Đất nước có nghĩa là gì

[Toquoc]- Quan niệm về đất nước của Lí Thường Kiệt có màu sắc thần bí, còn ở Nguyễn Trãi sát với hiện thực hơn.

[Toquoc]- Điều khá thú vị trong thi phẩm Đất nước của Nguyễn Đình Thi ở chỗ: Khi thể hiện ý thức làm chủ đất nước, hình tượng đất nước được miêu tả trong cái nhìn không gian. Nhưng khi gợi tả hồn đất nước, truyền thống dân tộc, tác giả lại cảm nhận đất nước theo chiều dài thời gian. Mạch thơ như lắng sâu khi tác giả cắt nghĩa cội nguồn của cảm xúc tự hào vui sướng của mình:

Nước chúng ta

Nước những người chưa bao giờ khuất

Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất

Những buổi ngày xưa vọng nói về.

Cái tôi trữ tình đến đây chuyển hoá thành cái ta. Nhà thơ không chỉ nhân danh cá nhân mà nhân danh cộng đồng nói lên niềm tự hào và ý thức làm chủ. Cảm hứng trữ tình có phần riêng tư ở đoạn thơ mở đầu đến đây chuyển thành cảm hứng anh hùng ca.

Hai câu thơ đầu xét về ngữ pháp, ta thấy chúng có mối quan hệ liên hợp với nhau. Sự lặp lại của từ nước trong dòng thơ thứ hai thực hiện chức năng nối kết, bổ sung nghĩa. Hai câu thơ đầu như một định nghĩa về đất nước. Mà cốt lõi của định nghĩa là chân lí trường tồn của đất nước ta, sức mạnh của dân tộc Việt Nam. Cả quá khứ mấy nghìn năm bỗng trở nên gần gũi với con người hôm nay. Nhà thơ cảm nhận truyền thống dân tộc như một mạch sống luôn chuyển vĩnh hằng trong lòng đất. Thi nhân như nghe thấy tiếng vọng của ngàn xưa, của hồn thiêng sông núi. Cách định nghĩa đất nước của Nguyễn Đình Thi như tạo ra một không khí trang trọng thiêng liêng trầm hùng khi nói về lịch sử dân tộc.

Đọc Đất nước của Nguyễn Đình Thi điều ám ảnh lớn nhất đối với tôi là giai điệu thơ. Không gian thơ mở rộng đến vô cùng. Giọng thơ phấn khởi, tươi tắn, sôi nổi. Nhịp thơ vút đi vang vọng tiếng yêu đời. Hình ảnh thơ bừng sáng, rộn ràng, phơi phới. Âm hưởng lời thơ khoáng đạt. Trong cảm quan của Nguyễn Đình Thi đất nước là bầu trời xanh bao la, tươi đẹp hiền hoà, đất nước là ruộng đồng thẳng cánh cò bay thơm ngát hương lúa. Đất nước là những ngả đường bát ngát xuôi ngược từ Bắc vào Nam rộng dài từ Đông sang Tây. Đất nước còn là những dòng sông phù sa màu mỡ.

Về cách định nghĩa về Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm trong trường ca Mặt đường khát vọng, có thể nói ngắn gọn: Đó là tư duy thơ mới mẻ.

Nguyễn Khoa Điềm định nghĩa Đất Nước theo lối chiết tự và qui tụ về tư tưởng Đất nước của Nhân dân, khiến cho hình tượng Đất Nước hiện ra trong sự hình dung của người đọc vừa lớn lao, thiêng liêng, vừa gần gũi, quen thuộc.

Sau khi nêu cảm nhận của mình về nguồn gốc lịch sử văn hoá của đất nước. Nhà thơ hình tượng hoá nghĩa của từng yếu tố cấu thành Đất Nước. Cách chiết tự này của Nguyễn Khoa Điềm có sự kết hợp tư duy hình tượng với tư duy lôgíc để tạo nên chất chính luận và trữ tình đặc sắc cho tác phẩm .

Ví dụ, tác giả định nghĩa từng thành tố: Đất là nơi anh đến trường - Nước là nơi em tắm; Đất là nơi chim về - Nước là nơi rồng ở... Đất, trong đoạn thơ này, theo cảm nhận của chủ thể trữ tình vừa là không gian cụ thể, gắn bó với cuộc sống từng cá nhân, vừa là không gian rộng lớn, nơi sinh sống thương yêu, sẻ chia của cộng đồng. Nước là cũng vừa là không gian cụ thể, gắn với sinh hoạt đời thường, vẻ đẹp tâm hồn trong sáng hồn nhiên của con người, vừa là không gian gặp gỡ, hoà hợp. Trên cơ sở đó, tác giả cấp cho ta cảm nhận, cái nhìn chung về khuôn mặt, dáng hình Đất Nước: Đất Nước là nơi ta hò hẹn; Đất Nước là nơi dân mình đoàn tụ; Đất Nước là máu xương của mình... Đất Nước theo Nguyễn Khoa Điềm có ý nghĩa biểu trưng cho tình nghĩa con người, vừa có nguồn gốc đẹp đẽ thiêng liêng, vừa bắt nguồn từ đời sống tình cảm hài hoà nồng thắm, vừa là không gian sum họp, đoàn kết, nguồn gốc của sự sống; vừa là nơi bao thế hệ đã đấu tranh kiên cường dũng cảm, đã hy sinh hoá thân cho dáng hình xứ xở để làm nên Đất Nước muôn đời.

Cách định nghĩa Đất Nước của Nguyễn Khoa Điềm rất thơ và khúc chiết, không chung chung trừu tượng mà khá cụ thể. Quan niệm đó, vừa có tính kế thừa, vừa phát triển mang ý nghĩa triết lí rộng lớn. Đất nước vốn là khái niệm không gian, đã được nhà thơ thời gian hoá, từ phạm trù khách quan, chuyển hoá thành chủ quan: Đất Nước kết tinh, hoá thân trong cuộc sống của mỗi con người: Trong anh và em hôm nay - Đều có một phần Đất Nước - Khi hai đứa cầm tay - Đất Nước trong chúng ta hài hoà nồng thắm... Đất Nước được cảm nhận như sự thống nhất hài hoà của các phương diện văn hoá, truyền thống, phong tục tập quán, đời sống cá nhân và cộng đồng... Cách định nghĩa Đất Nước theo lối qui nạp trong Mặt đường khát vọng thể hiện chiều sâu, bề rộng văn hoá, những trải nghiệm, suy tưởng riêng và xúc động mãnh liệt, chân thành của Nguyễn Khoa Điềm.

Như vậy, cả Nguyễn Đình Thi và Nguyễn Khoa Điềm đều có cách định nghĩa khác nhau về đất nước. Điều đó đem lại cho người đọc những cảm nhận mới mẻ về hình tượng đất nước. Điểm chung lớn nhất trong cảm quan đất nước của hai thi nhân là đều cắt nghĩa đất nước từ cội nguồn văn hoá, lịch sử độc đáo, từ không gian địa lí cụ thể đến không gian có tính chất biểu trưng của dân tộc Việt. Cách định nghĩa đất nước của Nguyễn Khoa Điềm và Nguyễn Đình Thi thực tế là sự tiếp nối cách định nghĩa đất nước từ thời Lí Thường Kiệt và Nguyễn Trãi.

Từ xưa, Lí Thường Kiệt quan niệm đất nước gồm ba yếu tố: Cương vực lãnh thổ, thể chế chính trị và sách trời. Đất nước của Lí Thường Kiệt gắn với tư tưởng thiên mệnh [Nam Quốc sơn hà]. Còn Nguyễn Trãi khẳng định: Đất nước là của dân, do dân, do người hào kiệt nhiều đời xây dựng, gìn giữ. Chẳng thế mà trước hoạ xâm lăng, dân là người đầu tiên chịu tai vạ, quân cuồng Minh, bọn gian tà là người dối trời, lừa dân nhiễu nhân dân; họ Hồ phi nghĩa trái đạo lòng dân oán hận; cũng chính dân đoàn kết: nhân dân bốn cõi một nhà, dựng cần trúc ngọn cờ phấp phới tạo thành sức mạnh tinh thần to lớn, diễn đạt khác đi dân là người mưu đồ đại nghĩa [Bình Ngô đại cáo].

Cái nhìn của Nguyễn Trãi về đất nước khá sâu sắc, toàn diện và có tính hiện đại. Một quốc gia độc lập phải có: nền văn hiến, phong tục tập quán lâu đời; lãnh thổ riêng, chủ quyền chính trị độc lập, truyền thống lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước; thời nào cũng có người tài giỏi. Tác giả lập luận chặt chẽ liền mạch, khẳng định sự tồn tại của nước ta như một chân lí hiển nhiên.

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văiệt nam hiến đã lâu

Núi sông bờ cõi từ lâu

Phong tục Bắc Nam cũng khác

Từ Triệu, Đinh, Lí, Trần bao đời gây nền độc lập

Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương

Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau

Song hào kiệt đời nào cũng có.

Ngôn ngữ thơ trang trọng, giản dị, giàu sắc thái trữ tình. Từ cùng khẳng định sự bình đẳng, mỗi bên hàm ý độc lập, từ xưng đế chứa đựng sức mạnh, từ khác nhấn mạnh bản sắc dân tộc, vốn xưng có nét nghĩa sự tự chủ, tự cường, đời nào cũng có chứa đựng lòng tự tôn dân tộc và cả sự thách thức ngầm kẻ thù xâm lược. Đoạn thơ ngắn nhưng nhịp thơ đa dạng phù hợp với lí lẽ phong phú sắc bén của tác giả. Giọng thơ đanh thép, trang nghiêm, ngợi ca tự hào chắc mạnh là chính kết hợp với nghệ thuật đối góp phần thể hiện sự bình đẳng của dân tộc ta và phong kiến phương Bắc trong quá trình hình thành phát triển của mình.

Quan niệm về đất nước của Lí Thường Kiệt có màu sắc thần bí, còn ở Nguyễn Trãi sát với hiện thực hơn. Cái lí mà Lí Thường Kiệt dựa vào đó lá sách trời, còn Nguyễn Trãi thuyết phục người khác từ truyền thống văn hoá. Lí Thường Kiệt nhấn mạnh tư tưởng trung quân, Ức Trai triển khai nội dung nhân nghĩa bắt đầu từ sự nhìn nhận về đất nước, dân tộc. Lí Thường Kiệt đề cao tư tưởng trung nghĩa. Nguyễn Trãi gần gũi với dân đen, con đỏ nên nói đến nhân nghĩa nhiều hơn.

Hiền Thảo

Video liên quan

Chủ Đề