Con trai là quan tử con gái là gì năm 2024

Thời nay, xã hội đã thay đổi quan điểm về việc sinh con. Trong gia đình, dù sinh được con trai hay con gái cũng đều quý giá, quan trọng như nhau, góp phần đẩy lùi tư tưởng xưa cũ “trọng nam, khinh nữ”. Thế nhưng, đâu đó trong cuộc sống hiện đại, vẫn có người còn giữ quan điểm cổ hủ này, khiến xảy ra không ít hậu quả gây tủi hờn, đau thương và có cả ân hận.

Con trai là quan tử con gái là gì năm 2024
Hạnh phúc là sự sum vầy, đoàn kết của cả gia đình. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG

Vẫn chuyện “nhất nam viết hữu”

Chị Hòa lúc 30 tuổi đã sinh được con trai đầu lòng - bé Minh. Đến cận tuổi 40 thì có tiếp một cô con gái. Dù “đủ nếp đủ tẻ”, nhưng tình thương cho con trai luôn chiếm hết tâm trí và công việc của chị. Chị gần như khoán trắng việc chăm sóc cô con gái nhỏ cho chồng. Vì với chị, con trai chính là “bảo bối”, “rường cột” của ngôi nhà, sẽ là người chăm lo cho chị khi về già, quán xuyến việc thờ cúng giỗ quải ông bà, cha mẹ. Chưa kể, chị còn có quan điểm: con trai mới là con, còn con gái là dâu nhà người ta, gả đi rồi là hết trông nhờ được gì.

Từ nhỏ đến lớn, được mẹ quá cưng chiều nên Minh chỉ biết ăn chơi, ngủ nghỉ, học hành thì lớt phớt cho xong cấp 3. Khi vừa tốt nghiệp, Minh nhất quyết nghỉ học, muốn đi làm kiếm tiền. Chị Hòa đồng ý liền, bất chấp chồng phản đối vì muốn con trai tiếp tục học lên đại học. Mặc kệ những lý giải của chồng về tình, lý, cùng những suy nghĩ cho tương lai của con sau này, chị Hòa vẫn chiều theo ý Minh, chạy vạy kiếm chỗ cho con đi làm. Khi tìm được chỗ làm cho con ở công ty người bạn, chị Hòa mua ngay một chiếc xe máy mới để con chạy tới lui, còn hứa mỗi tháng sẽ cho thêm tiền để tiêu xài. Thế nhưng, đi làm chưa được một tuần, Minh đã bỏ việc, than rằng làm nhiều, việc nặng, giờ nghỉ ít, lương không bao nhiêu.

Sau đó, chuyện chị Hòa nhờ vào các mối quan hệ quen biết tìm các công việc khác cho con cứ lặp lại, nhưng đi làm năm bữa nửa tháng là Minh lại viện đủ lý do để nghỉ. Minh chỉ thích ở trong phòng riêng ôm điện thoại chơi game, nhắn tin với bạn bè, chiều tối thì đi chơi, cà phê, ăn uống... Khi mẹ cho tiền ít, Minh lại tìm cách “khoắng” thêm tiền từ trong túi, bóp, tủ của mẹ.

Vì chuyện con trai thiếu suy nghĩ, chỉ biết ăn chơi phung phí, còn trộm tiền bạc, chị Hòa thì nuông chiều mù quáng, hai vợ chồng chị liên tục phát sinh xung đột, mâu thuẫn vì cách thức dạy con. Có lần, vì bênh con, chị đòi “cắt nhà” làm đôi, xây bức tường ngăn giữa, chị ở với con trai, anh thì lo cho con gái. Bé Phương từ nhỏ ít được chị chăm sóc, ít nhiều đã nén bao tủi thân, khi nghe mẹ quyết ngăn đôi căn nhà, chia con để sống, thì tinh thần của bé thêm hụt hẫng, học hành dần xao nhãng… Đỉnh điểm của câu chuyện chiều con hư là lúc Minh bị bắt quả tang khi cùng bạn đi “ăn hàng”, giật điện thoại người đi đường…

Hạnh phúc từ tình yêu công bằng

Khác với gia cảnh, cách ứng xử, nuôi dạy con cái của chị Hòa, nhà bà Hai Chung có đến 5 người con, thuộc nhà “nếp tẻ có dư”. Theo bà, chị Hai sẽ là người chịu thiệt thòi một chút để gánh vác phụ giúp cha mẹ, còn con út được cưng hơn một chút vì nhỏ tuổi nhất, nhưng không vì thế mà có sự yêu thương không công bằng giữa các con.

Bà Hai hay thủ thỉ cùng con: “Trái tim mẹ có đủ ngăn để yêu thương các con không thiếu đứa nào. Các ngăn cũng đều như nhau để máu huyết được lưu thông, tâm và đầu óc luôn vui, khỏe!”.

Những lúc cả nhà bên nhau quây quần, có khi là dịp sinh nhật, giỗ quải, lễ tết…, bà vẫn hay xòe 5 ngón tay của mình ra để ví như 5 anh chị em trong nhà, thiếu đi một ngón thì bàn tay không thể hoàn mỹ, giảm đi tính năng, khó khăn trong cầm nắm, sử dụng…

Ngày thường, bà vẫn hay khuyến khích các con chia sẻ, giúp đỡ nhau trong công việc, học tập. Đứa lớn chịu khó học thêm chữ “nhẫn”, phụ kèm, rèn cho đứa nhỏ. Em nhỏ thì phải vâng lời, biết lắng nghe, hiểu chuyện, yêu thương anh chị. Với bà, con trai hay con gái đều là con, vì bà nghĩ, một người mẹ mang nặng đẻ đau, trải qua 9 tháng 10 ngày mới tạo dựng và sinh ra được một hình hài, vậy thì không có lý do gì chỉ thương con trai mà không yêu quý con gái.

Quan trọng hơn hết đối với những người làm cha làm mẹ vẫn là con cái luôn khỏe mạnh, bình an, chăm ngoan, anh em yêu thương đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau, không cà nanh tị nạnh, tranh giành… Có như vậy, người làm cha mẹ đã cảm nhận đủ niềm vui, niềm hạnh phúc cuộc sống, nhất là khi tuổi ngày một lớn.

Trong cuộc sống hôm nay, gia đình nào có được con cái đề huề, ngoan hiền, giỏi giang là diễm phúc. Một trong những sự ràng buộc, kết nối và thắt chặt tình yêu của cha mẹ chính là con cái. Thế nên, đứa con luôn là tài sản quý giá mà cha mẹ kiến tạo nên, cần được yêu thương, quan tâm, chăm sóc, nuôi dưỡng thành người để trở thành người trưởng thành, hữu ích cho gia đình và cho xã hội.

Tư tưởng và quan điểm sống ngày nay cũng đã khác xưa rất nhiều, vậy thì có lý do gì để tồn tại mãi sự thiếu công bằng và đối xử khác biệt giữa con trai và con gái dưới một mái nhà? Các con, các cháu sẽ ngoan hiền, hiếu thảo, biết yêu thương nhau khi cảm nhận được sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc bình đẳng từ ông bà, cha mẹ. Trai hay gái cũng đều là máu mủ ruột thịt, nên người lớn, bậc phụ huynh cũng không cần phải cân đong đo đếm tình cảm để phân chia, trao gửi theo cảm quan. Khi cha mẹ luôn yêu thương đong đầy cho tất cả các con, thì chắc chắn niềm hạnh phúc gia đình hôm nay hay mai sau sẽ luôn bền vững như tình yêu chân phương mà sâu lắng của cha mẹ đã trao gửi cho con cái mình.