Đánh giá phim a space odyssey năm 2024

Trong 2001: A Space Odyssey, Stanley Kubrick đã khảo sát thêm về viễn cảnh tăm tối của con người trong thời đại vật chất, cơ giới vốn được mô tả trong Dr. Strangelove bốn năm trước đó. Khi giải thích làm sao ý tưởng độc đáo cho bộ phim khoa học viễn tưởng đặc trưng này đã hiện ra với ông, ông bảo, “Hầu hết các phi hành gia và các nhà khoa học khác lưu tâm đến toàn bộ vấn đề này đều quả quyết tin rằng vũ trụ đầy sự sống; trong đó có nhiều sự sống, bởi vì những con số quá chấn động, tương đương chúng ta về mặt trí tuệ, hoặc cao cấp hơn, đơn giản vì trí tuệ con người đã tồn tại trong một quãng thời gian tương đối ngắn ngủi.” Ông tiếp cận Arthur Clarke, mà truyện ngắn khoa học viễn tưởng của ông, “The Sentinel”, cuối cùng đã trở thành cơ sở cho bộ phim này. Đầu tiên họ mở rộng truyện ngắn thành một cuốn tiểu thuyết, để phát triển hoàn toàn tiềm năng của câu chuyện, và sau đó biến cuốn tiểu thuyết đó thành kịch bản phim.

MGM mua trọn gói kịch bản và tài trợ sáu triệu dollar cho bộ phim, và ngân sách này sau bốn năm làm phim đã tăng lên mười triệu. Mặc dù 2001 mở màn gặp phải những bài điểm phim lãnh đạm và thậm chí chống đối, nhưng sau đó ý kiến của giới phê bình hoàn toàn đảo ngược lại. Do bộ phim thường được hồi sinh, nên nó kiếm được số tiền gấp mấy lần chi phí ban đầu.

2001 mở màn bằng khung cảnh buổi đầu của nền văn minh trong đó loài vượn người học cách dùng khúc xương làm vũ khí tiêu diệt kẻ địch, mỉa mai thay từ đó chúng tiến thêm được một bước hướng đến nhân tính. Khi một con vượn người ném tung vũ khí của mình lên không trung, thì xuất hiện cảnh chuyển tiếp sang một con tàu không gian của năm 2001. “Đây đơn giản là một thực tế đáng chú ý,” Kubrick bình luận, “rằng tất cả công nghệ của con người đều phát triển từ việc khám phá ra công cụ làm vũ khí. Không nghi ngờ gì khi có mối quan hệ tình cảm sâu xa giữa con người và những cỗ máy vũ khí của họ, vốn là đứa con của họ. Cỗ máy bắt đầu tự khẳng định mình theo cách hết sức thâm sâu, thậm chí còn thu hút được cảm tình và dấy lên nỗi ám ảnh.”

Ý tưởng này được kịch tính hoá lên trong phim khi hai phi hành gia Dave Bowman và Frank Poole thấy mình phải nương vào lòng khoan dung của chiếc máy vi tính HAL 9000, vốn đang điều khiển con tàu không gian của họ. (Có nhiều đoạn lặp đi lặp lại những cảnh kề nhau của con người cùng những nhược điểm rất con người của mình với tính chất có thể sai lầm luôn có trong những cỗ máy: đẹp đẽ, thiết thực, nhưng lạnh lẽo và vô cảm.) Khi máy tính HAL phạm sai lầm, hắn chối không chịu thừa nhận chứng cứ cho khả năng phạm sai sót của mình, và tiếp theo hắn giết đi những người trên tàu không gian nhằm che đậy chuyện đó. Ở đây, giống như trong Dr. Strangelove, Kubrick chỉ ra rằng khả năng phạm sai lầm của con người ít dẫn đến việc thủ tiêu con người hơn so với việc chối bỏ những tránh nhiệm đạo đức của họ đối với những cỗ máy được cho là không thể phạm sai lầm.

Kubrick tin con người cũng phải nỗ lực nhằm làm chủ được chính bản thân chứ không chỉ làm chủ những cỗ máy của họ, “Ai đó bảo rằng con người là giống loài chuyển tiếp bí ẩn (missing link) giữa loài vượn nguyên sơ với loài người văn minh. Bạn có thể nói rằng điều đó cũng là điều cố hữu trong câu chuyện của 2001. Chúng ta thuộc dạng bán văn minh, có thể hợp tác và có thể có tình cảm, nhưng cần một sự biến hình nào đó để trở thành hình thức cao hơn của sự sống. Bởi vì những phương tiện dùng để xoá bỏ sự sống trên trái đất đang hiện hữu, nên cần phải làm điều gì đó hơn là chỉ hoạch định cẩn trọng và hợp tác theo lí trí nhằm tránh những sự kiện thảm hoạ chung cuộc. Vấn đề này vẫn tồn tại chừng nào mà tiềm năng đó còn tồn tại; và về bản chất thì đây là vấn đề thuộc về đạo đức và tinh thần.”

Những ý kiến này rất gần với những điều mà Charlie Chaplin bày tỏ trong bài diễn từ khép lại bộ phim trong The Great Dictator: “Chúng ta suy nghĩ quá nhiều và cảm nhận quá ít. Hơn cả máy móc chúng ta cần tình người. Hơn cả sự khéo léo chúng ta cần lòng tốt và tính hoà nhã. Không có những phẩm chất này, cuộc sống sẽ trở nên bạo lực và tất thảy đều sẽ mất hết.”

Những hàm ý chung của bộ phim cho thấy quan điểm của Kubrick về sự sống có một khía cạnh lạc quan hơn so với quan điểm mà người ta thấy trước đó trong tác phẩm của ông. Ở đây ông phô bày những cuộc chạm trán sáng tạo của con người với vũ trụ và phô bày những tiềm năng khôn dò dành cho tương lai bằng những hình thức triển vọng hơn trước đây, chẳng hạn như trong phim Dr. Strangelove.

Bộ phim kết thúc bằng cảnh Bowman, người sống sót duy nhất của chiến dịch, được tái sinh thành “một sinh vật được cải tiến, một đứa bé ngoài không gian, một thiên sứ, một siêu nhân, tuỳ cách gọi của bạn,” Kubrick giải thích, “và sinh vật này trở về trái đất vốn đã được chuẩn bị cho bước nhảy kế tiếp tiến lên phía trước của vận mệnh tiến hoá của con người.”

Kubrick cảm thấy rằng “ý tưởng của Thượng đế nằm ở trọng tâm bộ phim” bởi vì, nếu bất kì sinh vật ngoài hành tinh nào sắp sửa hiện ra trước con người, thì con người ngay lập tức sẽ cho rằng đó là Thượng đế hoặc sứ giả của Thượng đế. Khi một tạo vật của những sinh vật này xuất hiện trong phim, nó được mô tả như một phiến đá đen nhẻm. Kubrick nghĩ tốt hơn không nên cố mô tả cụ thể những sinh vật này, “Các vị phải chừa chỗ cho trí tưởng tượng của người xem nữa,” ông kết luận.

Tóm lại, không phô trương cũng chẳng giải thích gì nhiều, 2001 làm người xem cảm nghiệm bộ phim như một khối toàn thể. Như Kubrick nhận xét, “Cảm giác của trải nghiệm này là điều quan trọng, chứ không phải việc ta có thể diễn đạt nó bằng lời. Tôi cố gắng tạo ra một trải nghiệm thị giác vốn sẽ thâm nhập trực tiếp vào phần nội dung tiềm thức của chất liệu.” Kết quả là đối với người xem bộ phim trở thành một trải nghiệm hoàn toàn chủ quan vốn chạm được tới phần ý thức nội tại của họ theo cùng cách thức mà âm nhạc thực hiện được, để cho người xem tự do suy đoán về nội dung chủ đề. Như một nhà phê bình từng nói, 2001 thành công ở chỗ mang những kĩ thuật và sức hấp dẫn của dạng phim thể nghiệm đến với dạng phim truyện ở xưởng phim, “biến nó trở thành bộ phim đắt nhất thuộc làn sóng ngầm.” Chính hiện tượng đấy, trong cái phân tích cuối cùng này, đã làm 2001: A Space Odyssey được nhiều người yêu thích suốt thời gian dài. Việc Kubrick đặt bộ phim ở bối cảnh năm 2001 là điều có ý nghĩa, bởi vì bộ phim câm Metropolis có tính đột phá của Fritz Lang xảy ra vào năm 2000. Chi tiết tham chiếu đến phim của Lang như thế này cho thấy lòng kính trọng đối với thành quả ban đầu của một bậc thầy ở lĩnh vực khoa học viễn tưởng – một thành tựu mà dựa vào đây Kubrick dựng thành công bộ phim của mình và còn vượt qua được chính thành tựu đó.

Chuyển ngữ tại Sài-gòn 20140116

Nguồn:

Phillips, Gene D. “2001: A Space Odyssey.” International Dictionary of Films and Filmmakers. Phiên bản thứ 4. Quyển 1. Tom Pendergast & Sara Pendergast chủ biên. Detroit: St. James Press, 2000.