Con đường tơ lụa đi qua tỉnh nào việt nam năm 2024

Tơ lụa Việt Nam được thế giới nhìn nhận là một quốc gia có nghề tơ lụa trải qua hàng nghìn năm lịch sử, ngày nay còn lưu dấu ở nhiều vùng trồng dâu nuôi tằm, ươm tơ, dệt lụa nổi tiếng như làng Vạn Phúc [Hà Nội], Nha Xá [Hà Nam], Cổ Chất [Nam Định]... Theo các tài liệu lịch sử, nghề trồng dâu nuôi tằm, dệt lụa có từ thời Hùng Vương. Từ tơ tằm người Việt đã dệt nên nhiều loại lụa.

Ở vùng Bắc Bộ, bên bờ sông Nhuệ, làng lụa Vạn Phúc [Hà Đông - Hà Nội] - một cái nôi của nghề dệt lụa có lịch sử hàng ngàn năm. Thời nhà Nguyễn, lụa Vạn Phúc chuyên dùng để may y phục cho vua chúa, các quan lại trong triều đình, và nay các sản phẩm lụa của làng Vạn Phúc đến với người dân trong và ngoài nước với nhiều mẫu mã đa dạng, nhận được sự yêu thích của người tiêu dùng, tiếp nối truyền thống một làng nghề cổ đất kinh kỳ.

Áo lụa Hà Đông là sản phẩm của làng Vạn Phúc có sức hút lạ kỳ, một nét văn hóa độc đáo của đất Thăng Long văn hiến. Lụa Vạn Phúc “mịn mặt, mát tay” đi vào nhiều câu ca dao và lưu truyền trong dân gian. Thời Pháp thuộc, Lụa Vạn Phúc được người Pháp đánh giá là loại sản phẩm tinh xảo nhất Đông Dương, vào các năm 1931 và 1932 từng được chọn tham dự các cuộc đấu xảo [hội chợ] lớn ở Marseille và Paris [Pháp].

Và khi nhắc đến Lụa tơ tằm Vạn Phúc người ta sẽ nghĩ ngay đến những thước vải Lụa Vân cổ truyền Vạn Phúc.

Để làm ra tấm lụa tơ tằm, người làm lụa ở Vạn Phúc phải trải qua nhiều công đoạn tốn thời gian và công sức như kéo kén, guồng tơ, mắc cửi, nối cửi, dệt tơ, nhuộm tơ. Ở bất kì công đoạn nào cũng đòi hỏi người làm phải hết sức cẩn thận và sát sao ngay cả khi có máy móc hỗ trợ.

Bên cạnh đó còn có hững làng nghề có lịch sử lâu đời khác như Cổ Đô, Nha Xá [Hà Nam], Cổ Chất [Nam Định],… giúp khách trong và ngoài nước khám phá những không gian sản xuất tơ lụa truyền thống đầy hoài niệm. Ở đây các nghệ nhân làng nghề vẫn giữ gìn, trao truyền những kỹ thuật dệt độc đáo để làm ra những tấm lụa thượng hạng trong ngành tơ lụa của Việt Nam.

Từ lâu, nghề ươm tơ làng Cổ Chất, xã Phương Đình [Trực Ninh - Nam Định] đã nổi tiếng khắp vùng miền gần xa, đây là nơi khởi sinh loại tơ tằm đẹp nhất thành Nam. Thời Pháp thuộc giới tư bản Pháp đã đầu tư xây dựng cả nhà máy ươm tơ ở làng để khai thác kỹ năng lao động lành nghề của người dân địa phương và tiềm năng vùng dâu tằm dọc bờ sông Ninh.

Ở làng Cổ Chất, ta dễ dàng bắt gặp những bó tơ trắng, tơ vàng óng ả phơi trên những thanh sào tre. Mỗi gia đình ở Cổ Chất được ví như một lò ươm tơ, các bà các chị làm việc miệt mài trong màn khói nghi ngút từ nồi nước luộc kén. Kén tằm cho vào nồi được khỏa liên tục thi nhau nhảy lên bàn kéo sợi. Sợi tơ chui qua một lỗ nhỏ rồi cuốn mình vào guồng đang quay tít. Những sợi tơ thanh mảnh, mềm mại, màu sắc tươi sáng nơi đây sẽ dệt nên biết bao tà áo, tô thắm cho vẻ đẹp duyên dáng của người con gái Việt.

Những năm gần đây, trong nền kinh tế thị trường, các làng nghề dệt lụa đang dần chuyên môn hoá các mặt hàng, các công đoạn hay quy mô sản xuất. Ở các làng nghề dệt lụa nhìn chung trên đà phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hoá. Nhiều mặt hàng lụa mới đã ra đời, chất lượng, mẫu mã sản phẩm tiếp tục được nâng cao.

Theo ông Fei Jianming, Tổng thư kí Hiệp hội Tơ lụa Thế giới: “Trong số các quốc gia Đông Nam Á, ngành tơ lụa Việt Nam có nền tảng tốt nhất với những làng nghề hàng nghìn năm tuổi. Việt Nam xuất khẩu nhiều sợi se hơn Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời xuất nhiều tơ sống hơn Campuchia và Thái Lan…”.

Từ vốn quý cổ truyền, những tấm lụa đa sắc màu đang là những sản phẩm kết tinh của trời đất, thắm đượm công sức, tài hoa con người, tất cả cùng hòa quyện tạo nên những sắc thái văn hóa truyền thống thấm sâu trong tình cảm, trong lối ứng xử của mỗi con người Việt Nam.

Nói đến làng nghề, sản phẩm thủ công mỹ nghệ người ta lại liên tưởng đến Con đường tơ lụa [Silk Road], hệ thống các con đường buôn bán nổi tiếng có từ hàng nghìn năm nối châu Á với châu Âu hay nói cách khác là giữa Đông với Tây. Nó nói về những buổi bình minh sơ khai của con người trong lĩnh vực thông thương trao đổi hàng hóa nhất là những mặt hàng thủ công do chính con người làm ra.

Con đường tơ lụa nay trở thành những địa danh du lịch hấp dẫn.

Con đường tơ lụa bắt đầu từ Phúc Châu, Hàng Châu, Bắc Kinh [Trung Quốc] qua Mông Cổ, Ấn Độ, Afghanistan, Iran, Iraq, Thổ Nhĩ Kỳ, Hy Lạp, xung quanh vùng Địa Trung Hải và đến tận châu Âu. Nó vươn cả sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Bangladesh, Java-Indonesia và Việt Nam với chiều dài trên 6.700 km. Con đường tơ lụa là một hệ thống những con đường thương mại lớn nhất thế giới thời cổ đại, cầu nối giữa hai nền văn minh Đông và Tây. Nhà địa lý học danh tiếng người Đức Ferdinand von Richthofen chính là người khai sinh ra cái tên bằng tiếng Đức "Seidenstraße" hay "Seidenstraßen" [Con đường tơ lụa] khi ông xuất bản hàng loạt những ấn phẩm và nghiên cứu vào giữa thế kỷ 19 nói về con đường thương mại cổ đại này. Tuy nhiên "trích ngang" của Con đường tơ lụa lại có từ trước đó rất lâu.

Theo những tài liệu còn lưu, Trương Khiên người Trung Quốc mới là người đầu tiên đặt những viên gạch xây nên con đường thương mại đầy huyền thoại này. Vào thời nhà Hán [206 TCN-220], ông phải mang những văn kiện ngoại giao từ Trung Quốc đi về vùng đất phía Tây. Chính chuyến Tây du này đã hình thành nên một con đường thương mại phồn vinh bậc nhất thế giới thời bấy giờ. Con đường tơ lụa được hình thành từ thế kỷ 2 TCN nhưng lúc đầu, nó được dùng cho mục đích quốc phòng nhiều hơn là thương mại. Muốn tìm được những đồng minh nhằm khống chế bộ lạc Hung Nô, năm 138 TCN, vua Hán Vũ Đế đã cử Trương Khiên đi về phía Tây với chiếu chỉ ngoại giao trong tay, nhưng không may ông đã bị chính quân Hung Nô bắt. Sau 10 năm bị bắt giữ, Trương Khiên trốn khỏi trại và tiếp tục hành trình về Trung Á, tiếp kiến rất nhiều vị thủ lĩnh ở khu vực này nhưng chẳng ai chịu giúp nhà Hán buộc ông phải trở về nước năm 126 TCN. Tuy thất bại nhưng với những kiến thức và thông tin thu được, ông đã viết cuốn sách tựa đề Triều dã kim tài trong đó đề cập chi tiết những vùng đất mà ông đã từng đặt chân tới, như vị trí địa lý, phong tục tập quán, sản vật, hàng hóa và đặc biệt là tiềm năng giao thương. Triều dã kim tài đã kích thích mạnh các thương gia Trung Hoa và cũng từ đây Con đường tơ lụa dần được hình thành, người Trung Hoa mang gấm vóc, lụa là, sa nhiễu... đến Ba Tư và La Mã đồng thời những doanh nhân các vùng khác cũng tìm đường đến với Trung Hoa. Thời kỳ đầu, những bậc đế vương và những nhà quý tộc của La Mã thích lụa Trung Hoa đến mức họ cho cân lụa lên và đổi chỗ lụa đó bằng vàng với cân nặng tương đương. Chuyện kể rằng Nữ hoàng Ai Cập Cleopatra lúc đó chỉ diện váy lụa Trung Quốc mà thôi. Chính trị thời đó cũng có ảnh hưởng lớn đến Con đường tơ lụa. Khi nhà Hán suy vong vào thế kỷ 3, Con đường tơ lụa cũng bị đình lại. Chỉ khi nhà Tống hưng thịnh, con đường này mới tái phát triển trở lại. Cũng vào thời Tống, do thấy được giá trị của con đường giao thương Đông - Tây này, các vị hoàng đế đã ban hành hàng loạt những chiếu chỉ nhằm khuyến khích thương mại và cũng từ đó, những nhà truyền giáo đã bắt đầu tìm đến với phương Đông. Con đường tơ lụa dưới triều Tống đã trở thành một điểm nhấn rõ nét trong lịch sử thương mại thế giới.

Đến thế kỷ 10, nhà Tống bị sụp đổ, Con đường tơ lụa cũng bị suy thoái theo nhưng sau đó với sự hùng mạnh của đế chế Nguyên Mông, công việc buôn bán lại hưng thịnh trở lại. Sang đến thời nhà Minh, Con đường tơ lụa đã bị vương triều khống chế và bắt mọi người phải nộp thuế rất cao nên thương gia phải tìm cách vận chuyển bằng đường biển và từ đây Con đường tơ lụa trên biển được ra đời. Từ thế kỷ thứ 7, Quảng Châu đã được xem là nơi khởi đầu của Con đường tơ lụa trên biển. Trước tiên là các thương gia Ả Rập và sau đó là Bồ Đào Nha, Anh, Pháp, Hà Lan lần lượt kéo đến buôn bán. Quảng Châu tràn ngập hàng hóa của nước ngoài và bản địa, Con đường tơ lụa trên bộ dần dần biến mất. Hồi chuông cáo chung của Con đường tơ lụa vang lên cũng là lúc người Ba Tư [Iran ngày nay] dần học được cách làm tơ lụa của người Trung Hoa và việc trung chuyển tơ lụa từ đó giảm hẳn do người Ba Tư tự làm và bán trực tiếp cho La Mã chứ không nhập khẩu từ Trung Hoa nữa.

Trong những chuyến khảo cổ sau này, người ta đã tìm ra khoảng 50.000 cổ vật nằm rải rác trên Con đường tơ lụa. Đây là những bằng chứng vô giá về lịch sử thương mại của Con đường tơ lụa với những chuyến hàng đầy ắp đã trở thành dĩ vãng, những dấu chân lạc đà giờ đã bị cát bụi sa mạc xóa nhòa nhưng cái tên Con đường tơ lụa sẽ còn lưu lại trong lịch sử như một cây cầu kết nối thương mại giữa hai nền văn minh Trung Quốc và La Mã. Dọc theo Con đường tơ lụa có sự hòa trộn và biến hóa trong đức tin tại các địa phương khác nhau. Người Trung Hoa chuyển đi tơ lụa, thuốc súng, giấy và gốm sứ bằng Con đường tơ lụa. Đổi lại, những kiến thức về thiên văn học sẽ giúp người Trung Quốc hiểu sâu thêm về vũ trụ. Những bản vẽ Mặt Trăng, ngôi sao đã chứng tỏ sự khao khát tìm tòi của người Trung Hoa về vũ trụ. Một tấm bản đồ tìm được ở Đôn Hoàng, Cam Túc làm người ta phải ngạc nhiên, toàn bộ 1.500 vì sao mà con người biết đến 8 thế kỷ sau đều giống với những gì đã được tả trong tấm bản đồ đó.

Bất chấp vô số những kỳ quan phương Đông mà các thương gia phương Tây đã miêu tả trong các chuyến đi dọc theo Con đường tơ lụa, vẫn có rất nhiều người hoài nghi việc con đường đó có thực sự tồn tại hay không. Chỉ sau khi cha con nhà thám hiểm người Venezia - Niccolò Polo và Marco Polo trở về sau chuyến hành trình thứ hai, người ta mới bắt đầu tin rằng Con đường tơ lụa là có thật. con đường của “thương mại, du hành, chiến tranh và niềm tin”. Mới đây, Con đường tơ lụa huyền thoại lại được tái hiện trong cuộc triển lãm do Thư viện Anh tổ chức năm 2004 giúp cho công chúng nhận biết những giá trị thực của tuyến đường này. Nhờ cuộc triển lãm này mà dư luận hiểu được rằng thương mại trên Con đường tơ lụa là một yếu tố quan trọng trong sự phát triển của nền văn minh lớn của Trung Quốc, Ấn Độ, Ai Cập cổ đại, Ba Tư, Ả Rập, và La Mã cổ đại, và trong một số khía cạnh đã giúp đặt nền móng cho thế giới hiện đại. Con đường tơ lụa đã ăn sâu vào tiềm thức nhiều thế hệ, là hình ảnh của những đàn súc vật chất đầy hàng hóa, tơ lụa trên lưng, nhẫn nại hướng tới những miền đất lạ và ngày nay nó không chỉ làm nhiệm vụ trao đổi hàng hóa, buôn bán giữa các quốc gia, mà còn là địa danh du lịch văn hóa, lịch sử đầy hấp dẫn.

Chủ Đề