Chùa nào cầu siêu cho thai nhi ở sg năm 2024

Đó là chùa Từ Quang [huyện Bình Chánh, TP HCM] được xây dựng vào năm 1958 có vị trụ trì là Thích Thanh Phong. Đây là vị Sư Tổ sáng lập và viên tịch tại chùa từ năm 1995. Hiện nay, chùa do Đại đức Thích Giác Hoa trụ trì là đời thứ hai kể từ khi thầy Thích Thanh Phong viên tịch. Từ khi được xây dựng đến nay, ngôi chùa này đã “nuôi nấng” hơn 40.000 đứa trẻ chưa chào đời.

Tại chùa Từ Quang, những bức tượng ấu nhi được tạc khéo léo, sinh động với nhiều tư thế khác nhau để những bậc cha mẹ đến đây có nơi thờ tụng.

Chùa Từ Quang từ lâu đã là nơi an nghỉ của những sinh linh chưa chào đời và những đứa trẻ chẳng may mất sớm. Theo quan niệm nhà Phật, những sinh linh dù chưa chào đời nhưng cũng là con người nên chẳng may mất đi, chúng sẽ vẫn có linh hồn như những người quá cố khác. Vì thế, những bức tượng ấu nhi được tạc để những bậc cha mẹ đến đây có nơi thờ tụng.

Ông Thiện [ngụ huyện Bình Chánh, TP HCM] là Phật tử lâu năm thường xuyên lui tới phụ giúp chùa dọn dẹp, cúng kiếng. Mỗi ngày, chùa Từ Quang sẽ có một khung giờ tụng kinh thường nhật là 16 giờ và sau khi tụng sẽ bày 4 mâm cháo trắng cùng 2 mâm sữa và 1 mâm bánh để dâng hương những sinh linh thai nhi qua đời được gửi cúng tại chùa.

“Những cha mẹ chẳng may bị mất con từ khi đứa bé còn trong bụng thì sẽ đến đây để làm lễ gửi các bé vào chùa để chùa chăm lo cúng kiếng, cầu siêu cho các bé. Có nhiều bác sĩ ở những bệnh viện phụ sản lớn cũng đến đây để cúng cho các bé như quần áo, sữa, bánh kẹo, đồ chơi. Cha mẹ tới đây chỉ cần ghi tên, tuổi, nơi ở của mình vào mẫu có sẵn tại chùa, sau đó đặt pháp danh cho con lấy họ cha mẹ, không cần đóng phí gì cả” - ông Thiện cho biết.

Bé con của chị Hiếu [ngụ quận Tân Phú, TP HCM] luôn được nhang khói, nghe kinh mỗi ngày tại chùa Từ Quang suốt 6 năm qua. “Năm nào tôi cũng lên thăm hương linh con, trừ những năm dịch. Có năm tôi lên 2 lần, Trung thu, Tết. Tết ở chùa có lễ cúng lớn như Trung thu vậy, gửi bé ở đây thấy rất yên tâm vì nhà chùa rất chu đáo, bé được nhang khói mỗi ngày, có nơi thờ cúng, nghe kinh cầu siêu” – chị Hiếu chia sẻ.

Chùa Từ Quang có một ngày lễ lớn trong năm là Rằm tháng 8 hằng năm, đây được xem như ngày lễ Trung thu cho các bé được gửi cúng tại chùa. Ngoài ra, vào dịp Tết, chùa cũng làm lễ Tất niên, tụng kinh cầu siêu cho các hương linh được gửi tại chùa. Những hương linh thai nhi, trẻ con được gửi tại chùa sẽ được nghe kinh, cúng thức ăn, đồ chơi, bánh kẹo và sữa.

Chị T.Q [ngụ quận Gò Vấp, TP HCM] trầm ngâm cho biết đây là bé thứ 3 chị gửi lên chùa Từ Quang để cúng kiếng. “Bé đầu tiên gửi là khi tôi đã có bé đầu được 1 tuổi thì có bầu trộm, con còn nhỏ quá nên tôi mới bỏ. Đứa thứ 2 là do bị hư thai, tôi để nhưng bé còn nhỏ quá nên bác sĩ nói là thai lưu rồi. Hai bé đó là tôi gửi hồi đầu năm. Bé gần đây là do bị sảy, chỉ gửi lên chùa mới vài tháng... Tết tại chùa có các sư thầy tụng kinh, nhang khói cho các bé thì tôi thấy an tâm và cũng được nguôi ngoai phần nào” - chị T.Q tâm sự.

Thầy Thích Giác Hoa, trụ trì chùa Từ Quang, cho hay chùa chỉ cúng tên các bé chứ không nhận xác hay tro cốt, theo đạo Phật thì đây là cúng phần hồn người mất. Mỗi ngày lượng người đến chùa để gửi cúng các bé không may mất sớm khá nhiều.

Chỉ trong 3 ngày, từ ngày 1/10 đến 3/10, 4.000 trường hợp và có thể còn nhiều người hơn thế nữa đã tìm đến ngôi chùa Từ Quang, Bình Chánh, TP HCM để làm lễ cầu siêu cho hàng vạn sinh linh bé bỏng mà vì sự vô tình hay cố ý của các bậc cha mẹ đã không có cơ hội thấy ánh mặt trời.

Ở đó, chúng tôi bắt gặp cả những nam thanh nữ tú, song phần lớn vẫn là những người đã ở tuổi xế chiều. Họ tìm đến cửa Phật như chốn cứu vãn cuối cùng cho những sai lầm trong cuộc đời. Cũng từ đây, nhiều sự thật kinh hoàng về vấn nạn nạo phá thai dần hé lộ.

Những con số báo động

Người đăng ký số lượng sinh linh cần được cầu siêu nhiều nhất: 20. Nhìn con số ghi trên các lá phiếu đăng ký họ tên, số thai nhi cần được cầu siêu của từng người khi đến với đại lễ cầu siêu tại chùa Từ Quang những ngày này, không chỉ chúng tôi mà các sư cô, sư thầy hay bất kỳ ai một lần tiếp cận đều không thể không bàng hoàng. Cũng cần nhấn mạnh rằng, đây hoàn toàn là con số thực, bởi theo yêu cầu trên lá phiếu, người đăng ký phải là cha mẹ, phải ghi rõ họ tên, số thai nhi bị bỏ rơi hoặc đánh mất để các thầy theo đó đặt tên cho từng sinh linh…

Theo Đại đức Thích Giác Thiện, chủ trì chùa Từ Quang, từ trước đến nay, mặc dù đã làm lễ cầu siêu cho nhiều gia đình, cũng đã có rất nhiều người tìm đến nhà chùa mong được vợi bớt nỗi khổ tâm, dằn vặt do trót mắc lỗi lầm trong quá khứ nhưng bản thân thầy và nhà chùa cũng không thể ngờ lại có quá nhiều cảnh ngộ kinh hoàng ngoài sức tưởng tượng đến như thế.

Ngày càng đông người tìm đến đại lễ cầu siêu cho thai nhi tại chùa Từ Quang, Bình Chánh, TP HCM.

Chỉ trong một thời gian ngắn, cả số lượng người đến đăng ký và số thai nhi bị bỏ rơi được các bậc cha mẹ tự kê khai liên tục tăng theo cấp số nhân. Ban đầu là đề nghị được tổ chức làm lễ của một nhóm người. Sau một tuần, số người đến đăng ký đã lên đến trên 200 và số thai nhi bị bỏ rơi được thống kê lên đến trên 600. Sau ngày đầu tiên tổ chức đại lễ thì đã có trên 4.000 người đến đăng ký tham gia.

Ai đến cầu siêu?

Không còn thời gian để tìm hiểu về từng trường hợp, chỉ những lá phiếu thật đặc biệt, người tiếp nhận mới ghi chép lại. Thế nhưng, tập giấy nhỏ ghi chép tạm của một nhà sư nữ đến phụ giúp chùa Từ Quang cũng đã dày đặc những chữ. Mặc dù số lần thai nhi bị mất sự sống do một người kê khai cao nhất là 20 lần nhưng số phiếu kê khai 7 đến 12, 16, 18 lần không hẳn là hiếm. Trong đó, có người thành đạt, có kẻ cố cùng, có người 18-20 tuổi, có người đã răng long, đầu bạc...

Chủ nhân của lá phiếu kê khai 18 thai nhi cho biết: Cô phá bỏ thai nhi đầu tiên khi mới 16 tuổi vì đau khổ do bị phụ tình. Hơn chục năm sống thác loạn, hơn chục lần phá bỏ thai nhi. Đến nay, ở cái tuổi ngoại 30, cô hoàn lương, có gia đình êm ấm, kinh tế khá giả nhưng hai vợ chồng cố gắng chạy thầy chạy thuốc khắp nơi vẫn không có được một đứa con. Nỗi ân hận giày vò khiến không đêm nào cô ngủ yên giấc. Cực chẳng đã, gia đình phải cậy nhờ đến cửa Phật.

Trớ trêu hơn, cặp vợ chồng là chủ nhân của lá phiếu kê khai 12 thai nhi gần như không hề ý thức việc họ làm là tội lỗi trước đó. Cùng rời làng quê vào thành phố lập nghiệp, vì đồng lương công nhân eo hẹp, họ không dám sinh con. Nghĩ mình còn trẻ, cố gắng tích cóp tiền rồi sau này về quê sinh con cũng không muộn nên họ chỉ miệt mài kiếm sống. Không kiến thức về sinh sản, không biện pháp tránh thai, cặp vợ chồng này thấy "có hiện tượng" là đi nhờ bác sĩ. Lúc nhận ra khả năng của con người có giới hạn thì đã muộn. Họ tìm đến lễ cầu siêu, ăn ở tại chùa, ngày ngày tụng kinh niệm phật như giải pháp cuối cùng để có được một mụn con…

Cần hướng đến một lối sống lành mạnh hơn

Trao đổi với chúng tôi ngay sau buổi hành lễ, sư trụ trì Từ Quang, thầy Thích Giác Thiện cho biết: Việc tổ chức trai đàn giúp những người đã vô tình hay cố ý đánh mất sự sống của thai nhi tìm lại sự thanh thản về mặt tinh thần. Bệnh từ tâm phải dùng tâm để chữa trị.

Bởi vì, xét cho cùng, không ai có quyền tước đoạt sự sống của con người, kể cả các thai nhi. Tội lỗi bắt đầu từ con người thì phải do chính con người sửa chữa và triệt tiêu. Tuy nhiên, xét về mặt xã hội, nhà chùa và những người tu hành cũng muốn gióng lên hồi chuông báo động cho tất cả những người đã, đang còn lầm lạc, đặc biệt là với giới trẻ, là sự cần thiết về lối sống lành mạnh, an toàn cũng như sự cần kíp trong trang bị kiến thức cơ bản về sinh sản để tránh những hậu quả đau lòng tương tự nói trên.

Chủ Đề