Dịch sách cho nhà xuất bản

Bạn đang mân mê quyển sách yêu thích trên tay và thầm mong một ngày sẽ xuất bản một quyển sách của riêng mình. Tên của bạn được in rõ trên bìa sách. Bạn trở thành tác giả hoặc dịch giả mang lại nhiều giá trị cho người đọc. Bạn có thêm các cơ hội công việc dựa trên đứa con tinh thần đó.

Nếu đang ấp ủ ước mơ về quyển sách của riêng mình như thế, bạn đang ở đúng nơi cần đến. Nếu bạn đang ôm ấp bản thảo tâm huyết trong tay và chưa biết nên xuất bản như thế nào, bài viết này đích thị dành cho bạn.

Những điều cần biết về việc xuất bản sách

Xuất bản, phát hành và kinh doanh một quyển sách là quá trình bao gồm nhiều công đoạn: chuẩn bị bản thảo, giao dịch bản quyền, biên tập, chỉnh sửa, in ấn, thiết kế, xin giấy phép xuất bản, tiếp thị, phân phối… Khối lượng lớn các công việc phía sau một quyển sách này cần sự chung tay góp sức của nhiều người.

Tuy nhiên, trước khi đưa quyển sách của mình đến với công chúng, bạn cần phân biệt được những yếu tố có liên quan trong ngành xuất bản như: nhà xuất bản là ai, họ làm gì, nhà phát hành đóng vai trò gì, công ty sách khác gì với nhà xuất bản và nhà phát hành? …

Nhà xuất bản

Nhà xuất bản là một cơ quan nhà nước, được quản lý chuyên ngành bởi Cục Xuất bản – Bộ thông tin truyền thông.

Chúng ta có thể hình dung nhà xuất bản giống như một cánh cửa an ninh quan trọng mà bản thảo bạn phải bước qua để "đứa con tinh thần" đến được tay độc giả. Vai trò chính của nhà xuất bản là kiểm duyệt kỹ lưỡng nội dung một tác phẩm trước khi cho phép phát hành, đảm bảo không vi phạm các quy định về pháp luật.

Sau khi nội dung được kiểm duyệt đáp ứng đúng và đủ quy định, nhà xuất bản sẽ đề xuất báo cáo với cơ quan chủ quản và Cục xuất bản. Khi được sự đồng ý thì mới được cấp giấy phép xuất bản. Giấy phép được ký bởi Giám đốc hoặc Phó giám đốc được ủy quyền của các NXB, và có thời hạn ghi rõ trên giấy phép, nơi chỉ định in xuất bản phẩm.

Một số nhà xuất bản lớn ở Việt Nam hiện nay có thể kể đến như: NXB Kim Đồng, NXB Chính trị Quốc gia, NXB Hồng Đức, NXB Phụ nữ…

Nhà phát hành

Dịch sách cho nhà xuất bản

Nguồn: Freepik

Khoản 3, điều 4, Luật Xuất bản Việt Nam 2012 quy định: “Phát hành là việc thông qua một hoặc nhiều hình thức mua, bán, phân phát, tặng, cho, cho thuê, cho mượn, xuất khẩu, nhập khẩu, hội chợ, triển lãm để đưa xuất bản phẩm đến người sử dụng”. Như vậy, nhà phát hành chính là đơn vị được cấp phép mua, bán, kinh doanh các sản phẩm đã được xuất bản trên thị trường.

Có thể bạn không còn lạ lẫm với những nhà phát hành nổi trội trong giới làm sách như AZbooks, Nhã Nam, First News… Họ là những đơn vị tư nhân chịu trách nhiệm chính trong việc mua bản quyền và trực tiếp làm ra các cuốn sách, từ khâu tiếp nhận bản thảo đến khi sách đi ra khỏi nhà in và phân phối rộng rãi trên thị trường.

Lưu ý, sau khi bản thảo của bạn đã được cấp phép xuất bản từ NXB, sách mới được in ra. Sách sau khi in phải được kiểm tra chất lượng và nộp lưu chiểu lên NXB trở lại, sau ít nhất 7 ngày không phát sinh vấn đề gì, nhà phát hành sẽ nhận được giấy phép phát hành, lúc đó, sách của bạn mới được tung ra thị trường.

Khi thị trường và số lượng độc giả ngày càng gia tăng như hiện nay, để cạnh tranh và tồn tại trong ngành xuất bản, các NXB lớn có thể tự tạo kênh phát hành của riêng mình. Ví dụ NXB Trẻ vừa là nơi cấp giấy phép xuất bản, vừa có một hệ thống phát hành và kinh doanh của riêng mình.

Sách sau khi được in, được kiểm tra chất lượng phải nộp lưu chiểu lên Nhà xuất bản đã cấp phép, sau thời hạn ít nhất 7 ngày, sách không có vấn đề gì mới được phát hành. Các nhà xuất bản khi cho phát hành phải có lệnh phát hành.

Công ty sách

Đã có nhà xuất bản (NXB), nhà phát hành (NPH), tại sao còn có công ty làm sách riêng biệt? Sự xuất hiện của các công ty sách chính là cầu nối giữa những tác giả trẻ - chưa có nhiều kinh nghiệm xuất bản - và các NXB, NPH để con đường xuất bản sách được thuận lợi hơn.

Bạn không biết các thủ tục xin giấy phép xuất bản hay lưu hành? Bạn là tấm chiếu mới trong việc xuất bản một quyển sách, không biết bắt đầu từ đâu với quyển sách của mình? Bạn cũng không biết cách để quyển sách đó được bán thành công? Công ty sách sẽ thay bạn làm những công việc đó.

Bên cạnh đó, một đơn vị làm sách chuyên nghiệp cũng sẽ giúp bạn xây dựng thương hiệu cá nhân và thương hiệu sản phẩm một cách tốt nhất.

Tóm lại, nhà xuất bản, nhà phát hành và công ty sách là những cột mốc có mặt trên chặng đường bản thảo từ bàn của tác giả đến tay người đọc. Chúng ta có thể hiểu một cách đơn giản quy trình làm nên một quyển sách như sau:

1. Bản thảo được viết xong, bạn có thể chọn gửi trực tiếp đến NXB để xin giấy phép, hoặc liên hệ nhà phát hành hay công ty xuất bản sách để họ làm thay.

2. NXB kiểm duyệt thông tin cá nhân của bạn và nội dung của bản thảo. Nếu đáp ứng đủ yêu cầu, họ sẽ cấp giấy phép.

3. Sau khi đã được phép xuất bản, bản thảo sách của bạn tiếp tục các công đoạn như in ấn và phân phối ra thị trường...

Bạn có thể ký hợp đồng với NPH hay công ty sách để đơn giản hóa các thủ tục xin cấp phép. Để theo đuổi sự nghiệp làm tác giả lâu dài, bạn cũng có thể cân nhắc phương thức làm việc với một công ty sách chuyên nghiệp. Công ty sẽ giúp bạn hoàn thành mọi thứ kể cả việc xây dựng thương hiệu cá nhân, truyền thông cho quyển sách và xin gia hạn lại các loại giấy phép.

Hai phương thức xuất bản một quyển sách phổ biến hiện nay

Dịch sách cho nhà xuất bản

Nguồn: Freepik

Để xuất bản một quyển sách, chúng ta không chỉ dừng lại ở quy trình kể trên. Đôi khi một bản thảo đã được biên tập xong nhưng phải mất đến nửa năm hoặc một năm mới phát hành trên thị trường. Bởi việc xuất bản một quyển sách nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào thị trường. Nếu cuốn sách có chủ đề đang "nóng", nhận được sự quan tâm của đông độc giả thì nó sẽ được ưu tiên xuất bản. Còn ngược lại, chủ đề bình thường hoặc thị trường đang bị "đóng băng" bởi dịch bệnh chẳng hạn, bản thảo sẽ bị "ngâm" trên bàn NXB.

Hiểu được quy trình xuất bản và các yếu tố có liên quan trong quy trình này, bạn có lẽ đã hình dung được con đường để một bản thảo trên bàn tác giả đến với tay người đọc khó khăn như thế nào. Khi đã dốc lòng viết ra quyển sách của mình, tất nhiên chúng ta đều muốn nó được nhanh chóng xuất bản hoặc tái bản càng nhiều lần càng tốt. Nhưng, bằng cách nào?

Tin vui cho bạn là việc xuất bản một quyển sách không còn khó khăn như trước đây. Ngoài gửi bản thảo cho NXB và bị động chờ đợi, bạn đã có thêm một lựa chọn là tự mình xuất bản với sự hỗ trợ của các công ty xuất bản sách.

Gửi bản thảo cho nhà xuất bản (Bán bản quyền sách)

Đây là phương thức xuất bản sách truyền thống. Bạn liên hệ trực tiếp với các NXB hay NPH mình thích để gửi bản thảo và chờ họ xét duyệt, phản hồi. Giống như việc bạn rao bán một sản phẩm của mình vào thị trường thích hợp và chờ đợi giấy thông quan để được lưu hành sản phẩm đó.

Đối với cách này, bạn chỉ cần viết sách, bán bản quyền sách và nhận một khoản thù lao tương xứng sau khi sách được xuất bản. Hoàn toàn đơn giản. Thông thường, bạn sẽ ký hợp đồng với Nhà phát hành, rồi mọi công đoạn tiếp theo sẽ được họ thay bạn hoàn thiện. Tuy nhiên, khi đã bán đi một sản phẩm, sản phẩm đó một phần sẽ thuộc về người mua và bạn chỉ còn là đồng sở hữu, phải chấp nhận một số ràng buộc nhất định đối với quyển sách của mình.

Chẳng hạn như số năm hợp tác với NXB hay NPH chỉ từ 3 - 5 năm. Trong thời gian này, bạn không được phép làm việc hay bán tác phẩm của mình cho một đơn vị nào khác; hoặc lợi nhuận từ việc bán sách sẽ do NPH nắm giữ, bạn chỉ nhận được số tiền nhuận bút từ 10% - 15% doanh thu (giá bìa*số lượng).

Ví dụ, nếu sách của bạn bán với giá 120.000đ và in lần đầu là 1000 quyển, vậy số tiền bạn nhận được sẽ là 10%*120.000*1000 = 12.000.000đ. Số tiền này bạn sẽ nhận sau khi sách được phát hành, và nếu như được tái bản, bạn sẽ nhận thêm nhuận bút với cách tính tương tự.

Việc bán bản quyền bản thảo của mình cho NXB hay NPH có thể mất 6 tháng - 1 năm để hoàn thiện. Với số tiền nhận được cho nhiều tháng làm sách như trên, chỉ khi nội dung của bạn thật sự đắt giá, sách của bạn thật sự gây tiếng vang và được tái bản nhiều lần trong thời gian ngắn, bạn mới có thể yên tâm với mức thu nhập trên nếu chỉ chuyên tâm theo đuổi nghề tác giả viết sách này.

Tự xuất bản sách

Đây là phương thức xuất bản sách mà bạn được toàn quyền kiểm soát với bản thảo của mình. Bạn tự viết sách, tự biên tập, tự dàn trang thiết kế, tự xin giấy phép xuất bản, trải qua các bước kiểm duyệt và xin phép được lưu hành sản phẩm của mình. Sau đó, bạn tự tìm nhà in, tự truyền thông, tự tìm cách nâng cao doanh số bán hàng. Bạn bán được càng nhiều, số tiền bạn nhận được càng cao.

Bạn đều phải tự lực cánh sinh từ đầu đến cuối. Bạn có thể chọn làm nó một mình hoặc thuê một công ty làm sách chuyên nghiệp để tư vấn và hoàn thiện hết cho bạn. Khi ký hợp đồng với đơn vị làm sách này, tức là bạn đã thuê họ làm việc cho bạn. Bạn cần đầu tư một số vốn nho nhỏ và hoàn toàn có quyền quyết định mọi thứ liên quan đến sản phẩm trong business của mình: tên sách, cách thiết kế, giá bán, số lượng in, cách thức bán hàng…

Thời gian cho việc tự xuất bản này cũng được rút ngắn đi nhiều. Nếu việc bán đi bản quyển sách của mình phải chờ tới 12 tháng mới có thể nhận sách trên tay, thì việc tự xuất bản sẽ giúp bạn rút ngắn lại, chỉ còn khoảng 2 - 3 tháng.

Với những ưu điểm nội trội này, tự xuất bản sách với một đơn vị làm sách chuyên nghiệp đang là xu hướng lựa chọn của các tác giả trẻ ngày nay.

Bảng so sánh hai hình thức xuất bản sách sau đây sẽ giúp bạn có cái nhìn trực quan hơn về việc xuất bản cuốn sách của riêng mình.

Gửi bản thảo cho NXB

Tự xuất bản

Hình thức

Bán bản quyền bản thảo cho NXB hay NPH, họ trở thành đồng sở hữu quyển sách, chịu trách nhiệm chính cho việc tạo ra quyển sách hoàn chỉnh và kinh doanh nó.

Tác giả là người sở hữu duy nhất tác phẩm, tự sản xuất, in ấn, phát hành và kinh doanh sản phẩm của mình.

Ưu điểm

  • ​Thích hợp với những cây viết mới, lần đầu làm sách.

  • Tác giả không cần quan tâm đến các công đoạn thiết kế, in ấn, bán hàng, xây dựng thương hiệu.

  • Không cần tốn bất kỳ chi phí nào.

  • ​Quy trình tự xuất bản yêu cầu tác giả làm việc nhiều hơn nên có cơ hội học hỏi và trải nghiệm nhiều hơn.

  • Tác giả có đầy đủ quyền quyết định quyển sách của mình.

  • Thời gian hoàn thành xuất bản nhanh hơn.

  • Số tiền thu được từ bán sách có thể cao nếu truyền thông tốt, nội dung đáp ứng thị hiếu độc giả.

​Nhược điểm

  • ​Thời gian để xuất bản sách có thể kéo dài, tùy thuộc vào nhiều yếu tố.

  • Bản thảo sách có được duyệt hay không phụ thuộc vào biên tập viên.

  • Nhuận bút không cao.

  • ​Tác giả phải tự thân vận động làm từ những việc nhỏ nhất, đơn giản nhất đến phức tạp nhất.

  • Chi phí đầu tư không nhỏ.

Trên đây là khái quát về ngành xuất bản, các yếu tố có liên quan và giải thích rõ về hai phương thức mà bạn có thể lựa chọn để bắt đầu xuất bản quyển sách của riêng mình. Mỗi phương thức đều có ưu nhược điểm riêng, tùy vào tình hình thực tế và mong muốn của bản thân, mình tin bạn sẽ chọn được một phương thức phù hợp cho riêng mình.

Bài viết có sự tham khảo thông tin từ: Nên tự xuất bản sách hay bán bản quyền? - Hạnh Nguyễn