Đề tài NAFOSTED là đề tài cấp Nhà nước

Thông báo Đề tài - Dự án

Nafosted - Điều kiện đối với người đăng ký vào 03 chương trình hiện có tại Nafosted

Điều kiện đối với người đăng ký vào 03 chương trình hiện có tại Nafosted [nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nâng cao năng lực]. Cụ thể, đối với:

1. Nghiên cứu cơ bản

a. Đối với tổ chức chủ trì đề tài:
Các tổ chức khoa học và công nghệ có đăng ký hoạt động khoa học và công nghệ, có chức năng hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đề tài;
Thực hiện đầy đủ trách nhiệm của tổ chức chủ trì đối với các đề tài đã được Quỹ tài trợ.

b. Đối với chủ nhiệm đề tài:
Có chuyên môn phù hợp với nội dung nghiên cứu đề tài, đang làm công tác nghiên cứu tại một tổ chức khoa học và công nghệ. Trường hợp chủ nhiệm đề tài không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ nào, phải được một tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam uy tín trong lĩnh vực chuyên môn phù hợp bảo trợ và chấp nhận làm tổ chức chủ trì;
Có năng lực nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của đề tài: có học vị tiến sỹ hoặc học hàm phó giáo sư, giáo sư và có kết quả nghiên cứu chuyên ngành phù hợp được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín trong thời gian 05 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ;
Có đủ thời gian để hoàn thành nội dung nghiên cứu của đề tài theo quy định. Trường hợp chủ nhiệm đề tài đi công tác, làm việc tại nước ngoài, tổng thời gian ở nước ngoài không quá 1/3 thời gian thực hiện đề tài;
Không vi phạm các điều kiện đăng ký chủ trì, tham gia đề tài theo quy định

c. Đối với thành viên nhóm nghiên cứu đề tài:
Có trình độ chuyên môn và kỹ năng phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài, bao gồm:
- Thành viên nghiên cứu chủ chốt, thư ký khoa học: có học vị tiến sỹ hoặc học hàm phó giáo sư, giáo sư và có kết quả nghiên cứu phù hợp được công bố trên các tạp chí quốc gia hoặc quốc tế có uy tín trong 05 năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ.
- Trường hợp là thạc sĩ phải có kết quả nghiên cứu phù hợp, có 01 bài báo công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín hoặc 02 bài báo công bố trên tạp chí quốc gia có uy tín hoặc 01 sách chuyên khảo đối với lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn trong 05 năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ;
- Nghiên cứu sinh tham gia thực hiện đề tài phải có nội dung luận án phù hợp với đề tài, có quyết định giao đề tài luận án không quá 24 tháng tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ;
Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ khác.

d. Đối với nhóm nghiên cứu mạnh
Ngoài các yêu cầu về điều kiện đối với tổ chức, cá nhân đăng ký nhận tài trợ, hỗ trợ như trên, phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:
- Chủ nhiệm đề tài có kết quả công bố trên các tạp chí ISI có uy tín phù hợp trong thời gian 05 năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ, có khả năng tập hợp được nhiều nhà khoa học có trình độ chuyên môn cao tham gia thực hiện đề tài, duy trì được hợp tác nghiên cứu khoa học thường xuyên với các nhóm nghiên cứu quốc tế cùng ngành, liên ngành;
- Có ít nhất 02 thành viên nghiên cứu chủ chốt của đề tài đáp ứng yêu cầu của chủ nhiệm đề tài nêu tại Khoản 2 Điều này;
- Tổ chức chủ trì đề tài có đủ điều kiện về cơ sở vật chất – kỹ thuật, năng lực nghiên cứu và cam kết hỗ trợ trong thời gian thực hiện nghiên cứu.

2. Nghiên cứu ứng dụng

a. Đối với tổ chức chủ trì đề tài:

Có tư cách pháp nhân, có năng lực hoạt động phù hợp với lĩnh vực chuyên môn của đề tài, có đủ các điều kiện cơ sở vật chất – kỹ thuật phục vụ hoạt động nghiên cứu của đề tài.

b. Đối với chủ nhiệm đề tài:
– Có chuyên môn phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài;
– Có năng lực nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của đề tài: Trình độ từ đại học trở lên và có kết quả nghiên cứu chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của đề tài, đáp ứng một trong các điều kiện sau đây:
Có kết quả nghiên cứu được công bố trên tạp chí quốc tế có uy tín hoặc là tác giả sáng chế, giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ trong thời gian năm 05 [năm] năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ;
Có kết quả nghiên cứu đã được công bố [bài báo trên tạp chí khoa học quốc tế hoặc quốc gia có uy tín, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng] trong thời gian 10 [mười] năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ được ứng dụng;
Có đủ thời gian để hoàn thành nội dung nghiên cứu của đề tài theo quy định. Trường hợp chủ nhiệm đề tài đi công tác, làm việc tại nước ngoài, tổng thời gian ở nước ngoài không quá 1/3 thời gian thực hiện đề tài.

– Thành viên nhóm nghiên cứu đề tài phải có trình độ chuyên môn và kỹ năng phù hợp với nội dung nghiên cứu của đề tài, bao gồm:
Thành viên thực hiện chính, thư ký khoa học: có trình độ từ đại học trở lên; có kết quả nghiên cứu phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của đề tài được công bố trên các tạp chí quốc gia hoặc quốc tế có uy tín hoặc có bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng được cấp văn bằng bảo hộ trong thời gian 05 [năm] năm tính đến thời điểm kết thúc nhận hồ sơ;
Thành viên có trình độ từ đại học trở lên và có kết quả nghiên cứu phù hợp với lĩnh vực nghiên cứu của đề tài được công bố trên tạp chí quốc gia hoặc quốc tế, bằng độc quyền sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng;
Kỹ thuật viên, nhân viên hỗ trợ khác.

– Tại cùng một thời điểm, mỗi cá nhân làm chủ nhiệm không quá 01 [một] đề tài do Quỹ tài trợ [trừ trường hợp là nhiệm vụ đột xuất có ý nghĩa quan trọng về khoa học và thực tiễn].

3. Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học và công nghệ quốc gia
a. Tham dự và báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế
- Đối với nhà khoa học trẻ: Không quá 35 tuổi tại thời điểm khai mạc hội nghị, hội thảo, có báo cáo được chấp nhận trình bày [dưới dạng oral presentation] tại hội nghị, hội thảo khoa học quốc tế do các tổ chức có uy tín trong lĩnh vực tổ chức. Hội nghị, hội thảo phải có các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín trong lĩnh vực tham dự và trình bày báo cáo, có trang tin điện tử để đưa tin, giới thiệu;
- Đối với nhà khoa học đề nghị hỗ trợ tham dự và báo cáo công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc tại hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành: Có công trình nghiên cứu khoa học xuất sắc, được chấp nhận trình bày [dưới dạng oral presentation] tại hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành. Hội thảo phải được tổ chức định kỳ bởi các tổ chức uy tín trong lĩnh vực, có các nhà khoa học có kết quả nghiên cứu công bố trên các tạp chí ISI uy tín trong lĩnh vực tham dự và trình bày báo cáo, có trang tin điện tử để đưa tin, giới thiệu.

b. Nghiên cứu sau tiến sĩ
Có Bằng Tiến sĩ và là tác giả chính của ít nhất một [01] bài báo đăng trên tạp chí quốc tế có uy tín trong thời gian năm [05] năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ. Quỹ ưu tiên xem xét đối với nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập;
Được một nhà khoa học của Việt Nam nhận bảo trợ thực hiện nghiên cứu sau tiến sĩ. Người bảo trợ nghiên cứu sau tiến sĩ phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn:
i] Là tác giả chính của ít nhất một [01] bài báo khoa học đăng trên tạp chí ISI có uy tín trong thời gian năm [05] năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ;
ii] Không là người hướng dẫn nhà khoa học đề nghị hỗ trợ tại bậc đào tạo tiến sĩ;
Có tổ chức khoa học và công nghệ của Việt Nam nhận làm đơn vị chủ trì nghiên cứu sau tiến sĩ. Đơn vị chủ trì phải có đủ điều kiện cơ sở vật chất để triển khai nghiên cứu, đồng ý tiếp nhận người đến thực hiện nghiên cứu sau tiến sĩ và đồng ý hỗ trợ, tạo điều kiện, cho phép sử dụng trang thiết bị của đơn vị để triển khai nghiên cứu. Quỹ ưu tiên xem xét đối với trường hợp đơn vị chủ trì nghiên cứu sau tiến sĩ khác với đơn vị đào tạo tiến sĩ của nhà khoa học đề nghị hỗ trợ.

c. Thực tập, nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài
Được tổ chức khoa học và công nghệ nước ngoài hoặc nhà khoa học nước ngoài có kết quả nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín trong thời gian năm [05] năm tính đến thời điểm nộp hồ sơ mời thực tập, nghiên cứu;
Thuộc một trong các trường hợp sau:
- Đang thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hoặc tương đương. Việc thực tập, nghiên cứu nhằm giải quyết các vấn đề nghiên cứu của nhiệm vụ mà điều kiện trong nước không thực hiện được;
- Tham gia chương trình hợp tác giữa Quỹ và các tổ chức nước ngoài nhằm nâng cao năng lực và khả năng hợp tác nghiên cứu giữa nhà khoa học Việt Nam và quốc tế;
Là nhà khoa học trẻ tài năng không thuộc tổ chức khoa học và công nghệ công lập, đăng ký thực hiện nghiên cứu ngắn hạn ở nước ngoài trong lĩnh vực được Việt Nam ưu tiên phát triển tại thời điểm đăng ký.

d. Tổ chức hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành ở Việt Nam
Hội thảo khoa học quốc tế chuyên ngành được tổ chức bởi các tổ chức có uy tín trong lĩnh vực, có trang tin điện tử giới thiệu về hội thảo;
Có các nhà khoa học trong nước và nước ngoài có kết quả nghiên cứu công bố trên các tạp chí quốc tế uy tín trong lĩnh vực đăng ký tham dự và trình bày báo khoa học tại hội thảo;
Được các cơ quan khoa học và công nghệ và các tổ chức nghề nghiệp uy tín trong lĩnh vực bảo trợ;
Phù hợp với lĩnh vực hoạt động của đơn vị tổ chức.
Hồ sơ đề nghị hỗ trợ công bố công trình khoa học
Đơn đề nghị hỗ trợ của cơ quan, tổ chức chủ trì theo Mẫu NCNLQG 09;
Quyết định cho phép tổ chức hội thảo của cấp có thẩm quyền;
Dự toán kinh phí tổ chức hội thảo, trong đó có dự toán chi tiết chi phí đề nghị Quỹ hỗ trợ theo Mẫu NCNLQG 10;
Danh sách các nhà khoa học đăng ký tham gia hội thảo;
Lý lịch khoa học và báo cáo khoa học [bản tiếng Anh] của các nhà khoa học nước ngoài đề nghị Quỹ hỗ trợ kinh phí tham gia hội thảo.

e. Công bố công trình khoa học công nghệ trong nước và quốc tế
Là kết quả của nghiên cứu được thực hiện tại Việt Nam;
Đã được công bố trên tạp chí ISI có uy tín;
Tác giả công trình chỉ rõ các nội dung trong công bố có liên quan đến các vấn đề đạo đức, an ninh, chính trị, chủ quyền, bí mật Nhà nước [nếu có] và cam kết công bố không vi phạm hoặc gây ảnh hưởng tiêu cực đến các vấn đề này.

f. Nâng cao chất lượng, chuẩn mực của tạp chí khoa học và công nghệ trong nước
Là tạp chí khoa học chuyên ngành của Việt Nam, được xuất bản bằng tiếng Anh;
Tạp chí có quy trình nhận, thẩm định bản thảo và công bố bài báo theo chuẩn mực Quốc tế về xuất bản các công trình khoa học.



Video liên quan

Chủ Đề