Chỉ tiêu đánh giá nhanh bctc

Hiện nay, thông tin trên báo cáo tài chính [BCTC] thường bị điều chỉnh nhiều vì nhiều lý do. Số lượng doanh nghiệp [DN] có BCTC gian lận xu hướng ngày càng tăng. BCTC sai lệch báo hiệu sự suy giảm chất lượng thông tin tài chính. Do đó, người sử dụng cần thực hiện các thủ tục cần thiết để đảm bảo nguồn số liệu sử dụng trong phân tích tài chính là trung thực và hợp lý.

Theo quan điểm của chúng tôi, khi phân tích BCTC của DN chúng ta cần thực hiện ba bước cơ bản sau:

Bước 1: Lựa chọn BCTC để phân tích

Lựa chọn loại BCTC có độ tin cậy cao nhất để phân tích. Thông thường một DN sẽ có các loại BCTC sau:

– BCTC do DN lập.

– BCTC đã được cấp trên phê duyệt: Báo cáo này có độ tin cậy cao hơn so với BCTC chưa được phê duyệt.

– Báo cáo đã được quyết toán thuế: Các chỉ tiêu liên quan đến thuế sẽ có độ tin cậy cao hơn.

Báo cáo đã được kiểm toán: Báo cáo này có độ tin cậy cao hơn so với báo cáo chưa được kiểm toán. Báo cáo kiểm toán thường được đính kèm với BCTC của DN. Như vậy, căn cứ vào ý kiến của KTV có thể đánh giá được mức độ tin cậy của số liệu trên BCTC để từ đó đưa ra quyết định kinh tế.

Bước 2: Kiểm tra tính trung thực và hợp lý của các chỉ tiêu trên BCTC

Kiểm tra đối chiếu số liệu trên BCTC kỳ hiện hành với số liệu trên BCTC của kỳ trước để đảm bảo tính liên tục và thống nhất của số liệu.

Kiểm tra những bằng chứng xác minh những thông tin trong BCTC; đánh giá việc tuân thủ các chuẩn mực và chế độ kế toán hiện hành, các nguyên tắc kế toán và phương pháp được áp dụng cũng như cách trình bày tổng thể BCTC. Ví dụ, phương pháp tính trị giá hàng tồn kho [HTK], phương pháp và thời gian khấu hao tài sản cố định [TSCĐ], phương pháp trích lập dự phòng,… DN có thay đổi các chính sách kế toán áp dụng giữa các niên độ kế toán không? Nếu có thay đổi thì ảnh hưởng của những thay đổi đó tác động như thế nào đến các số liệu trên BCTC? Trên thuyết minh BCTC có trình bày và giải thích nguyên nhân cũng như tác động của các thay đổi đó không?

Bước 3: Đánh giá chất lượng tài sản và nguồn vốn trên BCTC

Trên thực tế, để phục vụ lợi ích riêng DN có thể cung cấp các thông tin sai lệch theo hai chiều hướng sau:

Trường hợp 1: DN báo lãi nhưng kết quả thực tế lỗ hoặc lãi thấp hơn

DN có thể điều chỉnh ghi tăng các khoản doanh thu và ghi tăng nợ phải thu khách hàng để làm tăng lợi nhuận của DN. Thực chất đây mới chỉ là lợi nhuận trên báo cáo còn lợi nhuận thực sự phụ thuộc vào chất lượng của các khoản phải thu. Các khoản nợ phải thu khó đòi hoặc không có khả năng thu hồi đều ảnh hưởng xấu đến lợi nhuận thực của DN.

Chi phí của DN được ghi nhận không đầy đủ dẫn đến lợi nhuận phản ánh chưa trung thực. Trong thực tế, DN có thể trì hoãn một số các khoản chi phí bằng cách ghi tăng các khoản tạm ứng, chi phí trả trước, không phân bổ chi phí trả trước, không trích lập dự phòng theo quy định và không quyết toán ghi tăng TSCĐ để trì hoãn việc trích khấu hao TSCĐ.

Trường hợp 2: DN báo lỗ nhưng kết quả thực tế lãi hoặc báo cáo lãi thấp hơn lãi thực tế

DN cố tình trì hoãn việc ghi nhận doanh thu của kỳ này sang kỳ sau. Chi phí ghi tăng so với thực tế trong kỳ do DN đã ghi vào chi phí sản xuất kinh doanh toàn bộ các khoản chi phí có liên quan đến nhiều kỳ kế toán mà theo quy định phải được ghi nhận vào chi phí trả trước. Sau đó, mới phân bổ theo kế hoạch vào chi phí của kỳ kế toán có liên quan.

Các khoản chi phí trích trước dựa trên các ước tính của kế toán nên đôi khi cũng bị điều chỉnh bởi ý chí của người lập báo cáo. Kế toán có thể đưa ra những ước tính vượt quá so với thực tế phát sinh.

Kế toán DN có thể đưa ra mức trích lập dự phòng vượt quá so với quy định hoặc trích lập dự phòng đối với những khoản không được phép trích lập.

Như vậy, để đánh giá xem DN có cố tình điều chỉnh kết quả hoạt động kinh doanh hay không chúng ta cần xem xét kỹ lưỡng từng khoản mục cụ thể trên báo cáo. Tuy nhiên, trong thực tế chúng ta sẽ thấy có một số khoản mục dưới đây thường được kế toán sử dụng để điều chỉnh:

Khoản mục đầu tư tài chính ngắn và dài hạn: Chúng ta nên theo dõi các khoản đầu tư để phát hiện những khoản đầu tư vượt quá thời hạn. Từ đó tìm hiểu nguyên nhân vì sao DN chưa thu hồi khoản đầu tư và so sánh giá trị thị trường với giá trị ghi sổ của khoản đầu tư để đánh giá sự giảm giá trị của khoản đầu tư và xác định số dự phòng cần trích lập. Như vậy, so sánh với số dự phòng mà kế toán đã trích lập có thể biết được giá trị khoản đầu tư và chi phí dự phòng phản ánh trên BCTC có trung thực và hợp lý.

Khoản mục phải thu: Chúng ta cần phát hiện các khoản phải thu khó đòi bằng phương pháp so sánh chi tiết từng đối tượng phải thu giữa các niên độ kế toán. Nếu phát hiện thấy những đối tượng có số dư không thay đổi trong nhiều kỳ do không có phát sinh tăng, giảm thì có thể xác định là những khoản phải thu khó đòi. Trên cơ sở đó, xem xét việc trích lập dự phòng đối với các khoản phải thu khó đòi.

Ngoài ra, kế toán các DN còn có thể chuyển từ khoản phải thu dài hạn thành ngắn hạn trên BCTC nhằm mục đích điều chỉnh tăng hệ số thanh toán ngắn hạn hoặc để tránh việc trích lập dự phòng đối với nợ phải thu khó đòi kế toán sẽ chuyển một số khoản phải thu ngắn hạn sang thành dài hạn.

Đối với khoản mục HTK, cần phát hiện và xác định giá trị HTK kém phẩm chất, ứ đọng không tiêu thụ được. Những khoản mục không có sự thay đổi về số dư và số phát sinh trong nhiều kỳ liên tiếp có thể sẽ là khoản mục kém phẩm chất. Xác định giá trị thuần có thể thực hiện được của HTK, so sánh với giá trị ghi sổ của HTK tại thời điểm báo cáo để xác định mức dự phòng cần trích lập đối với HTK và đối chiếu với số dự phòng kế toán lập để đánh giá mức độ hợp lý và trung thực của số liệu trên báo cáo.

Bên cạnh đó, khi có những khoản mục HTK tăng cao đột biến chúng ta cần tìm hiểu để xác định nguyên nhân tăng là do DN có kế hoạch mở rộng hoạt động nên dự trữ HTK cho sản xuất hoặc tiêu thụ hay là, do dự trù không sát với thực tế nên vượt quá nhu cầu sản xuất dẫn tới tồn đọng hoặc do sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được.

Đối với các khoản tạm ứng cho cán bộ, công nhân viên cần chú ý đến những khoản tạm ứng để quá lâu không thanh toán, những khoản không có khả năng thu hồi bằng cách so sánh với thời hạn hoàn ứng trên giấy đề nghị tạm ứng.

Đối với các khoản chi phí trả trước ngắn hạn hoặc dài hạn, cần chú ý đến số phát sinh tăng, giảm trong kỳ để phát hiện trường hợp kế toán không thực hiện việc phân bổ chi phí hoặc phân bổ ít hơn thực tế. Đồng thời, kiểm tra và phát hiện các mục kế toán hạch toán vào chi phí trả trước không đúng theo quy định của chế độ tài chính hiện hành.

Đối với TSCĐ, đối chiếu giữa biên bản kiểm kê TSCĐ và sổ kế toán để xác định TSCĐ là tồn tại thực. Xác định các tài sản hư hỏng, không cần dùng, lạc hậu chờ thanh lý. Theo dõi việc trích khấu hao TSCĐ có được liên tục và nhất quán về phương pháp khấu hao và thời gian tính khấu hao theo quy định.

Kiểm tra xem các khoản chi phí trích trước có được lập dự toán trên cơ sở các bằng chứng tin cậy và hợp lý không. Nếu DN cố tình ghi nhận khoản chi phí trích trước mà không có cơ sở dự toán hợp lý thì có nghĩa là DN đang muốn điều chỉnh giảm lợi nhuận.

Như vậy, công tác thẩm định và đánh giá chất lượng thông tin trên BCTC trước khi đưa ra quyết định kinh tế là rất quan trọng đối với người sử dụng. Sau khi thực hiện thẩm định các khoản mục trên BCTC, người sử dụng cần thực hiện các điều chỉnh cần thiết để các số liệu trên BCTC sử dụng trong phân tích sẽ đảm bảo độ tin cậy. Do đó, chúng tôi hy vọng những vấn đề đã đề cập trong bài viết sẽ hữu ích đối với người sử dụng trong quá trình thực hiện công tác thẩm định và đánh giá chất lượng thông tin trên BCTC.Ơ

Tài liệu tham khảo

1. VAS 21 – Trình bày BCTC

2. Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính

3. Thông tư 20/2006/TT-BTC ngày 20/3/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính

4. Thông tư 105/2003/TT-BTC ngày 04/11/2003 của Bộ trưởng Bộ Tài chính

5. PGS. TS Phạm Văn Được, Trưởng khoa kế toán – kiểm toán, Trường ĐH Kinh tế tp.HCM, Báo cáo và phân tích tài chính DN, NXB Giao thông vận tải, 2010

6. PGS, TS Nguyễn Ngọc Quang, ĐH Kinh tế Quốc dân, Phân tích BCTC, NXB Tài chính, 2011.

Th.s Đoàn Thị Hồng Nhung – Th.s Vũ Thị Kim Lan

Đại học Thăng Long

[Theo Tạp chí Kế toán và Kiểm toán ]

Chủ Đề