩm chấp tay cầu nguyện và với tay rờ vào chân ông Thánh . Tôi phân vân sao lại có tượng ông Thánh đen thui ngồi chỗ này , chắc là Thánh Mạc Tin da đen chăng [ Saint Martin ] . Bàn chân ông đã nhẵn thín , mấy ngón chân đã mòn , và mất đi . Nếu cứ mỗi ngày có vài ngàn người dù chỉ chạm nhẹ vào bàn chân ông , vài năm nữa ông Thánh chắc còn một chân thôi .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_39.jpg

Thánh Phê rô với sự chiêm ngưỡng của du khách

Dọc theo đường hông bên trái là bàn thờ Chúa Biến Hình [Altar of Transfiguration] . Đi ngược ra ngoài lối vào tượng DGH Leo XI và Innocent VIII và kế tiếp Nhà nguyện Đức Mẹ Nguyên Nhiễm Vô Tội . Kế tiếp các tượng GH Pio 10 và Innocent VIII , Gioan 23 , Benedict 15 .

Bên trong vòm một hàng chữ La tinh cao 2 mét : Ngươi là Phê rô , và trên đá này ta sẽ xây Giáo Hội của ta ... v.v

Một cái trướng [baldachin] cao ngất nghểu trong đền thờ chính , với chiều cao 30 thước , chống đỡ bằng bốn cái trụ đồng bóng nhoáng . Kiến trúc này do ông Bernini xây cất từ năm 1624 đến 1632 . Có lẽ nó được dựng để trám chỗ trống dười mái vòm khổng lồ [cupola] , và khung đồng thiếc có lẽ lấy từ đền Pantheon .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_37.jpg

Trướng thờ phượng khổng lồ dàn dựng dướng vòm chính nhà thờ

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_36.jpg

Bên cạnh là một cái ghế mà người ta cho là di vật của Thánh Phê rô để lại . Một đứa bé với mái tóc hung mỏi chân định ngồi vào ghế . Một ông nhân viên an ninh giơ tay chận lại , và nói : - Đây là ghế của Phê rô . Đứa bé mặt hơi nhăn lại : - Dạ , cháu biết . Cháu nãy giờ đi dạo trong này mỏi giò quá . Khi nào ổng về cháu trả ghế cho ổng .

Tôi ra ngoài cửa nhà thờ ngồi chờ . Vừa ngồi chưa được một phút , một ông nhân viên an ninh nhã nhặn mời tôi đứng dậy . Trong chỗ trang nghiêm thờ phượng không được ngồi nghỉ chân hay dựa lưng . Lúc đó tôi chợt thấy nhóm chúng tôi . Cháu Cư hỏi thăm : - Chú có đi coi bên trong chưa ? Chú có thấy ông Thánh Phê rô ngồi góc đằng kia không . Chú vào mà rờ , thế nào chú cũng vào cổng Thiên đàng . À ! Thì ra đó là tượng Thánh Phê rô . Biết tại sao bà con lại thích tới lân la làm quen , hi vọng Thánh nhắc nhớ đến mình vào ngày Tận thế chăng ? Tượng Thánh Phê rô này được điêu khắc do ông Arnolfo di Cambio vào cuối thế kỷ 13 , và bàn chân bị soi mòn vì bị du khách chạm hoặc kính cẩn hôn qua nhiều năm tháng .

Bà nhà tôi lên tiếng : - Nãy giờ ông đi vậy ? Hôm nay Chủ nhật ông có vào xem lễ chăng ? - Có chớ bà . Tui đứng sau lưng bà có mấy bước .

Thánh đường rộng thênh thang . Thánh lễ được cử hành trong chánh điện , có chừng vài trăm giáo dân dự lễ . Du khách cứ tha thẩn nhẩn nha thưởng thức các tác phẩm đầy nghệ thuật của dân gian Ý .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_42.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_41.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_40.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_38.jpg

Nhìn từ cửa chính vào

Chú thích : Tác giả đã dùng một số dữ liệu về Nhà thờ Thánh Phê rô trong Wikipedia .

Tung Son 18.5.07

TungSon1

29-05-2007, 06:06 AM

Chào các bạn

Mời xem vài tấm hình bông trái gần nhà

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_30-2.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_29-2.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_28-2.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_27-1.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_26-1.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_25.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_24.jpg

Tung Son 26.5.07

TungSon1

12-06-2007, 06:02 PM

Chào các bạn

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_35.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_34.jpg

Mộ các Thánh

Chúng tôi vòng ra ngoài Nhà Thờ Thánh Phê rô , rẽ vào hướng bên trái . Nơi đây dòng người chia làm hai ngả . Bên phải vào ngắm Cupola [sẽ nói sau ] , bên trái ngoặt vào hầm mộ các Vị Thánh và cố Giáo Hoàng .

Nơi đây không khí trang nghiêm , không một tiếng động . Đoàn người đi trong lặng lẽ ngắm nhìn các bia mộ , mỗi ngôi mộ đều có kiểu thiết trí khác nhau . Có cái tạc hình Giáo Hoàng nằm dài chắp tay trên bụng , có cái để trống chỉ khắc tên , ngày sinh ngày chết với biệt hiệu . Vài nữ tu quì chắp tay , mặt buồn bã như muốn khóc bên cạnh khu mộ cố Giáo Hoàng Gioan Phao lồ 2 . Nằm bên phải lối đi chính , trong một khu hốc có hình cánh cung . Chính giữa là bàn thờ với vài nhánh hoa huệ trắng . Bên trên một tấm bia trang trí bằng cẩm thạch khắc hình Mẹ và Chúa Giê su . Phía trước một ngòn đèn nhỏ đỏ sáng le lói .

Trên ngôi mộ Ngài khắc hàng chữ La tinh : IOANNES PAVLVS PPIỊ” và bên dưới chua hàng chữ 26 năm thụ phong Giáo Hoàng : “16 X, 1978-2 IV, 2005.” Cố Giáo Hoàng Gioan Phao lô 2 với danh hiệu "Sự khổ nhọc của mặt trời " do Thánh Malachi thị kiến vào những năm 1148 . Có phải vị Giáo Hoàng Benedictô hiện nay với danh hiệu :"Sự vinh quang của các nhành ô liu " là vị Giáo Hoàng cuối cùng chăng hay là chờ đến vị kế : " Phê rô của thành La mã " .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_30.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_29.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_28.jpg

Nếu vào những ngày du khách hành hương đông đảo , ngưòi mộ đạo vào trong khu mộ ghotto này sẽ được mời di chuyển ngay để cho đám người mới vào .

khoảng hơn 15 phút nhóm chúng tôi ra khỏi nơi đây , và chúng tôi vòng trở lại đi thăm Cupola , nóc đỉnh Thánh Đường Phê rô . Xếp hàng hơn nửa tiếng , chúng tôi mon men tới cửa mua vé . Một bà bán vé tươi cười hỏi cháu tôi cái gì đó . Cháu tôi quay lại hỏi : - Họ nói chú dì lớn tuổi rồi , có cần mua vé đi thang máy lên trển không ? Lòng tự ái tôi nổi lên , sức trai tuổi năm mươi còn tung cánh đại bằng mà , vài trăm bực thang ăn nhằm gì . Tôi quay sang hỏi bà nhà tôi và bà chị vợ : - Sao hai bà ? Có đi thang máy không ? Tui leo bộ được rồi . Cháu Cư ái ngại nhìn chúng tôi một lát , khẽ nói : - Theo cháu thì chú dì với dì Hiên nên đi thang máy đi . Theo họ nói từ đây tới nóc có 524 bậc . Đi thang máy đỡ được 200 bậc . Từ đó trở đi chú dì tha hồ mà leo dốc .

Ờ nhỉ ! Tại sao mình lại phải phí sức , nhẩn nha mình leo cũng tới . Thế là bà chị vợ và tôi lẹt đẹt cùng một số du khách bước vào thang máy . Cái này chạy chậm hơn thang máy của hai toà nhà World Trade Center ở Nữu Ước mà tôi đã lên coi năm 1983 lúc vừa tới Mỹ . Ra khỏi thang máy , tôi và bà chị gặp ngay nhóm chúng tôi cũng vừa leo ra khỏi 200 bậc thang . Không khí thở hít trong lành , nắng hơi chiếu gắt . Tôi hỏi bà nhà tôi : - Bà không mỏi chân à ? - Úi giời ! Có vài trăm bực ăn nhằm gì . Theo mấy đứa cháu dẫn đường , tôi và bà chi vợ lẽo đẽo sau , bước vào một cầu thang xoắn ốc , vừa đủ một người đi . Leo chừng vài chục bực thang , tôi và bà chị vợ dừng lại thở dốc . Leo cầu thang kiểu này giống như mình xoay chong chóng . Không khí trong này lại ngộp , không có gió thoảng . Đứng lại thì toán du khách phía dưới phải dừng lại . Họ ngước đầu lên nhìn , húng hắng : - Come on man ! [Nhanh lên mấy cha ! ] Tôi chợt nhớ đến một người bạn quê ở Mỹ Tho , hắn thường nói đùa giỡn với anh chị em đồng sở khi xe lăn bánh từ Khu Kỹ Nghệ Biên Hoà về Sài Gòn : " Xưa đi học thầy giáo cô giáo cứ cho tui điểm thấp " Hỏi sao vậy . "Thì tui vào lớp Cổ văn , học thơ Bà Huyện Thanh Quan , tui bình thế này nè , Dừng chân đứng lại trời non nước , dừng chân thì phải đứng lại , chẳng lẽ chạy luôn , Dư thừa ! " Thế là tui cứ bị ăn trứng dzịt luôn . Bao nhiêu năm qua rồi , tôi bật cười một mình . Bà Huyện mần thơ cũng trúng lắm chớ . Dừng chân phải đứng lại để thở .chớ leo lên một hai ngọn đồi , thân gái dặm trường một mình leo dốc còn thấy mệt . Như thân tôi trai tráng còn muốn chết dở , huống chi bà .

Cầu thang đá xoắn ốc này vừa nhỏ vừa hẹp , chúng tôi thở hì hục , chân cao chân thấp bước lên vất vả , mồ hôi mô kê ướt đẫm áo . Vừa lúc đó trông thấy một cái hốc có mặt xi măng bằng phẳng , bên trên có một cửa sổ nhỏ thông khí . Tôi vội sà ngay xuống đất ngồi nghỉ . Bà chị vợ tôi cười tươi : - Hề ! May quá ! Mệt quá ! Mẹ mấy thằng Tây lúc nó đi ngang , mồ hôi nó ra , hôi nách bỏ mẹ . Chú coi cái thằng kia , thở hổn hển như heo . Tôi mỉm cười và biểu với chỉ rằng , mình cũng chẳng khá gì hơn họ . Bà chị vợ tôi phát ngôn bằng tiếng Việt , chớ bằng tiếng Anh tiếng Mỹ họ nghe được thế nào cũng shi shi một hồi . Người lính La mã ngày xưa đi chinh chiến ở những miền xa xôi , họ thường dùng tỏi trong các bữa ăn để chống lại một số bệnh thông thường . Và vì thế có người xấu miệng biểu rằng ăn tỏi nhiều hôi nách hôi miệng .

Cupola là một mái vòm hình nửa hình cầu . Từ mặt đất lên tới nóc khoảng 120 mét . Trên nóc hình hình vẽ tuyệt đẹp do họa sĩ Michael Angelo mất bao nhiêu năm mới hoàn thành . Có lẽ người ta phải bắc các nhịp cầu bằng gỗ chắc chắn , để ông ta thoải mái vừa nằm vừa vẽ . Chắc mỏi cổ mỏi vai lắm . Nếu mà giàn không vững , rơi từ cao độ hơn trăm thước chỉ có nát xương . Du khách chỉ có thể ngó xuống phía dưới chính điện Nhà Thờ Thánh Phê rô qua hàng rào song sắt cao hơn đầu người . Ngó tới ngó lui chừng mươi phút , chúng tôi ra ngoài tiếp tục leo thang . Lần này nấc thang xây hình xoắn tròn dọc theo đỉnh cupola . Bề ngang gần một thước , nhưng có vẻ nó hơi nghiêng nên chúng tôi đi ênh ểnh về bên phải , ngoẹo cổ mà bước .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_27.jpg

Từ trên nóc đỉnh cupola , ánh nắng chan hoà . Gió man mát lùa qua thành xi măng chắn . Từ đây bạn có thể quan sát toàn cảnh thành phố La mã , đồi dốc , nhà cửa dinh thự chi chít bên nhau . Mỗi thành phố đều có cái nét đặc thù riêng biệt . Bắc Kinh , Nông Pênh , Tokyo , New York , San Francisco , Singapore v.v ... mỗi thành phố đều có nét đẹp vẻ xấu của nó . La mã , kiến trúc xây cất vừa mới vừa cũ tạo nên một bức tranh đẹp hài hòa . Mỹ lệ và hoành tráng . Du khách hàng năm vào thăm thành phố này không phải là ít người . Theo con số thống kê có thể lên đến vài triệu người . Và dĩ nhiên thành phố có đủ khả năng lo từ chỗ ăn chỗ ngủ , và vấn đề vệ sinh được đưa lên hàng đầu .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_26.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_25.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/al_10.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/al_09.jpg

Chú thích : The labor of the sun : Sự khổ nhọc của mặt trời The glory of Olives : Sự vinh quang của các nhành ô liu The Peter of Roma : Phê rô của thành La mã " .

//www.chungnhanduckito.net/dunglac/diemthoidai.htm //forums.vietbao.com/post.asp?method=ReplyQuote&REPLY_ID=275095&TOPIC_ID=27257&FORUM_ID=24

TS 12.6.07

thekids66

12-06-2007, 09:09 PM

Lâu quá em mới vào xem lại topic của bác TungSon1. Nhiều ảnh đẹp và chuyện kể hay mà nhẹ nhàng dí dỏm. Cám ơn bác :]

TungSon1

17-06-2007, 10:19 PM

Chào các bạn

Ca'm o+n TheKid66 .

Ông Thần Nói Thật [The Mouth of Truth ]

Chúng tôi đi mon men dọc theo một con đường nhỏ . Dưới ngọn đồi Aventine nhà thờ Ðức Mẹ Maria đang dở công tu sửa . Len lỏi qua hàng rào gỗ làm khung , một hàng du khách đang chờ tới phiên vào xem The Mouth of Truth , Cái miệng sự thật [La Bocca della Verità ] .

Con bé Linda nhà tôi e dè hỏi : - Cái tượng kia là cái gì hở bố ?

Tôi quay mắt nhìn sang cháu Huyên , tỏ ý dò hỏi . Cháu Huyên tủm tỉm cười , nói rõ ràng : - Chị nghĩ nó là một vị thần . Ai mà nói dối nói láo thò bàn tay vào , nó cắn đứt luôn . Thế em có nói hay nói dối không ?

Linda mặt bối rối , nhìn bà nhà tôi cầu cứu , khẽ đáp : - Có một vài lần in ít thôi . Thôi em chẳng cho tay vào đâu . Chị thử trước đi . - Ừ ! Chị thử rồi tới phiên Linda nhé ? - Không , không .

Ai nấy đều bật cười vì cái tính trẻ thơ của bé Linda .

Một cô gái Á Châu nước da khá trắng trẻo , đứng cho tay vào miệng Ông Thần Nói Thật , mặt có vẻ miễn cưỡng sợ sệt .

Tượng khắc Ông Thần Nói Thật này theo truyền thuyết của người La mã , là một vị Thuỷ Thần . Bên Trung Hoa cũng có một vị thần Hà Bá tương tợ . Tóc lòa xòa , mắt lồi ra giận dữ , miệng há to ra như chực muốn cắn ai . Và theo lời đồn đại , những kẻ nào nói láo trước mặt Thần , cho tay vào sẽ bị cắn đứt .

Từ thời lính La mã còn đang đi chinh chiến xa xôi . Một mệnh phụ của một nhà quí tộc La mã bị kết tội ngoại tình . Bà ta chối bây bẩy . Phu quân của bà nói với bà ta rằng : " Nếu bà trong sạch , xin bà hãy thử cho tay vào miệng Ông Thần Nói Thật đi . Nếu tay bà còn nguyên , tôi mới tin . "

Biết mình biết ta , bà mệnh phụ nghĩ ra một cách khôn khéo . Khi tất cả mọi quan khách , kẻ bàng quang hiếu kỳ tới xem và bu quanh mặt Ông Thần Nói Thật . Một người có lẽ là tình nhân của bà bước tới ôm chầm tới bà và hôn bà nồng nàn trên đôi môi tươi thắm của bà . Bà ta giả vờ hoảng hốt , lấy tay xua đuổi tình lang đó , và bảo rằng người ấy điên . Ðám đông vội vàng lôi cổ người này ra ngoài .

Bà ta định hồn lại , thở ra đưa tay trước mặt Ông Thần Nói Thật , dõng dạc nói : " Từ khi xa cách phu quân ta bao lâu đến nay , tôi chưa bao giờ hôn bất cứ người đàn ông nào . Chỉ trừ chồng tôi và gã điên hồi nãy . " Thề xong , bà ta cho tay vào miệng Ông Thần Nói Thật . Ðúng vậy , bà ta nói thật . Ông chồng bị cắm sừng đã lấy lại thể diện và danh dự cho vợ mình . Nhưng từ đó Ông Thần Nói Thật này đã mất tiếng tăm , vì không thể nào phân biệt cái nào là lời nói thật lời nào là lời nói dối . Có người xấu miệng đổi tên ông là Ông Thần Nước Mặn .

Năm 1953 hãng phim Hồ Li Vọng [Holliwood] trình chiếu phim Roman Holiday , do hai tài tử gạo cội Audrey Hepburn ] vai công chúa ] và Gregory Peck [ vai phóng viên ] . Trong phim này tượng Ông Thần Nói Thật được mô phỏng lại , làm nhỏ đi . Bên cạnh là tượng thần Vệ Nữ [ Venus] khỏa thân , tay phải ôm đầu Thần , tay kia đang cho vào miệng Thần . Miệng Vệ Nữ cười tươi toe toét .

Tượng Ông Thần Nói Thật này được đặt trong công viên Lục xâm bảo bên Pháp [Luxembourg Garden, Paris] khắc tạc do ông Jules Blanchard . Hôm đó hai người gặp nhau và dạo quanh công viên . Chàng Peck chợt nhớ đến câu chuyện cổ tích này , bảo người yêu rằng : " Em bảo em là cô công chúa ngủ trong rừng , anh không tin lắm . Nếu vậy em có dám cho tay vào miệng Thần không ? "

Cô công chúa Audrey ngây thơ cho tay vào thử , và không có gì xảy ra . - Em thử rồi , còn anh thì sao . Dám không ?

Khi chàng Peck cho tay vào , chợt hét to lên đau đớn , vội rút tay ra và mất đi một bàn tay , chỉ còn tay áo đong đưa theo chiều gió .

Nàng công chúa hoảng hốt nắm tay người yêu , và chợt thấy bàn tay chàng vẫn còn nằm trong tay áo mà chàng đã tinh nghịch rút vào trong . Cả hai đều bật cười , và ôm nhau hôn ra rít .

//upload.wikimedia.org/wikipedia/commons/thumb/5/50/Blanchard.jpg/220px-Blanchard.jpg

Hình trên lấy từ //en.wikipedia.org/wiki/La_Bocca_della_Verit%C3%A0

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/al_07.jpg

Tung Son 17.6.07

TungSon1

05-07-2007, 04:54 PM

Chào các bạn

Khu vườn nhà trọ

Chín giờ sáng tôi quanh quẩn trước nhà trọ tu viện . Chỉ còn hai giờ nữa , nhóm chúng tôi lại bay về Ðức . Một bà sơ người Phát Diệm đứng lúi cúi gần đó chăm chỉ tỉa những cánh hoa . Tôi mon men tới gần hỏi chuyện :

- Chào sơ , sơ có khỏe không . Khu vườn ở đây trông xinh quá . Bé tí mà trồng đủ lại cây trái , nào táo cam , nho có cả trái sung Mỹ nữa .

Bà sơ tròn xoe mắt : - Ông nói sao ? Sung Mỹ nghe lạ nhỉ ? Chúng tôi gọi là trái vả . Trái vả trong kinh Thánh ông không biết sao ?

Tôi ngẩn người . Loại cây này tôi trông thấy một lần ở nhà ông anh họ bên tiểu bang California . Thân gỗ cao bốn năm thước . Trái chín hơi đỏ vàng , vị ngọt nhàn nhạt chan chát . - Sao sơ biết được , cây này ở quê nhà làm gì có ? Bên Cali ông anh tui cứ hái xuống nhậu với bia . - Tại vì chúng tôi qua bên Do Thái . Ông tour guide [hướng dẫn viên] chỉ trỏ vào nó rồi bảo nó là trái vả đó . Lúc Chúa còn sống chưa có cây này .

Tôi bật cười , nói : - Chà , nếu nó còn sống đến giờ này cũng hơn 2000 tuổi rồi . Mấy đứa con gái tôi đi lại gần tôi , tay cầm một cây vợt không biết lôi từ đâu ra , rồi quơ qua quơ lại , tỏ vẻ thích chí . Thỉnh thoảng nghe tiếng zip záp chít chát . - Bố thấy không ? Cây vợt này bà sơ cho con mượn đập muỗi hay lắm bố .

Cây vợt bug zapper này không biết ai sáng chế , tiện dụng vô cùng . Chú muỗi nào vô phúc bay vào màng vợt . Chát một tiếng lăn quay ra .

Cô cháu tôi cầm miếng bánh pizza ra mời : - Chú ăn đi chú , mai mốt hổng được ăn pizza chính gốc người Ý làm .

Cầm miếng bánh mà lòng ngao ngán . Mấy ngày nay hết spaghetti lại pizza . Dù rằng trên miếng bánh thơm mùi phô mát Ý Mozzarella, lớt phớt vài cọng rau rucola . [Loại rau này thỉnh thoảng bày bán trong chợ Sam Club , 4 đô la 2 cân Anh . Rau non thơm mùi đậu phọng , hay mè . Nếu để lá già thì ăn đăng đắng hơn khổ qua hay lá ạc ti sô . ]

Chiếc xe van trên đường ra phi trường , vẫn ông tái xếcũ , miệng mỏ tươi cười nói tiếng Anh liên hồi : - Ông muốn nghe vài bản nhạc Ý nhé ! Tôi liên tưởng đến những ca khúc trầm buồn , réo rắt rung động của nhạc sĩ Nicolo` Paganini trên những phím đàn vĩ cầm .

- Trời ui ! Bản này là bản The God Father mà ? - Thì chả là người Ý mà , lần sau các vị qua Ý chơi nữa , nhớ gọi phôn cho tui nhé . Qua Ý ông nên đi thăm thành phố Venice , một thành phố trữ tình trên mặt nước mông lung . Tôi quay qua hỏi bà nhà tôi : - Kìa lần sau có muốn qua Ý chơi không ? Bà nhà tôi xì tiếng , bĩu môi lắc đầu : - Qua Ý chả có gì ăn hết ! Chẳng có phở chẳng có bún ! Chán chết !

Ðây có lẽ là khuyết điểm hầu như các thành phố lớn đều sơ sót mắc phải . Một thành phố có tầm vóc quốc tế , đủ các nước tới thăm viếng , ít nhất tại trung tâm có cửa hàng phục vụ ăn uống cho từng quốc gia . Dù rằng nơi đây cũng có vài quán fast food như Mc Donald , tiệm ăn Pháp , Ðức . Nhưng dân Á châu đâu có thể nào ngày nào cũng ăn mấy món đó hoài . Tôi có mộng ước một ngày nào đó mở quán Tả Pí Lù có phở có bún riêu ốc thơm nồng nàn , có món cá sống nhàn nhạt sushi của dân Nhật , cơm cà ri dê Biriyani hăng hắc của người Ấn , món canh chua Tom Yum vừa cay vừa chua thơm mùi lá chanh kaffir của người Thái vân vân ....

Những ngọn đồi nhỏ thoai thoải xen lẫn với hàng thông cao . Nhà cửa chợt thấp thoáng dưới cánh máy bay và biến mất dưới làn mây trắng đầy sương mù .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/al_08.jpg

Ngày xưa có lẽ là sân dùng để đua xe ngựa thời La mã

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_20.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_19.jpg

Lá và trái vả

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_18-1.jpg

Bông mướp vàng

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_17-1.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_16.jpg

Lá mơ

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ap_15-1.jpg

Bông hoa cánh diều [Iris]

Tung Son 5.7.08

TungSon1

16-07-2007, 05:21 AM

Chào các bạn

Dừng chân qua Bỉ

Về nhà chị M. được hai ngày , cậu con trai lớn của chị , Ðông đi mướn một chiếc van lớn Mercedes loại 15 chỗ ngồi . Chiếc xe này mui cao hơn loại xe của Nhật Toyota Sienna hay Honda Odyssey một chút . Cháu Ðông và tôi ngồi hàng ghế trước . Hàng sau gôm hai bà chị vợ , bà nhà tôi và lũ con tôi ngồi nguyên băng ghế thứ ba . Ðằng sau trống trơn chỉ chứa vài túi hành lý và một két nước suối .

Theo lịch trình chúng tôi sẽ ghé thăm một bà dì cư ngụ ở Bỉ , ngủ một đêm ở đó rồi sẽ khởi hành qua thành phố Ba lê , Pháp . Trên xa lộ Ðức các loại xe phóng như bay vùn vụt như con thoi , nhưng cháu Ðông lái chiếc van với tốc độ bình thường như ở bên Mỹ chừng hơn trăm cây số một giờ . Tôi hỏi cháu Ðông hôm nay sao ngoan vậy , cháu chỉ cười không nói . Mọi hôm hắn phóng xe như bay trên xa lộ nổi tiếng là Yên hùng xa lộ . Chắc có lẽ bà má ngồi đằng sau , có gì bà chửi chết .

Ðể đỡ buồn chán , tôi gợi chuyện với hắn : - Cháu học xong kỹ sư điện , sao không đi làm . Bây giờ lại chuyên về ngành gỗ . Lúc trước chú nghe cháu qua tận Nam Dương định buôn bán cái gì mà ?

Ðông cười xòa : - Hồi đó mới học xong , ba cháu mới mất . Cháu bị sốc dữ lắm . Buồn còn thuốc lá nữa kia . Cháu có thử làm cho tụi Ðức nhưng tính cháu không thích bị gò bó . Ở đây chỉ có mấy hãng cơ khí , ô tô . Việt Nam lúc đó chưa có dễ dãi như giờ . Cháu qua tận Nam Dương hay Ấn Ðộ tìm xem có cách nào làm ăn .

Tôi cười đùa , nói : - Cháu định mở quán cơm cà ri nước dừa về bán cho người Ðức chăng ? - Không , chú . Bên Nam Dương cháu thấy họ có trồng hoa lan hoa mai kiểng trong trái dừa .À , họ gọi là Lan nở trên gáo dừa . Dừa ở đó nhiều lắm , giá thành lại rẻ . Cháu mang thử về Ðức bán , không có ai đặt hàng nên đành bỏ . Ðức chẳng biết chơi lan chơi mai gì hết . Hồi đó cháu rủ chú mua đất đai khu Bà Rịa Long Thành gì đó ở Việt Nam . Ðất đai bây giờ đắt như vàng . Chú mà nghe cháu bây giờ thành triệu phú rồi .

Tôi ngồi cười trừ không đáp . Hắn đi buôn có lỗ lã còn còn mẹ đằng sau chống lưng . Còn tôi đi làm ăn lương giờ , ký ca kí cóp được chút đỉnh , mất là mất sạch chẳng có ai cho mượn vốn để mà làm ăn tiếp . Canh bạc đánh chỉ một lần mà thôi .

Ðông năm nay trạc tuổi bốn mươi , tóc hơi lấm chấm muối tiêu , nét mặt rắn rỏi , đôi mắt cương nghị tỏ vẻ là người dám làm dám chịu , dám ra ngoài đời lăn lội bương chải .

Ðông thở dài tiếp tục câu chuyện :

- Ðất đai thời đó bấp bênh lắm chu'. Bây giờ cháu buôn cây , mua cây ở Ba Tây mang về Việt Nam gia công , đóng bàn ghế tủ xong mang về Ðức bán .

- Sao cháu lại qua tận Ba tây mua cây , bên Việt Nam chú tưởng nhiều rừng nhiều gỗ quí chớ .

Ðông lắc đầu , đáp : - Coi vậy mà không phải vậy . Gỗ bên Ba tây giá thành rẻ , cây lại đúng kích thước , nó phải cao bao nhiêu , thân ngang như vầy mới xẻ ra làm bàn làm tủ được . Bên họ cây rừng đều có qui hoạch , bảo vệ hết . Một năm khai thác bao nhiêu , họ phải lo trồng cây xanh mới để rừng không bị phá hủy . Tài nguyên vẫn được bảo tồn .

Hai bên đường những loại cây rừng tạp nhạp , thông tùng , phong , bạch dương lắc lư theo chiều gió vùn vụt bắn về phía sau .

Ðông lấy tay chỉ về hướng trước : - Chú thấy bảng hiệu có vẽ một con nai đang nhảy không ? - Biết chớ , nó báo hiệu ở gần đây có nai hươu hay phóng ra bất chợt , khi lái xe nên coi chừng .

Ðông cười hà hà , nói : - Không phải đâu chú , nó báo cho biết ở đó có quán nhậu chuyên các món nai .

Biết hắn nói giỡn , tôi pha trò cho vui : - Vậy bảng hiệu nào có vẽ một ngả ba , ngả tư chắc là Ngả Ba , Ngả Tư Sung Sướng ?

Tôi có đọc một cuốn hồi ký của nhà văn Lê Mỹ Hân có nhắc về những đoạn đường Ngả Ba , Ngả Tư Sung Sướng trên các tuyến đường qua Trung Lương [Mỹ Tho] có vài quán karaoke đêm tối dập dình tiếng nhạc với các kiều nữ xinh đẹp .

- Chú cũng biết mấy ngả ba ngả tư ấy hả ?

- Ðọc trong truyện thôi . Trẻ thì có thể chớ về già rồi , sức đâu mà lo những chuyện bao đồng .

- Bây giờ đang ở vùng bắc nước Bỉ , chú thấy tên mấy làng mạc toàn chữ Hòa Lan . Xuống miền Nam chú sẽ thấy toàn chữ Pháp . - Chú vừa rồi thấy cái bảng đề chữ Waterloo , cháu biết là gì không ? - Chắc là mấy cái lu nước cho trâu bò uống , phải không chú ?

- Không , Waterloo là một địa danh ở Bỉ mà Napoleon [Nã phá luân] bị thua trận bởi liên quân sáu nước vây đánh [1815]. Sau trận này ông ta bị nhốt ở đảo Helene gì đó . Chú nghe mấy ông thầy nói rằng thời đó nhạc sĩ Beethoven cảm hứng sáng tác bản giao hưởng số 5 hay số 9 gì đó để khen ngợi đoàn quân của Napoleon chiến thắng trở về . Nào dè ổng thua trận làm cho người nhạc sĩ tài danh thất vọng , đâm buồn và trở nên mù lòa .

Waterloo đọc "qua tờ lu" , có người đọc "qua tẹc lu" cho vẻ sang sang một chút .

Xe vào thành phố Bruxelle , Bỉ . Vài thành cầu bắc ngang qua xa lộ , mà bên Ðức hay Hà Lan hiếm thấy . Nhìn thoáng có thể giông giống như một thành phố metro của Mỹ . Chúng tôi đi xe bọc ngoài vòng đai , không vào trung tâm thành phố nên không biết mặt mũi nó như thế nào .

Nhà bà dì vợ trước mặt là một cánh đồng cỏ có vài con dê trừu đang thư thả gặm cỏ . Trước sân dì Tung trồng vài thứ rau mồng tơi , đay , húng , tía tô , hành ngò . Những thứ vặt vãnh linh tinh nhưng rất cần thiết trong việc nấu nướng các món ăn Việt , chẳng lẽ mỗi tí mỗi chốc lại xách xe ra ngoài ngoài tiệm mua . Chẳng những tốn tiền mà rau quả không được tươi tắn như cây nhà lá vườn .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_29.jpg

Dì Tung hớn hở dắt tay bà nhà tôi và các cháu nói : - Bao lâu rồi mới gặp các cháu , mấy đứa này là con gái của cháu hả . Thằng lớn đâu ? Bận đi làm . Thôi kệ chúng , chiều nay dì làm phở ăn . Nhà có sẵn rau thơm rồi . Ở chơi với dì vài ngày rồi hãy đi .

Bà nhà tôi cười : - Mai tụi cháu còn đi thăm Paris , xong về Ðức , chuẩn bị về Phần Lan rồi về Mỹ . - Vậy thôi mấy dì cháu tối nay tha hồ tâm sự .

Buổi chiều cuối tháng Bảy , gió ngoài đồng hiu hiu lùa vào thật mát , mang theo tí hơi lạnh . Chúng tôi mười mấy người quanh quần chung quanh một cái bàn kê ở giữa sân trước .

- Mời anh dùng lon bia .

Cậu Bi tươi cười giao tôi một chai bia nhìn là lạ , có dán hình một ông Thánh nào đó . - Bia Thánh đây à ! Uống thử một chút .

Bia nồng nàn thơm ngon , độ cồn có vẻ nặng hơn bia Lowenbraun một chút . Tôi sực nhớ ra một câu chuyện , hỏi cháu Ðông : - Chú Bi à ! Nghe nói chú lúc trước làm trong hãng chế biến dồi Ðức Bratwusrt . Làm cách nào vậy ?

Bi ngẩn người ra , bối rối : - Em hả ! Lâu quá em quên rồi . Ðại khái thịt xay xong rồi nhét vào ruột , đem hấp .

Tôi mỉm cười không nói , vậy cái món dồi Ðức dễ làm như giò chả Việt Nam , cứ giã xay ra , bó lại đem hấp là thành món ăn đặc sản Việt .

Câu chuyện trên bàn cứ vậy xoay quanh qua những đề tài đâu đâu . Ánh nắng chiều đang dần tàn . Ngoài đồng gio hây hây thổi , làm tôi liên tuởng đến cảnh đoàn viên của mẹ con cậu Remi trong truyện Vô Gia Ðình của Hector Malot trong khu vườn xinh đẹp . Khu nhà liên kết với nhau qua những chùm hoa hồng , thược dược , cách nhau vài con ngõ khi cậu vừa dứt tiếng vĩ cầm thánh thót với bài hát Napolitan , chợt nghe tiếng vọng vang nhái lại bài ca của người cậu thương , cô Lise .

Sáng hôm sau trời vừa hừng sáng , cả nhà còn đang mê ngủ . Tôi quen dậy sớm . Ngó ra ngoài vườn sau , những cánh bông mẫu đơn e ấp du+ới ánh nắng ban mai . Vườn nhà bà dì dài thườn thượt , gấp ba vườn sau nhà tôi . Hai bên hông vườn dì trồng các loại bông cúc trắng vàng , thược dược , cả những cành trúc vàng . Cuối vườn là một chuồng gà , vài con gà con chim chíp theo mẹ mổ lung tung . Bên cạnh một cây mướp Zucchini xoè những cành tán tỏa rộng hơn cái bàn ăn , với trái chi chít xanh mơn mởn .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_30.jpg

Gần đến trưa , sau khi chúng tôi thanh toán gần hết hai kí lô ốc hương biển đã khêu sẵn . Ở Bỉ có vài người rảnh rổi ra biển mò ốc , mang về nhà luộc , khêu ra bán cho bà con đồng hương . Ăn không hết họ bỏ đông đá , khi nào cần ăn mang ra xả đá và nấu lại . Không ngon bằng ốc tươi , nhưng xơi cũng tàm tạm . Lúc mà tôi hỏi có ốc không , cậu em họ nhà tôi hí hửng mang ra nguyên một bịch . Bà chị vợ M. làu bàu : - Chú mà ăn không hết hai kí ốc này , biết tay tôi .

Giờ đây , chắc ngon và lạ miệng lũ con nhà tôi khoáy đũa lục lọi tìm xem còn con nào sót không . Tôi ngó bà chị mỉm cười . Bà nhà tôi dạo năm 96 về tham dự đám cưới cậu em lấy vợ . Cậu em thèm thuồng ốc , mua về chục kí đủ loại . Bà chị M. và các con chị về thường xuyên , nên dửng dưng với mấy món đó , không đứa nào đụng tới , bèn kêu hàng xóm qua xơi dùm .

Chúng tôi giã từ gia đình bà dì . Xe nhắm hướng nam , xuôi về nước Pháp .

TS 14.7.07

iha.eut

16-07-2007, 05:55 AM

Chúc bác tiếp tục chuyến đi nhiều niềm vui và may mắn! Vẫn theo dõi những dòng viết của bác. Đơn giản, thân tình, nhiều tình cảm, TFS! .

TungSon1

21-07-2007, 04:43 PM

Cha`o ba.n Iha.eut

Vo+'i nhu+~ng hi`nh a?nh na`y giu'p vui cho ca'c ba.n xa ga^`n .

Chào các bạn

Paris có gì lạ không em ?

Tôi có người bạn học thân nhau từ còn bé , học chung vơí nhau từ lớp ba lớp nhì trường tiểu học Tân Ðịnh . Qua Mỹ hắn làm việc cho một hãng máy bay của Pháp . Một năm hắn qua Pháp mấy lần , lần nào cũng vậy tôi hỏi thăm bên Paris có gì đẹp có gì lạ không ? Hắn dửng dưng trả lời : "Không có gì hết , cũng vậy thôi . " Nói chuyện như mày , thiệt huề vốn .

Cống hỉ méc xì , đây thuộc cả Chẳng sang Tàu , tớ cũng sang Tây

[Tú Xương ]

Tôi không biết cụ Tú Xương có qua Tây qua Tàu không , nhưng riêng tôi có dịp sang Tàu một lần , cũng chẳng đi được thăm viếng nhiều nơi . Paris chưa có ghé lần nào , chỉ biết qua sách vở ca tụng là thành phố đầy ánh sáng muôn màu , Ba lê huy hoàng trong các vũ điệu valse xoay vòng trong Moulin Rouge với các vũ nữ đẹp vời .

Dạo này biên giới giữa các nước Tây Âu được bỏ ngõ , xe cộ giao lưu không phải dừng lại để kiểm soát giấy thông hành . Vài ba nhân viên hải quan Pháp thờ ơ nhìn đoàn xe qua lại .

Chúng tôi ghé vào trạm đổ xăng . Nơi đây bồn cầu phòng vệ sinh vẫn còn giữ nét thuở xa xưa , loại ngồi chồm hổm . Ra ngoài tôi theo cháu Ðồng tới quầy tính tiền , nghe Ðông xì lô xí liếc một hồi bằng tiếng Pháp . Tôi chỉ biết bập bẹ vài chữ la táp [la table] , la tết [la téte] học từ thuở chạy lăng nhăng ngoài ngõ . Ðông cứ dặn dò với tôi : " Tụi Tây nó không thích ai nói tiếng Anh , tiếng Mỹ với nó ." Câu nói đó làm tôi ngài ngại , không dám mở miệng , rốt cuộc qua Tây mình như người câm , thành lơ mút hay la mút .

- Cháu nói tiếng Pháp khá quá ! Mới học hả cháu ?

Ðông cười : - Học ở trung học mà chú . Bên này học đủ thứ tiếng , Ðức Pháp Anh Hòa Lan . Khi nào chú nói chuyện với họ chú cứ Mẹc mẹc mẹc ....[xi`]

- Là nó chửi cha mình phải không ?

Học một ngoại ngữ đã chết dở , lại học lung tung cả lên làm sao còn tâm trí thời gian nào mà vào các môn khoa học khác . Bên Mỹ sinh viên thường chỉ biết tiếng mẹ đẻ của họ , ngoại ngữ học cho vui rồi để đó . Tiếng Tây ban nha thường gọi là tiếng Mễ ít khi nào dùng để giao tiếp với nhau .

Từ xa lộ vào thành phố Ba lê , xe cộ đủ loại xe nối đuôi nhau phóng ào ào . Hai bên các bin đinh công thự xen kẻ nối tiếp , chúng không cao lắm chừng vài chục tầng , thỉnh thoảng vài biển quảng cáo Sony , Nokia ... giăng mắc trên các trụ cao . Tôi cảm thấy hình như thành phố nào cũng có mặt chúng nó , đầy dẫy khắp nơi .

Ðông làm như thành thuộc thành phố này , cho xe chạy vào một exit , lối ra xa lộ , rẽ ngang rẽ dọc qua phố nọ qua đường kia . Một cảm giác thân thương bỗng chợt về , tôi có cảm tưởng như đang sống tại trong Sài Gòn ,có một cái gì liên kết giữa Paris- Sài Gòn với những hàng cây cao vút xoè tán rộng che hai bên đường , những con phố hẹp với những dãy chung cư xây theo mô hình kiến trúc [motif] Pháp , có những ban công chìa ra ngoài , có những đèn ngọn xanh ngọn đỏ . Các quán cà phê dọc ngã ba ngã tư , khách ngồi nhẩn nha uống ly cà phê sữa hay nhai ổ bánh mì thịt nguội . Một khung cảnh sống động nhộn nhịp ,bạn có thể hình dung lại như thể đang dạo chơi trên đoạn đường Nguyễn Huệ , Tự Do [Ðồng Khởi bây giờ] . Ngả năm ngả sáu rất nhiều , xe hơi Peugeot , Renault nho nhỏ chen chúc qua các tuyến đường nhỏ hẹp .

Nơi đây chỉ thiếu tiếng rao hàng lanh lảnh buổi sáng mai của các bà các cô " Ai dzật lộn hông ? " hay là "Ai chuối chưng chè bắp nước dừa đậu phọng hông " là bạn sẽ có cảm giác sống tại thành phố quê nhà ,

Chúng tôi dừng xe trước một khách sạn Pereire Arc de Triomph , nhìn bề ngoài khá khang trang , dễ coi . Có lẽ các cháu đã đặt phòng trước , nên khi vào Ðông tới bàn tiếp tân là có thẻ mở cửa vào phòng ngay [2] .

Ðông nói : - Hai chú cháu mình một phòng , má cháu và dì Hiên một phòng , dì và Linda một phòng . Còn hai em ở phòng kia .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_26.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_28.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_27.jpg

So với phòng của các khách sạn giảm giá [discount] ở Las Vegas , Los Angles thì nơi đây phòng bé bằng phân nửa , vừa kê đủ cái giường queen size . Tôi vất vội hành lý vào phòng , xuống cầu thang và chuẩn bị ra xe tham quan thành phố Ba lê .

Chú thích :

1. Giường queen size , ngang cỡ 1,5 m dài 2 thước . 2. Thẻ vào phòng : bây giờ hầu hết phòng ốc trong khách sạn dùng thẻ này để mở cửa . Không cần chìa khoá để mở cửa phòng .

TS 18.7 07

TungSon1

28-07-2007, 07:49 PM

Chàocác bạn

Paris có gì lạ không em ?

Trên đại lộ Champs Elysees , mỗi bên có năm sáu tuyến đường rộng như đại lộ Thống Nhất , hai bên bộ hành thong dong đi dạo chơi . Dưới mặt đường còn in lốt dấu xe tăng diễn hành ngày 14.7 Lễ Độc Lập Pháp vừa qua [2006]. Cuối đường Khải Hoàn Môn trong tầm mắt chúng tôi , nằm trong bùng binh , chỉ có vài du khách qua lại . Nhìn nó từa tựa như mấy cái cổng Khải hoàn bên La mấ .

Với chiều cao 50 thước , chiều ngang 45 thước Khải hoàn môn này được coi như là to nhất thế giới .

Đông ngừng xe bên quảng trường Concorde , tươi cười nói : - Hôm nay cháu dẫn chú đi tham quan toàn cảnh Paris . Chỉ mất ba tiếng chú có thể coi hết cả Paris . Đây là Khải Hoàn Môn còn đằng kia là Cổng Thua Trận . Bây giờ mình xuống chụp hình nhé ? - Tại sao gọi là Cổng Thua Trận ? - Vì ... người Pháp có bao giờ đánh thắng ai bao giờ .

Chúng tô lò mò xuống xe . Chớp được vài tấm , tôi nhận thấy vẻ mặt bà nhà tôi và hai bà chị vẻ mặt kém vui . Nhìn họ có vẻ miễn cưỡng , tôi chợt hiểu . Đi từ sáng đến giờ này , ba giờ rưỡi chiều chưa có hạt cơm nào vào bụng , dù có lên thiên đàng , cảnh tiên có đẹp cỡ nào cũng không có lòng dạ ngắm nghía . Vả lại mấy bà chị vợ , bà nhà tôi đều qua Paris mấy lần , họ coi riết cũng chán . Chỉ có tôi và con bé Linda mới háo hức muốn xem thôi .

- Bây giờ mình đi ăn ở đâu chú ?

Bà nhà tôi lên tiếng : - Kiếm đại tiệm ăn Việt Nam nào cũng được . - Vậy thì cháu chạy qua quận 13 . Ơ? đó hàng ăn chợ búa nhiều lắm .

Hôm đó là ngày thứ Sáu , xe cộ cũng khá đông nhưng chưa đến nỗi phải kẹt xe . Đông luồn chiếc xe van to lớn dềnh dàng qua những con đường nhỏ hẹp , những chiếc cầu xi măng băng qua dòng sông Sein êm đềm chảy lững lờ bên dưới .

Các chợ Việt Nam cũng như hàng quán không chen chúc như bên phố Bolsa Cali hay đường Lê Lợi [1] thành phố Houston . Chúng tôi lững thững tìm một quán ăn nào đó , ghé vào tiệm Sài Gòn . Quán khá khang trang ấm cúng . Các con gọi món phở , mấy bà kêu món cơm sườn bì chả . No bụng chúng tôi ghé qua một cái chợ nho nhỏ gần đó . Chị Hiên định cư ở Phần Lan , thực phẩm cái gì cũng đắt , nên qua tới Đức hay Pháp đều muốn mua thật nhiều mang về dùng .

Trái cây hoa quả phong phú thơm ngon tươi tốt , bày biện trên các quầy . Bưởi , thanh long , chôm chôm , xoài tượng xoài thanh ca mươn mướt hấp dẫn . Nhưng ngó giá tiền thì không hấp dẫn tí nào , giá cả cứ từ 6 cho đến 10 tiền Euro một kí . Mấy đứa con tôi lại mê thích trái măng cụt , bà nhà tôi mua cho vài kí ăn cho đỡ thèm . Tôi thích xoài tượng chấm muối ớt , bấm bụng nhủ thầm mai mốt về quê hương tha hồ mà xơi , nhưng sợ đến lúc đó răng rụng răng mẻ hết , chẳng biết lấy gì mà nhai .

Hai bên đường tàn cây che bóng , phủ cả con đường . Khách đi đường đa số người A' châu . Một hai nghệ nhân ngồi nắn nót vẽ tên người , râu ria ngoặc ngoặc , nét trau chuốt như phượng múa rồng bay .

1. Đường này lúc trước có tên Mỹ là Mylam . Sau này bà con Việt Nam buôn bán khá đông , xin phép chính quyền địa phương đổi ngay ra tên Việt .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_25.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_24.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_23.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_22.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_21.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_20.jpg

Năm 1793 trước khi trận chiến với quân Anh , Nấ phá luân đứng trên Kim tự tháp dõng dạc nói : "Hỡi ba quân , bốn mươi thế kỷ từ từ trên đỉnh này sẽ nhìn thấy các ngươi " . Ông thắng trận trên bộ , nhưng hải quân Pháp bị đại bại . Dự tính ông sẽ ở Ai cập vài tháng , nhưng không ngờ ông và đoàn tinh binh lạc lỏng gần 3 năm , mấi không tìm về quê nhà . Ông dự định mang mấy cái Kim tự tháp về dựng ở Paris [?], nhưng đoàn tàu chiến 13 chiếc đấ không còn , nên đành thôi , dựng cái trụ đài obeslik .

Obeslik của người Ai cập hiện nay còn 22 đài . Nước Ai cập còn 5 cái , thành phố Rome 13 cái , và Paris , London , Istanbul , New York mỗi thành phố một cái .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_19.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_18.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_17.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_16.jpg

Tung Son 28.7.07

ti-pha

28-07-2007, 09:09 PM

lần đầu tiên thấy những bức hình quãng trường La Mã đẹp thế này, bác Tung Son chắc là đã có 1 chuyến đi tuyệt vời.

TungSon1

29-07-2007, 07:10 PM

Cha`o ba.n Tipha

Sau đây là link về Obeslik :

Năm 1831, vị phó vương Ai Cập - Muhammad Ali - đã biếu tặng cho nước Pháp hai chiếc cột đá obélisque dưới thời vua Ramesses II của đền Luxor [Thebes], Ai Cập. Sau 2 năm rưỡi vận chuyển ròng rã, tháng 12 năm 1833, một chiếc đã được chở về đến Paris theo lệnh của vua Louis-Philippe I và ngày 25 tháng 10 năm 1836, dưới sự chỉ đạo của kỹ sư hàng hải Apollinaire Lebas, nó đã được làm lễ dựng lên giữa quảng trường trước sự chiêm ngưỡng của hơn 20.000 người. Nhà vua và hoàng thất, do chưa chắc chắn về sự thành công của việc thi công, ban đầu còn ngồi trong tòa nhà Garde - meuble. Chỉ cho đến khi chiếc cột đá đã hoàn toàn đứng thẳng, nhà vua mới xuất hiện trên ban công trong tiếng reo mừng của đám đông dân chúng.

Từ năm 1833 đến 1846, kiến trúc sư Jacques Ignace Hittorff đã tiếp tục trang trí, sửa đổi quảng trường nhưng vẫn giữ nguyên theo ý tưởng chính của Gabriel. Ông đã cho xây thêm hai đài phun nước tuyệt đẹp ở hai phía bên cạnh chiếc cột đá cùng những cột đèn trang trí hình các mũi tàu chiến xung quanh quảng trường. Hai đài phun nước - được khánh thành ngày 1 tháng 5 năm 1840 - được lấy tên là "đài phun nước của đại dương và các dòng sông" [La fontaine des Mers và La fontaine des Fleuves] để tôn vinh thành tựu đạt được trong việc phát triển của giao thông đường thủy. Để tạo nên những bức tượng của hai đài phun nước này, nhiều nghệ sĩ tên tuổi đã tham gia quá trình xây dựng: Jean-François-Théodore Gechter, Honoré-Jean-Aristide Husson, François Lanno, Auguste-Hyacinthe Debay, Antoine Desboeufs, Jean-Jacques Feuchère, Antonin-Marie Moine, Jean-Jacques Elshoecht và Louis-Parfait Merlieux...

Cột đá Obélisque

Cột đá Obélisque tại trung tâm quảng trường Concorde

Là một trong hai chiếc cột đá Ai Cập của đền Luxor đã được vị phó vương ai cập Muhammad Ali tặng cho nước Pháp vào năm 1831.Chiếc cột hơn 3.300 năm tuổi này [từ thế kỷ XIII trước Công nguyên] có chiều cao 22,86 mét, nặng 227 tấn, được tạc nguyên khối từ đá syenite hồng, bốn mặt được tạc chìm các chữ tượng hình Ai cập cổ thể hiện các vinh quang của pharaon Ramesses II. Nó được đặt chính giữa quảng trường trên một bệ đỡ cao 9 mét, và riêng chóp nhọn mạ vàng trên đỉnh cũng có chiều cao lên tới 3,5 mét. Chóp nhọn này đã được mạ vàng vào đợt trùng tu năm 1998 dưới sự tài trợ của Pierre Bergé và Yves Saint-Laurent.

Nguồn : //vi.wikipedia.org/wiki/Qu%E1%BA%A3ng_tr%C6%B0%E1%BB%9Dng_Concorde

TungSon1

10-08-2007, 05:29 PM

Cha`o ca'c ba.n

Paris có gì lạ không em ?

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_15.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_14.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_13.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_12.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_11.jpg

Cháu Đông đậu xe van vào một con đường sau lưng Nhà Thờ Đức Bà . Chúng tôi rảo bước tới ngắm nghía và chụp vài tấm hình . Phía sau nhà thờ bao bọc bởi hàng bông hoa hồng , cúc . thược dược đỏ thắm . Trải dọc hai bên những hàng cây kiểng xanh mướt . Nhìn lên trên , phía sau Nhà Thờ Đức Bà khá phức tạp , những góc cạnh chằng chịt với nhau bởi những thanh đà sắt . Tôi nhìn mấi không biết chỗ nào là nơi Thằng Gù núp hay ẩn náu trên đó , như trong truyện Thằng Gù Nhà Thờ Đức Bà miêu tả .

Nhà Thờ Đức Bà màu gạch xam xám , cũng là kiến trúc gothic đồ sộ , nhưng hình dáng khác Nhà Thờ Đức Bà ở Saì Gòn , nó có vẻ gì một chút u linh huyền bí . Các tượng ông Thánh bà Thánh điêu khắc nằm trên các vòm cung cửa sổ thường tạo cho bạn một cảm giác run sợ , ngài ngại nhớ lại cảnh tượng trong phim Omen .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_30-1.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_29-1.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_28-1.jpg

Đây là một trong ba kiến trúc còn sót lại trên đảo nhỏ trên sông Seine [ Nhà Thờ Đức Ba , Nhà thờ Sainte Chapelle và Toà án ] khi Nam Tước George Eugene Haussmann đô thị hoá Paris vào những năm 1853 .

Du khách tới thăm thành phố Paris thường thường đi dạo chơi sông Seine bằng thuyền , đi chơi cho biết dòng sông Seine mơ mộng như thế nào . Bề ngang sông có chỗ rộng 100 mét , có nơi bảy tám chục mét . Nước sông phẳng lặng hơi gợn sóng , màu xanh đục lờ đờ . Hai bên bờ các dinh thự sừng sững in trên nền trời cao . Thuyền trôi qua những cây cầu cổ , xây dựng từ thuở xa xưa rất nổi tiếng , cầu Pont Alexandre III , cầu Pont des Arts dành riêng cho khách đi bộ và Pont Neuf [New Bridge] .

Ơ? đây chỉ được có phong cảnh đẹp tuyệt vời hai bên bờ sông , chớ không có cảm giác hưng phấn dào dạt như bạn dạo chơi thuyền trên sông Sài Gòn , hay trên ngả ba Nhà Bè Cát Lái , hoặc cửa sông Thị Nại [Vũng Tàu] hoặc trên giòng sông Tiền sông Hậu gió lồng lộng lướt nhanh trên sóng nước cuồn cuộn nhấp nhô .

Thấp thoáng đâu đây bên cạnh những nhánh liễu bên sông Seine , vài cặp tình nhân ôm nhau tâm tình khiến cô khách không khỏi tần ngần xao xuyến cõi lòng .

"Paris có gì lạ không em ? Mai anh về giữa bến sông Seine Anh về giữa một giòng sông trắng Là áo sương mù hay áo em " [Nguyên Sa]

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_27-1.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_26-1.jpg

Bạn nghe thi sĩ Nguyên Sa làm thơ tả cảnh nhớ người yêu khi dạo trên bờ sông Seine vắng lặng êm đềm này . Vào mùa này , tháng Bảy chói chang ánh nắng , không có tí hơi sương mờ đục , chẳng có áo em lướt thướt bên bờ sông mơ mộng . Chỉ có các bà đầm ông Tây nằm phơi nắng trên bờ cát giả trên sông Seine .

Khoảng một giờ dạo chơi trên sông Seine , thuyền quay về bến . Cháu Đông hỏi chúng tôi có muốn lên thăm tháp Eiffel không . Suốt những đoạn đường đi trên xe , hay dạo trên sông , tháp Eiffel ngạo nghễ đứng vươn thẳng trên bầu trời trong xanh . Từ bờ sông chúng tôi leo lên những bực thang . Tháp Eiffel khổng lồ với những ngọn đèn chớp nhoáng . Đẹp và cao to hơn tháp Tokyo . Lộng lẫy và kiêu kỳ .

TungSon1

10-08-2007, 05:42 PM

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_25-1.jpg

Mấy đưa con gái tôi hớn hở đòi lên trên tháp để ngắm toàn cảnh thành phố Paris , nhưng chừng hơn nửa tiếng sau chúng quay lại , mặt tiu nghỉu lắc đầu nói : " Phải chờ chừng vài tiếng mới tới phiên . Bố và các bác có muốn đợi chúng con không ? "

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_24.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_23.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_22.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_21.jpg

Tôi liếc nhìn đồng hồ , gần chín giờ tối . Đợi chúng nó xem xong chắc quá nửa đêm .

- Thôi các con , mình đi về . Dịp khác qua xem nhé !

Chúng tôi quay xe ra về khạch sạn nghỉ ngơi , sáng mai chuẩn bị lái xe về Đức . Khách sạn mướn thuộc loại thường , không có máy điều hòa không khí , phòng nhỏ lại nóng nực . Tôi đành đi xuống cầu thang , đi lại bàn gặp nhân viên tiếp tân , hỏi bằng tiếng Anh : - Ơ? đây nóng quá , ông có dư cái quạt bàn nào không ? Chúng tôi có bốn phòng .

Với giọng lịch sự , chững chạc ông người Pháp đáp lại : - May quá còn một cái .

Biết làm sao hơn , tôi đành nhận cái quạt đó và mang về phòng cho bà nhà tôi . Tôi qua bên phòng mấy đứa con gái tôi , cũng nóng và ngộp như vậy , bèn biểu : - Thôi mở cửa sổ ra cho thoáng gió .

Bên ngoài ăn thông một hành lang không đèn đuốc , tối om om . Tôi e ngại , nói : - Thôi đóng cửa sổ ngủ đi con , nóng một tí không sao .

Sáng sớm hôm sau chúng tôi kéo nhau xuống ăn sáng tại khách sạn . Buổi ăn này free , không phải trả tiền . Khúc bánh mì nhỏ , dăm bông thịt nguội , vài lát phô mai . Chúng tôi lục tục trả phòng và ra xe lên đường . Bên ngoài nắng chiếu rọi qua những tàn cây . Đông dừng xe ở một góc đường , và tôi chạy vào mua vài ổ bánh mì không để ăn dọc đường . Tôi cầm hai ba ổ gì đó , và xòe tờ 10 Euro , cười tươi và chờ cô bán hàng người Pháp thối lại tiền . Không phải vất vả tiếng Tây tiếng U gì hết . Bánh mì baguette làm tại Paris dài độ bốn gang tay , ngang chừng 5 hay 6 phân nhỏ nhắn nhưng cầm khá nặng tay . So với bánh mì Việt Nam pha với bột gạo , nhẹ và rỗng ruột .

Tôi hỏi bà nhà tôi : - Hồi đó bà qua Paris năm nào nhỉ ? - Ơ` ờ ... năm 92 , 93 gì đó . - Thế lần này qua đây thấy Paris có gì lạ không ? - Có , nó sạch sẽ hơn , không có c. chó và bồ câu nhiều . Tui nghe nói ai mà dắt chó ị bậy ngoài đường phố sẽ bị phạt nặng . Riêng chim bồ câu , có thể họ cho chúng nó ăn loại thực phẩm ngăn ngừa sinh sản nên không thấy chúng bay đầy ngoài đường . Âu cũng là một điều hay điều đẹp cho thành phố Paris lộng lẫy yêu kiều .

Xe ra khỏi thành phố , qua phi trường Charles de Gaulle và hai bên đường những cánh đống luá mì chín vàng rực . Cứ chạy một đoạn , thỉnh thoảng một ngôi làng nhà cửa ẩn hiện dưới vòm cây xanh , với một ngôi nhà thờ có mái cao vút . Bạn có thể nhớ lại cảnh một cô bé gái Perrine vượt bao cánh đồng đi tìm ông nội trong truyện Trong gia đình của nhà văn Pháp Hector Malot . Đây là một đặc thù của cảnh miền quê nước Pháp , trong sáng và êm đềm .

TS 9.8.07

AustinV

10-08-2007, 10:41 PM

Hình ảnh và thuyết minh của bác hấp dẫn lắm, cám ơn bác đã chia sẻ

thanhhuynh86

11-08-2007, 10:53 PM

Em biết bác từ lúc còn xem ở HNC. Bài viết của bác bình dị như một bài thơ. Ảnh của bác trong trẻo và có tình lắm. Thật sự cảm phục bác!

TungSon1

27-09-2007, 04:32 PM

Chào bạn Austin , ThanhHuy

Lâu lắm không vào HNC , có lẽ vì mạng lưới không vào được. Chúc các bạn vui.

Con chó phóc nhà tôi

Tôi không biết nhà tôi có duyên nuôi chó không , chớ gì mang về nhà tôi con nào con nấy chừng vài tháng là ngắc ngủm .

Từ dạo những năm 1988 , bà nhà tôi qua Mỹ được hơn một năm thì sinh con bé Cathy . Nó được mấy tháng thì bắt đầu húng hắng ho . Ho riết mặt mũi đỏ gay , thở không nổi rồi khò khè . Bà nhà tôi nhìn nó , mặt tiu nghỉu rồi lắc đầu : - Chắc lại bị suyễn sữa như con Mì xào nhà anh Hai tui . Nghe nói muốn chữa hết hết bệnh này , phải về Việt Nam kiếm cho nó một cắc kè nuốt vào bụng . Khỏi bệnh ngay .

Tôi chưa thấy mặt mày con tắc kè xanh đỏ như thế nào , nhưng tôi chắc chắc nó phải to hơn con thạch sùng , mà con thạch sùng này hay bò lẳng quẳng trên trần nhà . Nó dài và to như ngón tay trỏ tôi mà biểu con bé mấy tháng nuốt . Tôi không dám tin và cũng dám cho cháu thử cái món thuốc quí giời đánh này .

Gia đình bên nội tôi chả thấy ai ho , chỉ có ông cụ nhà tôi hút thuốc lào ngày đêm ho sù sụ . Tôi không biết ông già tôi có đau đớn hay không thì không biết , nhưng nhìn con bé mới mấy tháng thở không đủ hơi , lòng tôi như chùng lại như dây đàn đứt dây .

Một người bạn trong hãng Radio Shack nghe tôi kể lể , tội nghiệp nhắc nhở tôi một ông ông thầy lang trên thành phố Dallas : " Thầy coi hay lắm , bốc thuốc uống vài chục thang , đảm bảo bệnh suyễn giảm ngay . " Thầy lang bắt mạch con bé nhà tôi , rồi thủng thẳng phán : " Bệnh này cũng dễ chữa thôi , cháu nó bị khí giời mà bị bệnh . Ông bà cứ chịu khó mang cháu lên đây thường xuyên , uống mấy thang thuốc gia truyền của thầy . Thầy bảo đảm cháu sẽ khỏi bệnh ngay . Không cần về Việt Nam cho tốn công tốn của . Đây là mấy lọ thuốc trị suyễn , cháu chưa nuốt được hả . Ông bà cứ nghiền ra pha với nước lạnh , cho cháu uống ngày ba lần . Vâng , không có chi . Xin ông bà hai trăm đô . "

Hai trăm đô hồi những năm 90 bây giờ cũng bằng 400 . Lương tháng tôi lãnh về hơn 800 đô một tháng . Tiền mướn một căn apartment một phòng ba trăm bao ga nước rác . Thế mà ông ta chơi phéng gia đình tôi hết hai trăm đô , với vài lọ thuốc Bắc mà lại " Made in China " .

Nếu như con Cathy nhà tôi khỏi bệnh thì tôi không nói , kể lể làm chi . Nó cứ vậy mà ho mà hắng . Sốt ruột tôi mang cháu lên một ông bác sĩ chuyên khoa về dị ứng , đốc tờ Kim So Leh , người Nam Hàn , bây giờ hay gọi là Hàn Quốc . Tên ổng So Le , chớ chân cẳng ổng đi đứng bình thường như mọi người . Đợi ngoài phòng khám chừng một giờ , chả là bệnh nhân của ổng đông lắm . Tôi cứ tin tưởng như vậy , thầy y sĩ mát tay chắc chắn bệnh nhân mới tới khám . Đốc tờ Kim chẩn bệnh xong , phán một câu : - Cháu đang uống sữa loại nào . Enfamil hả ? Ông bà về nên đổi sữa cho cháu . Sữa bò uống không tốt . Mua sữa dê mà cho cháu bú . Mua ở đâu à ! Bán đầy các chợ .

Ngài phán có một câu , chẩn đoán bệnh không tới năm phút . Năm mươi đô . Lúc về tôi ghé qua chợ Minyard gần nhà , mua ba lon sữa dê , nhủng nhỉnh bé như lon sữa đặc Ông Thọ gì đó . Tôi nhớ là một lon sữa Enfamil một đô , còn lon sữa dê vào khoảng hơn hai đô một lon . Mang về nhà pha vào bình tu , đưa cho nó bú . Bú được vài hơi , nó nhè ra , lắc đầu nhứt định không chịu bú tiếp . Tôi lấy làm lạ , tự nhủ chẳng lẽ sữa chua , hư rồi chăng , bèn mở nắp bình , hửi thử . Sữa dê này hôi thiệt , không thơm tho như sữa bò . Dê với bò cùng loại nhai cỏ , mà chả hiểu tại sao mùi vị lại khác nhau như vậy .

Các ngài y sĩ bận bịu khám cho bệnh nhân , nên không có thời giờ giải thích cho bạn . Tôi biết sơ sơ bệnh suyễn này cũng qua lời dặn dò của bà Nguyễn , vợ đốc tờ Lee trên Dallas . Họ ổng giông giống như người Đại Hàn , nhưng ổng gốc Tàu sinh ở Đài Loan . Bà vợ làm nghề điạ ốc , không hiểu sao lại gặp ông bác sĩ này . Bà bỏ nghề bán nhà bán cửa , về phụ giúp chồng trong phòng mạch . Là người Việt chính tông , bà vừa phụ giúp chồng vừa thông dịch cho bệnh nhân đa số là người Việt đa số tiếng Anh tiếng u không rành , vả lại toàn là những danh từ y khoa rắc rối khó hiểu .

Dạo đó con bé nhà tôi lên mấy tuổi còn húng hắng ho . Sau khi thử Skin Test , tức là bôi cả trăm loại thực phẩm thức ăn lên tay hay trên lưng . Chỗ nào mà đỏ ửng lên là anh đó gây ra dị ứng , vợ ngài đốc tờ nói : - Cháu nó bị dị ứng với con gián , đậu phụng , bụi trong nhà , dust mite . Ông bà có nuôi chó nuôi mèo trong không ? Chớ nhá .

Tôi sực nhớ ra là cái nhà tôi mướn là một căn duplex , hai gian . Gia đình tôi bốn người ở một bên , bên kia bà chủ nhà cho người khác thuê . Có thể nói loại nhà Duplex này ngày xưa chính phủ Mỹ xây cho các gia đình quân nhân , nhà ở chia làm làm hai và chung một sân sau . Có những đêm chợt thức giấc , bước sang bồn tắm gián Mỹ lúc nhúc chạy lăng quăng đầy phòng . Thằng con trai lớn nhà tôi gãi đầu , biểu : - Bố à , con thấy con Cathy hay đuổi theo mấy con gián đó bố à . - Sao con lúc đó không nói cho bố biết ? - Má nói mấy con gián có gì mà sợ , nên con thôi .

Bẳng đi mấy năm . Có một dạo trên đài ti vi cứ chiếu đi chiếu lại phim hoạt họa Tintin . Con bé nhà tôi thích con Milou lông trắng của chú Tintin lắm [Mỹ dịch ra là con Snowy] , cứ vòi vĩnh bà nhà tôi mua chó về nuôi . Cái gì chứ thứ đó tôi nhứt định không chịu .

- Con không nghe lời bác sĩ biểu hở con . Ông dặn là con bị dị ứng a lợt di vì lông chó lông mèo đó con . Bây giờ con hết đâu , mà chó với mèo . Thế con có muốn uống sữa dê nữa không ?

Nó lắc đầu , ngoe nguẩy chạy vào phòng với má nó .

Ấy vậy mà đã hơn 18 năm . Gia đình tôi dọn về một khu nhà gần đấy . Nhà riêng biệt , không chung chạ chung vách với ai . Nhà chung tường , cứ nhà bên này xịt thuốc trừ gián , chúng ngửi hơi thuốc đâm sợ , lánh nạn qua nhà bên kia , khi nào hết mùi thuốc lại di tản về . Chẳng những vậy chúng lại lôi thêm các đoàn tù binh gián mới về , đông đảo ra phết .

Xưa thầy giáo cô giáo xem tướng tôi rồi biểu tôi rất vững lập trường . Ai biểu sao thì mặc , tôi cứ vậy . Vào năm 1960 còn học lớp Nhì , bây giờ đổi thành lớp bốn , thầy Ngọc tôi hằng quí mến , một hôm thầy gọi tôi đứng dậy khảo bài cửu chương : " Bốn lần sáu là mấy " . Tôi ung dung trả lời : " Dạ , là hai mươi bốn . " Thầy Ngọc bước xuống bàn tôi đứng , biểu tôi đưa bàn tay và quất vào bàn tay hai hay ba thước kẻ đau điếng . Tôi tức mình mà nói không được , chẳng lẽ tôi nhớ sai hay sao . Thầy quay sang một trò khác , và lập lại cùng câu hỏi đó . Bạn kia xanh mặt , ấp úng : " Hai mươi lăm , dạ không hai mươi sáu . " Cả lớp lúc đó im phăng phắc , một tiếng động cũng nghe rõ mồn một . Bấy giờ thầy cầm thước giao cho tôi và biểu : " Trò hãy khẻ vào tay nó vì tật không chịu học bài . " Tôi lắc đầu , tỏ vẻ không làm . Có gì đâu , mình mà đánh nó , đến giờ ra chơi , nó kiếm cách đục thấy cha mình .

Cậu con trai đầu lòng tôi bây giờ đã lớn , đi làm có tiền , không ở với bố mẹ nữa . Năm ngoái nó xách về hai cái bồn kiếng về nuôi cá kiểng . Ba đứa em gái nó thích lắm , tôi mặc kệ không nói gì , miễn là đừng bắt tôi lau chùi bồn cá . Nếu mà có nuôi cá trong hồ , tôi chỉ muốn nuôi mấy loại cá rô cá shad . Khi nào cần đi câu cá sọc dưa , striper bass là có sẵn , đỡ mất công đi chài mồi ngoài hồ nuôi vịt . Nhưng mà cậu con trai cứng đầu như tôi , nhứt định không chịu cho tôi nuôi cá rô .

Một hôm nó mang về nhà tôi một con phóc nho nhỏ , lông màu đen tuyền , phía trên đôi mắt long lanh có hai mảng lông vàng nhỏ , tựa như có thêm hai mắt y như chàng Vương Tiễn trong truyện Tàu , mà hình như ông này chỉ có ba mắt thôi . Tôi hỏi nó giống gì vậy ?

- Chi quá quà bố .

Bà nhà tôi mỉm cười , nói : - Giống này bên Việt Nam gọi là chó phóc , hay sủa lắm . Bữa nào con mang nó đi chặt đuôi trông đẹp hơn .

Ngồi kế bên cậu con trai tôi , cô Doanh Doanh bạn gái nó phản đối : - Không được bác ui , nó đau tội nghiệp nó lắm .

Tôi không có ý kiến gì với mấy chó Chiquaqua chi hóa hòa này , giống chó người ta biểu là lai giữa loài chó không lông của Tàu với giống Toltec , và Axtec Techichi bên Trung Mỹ khi loại chó Tàu vượt qua eo biển Bering Trait vào Mỹ châu . Mỗi lần tôi cỡi xe đạp đi chợ Việt Nam hay ghé qua tiệm cho mướn phim Hồng Kông , vừa đi ngang nhà một người Mỹ nào đó , bỗng có con chó phóc nho nhỏ nhảy xồ ra sủa cắn ăng ẳng . Bực mình lắm , lúc trở về tôi tìm được một khúc cây nhỏ , con chó nhỏ đó phóng ra định hù tôi . Thấy tôi huơ huơ cây gậy , hoảng hồn cong đuôi chạy mất .

Bà nhà tôi ân cần hỏi thăm : - Nó tên gì vậy con ? Lulu , Tô Tô hay Kiki ?

Con Linda nhà tôi toe miệng cười : - Nó tên là Xi pé sồ [ Special] .

Bà nhà tôi lấy tay vẫy nó : - Lại đây Bé sồ , Bé sồ .

Con chó mới được mấy tháng , bé như con mèo con nhút nhát không dám tới gần bà nhà tôi , chỉ đưa mắt nhìn quanh . Con bé Linda nhà tôi nài nỉ : - Anh Hai à ! Cho nó ở đây một tuần , nó dễ thương quá .

Cả nhà tôi quây quần bên con chó phóc đen nhỏ . Đứa thì lấy tay sờ đầu , đứa gãi lưng cho nó . Con chó nằm phơi bụng , tỏ vẻ sung sướng lắm . Trước khi ra về cậu con tôi cùng bạn gái nó trao cho nhà tôi một gói thực phẩm cho chó : - Má chỉ cho nó loại này thôi , tuy nó hơi cứng như cereal nhưng mà dễ ăn . Nhứt là má đừng cho nó nhai xương , nó bị hóc đó má . Má phải lấy thịt mới cho nó ăn .

Dặn dò kỹ như vậy mà cậu con trai tôi chưa yên tâm , nó trao cho bà nhà tôi một tấm nệm trông giông giống như một cái gối . - Má phải cho nó ngủ trên cái này . Đừng cho nó nằm đất , không tốt nha má .

Qua mấy ngày sau , nó quanh quẩn bên góc bàn ăn nhà tôi chờ ăn . Bà nhà tôi cứ bẻ nhỏ miếng thịt gà hay mấy miếng thịt kho Tàu , xong cười với tôi : - Bây giờ nó ăn quen mấy thứ này , Cho nó ăn loai thực phẩm Dog Food , nó chỉ ngửi ngửi rồi ngoe nguẩy đuôi bỏ đi .

Ban đêm cho nó ra ngủ ngoài patio có vây cửa sổ xung quanh . Sáng sớm dậy trong nhà bật đèn là nó quào cửa đòi đi vô . Mở cửa một cái là nó chạy phóc lên bộ ghế sa lông ngồi chễm chệ trên lòng con gái út tôi . Mắt nó chăm chú nhìn lên màn hình ti vi . Tôi chẳng biết nó có hiểu gì không , nhưng thỉnh thoảng nó cứ gật đầu , mắt chơm chớp liếc nhìn tôi .

Đầu mùa xuân năm nay tôi xin được mấy nhánh lá mơ về trồng . Bạn đừng nghĩ gì xa xôi quá . Tôi chỉ muốn thêm vài loại rau mới trong thực đơn đai ết của tôi mà thôi . Nhưng không hiểu tại sao nhà có trồng lá mơ hay còn gọi là lá thối địt thối địch gì đó , tự nhiên trong nhà lại có chó . Bên Mỹ này không như bên Hàn Quốc , Tàu hay Việt Nam bà con còn lai rai cầy tơ , họ mà bắt được thì phiền lắm . Chỉ cần đá nó hay đấm thú vật một vài cái , bạn có thể bị lôi ra toà vì tội hành hạ súc vật . Mới đây tôi mở ti vi xem tin tức , một luật mới của tiểu bang Texas ban hành : " Không được xích chó mèo ở vườn sau quá ba giờ đồng hồ. " Kẻ nào vi phạm , bắt được sẽ bị trừng trị . Phạt cách nào thì chưa rõ , nhưng bị mấy ông cảnh sát tới làm phiền thì chán lắm .

Sáng hôm sau ra vườn , con cho phóc Bé Sồ lóc chóc vẫy đuôi theo sau . Gặp bà hàng xóm hế lô chào nó , nó há mõm sủa vang lên . Ông Mỹ đàng sau vẫy tay chào , nó cũng ăng ẳng ngậu lên . - Mày có im không Bé Sồ .

Bên cạnh nhà có nuôi một con chó lông vàng hung , giống chó vện nhà ta , nhưng to lớn cỡ chừng ít nhứt sáu chục cân Anh , mặt mũi dữ tợn . Nó thấy tôi là gầm gừ xông tới đòi cắn . May mà nhà tôi với bên đó cách nhau cái giậu kẽm sắt . Nó gừ gừ vậy thôi . Lúc nó còn bé tôi thương tình hay quăng cho nó vài cục xương , nhưng từ dạo ấy tôi ghét lắm . Một cục xương cũng không cho . Mỗi lần ra vườn tưới rau cho vợ , tôi cầm vòi xịt nước , con chó hình như có linh tính biến mất tận đâu đâu . Tôi giả tiếng nó sủa gâu gâu , dụ nó ra để xịt nước . Nó khôn lắm chẳng bao giờ ló mặt ra .

Con Bé Sồ giương mắt nhìn con chó vện lông vàng , ngần ngừ một tí rồi cất tiếng sủa ăng ẳng . Sủa can đảm không lùi bước . Nếu so sánh lực lượng hai bên thật không cân xứng , một con hai mươi mấy ký , một con chưa đầy một ký . Đêm nằm còn nhớ mẹ nó cứ rên ư ử . Con chó vện bỗng dưng gặp bạn mới sủa inh ỏi , đứng nghệch mặt lên , im lặng chờ xem sao . Bên kia chủ nhà hàng xóm nghe tiếng chó sủa vang , bèn bước ra xem . Con vện vàng thấy chủ bước tới , lấy le sủa lại vài tiếng . Con Béc Sô giựt mình thụt lui , bám vào chân bà nhà tôi , quay lại gâu gâu tiếp , tỏ vẻ không hề khuất phục .

Giống chó Chihuahua trung bình vào khoảng sáu cân Anh , khoảng hai kí lô bảy . Cao chừng mười đến hai mươi phân . Nó thuộc loại giống nhỏ con nhất thế giới . Bên Mỹ người ta [hội AFC , American Kennel Club] chia ra làm hai loại : loại lông mượt và loại lông dài . Màu sắc từ đen tuyền , trắng , đỏ hung , nâu , kem và xanh đậm . Chó Chihuahua được khen ngợi bởi lòng dũng cảm , trung thành và dữ tợn . Vì nó bé bỏng nên trẻ nít thích bồng ẵm nó , cưng chiều hay ôm vào lòng . Giống chó này đặc biệt không hề run sợ trươc đối thủ nặng kí hơn nên thường bị thương tích khi lâm trận với nhau [cẩu quyền ], nôm na gọi là cắn lộn .

Cuối tuần cậu con trai tôi xách hai con chó Chihuahua khác , một con lông vàng nâu một con lông nâu sậm , mặt mũi hiền lành như con nai tơ . Mắt tròn xoe , mõm lại dài . Gặp tôi vào nhà cứ sủa vang lên .

Con Linda nhà tôi cười thích chí : - Con chó Cô cô này hay lắm bố , gặp con gái không bao giờ sủa , trừ con trai thôi . Hừ ! Chó tới nhà tôi không chào hỏi , không vẫy đuôi mà còn gầm gừ . Mày liệu hồn đấy , vườn nhà tao có trồng sẵn lá mơ đấy con .

Tuần sau cậu con trai tôi xách cả ba con chó phóc về nhà nó , viện lẽ cô bồ nó nhớ con chó đen Bé Sồ . Tưởng làm sao , nó mang trả lại con này cho nhà tôi . Tôi nghe bà nhà tôi kể chuyện là lúc xách con chó đen này về , gặp hai con kia , gầm gừ sủa vang xông lại đòi cắn hai con kia . Tức mình cô bồ nó phát cho nó một trận , mắng vốn là bên đây chiều chuộng nó quá đâm hư thân mất nết . Thật là oan , có lẽ vì con Bé Sồ sủa con chó vện hàng xóm suông miệng , nên gặp nhau ăng ẳng vài tiếng làm quen chăng .

Vào một buổi sáng vợ chồng tôi ra vườn dọn cỏ , làm cho nó ngăn nắp lại . Bên vưòn sau nhà hàng xóm Mỹ , ngoại trừ một vài cái chậu bông vạn thọ mẫu đơn nở vàng rực , sân cỏ cắt bằng như một thảm xanh nhạt màu . Muốn phân biệt nhà nào là Mỹ nhà nào là Việt cứ nhìn ra sân sau thì biết ngay . Bên trái nhà tôi là một gia đình người Việt mới dọn về đây chừng mấy tháng . Khu vườn bên đó cũng như bên tôi , góc kia vài chậu tắc , cam , thanh long chỗ kia vài chậu ớt Mễ ớt Thái . Hàng giậu kẽm lan man ngọn mướp ngọn bầu . Riêng nhà tôi cho bầu leo lên cả nóc nhà kho [shed] , mỗi lẫn muốn ăn bầu luộc phải bắc thang leo hái xuống . Vài cái xẻng cái cuốc dựng cheo leo bên góc dậu . Kia bình tưới thuốc trừ sâu , nọ vương vải vài giỏ ni lông .

Con chó phóc đen theo chân bà nhà tôi , quanh quẩn bên đám cỏ bên cạnh chậu khế . Bà nhà tôi bỗng suýt xoa : - Trời ơi ! Sao chỗ này lại có đám kiến . Bé sồ tránh ra . Úi trời ơi ! Sao mặt mày lại sưng lên thế . Vô đây tao tắm rửa cho mày rồi xức thuốc nhé .

Đang rửa chén trong nhà , tôi chợt thấy con Bé Sồ vùng chạy lung tung , nhảy lên bộ sa lông , vụt qua gầm bàn ăn . Xong mệt quá nó nằm lên cái gối dành cho nó .

Chiều đến mấy đứa con tôi đi học về . Con Linda bật cười , nói : - Má à ! Mặt con Bé Sồ tức cười quá , nhìn giống như anh hề . - Nó bị kiến cắn đó con . Để má bôi thuốc cho nó . Nó đang đi chảy , đừng cho nó ăn bậy bạ gì nghe .

Tôi xen vào : - Lấy thuốc cầm tiêu chảy , Pepto Bismol . Cho nó uống nửa thìa cà phê thôi .

Nghe tin con chó đen bị bệnh không ăn uống , cậu con trai và cô bồ vội vã chạy xe xuống . - Tội nghiệp con Béc sồ của tui quá .

Ôm con chó vào lòng nựng nịu , cô Doanh Doanh quay sang cậu con trai tôi no'i : - You ngày mai đưa nó đi khám bác sĩ . Coi kìa ! Thấy con cưng của mommy nước mắt đầm đìa chưa .

Tôi từng nghe ông bà kể lại trâu bò trước khi đưa vào lò sát sinh , có con vùng vằng , có con ứa nước mắt khóc . Biết mình sắp sửa đi đầu thai kiếp khác . Hoắc giả trên đài Animal Planet , loài cá sấu con cũng hay khóc . Bây giờ nghe lũ nhỏ nhà tôi biểu con Bé Sồ khóc , nước mắt quanh vòng mắt tôi nghĩ con người và súc vật đều có những linh tính như nhau .

Mấy ngày sau vợ chồng tôi đang coi phim bộ Những cuộc tình trên mảnh vườn xanh do Hồng Kông sản xuất , con bé út Linda chạy vào mếu máo : - Má à ! Anh hai biểu con Bé sồ chết rồi , con buồn quá má .

Tôi lẳng lặng không nói lời nào , lòng hơi buồn một tí . Cứ thấy nó nằm chèo queo , không lăng xăng như lúc trước , không ăn không uống . Bà nhà tôi gọi phôn cho cậu con trai : - Mày có cho nó uống thuốc không ? - Có má . Con đưa nó đi khám bác sĩ thú y .Hết sáu mươi lăm đô . Mũi thuốc chích ba mươi mấy đô , mà cũng đi đời . Bây giờ con định đi chôn nó nhưng con ở a pạc măng không tiện . Con bạn con nó biểu mang đi thiêu . - Bao nhiêu vậy con ? - Chừng sáu chục .

Tôi nghĩ với bao ấy tiền có thể giúp nhiều người dân nghèo khổ ở quê nhà . Chỉ cần hai mươi lăm xu Mỹ có thể nuôi một người [Lời các vị trong các hội bác ái nói ] .

Bà nhà tôi chép miệng , thở dài : - Má có một bà bạn trong hãng may . Bả nói không cần đưa đi khám bác sĩ . Cho nó uống root beer [nước xá xị ] vài lần là nó hết bệnh . Xưa nhà bả nuôi chó bán nên biết khá rành về cách nuôi . - Vậy hả má ! Chắc nó phải cho hai con Cô cồ , La Tề uống root beer mới được . Hôm qua đến giờ tụi nó cũng đi chảy như con Bé sồ . Con Linda đâu rồi má ? - Nó chạy vào phòng khóc i ỉ một hồi rồi ra ngoài xơi một tô spaghetti ngoài bàn kìa .

Tung Son 12.9.07

TungSon1

27-09-2007, 04:33 PM

Con chó phóc nhà tôi

Một hôm chị Ba Bến Tre mời vợ chồng tôi qua bên nhà chỉ ăn giỗ chồng chỉ chết được ba năm . Trong bàn tiệc ngồi giữa bàn là chị Hai Súng , người tầm vóc vừa phải , ăn nói nhẹ nhàng . Khi nghe bà nhà tôi kể chuyện mấy con chó , chị Ba Súng rươm rướm nước mắt , tâm tình : - Các anh chị biết không , lúc em mới qua đây chân ướt chân ráo . Lúc em còn ở nhà mướn , nuôi một con chó lông xù , lông trắng dài mượt như thế này . Đây này em có giữ tấm hình của nó đây .

Chúng tôi liếc mắt nhìn vào , con chó loại Terrier xinh xắn chừng sáu tháng , trên đầu có kẹp miếng nơ đỏ . Mắt tròn xoe , mũi hinh hỉnh trông rất dễ thương . Thỉnh thoảng trên các đài ti vi hay chiếu những chương trình thi đua Chó đẹp [Dog Show] , đủ loại chó , có loại Sheperd như Bẹc giê Đức , Terrier lông xù , Peking , Hound giống chó săn chân dài thườn thượt ....

- Nó sao vậy hả chị Hai Súng ? Tui cũng thường gặp chị đi đâu cũng bồng bế trên tay mà .

- Thì các anh chị cũng biết , em bán hàng ở tiệm Việt Nam từ sáng đến tối . Ảnh đi làm xa không có giờ săn sóc nó . Con cái lại không có . Chỗ em làm có thằng Tư Hột Vịt nó cứ nài nỉ em bằng được : "Thôi chị Hai Súng ơi , đưa con chó xù cho em nuôi dùm . Chứ chị để con chó lạc lỏng bơ vơ ở nhà tội nghiệp lắm chị Hai Súng ơi . Nhà em có đầy đủ hết , nè ! Chuồng cao , nệm ấm , thực phẩm Dog Food loại tốt nhứt em mới mua ở chợ tuần rồi , em còn giữ rì xít [receipt = biên lai] . " . Nó năn nỉ quá sức làm em mũi lòng . Em mới nói nó là : " Mày săn sóc nó đàng hoàng nghe mậy , lạng quạng tao thiến mày đó . " Nó cười hì hì rồi ôm con chó về nhà nó . Hôm Tết vừa rồi em nhớ con chó xù lông trắng quá bèn lái xe tới nhà nó chơi . Hỏi thăm con chó đâu , nó nhe răng chỉ lên bàn ăn : " Tí nữa mời cả anh chị vào xơi tiệc . " Em biểu nó thôi được rồi , tiệc tùng lúc nào mà chả có . Chó của chị đâu ? Ối trời ơi ! Sao mày lại thui vàng nó nằm chình ình trên bàn vậy . Con Tô Tô của tui .

Cả bàn tiệc ai nấy đều lắc đầu cười thầm .

- Sao thằng ấy ác nhơn thất đức vậy ? Xin chó người ta về nuôi , ai dè làm vậy . Chỉ có báo cảnh sát không ? - Tiếng Anh tiếng u mình đâu có rành . Gọi cho họ nói tầm bậy tầm bạ nó tưởng mình thích nhậu thịt chó mới phiền . - Thế rồi chị còn gặp cái thằng Tư Hột Vịt không ? - Mẹ nó chứ, gặp em nó cứ chui chủi trốn biệt .

Chiều về đến nhà , tôi đang loay hoay rửa mấy cái chén trong bồn và nghe tiếng mở cửa ga ra xe . Con bé thứ ba nhà tôi tay ôm một con chó Chihuahua lông đen tuyền nhỏ nhắn nằm cuộn tròn trên tay .

- Nè ! Bà ơi ! Linda ơi ! Ra mà xem con chó mới . Cả nhà tôi xúm lại , người rờ đầu rờ tai con chó . Nó giương đôi mắt lồi nhìn quanh quẩn . Miệng còn đang ứ hứ.

Con bé Linda cười híp cả mắt lại : - A ! Chắc nó đang nhớ đến má nó . Má à ! NÓ giống con Bé Sồ quá má . Mình gọi tên là gì má . Hay là Bô boa nha . Dạo này không hiểu làm sao vài tiệm giải khát chế ra loại nước sinh tố mới Boboa . Chỉ cho thêm vài cục bột năng made in China , nấu lên màu đen thui óng ánh gọi là Trân Châu cho nó sang trọng . Có vậy mà một ly Boboa họ bán đến ba đô , ba đô rưỡi .

- Ừ ! Mai má đi chợ trời kiếm về cái chuồng thiệt đẹp chó nó . Thy à ! Ai cho con vậy ? - Dạ , tại vì bạn con , con Mì xèo đó má . Nhà nó có chó đẻ bảy tám con , nuôi không nổi nên cho bớt . Con Linda khều tay , nói nhỏ bên tai tôi : - Không có đâu bố , chỉ nói với con là tại chỉ nhớ con chó Bé Sồ , cứ vô lớp học sụt sùi khóc . Con bạn của chỉ thấy vậy tội nghiệp tặng không cho chỉ đó .

Con bé Thy nhà tôi nghe được , càu nhàu : - Linda cũng vậy khác gì Thy đâu . Hôm qua còn giọt ngắn giọt dài mà .

Còn tiếp

Tung Son 18.9.07

TungSon1

27-09-2007, 04:34 PM

Con chó phóc nhà tôi

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_10.jpg

Nghe tin nhà chúng tôi có con chó con mới , cậu con trai tôi và cô bồ nó vội vã tới xem . Doanh Doanh ôm chầm lấy con chó , xoa lên đầu nó nức nở : - Ô ! Con Bé Sồ của mommy !

Linda vội vàng lên tiếng chỉnh : - Con này em đặt tên nó là Bô boa rồi . Phải gọi nó là Bô Boa , đừng gọi Bé Sồ nữa .

Doanh Doanh ngưng tiếng khóc , xoa miệng : - Thôi đổi cho ngộ con Cô Cồ lông dzàng . Linda không chịu hả ? Thêm con Dachshund nữa . - Em không thích hai con đó đâu . Mà tại sao lại đổi ? - Tại chúng hay oánh lộn lắm .

Tôi ngó bà nhà tôi mỉm cười , con dâu tương lai gốc Tiều Châu này mai mốt có về làm dâu còn phải nghe những câu tiếng Việt lạ kỳ tức cười .

Dachshund là loại chó lùn, chân thấp ngủn lưng dài gấp đôi chiều cao , nên thường được gọi đùa là " Two dogs long " . Nặng nhứt chừng 7 đến 12 ký lô . Tai quặp và rủ xuống hai bên . Loại này rất trung thành , thường được nuôi làm giống chó kiểng , hay thú yêu trong nhà . Ngày xưa có một câu chuyện vui về giống chó Dachshund này :

" Thuở thế giới còn đang thời kỳ Chiến Tranh Lạnh giữa Mỹ và Liên xô . Hai anh này thấy tốn tiền tốn bạc vào cuộc vũ trang lực lượng bèn ngồi với nhau bàn ra một phương cách giải quyết mới : Đấu chó . Trong năm năm mỗi bên tuyển lựa gầy giống làm sao để đưa ra một tuyển cẩu to con khỏe mạnh . Bên nào thắng sẽ đè đầu bên kia , winner takes all .

Người Liên xô tìm đưọc một giống chó lai giữa hai giống Dobermans và Rottweilers . Sau cùng qua nhiều lần lai giống với giống sói sáu nanh của xứ Mông cổ lạnh giá , họ chỉ giữ lại con nào to nhứt khỏe nhứt , cho uống sữa voi pha với steroid cực mạnh . Và để giữ cho con chó này khỏi nhảy bổ ra cắn tầm bậy , người ta phải dùng đến hai lực sĩ đô vật điền kinh thế giới mới kềm hãm nó lại được .

Đến ngày khai đấu trận cẩu quyền , người Mỹ dắt ra một con chó Dachshund lạ lùng nhốt trong cái lồng sắt dài . Nó thủng thẳng bò từ từ ra với thân dài loẳng quẳng ba thước .

Cả thế giới quan sát hai đối thủ tranh tài giữa hai cường quốc này , đều không khỏi thương hại cho con chó Mỹ này , to con lưng dài nhưng chậm chạp như rùa bò trái ngược với con chó Liên xô tai vễnh răng nhọn hoắc hung hăng sủa ầm ĩ . Khi cửa chuồng được mở , con chó sói Liên xô nhảy chồm tới vồ định cắn cổ con chó lưng dài , thì bỗng dưng con chó Mỹ há miệng táp nguyên chó sói Liên xô vào họng . Ăn chi mà không chừa đến một miếng nào vương vải sót lại .

Anh Liên xô mắt tròn xoe , thắc mắc gào : - Thiệt không hiểu nổi . Chúng tôi đã mất bao năm lặn lọi mới tìm được giống cho sói tốt nhất , hung dữ nhứt đến loài cọp beo còn phải sợ . Mà sao lại đến thế này , chưa đầy một hiệp bị xơi tái nguyên con ?

Anh Mỹ cười toe toét : - Có chi đâu , chúng tôi cũng mất bấy năm tìm được những bác sĩ giải phẩu danh tiếng thế giới về để hoá trang con cá sấu sông Nile thành con chó lưng dài Dachshund này .

Bà nhà tôi bỗng lên tiếng : - Nghe cháu mua cho má cháu một con lông xù đến hơn ba trăm đô phải không ? Dzà ! Uổng tiền quá . Bác có bà bạn trong hãng may nói ở đường Lancaster có chỗ cho free chó . Họ chích ngừa đàng hoàng , thiến đâu đó rồi mới cho người xin . Đâu nghe nói chừng 85 đô , còn có giấy khai sinh nữa .

Doanh Doanh đưa mắt sang cậu con trai tôi , hai đứa vội đứng dậy và ra xe . Chừng đâu hai tiếng , hai cô cậu trở về tay không . - Con mới tới đó thấy một con chó xù lông trắng nhỏ xinh lắm . Nhưng người khác tới trước xin rồi .

Qua mấy ngày sau con Linda xòe đưa tôi một miếng giấy , trên biên mấy chữ : "Give a kiss to her " [Gởi nụ hôn đến nó .] và nói : - Đây là của cô giáo dậy lớp 4 gởi cho con Bô Boa . - Sao cô giáo của cô biết , chắc con lại khoe ầm ĩ lên phải không ? Thế con có định xách con chó cho cổ xem không ? - Không được bố , nhà trường cấm mang chó đến . Con nghe nói nếu dắt chó ngang qua trường phải cầm tấm biển : "Beware of dog " [Coi chừng chó dữ ] .

Tôi liếc nhìn xuống con chó phóc đang vẫy đuôi đang chăm chú nhìn ti vi : - Con này mà dữ gì , hù nó , nó chạy ngay .

Linda cứ lắc đầu , nói : - Con nghe mấy đứa bạn nói lại hồi nào trong lớp có party . Mỗi đứa mang một món quà vào lớp học . Thằng John bố nó bán kẹo đầu đường cầm đưa cho cô giáo và cô giáo lắc lắc cái hộp đoán : "Phải kẹo sô cô lát không ? " Dạ , đúng . Sao cô biết hay quá vậy ? Con nhỏ Lisa má nó bán hoa ngoài chợ đưa một gói lên . Cô giáo xoay xoay cái hộp : "Trong này là những cành hoa hồng phải hông ? Còn em kia , Don bố bán rượu bia đầu phố . Để cô xem , hình như trong hộp này chảy ra ít nước . Cô nếm thử một tí , rượu sâm banh ? Thằng bé Don đó ngây người : "Ồ ! Thưa cô không . " Cô giáo tiếp tục nói : " Hay là rượu nho ? " Cuối cùng cô giáo buông xuôi : "Cô chịu thua rồi , trong này là cái gì vậy con ? " Là con chó con . "

Tôi cười lớn , nói : - Vậy thôi tốt nhứt con để nó ở nhà .

Đã hơn chín giờ tối , bà nhà tôi đi ra ngoài phòng khách thúc giục con Linda đi ngủ sớm để mai còn đi học . Bả quay trở vào , khều tôi : - Ông ra mà xem , nuôi chó để chó trông nhà , chứ bây giờ nhà mình con Linda còn đang ôm chó ru nó ngủ .

Ầu ơ ! Đêm khuya nhà trống canh ba Mẹ mày đi vắng còn tao với mày Vện ơi vện ngủ cho say Nửa đêm gà gáy có mày với tao

Tung Son 21.9.07

TungSon1

02-10-2007, 07:29 PM

Nạp đơn xin việc làm

- Ông ngồi đây làm . Công việc là ông sắp xếp lại đống phôn di động và kiểm tra lại xem cái nào bị defected [khiếm khuyết] thì loại bỏ đi .

Một bà xếp Mễ bỏ đi sau khi chỉ dẫn tôi làm như thế nào . Tưởng gì khó khăn , chứ ngồi mà lựa ra từng cái như con Linda nhà tôi hay bày biện đầy nhà . Từng đống phôn đầy màu sắc của hãng Nokia , Motorola , Samsung , Erricson ngổn ngang khắp mặt bàn . Tôi lựa ra từng cái , anh nào trông còn mơi mới , mở nắp ra xem xét bỏ riêng qua một bên . Anh nào hơi bị trầy , tiện tay tôi vất ngay vào thùng recycle kế bên .

Đâu chừng hơn một giờ , đống cell phôn cao nghều nghệu mấy ngàn cái tôi lựa ra gần hết . Một ông đầu đen mỉm cười biểu tôi : - Ông làm nhanh tay quá nhỉ ! Ở đây tiêu chuẩn một người mỗi giờ sửa cell phôn là năm cái . Ông làm nhanh quá , một giờ được mấy ngàn cái . Chúng tôi chắc thất nghiệp hết .

Tôi cười không nói , công việc dễ dàng như ăn cơm . Cái nào sửa không được , vất ngay vào sọt rác . Tôi đưa mắt nhìn quanh kiếm bà nhà tôi . Mục đích vào hãng phôn này là để có thể giúp đỡ gì cho bà nhà tôi mới vào làm hôm nay . Tiếng Anh tiếng u lớ ngớ , không biết bả vô đây làm có bị bỡ ngỡ gì chăng . Ngó đồng hồ gần sáu giờ chiều , tôi bước ra ngoài để bấm thẻ đi về và chợt nghe tiếng gọi ơi ới của bà nhà tôi .

- Ông ơi ! Ông ra đây giúp tôi với . Ngày mai chắc tui đi kiếm hãng nào làm quá .

Tôi thầm nghĩ trong bụng , hai tuần nay cứ thỉnh thoảng xin phép ông xếp Mỹ nghỉ vài giờ để đưa bà nhà tôi điền đơn xin việc . Hãng này là hãng thứ ba vào làm . Mới được có một ngày lại có chuyện gì đây .

- Sao vậy bà ? Công việc không vừa ý ? Mỹ nói sai bà làm việc quá sức , hay nó nói bà không hiểu ? - Ông này thiệt là ... Tui vô làm không ngại công việc khó khăn , cái nào không hiểu mình quơ tay riết thì Mỹ cũng hiểu thôi . Có điều là thằng cha đằng kia mặc áo ca rô cao bồi đang hút thuốc phì phèo cứ làm khó dễ tui . Hắn biểu tui làm thế này không đúng làm thế kia không phải . Tui làm việc này ở hãng Perlos , Nokia mấy năm sao lại không biết . Ngày mai tui nghỉ ở nhà không làm nữa . - Thôi đi bà , bây giờ tui lên mách văn phòng ếch a [HR = Human Resource : Phòng Nhân Sự] thì cả bà và hắn đều bị đuổi . Bà lại qua hãng khác làm , nó cũng nạp đơn đi theo thì cũng vậy thôi .

Tôi đứng phân vân giữa đám đông người Việt đồng hương . Ngày xưa còn trẻ tôi không ngại đứng cãi cọ tay đôi tay ba , cùng lắm là đục nhau vài đấm . Mình không bênh vực cho vợ mình , về nhà thì chết với bả . Nghĩ vậy tôi bước tới . Hình như cả đám đông biết chuyện xảy ra nên rẽ sang hai bên . Tôi gọi lớn tiếng : - Ông bạn à ! Cho tôi hỏi vài điều .

Một ông đầu đen quay lại , mặt già dặn tóc tai rụng gần hết có lẽ hơn tôi chừng vài tuổi , nói tiếng Anh bằng giọng Mỹ đen : - What ' s up old man !

Và cứ thế hắn sổ một tràng tiếng Mỹ liên thanh không ngừng . Tôi chợt nhớ ra hình như mặt ông này quen quen . Không chừng là cái ông già móm mém nói tiếng Anh lưu loát , không ngừng nghỉ trên một mạng lưới " Youtube " gì đó mà tôi chợt coi trên nét . Cứ như vậy ông ta nói hết câu này tới câu khác , tôi không có dịp phân trần hay hỏi han câu chuyện giữa hắn và vợ tôi .

Trời đã tối dần , tôi ngó đồng hồ . Trời ơi ! Ông già dịch này nói chi mà hơn hai tiếng đồng hồ . Bỗng tôi nghe tiếng ai gọi giựt bên tai : - Ông ! Dậy đi làm .

À ! Thì ra chỉ là giấc mơ . May quá , tôi lại không có khả năng nói tiếng Mỹ trôi chảy như ông già Sài Gòn trên mạng You Tube . Đứng mà nghe ổng nói chừng hai ba giờ chắc tôi lăn đùng ra quá .

Còn tiếp ....

Mời bấm vào đây coi Ông Già Nói Tiếng Anh

//www.youtube.com/watch?v=6lMGW1Rvk3A

TS 2 tháng 10/2007

TungSon1

03-10-2007, 08:38 PM

Vào hôm gần Tết Trung Thu bà nhà tôi đi làm về với bộ mặt không vui , với giọng ấm ức : - Ông biết bà Bang Tàu không?

Tôi đang chúi mũi vào bàn cờ tướng trên mạng lưới Clubxiangqi , đầu óc tập trung không nghe rõ câu hỏi : - Không !

Bà nhà tôi giận dỗi : - Ông tối ngày không làm gì hết , chỉ mê man ba cái con cờ. Ông mà không biết bà Bang ư ! - Phải bả vợ ông Lưu Báng nhà gần đường rầy xe lửa không. Ờ ! Nhớ ra rồi ! Cái bà mà bà kể chuyện đi Na Uy tham dự tiệc cưới con gái bả chứ gì. Tốn gần năm ngàn đô chỉ qua ăn một tiệc cưới và ở lại chơi có một tuần. Lúc trước bà có nói rồi mà. Cách đây hơn một năm bà Bang Tàu muốn qua bên Na Uy ăn đám cưới con Muối lớn lấy chồng bên đó , bả không có quốc tịch Mỹ thì bà khuyên bả xin visa trước , khi nào có hãy mua vé máy bay. Bà Bang Tàu gạt đi : " Không phải lo , đã có dịch vụ do công ty Biểu Thắng biểu ngừng gì đó lo hết. Chừng đâu đến ngày đi chừng một tháng , công ty Biểu Thắng gọi xuống bả phải lên thành phố Dallas xin visa nhập cảnh. - Thì đấy , ông biết mà. Chuyện xin visa từ mấy nước châu Âu phiền phức lắm , nào là họ đòi giấy mời của thân nhân bên đó , giấy chứng nhận mình đang đi làm bên Mỹ , phải có giấy chứng có tiền ở nhà băng. Làm như mình muốn ở mấy cái nước bên đó lắm sao. Đòi hỏi đủ thứ. Rồi đến ngày đi bà Bang Tàu không có visa đi , đành mất toi cái vé máy bay hết hơn ngàn rưỡi đô. Vài ngày sau mới có mua thêm lần vé , thêm lần tiền nữa.

Tôi sực nhớ lại : - Nhưng hồi nãy bà muốn nói gì đến bả? - Thì bả được thằng Mỹ Gio gì gio giếc con rể cha chủ hãng may tăng lương lên một đô , . Bả qua bên hãng Cinram làm phôn áp lai [apply , xin việc làm ] họ trả tám đô một giờ. Ông coi ! Tui làm chung với mấy bả ở công ty may nón cáp mấy năm chỉ tăng năm mươi xen [cent Mỹ] rồi đứng luôn bảy đô rưỡi đến giờ. Tôi tức lắm , ngày mai tui nghỉ ở nhà đi qua hãng khác xin việc.

Tôi biết cái hãng may nón Mulholand này , nó nằm ngay trên đường Northside gần khu Mễ ở. Thường một cái nón cap lưỡi trai ngòai chợ bán chừng hai ba đô , nhưng lọai này đặc biệt có thêu hình hoa hòe hoa hiệu các đội bóng chày bóng rỗ Mỹ giá bán theo đơn đặt hàng có khi lên tới mười mấy đô một cái. Nơi đây phần đông công nhân là Mễ , lác đác vài bà người Việt. Hầu hết đều không biết nói tiếng Anh , đành chấp nhận đồng lương gần như là lương lao động tối thiếu tại xứ Mỹ. Mấy lần tôi ngõ ý bả xin hãng khác làm , bà nhà tôi hờn giỗi ra mặt nên đành thôi. Ý vợ là ý trời mà.

- Thế bà muốn xin việc ở đâu. Cinram à ! Hãng này cách đây mấy tháng là hãng Motorola nằm trên khu Alliance phía bắc thành phố Fort Worth dẹp tiệm nên đổi chủ mới. Mai tôi cũng xin nghỉ phép để đưa bà đi điền đơn xin việc.

Công việc tôi làm hiện nay test thử nghiệm mấy cái board điện tử cho giàn phôn. Có cái to hơn bánh pizza , có cái nhỏ nhất cũng bằng cuốn vở đi học , trên đó gắn đầy các mạch điện , các con điện trở bé như con kiến , các con chip BGA úp mặt xuống mặt board chẳng thấy chân [pin] thò ra ngòai. Các đường dây nối với nhau nằm giữa các lớp trong mặt board [multilayer ]. Phương pháp để tìm ra bệnh [troubleshoot] là nhờ kỹ thuật mới có tên là Jtag Technology và một nhu liệu để test Labview.

Hãng phôn Motorola tôi làm được gần 8 năm nằm trên đường North Beach , trong một ngọn đồi cao phóng mắt ra nhìn tòan cảnh khu Fossil Creek , những dãy nhà mới xây xinh xắn ẩn núp dưới các rặng cây xanh. Đây chỉ là một chi nhánh của tập đòan Motorola , nó rải rác khắp thế giới. Trụ sở chính ở thành phố Chicago , và nó mở rộng ra từ thành phố Phoenix , qua Texas , Florida sang tận Penang Mã lai á , Thiên Tân Trung Quốc và còn nhiều nữa. Theo các xếp lớn CEO muốn tiết kiệm nhiều tiền và để tòan cầu hóa hãng phôn Motorola sẽ thu gọn lại. tập trung các mối vào. Do đó chi nhánh tại thành phố Fort Worth sẽ giảm rất nhiều nhân viên , dời tòan bộ phận chế tạo các board mới [NPI , New Product Introduction] sang thành phố Reynosa Mễ tây cơ. Ở đây chỉ giữ lại một số ít kỹ sư thiết kế D.E. [Developement Engineer].

Từ tháng Chín năm nay các công nhân ở đường line , dây chuyền đã bị cho nghỉ việc "Laid off". Các giàn máy nướng , máy gắp các linh kiện đã được tháo gỡ đóng thùng gởi đi. Còn lại chừng đâu mười mấy người trong nhóm chúng tôi ngồi quanh quẩn chờ đến ngày gởi về nhà. Chính thức là ngày 16 tháng 11 năm nay. Mấy bà Mễ vẫn cười đùa , biểu rằng : " Chỗ này bây giờ làm sân chơi bóng bowling cũng được. " Năm 1999 tôi vào đây làm , ở khu này mỗi ca là mấy trăm người. Tất cả có bốn ca A B C D thay phiên máy chạy không ngừng. Giờ đây ngổn ngang từng đống hàng , bàn ghế , bench , máy com piu tơ chờ được chuyển đi.

Còn tiếp....

TungSon1

05-10-2007, 10:05 PM

Sáng thứ Hai hôm sau tôi xin phép nghỉ mấy tiếng . Từ hãng phôn qua bên sở tư nhân kiếm việc làm Ellwood nằm trên đường Ruffsnow chừng lối mười phút lái xe . Dạo này mấy cái sở manpower tìm việc mọc lên như nấm nào là Addeco , Ellwood , Express vân vân ... Hãng lớn thông qua các sở nhỏ này mướn người với giá rẻ hơn , họ không phải trả những sở phí bảo hiểm sức khỏe , ngày lễ nghĩ vacation , chương trình 401K .

Trong văn phòng nhỏ có ba nhân viên , trong đó có một cô người Việt vừa trông thấy dáng hai vợ chồng tôi bèn bước ra chào hỏi : - Hai bác xin việc làm ? Vậy cho cháu coi bằng lái xe hay là cái Ai Đi [ID , thẻ căn cước ] .

Trong bóp tôi chỉ có bằng lái xe và thẻ thư viện . Cô nhân viên , Thao lắc đầu : - Bác không có cái thẻ nào khác chăng , chẳng hạn như là thẻ an sinh xã hội hay thẻ xanh ?

Tối qua bận bịu lu bu luyện mấy phim Gia tộc phong vân tôi quên khuấy mất mấy cái thẻ này . - Không có thẻ này không điền đơn được .

Mục đích tôi đến đây để điền đơn và làm bài giùm cho bà nhà tôi . Mẫu đơn application dài ba bốn trang chỉ thua đơn xin nhập quốc tịch Mỹ . Đôi khi có vài sở khó khăn , mình không biết điền đơn họ đuổi khéo về . Quanh quẩn cũng tên họ chỗ ở , làm ở đâu , làm việc gì , làm bao lâu , lương bắt đầu , tại sao nghỉ việc , có bị tù đày gì không ... Tôi ngồi yên , thỉnh thoảng ngó sang bà nhà tôi đang điền vào mấy dòng trống . - Thế có phải làm toán hay không vậy cô ?

Cô Thao mỉm cười lắc đầu : - Không bác . Nhưng phải thử Drug Test .

Cùng ngồi chung bàn với chúng tôi , một đôi vợ chồng cũng người Việt . Người vợ ngồi ôm đứa bé gái chừng đâu hai tuổi , mặt xinh xắn dễ thương . Ông chồng ngồi thừ ra trước cái đơn tiếng Mỹ loằng ngoằn , ngần ngừ hỏi tôi : - Chú à , cái này điền sao ?

Tôi ngạc nhiên , ông chồng này còn trẻ trông có vẻ thông minh lắm mà . - Anh qua Mỹ bao lâu rồi , ồ mười mấy năm rồi à . Đây dưới cái chữ Last name anh để họ vô , first name cho tên anh vô . Còn cái ô này , anh làm hãng nào điền vô . - Dạ , em làm hãng Perlos làm vỏ phôn .

Bà nhà tôi chợt nghe thoáng chữ Perlos , ngước mặt lên hỏi : - Ủa ! Ông làm ở đó à , tui cũng làm ở đó năm 2000 ca A , còn anh ? - Tôi hả , tui mần ca Bi [B] . Tui làm gì hả ? Đứng máy , machine operator . Còn cái ô này điền sao chú ? - Nó hỏi cậu lương lúc nghỉ việc là bao nhiêu . Mười một đô hả . Ghi vô .

Có nhiều người nhanh nhẹn biết cách xoay sở khi xin việc . Không có kinh nghiệm xin việc làm rất khó , bởi vậy nhưng khi xin việc cứ ghi bừa vô . Dạo năm 1984 tôi lò mò từ thành phố Oklahoma City xuống Fort Worth kiếm việc , sau khi học khoá căn bản về điện tử , vô hãng điện Radio Shack và phải thi bài trắc nghiệm hơn 120 câu . Mới học ở trường ra , tương đối pass cái bài test này không khó lắm . Đến khi vô điền đơn , hỏi có kinh nghiệm làm việc ở đâu chưa . Tôi sực nhớ một người bạn ở chung nhà , dặn dò là phải ghi vào làm ở đâu cũng được , không có họ không mướn đâu . Ở Việt Nam ngoài công việc test mấy vỏ ruột cao su xe đạp , xe gắn máy , xe hơi , đo độ tensil strenght đàn hồi dài ngắn , tôi rảnh rổi cùng bạn chung sở cắt vỏ xe hơi làm dép râu mang , chỉ tội là hay đen chân . Rồi khi nghỉ sở ở nhà đem giao giò chả bán cho vợ bỏ mối ngoài chợ . Lúc đó ngành điện tử rất mới mẻ ở Việt Nam , tôi đành ghi đại vào là sửa Ti Vi , Radio vào trong đơn . Ông phỏng vấn xem đơn gật gù cái đầu : " Good man , trả you sáu đô , ô kê ? "

Năm đó lương tôi thiểu là 3,35 đô một giờ . Trả sáu đô cũng đủ sống . Lúc đó bà vợ và thằng con trai mới được ba tuổi còn ở Việt Nam . Xuống thành phố này tôi quen được một ông bán thịt ngoài chợ . Ổng mướn một căn apartment hai phòng ở khu Mỹ đen trên đường Lancaster 300 đô một tháng . Nhà se [share] phòng ở tôi nhớ là bảy người . Thương tình tôi bơ vơ , ông bạn tốt bụng chỉ lấy tôi 100 đô bao hết mọi thứ , tối chỉ có việc chun vào một cái ghế sa lông ngoài phòng khách ngủ mặc kệ tiếng léo nhéo của chiếc ti vi màu Sony . Cậu thanh niên này chắc giống như tôi , nhưng can đảm hơn nhiều . Một chữ tiếng Anh không biết mà dám xin vô đứng chạy máy machine operator . Ngày đó tôi cũng dắt bà nhà tôi điền đơn xin việc ở hãng Perlos . Bả nhát lắm , biểu ghi thêm vài công việc điện tử vớ vẩn , bả nhất quyết không chịu cứ nằng nặc : "Ông ghi vô là tui may áo quần chuyên nghiệp . " Vô xin việc ở hãng điện mà kinh nghiệm hãng may . Bố nó cũng trả tiền cao . Vào phỏng vấn interview với một bà Mỹ gốc Mễ , bà này có vẻ thành kiến với dân đầu đen , dạo đó dân vào khá đông cả một phòng , tôi dặn dò khi nào tôi cúi đầu xuống là bả nói Yes , tôi lắc đầu là nói No . Thế vậy mà bà nhà tôi cũng được nhận . Công việc không khó khăn lắm , chỉ cần có đôi mắt tinh là được . Cầm hai cái vỏ phôn , một cái tốt và một cái hư . So sánh làm sao để tìm ra vết trầy vết nứt . Những người thợ may chắc chắn mắt phải tinh tường , nếu không sao xỏ chỉ qua lổ kim được . Hôm sau hai vợ chồng tôi vào hãng Perlos làm . Hãng này có diện tích mặt bằng rất rộng , kê đầy các máy móc tân tiến , có cả những giàn máy rô bô gắp linh kiện tự động . Công việc của công nhân dây chuyền đường line là nhặt những cái vỏ phôn đủ loại , sắp xếp , xem xét và bỏ vào khung . Việc làm chưa nhìn thì thấy khó , bắt tay vào cũng dễ thôi . Trong đây tôi gặp mấy bà đầu đen , họ ở quanh khu nhà tôi và đã làm được mấy tháng . Tôi nhờ họ giúp đỡ những khi bà nhà tôi làm ở đây và bỏ đi về nhà . Lương dây chuyền là 8 đô một giờ , đứng máy 9 đô .

Một lát sau cô Thao cầm hai cái miếng trông như bông gòn màu trắng , biểu bà nhà tôi và ông nọ ngậm vào miệng vài phút . Con bé dễ thương đang được mẹ bồng trong tay , chồm người tới đòi lấy . - Chắc nó tưởng đó là viên kẹo , sorry nhé !

Cô Thao nhúng từng miếng bông gòn thấm đầy nước miếng vào trên mẫu giấy nhỏ có chua những chữ viết tắt gì đó . Tôi chưa hiểu cách thức thử ra sao . Thông thường được thử với nước tiểu và đưa vào phòng lab để phân tích xem có dùng thuốc Drug hay không như cần sa , bạch phiến v.v... Chừng hai phút sau trên mảnh giấy thuốc một màu tím nhạt hoa cà từ từ hiện và đi lên . Cô Thao mỉm cười nói : - Được rồi ngày mai bà và ông này đi làm . Good luck !

Cô Thao cắt nghĩa cho biết tôi , khi người có dùng thuốc loại nào , ngay vạch chữ đó sẽ hiện nét đậm rõ cho biết người đang xài thuốc gì .

Buổi chiều hôm sau bà nhà tôi đi làm về mặt hớn hở : - Ông ơi ! Vô làm công việc dễ lắm . Hãng Cinram lúc trước có tên là Motorola , trong đó chỗ tui làm có hai chục đường line [dây chuyền] , mỗi line mười mấy người . Phôn nó chạy ra mình cứ cắm vô đầu dây côm biu tờ , thấy hiện ra chữ Pass là được . Có điều thằng cha Mỹ đen coi đường line nói nhiều quá tui nghe không hiểu , à này ông ! Cắm vô tiếng Mỹ là gì ?

Tôi gãi đầu suy nghĩ một lát : - Cắm vô thì có vài chữ , nếu mình cắm vô lỗ điện thì là "plug" , còn "insert" thì đút vô , "install" là lắp ráp " , "put together , connect " cũng là cho nó vô , không hiểu ông Mỹ đen nói chữ nào . - Tôi đâu có nhớ , nhưng mà sao nhiều quá tui làm sao nhớ hết . Trong hãng có mấy bà đầu đen thấy tui bập bẹ vài chữ : " Sao chị nói tiếng Mỹ giỏi quá , em nhờ chị tí nữa giờ nghỉ chị lên văn phòng cùng em làm cái thẻ ra vào cửa . - Rồi bà có giúp dùm cô ta không ? - Cô cái gì , bà ta là má của cái cô Loan bán tiệm ăn Phú Lâm đầu ngõ . Cô Loan nấu món chi ông cũng khen ngon . Cổ mới bảo lãnh hai ông bà được mấy tháng , giờ vô đây làm . Con mẹ ấy lăng xăng lắm , lúc sáng sớm hôm nay bắt đầu chờ ngoài cửa để tụi tem [nhân viên kiếm việc] dán cho mảnh giấy trên ngực để vào cửa , bả lanh chanh chen lên hàng đầu . Đến khi Mỹ hỏi , ú ớ không biết trả lời câu nào . Làm từ sáu giờ sáng , 9 giờ 45 mới nghỉ break [nghỉ giải lao] , một giờ trưa ăn cơm và 5 giờ 45 tan sở . Đứng suốt 12 giờ mỏi chân gần chết , có nhiều con Mễ Mỹ chịu không nổi đi về nhà luôn . Gặp tui ngoài nhà ăn , a " Sao chị không giúp em vậy ? " , đứng từ sáu giờ sáng đến gần mười giờ mới cho nghỉ phải kiếm ngồi mà nghỉ chớ .

Thường các hãng điện tử tôi làm đều có ghế để ngồi làm việc , Radio Shack , Halliburton , nhưng có vài hãng phôn như Nokia công nhân đứng đường dây chuyền phải đứng suốt 10 hay 12 tiếng mỗi ngày . Giờ đây tôi đứng chừng nửa giờ là run lên chịu không nỗi , phải kiếm chỗ mà ngồi . Chỗ tôi làm hiện nay ngồi suốt cả ngày , cứ năm mươì phút đi lòng vòng cho đỡ mỏi chân . Tôi có quen một anh bạn đầu đen , bây giờ là chủ một hãng tư sửa lặt vặt đồ điện tử , laptop , camcorder , máy ảnh digital ... cứ hay lắc đầu : " Mướn mấy cha đầu đen cứ hay đi restroom , mỗi lần ra vô hết 10 phút , ông có biết không mỗi người một ngày tôi mất hết một giờ , nhân viên tôi mấy chục người tôi mất là bao nhiều . " Tôi nghe hơi phật ý , cảm thấy lời thật mất lòng . Đứng trên cương vị một người chủ phải trả tiền cho công nhân , muốn đồng tiền công phải xứng đáng với công việc làm . Tôi thà thất nghiệp cũng không muốn làm cho những ông chủ như vậy .

- Thế bà mỏi chân chân quá thì làm sao ? - Thì có người dựa trên cái bench [bench , bàn làm việc có thể dài chục mét] mà nghỉ , có ông ngồi bẹt xuống đất . Ở đó tui nghe nói có nhiều bà đứng lâu quá , máu dồn xuống đất sưng vếu lên .

Hằng năm tôi đều đi kiểm tra sức khỏe , năm nào cũng vậy nhận báo cáo sức khỏe của bác sĩ : "Lượng mỡ HDL , LDL cô lét tơ rôn của ông cao đấy . " Tôi cố đai ết đai ớt mà người lúc nào cũng hơn 160 pao , đổi ra đơn vị quốc tế ngót nghét 80 kí , loại đô vật hạng nặng . Bà nhà tôi cũng lên cân không ít 110 cân . Một hôm đọc được bí phương của Trường Sinh Quyết trong Đại Đường Song Long Truyện , cứ ăn cơm ăn gạo ít đi . Ông bà mình có câu : " Thuốc ba thang , người ba chén " . Tôi cứ theo cách theo cách đó , coi bộ không khá thôi đành "Thuốc lá ba gói , người chỉ hai chén thôi " . Mà đúng thiệt , đâu chừng hai tuần tôi xuống hẵn 5 kí lô . Bà nhà tôi nửa tin nửa ngờ . Bà cứ tin tui đi , tui làm gương rồi mà . Bà nhà tôi sau khi làm hãng Nokia , Perlos qua hãng may nón , chuyên ngồi bây giờ qua hãng Cinram chuyên đứng , không biết chịu nỗi bao lâu , bèn an ủi :

- Hãng này xem coi , hôm qua thứ Ba bà làm , mai mốt xuống ca rồi ba ngày cuối tuần vào ca . Vậy ngày mai tui đưa bà xin việc hãng khác , tui nghe nói hãng ATC có bà Nga lùn cũng check phôn mà ngồi không hà . Công việc cũng dễ chỉ xem xét phôn thôi . - Ừ cũng được , nhưng tui sợ nó cho vô bấm máy còm biu tơ hiện chữ tùm lum tùm la là tui nghỉ ở nhà .

TS 5.10.2007

Còn tiếp

teleman

26-11-2007, 06:38 PM

Lau qua khong thay bai viet cua bac. Bac Tungson oi !!!!

TungSon1

26-12-2007, 08:18 PM

Chào các bạn

Dạo này ở nhà làm phóng viên nhà báo Đời nên nhiều lúc rất lười biếng viết lách . Chúc các bạn một Mùa Giáng Sinh Vui Tươi và Năm Mới HạnhPhu'c.

Sau đây là vài hình ảnh đêm No en , Vọng Giáng Sinh 24.12.2007 tại giáo xứ nhà :

Thời hòang đế Augustus La mã ra lệnh kiểm tra dân số , mọi cư dân phải trở về nguyên quán để kê khai lý lịch :

Nghe đây nghe đây :

//i210.photobucket.com/albums/bb319/XoaiNguyen123/at_82.jpg

Khi ấy vào tháng thứ sáu , cô Ma ri a người Do thái thuộc dòng dõi vua David được Thiên thần Gabriel truyền tin :

- Kính chào bà. Bà là người Đầy Ơn Phúc. Thiên Chúa ở cùng bà và bà sẽ sinh ra một Đấng Emmanuel , Đấng Cứu Thế.

//i210.photobucket.com/albums/bb319/XoaiNguyen123/at_84.jpg

Bà Ma ri a : Xin vâng.

//i210.photobucket.com/albums/bb319/XoaiNguyen123/at_83.jpg

Khi ấy ông Giu se cũng thuộc dòng dõi vua David dắt người vợ trẻ về quê , trở về cố hương Na da rét . Mùa đông năm đó trời thật lạnh ông bà tìm chỗ nghỉ , vào một khách trọ : - Cọc cọc cọc .

Người chủ quán cùng bà vợ thò đầu ra khung cửa : - Chi vậy ! Giờ này vợ chồng ta đang yên giấc. Ai phá đám vậy?

//i210.photobucket.com/albums/bb319/XoaiNguyen123/at_80.jpg

//i210.photobucket.com/albums/bb319/XoaiNguyen123/at_81.jpg

Ông Giu se nài nỉ : - Thưa ông. Vợ chồng tôi cần chỗ nghỉ đêm nay. Mai sẽ về quê khai hộ khẩu. Tôi có một ít tiền lộ phí , xin ông hãy nhận .

Ông bà chủ quán lắc đầu nói : - Ngươi chỉ có ít đồng xu vậy sao. Chả bỏ công lao. Thôi cút đi .

//i210.photobucket.com/albums/bb319/XoaiNguyen123/at_87.jpg

Ông bà Giu se và Maria lặng lẽ tìm nơi hoang vắng , một hang đá lạnh lẽo để nghỉ chân. Khi ấy các trẻ mục đồng được thiên thần báo tin Con Thiên Chúa sắp Giáng Sinh nơi trần thế :

//i210.photobucket.com/albums/bb319/XoaiNguyen123/at_86.jpg

TungSon1

26-12-2007, 08:27 PM

Khi ấy ba nhà thông thái cò người còn gọi là Ba Vua từ phương Đông tới dâng lễ vật , trầm hương vàng bạc lên Con Thiên Chúa .

//i210.photobucket.com/albums/bb319/XoaiNguyen123/at_77.jpg

Các Thiên thần cùng hòa ca : Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời. Bình an dưới thế cho người lòng ngay.

//i210.photobucket.com/albums/bb319/XoaiNguyen123/at_79.jpg

//i210.photobucket.com/albums/bb319/XoaiNguyen123/at_85.jpg

Cao cung lên khúc nhạc tưng bừng. Hòa trong lời gió ....

//i210.photobucket.com/albums/bb319/XoaiNguyen123/at_88.jpg

Hậu cảnh :

Các Thiên Thần đang ráp cánh bay

//i210.photobucket.com/albums/bb319/XoaiNguyen123/at_89.jpg

Khi đó tôi đang chờ để chụp những màn kịch do các cháu thiếu nhi diễn lại họat cảnh đêm Giáng Sinh , một đôi vợ chồng trẻ ngồi cạnh đó toe toét cười và nói : - Anh có thấy ba vua đằng kia không?

Tôi lẵng lặng mắt vẫn nhìn lên sân khấu : - Không thấy ! Chắc ba Vua đói bụng kiếm pizza xơi rồi . - Vâng em biết. Ba đứa chúng nó là con em đó .

Ba đứa trẻ đóng vai Ba Vua trông thật xinh xắn dễ thương. Lúc nãy tôi gặp ba cháu đang ngồi trên dãy ghế chờ tới phiên. Tôi hỏi thử với ba Vua : - Kính thưa Ba Vua. Ba Vua mang các hộp dâng lễ vật lên cho Chúa Hài Đồng. Thế trong đó có gì không?

Một trong ba Vua toe toét cười : - Dạ không ! Chỉ có cái khăn quàng cháu bỏ vào trong đây thôi.

Tôi thuật lại những lời đối thọai hồi nãy cho cha mẹ Ba Vua nghe và nói thêm : - Ông bà là cha mẹ Ba Vua , chắc hẵn là Thái Thượng Hoàng.

Ông chồng trẻ tươi cười , lấy tay chỉ vào ngực : - Thì tên em là Thái văn Hoàng. Hoàng có "G" không phải như ông anh em Hoàn không "Dê".

26.12.2007

TungSon1

03-01-2008, 03:26 AM

Chào các bạn

Khu giải trí Gaylord

Sau ngày lễ Giáng Sinh . Trong bữa cơm chiều cô con gái thứ hai chợt lên tiếng nói : - Bố à ! Bố có bao giờ đi xem triển lãm đá , như lần trước bố hẹn chúng con đi coi xương da người ta đó .

Đoạn nó quay sang nhìn bà nhà tôi : "Má có đi xem không ? "

Bà nhà tôi cau mặt lại , lắc đầu nói : - Thôi thôi tụi bay ơi ! Coi cái gì má còn đi coi được . Khi không mùa đông tháng giá rủ đi coi xác chết . Không đi đâu . Ở nhà xem phim còn sướng hơn .

Cathy nhìn tôi ngầm hỏi . Tôi sực nhớ ra , hằng năm trên thành phố Grapevine nằm phía bắc cách chỗ tôi ở chừng 35 phút lái xe hay tổ chức triển lãm Băng Đá điêu khắc bởi các nghệ sĩ Trung Hoa . Một vài người bạn trong nét đi xem về nức nở khen ngợi .

- Bà đúng là .... Nghe không hết câu chuyện . Nó nói là đi coi mấy tảng đá . Không phải như lần trước tui rủ bà đi xem buổi xem triển lãm các cơ phận người chết . Ờ , ngày mai thứ Sáu nhà không làm gì hết , gia đình chúng ta sẽ đi thăm coi chơi .

Sáng hôm sau tôi hối hả thúc giục bọn trẻ đang say giấc ngủ . Bà nhà tôi chống chế : - Để tụi nó ngủ . Đi đâu mà sớm thế , đi ăn trộm à !

Tôi sực nhớ ra lúc còn bé nơi quê nhà có nghe một câu chuyện trong gia đình một gia đình nọ . Đêm khuya khoắt cậu con trai chưa chíu đi ngủ , chắc là đợi ba mẹ đi ngủ để viết thư tình . Ông già trông thấy vậy gắt : "Cu à ! Giờ này mày chưa đi ngủ ? Đợi khuya đi ăn trộm à ? Sang tối hôm sau , cậu con trai sợ bố mắng , sửa soạn đi ngủ sớm . Ông bố thây chướng mắt gắt : "Cu ! Mày làm gì đi ngủ sớm vậy ? Chắc để sáng sớm mai thức sớm để đi ăn trộm sao ? "

Tôi từng lên thành phố Grapevine cả chục lần , hoặc đi câu cá bass bên bờ hồ Grapevine hay vào đi vòng vòng trong thương xá Grapevine Mills Mall , nhưng để khỏi đi lạc tôi cẩn thận vào Yahoo lấy bản đồ chỉ dẫn đường đi . Từ thành phố Fort Worth theo xa lộ 121 gặp vòng đai 635 , vào exit đường Bass Pro , đi thẳng gặp đường 26 , quẹo trái hai ngọn đèn xanh đỏ . Nơi đây sẽ gặp bảng hiệu chỉ dẫn : "Gaylord Texan Resort and Convention Center " [Khu giải trí và hội nghị Gaylord] . Theo con đường không bao xa , băng qua một cái cầu ngang con rạch thuộc hồ Grapevine . Trước mắt một khách sạn cao lớn đồ sộ Gaylord với kiến trúc tân kỳ đẹp mắt . Cạnh đó chúng tôi theo đoàn xe và đậu xe vào một khu chứa xe mấy tầng .

Ngoài trời trời se lạnh, sáng sớm coi đài chừng 30 độ F . Đến trưa nhiệt độ tăng dần 50 độ F . Không lạnh lắm , nhưng khi ở nhà tôi dặn dò bà nhà tôi và các cháu mặc áo lạnh thật dày . Bà nhà tôi chống chế : " Sao con gái ông biểu là trên đó có sẵn áo lạnh cho du khách rồi . " Biết tánh bà nhà tôi , tôi khẽ khàng nói : " Biết là có rồi , nhưng áo nhà mình không mặc , đi mặc áo người ta . Bà không sợ chí rận nó lây qua à ! " Vừa vào cửa bỡ ngỡ không biết chỗ nào , tôi vớ ngay mấy ông bà tiếp tân lớ ngớ đứng gần đó hỏi thăm . Họ ra dấu chỉ vào một cái bảng có vẽ mũi tên chua đề : "ICE ---> "

Nơi đây khu giải trí Gaylord bao gôm nhiều môn giải trí từ hồ nước tắm nóng spa , rộng hơn nửa mẫu đất thuộc loại đẳng cấp quốc tế , một sân chơi gôn 18 lỗ Cowboy Golf Club . Ngoài ra vào mùa hè du khách có thể chơi trượt nước bên cạnh hồ Grapevine sóng nước lung linh , thả thuyền lơ lửng câu cá bass bên mảnh trời xanh biếc . Du khách có thể về phòng nghỉ ngơi với mọi tiện nghi như ở nhà , truyền hình HDTV với những phim màu sắc rực rỡ "The Water Horse" . Ngoài ra họ có thể mang máy laptop vào mình , tự dó sạc điện và sử dụng Internet vô tuyến tốc độ nhanh . Khách sạn Gaylord với 1121 phòng ngủ bao gồm 124 phòng hạng sang , Deluxe suite . Vào những ngày lễ lớn hay mùa hè bạn nên đặt phòng giữ chỗ trước .

Con bé út Linda nhà tôi nhanh nhẩu hỏi : - Bố à ! Ở đây cho mướn bao nhiêu một ngày vậy ?

Tôi ngần ngừ nói : - Bố không biết rõ lắm . Nhưng theo bố , giá cho mướn có thể từ 150 đến 200 đô một ngày . - Quào !

Một hạng sang vào đầu năm tôi mới xem lại trong nét là 349 Mỹ kim cho phòng Deluxe King Suite .

Bọn chúng tôi choáng ngộp trong khu lồng kính bao phủ . Cao trên 50 mét , các tấm kính trong vắt dựa vào những giàn thép khổng lồ . Các ngọn cây cọ dừa chen lẫn với hàng thông xanh trắng , những ngọn đèn lấp lánh khiến cho không khí mùa Gíang Sinh tươi hẵn lên .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_99.jpg

TungSon1

04-01-2008, 09:35 PM

Theo dọc hành lang trên những tấm thảm màu sắc nâu vàng ấm , kẻ sọc những ô vuông . Bà nhà tôi gật đầu khen thưởng : - Tay thợ nào rắp nối những miếng thảm này phải là tay thợ khéo .

Nói xong bà nhà tôi liếc xéo qua tôi , chậm rãi nói : - Chẳng ai như ông , thảm ở nhà nó méo xệch nhăn nhúm lại .

Nghề lót thảm nhà không phải tay nào làm cũng được . Căng đầu này méo đằu kia . Thảm nhà tôi phải mướn thợ ở tiệm Home Depot về lót . Vậy mà đâu chừng hơn một năm , có một góc bị nhăn nhúm . Bữa nào gọi lên cho họ bắt đền .

Tôi nhớ một ông bạn Khiên làm việc chung hãng , hắn là kỹ sư về thiết kế . Một hôm vô hãng vui miệng Khiên kể lại : "Bà vợ nhà tui một hôm cằn nhằn tui là sao nhà bên hàng xóm có có ông thợ tỉa hoa làm khéo tay quá , chả bù ông đụng đến đâu bông rụng đến đấy . Tui phản pháo lại : Sao bà không lấy cái ông làm vườn đó đi . Cứ theo tui mãi . Thế là từ đó bả im luôn . Trời sinh mỗi người giỏi mỗi việc . Làm như là mình biết tất cả mọi thứ , viết software nhu liệu nè , biết sửa ống cống ống nước khi nào mà bả làm nghẹt nè , biết tỉa hoa tỉa bông khi bả ra làm vườn , biết nấu cơm giặt giũ khi bả đi shopping nè .... "

Vào gần cuối mùa triễn lãm , đóng cửa vào ngày 5 tháng 1 năm 2008 nên du khách đến thăm không đông đảo lắm . Giá vé vào cửa người lớn 20 Mỹ kim , trẻ em 6 đến 10 tuổi giá vé 10 Mỹ kim . Chúng tôi bốn người lớn và con Linda ngót nghét gần một trăm đô vào cửa . Chúng tôi xếp hàng đợi đến phiên vào cửa . Bên cạnh là một chiếc xe lửa trên có dán vài tấm hình chụp những tượng điêu khắc do các nghệ sĩ Trung Quốc tạc .

Bà nhà tôi ngẫm nghĩ : - Mấy tảng đá này chắc do họ chuyển vận từ bên Tàu qua .

Tôi cười không nói , chỉ lên trên màn truyền hình đặt tuốt trên một góc phòng : - Bà không xem à ! Những người thợ Tàu tới thành phố này . Họ được chào đón , bắt tay bắt chân với mấy ông Mỹ đó . Đó , họ đang đục đẽo các tảng băng bằng các loại dao .

Một vài thanh niên Mỹ toe toét chìa đưa áo choàng màu nâu nhạt cho du khách . Áo này có cổ trùm đầu che kín cả hai tai . Nhiệt độ trong phòng triễn lãm là 9 độ F , dưới nhiệt độ đông đá 32 độ F .

Có khoảng một triệu tấn nước đá được cung cấp để tạo thành các hình tượng và 5000 khối nước đá được điêu khắc trong cung điện mùa đông . Số nghệ nhân nghệ sĩ Trung Hoa là 40 người từ thành phố Harbin [Cáp nhĩ tân] , đa số là phái nam tuổi trạc từ 30 đến 50 , thuộc Ủy ban Phát Triển và Du Lịch Trung Quốc . Thời gian hoàn thành là 34 ngày . Mặt bằng có diện tích 14000 bộ vuông , tương đương 1/3 mẫu đất . Đa số các tượng hình được đẽo gọt là các nhân vật quen thuộc trong mùa lễ Giáng Sinh phương Tây , Chúa Hài Nhi và Mẹ Maria , Thánh Cả Giu Se , các mục đồng , tượng ông Moi sen , Ba Vua , các xe song mã , ông già Nô en , các con hươu tuần lộc , chim penguin xí nga cánh cụt nghiêng người chào đón du khách . Du khách được quyền chụp hình thoải mái .

Để thắp sáng cho phòng triễn lãm có chừng 1400 ngọn đèn LED lập lòe xanh đỏ vàng tím . Các tượng hình trong suốt như pha lê lấp lánh muôn màu . Nơi đây tuy lạnh lẽo nhưng với đoàn đông đúc , những nụ cười trên môi làm căn phòng trở nên ấm cúng . Nó khác rất xa với nhà hầm băng đen tối trong truyện Lục Mạch Thần Kiếm của nhà văn Kim Dung miêu tả cảnh Hư Trúc với công chuá nước Tây Hạ , toàn những băng đá lạnh lẽo vô ngần .

Thiên đàng nơi đây nếu có đẹp chắc cũng vậy thôi . Những ngôi sao lấp lánh trên bầu trời đen tối xuyên qua các ngọn cây băng tuyết trắng tinh bao phủ . Hoà cùng với đất trời với những khúc nhạc đêm Giáng Sinh tuyệt vời , Jingle Bells , Greensleeves vang vọng mãi trong lòng du khách buổi chiều đông .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_97.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_94.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_95.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_96.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_98.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/DSC_0057_6.jpg

TS ngày 4.1.2008

TungSon1

08-02-2008, 04:27 AM

KI'NH CHÚC TẤT CẢ ANH CHỊ EM MỘT MÙA XUÂN MỚI TRÀN ĐẦY HẠNH PHÚC VÀ VUI TƯƠI

Xuân tha hương

Năm nay Xuân về trên đất bắc Texas , đầu tháng hai khí trời mát mẻ . Chúng tôi lái xe tới chợ trời Trader Village , nằm gần thành phố Grand Prairie . Nói là chợ trời nhưng thật ra là một khu đất rất rộng , có những vòm mái nhà che phủ và có những tiệm quán xây cất có cửa bao bọc . Tuy nhiên tôi thường hay đi dạo mua sắm trên các dãy bàn bày bán ngoài trời . Trước khi vào cổng tôi được cô con gái thứ nhì trao cho một mảnh giấy màu vàng nhạt , trên có in hàng chữ Tết Việt Nam . Có tờ giấy này vào cửa không phải trả ba đô lệ phí .

Ngày thứ Bảy trời nắng hanh vàng , xe cộ đã đậu gần đầy nghẹt . Tôi kiếm chỗ đậu xe , lững thững di vào khu chợ trời và không quên liếc nhìn bảng cột 6B nằm vắt vẻo trên cao .

Bà nhà tôi đi bộ một lát , ngắm nhìn người đi qua đi lại , lắc đầu : - Không hiểu làm sao , mấy ông trong ban tổ chức Tết lại chọn chợ trời làm nơi hội chợ Tết Việt Nam . Tui nghĩ chỉ có người Mễ vào coi thôi .

Khắp nơi từ cửa hàng đến người mua sắm hầu hết là dân Mễ , tay xách tay đẩy xe bế bi rủng rỉnh đâu cũng có mặt .

Chợ trời rộng mênh mông , gọi phôn tay cho hai tiểu thư nhà tôi cũng không rõ nằm nơi đâu . Tôi bèn hỏi hai ông đầu đen đang lẫn thẫn đâu đó , hỏi thăm khu chợ Tết nơi đâu . - Đó , nó nằm tuốt dưới góc chợ , gần nhà vệ sinh công cộng .

Trong một mái nhà trống thật rộng , bà con người Việt kẻ ngồi người đứng xem chương trình Tết , một vài ca sĩ địa phương đang ca vài bài nhạc Xuân . Góc nọ bày trò chơi lô tô , ném chai ném banh . Có gian hàng khuyến mại hàng phôn di động , hễ ai đi ngang họ lại phát một phong bì lì xì . Lúc tôi đi qua một gian hàng sách báo , một bà lại dúi vào tay tôi một tạp chí Hướng Đi của giáo hội Tin Lành .

Ở một góc nọ , vài cậu thanh niên , ông lão bu quanh những bàn cờ tướng . Tôi đứng lớ ngớ ngó nhìn . Họ đã giao đấu để tranh nhất nhì ba tư . Bên cạnh hai anh thanh niên đang ngẫm nghĩ nước cờ , và anh thanh niên mặc áo ca rô sọc thở dài bước ra . Tôi đã xem lối chơi của anh ta . Chơi kiểu gì mà cứ đưa mã cho xe người ta xơi tái . Còn lại hai ông đang tranh vào chung kết . Tôi ngó thấy trên bàn còn trống một bàn cờ , bèn hỏi một ông ngồi gần đấy và chúng tôi nhập cuộc . Hỏi ra ông ta sẽ vào chung kết và sẽ đấu với kẻ thắng cuộc của bàn kế bên . Thoạt đầu ông ta đi nước chốt ba tấn một . Sau hơn mươi nước tôi ém chặn hết quân , dùng pháo phá sĩ và thắng bằng song xa . Người thắng bên bàn kia là con trai của ông đang đấu với tôi . Cậu ta không đấu với bố cậu ta . Hai cha con thắng giải cờ tướng nhất nhì , chia nhau hơn trăm đô tiền thưởng . Biết vậy tôi đi sớm một chút , thế nào cũng được thắng giải cờ tướng lãnh ít tiền còm về ăn Tết .

Ngày hôm kia bà nhà tôi đi làm về sớm , mặt rầu rầu than thở : - Tui làm hết ngày hôm nay rồi nghỉ ở nhà , không đi làm nữa . - Sao vậy bà ? Hãng phôn Cinram nó đuổi bà hả ? Như tuần trước bà về nhà là là .... họ đuổi nhân viên cho là mấy người làm chậm quá . - Không , lần này họ không làm như thế . Bị người ta than phiền quá . Bây giờ họ nói là đổi bọn tui qua ca đêm . Mười hai tiếng đồng hồ đứng cả đêm , tui làm sao chịu cho thấu . Tui nghỉ ở nhà ông nuôi .

Con bé Linda nhà tôi nghe được , lo lắng quay sang hỏi nhà tôi : - Bây giờ bố đang thất nghiệp , má lại không đi làm . Lấy gì mà sống hả má .

Bà nhà tôi cười : - Nhà còn mấy bao gạo , con đừng có lo .

Linda quay sang hỏi tôi : - Trong ga ra nhà mình còn nhiều gạo không bố ? - Còn hơn chục bịch . Mỗi tháng nhà ăn hai bịch . Chỉ ăn cơm với muối thôi , cũng sống được vài tháng mà con . - Sao má nói dạo này bố tập ca để làm ca sĩ để nuôi gia đình mà . Mỗi ngày con cứ nghe bố ca mãi bài gì mà " Đón xuân này nhớ xuân xưa " . Bố hát riết hát mãi con cũng gần thuộc .

Tôi nhớ một anh bạn làm chung sở với tôi , kể chuyện là lúc còn bé anh ta ngồi học bài . Bên cạnh nhà là một chị sinh viên đang học thuộc bài thi Vạn Vật : - Nghe cô ta đọc cả mấy chục lần còn chưa thuộc . Trong khi mình nghe cô ta đọc mình đã thuộc rồi . - Vậy cô ấy có đậu vào được trường Y Dược không ? - Không , cô ấy bây giờ đang trông con . - Con ai ? - Thì con tao chứ ai !

Giờ đây không hiểu vì sao tôi hát cả mấy chục lần vẫn chưa thuộc . Nhớ được câu đầu , câu thứ hai lại quên mất . Bài hát ngày xưa tôi lẩm nhẩm ba lần la thuộc làu làu . Chắc phải uống thuốc bạch quả ginkgo bilova gì đó . Hôm đó có người bạn trên nét nhờ tôi hát bản Đón Xuân này nhớ Xuân xưa thuộc điệu nhạc bolero . Nói thật tôi chưa bao giờ hát nhạc Việt với điệu bolero , thường thì tôi chỉ nhớ duy nhất một bản Clementine : " Ôi em yêu kiều , ôi em yêu kiều . Người yêu dấu Cờ lê măng tây . " Bản này ngày xưa đi hướng đạo hay hát lắm . Ngoài ra chẳng thuộc bài nào hết .

Còn tiếp

Nếu các bạn không chê bai xin bấm vào để nghe bản Mùa Xuân Của Mẹ nhân dịp đầu năm mới [TS tập hát cả ngày hôm qua , có chi sơ suất xin thứ lỗi ].

//www.fileden.com/files/2008/2/6/1744291/MuaXuanCuaMe_HoangHac.mp3

TungSon1

11-02-2008, 08:15 PM

Xuân tha hương

Hôm đó trời đang lạnh , tôi đang bận dở tay sửa sang lại cái phòng tắm vệ sinh nên chỉ có rảnh rổi vào lúc thật sáng sớm [khoảng 5 giờ sáng ] . Lúc đó tôi đóng chặt cửa phòng , rồi nhét vài vài quần áo cũ để tiếng nhạc khỏi lọt ra ngoài . Tôi dùng cái laptop với Sound Card , không hiểu sao lúc thu âm tiếng cứ bé tí . Gào thật to rồi mà mức thu âm vẫn chưa tới gạch báo động đỏ trong nhu liệu CoolEdit Pro . Mũi bị nghẹt hát thì cứ ò è ụt ịt . Bài hát phải giao ngay để ngưòi bạn còn mix tới mix lui cho kịp chương trình Tết . Tôi gọi phôn cho anh Thạch trưởng ca đoàn chỉ tôi cách nào lấy hơi cho đầy mà khỏi bị nghe hơi gió : - Thì ông hít hơi cho xuống bụng . - Nhưng mũi tui đang bị nghẹt . Thở bằng miệng thì không kịp lấy đầy hơi . Vậy phải làm sao ?

Thạch cười và nói dửng dưng : - Thì ông đừng hát nữa .

Kẻ viết bài này có thể mất chừng vài giờ để viết bài tùy bút này , nhưng tập hát và thu âm karaoke không phải đơn giản như vậy . Trước nhất phải hát đi hát cả chục lần , cho thật thuần nhuyễn , không bị vấp chữ , hát ngọng nghịu . Chỗ nào cần kéo dài lên xuống . Cho đầu microphone sát quá gần quá cũng không được . Hát trật nhịp phải ca lại . Nói thật hát đi hát lại vài ngày , thu đi thu lại cả vài chục lần , nghe lại giọng ca oanh vàng thỏ thẻ cũng chưa vừa ý . Nghề chơi nào cũng lắm công phu .

Trên sân khấu các thiếu nữ duyên dáng trong Cuộc Thi Tuyển Hoa Hậu Texas trong các tà áo dài xinh xắn . Kế tiếp là khúc múa Xuân Về và một màn vũ mới theo nhạc trẻ linh động do các nữ sinh viên trường đại học UTA , trong số đó có hai cô con gái của tôi . Các cháu với chiếc áo thun trắng , bên ngoài khoác áo ghi lê đen ngắn ngủn . Cách đây mấy ngày hai cô lớn nhà tôi qua bên chợ Dillard mua hai cái áo ghi lê đen cụt cỡn về với giá hai mươi đô và nói với bà nhà tôi xem mẫu may theo để còn đi trả lại . Tiền vải hơn một thước chỉ tốn gần hai đô .

Con bé Linda nhà tôi hí hửng mặc chiếc áo ghi lê vào người , ướm thử , nhõng nhẽo : - Má à , cái áo này má may cho nhỏ lại , chứ con mặc thử sao nó hở hết vầy nè .

Bà nhà tôi cười mỉm : - Cái này má may cho hai chị con , có phải may cho con đâu mà lớn với bé .

Mới ba giờ chiều các hàng quán bày bán trong chợ Tết đã hết nhẵn . Tô bún bò bé xíu đến sáu đô la , xiên thịt nướng nhà thờ tôi bán một đô một xâu , ở đây ba đô .

- Thôi mình ghé qua bên nhà thờ Các Thánh Tử Đạo ăn Tết .

Từ đây chạy xe qua bên nhà thờ chừng lối mười phút . Có lẽ sắp đến giờ lễ nên trong hội trường không đông lắm . Bà con thiên hạ đang mải mê chơi bầu cua cá cọp và lô tô . Cảnh tượng quen thuộc như mọi năm , không có gì thay đổi lắm .

Mỗi người làm một tô phở tái chín lung tung . Nước lèo rất ngon ngọt , chỉ tội không được nóng lắm , có lẽ bán cho kịp số khách đông đảo , họ cứ trụn bánh phở sẵn , ai tới mua họ múc nước lèo chan vào . Con bé Linda đòi mua mấy đô vé lô tô . Người xướng không đọc nghe vẻ nghe ve xem con nào ra , họ đọc số ra bằng tiếng Anh và tiếng Việt . Gọn gàng chính xác cho bọn trẻ bên này dễ hiểu .

ooo000ooo

- Chào ông Trưởng Khu , chúc mừng năm mới .

Anh Tư người cùng xứ đạo với tôi , nhác trông thấy tôi với nụ cười trên môi : - Ông Trưởng Khu Tử Đạo à ? - Có chi không anh ? - Dạ có , trên nhà thờ năm nay giao cho mỗi khu và đoàn Liên Minh Thánh Tâm mỗi tuần trong Mùa Chay vào ngày thứ Hai và thứ Tư mỗi khu phải ngắm một bài .

Tôi thoáng nghe qua , lòng hơi hoảng . Lúc còn bé tôi thường dắt ông cụ tôi xuống nhà thờ Vườn Xoài [nhà thờ xứ Bắc] ngắm đứng Mười Lăm Sự Thương Khó Chúa Giê Su . Nghe các cụ cứ ừ ư từ đầu bài đến cuối bài chẳng hiểu được bao nhiêu , đến khi nào Amen mới biết là hết bài ngắm .

- Anh Tư à ! Anh biểu tui lên hát Karaokê thì còn được , chứ bây giờ biểu tui lên ngắm 14 Đường Thánh Giá .... - Không phải 14 Đường Thánh Giá , là 15 Sự Thương Khó Chúa Giê Su .

- Anh thử ngắm ra sao , để tui còn nhớ lại .

Anh Tư hắng giọng khề khà : - Thứ nhất thì ngặm ....

Anh Tư có lẽ người xứ Bắc , lấy vợ Thanh Hoá mà sao ngâm ứ ừ giọng miền Trung ngặm ngặm . Tôi cười , khích lệ anh ta : - Ui chao , anh Tư ngắm hay quá . Tui đề nghị xứ mình trao giải thưởng Ngắm Quan Tài cho . - Ngắm Quan Tài à , tui chưa nghe qua bao giờ . Ngắm Nhân Tài thì có .

Trao đổi vài câu chuyện làm quà , chúng tôi tản mát dạo quanh hội trường xứ Các Thánh Tử Đạo . Khoảng 5 giờ chiều chúng tôi chạy xe qua chợ Hồng Kông mới khai trương . Nghe nói có cả Chợ Hoa , chắc hẵn sẽ rực rỡ đủ màu sắc xanh đỏ tím vàng hoa cúc hoa mai nở rồi .

Chợ Hồng Kông mới nằm trên đường 303 Pioneer Parkway và Great SouthWest Parkway . Bên Mỹ này nhiều người hơi bị bối rối về những chữ viết tắt sau tên đường . Thật ra không có qui tắc nào để phân biệt giữa Avenue , đại lộ và Street , đường cái . [Avenue viết tắt Ave ] , có khi những con đường 1st Ave , 2 Ave gần South Beach khu Mỹ đen bé tí teo . Trái ngược hẵn bên quê nhà đại lộ có ý nghĩa đường rộng lớn , xe tăng chạy vào còn được . Ngoài ra Boulevard [Blvd] , Parkway [Pkwy] cũng là những con đường lớn , Road [Rd] cũng là đường , nhưng thường xuất hiện ở miệt đồng quê [country] . Trail [Tr] , Court [Ct] , Circle [Ci] , Drive [Dr] là những con đường ngắn , lòng vòng trong khu xóm .

Có một câu đố hỏi tại sao chúng ta : "Drive in a parkway , and park in driveway " . Parkway là con đường , Driveway là chỗ đậu xe trước sân ga ra nhà . Câu trên có nghĩa là Lái xe trên đường , và đậu xe trên sân nhà ga ra .

Tôi gặp hai vợ chồng ông Tạ đang lững thững cắp tay nhau dạo phố mùa Xuân . - Chào anh chị . Chúc anh chị một Năm Mới mọi sự như ý và nhân tiện nhờ anh chị một tay . - Cần một tay thôi à . Này em ! Bỏ tay anh ra một lát , ông trưởng khu có việc nhờ tay anh . Một tí nữa bà cứ việc ôm lấy nó .

Bà Tạ đỏ mặt , nói lí nhí cái chi trong miệng , bỏ tay chồng ra đứng im lặng nghe ngóng . - Vâng , thứ Hai này nhà thờ mình ngắm , tui nhờ anh ngắm một bài . Nghe nói anh ngắm Nhân Tài hay lắm phải không anh ?

Trong các xứ đạo đông người ở Việt Nam thường có tổ chức ngắm Nhân Tài trong Mùa Thương Khó Chúa chịu chết . Thường chỉ có các cụ các ông trong xứ ra tham dự , chẳng thấy các chị các bà ra ngắm bao giờ , có thể ra chỗ đông người mắc cỡ chăng . Có vị vừa mới mở miệng ứ ừ không đúng nhịp , bị gõ cái cóc phải đi xuống ngay , nhường chỗ cho người khác ngắm . Phần thưởng có khi là một chuỗi lần hạt , hoặc một cây thánh giá vân vân ...

Ông Tạ nghe lời khen tặng , nở mũi cười tươi : - Anh nói quá . Hồi xưa đi lính ở đơn vị anh em hay cử tôi ra ngắm . Mà hồi đó trong đơn vị tôi thường là dân Bùi Chu Phát Diệm . Hôm đó sao lại có một ông người Thanh Hoá Nghệ Tĩnh gì đó . Ổng lên ngắm làm sao bị cả đám lính đang ngồi nghe chợt cười ồ lên . Ông ta tím mặt lại quay xuống văng tục ầm lên , Thế là cả nhà nguyện hôm đó được bữa cười no bụng , bỏ cả lễ lạy .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_99-1.jpg

Hoa hậu tiểu bang Texas duyên dáng trong tà áo dài.

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_98-1.jpg

Hoa uất kim hương e ấp buổi chiều Xuân.

TungSon1

17-02-2008, 09:25 PM

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_99-2.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_98-2.jpg

Ca Sĩ Như Loan với ca khúc Xuân tuyệt vời .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_97-1.jpg

Em bé chợt nhớ về Mẹ một mùa Xuân sang

Xuân tha hương

Trước cửa chợ một dãy hoa cúc nở vàng rực rỡ , sáng hẵn lên . Lưa thưa vài chậu phong lan trắng bạch , tím hồng , chen lẫn vài chậu mai , hoa e ấp không chịu nở . - Bà à ! Cô em tui dặn mua giùm cổ mấy chậu cúc . Cô biểu cúc trên đây bán rẻ lắm , có bảy đô chín chín . - Không mua đâu ! Cúc nở hết rồi , mua về để tế ư !

Không hiểu sao chợ Tết trong chợ Hồng Kông không có gì mới lạ , cũng hàng cũng quán bày biện vài cái bánh chưng , bánh tét , góc kia vài cái bàn đầy đặc khách hàng nhẩn nha ngồi mút tôm đất crawfish chùn chụt mà thiên hạ ông đi qua bà đi lại chật nghẹt trong khu chợ . Có lẽ nghe chữ Chợ Hoa gợi lại nỗi nhớ niềm thương dạt dào trong tâm tưởng mọi người chăng ?

Mẹ ơi ! Hoa cúc hoa mai nở rồi ! Hoa đã nở báo Xuân đang về mang lại chút hương vị ngày Xuân trên đất khách .

ooooOOOOoooo

Bên chỗ tôi ở khu chợ Việt Nam Plaza tổ chức hội chợ Xuân vào ngày 9 và 10 tháng 2 2008 . Thế là được hai lần chơi Tết . Bên này dù ngày Tết mồng một rơi vào bất cứ ngày nào trong tuần đều dời vào ngày thứ Bảy , Chủ Nhật gần nhất . Năm nay lại vào thứ Năm 7/2/2008 , nên được hai lần đi chơi chợ Xuân . Mười giờ sáng khai mạc bắt đầu . Nhà tôi cách chợ không xa lắm , đi bộ chừng mười phút . - Bà có đi ra coi chợ Tết không ? Mười giờ chợ Tết đấy ? - Không , ra chi mà sớm thế . Đợi chiều tối hãy ra . Tui nghe chợ Tết ngày thứ Bảy chơi văn nghệ đến 11 giờ đêm mà .

Ngày Xuân ở nhà chẳng lẽ ngắm vợ suốt . Bà hàng xóm thỉnh thoảng ghé sang nhà tôi , nghe bà nhà tôi hứng chí nghỉ ở nhà không đi làm nữa , gọi phôn qua chúc Tết : - Ủa ! Bà nhà ông nghỉ ở chơi à ! Thế thì hai ông bà tha hồ mà ngó nhau .

Chồng bà ta , ông Lê cũng mới thất nghiệp đầu năm . Thấy ông ta tiếng Anh không rành , tôi mới sang nhà chỉ cách hướng dẫn xin tiền thất nghiệp trên nét . Tôi mở côm biu tơ lên chỉ cách ghi tên đăng ký Log On vào trang mạng lưới texasworkforce . Quay qua quay lại để hỏi ổng vài chi tiết cá nhân thì không thấy ông ta đâu hết . Lòng tôi chùng lại , bỏ thời giờ sang giúp thiên hạ mà họ lại hờ hững như vậy . Bây giờ khác lúc trước , cái gì cũng vào in tờ nét . Gọi phôn để xin hướng dẫn tin tức , phải ôm phôn bấm lạch chạch 1 hoặc 2 và sẽ được nghe tiếng léo nhéo trên đường dây điện thoại : " Bây giờ chúng tôi chưa được rãnh rỗi , xin ông/bà cứ ráng chờ . " Tôi đành chỉ cách tạo tên người dùng [ID user] và mật khẩu [Password] cho cô con gái lớn ông ta . - Bây giờ chị và cháu phải ghi những thứ này vào giấy nhé ! Nếu quên sẽ không vài được mấy cái trang lưới này đâu . Cứ hai tuần một lần vào trang này xin tiền thất nghiệp như chú , và cứ mỗi tuần một lần phải đăng cai tìm việc làm .

Vừa nói đến đây ông Lê lò dò về , tay cầm bó giấy , miệng lẩm bẩm : - Sao khó vậy ? Tui nghe ông bạn tui nói không cần phải vào nét xin tiền , cứ việc điền vào mấy tờ đơn gửi đi là được việc .

Tôi không biết trả lời ông ta làm sao , tiếng Anh tiếng u ông ta không hiểu lắm , nghe lờ mờ như gà mắc dây thun . - Vậy bác cho tui xin số phôn ông ta để tui biết cách xin như ông ta . Chứ xin cách này tui cũng phiền quá .

Làm ơn thì làm ơn cho trót , tôi ráng ngồi lại điền mọi thủ tục cách thức , chỉ hướng dẫn cho cô con gái ông ta . Các cháu bé chúng nó nhanh lẹ lắm . Chỉ sơ sơ bấm cái này click cái kia , chúng nó liếc qua là nhớ .

Bà vợ ông ta tiễn tôi ra tới cửa , cười toe toét : - Anh đừng giận ổng nhé ! Tính ổng ngang lắm . Ổng mang bệnh trong người mà vẫn không chịu đi chữa bệnh . Bị bệnh lòi cả ruột ra thế mà đưa vào nhà thương mấy lần , họ vẫn không chịu giải phẫu . Nhà tôi được hưởng Mê đi ke [Medicare] đi khám bệnh nhà thương miễn phí . Thế mà nhứt định ông ta không chịu đi . Kệ thây ổng !

Gặp phải người đi ngang như cua kẹp , tôi cũng không biết làm sao . Như tôi bây giờ hai vợ chồng đều ở nhà , sống bằng tiền thất nghiệp của tôi . Hi vọng là được hơn sáu tháng . Bảo hiểm sức khỏe lại không có . Bên này tiền đi khám bác sĩ không sợ lắm , chỉ ngán nhất bệnh hoạn mà vào nhà thương . Bước vào bước ra sơ sơ cũng vài ngàn đô , nếu ai chẳng hạn bị mổ tim mổ phổi cha chà cũng vài trăm ngàn đô .

oooOOOooo

- Thôi tui với con Linda ra ngoải trước nhé !

Ngày thứ Bảy mồng ba Tết gì mà bà nhà tôi cứ cầm chổi quét từ đầu phòng tới nhà bếp . - Quét nhà cho sạch sẽ chớ ông . Ông đi đâu mà sớm thế . Chợ Tết có mở thì đến chiều tối mới mở , ra ngắm ai ngoài đó ?

Con đường dẫn dắt đến khu chợ Việt Nam hôm nay đầy nghẹt xe Honda , Toyota , Lexus , những loại xe người Á Châu hay thích tậu sắm . Tôi vòng qua bên chợ Taipei Saigon gần đó thấy khu đất đậu xe cũng đầy ắp xe cộ . Đường Beo ngáp trước bốn lằn xe nay cảnh sát giao thông chỉ chạy 2 đường .

Sân khấu được dựng trước cửa tiệm cho mướn phim Hồng Kông và văn phòng khai thuế . Nhìn sân khấu dã chiến nhỏ hẹp , không mái che được ráp sơ sài , không hiểu sao có thể chịu được mười mấy người trong vũ đoàn Lạc Hồng đang muá hát . Các cô cậu trẻ tuổi tràn đầy sức sống dẻo dai , ẻo lả với các điệu múa dân tộc .

... Từ miền Nam anh thường ra Bắc Mang theo câu hò điệu lý chín dòng sông ....

Ca sĩ Như Loan với thân hình người mẫu tuyệt vời , với chiếc áo đầm ngắn ngủn , thân trên lại không đủ vải , khiến các cậu thanh niên mủi lòng cứ thích tiến sát tới sân khấu để ngắm nhìn . Một vài người quen nhìn tôi , cười toét miệng , nửa đùa nửa thật nói với tôi : - Sao tui cứ thấy ông toàn chụp mấy cô không dzậy ?

Em Xi [ MC] là Công Thành . Ông ta rất xuất sắc trong việc điều hành buổi văn nghệ . Giọng to , khỏe , trầm ấm và với tiếng hát chung với Lynn trong tà áo dài đầy màu sắc trong những bản nhạc kích động làm không khí Tết trở nên sôi động lên .

Công Thành hỏi vợ : - Sao Lynn hát tiếng Việt có đúng dấu chính tả Việt Nam không ? Tiếng Việt nói không đúng dấu phiền lắm đấy ?

Bà vợ Lynn lém lỉnh trả lời : - Không sao đâu , Lynn hát quen rồi . Đâu có ai cười nhỉ ....

Trước khi hát một ca khúc Twist , Công Thành nhắc nhở vợ : - Bà coi lại quần dài của bả , một lát nhảy giựt giựt không khéo lại tụt xuống thì coi không được đó bà .

Lynn rất tự nhiên , tay vén áo dài ra , khoe cái bụng thon nhỏ với làn da trắng bạch , giả bộ như cài lại nút khuy quần . Giữa chừng một em bé bước gần sân khấu tặng hai chiếc bong bóng thon dài xoắn với nhau . Lynn nói lời cám ơn và gắn quả bong bóng vào một chỗ nào đó , nhảy muá hát tiếp tục . Lắng nghe các ca sĩ chuyên nghiệp ca , mới biết họ hát rất tự tin , chững chạc . Nhịp điệu vững , làn hơi trầm ấm , khỏe , dài hơi , ngân vang đều đặn .

Hát xong Lynn câm microphone cười : - Cám ơn quí vị , không biết cái bum bum của em đâu ?

Công Thành cười : - Bà lại nói năng tùm lum tùm la rồi . Phải nói là chiếc bong ... bóng .

TungSon1

21-02-2008, 09:43 PM

Trưa Chủ Nhật 10/2 bà con đồng hương đã xí chỗ đầy nghẹt trước sân khấu. Coi văn nghệ giải trí free , không mất tiền , lại có cả các ca sĩ tên tuổi Công Thành và Lynn , Như Loan , Lương Tùng Quang , Loan Châu , Shayla , Ngọc Huyền , Đặng Thế Luân , đoàn vũ Lạc Hồng và đoàn Cải Lương Hương Ca với vở tuồng Phụng Nghi Đình. Một số không ít từ tiểu bang Oklahoma , hoặc tận Dallas , Grand Prairie xa xôi cũng rủ nhau về xem.

Chương trình văn nghệ thật đặc sắc , vui nhộn với hai danh hài Kiều Oanh , Lê Hùynh xen lẫn với ca sĩ địa phương Mỹ Lan , Mỹ Phương , Trâm Anh , Bích Nga và ban nhạc The Platium.

Dù xa quê hương nhưng với không khi tưng bừng ngày Xuân đã khiến mùa Xuân đã nở rộ trong lòng mọi người. Với ánh mắt nụ cười hồn nhiên của các em bé , tiếng cười rộn rã của rừng người khiến mùa Xuân như trở lại trong lòng khách tha hương.

TS 19 tháng 2 năm 2008

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_96-1.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_95-1.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_94-1.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_93.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/ct_99.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_70.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/am_66.jpg

TungSon1

09-04-2008, 07:22 PM

Về quê

- Bố ơi ! Có phôn nè !

Tôi cầm lấy cái phôn từ tay con Linda , áp vào tai nghe : - Anh An hả , em là Thu đây . - Trời ơi ! Tui kiếm cô gần chết . Hôm bữa cô gọi cho cô Loan rồi cổ biểu tui mua cho cần câu máy câu gì phải không ?

Cô Loan, cô Thu là hai đứa em gái tôi , sinh đẻ trong Nam , lại ở khu người Nam nên giọng nói đặc sệt người miền này . - Không anh , ông xã em anh Tôn đó , ảnh chỉ cần cái máy câu thôi . Năm ngoái anh gởi về cho ảnh cái máy chi mà to quá , cho ảnh cái nào nho nhỏ . Ảnh câu mấy con cá rô cá sặc rằn thôi .

Xưa tôi đi câu ở miệt phường 13 quận Tân Bình , chỉ cần một cần câu trúc dài loẳng quẳng bảy tám thước , cọng cước chỉ một hai ký là đủ .

- Này cô út ! Nghe nói bên Việt Nam thực phẩm lên giá dữ lắm phải không ? - Dạ ! - Thí dụ như phở bao nhiêu một tô ? - Anh nói loại phở nào , như em bán trong chợ thì lúc trước 12 ngàn , em muốn lên giá 13 ngàn nhưng ngại quá , sợ lên giá hổng ai tới ăn . Còn ngoài đường phố có chỗ ba mươi mấy ngàn , có chỗ hai mươi mấy ngàn . - Còn gà vịt tôm cá thì sao ? - Gà hai ký một con thì 240 ngàn , bò một trăm hai một ký , tôm cua cũng đắt lắm . - Còn rau muống rau đay thì sao ? - Mấy thứ đó thì rẻ lắm . - Ừ , mai mốt tui về bển , cô cứ mua mấy thứ rau tui ăn . Lúc này tui kiêng thịt ăn chay rồi , chỉ ăn cá thôi . - Cá cũng mắc lắm anh ơi ! Xăng dầu lên dữ quá hổng ai dám đi biển nữa . - Còn chuyện này nữa . Nghe nói cô Loan làm giấy bảo lãnh cho gia đình cô qua Mỹ nữa . Chà ! Diện anh em cũng khá lâu . Nhưng nghe là cô qua đây tính làm nghề gì để sống ?

Cô em tôi ngập ngừng đôi chút : - Thì chị Loan biểu em qua đó làm nghề neo [nail] giống chỉ . - Trời đất , cô mắt kém như vậy , làm sao mà làm được nghề làm móng tay móng chân . Tui nghe nói cắt móng tay cho mấy bà da đen , hơi chạm vào da thịt , mấy bả giơ cẳng đạp một cái , văng ra tuốt ngoài góc nhà kìa . Còn chồng của cô ngoài việc vắt bún ép bún ra còn biết nghề gì nữa không ? - Dạ không anh , à ! Hình như còn ... đi giăng câu . Nhưng nghe anh nói chuyện làm em nản quá . Thôi em bai nhé , để em còn đi chợ nấu cơm trưa cho ảnh .

Vừa bỏ cái phôn xuống bàn , tôi nghe tiếng bà nhà tôi reo réo đằng sau : - Tui nghe ông nói chuyện với cô em út ông , tui cũng nản quá ! - Nản sao bà ? - Bên Việt Nam người ta mong mỏi Việt kiều về thăm quê hương , sau nữa là đãi ăn những món cao sang mỹ vị , không gà thì bò heo . Ông về ông chỉ biết ăn rau muống với nghêu sò ốc hến thôi à ?

Tung Son 9/4/2008

TungSon1

13-04-2008, 07:19 PM

- Cao lương chớ không phải là cao sang . - Tui không biết , ông bây giờ thất nghiệp . Lương còn không có , còn chi mà mà thấp với cao .

Nói đến đây bà nhà tôi ngó quanh quẩn xuống bếp , rồi mang tô cơm nguội vào lò vi ba hâm nóng lại . - Nhà mình sao phí phạm của trời thế ! Gạo bây giờ hôm qua tui ra chợ Việt Nam lên tới 23 đô một bịch 25 pao [cân Anh = 0,453 gram] , mà họ chỉ bán giới hạn mỗi người hai bịch thôi . - Sao lạ vậy ? Tui tưởng có tiền muốn mua bao nhiêu thì mua . - Hông được , ông chủ tiệm nói là nhiều người mua hàng chục bịch , cất để đó cuối năm bị mốc rồi mang ra trả lại , ổng nói không chơi cái màn đó . - Thế bà có mua thêm gạo để dành ăn không ? - Ông ra ga ra xe xem còn mấy bịch ? - Tui xem rồi còn 6 bịch 25 pao . - Ờ , tui dặn chị Ba Râu mua cho tui 5 bịch rồi . Ông Vĩnh Bình gởi con cho chỉ đó , hôm qua ổng chạy ra tiệm đại lý Cosco mua cả một xe gạo . Tụi Mỹ nó chẳng nói năng gì , nó còn nói nếu mua trên 45 bao nó sẽ chở đến tận nhà .

Đến buổi trưa bà Ba Râu gọi phôn sang biểu tôi khiêng gạo về . Tôi chả dại gì mà vác với khiêng . Bây giờ già rồi , gối mỏi lưng còng . Bèn dùng cáng hai bánh kéo về cất ở patio . Năm ngoái nhà tôi mua hơn chục bịch , vài bao cuối mở ra ăn thì xem có mọt . Con bé Linda nhà tôi cứ chỉ vào chén cơm : - Bố à ! Con gì mà đen đen vậy ? - Mọt đó con . Ăn được không ! Được tất . Bên quê nhà cào cào châu chấu người ta còn xơi hết . - Eo ơi ! Ghê thế , ai mà dám ăn . - Con không xem chương trình Bizzard Food đài 69 sao , cái ông Andrew qua Việt Nam tìm tòi về thực phẩm lạ kỳ thế giới . Ổng nhai nghiến ngấu hột vịt lộn , rồi giơ ngón tay cái lên khen là số một . - Ờ ! Cái đó ăn ngon đó bố .

Ngày tôi mới sang Mỹ ở nhà ông anh vợ tuốt thành phố Oklahoma , nhà lại ở bên chợ Cao Nguyên . Sáng hôm đó tôi lững thững ra trước nhà hóng gió . Trước cửa tiệm một xe vận tải chất đầy những bao gạo Rồng Xanh Rồng Đỏ . Một hai ông công nhân khòm lưng vác từng năm bao một . Ông chủ tiệm người Hoa Chợ Lớn xấn tới bên tôi hỏi :

- Anh có muốn làm việc không ? - Làm cái gì ông ? - Thì vác gạo mang vào trong kho . - Thế ông trả công làm sao ? - Thì theo bảng lương nhà nước Mỹ , 3 đô 25 xu một giờ .

Tôi ngó lên trên xe chở hàng rồi lắc đầu , nếu cộng cả tôi vào là ba người , vác cả ngàn bao gạo . Tính ra chừng ba giờ là xong . Mình lãnh được chừng 10 đô . Chả bỏ công , từ bé đến giờ chưa bao giờ phải ăn no vác nặng .

- Gạo Mỹ này mua ở Cosco ăn được không bà ? - Ông giỏi tiếng Mỹ lắm mà , sao ông không chịu đọc hàng chữ đề trên bao gạo . Nè có chữ Việt Nam , Gạo Nàng Thơm . - Chữ bé như con kiến , bố ai để ý . Tôi đọc báo Người Việt , có ông luật sư nào đó kêu gọi dân chúng Việt Nam đừng mua gạo Thái Lan với giá cao . Giữ lại biên nhận rồi gởi về cái địa chỉ gì đó . FBI sẽ điều tra với bọn người Hoa lợi dụng cơ hội này tăng giá gạo quá mức . Họ khuyên là nên ăn gạo Mỹ , gạo trồng ở Miền Victoria Texas thiếu giống gì . - Nhưng mà gạo Mỹ ăn khô lắm , tui ăn không được . - Không có thì chịu khó nhai thôi . Có gạo là quí rồi , ngày xưa mình còn nhai bo bo nữa mà , mõi họng chết cha . Hình như mình gọi là cái đây ? - Là cao lương đó .

TS 13/4/08

TungSon1

23-04-2008, 07:27 PM

Chào VTTT dạo này chị có khỏe không?

Về quê

Một buổi sáng thức dậy tôi chợt thức dậy , ngó lên chiếc đồng hồ treo . Kim chỉ 3 giờ 15 . Không biết làm gì tôi bèn loay hoay mở cái laptop ra để vào các trang lưới điện tử . Bỗng thấy một khung hình nhắn tin bằng Yahoo Messager .

- Chào bác , cháu muốn chat với bác .

Cái biệt danh Nickname BumbleBee này là của thằng cháu tôi con cô Thu em út tôi . - Phải cháu là Bàng không ? - Không , cháu là Vinh em của anh Bàng .

Tôi mường tượng lại hình một bé trai bụ bẫm mới sinh được vài tháng còn nằm trong lòng mẹ bú sữa khi tôi trở về Việt Nam để về đưa tiễn mẹ ra nghĩa trang .

- Cháu năm nay bao nhiêu rồi ? - Dạ , cháu 11 tuổi .

Các cháu bên Việt Nam nói chuyện vẫn giữ được sự lễ phép dạ vâng khi thưa chuyện với người lớn . - Cháu học lớp mấy rồi ? - Dạ , lớp 5 . Tháng 9 này cháu lên lớp 6 .

Mười một tuổi mới tới lớp 5 , khá hơn tôi lúc còn bé . Mười hai tuổi tôi mới thi đậu vào lớp 6 trường trung học Võ Trường Tỏan Sài Gòn .

- Thế cháu có thích ăn kẹo bánh gì không ? - Dạ , không bác . Má cháu nói dạo này cháu mập quá , phải kiêng cữ chất ngọt . - Cháu nặng bao nhiêu ? - Dạ , 61 kí .

Sáu mươi mốt kí so với tôi vẫn còn nhẹ cân hơn . Bác năm nay 170 cân Anh , tương đương 77 kí . Nếu thi đấu Đô Vật chắc sẽ liệt vào danh sách võ sĩ sumo hạng ruồi . Nhưng cháu tôi mới có hơn mười tuổi , có thể về sau qua mặt tôi cái vèo .

- Cháu cao bao nhiêu ? - Một thước sáu . - Vậy à ! Mỗi bữa cháu ăn nhiều không ? - Dạ không bác . Mỗi bữa cháu ăn có một tô .

Chà một tô cơm , không nhiều mà cũng không ít .

- Một tô bằng mấy chén vậy cháu ? - Ba chén . - Chà ! Vậy thì hơi nhiều . Bác chỉ cháu một cách để xuống cân nhé . Cháu cứ ăn một tô của cháu , nhưng bớt cơm lại , cho nhiều rau vào . - Má cháu cũng nói vậy .

Con bé Linda nhà tôi gặp món nào thích thì biểu sao cũng vậy thôi . Hôm qua tôi mua được hai dĩa rau câu của Nhật [Seaweed] . Món này mới mẻ có lẽ ăn ngon miệng , nên vài nhà hàng Thái Tàu đều có trong thực đơn : Seaweed salad . rau câu trộn thêm vài miếng dưa leo , và củ cải đỏ [radish] thêm vài lát đỏ trông rất bắt mắt . Nhà hàng Thái ở góc đường Belknap quất đến 7 đô một dĩa rau rong biển chỉ bằng nắm tay . Hỏi bán ở đâu , nhứt định họ không chịu chỉ . Chắc họ sợ chỉ trỏ cho mình , khách sẽ không tới ăn chăng ? Con bé Linda nhà tôi cũng làm một tô cơm ăm ắp đầy rau câu và năm sáu miếng giò lụa .

Tôi trông thấy vậy , liền nhắc nhở : - Con biết không ? Ở Việt Nam một tô cơm như vậy chỉ được một miếng giò thôi . Linda ngước mắt lên tỏ ý phật lòng : - Thiệt không bố ! - Thiệt mà , bữa nào con về quê hương thăm con sẽ thấy . Con sẽ thấy thiệt nhiều .

Tôi không biết cháu có hiểu hay không , nhưng nó chỉ nghe được vài câu là quay mặt sang cái ti vi đang có mục tâm tình mấy cô cậu trong trường học tán gẫu . Tôi không hiểu các cháu bé bên này còn có tâm tình rung động khi nghe ca khúc Bonjour Vietnam do Phạm Quỳnh Anh trình bày không . Hi vọng là có .

Chào Việt Nam

Một ngày kia, con về thăm mẹ, sẽ nói lời con tự chào con, Một ngày kia, con về thăm mẹ, sẽ thốt lên hai tiếng Việt Nam, Sẽ thốt lên hai tiếng Việt Nam.

[Đàm Quang Hưng dịch thuật]

TS 17/4/08

Về quê

Tôi tính không đi ăn bữa tiệc mừng rửa tội cho bé gái , con của một người cháu vợ tôi . - Chi mà xa dữ vậy ! Ăn một miếng cơm chạy ba cánh đồng . - Ba hả , tui nghĩ là còn hơn nữa , mấy trăm cánh đồng lận . Nhưng mà cháu tui đời người có một lần rửa tội , còn đám cưới người ta có khi hai ba lần .

Cứ nhìn lên mấy tấm biển giá xăng hàng ngày cứ vùn vụt leo thang . Hôm kia 3,28 đô hôm nay 3,35 . Mỗi lần bơm xăng cho cái xe Toyota Highlander của tôi gần 40 đô la . Chóng cả mặt . Tiền trợ cấp thất nghiệp cứ vẫn như nguyên .

Bà nhà tôi cứ hay nhắc nhở : - Sao ông cứ phải để ý tới cái giá xăng như vậy ? Nó lên xuống thì cứ mặc kệ nó .

Sao không lo được . Chủ trong gia đình , biu biếc mình lo trả . Chú em tôi một hôm tôi tâm tình kể lể với chú ở Việt Nam . Với vẻ ngạc nhiên , chú hỏi lại : - Trời ơi ! Anh thất nghiệp mỗi tháng lãnh cả ngàn đô , xài sao hết .

Tôi không biết làm sao cắt nghĩa tường tận cho chú hiểu được , đành cười xòa thôi .

Trên đường tới nhà con cháu vợ tôi ở tuốt thành phố Garland , bà nhà tôi chỉ đường : - Nhà của nó cũng dễ kiếm lắm . Chun qua gầm cầu xa lộ rồi chạy thẳng là tới . - Bà nói chuyện làm sao vậy . Bên Mỹ chỉ đường như vậy bố ai mà biết đường nào mà mò . Bà phải cho biết biết tới khúc nào , đường nào rồi quẹo tới quẹo lui . - Ông cứ như thế làm sao tui không gắt được .

Khi ở nhà thờ làm lễ tôi đã hỏi cái địa chỉ của người chồng con cháu vợ tôi , và ra xe tôi đã bấm vào cái máy dò đường GPS Tom Tom . Cái máy này cách đây mấy năm tôi mua gần sáu trăm đô , bây giờ khuyến mãi on sale chừng hơn 200 . Lúc mua nó về dùng để đi kiếm nhà . Có nhiều nhà xây trên những con đường mới , không có trên bản đồ cập nhật hóa . Tôi xách máy Tom Tom mang đi trả lại cho tiệm bán đồ điện Best Buy . Mấy ông trong tiệm xúm lại hỏi : - What's wrong with this one ? [Cái này sao vậy ? ] - Nó không chịu chỉ những khu nhà mới .

Họ cầm máy loay hoay , xách vào kiểm tra tới lui , và và đề nghị : - Nếu mà ông hoàn trả lại món hàng này , ông phải chịu thiệt đến 15 phần trăm vì nó đã bị mở ra .

Tôi tính nhẩm 15% của món hàng , phải mất đi gần 100 đô . Máy xài chưa đến một giờ . - Còn nếu như ông muốn có cái software mới , ông phải trả thêm 100 đô .

Lòng ngán ngẩm tôi mang máy trở về nhà , lâu lâu mang máy ra tìm nhà mỗi lần đi đâu hoặc đi đọc kinh hàng tuần . Không gì bực mình gì cho bằng khi xe gần tới mình muốn đến , máy Tom Tom ra lệnh : - U turn possible !

Bà nhà tôi thắc mắc :

- Nó nói gì vậy ông ? - Nó biểu mình phải quay đầu xe lập tức . Vậy hả ! Ông cứ đi xem mày chỉ đường ra sao .

May mà thằng con trai tôi không biết mày mò ra sao , biết cách cài đặt nhu liệu mới vào cái máy Tom Tom mắc toi này . Nó chỉ quẹo tới quẹo lui rồi chạy đúng chóc đứng trước cửa nhà mới của con cháu vợ tôi . - Thấy chưa tui đã biểu ông mà . Cứ chun qua gầm cầu xa lộ , quẹo trái đi thẳng là tới .

Tung Son 23/4/2008

tuannm

23-04-2008, 09:47 PM

Lâu lâu lại vào đọc những bài viết của bác, hay lắm. Cám ơn bác :]

TungSon1

25-04-2008, 06:38 PM

Chào bạn Tuannm đã ghé thăm . Chúc bạn một ngày vui nhé .

Về quê

Nhà hai vợ chồng cháu vợ tôi nằm kế cận trường tiểu học , đồ sộ với những mô hình kiến trúc mới , trông rất bắt mắt . Bà nhà tôi cứ mỗi lần tới nhà ai có vẻ mơi mới là chỉ muốn đi mua nhà mới ngay . Những căn nhà ở khu này to lớn khang trang , có mặt bằng không dưới 4000 bộ vuông [square feet] ít nhất cũng ngót nghét nửa triệu đô là trở lên .

- Cháu Mẫn à ! Hồi nãy cô chú tới đây mà hai cháu chưa về . Chú chạy ngang qua cái nhà đằng kia , ngoài góc đường có trồng một cây hoa hồng hoa nở đẹp ơi là đẹp . - Nhà nào chú ? - Cái nhà đo đỏ ở góc đường đối diện bên kia kìa . Bông hoa ba bốn màu , cái đỏ cái cam cái hồng thẩm . - Cháu nghĩ họ trồng một bụi mấy cây đó chú . - Không phải đâu cháu . Mới đầu chú cũng nói nhứ thế , sau cô nói ra xem lại . Thì ra chỉ có gốc thôi , không hiểu là loại bông hồng gì sao mà ghép hay vậy . Nhà chú cũng có hai cây hồng , nhưng bông nào cũng nở hai màu trắng đỏ hoặc cam hồng .

Mẫn cười : - Mấy cái bông hoa cháu không rành đâu . Ấy ! Chú coi chừng ! Tí nữa đầu chú va vào cái chậu bông treo ngoài phòng khách .

Nghe vậy tôi chợt ngó lên cao . Một chậu bông sứ bao bọc những vòng nhựa sơn màu đồng gạch cua treo lơ lửng ngang tầm mắt , nó được máng cạnh tường . - Sao cháu không treo nó cao lên vậy cháu ?

Mẫn cười mỉm : - Nhà cháu biểu treo như vậy mới đẹp . Hồi nãy ba cháu với mấy người khách cũng bị va vào , nhưng mà không sao hết . Cái chậu bông bằng nhựa mà . Thôi cháu phải đi tiếp khách đây . Chú lại kia tiếp chuyện với ba cháu đi .

Bên góc bếp bày biện những món thức ăn đầy màu sắc hài hòa , một mâm heo quay da đỏ ực , một mâm xôi gấc bay thơm phưng phức , một khay tôm càng chiên bột . Chả giò cuốn nhỏ trong một dĩa to .

Bà chị họ tôi , Oanh đang loay hoay khuấy cái gì trong nồi . - Chà ! Chị Hai nấu cái chi mà thơm quá dzậy ? - Súp măng cua . - Còn cái chả giò sao chị làm khéo thế . Bên này ngoài tiệm họ làm cái nào cái nấy to tổ chảng , nhìn thấy là không muốn ăn . Dầu mỡ không hà . Món này hình như là gỏi ốc , sao chị làm khéo thế ! Thôi bây giờ chị ra mở nhà hàng , em ra phụ giúp cho chị .

Chị Oanh ngập ngừng đôi chút : - Chú cứ nói giỡn hoài . Ra nhà hàng cực lắm chú không biết à ! - Biết sao không biết chị ! Hồi mới qua đây anh Hai và em đi rửa chén ở nhà hàng Mỹ cực chết cha . Sáng sớm vô nhà bếp , mấy đống chén dĩa xếp cao ngất ngưởng cao hơn đầu người . Nghĩ lại mà phát sợ .

Bà nhà tôi tay cầm chén súp măng cua , ngồi vào bàn , xen chuyện : - Vậy mà hơi tí ông lại biểu tui ra mở tiệm bán phở , bán bún bò . - Thì bà nấu ngon quá mà ! Mấy đứa con bà cứ khen má sao nấu ngon quá . - Mèo khen mèo dài đuôi thôi . Ông không nhớ cái ông Vũ nhà thờ mình đó . Ổng mở cái tiệm phơ? ở góc đường 28 , quảng cáo ăn phở đặc biệt 4 đô 99 phi [free] nước ngọt . Vậy mà tui chạy xe ngang chả có ma nào vô ăn . Tháng sau ổng lại dán cái băng rôn :" Bún bò Huế đặc biệt , 4 đô 99 " . Cũng chẳng có khách nào ghé ăn . Mấy tháng sau tui lại thấy ....

- À ! Ổng lại đăng bảng bán Craw fish [một loại tôm đất ] đại hạ giá phải không ? Bây giờ ổng không bán thức ăn nữa . Ổng mở tiệm cắt móng tay , có free nước ngọt . Tui gặp ổng hỏi tại sao . Ổng cười cười nói : "Mẹ kiếp , mấy thằng bạn tốt trời đánh thánh đâm . Khi mình gọi chúng nó tới nhà ăn phở , chúng nó cứ bảo mình nấu ăn ngon . Sao anh Vũ không mở tiệm phở , chúng em sẽ ra ăn ủng hộ . Thế mà khi mình mở tiệm , chả thấy mặt mũi thằng nào ra ghé . Thì ra ! Hễ có ăn chùa ăn free thì không tiếc gì lời khen . Thế bà có muốn ra mở tiệm bán bún bò Huế nữa chăng ?

Khách khứa cả hai bên nội ngoại kéo tới lai rai , già trẻ lớn bé mấy chục người . Chúng tôi mấy người kéo nhau ra ngồi trên bàn ăn bằng gỗ hồng tâm , trên có phủ tấm khăn xanh lục . Phía trên treo ngọn đèn chandelier treo [đèn chúc đài , có nhiều bóng treo lơ lưng dưới trần nhà ] sáng lấp lánh .

Chị Nam người chị họ với bà nhà tôi , kéo chiếc ghế bằng gỗ hồng tâm xệch ra ngoài : - Mình ngồi đại ở đây cho rồi . Chủ nhà không mời , mình cứ ngồi , không sao hết .

Chị Oanh nói tiếp : - Tôi thấy chúng nó làm như vầy cũng tiện . Khách tới ăn tự tiếp lấy mà ăn , kiểu xeo xẹc vít [self-service ] tiện lợi lắm . Ai muốn ăn gì thì ăn . Ăn xong chén dĩa giấy cho hết vào bao rác . Thế là xong .

Vừa nói chị thong thả gắp miếng chả giò vào chén : - Nghe nói cô chú định về Việt Nam chơi ? - Dạ . - Bao lâu ? - Chừng hơn một tháng . Chủ yếu là cho các cháu đi xem các danh lam thắng cảnh quê mình . Bên Tây cũng đi coi cảnh mấy nước rồi . Nhưng sợ các cháu về bển có bị dị ứng đồ ăn thức uống gì không ? Như con Kim nhà này cứ ra ngoài biển là da nó cứ đỏ ửng lên , uống mấy thứ thuốc mà không hết , vậy mà nó lên máy bay trở về Mỹ hết ngay . - Thế chú có biết cô Thúy lúc trước ở cạnh nhà mình trên thành phố Oklahoma không ? - Biết chớ chị ?

- Chú biết không ? Gặp cổ nói phét lác quá trời . Cô nói về Việt Nam cổ tắm mấy thứ nước phông tên ngứa mình ngứa cổ . Mỗi ngày cổ mua mấy bình nước suối để tắm . - Bây giờ cổ làm nghề gì mà xài sang dữ vậy ? - Đi làm neo người ta bỏ mẹ . Nói dóc cũng vừa vừa thôi chớ . - Hồi đó chị về năm nào ?

Chị Oanh từ tốn nói tiếp : - Tui hả ? Cách đây khoảng bốn hay năm năm gì đó . Hồi đó tui về đi chừng chục người mướn một chiếc xe van hai mươi mấy chỗ ngồi . À ! Cô chú ! Đừng mướn loại xe đó ! - Sao vậy chị ? - Loại xe to đó lúc ra ngoài Hà Nội lúc đi chơi thăm viếng hay đi ăn kiếm chỗ đậu khó lắm .

Chuyện xe cộ to kềnh tìm chỗ đậu không những tại các thành phô ở Việt Nam , mà ngay cả các thành phố bên Pháp , Đức , Ý cũng khó khăn vô cùng . Nhất là bên thủ đô Ba Lê các xe hơi chiếc nào chiếc nấy đều hơi bị méo đầu móp đít vì khi đậu xe quá sát vào nhau , đến khi ra xe , tài xế phải de về sau , húc đằng trước mới có chỗ đi ra được . - Thế chị có ra ngoài Đà Lạt không ? Có thác Cam Ly , có hồ Than Thở , có đồi thông hai mộ .

Bà nhà tôi chen vào : - Lên trển chán thấy mồ . Mưa ri rí suốt ngày . Hồ Than Thở gì mà bé còn hơn cái hồ vịt gần nhà mình nữa .

Bên Texas tôi ở không hiểu sao lại có nhiều cái hồ con con , rộng đến khi cả mấy mẫu héc ta . Trong các phim video clip các ca sĩ hay đứng hát quanh quẩn bên các cái hồ này , lúc nào cũng có cả chục con vịt , ngan ngỗng , vịt trời lò dò quanh đó . Thằng bạn câu cá trời đánh của tôi đi câu ở mấy cái hồ mãi không được cá , ấm ức xách cái lưới tung bắt mấy con vịt về làm tiết canh nhậu . Có lần hắn khoe tôi xơi thử trứng ngỗng . Ăn nó ngai ngái không ngon thơm như trứng gà . Lâu lâu gặp hắn , hỏi han xem còn đi bắt vịt ngoài hồ không . Hắn nhe răng cười : " Bị cảnh sát cho tích kịt mấy trăm đô . Em sợ lắm ! " .

- Rồi chị có ra ngoài Huế không ? - Ra cả rồi , chả có gì coi ! - Sao lạ vậy chị ? Em nghe mấy người bạn khen ngoài đó đẹp lắm . Có cầu Trường Tiền sáu vài mươi hai nhịp , Ai lồng ngồng tắm có kịp về không ? Có tiếng hát hò sông Hương ... - À ! Chú nhắc đến sông Hương tôi mới chợt nhớ . Chú Xuyên cậu em rể tôi đó , lúc về bển , chú mướn nguyên một chiếc thuyền ra ngoài sông Hương ngắm trăng . Hôm bữa trời lại oi oi , sóng nước gì dập dềnh , tui đi đường xa mệt quá chừng . Tôi nghe được hai bà bài Vân Lâu núi Ngự gì đó , mắt tôi như cứ sụp xuống , mệt chán quá tôi đòi về khách sạn ngủ . Nhưng ông chủ ghe biểu không được : " Quí khách đã bao nguyên chiếc ghe , còn có cả đoàn văn nghệ hát chèo dân tộc xứ Huế . Họ phải hát hò đủ BỐN tiếng mới về . Thật chán ơi là chán ! .

Khi còn ở Việt Nam tôi chỉ mới bước chân tới Nha Trang , Bình Định , Đà Nẵng . Chưa có dịp ghé thăm xứ Huế mơ mộng . có các em nữ sinh Đồng Khánh áo dài tha thướt trên cầu Trường Tiền , lại chưa có dịp ngủ đò trên sông Hương , lắc lư theo nhịp sóng tiếng hò khoan nhặt Nam Ai Nam Bình .

Đêm nao, nghe khúc Nam Bình buồn trên dòng đời xuôi ngược, đành lãng quên bao nhớ thương. Đêm nay, dư âm đang vọng về. Trên lòng thuyền nghe não nuột, mơ hồ tiếng hát Giang Châu.

[Khúc Tình Ca Xứ Huế - Trần Đình Quân ]

thekids66

25-04-2008, 11:29 PM

Cám ơn bác TungSon1, đọc chuyện bác kể lúc nào cũng có cái lắng đọng phải suy nghĩ.

TungSon1

02-05-2008, 04:04 PM

Bạn TheKids66 ơi ! Đọc xong cứ cười vui là được rồi . Khi nào buồn rầu , tôi không viết được chữ nào .

Ve^` que^

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_99-3.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_98-3.jpg

- Thế chị đi ăn ở Việt Nam có món gì đặc biệt ngon hay lạ ? Có mấy cậu trẻ khoe nhắng nhít lên là món rắn hổ mang xào ớt hay dơi cắt tiết pha với rượu thuốc . Mỗi món như vậy cả vài trăm đô như chơi .

Chị Oanh lắc đầu nhăn mặt : - Tôi ấy à ! Có lần chúng tôi ghé đến một ngôi chùa phải đi đò mất cả tiếng , nên bảo chú tài xế ngồi đợi . Rồi đi ghé qua một cái quán bên đường . Chú em tôi dặn chủ quán làm một món đặc biệt vô cùng quí , bổ dưỡng vô cùng . Con gì mà nó nho nhỏ như vầy ? - Có lẽ là con mang con mễn . - Không phải , nó lại tròn tròn như quả dưa .

Tôi sực nhớ ra trên kênh đài du lịch , du khách qua thăm xứ Việt , nhâm nhi mấy miếng thịt con trút , gật gù khen ngon .

- À ! Chị muốn nói đến con trút hay có người còn gọi là tê tê . Da giáp vẩy cứng . Ở Mỹ có một loài tương tự armadillo , con này hay vi trùng bệnh phong cùi , nó hay băng ngang qua xa lộ ban đêm nên hay bị xe cán trúng lắm . Thịt nó em thấy người ta đem luộc lên cho mềm , xắt mỏng đem chiên , rồi thêm hành tỏi chanh ớt . - Không , món này chú em tôi dặn là hầm với thuốc bắc . Tôi nhai thử một miếng thấy dai và có vị tanh tanh . Tôi muốn ói không thử nữa . Mà món này rất mắc , chú em tôi tiếc , bảo chủ quán gói lại đem về . Lúc ra xe cho chú tài xế , chú ấy cứ nức nở khen ngon .

Giống trút hay tê tê nơi trú ngụ thường ở Á ,Phi và Bắc Mỹ. Người Á châu thường cho là thịt trút có tính bổ dưỡng cao cho người già cả , nhiều sữa cho các sản phụ , nên được coi là loại thuốc quí hay một món ăn cao lương.

Vài người quen trong xứ đạo ngồi nghe chuyện , có ông hỏi tôi : - Sao ông trưởng khu ! Dạo này thấy ông siêng năng đi đọc kinh dữ a . - Ông Tư khỏe không ? Ông thuộc khu Tử Đạo phải không ? Sáng mai lễ Chủ Nhật nhờ ông dâng của lễ .

Vợ ông Tư ngồi kế bên vui vẻ đỡ lời chồng : - Ông Trưởng Khu cứ yên chí , mai chúng em thế nào cũng có mặt , xin tiền hộ anh . - Nhưng khi khu dâng của lễ thì thường có bốn ông . Nay anh chị muốn dâng thì xin cho cả gia đình cùng lên .

- Thế thì em xin kiếu . Lần sau anh muốn thì phải báo cho em cả tháng để em chuẩn bị các thứ .

Ông Ba Râu ngồi đầu bàn khẽ khàng , xen vào : - Cho bả biết để đeo vài thứ lóng lánh trên ngón tay ấy .

Bà nhà tôi cười nhẹ nói : - Các bác biết không . Ông nhà tôi cứ gọi phôn mời họ đọc kinh , mà chả ai bắt phôn hết .

Tôi từ tốn phân trần : - Như lần trước tới phiên xin tiền . Tôi phải nhờ ông chồng bà Quí một tay .

Ông Ba Râu nói : - Phải cái ông già lấy bả trẻ hơn ổng vài chục tuổi không . Có lần tui đi đọc kinh nhà ổng , vừa bước chân vào nhà thấy để bàn thờ ông Thần Tài hay Quan Công ngồi chễm chệ dưới đất . Nhà có đạo ai lại thờ cúng lung tung như thế . - Tui nghe nói ổng trở lại đạo rồi mà .

Tôi tiếp lời : - Có mà , tôi hay thấy ông hay xem lễ . Siêng năng lắm , hễ nhờ xin tiền dâng của lễ là ổng không bao giờ từ chối . Nhưng tôi không hiểu cái ông Quan Công đó có trở lại đạo chưa ?

Mọi người cười ồ lên , lại tíu tít quanh những câu chuyện đâu đâu .

oooOOOooo

Trời đã vào xuân , cây cối đã khoác lên màu xanh mạ non . Những nụ hồng vàng trắng cam đỏ e ấp nở dưới ánh nắng ban mai .

Tiếng bà nhà tôi văng vẳng ngoài vườn sau : - Ông ra mà xem . Nước chảy lênh láng ở góc đằng kia kìa .

Căn nhà cũ tôi ở xây từ năm 1959 , lúc mua là năm 1994 . Tính đến bây giờ nó đã già đến 50 tuổi . Khi mà mua nó , hệ thống tưới nước chung quanh vẫn hoạt động tốt , chỉ trừ một mảng bên góc trái nhà tôi . Nơi đó không có nước , cỏ dại mọc tứ tung . Chẳng hiểu sao , dạo này mấy cái vòi nước [pop up ] ở khúc vườn đó cứ rỉ rả chảy nước ra . Nhà mua lại tôi không biết hệ thống tưới nước chôn ngoằn ngoèo dưới đất hình thù ra sao . Trên vườn cỏ Bermuda cọng dài xanh mướt đan chằng chịt chẳng biết mô tê nào mà mò . Hỏi thăm thằng bạn học về cơ khí , hệ thống tưới cỏ tự động [sprinkle system ] hoạt động như thế nào . - Trời ơi ! Mày hỏi tao cái đó , nhức đầu lắm . Tốt nhứt thằng nào ri rỉ , mày cứ bịt nó lại .

Thằng bạn thân tốt nghiệp kỹ sư cơ khí đã lâu năm phán như vậy . Thầy nói sao lại không tin . Tôi xách xe chạy lên tiệm Home Depot , một siêu thị chuyên bán đồ xây dựng sửa chữa nhà cửa , và mua được tám vòi nhựa , trên có nắp vặn kín .

Tôi xoay thử hộp kiểm soát mạch điện đặt ở ga ra . Sân trước , sân bên hông phải , sân sau vòi xịt lên nước vương vải xoè đều , riêng thằng bên trái tự nhiên vọt lên , nhưng dòng nước yếu xìu . Tôi đếm được tám anh . Để yên đó , tôi cẩn thận đào ven ven từng anh lên , và thay bằng vòi bịt chặt lại .

Bà nhà tôi hỏi han tôi : - Ông đã sửa chỗ bị rò chưa ?

Tôi hí hửng : - Rồi , bà cứ yên chí . Thợ rành nghề , ba mươi năm kinh nghiệm mà bà . - Sao mà ông sửa nhanh thế . Tui tính kêu thợ ống nước tới sửa . Nhưng mà thôi , rửa tay nhanh lên vào ăn cơm .

Qua hôm sau , ông Mỹ láng giềng chỉ cho tôi xem . Nước lênh láng , xâm xấp ướt sũng khu vực đó . Chỗ đó rộng cả mấy thước vuông , chả biết chỗ nào mà mò . Tôi đành ra khoá lại đường nước chính . Chờ khi nào nước rút bớt , đất khô đi . Lúc đó mình mở trở lại ra xem xét . À ! Thì ra còn một anh nữa . Thế là tôi bịt kín anh ta lại . Xong ! Ra mở hệ thống tưới cỏ .

Bà nhà tôi la toáng lên : - Ông ra xem kìa . Góc kia nước vọt lên quá trời .

Bình thường nước chảy ra ri rỉ , tôi bịt chúng nó lại thì không sao . Đằng này chẳng hiểu sao chỗ đó hôm nay giở chứng hoạt động , cái van [solenoid] mở ra , sức ép nước lên cả chục kí trên phân vuông . Anh nào yếu sẽ bị tung ra .

Ngán ngẩm tôi đành tháo ráp bằng những vòi pop up cũ , và khóa chặt đường nước tưới cỏ . Hạ hồi phân giải . Không có nước vào thì không có nước ra . Y như sách Cửu Âm Chân Kinh biểu : " Đạo trời có dư thì có thiếu , có cao thì có thấp , không vào thi không ra . "

Bạn có rảnh xin vào đây để xem và có cần tu bổ sửa sang xin nhớ gọi cho tôi : //www.oznet.ksu.edu/library/lvstk2/mf2401.pdf

Tung Son 2/5/08

xtruong1234

02-05-2008, 04:50 PM

Lại được đọc bài viết của bác Tung Son nữa rồi. Cảm ơn bác. Mong được đọc thêm bài viết của bác nữa.

tan sanh

03-05-2008, 05:50 PM

Lâu quá mới được đọc tiếp những dòng tự sự của bác Tùng Sơn. Giống như người thân lâu ngày gặp lại, cảm xúc buồn có, vui có. Chúc bác sức khỏe.

TungSon1

13-05-2008, 06:03 PM

Cha`o ba.n XTruong va` Tan sanh

Nấm Tuyết Tây Tạng

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_9.jpg

Vừa mở cửa patio ra vườn sau , tôi nhác trông thấy hai cậu bé con trai của ông bà tiệm Vĩnh Bình bán chả giò ngoài phố , đang leo trèo lên giàn mướp của bà Đạt láng giềng tôi . Bà ta bỏ rất nhiều công sức chăm lo tưới bón mấy cây mướp hương đang mọc trổ mầm dưới đất .

Tôi vừa cười vừa hỏi thằng bé con : - Này bé Brai ơn [Brian] , sao lại leo lên giàn mướp của bà Đạt vậy . Không sợ bà la cho à ?

Nó tay cầm chai sữa , ném xuống đất , lém lỉnh trả lời : - Bà không có nhà , cứ việc chơi . - Thế cháu không sợ đạp lên mấy cây mướp non của bà trồng à ? - Không sao hết , bà trồng cây khác .

Tôi quay sang bà nhà tôi nói : - Hai cậu bé con này nghịch thiệt . Ông chồng Đạt bế bi sít [babysit : giữ trẻ] gì mà hay thế , để chúng nó ra vườn chạy lung tung .

Chiều về tôi ghé sang nhà ông bà Đạt , gặp cậu bé Brian và tôi xoa đầu nó , hỏi : - Thế Brian có bị bà la không ?

Nó tay đang tu chai sữa , lắc đầu . Bà Đạt nhìn nó cười .

Tôi quay sang ông bà Đạt đang loay hoay dưới bếp hỏi : - Bà nhà tui nói là anh chị đang uống thuốc dán con Bìm Bịp trị bá bệnh phải không ?

Ông bà Đạt ngớ mặt ra nhìn tôi , tỏ vẻ không hiểu . - Thuốc trị bị bệnh cao máu và tiểu đường đó !

Bà Đạt cười toe toét , chỉ vào một cái tô lớn óng ánh chứa đầy chất như sữa trắng tinh . - Cái gì vậy chị ? - Thuốc . - Thuốc ? Sao lạ vậy , tui tưởng chị cũng uống sữa tươi ăn với si rồ [cereal : một loại thức ăn khô dành cho trẻ em ] . - Không , người quen cho tôi uống trị bệnh cao máu , tiểu đường , công hiệu lắm . Cái này uống ít nhất là cả tháng mới hiệu nghiệm .

Tôi nhìn vào trong tô chén , một chất lềnh bềnh trăng trắng nhìn như óc heo , hỏi : - Cái này gọi sao chị ? - À ! Cái ông Hải cho tôi , ổng nói là Nấm Tuyết Tây Tạng , lấy từ đỉnh núi Hi mã lạp sơn . Mấy ông sư ở trển uống vào , người như bay bổng lên , chân không chạm đất .

Mấy cái phép thuật khinh thân levitation của các vị thiền sư Tây Tạng tôi có đọc sách truyện Tintin biết sơ qua , cũng như coi vài chương trình biểu diễn show của ông làm ảo thuật da đen David Blain thấy ông ta bay lơ lửng , hai chân nhấc khỏi mặt đất khoảng ba bốn tấc .

Tôi hiếu kỳ hỏi tiếp : - Thế dùng làm sao ? - Cứ cho sữa tươi vào , loại sữa Borden màu tím hoa cà , [Loại sữa có 2% ít chất béo ] rồi ngâm đó 24 tiếng , rót ra ly là uống được . Còn cái thì mình cho vào cái rổ con con này rửa sạch cho hết chất sữa đi . - Hay nhỉ , còn nếu như mình chưa muốn dùng , chẳng hạn mình đi đâu chơi vài tuần , rồi để nó ở đâu ? - Thì cất nó vào ngăn đông đá , khi nào xài lấy ra cho sữa vào uống tiếp . - Vậy bữa nào cho tui một vốc để tui uống thử ? - Thế anh có bị cao máu không ? - Không . - Có bị bệnh tiểu đường không ? - Không . - Vậy anh không nên uống nó , nên uống loại thuốc khác . - Thuốc gì vậy chị ? - Thuốc dán con Bìm Bịp .

Sữa tuyết hay còn gọi là sữa nấm Tây Tạng [Tibet mushroom ,Snow Lotus , Kefir Grains ] , Tuyết Liên hay giấm Nhật . Sản phẩm này tương tự như Kombucha hay các loại giấm lên men khác . Hình dạng nhìn giống như bông cải trắng cauliflower . Thời gian lên men từ 12 đến 24 giờ nó sẽ tạo ra giấm vị hơi chua , rất bổ dưỡng cho sức khỏe , nhất là những người nào muốn sống lâu trăm tuổi như các bô lão người Nhật hay người Caucasus có thể trường thọ từ 120 đến 150 tuổi .

//www.happyherbalist.com/kefir.htm ... r%20grains

Tung Son 13/5/08

TungSon1

11-06-2008, 05:18 AM

Ảnh Chân Dung

Chiều thứ Hai tôi đang ngồi đánh cờ tướng với các bậc tiền bối trong trang mạng lưới clubxiangqi , chợt hai mẹ con bà hàng xóm bấm chuông ngoài cửa .

- À ! Chị Tám ! Mời vào chơi .

Chị Tám da trắng trẻo mịn màng , ngồi xuống quay sang bà nhà tôi : - Cái con chó con nó đâu rồi chị ? - Con Tô phù đó chăng ! Hồi đó chị cho tui , nó bé tí xíu . Nó kia kìa , ăn nó phễnh bụng nằm trong nôi kìa . Nhà chị còn mấy con tủn hả chị ?

- Sáu con . - Chị có đặt tên mấy con chó nhà chị không ? Chớ tui qua nhà chị , nghe gọi "Chúng mày ra đây ăn cơm . " Thế là lóc nhóc một bầy chạy ra .

Cậu Thanh con bà Tám lên tiếng : - Má à ! Con có xem hình bác Andy chụp chân dung đẹp lắm .

Tôi vội vàng đính chánh : - Không có đâu , bác chụp vớ va vớ vẩn mấy con tủn với mấy bông hoa thôi .

Bà Tám cười tươi : - Nói thật em sang đây tính nhờ anh chụp hình cho con gái em . Tuần sau nó đi lấy chồng , em mời anh chị sang chung vui với các cháu .

Bà nhà tôi nhe. nhàng đáp lời : - Không được chị Tám ơi ! Tuần sau chúng tôi về Việt Nam rồi . - Em cũng biết thế . Nhưng chuyện gấp quá . Tuần trước con gái em về nhà bảo muốn lấy chồng , muốn " ma ri" . Em bảo nó sao chi gấp gáp vậy , để làm đám hỏi trước rồi sang năm hãy cưới . Chả hiểu nó về thuật lại cho thằng bồ của nó ra sao . Cả họ hàng tông tổ từ bên tiểu bang Florida kéo sang đùng đùng chờ tuần sau đám cưới . Em trở tay không kịp . Thằng bồ nó còn đang đi học , học cái gì mà mà ... bốc thuốc đó .

Tôi xen vô : - Phải nó là bác sĩ ? - Không phải vậy , thấp hơn một tí . - Dược sĩ ? - Thấp hơn tí nữa . - À ! Thì ra cán sự dược khoa , phạc ma si téch [pharmacy tech] . Cái này chỉ học hơn một năm , lương cũng tạm được . Thế chị đặt tiệc cưới ở nhà hàng nào ? - Dạ , nhà hàng Ku long ở Arlington . - May ở đó còn chỗ , chớ nhà hàng Thanh Thanh đã đầy hết chỗ rồi . Còn quay phim chụp hình ? - Dạ có đầy đủ rồi , chỉ còn thiếu hình chân dung cô dâu chú rể để treo ngoài nhà hàng .

Ở Việt Nam lúc trước tôi nhớ ra hình như không có cái màn linh tinh này . Bên Mỹ này bày ra nhiều trò . Có lẽ một nhà hàng trong một buổi tối có hai hay ba đám cưới tổ chức cùng một lúc , nên phải trình làng hình cô dâu chú rể nhe răng trước cửa để họ hàng bạn bè tới dự khỏi bị lộn chỗ . Nhưng thật sự dù cho trưng bày tấm hình đó , bà con ta vẫn đi nhầm phòng như thường . Lí do là mình biết mặt bố mẹ chúng nó . Con cái mấy ông mấy bả lớn lên thay đổi hình dạng . Bởi vậy xem hình cũng chẳng giúp ích chi .

- Nói thiệt với chị , trước giờ tui chỉ chụp toàn đám ma đám "Thánh" thôi . Lúc trước tui có mang một bức hình dự thi giải Nghệ Thuật Nhiếp Ảnh Quốc Tế , nhưng chẳng được giải gì , nên tui bỏ nghề luôn . - Hình gì vậy anh ? - Con ma nhà họ Hứa . - Thôi mà anh . Chịu khó chụp cho cháu một tấm . - Cũng được , nhưng chị phải mang ra ngoài tiệm họ rửa cho . Thế ngày mai chị dặn cháu sửa soạn y phục nhé .

Bà Tám gãi đầu : - Chắc để Thứ Tư cho hai đứa nó chuẩn bị quần áo chứ .

Nói xong bà Tám quay sang bà nhà tôi : - Chị qua nhà em , em cho luôn con chó cùng sinh với con Tô phù .

Nghe vậy con bé Linda nhà tôi reo lên : - Vậy hở bác ! Má ơi , con đặt tên cho nó là Marshmallow nhé .

Bà nhà tôi gắt : - Con này cho anh Hai , nó bắt mang về nhà để nuôi , nó muốn đặt tên gì thì tùy nó .

Tôi xen vào : - Bố đề nghị như vầy , cái con đen nhà mình đổi tên Bô ba thành Tô Tồ , Tô phù vẫn là Tofu , còn con mới đặt là Tô Phèo nhé .

Boba là một loại thức uống giải khát , Marshmallow là một loại kẹo mềm , Tô phù là đậu hũ . Tô phèo lấy ý từ Chí Phèo của nhà văn Nam Cao . Người Trung Hoa hay đặt tên con gái mình là Tố Tố , Sở Sở , Trí Trí . Người Việt Nam ta nhất định không học cái hay này của người Tàu , không đặt tên con gái mình nhị trùng âm . Đặt là Mỹ Trang , Tuyết Lê chớ không bao giờ gọi tên là Trang Trang , hay Lê Lê Đồng Đồng có lẽ sợ bóng vía của mấy con tủn chăng .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_98-4.jpg

[ Hi`nh co^ da^u dda~ ddu+o+.c su+?a ddo^?i , xin thu+' lo^~i . ]

Mới hơn bảy giờ sáng thứ Tư tôi đã nghe tiếng bấm chuông ngoài cửa . - Mình đi giờ này càng sáng sủa , nếu không trễ một chút , trời nóng lắm chịu không nỗi đâu . Tôi nghe đài nói tuần này lên đến 96 độ F . Nóng còn hơn bên Sài Gòn nữa .

Nghe vậy bà Tám hối hả ra xe . Chiếc xe Oldsmobiles còn mới toanh , do một chàng thanh niên đang ngồi cầm tay lái vô lăng , nhìn giông giống như anh chàng người Mễ nào đó . Hắn gật đầu chào tôi . Bên cạnh là cháu Mai , con bà Tám trong chiếc áo cưới trắng tinh .

- Đi đường nào để chụp hình . Vườn hồng hả ? Bác chỉ đường cho cháu nó lái .

Tôi ở thành phố Fort Worth hơn 20 năm , mới biết có Vườn Hồng chừng vài năm nay . Nơi đây thỉnh thoảng tôi bắt gặp vài cặp cô dâu chú rể dắt tay nhau vào chụp hình . Đi kèm là vài ông hay bà phó nhòm , kể cả người phụ giúp . Trên đường chú rể quay sang cô dâu , giọng tiếng Anh lưu loát : - Cài dây an toàn vào em . [Seat belt , please . ]

Cô dâu chưa hiểu lắm : - What ! - Cài dây vô , cảnh sát đi bên cạnh kìa . Còn không cài vô , hai trăm đô đó bà .

Ngồi trên xe tôi bắt chuyện hỏi thăm hắn : - You từ bên Mễ qua ? Cháu tên là gì vậy ? - Không , cháu từ bên Cuba . Cháu tên là Isaac .

Hèn gì , nhìn hắn tuy trẻ tuổi nhưng tướng tá rất uy nghiêm . Đẹp trai như tài tử Marlon Brondo hay Alain Delon . - À ! Thế cháu có từng gặp ông Fidel Castro không ? - Có , cháu gặp ba lần cả thảy . Cháu đi thiếu nhi có thắt khăn quàng đỏ nữa . Mỗi lần gặp , ổng cho cháu điếu xì gà to lắm . - Thế Isaac có hút thuốc lá hay xì gà không ? - Không , cháu đem về cho ông nội cháu hết . - Cháu qua Mỹ lâu chưa ? - Cũng được vài năm . - Cháu đi diện bảo lãnh chăng ? - Không , vượt biên bằng ghe ca nô , cũng như em Mai này . Nó cũng qua Mỹ bằng ghe thôi .

Người ta nói Đồng thanh tương ứng đồng khí tương cầu . Bởi vậy một người ở phương Đông một kẻ phương Tây tâm đầu ý hợp , gặp mặt thương nhau ngay .

Bà mẹ cô dâu , bà Tám ngồi chung băng sau với tôi , sụt sùi : - Tôi bảo nó rồi . Từ từ học xong hãy làm đám cưới . Đời còn dài mà .

Tôi lấy ngón tay tôi khe khẻ đặt vào miệng tôi , nói nhẹ nhàng : - Nói nhỏ một chút , đàng nào chúng nó đã thương nhau , đã đồng ý lấy nhau . Bây giờ trời có cản cũng bằng thừa , huống chi là anh chị bố mẹ nó . Con gái trước sau cũng phải lấy chồng . Không lấy trước thì cũng lấy sau . Tui có xem một đoạn phim You Tube nói về một cô gái Việt thiệt xinh lấy một anh Mỹ đen , rồi có sao đâu . Họ đã thương nhau , thì chấp nhứt gì đến màu da tôn giáo .

- Bác Andy nói đúng đó má . Không lấy trước thì cũng lấy sau . Năm nay con mười chín rồi , bạn con đó có đứa lấy chồng lúc mười bảy tuổi . Má biết Nữ thập tam mà nam thập lục .

Bà Tam day dứt : - Giỏi dữ há , biết cả Hán Nho rộng rãi quá mà tiếng Anh tiếng u mày dốt sao mà quen được thằng Cuba vậy ? - Cần chi tiếng Anh mà má .

Vườn Hồng sáng thứ Tư êm ả một buổi sáng , loanh quanh vài bác thợ trồng hoa đang chăm tỉa những cánh hồng đủ màu sắc hồng cam đỏ vàng , hương thơm ngan ngát .

Tôi xách cái máy Nikon D70 cũ mèm loay hoay chụp vài phát . Bà Tám nói vọng lại : - Ông Andy à ! Thằng con tôi nó cũng đưa cái máy nhờ ông chụp luôn .

Tôi mở bao ra xem , một cái máy Nikon D70s mới hơn của tôi , nhưng không thấy thẻ nhớ memory card . Tôi đành phải dùng thẻ nhớ 512 M của tôi . Lang thang từ trên bậc thang , xuống quanh các bụi hồng gai , qua bờ hồ vắng bóng vịt bơi , lại loanh quanh qua khuôn cửa đá dây leo mọc tràn lan . Bà Tam tay ôm hai túi đồ nghề của tôi , thêm một túi máy ảnh của thằng con bả , thở dốc : - Cảnh đẹp quá , nhưng mệt quá , nóng quá .

Chú rể trong âu phục chỉnh tề đứng lên ngồi xuống trong các tư thế chụp hình , lấy tay phe phẩy trước mặt : - It's hot today ! [Hôm nay nóng quá ! ] - May là mình đi sớm , chứ trễ một chút đến trưa thì nóng đến cỡ nào .

Cháu Mai dù hơi mệt mỏi : - Xong chưa bác ? - Chưa , còn qua bên kia cảnh cũng đẹp lắm . Chạy xe qua bển chừng mấy phút thôi .

Bà Tám cười nói : - Có cần phải xách đống đồ nghề này nữa không ?

Tôi thông cảm : - Không cần chị , cứ bỏ nó ở xe .

Cửa chính vườn Hồng nằm quay mặt sang đường University Drive , kế cạnh là vườn Thực Vật Nhiệt Đới . [Tropical Plants] . Phía sau là bãi cỏ xanh mượt mà . Tôi mới vừa chụp được vài bô hình , bỗng thấy một ông Mỹ bước tới hỏi han : - Ông có cái plan [chương trình] chụp đám cưới hôm nay không ?

Tôi lớ ngớ trả lời đại : - Không , tôi chỉ chụp vài tấm là đi ngay . - Tại vì chúng tôi phải cắt cỏ , tưới nước sợ làm dơ bẩn quí vị . - Không sao hết , chúng tôi sang bên kia chụp hình .

Vườn Hồng Fort Worth tuy không to lớn như vườn Thực Vật Dallas , nhưng ỏ đây vẫn có nét đẹp hồng hoang . - Thôi đi về bác , cháu mười giờ còn phải thi cái test cuối cùng . - Ờ thì về .

Tuy hai ngày trước tôi chỉ hứa chụp cho hai đứa một tấm hình chân dung , nhưng sáng nay chỉ hơn một giờ đồng hồ với hai cái máy hình tôi đã chụp đến hơn 300 tấm . Nếu về lựa tới lựa lui cũng được hai trăm bức hình . Hi vọng không mất đầu mất chân .

Về đến nhà , tôi gắn máy Nikon để tải truyền vào côm piu tơ . Bà nhà tôi ghé mặt vào xem , bĩu môi chê : - Tưởng ông chụp chân dung ra sao . Ai ngờ chỉ thấy toàn phần trên . Cô dâu chú rể tui thấy ở các đám cưới họ chụp cả chưn lẫn đầu , từ trên xuống dưới . Vậy mà cũng chụp .

Tung Son 10/6/2008

TungSon1

16-06-2008, 02:28 AM

Chào các bạn

Về quê

Bước ra khỏi chuyến bay khởi hành từ Dallas , chúng tôi hỏi thăm cổng nào tới hãng máy bay Eva . - Đấy , ông bà cứ đi theo cái hướng N và S đó .

Phi trường Dallas có mấy terminal ABCE , còn phi trường này Seattle Tacoma ngoài những cổng A, B lại thêm terminal N & S . Tôi không hiểu N & S là cái chi và cứ đi theo mũi tên chỉ . Nơi đây chúng tôi đã thấy lố nhố dân đầu đen xếp hàng để check in . Một cô tiếp viên hàng không đang giải thích với một bà người Việt , tay kéo một bé gái đang say sưa ngủ trên xe đẩy : - Chị bây giờ phải trở về nơi lấy hành lý của hãng American Airlines , lấy hành lý rồi xách qua đây hoặc là chị cầm tờ giấy này biểu họ chuyển sang đây .

Bà hành khách mặt bí xị , không biết phải làm sao . Tay dắt xe đẩy hướng ra cổng . Bà nhà tôi hỏi tôi : - Sao hồi nẫy ông có nói hành lý mình về tới Sài Gòn không ? - Có chứ bà . - Ừ ! Chớ không lại như bà ta thì khốn khổ .

oooOOOooo

Tới Taipei , chúng tôi phải qua trạm kiểm soát hành lý xách tay một lần nữa , và cứ tưởng phải đi một đoạn rất xa để tìm cổng C3 . Nào dè , lần này chỉ đi khoảng hơn vài trăm thước đã tới , Dọc bên hông các cửa hàng đã mở ra rất sớm để chào bán . Cửa hàng Sony bán thiết bị điện tử máy ảnh laptop ... LG bán vài màn hình HDTV . Có một cửa hàng bày bán các con mèo Kitty màu hường rất dễ thương . Chúng tôi ghé vào một cửa hàng ăn uống , đứng ngẫm nghĩ không biết chọn món nào . Lúc đi ông bán vé máy bay nói chắc nịch : " Khi nào đói , anh cứ việc biểu mấy cô tiếp viên đưa mì gói là họ đưa cho anh thôi . " Lúc mà tôi hỏi , cô tiếp viên Eva xinh xắn lắc đầu nói không . Tôi ăn thử tô mì gà , uống một miếng , rồi đẩy cả tô mì sang cho bà nhà tôi : - Bà ăn thử xem , mì Đài Loan nấu ra sao ? Giống mì gói hả !

Bà nhà tôi và mấy đứa con tôi gật đầu đồng tình . - Các con biết cách nào ăn mì gói cho thiệt ngon miệng không ?

Mấy đứa con tôi lắc đầu . Tôi gật gù nói tiếp : - Lúc trên máy bay bố có coi phim Le grand chef của Hàn Quốc , ông đầu bếp vĩ đại được giải thưỏng Vua Bếp . Ống nấu mì gói cho nhà vua Hàn Quốc Kim Jong Sun gì đó . Ăn xong nhà vua cảm động quá mức , khóc nức nở , và nói qua làn nước mắt : " Nhà ngươi nấu mì làm ta nhớ đến mẹ ta quá , ăn y hệt mì gói bán ngoài chợ . " Nguyên tắc chính để ăn mì gói thiệt ngon là để bụng thiệt đói .

Tô mì gà tính ra là 7 đô la . Trên máy bay tôi cứ mơ tưởng được tô bún ốc thơm phức mùi tía tô xanh , nào dè vẫn chưa được . Mới đầu nhìn các cô tiếp viên hàng không , tôi tưởng dân Đài Loan xinh đẹp vô cùng , chân cẳng dài , dáng người thon thon . Bây giờ thấy mấy bà bán ở các cửa hàng này , thì họ cũng giống như người Việt mình thôi .

TungSon1

18-06-2008, 05:28 AM

Chúng tôi quày quả hành lý xách tay thủng thẳng đi về hướng hải quan để khai báo . Thoáng qua các cửa sổ , phi trường Tân Sơn Nhất đã được xây cất lại . Một màu xanh nhạt với kiến trúc hài hòa . Dọc hành lang bày biện vài chậu hoa phong lan . Cái gì nhìn cũng mới . Chúng tôi qua làm thủ tục nhập khẩu nhập cảnh cũng dễ dàng , không cần phải có thủ tục đầu tiên . Tới khu nhận hành lý , tôi vội vã đi tìm các hành lý . Chúng tôi năm người mười cái va li . Bà nhà tôi đã cẩn thận cột dây vải đủ màu hoa , cùng màu với mấy cái quần đùi đã may cẩn thân túi trong túi ngoài : - Ông cứ nhét tiền vào mấy cái túi này , không sợ mất .

Chúng tôi là những người ra sau cùng . Tìm mãi mới thấy được vài ba cái . Va li nặng đến 50 cân . Cái ở bên này cái ở bên đầu kia vòng xoay của khu Baggage Claim . Đồ đạc của mình chí được vài cái , còn lại của bà con hàng xóm gửi . Nhỡ thất lạc không biết ăn nói với người ta làm sao , trong đó chỉ toàn bánh kẹo , xà bông kem đánh răng . Lần sau có đi thì lẵng lặng như tờ , chứ không đi du lịch cứ phải lo ngay ngáy mấy cái hành lý này , nhiều khi bực cả người . May thay có hai ba anh hải quan kiểm hàng xăng xái : - Anh cứ để cho em kiếm xe đẩy cho .

Hành lý qua máy quang tuyến để kiểm tra . Bà nhà tôi móc cho 20 đô tiền hoa hồng . Ngoài kia nắng rọi chan chan , bà con ơi ới vẫy tay . Thấy ai vẫy gọi , tưởng người nhà ra đón nhưng không phải . Tới góc kìa mới nhận ra người thân . Lần này tay bắt mặt mừng , chứ không tui tủi nước mắt như lần trước tôi về thăm mẹ mất .

Trên các tuyến đường Hoàng văn Thụ , Phan Đình Phùng từng dòng xe chen chúc , len lỏi nhau , xe hơi ô tô , xe gắn máy hai bánh cứ chen vai sát trên các dãy phố hẹp . - Eo ơi ! Ghê quá bố !

Chúng tôi ngồi trên xe Toyota 7 chỗ ngồi , nhìn qua cửa kính quan sát các tay lái xe gắn máy lắt léo thật sát vào đầu xe . Cự ly đôi khi chỉ còn vài phân . Hầu hết là xe gắn máy Honda Future , Dream . - Sao bây giờ không thấy các loại xe Honda đam , Honda 67 ?

Chú tài xế nhoẻn miệng cười : - Mấy xe dẹp hết rồi anh ? Cảnh sát mà thấy họ phạt ngay , lấy cả xe đi .

Chỉ hơn 20 phút xe đậu trước đầu chợ , vẫn quen thuộc như ngày nào . Con đường vào chợ nước ươn ướt lấp xấp . Các gánh , sạp bầy bán rau cải trái cây mơn mởn tươi xanh . Xoài tượng , măng cụt , chôm chôm , bơ sáp , bòn bon đủ mọi loại mơn mởn khoe màu trong nắng chiều . Các quán cà phê thơ thẩn vài ông nhâm nhi ly cà phê chiều , miệng phì phà điếu thuốc ba con 5 . Tiếng rao hàng ơi ới mời khách qua đường : - Anh mua dùm em vài chục "Dật lộn " nha . - Măng cụt tươi lắm này anh , mua " dzìa" làm quà cho chị Hai nè .

Tôi chỉ cười , bước qua các bà bán quanh chợ . Căn nhà lụp xụp của mẹ tôi không còn nữa , cô em út bây giờ sửa sang lại , cho nó lên ba tầng lầu . Nền được lót bằng loại gạch bóng năm tấc vuông bóng loáng .

Chú em tôi phì phà điếu thuốc trên môi : - Anh thấy sao ? Saì Gòn có gì thay đổi chăng ? - Có chứ , lúc đi từ phi trường về đây , qua công viên Hoàng văn Thụ , đường xá thay đổi khá nhiều , cửa hàng thương hiệu mọc lên đầy dẫy . Tui nghĩ không có thành phố nào trên thế giới lại có nhiều đến thế . Nhưng vấn đề xe cộ lại quá nhiều , nhiều chỗ ùn tắc , rồi tui thấy xe chạy như vậy nguy hiểm quá , dù rằng ai cũng phải đội nón bảo hộ . Hồi đó tui đọc trên mạng lưới , có một ông phó tiến sĩ nào đó chế tạo ra nón bảo hộ bằng nửa trái dừa . Vừa rẻ vừa có đầy tính sáng tạo . Sao không thấy ai đội hết vậy ?

Cô em út tôi xách về một bịch trái cây , nào xoài tượng , chôm chôm , măng cụt , na , mận . - Đấy các cháu ăn đi . Con Thy mê trái này lắm mà . Bên này từ hồi Việt Kiều về , ai cũng đòi trái này nó mới lên giá . Chứ ngày xưa đâu có vậy .

Những cái múi măng cụt trắng nõn , ngọt dìu dịu . - Các cháu ăn trái này , đừng có nhả hột ra , nuốt luôn vào bụng .

Con bé Linda nhà tôi cầm trái cóc : - Thế trái này , hột có nuốt được không ?

Lần đầu tiên nhìn và ăn thử một số các loại trái cây , na , măng cụt , chôm chôm , nhãn , bòn bon . Có trái ăn được hột có quả phải nhè ra . - Ừ ! Tui cũng quên mua cho cô út loại cherry Mỹ , loại này màu hồng huyết dụ , ăn ngọt đậm đà hơn . Bên đó còn có trái Tuna , nó giông giống như trái nhào , bên trong lại nhiều hột như ổi , ăn thì cứ nuốt chửng .

Mới hơn sáu giờ chiều , trời dần tối . Vài cơn mưa đổ ập xuống , mang lại những cơn gió mát trong không gian mịt mờ.

hunga

18-06-2008, 02:54 PM

topic của bác tungson rất hay nhất là những dòng tự sự của bác ! chúc bác dồi dào sức khoẻ . hì hì chỉ vậy thôi

TungSon1

19-06-2008, 05:38 AM

Cha`o ba.n Hunga va` ca'c ban

My , cháu gái bà nhà tôi dắt năm người chúng tôi đi lên tới một khu phố nằm khoảng giữa đường Nguyễn Trọng Tuyển , Phòng Điều Trị Y Học Dân Tộc . Một ông dáng chừng ngoài bốn mươi da dẻ hồng hào , tôi đoán chừng là Đông y sĩ , ngồi trên cái bàn vuông nho nhỏ , hỏi chúng tôi có cần xem bệnh uống thuốc gì không . - Dạ thưa bác sĩ , con bé Linda nhà tôi sao chân tay nó cứ bị ngứa , rồi gãi lung tung . - Được rồi để tui coi cho . Cháu nó bị chàm ăn , nên cứ bị ngứa . Cháu nó phải trị liên tục cả tháng mới hết căn bệnh . - Sao bác sĩ bên ấy biểu cháu bị allergy dị ứng .

Ông thầy lang nghiêm nét mặt : - Không phải , cháu bị chàm . Bệnh này không khó chữa . Để tôi gọi người cho cháu vô trong chữa bệnh . Đầu tiên là phải giác mấy cái máu bầm ra , rồi ngâm chân vào nước ấm có pha thuốc .

Ngồi rãnh rỗi trong khi chờ đợi , tôi nghĩ thầm : " Đã tới đây rồi sao mình không đi khám bệnh xem sao . " . Tôi xòe bàn tay đưa cho ông y sĩ : - Tiện đây nhờ bác sĩ khám bệnh cho tui luôn .

Thầy lang chẩn mạch bằng ba ngón tay , mắt lim dim : - Tui có bị bệnh gì không bác sĩ ? - Bây giờ đo huyết áp ông 11/7 bình thường thôi . Nhưng theo kinh nghiệm hành nghề của tôi . Trong vòng ba năm ông phải cẩn thận coi chừng .

Tôi hơi giựt mình , thầy lang nói sao giông giống như thằng bạn tôi , thầy phong thủy bói toán . Hai thầy cũng trùng tên họ , chỉ khác nhau chữ lót thôi .

- Theo bác sĩ thì tôi bị gì ? Báo cáo khám nghiệm tui chỉ hơi cao đường , cao mỡ . - Mạch của ông cho tôi biết ông bị thận . - Thận yếu hả bác sĩ ? - Không , chẳng nhũng không yếu mà lại dương . Ông phải tới đây châm cứu 10 ngày liên tục , rồi nghỉ 10 ngày , rồi châm cứu 10 ngày . Ba lần châm cứu thì mới dứt căn bệnh hoàn toàn .

Tôi ngần ngừ không quyết đoán . Về Việt Nam thăm quê hương , định dẫn con cái đi thăm chỗ này chỗ nọ Huế Sài Gòn Hà Nội , bây giờ thoáng nghe thầy lang chẩn bệnh , đưa ra bệnh lý nghe đã hết hồn . Khám bệnh như vậy hết cả những ngày đi chơi .

- Bây giờ tôi cho thuốc hạ âm , vê uống đỡ . Khi nào ông quyết định cứ tới đây .

Nhìn ông ta có dáng đạo mạo , mặt mày tươi sáng hơn các ông thầy lang chỗ tôi ở bên Mỹ , tôi đánh bạo hỏi chuyện : - Hỏi thật bác sĩ nha , bác sĩ hình như có sống ở nước ngoài ? - Có , tôi từng ở bên Pháp 17 năm . Ba tôi là bác sĩ tây y , chuyên về tim . - Vậy thì tại sao bác sĩ lại chọn ngành đông y .

Ông thầy y sĩ chép miệng : - Thì ... hồi đó ông bị cơ tim nhồi , đưa vào bệnh viện . Bác sĩ tây y lắc đầu chịu thua , may gặp một bác sĩ đông y người Tàu , chẩn bệnh cho thuốc uống hơn chục thang thuốc , rồi hết bệnh ngay . Tôi hỏi anh , vậy anh muốn học ngành nào , Tây y hay Đông y .

Tôi nhìn quanh quẩn qua phòng khám bệnh , dù hơi nằm vào sâu một chút , cách đường chính hơn chục thước , ngang bảy tám thước , chiều sâu hơn hai chục thước . Nhà này tính theo thời giá là mấy trăm cây vàng .

- Phòng khám bệnh này của bác sĩ mua lại giá cao không ? - Không , của ông già tôi . Lúc trước bị tiếp thu , bây giờ nhà nước cho lại . - Sao tui nghe nói lấy lại nhà khó khăn lắm mà . - Trường hợp đặc biệt lắm . Hôm đó tình cờ ông viện trưởng gọi tôi khám bệnh khẩn cấp cho một ông nào đó . Tôi tưởng ông ta chỉ là một ông giám đốc gì đó . Ổng ngủ qua đêm dậy , chân tay không cử động được . Bệnh này đem vô bệnh viện chích là đi đời ngay . - Ông bị bệnh gì ghê vậy ?

Thầy lang gật đầu : - Trúng gió . Rồi tôi châm cứu ô?ng hơn một tiếng là ông đi đứng bình thường . Tôi đâu biết ổng là ai đâu , về sau mới ổng làm lớn lắm . Ổng có hỏi chuyện tôi , tôi kể đâu đuôi câu chuyện về căn nhà của ông già tôi . Anh biết không , chỉ trong hai mươi bốn giờ , tôi lấy lại căn nhà này ngay . Bây giờ căn nhà anh thấy đó .

Về nhà , tôi ngồi kể lại những gì trong phòng mạch cho các em các cháu tôi nghe . Cậu em tôi ngắm nghía tôi một lát , hỏi han : - Ổng biểu anh bị thận dương , tại sao vậy ? - À ! Ông nói tại mắt tôi bị đỏ , có nhiều gân máu . Tóc khô, trắng ở gốc .

Bà nhà tôi chen vào : - Mắt đỏ là ông tối ngày luyện chưởng trên mạng nét , Đại Đường Song Long chết tiệt gì đó , còn tóc ông bị trắng ở gốc thì tuần trước ông mới nhuộm tóc , một tuần lễ thì tóc bạc ông phải nhú lên chớ . Tui nhìn coi cũng đoán được bệnh . - Rồi ổng nói tui bị điếc một bên , tai nó kêu o o . Ổng nói điều trị cũng hết cả tháng . - Ông có khám trong tai ông không mà sao ổng biết ? - Không , ổng chỉ rờ ngón tay khám mạch thôi . - Tôi nhìn cái đầu ông cũng biết , ông nói chuyện với người ta mà cứ nghiêng một bên thì đứa trẻ lên ba cũng biết , phải không Linda ? - Dạ .

Bà nhà tôi nhẩn nha nói tiếp : - Lúc tui ở phòng mạch gặp một bà ăn mặc sang trọng , hỏi tui có muốn mua nhà mua đất ở Sài Gòn không . Bà nói bả có cả chục căn biệt thự lớn lắm , mua thì bà để giá rẻ cho . Tui hỏi bả làm sao mà chị có nhiều nhà thế . " Nhà tiếp thu của những người bỏ ra nước ngoài " . " Rồi bây giờ họ trở về không đòi được nhà hả ? " Bà ta bĩu môi : " Sức mấy mà đòi được ! "

Cậu em tôi hỏi : - Vậy ba người khám bệnh với vài lọ thuốc viên , chả có nhãn hiệu gì hết , anh trả hết bao nhiêu ? - Hình như là bốn trăm ngàn đồng . - Vậy thì mai mốt em chuyển ngành không đi dạy nữa , để đổi qua ngành y coi bộ khá .

TungSon1

21-06-2008, 07:46 PM

Chào VTTT và các bạn

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_99-4.jpg

Dòng sông đen bên cầu Kiệu một buổi sáng mai .

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_98-5.jpg

Một chiều đi câu cá "Chim Đài Loan " bên miệt An Phú Đông.

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_97-2.jpg

Đầm Sen "Ướt " , Trên dòng sông êm đềm , Lazy River " Chiều Chủ Nhật 21/6/08

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/at_96-2.jpg

Công viên Đầm Sen , bên Suối Nước Nóng Faithful Geyser

TungSon1

22-06-2008, 04:31 AM

Chú em tôi năm nay xấp xỉ năm mươi , cao hơn tôi hơn một khúc . Dạo này chú nhìn có da có thịt hơn . Tay luôn luôn cầm điếu thuốc lá . - Sao chú không bỏ luôn thuốc lá , tui nghe nói chú bị phổi ? - Dạ, hết rồi . Bây giờ em đi dạy nhiều khi mệt lắm , mà đi khám bác sĩ tìm mãi không ra . - Thế chú đi dạy ở nhiều trường không ? - Lúc trước thì được hai ba trường , nhiều tiết . Bây giờ chỉ còn dạy một tiết ở trường đại học Văn Lang thôi . - Tui tưởng chú dạy giỏi , được sinh viên quí mến chớ ! - Trái lại , cả ban hội đồng giáo sư ghét em lắm . - Sao vậy ?

Chú em cười nhẹ , miệng phì phà hơi thuốc : - Thì em chấm bài thi về Tin học , thí sinh 128 đứa em đánh rớt cả 128 đứa . Tụi nó học kém quá , tiêu chuẩn bài thi đâu khó lắm . - Sao chú không giống như các vị giáo sư khác , làm vậy ai dám nhờ chú chấm bài . - Đi thi giống như mình đi thi nhảy dây , sợi dây căng tới một mức nào đó . Nhảy qua thì đậu , vướng thì rớt . Cũng có vài lần sinh viên gởi người mang quà cáp tới biếu , em biểu họ mang về hết đi .

Tôi gật đầu đồng tình . Cần kiệm thì không có , nhưng liêm chính thì chú em tôi có thừa . - Cách đây mấy năm em vướng vào một vụ thưa kiện . Một sinh viên chắc có ai đỡ đầu đâm đơn thưa em chấm bài sai . Vụ này đưa đến Bộ Giáo Dục . - Bài thi ra sao mà chú đánh rớt ? - Em nghĩ rằng cậu sinh viên đó cóp pi từ một nguồn nào đó . Bài luận văn làm rất hay , với trình độ như hắn em nghĩ rằng hắn không thể nào đạt được mức như vậy .

Tôi tò mò hỏi thêm : - Đâu chú nói thử tui nghe xem ? - Em nói anh cũng chẳng hiểu bao nhiêu . À ! Hình như có một câu như sau : " Can not connect to an FTM server " .

Chú em tôi nói khá nhanh , tôi phải bảo chú ấy viết trên giấy tôi mới hiểu . - Hình như trước chữ " FTM" phải dùng A . - Đấy , chính anh tiếng Anh khá như vậy mà còn sai . Em đã thử rất nhiều ông nhiều bà có bằng cử nhân Anh Văn , họ vẫn dùng sai A và AN trong trong câu này . Trên nguyên tắc A được dùng trước phụ âm , AN trước các nguyên âm . Nhưng chữ " FTM" đọc là " Ép Ti Em " nên phải viết chữ AN thay vì A .

Mấy chục năm loay hoay với chữ nghĩa , A AN vẫn còn sai sót . - Làm sao chú biết vậy ? - Hồi xưa em nghiên cứu mấy tháng trời về mạo tự A AN nên khá rành . Em thấy cách anh nói tiếng Anh bây giờ không giống như ngày xưa . Giống như là ....

Tôi đỡ lời chú : - Mấy người Mỹ trong hãng tôi , nói tôi nói tiếng Anh giống hệt như anh chàng diễn viên Hồng Kông Jackie Chan . Nhất là những khi tôi bị canker sore lở miệng , chả có một ông một bà hiểu hết . Tôi nói tiếng Việt mà chị nhà còn chưa hiểu , phải không bà ? - Hả ?

Ngồi quanh đó nghe câu chuyện tào lao giữa chúng tôi , các con nghe câu trước câu sau . - Bây giờ tôi hỏi chú nhé , chữ OIL chú đọc làm sao ? - Oi , mấy cháu hiểu không ?

Mấy đứa con tôi lắc đầu tỏ ra không hiểu . - Ôn , ong .

Chúng nó vẫn nghệch mặt . Tôi chậm rãi nói : - Thôi để tôi nói thử chúng nghe nhé : " Oi ồ "

Tức khắc mấy đứa con tôi gật đầu hiểu ngay : - Là dầu xăng đấy mà .

Chú em tôi phản đối : - Mấy người nói không đúng giọng chuẩn của người Anh , giọng nói đó là của dân cao bồi Texas . Nói như em mới đúng giọng người Ăng Lê .

Moonlights

22-06-2008, 09:14 PM

hahaha... cái vụ British English và American English đá nhau thì em bị rồi. Mỗi lần em muốn người yêu em [sống ở Mỹ] nổi khùng là em làm 1 tràng với accent của British English. Chọc riết rồi bây giờ em bị cấm nói chuyện bằng tiếng Anh luôn :D Mà cũng khổ, em ở Châu Âu nên học tiếng Anh theo British English chứ có học theo tiếng Anh của người Mỹ đâu :[

T4S .

TungSon1

23-06-2008, 06:28 AM

Trong chợ đầy rẫy thức ăn tươi sống từ thịt bò heo lợn . Chỉ có gà đi bộ , tức là gà ta giá cả quá đắt 240 ngàn một con , gần 15 đô , nên vắng bóng các lồng gà ven chợ . Thay thế là loại gà công nghiệp làm sẵn bỏ vào bao , giá tương đối rẻ 55 ngàn một kí . Rau rợ từ rau muống , mồng tơi , dền , đay , cải đắng bí bầu tươi rói . Cá rô cá lóc xoay mình dẫy đành đạch trên các mâm nhôm tròn . Tiếng la ơi ới buổi chợ sáng : " Mua em cá điêu hồng đi anh . " "Mua dùm em ít tôm sú về nấu canh cho chị Hai này anh ... " .

Ở đây hơn một tuần các bà các cô thấy mặt tôi vào sáng sớm cứ mời inh ỏi . Tôi ghé vào một quán nghêu sò ốc hến , vừa ngồi xuống tôi vào một rổ ốc không biết tên . Chị chủ hàng tươi cười : - Chú ăn ốc bông này hả ? Làm cách nào ?

Tôi ngẩn người ra , ốc thì chỉ có việc luộc ra rồi chấm mắm gừng hoặc muối tiêu chanh . Hỏi như vậy biết đường nào trả lời . Tội ậm ừ không nhất quyết . Một bà trạc bốn mươi tuối đang ngồi khêu ốc kế bên , góp ý : - Chắc ông này Việt Kiều về , hổng biết đường ăn ốc , toàn là " Ốc chi? " . Thôi làm món ốc rang me cho ổng ăn , rồi tính luôn phần tui cho ổng .

Chị chủ quán nhanh nhẩu gật đầu : - Được chị Bé .

Tôi quay lại nhìn bà ta , tự nghĩ : " Chị này mà bé , cũng bảy tám chục kí . "

Một trái vịt lộn , đĩa ốc bông và đĩa sò huyết chừng 25 ngàn đồng . Bên cạnh một chị quần áo hơi lếch thếch , áo trắng thành màu xám đen , ngồi rao với giọng miền Trung không nặng lắm : - Tẹp tươi , tẹp tươi đây . Năm ngàn đồng một lạng .

Nhà tôi năm người cộng với gia đình cô em út tôi bốn người . Nếu ăn thì ít nhất cũng nửa kí . Vài ba bà mua tép cũng chỉ hai hoặc ba lạng thôi . - Cho tui nửa kí tép . Bao nhiêu chị ? Hai mươi lăm ngàn hả ?

Bà nhà tôi cứ mỗi lần nhìn thấy mấy con tép khô bán bên Mỹ , cứ chép miệng : " Giá như có món tép tươi ăn nhỉ . Nó cứ nhảy tong tóc cả lên , nghĩ đến mà mê .

Tép rang thì phải có món rau . Kế bên là hàng bán cua đồng , với rau đay , mồng tơi , mướp . Những chú cua màu nâu sẫm bò lỗng ngỗng trong chậu . Bà chủ sạp nói giọng Bắc lơ lớ : - Anh mua cua dùm em . Cua này vừa mập vừa béo .

Tôi ngần ngừ không biết tính ra sao . Bà nhà tôi sáng sớm có dặn rằng , mua chỉ chục con thôi , đủ nồi canh . - Cho tôi một tá .

Bà ta ngoay mặt dỗi : - Cua em mà anh chỉ mua thế thôi à ! Làm sao em bán . Ít nhất là cũng nửa kí hay vài lạng . Đây này cua em , em xay sẵn thành bọc rồi . Bọc nhỏ mười ngàn , bọc lớn 15 ngàn . Anh lấy luôn rau đay nhé , một bó không đủ ăn đâu anh , phải bốn bó . Lấy luôn mồng tơi nhé , thêm hai bịch cà ghém . Làm sẵn hết rồi , anh cứ việc về bảo chị nấu cho xơi .

Vừa về đến đầu ngõ gặp cô em , tôi xoè bịch tép cho cô em tôi xem . Nhìn qua cô em tôi lắc đầu : - Mới hôm qua ăn tôm sú , hôm nay lại tôm tép , mà loại tép riu này em chưa hề ăn qua . Anh cứ nấu mà ăn .

Nói xong cô em tôi quây quả bước thẳng ra chợ bán . Hai anh em cùng một mẹ cha , từ Bắc vào trong Nam 54 . Những món ăn miền Bắc hồi bé mẹ thường nấu cho ăn , rau muống luộc , muống xào , trứng bắc , rau đau nấu cáy , tép rang vắt chanh . Cũng có khi tôi nấu cho cả nhà ăn . Rồi khi vào sống trong chợ toàn người Nam , bây giờ nước mắm chấm rau cô em pha đẫy đường vắt tí chanh ớt làm tôi khó ăn quá .

Bà nhà tôi đang vắt vẻo ngồi uống cà phê sữa : - Ông mua gì lắm thế ! Đồ ăn đồ uống còn đầy trong tủ lạnh , nào xem ... tôm sú , thịt heo kho tàu . Bây giờ ông vác món gì về vậy ? - Tép tươi mà bà hay ước ao đấy . - Tép hả ? Tép này muốn ăn ngon phải cắt đầu cắt đuôi .

Tôi thẫn thờ , mở he hé bịch tép ra . Mấy ngàn con còn đang tưng tưng , bỏ đầu bỏ đuôi phải đến cả ngày . - Vậy thì tôi mang ra trả , hổng ăn nữa .

Chị hàng tép vẫn còn đó , miệng còn rang inh ỏi . Tôi ngồi xuống bên cạnh , giọng nhỏ nhẹ : - Chị Hai ui ! Bà nhà tui biểu tép này muốn ăn , phải cắt đầu cắt đuôi . Mà làm sao tui cắt hết , hồi nãy tui mua của chị 25 ngàn , để lại cho chị 15 ngàn thôi .

Nghe qua , chị ta lắc đầu nguầy nguậy : - Tẹp này bạo chị không thệ căt đầu căt đuôi . Cự việc rang lên , nọ sẽ rụng đầu rụng đuôi . Bây giờ anh cọ cho em , em cũng không lậy tẹp anh được .

Thế là tôi mang tép về nhà loay hoay rửa sạch , nhặt ba cái linh tinh rác rến , phơi cho ráo nước và mang lên bếp cho hành tỏi rang khô . Mùi thơm sực nước mắm loang ra khắp nhà bếp . Ngoài chợ tiếng rao vẫn lanh lảnh buổi chợ đông .

- Ai mua cua mua tép hôn .....

TungSon1

30-06-2008, 09:03 AM

Chú em tôi cùng cô bồ sống chung đã nhiều năm [tuy chưa cưới hỏi ] ngồi trên chiếc ghế gỗ trong bàn khách . Lần trước hai vơ chồng chú em tới chơi nhưng tôi đi vắng . - Thím tên gì vậy ?

Chú em tôi nhanh nhẩu : - Trân .

Nhìn thoáng qua , cô em dâu tôi có nét hơi lai người Tàu . - Có , gần hai mươi đời rồi . Dạ , quê em ở Long An . Em hả ? Em họ Trần . - Ô ! Vậy thì Mỹ sẽ gọi là Tran Tran .

Chú em tôi tay vẫn vân vê điếu thuốc 555 : - Anh chị và các cháu đi Thái Lan vui không ? - Vui chứ . Khi nào chú thím có dịp đi Thái cho biết .

Chú ấy biũ môi : - Trân tháng Tám này đi , còn em thì không ? - Sao vậy ? - Em không thích , có lẽ là vì xứ Thái không văn minh văn hóa bằng mình . Nói chung ở châu Á chỉ có Nhật , Trung Quốc , Hàn có nền văn hoá xấp xỉ với mình thôi .

Tôi không thích bàn cãi về các nền văn minh của từng xứ từng miền . Nhưng qua chuyến du lịch xứ Thái mới biết rằng ngoài những lời hướng dẫn của hai đoàn trưởng của hai công ty đối tác Saigon Tourist và Donna Tourist , tôi nhận thấy cách cư xử lịch sự của dân Thái có lẽ hơn nhiều dân tộc ở châu Á châu Âu , Mỹ kể cả Việt Nam .

Tông , chú em rể tôi rót bia Saigon vào từng ly : - Mời các anh . Bia này tuy không bằng Heineken , nhưng đậm đà không kém .

Uống qua vài ly , chú em ngà ngà : - Anh biết không , bây giờ mình không được gọi dân Thái , dân miền Thượng là dân mọi nữa . - Vậy gọi là gì ? - Người dân tộc . - Vậy mọi da đỏ bên Mỹ phải gọi là gì ? - Phải gọi là người dân tộc da đỏ .

Tôi bật cười , nói : - Thiệt ra , mọi da đỏ là do người mình gọi . Khi những năm 30,40 chiếu phim cao bồi uýnh nhau với dân Indian , thấy mặt mày họ sơn xanh sơn đỏ nên đặt chết tên họ . Người dân da đỏ da họ cũng giống như dân châu Á thôi . Nói nãy giờ quên , để tui vô lấy gọt trái Thanh Long đỏ , xoài Gòn của Thái ăn thử .

Chú em mở to mắt ngạc nhiên : - Ủa có Thanh Long đỏ sao ? - Có chứ , nó đỏ sậm màu như củ dền . Sao ! Chú ăn thử nó ra sao ? - Cũng giống như thanh long ruột trắng của mình thôi . - Lúc ở bên Thái , một bà đi cùng chuyến , nhìn thấy trái này cũng ngạc nhiên như chú . Tui ghẹo bả : " Chị Hai ui , trái này không phải là Thanh Long , mà là trái Hồng Long . " Bả tin như sấm nổ , gật đầu lia chia . Còn xoài Gòn Thái ra sao , ngọt ngay và sừng sực phải không ? Trái cây Thái nổi tiếng với sầu riêng , bòn bon , măng cụt , còn mấy loại khác chắc không bằng .

Chú em tôi tiếp tục ngà ngật : - Còn heo mọi cũng không được gọi là Heo Mọi nữa , phải gọi là Heo Miền Núi , hay là Heo Dân Tộc .

Chà cái này coi bộ không khá . Người Mỹ bên đó thỉnh thoảng có người nuôi Heo mọi để làm thú cưng [pet] trong nhà . Khi tôi hỏi họ , họ tưng tửng trả lời : "Oh ! Vietnamese Pig, you don't know ??? " Đó là danh tự chính thức cho loại lợn này , cũng như lọai ớt hiểm , Thai hot pepper . Mình văn hoá văn minh biết bao , bây giờ lại phải thành dân tộc sao .

Vừa lúc đó , một cô cháu chú Tông bước vào trong nhà , tay ôm một bọc giầy dép và chào bán : - Giầy này bền bĩ lắm , chồng cháu làm ở sân bay đi cả chục năm vẫn chưa mòn .

Chiếc giầy da màu nâu sẫm , đế cao su thấp , giá đến gần 400,000 đồng VN [trên 20 đô la ] , tôi lật tới lật lui vẫn không tìm ra xuất xứ nước nào làm . - Hàng xịn , cao cấp đấy chú .

Chú em tôi nhanh nhẩu hỏi : - Phải giầy " dân tộc " không cháu ? Lựa cho chú một đôi , cho thím một đôi .

TungSon1

01-07-2008, 05:43 AM

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_99.jpg

Cho+. ban sa'ng

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_98.jpg

Cung DDie^.n Hoa`ng Gia

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_97.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_96.jpg

//img.photobucket.com/albums/v612/atran1/an_95.jpg

thekids66

01-07-2008, 11:36 AM

Lâu lâu đọc chuyện của bác TungSon1 kể thấy sống động và dí dỏm quá. Chúc bác và gia đình có chuyến về quê vui vẽ, nhiều kỷ niệm.

Bodegabeo

01-07-2008, 05:57 PM

Những câu chuyện của bác rất thú vị, nhẹ nhàng, dí dỏm. TFS. Chúc bác luôm mạnh khoẻ.

TungSon1

02-07-2008, 07:22 AM

Cha`o Ba.n TheKidd , BoDeGaBeo

oooOOOooo

Trên đường đi thăm nhà chú em út tôi ở miệt Bình Triệu . Xe chạy qua đường Hai Bà Trưng , rẽ sang đường Điện Biên Phủ , thẳng Ngả Tư Hàng Xanh . Các tuyến đường dày đặc đủ loại xe cộ , từ xe buýt sơn xanh vàng An Nhơn Bình Thạnh , xe tắc xi Vinasun , ô tô riêng Toyota , xe gắn máy chen chúc nhau , len lỏi trên các ngả đường . Hầu như không có luật đi đường nào nhất định cho các vị tài xế này . Dù cho có đèn giao thông xanh đỏ , người lái xe gắn máy liếc nhìn xem ở ngả tư đó có cảnh sát giao thông hay không , và cứ vậy họ luồn lách cứ thế mà đi .

Đoạn đường từ đường Điện Biên Phủ tới Ngả Tư Hàng Xanh mở ra nhiều tuyến đường , hai bên có trồng vài cây dừa , cây cọ trên các mảng cỏ xanh tươi . Dọc hai bên , nhà cửa xây san sát , cái cao cái thấp lô nhô như răng ông già bà lão . Đây cửa hàng bán vật tư xây dựng , bên cạnh bán quần áo treo lủng lẳng . Vài bà ngồi bận bịu múc chén chè trao cho khách ven đường . Xe đạp hầu như chạy rất ít trên đường . Ai nấy đều muốn có một phương tiện chuyên chở nhanh hơn để đi làm hoặc vui chơi , xe gắn máy đã giải quyết được vấn đề này . Một thành phố có 10 triệu dân mà có vài triệu xe gắn máy , đường xá lại đang sửa lại cống rảnh thoát nước , các lô cốt nằm ụ trên các tuyến đường , làm sao mà xe cộ không ùn tắc được .

Chúng tôi ngồi trên xe tắc xi 7 chỗ ngồi . Khi người cháu tôi ngồi chỉ đường cho cậu tài xế : - Đó , cái hẻm vừa qua . Bác tài quẹo lại giùm .

Thế là xe quay chữ U ngon lành , mặc kệ đoàn xe trước mặt tiến tới . Kẻ chen người lách , làm sao thì làm , miễn có kẻ hở là chun vô . Có lẽ không ai ý thức được việc mình làm , dù trên các biển ngữ treo trên các hẻm ra vào : " Tổ Dân Phố Phường 2 Quyết Tâm Xây Dựng Nền Văn Hóa tốt đẹp " .

Đường ta , ta cứ đi Nhà ta , ta cứ xây Ruộng ta , ta cứ cày .

Trên xe tôi hỏi thử cậu tài xế : - Theo như anh , làm sao để giải quyết nạn kẹt xe như vầy ?

Cậu tài xế ngần ngừ : - Mấy cái chuyện này làm sao em giải quyết được , để cho mấy ông lớn lo .

Nhà chú em nằm khá sâu trên tỉnh lộ 13 , sát con sông . Cách đây mười mấy năm , khu này còn có những hàng dừa cao ngất , nghiêng ngả theo chiều gió . Bây giờ nhà cửa xây san sát nhau . Chú em tôi được ông bố vợ chia cho một miếng đất . Nhà bề ngang bốn thước , dài hơn chục thước . Chú em tôi hãnh diện khoe : - Nhà em tự vợ chồng xây lấy , có điều không đủ tiền nên tường không có thép , không kiên cố lắm . Móng nhà em xây 40 phân , tường thì có 10 phân thôi . Còn la phông vợ chồng em tự làm lấy .

Nhìn quanh ngỏ hẻm , vài con mương nước xanh đục . Rau muống , lục bình chen lẫn mọc lẫn lộn . - Ở đây xa chợ , nhiều khi chúng em làm biếng , cứ việc ra bứt mấy rau dền , rau muống mọc hoang về xào hay luộc về cải thiện bữa ăn .

Cạnh bờ mương , một cái miễu nhỏ nhang hương đang nghi ngút . Tôi nhìn thoáng vào trong , vài hình tượng khắc ngồi chễm chệ . - Ủa , sao ở đây lại có cái miễu này vậy ? - Miễu Ngũ Hoàng , thờ Ba Bà Hai Ông , linh lắm anh Hai ! - Linh thiêng làm sao , thím nói rõ cho tui nghe . - Thì cách dây vài năm , bà Tư bán chè đầu ngõ . Bả nghèo lắm . Lúc trước cái miễu này nhỏ lắm , bả ra khấn vái làm sao đó , mấy ngày sau trúng vé số cặp mười . Thế là bả xây lên căn phố mấy tầng , rồi bả tu bổ lại cái miễu hoang đó . - Rồi ông chủ tịch phường không nói gì à ! - Dám nói , ông ăn quá xá , anh coi cái nhà đằng kia , hai ba tầng . Nhà ổng xây cấp 2 , còn nhà của em cấp 4 . Gió thổi mạnh là nó muốn rung rinh .

Tôi bật cười , nói : - Vậy tí nữa chú dẫn tôi ra Miếu Ngũ Hoàng , cầu xin một tí . Nhưng tốt nhứt phải xin trúng lô tô bên Mỹ mới được nhiều . Nhứt là Mega lô tô , trúng đến mấy trăm triệu đô .

Không hiểu sao , từ Mỹ đến thăm nhà người cháu bên vợ và chú em tôi , lần nào cũng bị cúp điện . Ngồi trong nhà không có quạt , trời hầm sắp chuyển mưa . Ai nấy đều toát mồ hôi . May sao trời đổ hột mưa . Mái nhà tí tách vỗ lộp bộp trên mái tôn . Con bé Linda nhà tôi kêu lên : - Hình như có mưa đá . Kêu to quá .

Bà nhà tôi lên tiếng : - Không phải đâu , tại mưa rớt trên mái tôn , nên kêu to thôi . Nhà rỗng kêu to đấy con .

Chú em tôi pha trò : - Ngày xưa điện có 3 tầng , bây giờ điện có 4 tầng .

Chú út Loi nhà tôi , khi còn bé tôi hướng dẫn chú làm bài tập lớp 2 , dạy chú làm toán chu vi và diện tích hình vuông . Nói mãi mà chú không hiểu , tôi tức mình hỏi chú : " Chú bây giờ không học , mai mốt chú lớn lên làm cái gì để sống . " Chú trả lời ngon ơ : " Em đi bán cà rem . "

- Sao lại có bốn tầng ? - Dạ . Cao thế , Trung thế , Hạ Thế . Bây giờ mỗi lần cúp điện con nhà em lại biểu : " Kỳ thế ! "

Trời hơn sáu giờ , đèn điện không có . Cảnh vật lờ mờ . Chú em út tôi dắt qua nhà chú Thăng , em thứ tư của tôi . Chú đi dạy học mới về . Hai vợ chồng chú thím đang ngồi trên bộ ghế ăn mì gói , bên cạnh là đĩa rau cải luộc . Dưới hai ngọn nến lờ mờ , tôi vẫn nhìn thấy chung quanh tường , các kệ ngổn ngang những sách là sách . có cuốn dày cuốn mỏng .

Chú em phân bua : - Tưởng chỉ có mình anh tới chơi , ai dè cả gia đình tới .

Nhà tôi chỉ những kê.ngăn sách : - Chú làm gì mà đọc sách nhiều vậy ? - Tại chị không biết đó thôi . Có hai loại người đọc sách , một loại đọc chỉ lấy văn bằng , còn loại kia như em , đọc chỉ lấy kiến thức . Ai hỏi gì cũng biết .

Bà nhà tôi cười , lấy tay chỉ vào tôi : - Như nhà tôi mà như vậy , tôi đem vất đi hết . Để sách vở nhiều như vậy , chỉ tổ cho gián chuột làm tổ .

Tôi chen vào : - Bởi vậy nên dạo này anh toàn mua sách có hình .

Hai chú em tôi thắc mắc : - Sao vậy ? - Sách có chữ tiếng Anh , chỉ đọc không được . Còn sách hình xanh xanh đỏ đỏ thì chỉ thích lắm .

Chú Thăng hỏi thêm : - Nếu vậy , hai cháu lớn học đại học , chắc sách vở cũng nhiều ? - Không , chúng nó học xong năm nào , bán sách luôn năm đó để mua sách mới . - À ! Ra vậy .

Phòng khách nhà chú vuông vắn , 4 mét nhân 4 mét . Sách vở tứ tung đầy ba vách . - Thế bên trong còn sách nữa không ? - Còn chứ . - Thế vợ chồng chú ngủ ở đâu ?

Bà nhà tôi chêm vào : - Ông hỏi gì mà hay thế ? Thì ngủ trên đống sách , chớ ngủ ở đâu nữa .

Cách đây mấy năm , bà nhà tôi có cho chú năm ngàn đô để chú nâng cao cái nền lên . Mỗi năm vào tháng 9 tháng 10 nước sông dâng cao . Khu miền này đều ngập tới đầu gối . Bao nhiêu tiền chú đều đổ vào mua sách .

Lúc ra về , bà nhà tôi chép miệng : - Nội bao nhiêu sách , lúc trước chú dành để mua đất xây phòng trọ . Có lẽ bây giờ chú đã là triệu phú ... - ... Bất đắc dĩ . Bà không nghe chú Loi nhà này nói sao . Chú có bà chị vợ , có mấy căn nhà trọ . Mỗi tháng mỗi phòng 3 nhân 5 mét được hai trăm ngàn . Đến chiều tối họ là công nhân đi làm về , réo um lên : " Bà chủ ơi ! Bơm nước cho chúng em tắm ! Chị Sáu ơi ! Cánh cửa này đóng không chặt , mưa tạt vào ướt hết đồ chúng em ... em rồi !

Ngoài đường ngõ , mưa vẫn rơi tí tách . Cảnh vật tối om xen lẫn ánh đèn dầu le lói . Ánh đèn xe lấp lánh chiếu trên mặt đường lộ .

Trở về nhà cô em út tôi , con bé Linda nhà tôi đòi : - Bố làm cho con tô mì gói . Lúc nãy ở nhà chú Thăng , con nhìn chú Thăng ăn ngon lành quá .

Bé út nhà cô út tôi nhìn vào chén cơm , trên đó vài hạt đậu Hà Lan chiên giòn mà tôi mua trong siêu thị Thái : - Sao bác ăn cơm gì lạ vậy ? Chỉ có nước tương với hột đậu . - Cháu hỏi gì mà KỲ THẾ ! Bác ăn vậy quen rồi .

TungSon1

07-07-2008, 05:19 AM

Chú Hùng , em thứ ba tôi , mất cách đây mấy năm vì nghiện xì ke ma túy . Dù có vào các trại cai nghiền , nhưng khi trở ra , chú em tôi vẫn chứng nào tật nấy . Để mưu sinh chú làm nghề mài dao trong chợ . Các bà các cô trong chợ ưa thích lối mài dao của chú . Dao vừa bén , giá lại rẻ , hai ngàn đồng một con . Khi mài dao chú trong cơn say , cứ liếc tới mài lui , dao nào mà chẳng bén .

Hôm qua tôi lơn tơn ra cuối chợ , mấy bà bán cá đon đả chào mời : - Anh mua cá của em , cá bông lau hay cá tra ? Mua về nấu canh chua cho chị ăn nhé . - Nhiêu một con ? - Em không bán con , bán theo kí . Người ta em bán 40 chục ngàn , em lấy rẻ , chỉ có 35 ngàn thôi .

Cá bông lau đầu nhỏ , bụng bự , mình trắng xám . Hình dáng từa tựa như loại cá catfish bày bán trong các chơ. Việt bên Mỹ .

Chị bán cá sau khi làm sạch cá , tươi cười hỏi : - Hình như anh là anh của anh Hùng , ảnh mài dao trong chợ này .

- Ờ , tui là anh của nó . Hôm kia tui nằm ngủ trên tầng chót , cạnh bức hình no' treo trên bàn thờ . Nó báo mộng cho tui là co' vài bà vài cô còn thiếu tiền mài dao của nó .

Hai ba bà bán cá quanh đó , nghe vậy xua tay , lắc đầu nguầy nguậy : - Hông co' đâu anh , tụi em sòng phẳng lắm , chắc hổng thiếu tiền của ảnh đâu .

Chú em tôi mất vào tuổi 49 , chưa vợ . Dù tướng tá cao ráo , đẹp trai nhưng không cô nào trong chợ ưa thích , có lẽ không muốn phải nuôi ông chồng tối ngày đi mây về gió .

Tôi hỏi đùa thêm : - Trong các chị xinh đẹp , nói năng nhanh nhẩu ở đây , có ai là bồ của nó ?

Lần này mấy bà lại lắc đầu mạnh hơn : - Không có ai đâu anh . Đừng trêu tụi em nữa mà .

oooOOOooo

Tôi ngồi quán cà phê xó chợ , chợt nghe một ông chạy xe ôm đậu xe gắn máy , hỏi vọng vào quán . Bà chủ quán đang bận rộn pha cà phê cho khách , nghe không rõ , hỏi lại : - Ô?ng hỏi gì vậy anh ?

Tôi lập lại : - Ổng hỏi ở đây có thuốc lá Ba táp không ?

Mấy cậu thanh niên trong quán cười ầm lên : - Thuốc lá Bastos ông nội , về đi khám tai đi .

Về nhà cô em út tôi bàn ra : - Em có hỏi các tiệm thuốc tây , họ nói phải đi khám bác sĩ rồi có toa mới mua được thiết bị trợ thính . Cái rẻ nhứt hơn một triệu . - Khám ở đâu vậy ? - Ở bệnh viện tai mũi họng , gần đường Lý Chính Thắng . Để em nhờ chú em chồng chở đi .

Bệnh viện tai mũi họng có dạng như một clinic bên Mỹ , cao mấy tầng lầu . Gởi xe bên trong , chúng tôi được mấy chú bảo vệ chỉ vào hàng người đang xếp hàng : - Anh vào đây đóng tiền khám bệnh .

Tiền khám bệnh thường 20 ngàn , khám dịch vụ 50 ngàn . Tôi thắc mắc hỏi chú em khác nhau giữa hai loại khám bệnh : - Khám dịch vụ thì nhanh hơn , khách không phải đợi lâu .

Bệnh nhân ngồi khám có lẽ tới mấy chục người , ngồi đầy các băng ghế nhựa . Khi bảng số nổi đỏ báo đúng số thứ tự , tôi bước vào phòng khám . Bên trong có hai ông đang ghi tên vào sổ bạ . Một bà có lẽ là bác sĩ đeo kính trắng , miệng che khăn , chỉ trỏ tôi ngồi xuống : - Bác bao nhiêu tuổi ? - Dạ , chưa khám lần nào . - À ! Bác bị tai điếc . Bác đưa tai tôi xem , bác nghe không rõ từ hồi nào ? - Dạ , tui có đi khám ông đông y sĩ , ổng biểu kinh mạch kỳ mạch gì bị tắt , cần phải châm cứu mười ngày mới hi vọng hết bệnh .

Bà bác sĩ im lặng , xoi tới xoi lui : - Xong rồi , ông đi thông tai . Ra ngoài kia đóng tiền , rồi lên lầu một , vào phòng tiểu phẩu .

Khám bệnh một lần tiền , đi thông tai một lần tiền . Dịch vụ nào cũng phải có cái này đi trước , cho chắc ăn . Thủ tục đầu tiên mà . Ngoài cửa treo một tấm bích chương :

Bệnh viện Tai Mũi Họng và toàn thể nhân viên quyết tâm : - Nâng cao nghề nghiệp . - Chẩn bệnh chính xác . - Chăm sóc tận tình .

Về đến nhà , bà nhà tôi hỏi : - Ăn cơm chưa ông ? - Nghe rồi , lần sau bà nói nhỏ nhẹ một chút . Tai tui không điếc đâu .

oooOOOooo

Từ trên máy bay hàng không VN , Đà Nẵng thấp thoáng dưới làn mây trắng lờ lững . Những mảnh ruộng xanh tươi hình ô chạy dài đến núi Hải Vân , sông Hàn êm đềm trôi êm ả dưới nắng ban mai .

Thành phố với những con đường thẳng tắp ,dọc theo bờ sông Hàn nhà cửa mọc lên san sát . Xe cộ rất ít so với Sài Gòn . Buối sáng còn thấy người dân tắm biển xong thả bộ về .

Sau khi ăn sáng tại một khách sạn địa phương nằm kế bên con sông Hàn , đoàn chúng tôi 21 người được anh hướng dẫn viên đưa tham quan một trong những cửa hàng bán đá quí , tượng điêu khắc tại làng Hoà Thạch , Non Nước . Bên ngoài hai ba anh công nhân ngồi dùng búa đẽo , đục tượng sư tử . Theo lời giải thích của anh trưởng đoàn , các nghệ nhân với tay nghề cao , với ý niệm sẵn đã có trong đầu . Họ đục khắc theo ý sáng tạo của riêng mình .Quan Công , Phật Thích Ca , sư tử v.v... Nghề này do ông Huỳnh Bá Quát sáng truyền ở thế kỷ 18 . Nguồn cung cấp chính là đá quí dưới chân núi Ngũ Hành Sơn .

Bên trong cửa hàng bày biện nhiều loại trang trí nội thất đủ mọi hình trạng . Một chị bán hàng đon đả chào mời : - En mua cho chỉ con rồng này làm què nhé . [Anh mua cho chỉ con rồng này làm quà nhé . ] - Không chị ạ , tui kiếm xem ở đây có bán tượng con voi to như thế vầy này .

Một con rồng nằm màu xanh lục dài cỡ hai gang tay nặng khoảng 20 kí , nếu mua thì phải đủ cặp , Song Long Tranh Châu , giành nhau ăn thì mới hấp dẫn . Hai con 40 kí , chắc không xách về nỗi .

Nhà bà chị họ tôi bên Houston có một đôi sư tử đực đứng chồm , chắc mua đâu đây ở làng Hòa Thạch . Tống cộng có đến 5 nghìn Mỹ kim kể cả tiền cước phí chuyến chở .

Từ đây đến ngọn Thủy Sơn không xa , một trong sáu ngọn núi Ngũ Hành Sơn . Chùa Tam Thai được xây dựng năm 1630 và dưới thời vua Minh Mạng cho trùng tu lại vì có cô em gái Ngọc Lan tu hành vào năm 1825 .

Anh trướng đoàn thong thả nói : - Quí khách đến Đà Nẵng sẽ tìm được ba cái ĐÃ , cái thứ nhứt quí vị đang thưởng thức :" LEO ĐÃ " , chiều nay chúng ta sẽ ĐI ĐÃ và tối nay sẽ NGỦ ĐÃ .

Từ dưới chân núi chúng tôi vất vả leo bước lên trăm bậc thang . May mà ở đây cây xanh vươn cao bao bọc , gió thoáng mát . Không như vào hai năm trước tôi leo lên nóc điện Toà Thánh Vatican , không khí chật hẹp , khó thở hơn . Ở đây du khách có thể dừng chân đứng lại nhìn trời non nước vây quanh như thơ Bà Huyện Thanh Quan tả cảnh đèo Ngang . Dừng chân chắc phải đứng lại , chớ không kẻo lại trặc chân trẹo cổ .

Anh trưởng đoàn tiếp tục giảng giải : - Chúng ta đang đứng tại Vọng Giang Đài ,chỗ này Thủy Sơn , bên tay phải là Thổ Sơn , tuốt góc đằng kia là Hỏa Sơn , ngon chính giữa là Kim Sơn . Kim thì nằm chính giữa , trung tâm vũ trụ lại màu vàng nên được vua chúa các thời đại dùng .

Tôi nghĩ anh trưởng đoàn trẻ tuổi này đi làm nghề phong thủy chắc sẽ nổi tiếng như thầy Tả Ao . Môt chị du khách lên tiếng : - Thế thì những ngôi mộ nằm dưới chân núi kia thì gọi là gì ? - Dạ , thì gọi là Nghĩa Trang Sơn .

Biết là anh trưởng đoàn nói đùa , mọi người cười ầm lên . - Ngày xưa vua lên ngự đây , phải có chỗ vua ngồi chứ . Đó là chỗ chị đang ngồi đó .

Leo lên Vọng Giang Đài thì mỏi chân ,lúc trở xuống có chị la lên : - Eo ơi ! Nhìn xuống chóng mặt quá !

Một ông nói đùa : - Vọng Giang Đài hề Cõng em xuống hề Để anh giữ trọn lời thề nước non

Nhìn thấy một chân núi bị đẽo đục , tôi hỏi anh trưởng đoàn : - Nếu như các nghệ nhân ở đây đục đẽo riết , lấy đá quí làm tượng . Chừng vài chục năm chẳng còn Ngũ Hành Sơn nữa , vậy thì làm sao ? - Hiện nay , Đà Nẵng là nơi chính quyền tập trung để xây dựng làm trung tâm du lịch , nên việc này phải ngưng hẳn . Đá quí lấy từ miền Thanh Hóa , nên thường gọi là đá Thanh , còn ngọc thì từ nước Afghanistan .

Dọc theo bờ biển , có ngọn Hải Vân che chở , bãi cát trắng ngà trải dài bên các hàng dừa . Bên cạnh có những cơ sở du lịch , resort đang xây cất . Có lẽ nơi đây chừng mươi mưòi năm nữa , Đà Nẵng sẽ trở thành một trong những thành phố du lịch có tầm cỡ quốc tế nếu như có việc đầu tư quốc tế nhiều hơn , cũng như có sự quảng cáo thông tin đầy đủ hơn .

Chủ Đề