Cách nhận biết hoa hồng cổ hồ chí minh, thành phố hồ chí minh

Chuyện quanh ta

Thú chơi hồng cổ Sa Pa

Với những người yêu thích trồng hoa thì hoa hồng luôn là lựa chọn số một. Bởi hoa hồng đa dạng về chủng loại, mầu sắc, hương thơm. Hơn thế, hoa hồng tương đối dễ trồng, hoa nở quanh năm. Nếu chăm sóc cây đúng cách, càng mạnh tay cắt tỉa cành sau khi hoa tàn thì cây càng đâm chồi nảy lộc khỏe khoắn, càng đơm nhiều nụ, nở nhiều bông. Những năm gần đây, nhất là dịp Tết, thú chơi hoa hồng ở Hà Nội càng được đẩy lên cao với cơn sốt hoa hồng ta cổ, nhất là hồng cổ Sa Pa.

Cơn sốt lan rộng

Hồng cổ Sa Pa theo người chơi là giống hồng có nguồn gốc từ Pháp, ngày trước được người bản xứ mang sang trồng ở Sa Pa. Sau đó, hồng được trồng nhân rộng ở các tỉnh miền núi phía bắc và dần dần xuống đồng bằng.

Hồng cổ Sa Pa chủ yếu có mầu hồng sen, hương thơm, hoa to, nhiều cánh, xếp cánh cuộn, cúp. Cây có thể cao hàng mét. Giới chơi hoa hồng cổ Sa Pa định giá cây qua gốc và tán cây. Gốc cây càng lớn, tán cao, rộng chứng tỏ tuổi cây càng cao.

Từ lâu, người yêu thích hồng sớm nhận ra vẻ đẹp quyến rũ của hồng cổ Sa Pa nên đã cất công lên các vùng núi, về các vùng quê tìm kiếm. Xa quá rồi, cái thời mà hồng cổ Sa Pa vẫn còn được trồng rải rác làm bờ rào, hoặc trong sân nhà, cho nên chỉ vài trăm nghìn đồng, dân chơi hoa cũng đã có thể sở hữu một cây hoa hồng cổ Sa Pa.

Tuy nhiên, giờ đây, khi hoa hồng cổ không còn nhiều ở nhà dân, trong khi cơn sốt hồng cổ Sa Pa mỗi ngày càng tăng nhiệt thì giá hoa hồng cổ tăng đến chóng mặt. Chị Hương, một người chơi hoa hồng cổ cho biết, hai năm trước, chị nhờ người em là KTS thiết kế cảnh quan tìm mua được một gốc hồng cổ Sa Pa ở Nam Định với ba triệu đồng [chưa kể tiền thuê xe tải chuyển hoa về Hà Nội]. Chỉ vài tháng sau, gốc hồng này được xác định có tuổi thọ cả hơn 10 năm và được gạ bán với giá 20 triệu. Nhưng với người mê hoa như chị Hương, hồng cổ không bán mà chỉ tìm mua thêm...

Cắt nghĩa về việc leo thang của giá hồng cổ, một KTS thiết kế sân vườn cho biết: Mấy năm gần đây, chủ các biệt thự cao cấp ở Hà Nội thích chơi hoa hồng. Ngoài việc thuê KTS cảnh quan thiết kế sân vườn, họ còn nhờ người đi tìm mua hồng cổ Sa Pa ở các tỉnh về, trồng thành hàng, có thể lên đến hàng chục gốc, bắt mắt. Với người giàu, vài chục triệu cho một cây cảnh quan đẹp, một gốc hồng cổ chỉ là chuyện nhỏ. Vì vậy, hồng cổ trong dân vốn đã hiếm lại càng đắt. Không rõ, cơn sốt hồng cổ Sa Pa còn tăng nhiệt đến đâu, chỉ biết trên thị trường, trên mạng, thi thoảng chúng tôi cũng đã thấy rao bán hồng cổ Sa Pa cây chiết với giá lên đến tiền triệu cho một cây ba, bốn năm tuổi.

Ly kỳ chuyện săn hồng cổ

Thú trồng và chơi hoa hồng cổ tao nhã nhưng để sở hữu một cây hồng Sa Pa cổ không phải chuyện dễ. Là một phóng viên xông xáo đi nhiều nơi, T.T có cơ hội tìm mua được không ít gốc hồng cổ Sa Pa quý, trong đó có một gốc hồng được dân chơi định giá lên đến... hàng trăm triệu đồng.

Một gốc hồng cổ trị giá hàng chục triệu đồng.

Theo lời kể, cô tìm mua được cây hồng cổ này ở một huyện miền núi của tỉnh Hà Giang cách đây mấy năm, với tiền triệu. Nhưng vì cây lớn, chưa tiện vận chuyển về ngay nên cô gửi cây lại ở vườn cũ. Ai dè, chỉ vài tháng sau, dân săn hồng phát hiện, gạ mua lại với giá 50 triệu đồng. Chủ cũ tính đánh tháo nhưng rất may T.T sớm biết chuyện và nhờ can thiệp kịp thời. Nhưng để lấy được cây về từ chủ cũ, vợ chồng T.T buộc phải trả thêm gần 20 triệu rồi nhanh nhanh, chóng chóng đánh hoa đi thuần.

Thuần ở đây tức là cây đang ở núi cao được đánh về trồng ở một địa bàn khác nhưng điều kiện khí hậu không chênh lệch quá nhiều so với nơi cũ, để cây dần thích nghi và sống sót. Vài tháng sau, cây lại được đem đến nhờ trồng ở một vùng khác, thấp hơn nữa, trước khi đưa về Hà Nội vào mùa xuân, mùa mà cây trồng dễ sinh sôi nảy nở nhất trong năm.

Dù được định giá là một trong những gốc hồng quý hàng đầu Việt Nam và được gạ bán nhưng dù ai thuyết phục kiểu gì, T.T cũng không bán mà đem giấu cùng với các cây hồng quý, các giống hồng khác mà cô sưu tầm được trong những năm qua tại một vườn bí mật ở Đông Anh. Ước mơ của T.T là khi có điều kiện sẽ xây một trang trại mà khuôn viên xung quanh chỉ trồng toàn hồng. Chẳng rõ giới chơi hoa và bạn bè đã được đích thân chiêm ngưỡng vườn hồng của cô chưa nhưng họ vẫn kháo nhau T.T chính là một đại gia hồng.

Khi được hỏi vì sao phải trồng hoa bí mật, câu trả lời đơn giản là trong tâm điểm cơn sốt hồng cổ Sa Pa, cây quý, giới săn trả giá cao, nếu không giấu kỹ, nguy cơ bị đánh trộm rất lớn, phòng hơn chống là thế.

Cầu kỳ chuyện chơi hoa

So với các cây cảnh khác, hồng là giống cây dễ trồng, dễ chăm sóc. Theo giới chơi hoa, quan trọng nhất là cung cấp cho cây đủ nắng, từ 6-8 tiếng/ngày và thoát nước tốt để cây không úng.

Mặc dù chơi và trồng nhiều cây hoa, song từ ngày trồng hoa hồng cổ, chị Hương mới trở thành một nhà làm vườn đích thực. Chị đọc được vanh vách các bệnh của cây [nếu có], cách chăm sóc, chữa trị cho cây. Chị Hương cho biết, cộng đồng mạng hình thành nhiều nhóm chơi hoa, trong đó có nhóm chơi riêng các giống hồng Việt Nam. Trang facebook của nhóm cài đặt chế độ bảo mật nên các thành viên có thể mạnh dạn khoe cây, cũng như tổ chức các cuộc thi nho nhỏ như hoa và chủ nhân... Trên diễn đàn của nhóm, bất cứ vấn đề gì liên quan đến hoa hồng, từ nhánh cây mới nhú, cái nụ mới mọc, bông hoa mới nở đến các dấu hiệu bệnh, cách chăm sóc, điều trị... đều được các thành viên chia sẻ nhiệt thành.

Yêu hoa đến độ, trong ngày Tình nhân năm nay, chị Hương còn đúc rút chuyện chăm hoa thành câu chuyện tình yêu trên trang cá nhân của mình: Hoa hồng tượng trưng cho tình yêu. Em yêu hoa hồng nên em trồng hoa. Kết luận: Phải có tình cảm, rung động thật sự mới yêu nhau được. Từ ngày trồng hoa, hằng tháng phải bỏ ra một khoản chi phí phân gio, các loại thuốc trừ sâu... Kết luận: Yêu là phải mất tình phí. Muốn cây phát triển, hoa đẹp phải đầu tư thời gian, công sức chăm sóc, cắt tỉa cành thường xuyên. Phát hiện sâu bệnh phải phun thuốc ngay. Kết luận: Tình yêu muốn bền vững phải được nuôi dưỡng, chăm chút, không được lơ là. Có biểu hiện khác lạ phải chữa bệnh khẩn trương. Cây bị sâu bệnh hay gặp thời tiết giá rét như đợt rét trước Tết, hay nắng nóng kỷ lục là mất ăn mất ngủ. Đợt nào đi công tác dài ngày là lo lắng, cắt cử người chăm cây giúp, thi thoảng lại gọi điện hỏi thăm. Kết luận: Yêu là luôn nghĩ về nhau, chăm sóc nhau, quan tâm đến nhau. Một ngày, sững sờ khi thấy hoa rực rỡ trước sân nhà. Ngẩn ngơ ngắm từng bông hoa, từng chồi lá. Sung sướng ghi lại khoảnh khắc đẹp nhất của mỗi mùa hoa, lưu giữ để thi thoảng lôi ra ngắm, nhớ lại những ngày tháng đã qua. Kết luận: Yêu là trái tim run rẩy, thậm chí là trái tim lầm lỡ để lên đầu. Và thời gian dù có phôi phai, nhưng kỷ niệm tình yêu thì còn mãi. Nhiều khi người ta sống tốt với nhau hơn bởi chính những kỷ niệm đẹp đẽ ấy.

Tuy không có đam mê lớn lao dành cho hoa hồng như chị Hương, như những người trồng hoa hồng cổ khác, nhưng cũng là người trồng cây, trồng hoa nên chúng tôi hiểu chỉ vì sao chăm hoa mỗi ngày mà người trồng vẫn sững sờ, ngẩn ngơ, sung sướng khi ngắm từng bông hoa, từng chồi lá.

Mời chúng tôi đến nhà thưởng hoa, chị Hương đồng ý cho chụp ảnh thoải mái, chỉ đặt một điều kiện duy nhất không được tiết lộ địa chỉ vườn hoa, không để lộ các chi tiết có thể nhận diện vườn hoa, bởi rất có thể, vườn hoa của chị sẽ bị... nhòm ngó.

Xa quá rồi, cái thời mà hồng cổ Sa Pa vẫn còn được trồng rải rác làm bờ rào, hoặc trong sân nhà, cho nên chỉ vài trăm nghìn đồng, dân chơi hoa cũng đã có thể sở hữu một cây hoa hồng cổ Sa Pa.

Hải Vũ

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề