Cách tính lương mới nhất 2023

Trước đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng/tháng, thời gian thực hiện từ 1.7.2023, nhiều công chức, viên chức mong muốn được tăng lương từ ngày 1.1.2023 thay vì ngày 1.7.2023.

Có thâm niên hơn 10 năm gắn bó với nghề giáo viên, tính cả tiền lương và phụ cấp, chị Nguyễn Thị O [giáo viên THCS huyện ngoại thành Hà Nội] nhận lương 6 triệu đồng/tháng. Là giáo viên dạy môn Địa lý, chị O không dạy thêm nên số tiền này là khoản tiền cố định mỗi tháng.

"Lương 6 triệu đồng không thể nào đủ để tôi nuôi 2 con ăn học. Ngoài giờ dạy học trên lớp, tôi làm bánh, thức ăn sẵn rồi đăng lên Facebook bán cho khách. Công việc này giúp tôi có thêm 2-3 triệu đồng/tháng để nuôi con" - chị O nói.

Theo chị O, chị là giáo viên lâu năm nên lương mới được như vậy, với giáo viên mới ra trường vào viên chức, bậc lương của họ là 2,34 nhân với mức lương cơ sở hiện nay là 1.490.000 đồng, tính ra được khoảng gần 3,5 triệu đồng/tháng. Khi giá cả leo thang, đồng lương của viên chức giáo viên rất khó để đảm bảo cuộc sống.

"Nếu không làm thêm nghề, gia đình không có nền tảng kinh tế, lương giáo viên không thể đủ sống" - chị O nói.

Do tác động của dịch bệnh, việc cải cách tiền lương cho công chức, viên chức những năm qua đã phải chậm trễ. Vì vậy, trước đề xuất tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng, thay vì thời gian thực hiện từ ngày 1.7.2023, nữ giáo viên mong được lương tăng từ ngày 1.1.2023. 

Sau 15 năm là công chức cấp phường tại tỉnh Thanh Hoá, anh Trần Văn B có mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng. Ngày mới vào làm việc, lương khởi điểm ở hệ số 2.34, đến thời điểm hiện tại là 4,98. 

Có 2 con đang học cấp 2, vợ làm giáo viên ở thành phố Thanh Hoá, theo anh B, lương của người làm công chức nhà nước như vợ chồng anh rất khó để lo cho các con học hành đàng hoàng. Để gia tăng thu nhập, anh B vay vốn mở quán ăn với bạn.

Trước thông tin đề xuất tăng lương cơ sở từ ngày 1.7.2023, anh B hy vọng tăng lương cho đội ngũ công chức, viên chức sớm hơn dự kiến.

"Sau 2 lần lỡ hẹn tăng lương vào tháng 7.2020 và tháng 7.2021 do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, chúng tôi mong đợi năm 2022 sẽ tăng lương cơ sở. Song cuối năm 2021, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 34/2021/QH15 lùi cải cách tiền lương từ 1.7.2022 đến khi có văn bản hướng dẫn chính thức. Do vậy, tôi mong được tăng lương sớm hơn đề xuất" - nam công chức bày tỏ.

Nước ta đã trải qua 4 lần cải cách chính sách tiền lương vào các năm 1960, năm 1985, năm 1993 và năm 2003.

Với cán bộ, công chức, viên chức, lần điều chỉnh tăng lương cơ sở gần nhất là từ 1.7.2019, điều chỉnh tăng mức lương cơ sở từ 1.390.000 đồng lên mức 1.490.000 đồng.

Công chức có mức lương cao nhất là người giữ chức danh chuyên gia cao cấp bậc 3 [trừ các chức danh lãnh đạo bầu cử, bổ nhiệm] có hệ số 10.00 nhân với mức lương cơ sở là 14,9 triệu đồng, tương đương lương bộ trưởng.

Công chức còn lại được chia thành 6 nhóm theo ngạch gồm: A3, A2, A1, A0, B và C. Tương ứng với đó là từng ngạch, bậc và mức lương cụ thể cao nhất là hệ số 8.00 với mức lương 11,92 triệu đồng/tháng và thấp nhất có hệ số 1.35 với mức lương hơn 2 triệu đồng/tháng.

Với viên chức cũng được tính lương tương tự với hệ số từ 1.50 đến 8.00 tương ứng mức lương từ 2,235 triệu đến 11,92 triệu đồng mỗi tháng...

Theo thống kê của Bộ Nội vụ, trong 2,5 năm, có 39.552 cán bộ, công chức, viên chức nghỉ việc, chiếm 2% tổng số biên chế được giao. Như vậy, tính bình quân 1 năm có khoảng 15.820 người nghỉ việc. Về nguyên nhân chủ quan, theo Bộ Nội vụ, chủ yếu  là do tiền lương ở khu vực công quá thấp, chưa tạo động lực cho đội ngủ cán bộ, công chức, viên chức.

Tại cuộc tiếp xúc cử tri 10 ở Cần Thơ mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thông tin: Các cơ quan đang đề xuất phương án theo hướng nâng mức lương cơ sở của cán bộ, công chức, viên chức khu vực công lên 1,8 triệu đồng/tháng, thời gian thực hiện từ 1-7-2023. Trước đề xuất này, nhiều công chức, viên chức mong muốn được tăng lương từ ngày 1.1.2023 thay vì ngày 1.7.2023. Bởi, do tác động của dịch bệnh, việc cải cách tiền lương cho công chức, viên chức những năm qua đã phải chậm trễ.Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV tới đây sẽ có nội dung bàn về việc cải cách tiền lương. Đây là tin vui đối với người lao động, vì chủ trương cải cách tiền lương, tăng mức lương cơ sở là giải pháp cần làm gấp. 

Theo ông Lê Đình Quảng - Phó Trưởng Ban Chính sách pháp luật Tổng LĐLĐ Việt Nam, hiện nay, dịch bệnh cơ bản đã được khống chế, tốc độ phát triển kinh tế - xã hội có khởi sắc nên cần điều chỉnh mức lương cơ sở. Từ lần điều chỉnh lương cơ sở gần đây nhất đến nay, trượt giá cũng đã tăng khá cao, nên tiền lương thực tế của công chức, viên chức bị giảm sút.  Do vậy, việc tăng lương cơ sở là phù hợp với nguyện vọng của đa số cán bộ, công chức, viên chức hiện nay. Tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2022 vừa qua, PGS.TS Vũ Sỹ Cường [Học viện Tài chính] đề nghị, năm 2023 - 2024 xem xét ngay việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức [CBCCVC] để tạo ra sự kích thích mới, bởi hiệu quả cao sẽ được tạo ra ngay từ việc tăng lương - chính sách được cho là đơn giản, dễ thực hiện và trực tiếp.

Gởi ý kiến đến Báo Người Lao động, nhiều bạn đọc có cùng mong muốn được Quốc hội, Chính phủ quan tâm cho nâng mức lương cơ sở sớm hơn dự kiến để góp phần cải thiện kinh tế gia đình những người sống nhờ lương. Bạn đọc Hoàng Văn Linh bày tỏ: "Chính phủ nên quyết định việc tăng lương là rất cần thiết nên áp dụng ngay từ đầu năm 2023 để kích cầu lao động, NLĐ phấn khởi có khí thế lao động từ đầu năm...chờ đến tháng 7 thì muộn quá". 

Bạn đọc Nguyễn Văn Hương góp ý: "Tháng 7-2023 tăng lương cơ sở cho công chức 20,8%, tháng 1/2022 vừa rồi đã tăng lương hưu 7,4%, như vậy người nghỉ hưu tăng lương hưu thua công chức, viên chức còn làm việc 13,4%, Đề nghị tháng 7/2023 tăng lương hưu thêm 13,4% cho công bằng với công chức, viên còn làm việc".

Bạn đọc Đặng Tuấn Huỳnh chia sẻ: "Lúc dịch COVID-19 cao điểm 2020 – 2021, những người hưởng lương đồng ý không tăng lương 2 năm. Nay hết dịch, nhịp sống trở lại bình thường cũng là lúc xăng dầu, vật giá leo thang, đời sống công chức, viên chức và người về hưu càng khó khăn, đề nghị nên tăng lương sớm từ đầu năm 2023".

Theo các chuyên gia lao động, vấn đề đặt ra là việc cải cách tiền lương cần có sự tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở nguồn lực ngân sách. Việc sửa đổi các quy định chính sách tiền lương dành cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cần được thực hiện một cách khoa học, hợp lý. Đồng thời cần xây dựng hệ thống tiền lương phù hợp với thị trường lao động để rút ngắn khoảng cách lương giữa khu vực công và khu vực tư, tạo sự cạnh tranh bình đẳng giữa hai khu vực này trong việc thu hút nhân lực chất lượng cao.

Chủ Đề