Cách hướng dẫn chương trình thờ phượng chúa

Chương 14: Thiết Kế Một Chương Trình Thờ Phượng

Vậy, khi cả Hội thánh nhóm lại một nơi, nếu ai nấy đều nói tiếng lạ, mà có kẻ tầm thường hoặc người chẳng tin vào nghe, họ há chẳng nói anh em là điên cuồng sao?” I Cô-rinh-tô 14:23
“Hãy lấy sự khôn ngoan ăn ở với những người ngoại, và lợi dụng thì giờ”.
I Cô-rinh-tô 4:5 

Lớn lên trong một gia đình Cơ-đốc, tôi thường rất bối rối khi dắt những người bạn chưa tin của mình đến nhà thờ. Hầu như mỗi lần tôi dắt bạn mình đi nhà thờ thì buổi sáng Chúa Nhật đó ba tôi lại giảng về việc dâng phần mười, một giáo sĩ nào đó lên chia sẻ ơn phước hoặc là chúng tôi có một buổi thờ phượng bình thường-không có điều gì những người bạn chưa tin của tôi cần nghe hay kinh nghiệm.

Nhưng thường thì vào những ngày nghỉ cuối tuần, lúc tôi không dẫn những người bạn của tôi đến, thì sứ điệp lại tập trung vào sự cứu rỗi. Tôi nghĩ, “Tiếc thật, giá như có mấy đứa bạn của mình ở đây hôm nay!” Hết tuần này sang tuần khác, tôi không biết có buổi thờ phượng nào “an toàn” để tôi đưa những người chưa tin đến hay không. Trọng tâm của sứ điệp là điều không thể đoán trước được, luôn luôn thay đổi giữa truyền giảng và gây dựng. Tôi cũng thấy điều này tại Hội Thánh mà tôi sinh hoạt lúc còn đi học đại học. Cuối cùng, tôi không mời những người chưa tin đến nhà thờ nữa. Đó không phải là một quyết định tỉnh táo-tôi chỉ quá mệt mỏi thôi.

Hầu hết các Hội Thánh hiếm khi thu hút những người chưa tin đến với các chương trình thờ phượng của họ vì những thành viên không sẵn lòng đưa dắt họ tới nhà thờ. Bất luận vị mục sư khích lệ các thành viên dắt bạn bè tới bao nhiêu, hay có bao nhiêu chương trình thăm viếng được tổ chức, kết quả vẫn như vậy: Hầu hết các thành viên chẳng bao giờ dắt bất cứ người bạn chưa tin nào đến nhà thờ.



Tại sao lại như vậy?
3 nguyên do quan trọng. Trước hết, như tôi đã nói, không thể đoán trước đối tượng của các sứ điệp. Hết tuần này sang tuần khác, các thành viên không biết được lúc nào mục sư mình sẽ giảng sứ điệp truyền giảng hay sứ điệp gây dựng. Thứ hai, các chương trình thờ phượng không được thiết kế dành riêng cho các thân hữu; phần lớn những gì được thực hiện trong các chương trình thờ phượng đều không thể hiểu được đối với một người chưa tin. Thứ ba, các thành viên có thể hổ thẹn về chất lượng của buổi thờ phượng. Nếu bạn có thể yêu cầu một thành viên tiêu biểu trong Hội Thánh của bạn nói cách chân thật về Hội Thánh mình, thì có lẽ anh ta sẽ nói như sau: “Tôi rất yêu Hội Thánh của mình. Tôi thương mục sư của tôi lắm. Tôi thật nhận được phước hạnh từ các tiết mục trong chương trình thờ phượng. Nó đáp ứng những nhu cầu của tôi. Nhưng… tôi không nghĩ tới chuyện mời bạn của mình tới vì chương trình thờ phượng sẽ chẳng có ý nghĩa gì đối với họ. Các sứ điệp, bài hát, lời cầu nguyện đều dành cho tôi, và được thể hiện bằng thứ ngôn ngữ tôi hiểu, ngay cả các thông báo cũng dành cho tôi nốt. Những người bạn của tôi sẽ không thể hiểu được chương trình thờ phượng.” Thẳng thắn mà nói, ngay lúc đó, anh ta sẽ cảm thấy mắc tội vì không mời những người bạn của mình tới.

*Gia tăng kích cỡ của Hội Thánh không đòi hỏi tri thức của một khoa học gia về tên lửa: Bạn chỉ cần khiến cho nhiều người ghé thăm! Không một ai trở thành thành viên Hội Thánh mà chưa từng một lần làm khách tại Hội Thánh đó. Nếu mỗi năm bạn chỉ có vài người khách ghé thăm, thì số thành viên mới của bạn còn ít hơn nữa. Một đám đông không phải là một Hội Thánh, nhưng để phát triển một Hội Thánh, trước tiên bạn phải thu hút một đám đông. Phương cách tự nhiên nhất để làm tăng số người ghé thăm Hội Thánh của bạn là gì? Làm cho các thành viên thấy mắc tội vì không mời bạn bè tới ư? Không. Treo một tấm bảng lớn đề rằng: “Chào Mừng Các Vị Khách” chăng? Không. Gọi điện tới từng gia đình trong cộng đồng của bạn? Có lẽ là không. Tổ chức các cuộc thi cho những người đến dự? Không thể nào. Đăng quảng cáo hay quảng cáo qua điện thoại? Lại sai.

Câu trả lời rất đơn giản: Hãy tổ chức một chương trình thờ phượng được thiết kế sao cho các thành viên của bạn có thể dắt đưa bạn bè của họ tới. Hãy khiến cho buổi thờ phượng thu hút, gần gũi, và phù hợp với những thân hữu để các thành viên của bạn có thể sốt sắng nói về nó cho những người chưa tin.

Hội Thánh Saddleback đã có chương trình thờ phượng này ngay từ đầu. Khi các Hội Thánh khác bắt đầu phát triển những phương pháp tiếp cận tương tự, khái niệm “chương trình thờ phượng nhạy cảm với thân hữu” bắt đầu được dùng để mô tả chương trình thờ phượng này. Khi có chương trình thờ phượng mà các Cơ-đốc nhân muốn đưa những người bạn chưa tin của mình tới tham dự, bạn không cần phải dùng những cuộc thi, các chiến dịch hay mặc cảm tội lỗi để gia tăng số người đến. Các thành viên sẽ mời bạn bè của họ đến mỗi tuần, và Hội Thánh của bạn sẽ kinh nghiệm một dòng người chưa tin cứ liên tục kéo tới Hội Thánh. Trong chương này và chương tiếp theo, tôi muốn đưa ra một vài gợi ý thực tiễn để thiết kế một chương trình thờ phượng cho thân hữu.

Lập Chương Trình Thờ Phượng Nhắm Vào Đối Tượng Của Bạn

Mỗi tuần, tại Hội Thánh Saddleback, chúng tôi đều nhắc nhở nhau cố gắng tiếp cận: Anh Saddleback Sam và vợ anh ta là Samantha. Một khi bạn biết rõ đối tượng của mình, điều đó sẽ giúp bạn xác định các tiết mục trong chương trình thờ phượng: phong cách âm nhạc, các đề tài sứ điệp, các bài làm chứng, những hình vẽ sáng tạo và nhiều điều khác nữa.

Hầu hết các Hội Thánh Tin Lành kết thúc chương trình thờ phượng của họ bằng lời kêu gọi dâng mình. Điều này cho thấy rằng chúng ta kết hợp thờ phượng và truyền giáo. Nhưng nhiều người không nhận thấy rằng đây là một chiến lược tự đánh bại mình khi dành năm mươi tám phút đầu của giờ thờ phượng cho các tín hữu và thình lình chuyển trọng tâm sang những người chưa tin trong hai phút cuối. Những người chưa tin sẽ không chịu ngồi suốt năm mươi tám phút đầu của chương trình thờ phượng khi mà chẳng có gì liên hệ tới đời sống của họ cả. Toàn bộ chương trình thờ phượng, không chỉ thư mời, cần phải được lên kế hoạch dành cho các thân hữu.



Càng Dễ Tham Dự Càng Tốt


Người Mỹ luôn muốn mọi sự tiện lợi cho họ. Mục tiêu của bạn là phải gỡ bỏ mọi rào cản để những thân hữu không có lý do nào mà không đến dự.

*Tổ chức nhiều thì giờ thờ phượng. Điều này khiến cho người ta có nhiều cơ hội để tham dự. Đã nhiều năm qua Hội Thánh Saddleback có bốn chương trình thờ phượng giống nhau vào những thì giờ khác nhau trong tuần: 6:00 giờ chiều thứ bảy, 8:00, 9:30 và 11:15 sáng Chúa Nhật. Chúng tôi thường để cho những người chưa tin Chúa tham dự một chương trình thờ phượng, rồi về nhà và mời một người bạn, sau đó lại trở lại buổi thờ phượng để nghe giảng.

*Có chỗ đậu xe rộng rãi. Tại Mỹ, cần phải có chỗ đậu xe để tiếp cận nhiều người. Một trong những điều đầu tiên các vị khách lưu ý chính là chỗ đậu xe và điều khiển giao thông. Có lần tôi hỏi vài mục sư của các Hội Thánh lớn nhất tại California rằng nhà thờ của họ gặp vấn đề lớn nhất gì. Ai trong số họ cũng trả lời: không đủ chỗ đậu xe. Khi người ta đi nhà thờ, họ thích mang xe hơi của họ theo! Nếu bạn không có chỗ cho xe của họ, thì bạn cũng không có chỗ cho họ. Dù nhà thờ của bạn có lớn đến đâu, bạn vẫn không thể lấp đầy từng chiếc ghế nếu không có đủ chỗ đậu xe.

*Tổ chức chương trình Trường Chúa Nhật cho thiếu nhi cùng thời điểm nhóm thờ phượng. Những thân hữu không muốn phải đối phó với những đứa trẻ mè nheo, dù đó là con của họ hay con của người khác. Hội Thánh Saddleback có bốn chương trình Trường Chúa Nhật tổ chức cùng thời điểm với các chương trình thờ phượng cho thân hữu.



*Vẽ bản đồ chỉ đường đến nhà thờ của bạn trên mọi phương tiện quảng bá. Không có gì gây nản lòng cho bằng cố tìm ra một nơi nào đó mà không có bản đồ. Nhà thờ Saddleback có cả một đoạn đường vào rộng bốn lane, dài nửa dặm. Nó được gọi là Đại Lộ Saddleback, và nhà thờ là địa chỉ duy nhất trên con đường này. Dẫu vậy, người ta cứ hay đi lạc khi cố tìm chỗ chúng tôi.

Hãy Cải Thiện Tốc Độ Và Diễn Tiến Của Buổi Thờ Phượng

Hầu hết các Hội Thánh đều cần phải tăng tốc các chương trình thờ phượng. Truyền hình đã thu ngắn thời gian chú ý của những người Mỹ. Trong thời gian nghỉ của một trận đấu bóng trên truyền hình vào tối thứ Hai, bạn sẽ được xem các pha chiếu chậm, ba quảng cáo và một bản tin ngắn-người ta không muốn bạn chán! MTV còn rút ngắn thời gian chú ý của những cặp đang sinh con nhiều hơn nữa. Chỉ trong ba phút video thôi, bạn có thể nhận được hàng ngàn hình ảnh khác nhau.

Trái lại, hầu hết các chương trình thờ phượng của các Hội Thánh diễn ra chậm như sên. Có rất nhiều “giờ chết” giữa các tiết mục khác nhau. Khi người phụ trách âm nhạc kết thúc một bài hát, anh ta bước qua rồi ngồi xuống. Mười lăm giây sau, vị mục sư mới nghĩ tới chuyện đứng dậy. Cuối cùng, ông chậm chạp bước về phía tòa giảng và chào mừng mọi người. Cùng lúc này, những người chưa tin đã ngủ hết rồi. Hãy cố gắng rút ngắn thời gian chuyển tiếp. Ngay khi một tiết mục chấm dứt, thì nên bắt đầu ngay tiết mục tiếp theo.

Hãy tìm đủ cách để tiết kiệm thời gian trong buổi thờ phượng của bạn. Chúng tôi thường có thời gian quy định cho mỗi tiết mục: thì giờ cầu nguyện, các bài hát, các thông báo, sứ điệp, kết thúc và cả thời gian chuyển tiếp giữa các tiết mục. Sau đó chúng tôi tự hỏi mình, “Cái gì chiếm quá nhiều thời gian và cái gì cần thêm thời gian?” Các chương trình thờ phượng của chúng tôi thường kéo dài khoảng bảy mươi phút. Bạn có thể thực hiện được nhiều điều trong khoảng thời gian đó nếu bạn lên kế hoạch cách khôn ngoan. Chẳng hạn thì giờ dâng hiến có thể giảm phân nửa bằng cách tăng gấp đôi số người đi lấy tiền dâng. Hãy rút ngắn giờ cầu nguyện mục vụ của bạn trong các chương trình thờ phượng cho thân hữu. Đó không phải là lúc để cầu thay cho chị Bertha bị móng chân mọc vào trong! Các thân hữu không chịu được những bài cầu nguyện dài; tâm trí của họ không tập trung hoặc họ sẽ thấy buồn ngủ. Các mục sư cần phải thận trọng khi sử dụng thì giờ cầu nguyện mục vụ yên tĩnh đó!

Để thêm vào việc tăng tốc chương trình thờ phượng của bạn, hãy tìm cách cải thiện dòng chảy của nó. Sự khác biệt giữa một chương trình thờ phượng trung bình và một chương trình nổi bật chính là tiến độ.

Tại Hội Thánh Saddleback, chúng tôi dùng từ Impact [Ấn Tượng] như một từ viết gọn để nhắc chúng tôi về tiến độ chúng tôi muốn tạo nên bằng âm nhạc của mình.

-Inspire Movement [Khởi Động]: Đây là điều chúng tôi muốn làm qua bài hát mở đầu. Chúng tôi dùng một bài hát sinh động, nhịp nhanh, vui tươi khiến cho bạn phải nhịp chân, vỗ tay hay ít nhất là mỉm cười. Chúng tôi muốn thả lỏng những cơ bắp của các vị khách căng thẳng. Khi thân thể của bạn được thả lỏng, thái độ của bạn sẽ ít phòng thủ hơn. Để bắt đầu chương trình thờ phượng của mình, chúng tôi đánh thức thân thể Đấng Christ bằng cách đánh thức thân thể của chính chúng tôi. Khi người ta bước vào một chương trình thờ phượng buổi sáng, họ thường cảm thấy nặng nề, buồn ngủ, và dè dặt. Sau bài hát “Khởi Động” của chúng tôi, không khí luôn thay đổi sang chỗ vui tươi, gần gũi hơn. Sự khác biệt bài hát này có thể tạo nên thật đáng ngạc nhiên. -Praise [Ngợi Khen]: Sau đó chúng tôi chuyển sang những bài hát vui tươi về Đức Chúa Trời. -Adoration [Thờ Phượng]: Chúng tôi chuyển sang những bài hát chậm hơn, trầm và tha thiết hơn dâng lên Chúa. Tốc độ lúc này khá chậm. -Commitment [Cam Kết]: Bài hát này tạo cơ hội xác nhận hay tái xác nhận sự cam kết với Đức Chúa Trời. Nó thường là bài đơn ca, chẳng hạn như “Con Muốn Giống Ngài Càng Hơn.” -Tie it all together [Kết Thúc]: Điều cuối cùng chúng tôi làm là kết thúc buổi thờ phượng bằng một bài hát ngắn, sinh động

Hãy Khiến Các Vị Khách Cảm Thấy Thoải Mái

Các vị khách đã có ý kiến riêng về Hội Thánh của bạn trong vòng mười phút đầu tiên kể từ khi họ đến. Như tôi đã đề cập trong chương 12, các vị khách đã quyết định họ sẽ tới lần nữa hay không từ trước khi mục sư lên giảng. Những ấn tượng đầu tiên rất khó thay đổi, cho nên bạn cần phải suy nghĩ xem bạn muốn những vị khách của mình có được những ấn tượng đầu tiên gì. Như một câu ngạn ngữ cổ có nói, bạn không bao giờ có cơ hội thứ hai để tạo ấn tượng đầu tiên.

Trong việc tiếp khách, điều quan trọng cần hiểu là phản ứng tình cảm đầu tiên của họ là sự lo sợ. Nếu họ thực sự là những người chưa từng đến nhà thờ, họ sẽ hỏi, “Điều gì sẽ xảy đến cho tôi?” Họ có cùng một cảm giác và sợ hãi giống như khi bạn lần đầu tiên bước chân vào một đền thờ Hồi giáo: “Họ có khóa cửa lại không?” “Tôi có phải nói gì không?” “Tôi có bị xấu hổ vì làm điều gì sai không?”

Vì các vị khách đầy sự e ngại và lo sợ, lần đầu tiên bạn gặp gỡ họ phải làm sao để họ cảm thấy thoải mái. Truyền thông sẽ bị chặn lại khi một người lo sợ. Nếu bạn có thể làm giảm sự lo sợ của các vị khách; họ sẽ dễ dàng tiếp nhận Phúc Âm hơn. Có rất nhiều cách thực tế để làm việc này.

Dành những chỗ đậu xe tốt nhất cho các quan khách. Có một tấm bảng ngay lối vào khuôn viên Hội Thánh Saddleback yêu cầu các vị khách lần đầu tiên đến với Hội Thánh hãy bật đèn pha lên nếu họ muốn tới khu đậu xe dành riêng cho họ ở gần nơi thờ phượng nhất. Nếu bạn có chỗ đậu xe dành riêng cho các quan khách, bạn có thể sắp đặt các tiếp tân viên để chào mừng các vị khách và chỉ đường ngay khi họ vừa ra khỏi xe. Tại Hội Thánh Saddleback, tất cả các mục sư và các nhân sự đều đậu xe trên đất. Chỉ có những quan khách mới đậu xe vào bãi dành riêng cho họ.

Sắp đặt các tiếp tân viên bên ngoài nhà thờ. Chúng tôi tin rằng việc chào mừng các vị khách là điều quan trọng đến nỗi chúng tôi có đến bốn loại tiếp tân viên: những người hướng dẫn đậu xe, những người chào mừng, những người đón tiếp và những người dẫn chỗ ngồi. Những người hướng dẫn đậu xe sẽ lo việc đậu xe. Đây là những nụ cười đầu tiên mà các quan khách sẽ gặp. Những người chào mừng thì đứng ở chỗ đậu xe và trên sân nhà thờ, chào mừng mọi người khi họ tiến đến gần nhà thờ. Những người đón tiếp sẽ ngồi tại bàn tiếp tân. Thay vì chỉ đường cho những người mới tới, họ sẽ dẫn đường cho các vị khách tới nơi mà họ cần tới. Những người dẫn chỗ ngồi sẽ chào mừng các vị khách trong chương trình thờ phượng, phân phát các tờ chương trình, giúp đỡ những trường hợp đặc biệt, và lãnh tiền dâng.

Thành phần quan trọng nhất trong bất kỳ tổ chức nào chính là những người trực tiếp quan hệ với khách hàng. Tại hãng hàng không Delta, những người quan trọng nhất đối với tôi là nhân viên bán vé và tiếp viên hàng không. Chủ tịch hãng chẳng quan trọng đối với tôi đâu. Tại sao? Tôi chẳng bao giờ liên hệ gì tới ông ta. Trong Hội Thánh của bạn, các tiếp tân viên là những người quan trọng nhất đối với các vị khách vì họ gặp gỡ các vị khách trong mười phút quyết định đầu tiên đó. Hãy lựa chọn những người dễ gần gũi và dễ mỉm cười với người lạ.

Việc lựa chọn những người chào mừng và người dẫn chỗ phù hợp với đối tượng của bạn cũng quan trọng. Nếu bạn muốn tiếp cận những cặp vợ chồng trẻ, hãy dùng những cặp vợ chồng trẻ; nếu bạn muốn tiếp cận thanh thiếu niên, hãy dùng các thanh thiếu niên; nếu bạn muốn tiếp cận những người đã về hưu, hãy dùng những người đã về hưu. Trong nhiều Hội Thánh, những người chào mừng thường là các thành viên lớn tuổi nhất. Nếu mọi người mà một vị khách gặp gỡ trong mười phút đầu tiên là những người lớn hơn họ đến bốn mươi tuổi, thì người ta sẽ tự hỏi liệu mình có thích hợp với Hội Thánh của bạn hay không.

Một điểm cuối cùng: Đừng phân biệt những người chào mừng bên ngoài bằng các bảng tên. Những người chào mừng có đeo các bảng tên khiến cho các vị khách cảm thấy như là họ đang được các “viên chức” trong Hội Thánh chào mừng. [Một mục sư của chúng tôi đã nói nhầm với một nhóm rằng, “Chúng tôi đặt những người chào mừng ở đó mà không mặc gì cho họ cả!”] Hãy bảo những người chào mừng rằng họ chỉ cần là chính họ-những thành viên thân thiện.

Treo các bảng thông báo bên ngoài nhà thờ. Những người đứng tại các bảng thông báo nên đeo bảng tên vì bạn muốn các vị khách biết chỗ nào cần tới để hỏi thăm.

Treo bảng chỉ đường trực tiếp ở khắp nơi. Hãy xác định rõ cổng vào nhà thờ của bạn, khu nhà trẻ, và đặc biệt là nhà vệ sinh. Đừng để các vị khách phải hỏi nhà vệ sinh ở đâu.

Cho phát nhạc khi mọi người bước vào nhà thờ. Hầu hết các nơi công cộng đều có phát nhạc nền. Bạn có thể nghe nhạc tại các cửa hàng bán lẻ, các cửa hàng tạp hóa, phòng mạch bác sĩ, các tòa nhà văn phòng, và một số thang máy. Thậm chí người ta còn mở nhạc trên máy bay khi đang ra đường băng. Tại sao? Vì âm nhạc giúp người ta thư giãn.

Sự im lặng đối với những vị khách là điều đáng sợ. Nếu bạn phải nói trong một căn phòng lớn với hơn 200 người và không có một ai nói lời nào, liệu bạn không tự hỏi có điều gì đang xảy ra sao? Bạn sẽ nghĩ, “Họ biết điều gì mà mình chưa biết?” Nhưng nếu bạn bước vào một căn phòng mà mọi người đều đang nói chuyện với nhau, bạn sẽ không cảm thấy e dè chút nào.

Cần có thời gian yên lặng trong thì giờ thờ phượng, nhưng đó không phải là trước lúc bắt đầu chương trình thờ phượng cho thân hữu. Bạn có bao giờ nhìn thấy một tấm bảng treo trước cửa nhà thờ nào ghi rằng “Xin Giữ Im Lặng” không? Đó là điều cuối cùng bạn muốn trong một chương trình thờ phượng cho các thân hữu. Bạn muốn bầu không khí trước buổi thờ phượng sống động và vui vẻ.

Chúng tôi đã để ý một hiện tượng rất thú vị: Nhạc nền của bạn càng lớn bao nhiêu, người ta càng nói nhiều bấy nhiêu. Nếu bạn chơi nhạc nhẹ, người ta nói ít. Khi các vị khách bước vào một tòa nhà mà mọi người đều đang nói chuyện thoải mái với nhau, cùng với tiếng nhạc rộn ràng, những lo sợ của họ sẽ mất đi. Họ sẽ thấy rằng người ta đang vui vẻ với nhau và thích được ở tại đây. Họ sẽ thấy rằng có sự sống trong Hội Thánh.

Đừng giới thiệu các vị khách trong chương trình thờ phượng. Một khi họ đã ngồi xuống rồi, chúng tôi không làm phiền họ hay phân biệt họ ra. Chúng tôi cứ để cho họ quan sát thì giờ thờ phượng mà không phải công khai giới thiệu mình với đám đông. Chúng tôi muốn họ cảm thấy được chào mừng mà không cảm thấy bị theo dõi.

Trớ trêu thay, cách nhiều Hội Thánh chào mừng các vị khách lại càng khiến cho họ cảm thấy khó chịu hơn là cứ để họ ngồi yên đó. Các vị khách ghét bị nêu ra giữa đám đông. [Trừ trường hợp đó là những nhân viên trong hệ phái đến thăm!] Một lý do khiến những Hội Thánh lớn có thể thu hút nhiều thân hữu như vậy là vì những người mới đến thích ẩn mình trong đám đông. Trong một Hội Thánh nhỏ, mọi người đều biết ai là khách-và người khách lại biết họ biết chuyện đó!

Tại Mỹ, nỗi sợ lớn nhất người ta phải đối diện khi đến dự tiệc là họ bị bao vây bởi những người lạ. Nỗi lo sợ thứ hai là phải nói trước đám đông, và thứ ba là bị hỏi những câu hỏi riêng tư giữa đám đông. Cách nhiều Hội Thánh chào mừng các vị khách khiến họ rơi vào cả ba nỗi lo sợ lớn nhất đó cùng một lúc! Vị mục sư, vì nghĩ rằng mình thân thiện, nói rằng, “Xin mời anh/chị đứng lên, cho chúng tôi biết tên và một chút gì đó về anh/chị.” Chúng ta không nhận thức được điều gì xảy khi chúng ta làm như vậy, nhưng trong suy nghĩ của người khách, họ cảm thấy như mình đã chết một ngàn lần rồi vậy.

Khi đang sống ở Fort Worth, Kay và tôi sinh hoạt tại một Hội Thánh đã làm việc này ngược lại hoàn toàn. Thay vì mời các vị khách đứng dậy giới thiệu chính họ, thì tất cả các thành viên được yêu cầu lần lượt đứng lên để giới thiệu mình cho các vị khách, trong khi họ vẫn ngồi yên. Sau đó, các thành viên phải quay sang những người đang ngồi và hát một bài hát chào mừng tặng họ! Bạn tưởng tượng được không? Lần đầu tiên chúng tôi ghé thăm, các thành viên đứng xung quanh chúng tôi, và điều duy nhất chúng tôi nhìn thấy là những cái mông to béo. Sau đó họ bắt đầu hát tặng chúng tôi, “Chúng tôi vui vì bạn đến đây. Thật là tuyệt khi ở gần bạn…” Tôi muốn độn thổ cho rồi! Bạn có bao giờ được một người lạ hát tặng chưa? Tôi còn ngỡ ngàng nếu vợ tôi hát tặng tôi nữa là! Vấn đề của câu chuyện là gì? Hãy suy nghĩ về mọi điều bạn làm từ cái nhìn của một vị khách.

Dầu rằng tôi gọi những người mới đến là “các vị khách” chúng tôi cũng không gọi họ như thế tại Hội Thánh Saddleback. Chúng tôi gọi họ là những “khách mời.” Từ “du khách” ngụ ý họ sẽ không ở lại lâu. Từ “khách mời” ngụ ý rằng đây là người bạn sẽ làm mọi chuyện để người đó được thoải mái.

Nếu bạn dùng thẻ đăng ký, hãy phát cho mọi người cùng điền. Khi mọi người cùng đăng ký, những vị khách sẽ không bị phát hiện. Họ thấy rằng đây là điều mọi người cùng làm.

Tấm Thiệp Chào Mừng của Hội Thánh Saddleback là một công cụ giao tiếp quan trọng. Chúng tôi dùng chúng vào nhiều việc khác nhau: đăng ký dự nhóm, ghi nhận những quyết định thuộc linh, thu thập các nan đề cầu nguyện, thực hiện nghiên cứu, đăng ký vào các chương trình, tuyển thêm người lãnh đạo, đánh giá các chương trình thờ phượng, cập nhật các thông tin của các thành viên, thu nhận ý kiến về bài giảng, và mở các mục vụ mới, cũng như nhiều việc khác. Đó là một sợi dây liên kết quan trọng cho phép tôi bắt kịp tốc độ phát triển của Hội Thánh. Những tấm card này đáng giá ngàn vàng.

Tôi thường đọc từng tấm card hằng tuần. Điều đó giúp tôi nhớ từng cái tên của mỗi người cho tới khi chúng tôi có được 3,000 người dự nhóm. Bây giờ tôi chỉ đọc những tấm nào có các ghi chú đặc biệt ấn tượng đối với tôi. Nhưng đó vẫn là sợi dây liên kết trực tiếp của tôi. Mọi người biết rằng ai cũng có thể nhắn nhủ tôi điều gì đó qua tấm Thiệp Chào Mừng. Tôi khám phá ra rằng người ta sẽ viết cho bạn nhiều điều mà họ sẽ không bao giờ nói ra được.

Trên tấm card cũng có chỗ để các vị khách xác định đó là lần đầu, lần thứ hai, hay lần thứ ba họ đến với Hội Thánh chúng tôi. Để đáp lại, tôi đều gởi cho họ những thư cám ơn khác nhau.

Tôi khuyên bạn không nên dùng những cuốn sổ đăng ký, được chuyền từ người này sang người kia ký tên. Chúng làm hỏng tình trạng vô danh. Mọi người ngồi chung một băng đều có thể thấy những gì một người khách đã viết. Và những người chịu trách nhiệm tìm tên từ các sổ đăng ký sẽ gặp nhiều khó khăn hơn là tìm trên những tấm card. Chúng tôi thu lại các tấm card cùng lúc với thu tiền dâng. Nó khiến cho ai cũng có cái gì đó để bỏ vào giỏ dâng tiền. Ngay khi nhận tiền dâng xong, một đội thu thập dữ liệu bắt đầu sắp xếp và nhập tất cả các thông tin từ những tấm card vào máy tính cho các nhân sự dùng.


Chào mừng chung làm mọi người thoải mái. Những lời đầu tiên từ bục hướng dẫn sẽ bắt giọng cho cả chương trình thờ phượng. Mỗi tuần, một trong những mục sư của chúng tôi sẽ nói đại khái như, “Xin chào mừng quý vị đã đến với Hội Thánh Saddleback vào sáng Chúa Nhật này! Chúng tôi rất vui vì quý vị đã đến đây. Nếu quý vị lần đầu tiên tới đây, chúng tôi muốn bạn ngồi dựa lưng ra sau, thư giãn, và thưởng thức chương trình thờ phượng chúng tôi đã chuẩn bị cho bạn.”

Hãy để cho mọi người biết họ có thể thưởng thức chương trình thờ phượng. Hãy nói với họ rằng họ sẽ không phải nói điều gì và cũng sẽ chẳng có ai làm họ bỡ ngỡ. Cũng nên có một lời từ chối về việc dâng tiền: “Nếu bạn đang đến thăm chúng tôi, xin hiểu rằng bạn không nhất thiết phải dự phần vào việc dâng hiến. Điều này chỉ dành cho những ai là thành viên trong Hội Thánh chúng tôi. Là khách mời của chúng tôi, chúng tôi muốn bạn nhận được một điều gì đó từ chương trình thờ phượng này. Chúng tôi không mong bạn dâng tiền.”

Hãy bắt đầu và kết thúc mỗi chương trình thờ phượng bằng thì giờ chào hỏi lẫn nhau. Trong Thánh Kinh Tân Ước chúng ta thấy có năm lần Kinh Thánh bảo chúng ta phải chào thăm nhau và bày tỏ lòng yêu thương nhau. Vì vậy, lúc bắt đầu và lúc kết thúc mỗi buổi thờ phượng, chúng tôi bảo mọi người quay sang bên cạnh và bắt tay với ba [hay mười hoặc hai mươi] người khác.

Trải qua nhiều năm, truyền thống đơn giản này đã tạo nên một cảm nhận ấm áp về tình bạn và gia đình giữa những người không quen biết lẫn nhau. Đôi lúc, tôi bảo mọi người nói với nhau vào cuối buổi thờ phượng như vầy, “Hôm nay được ngồi gần anh thật vui quá!” Đối với một số người, hành động thân thiện nhỏ bé này là sự yên ủi duy nhất họ có trong tuần.

Vào những năm đầu của Hội Thánh Saddleback, các thành viên thực hành cái chúng tôi gọi là “quy tắc ba phút.” Chúng tôi đồng ý với nhau rằng trong ba phút đầu tiên sau khi kết thúc giờ thờ phượng, chúng tôi sẽ đến và chỉ nói chuyện với những người mình chưa gặp bao giờ. Điều này dựa trên một sự thật là những người ra về đầu tiên sau buổi thờ phượng luôn là những vị khách. Cho nên chúng tôi cứ đợi cho đến khi mọi người khách ra về mới thông công với nhau.

Nếu bạn dùng thẻ ghi tên, thì hãy phát cho mỗi người một tấm. Đừng tách biệt những vị khách bằng cách đeo cho họ trong khi không một ai khác đeo, hay không phát cho họ khi mọi người đã có một tấm thẻ rồi.

Cần có một bàn nước vào mỗi giờ thờ phượng. Những vị khách đi lòng vòng tham quan nhiều hơn sau giờ thờ phượng, bạn nên cho họ một tách cà phê và một ít bánh rán trên tay. Điều này cũng tạo cơ hội cho các thành viên gặp gỡ họ. Ăn uống thường có khuynh hướng giải tỏa căng thẳng cho mọi người trong các môi trường xã hội. Tôi không biết tại sao nó lại có tác dụng, nhưng bằng cách nào đó, một người nặng 300 pound sẽ cảm thấy an toàn hơn trong một đám đông xa lạ nếu anh ta có một tách cà phê trên tay để ẩn mình đi.

Tôi rất thích cách Chúa Giê-xu dạy dỗ dân sự khi họ đang đi theo hay đang ăn với Ngài. Tôi tin chắc điều này là có chủ ý. Cả hai hoạt động này làm cho dân sự thư giãn và rút ngắn những rào cản quan hệ. Khi dân sự thư giãn, họ lắng nghe tốt hơn và cởi mở hơn để thay đổi.

Hãy Làm Cho Không Gian Sáng Hơn

Các tòa nhà và môi trường vật lý tác động rất nhiều tới những gì diễn ra trong một buổi thờ phượng. Hình dạng của nhà thờ sẽ định dạng giờ thờ phượng của bạn. Bước vào một số nhà thờ và tâm trạng của bạn như tươi sáng hẳn lên; cũng có khi bước vào những nhà thờ khác, bạn sẽ cảm thấy buồn nản. Hình dạng của căn phòng có thể thay đổi tâm trạng ngay tức thì, nhiệt độ và ánh sáng bên trong nó cũng vậy. Hãy để ý tới những yếu tố này và sử dụng chúng. Hãy xác định bạn muốn buổi thờ phượng của bạn có tâm trạng như thế nào và hãy tạo ra nó.

Tại Hội Thánh Saddleback, chúng tôi mô tả tâm trạng chúng tôi muốn có trong các chương trình thờ phượng cho thân hữu bằng từ kỷ niệm. Mỗi Chúa Nhật là một Lễ Phục Sinh tại Hội Thánh Saddleback, nên chúng tôi chuẩn bị các thứ đèn, ánh sáng để tạo nên môi trường vui nhộn. Các vị khách có thể cảm nhận được điều này ngay khi họ bước vào nhà thờ.

Hãy nhìn vào các phương tiện bạn có từ cái nhìn của một vị khách và cố gắng xác định xem ngôi nhà thờ của bạn đang truyền tải một sứ điệp gì. Nó đang nói gì? Một cánh cửa bằng gỗ màu tối có một thông điệp khác với thông điệp của cửa kính có phải không? Dĩ nhiên rồi.

Trước khi buổi thờ phượng bắt đầu, các vị khách đã có những đánh giá về Hội Thánh của bạn. Ngay lúc họ bước ra khỏi xe, họ đã bắt đầu để ý nhìn xuống đất, và nhìn xung quanh để chuẩn bị đánh giá về những phương tiện của bạn. Khuôn viên nhà thờ có được giữ sạch sẽ không? Cỏ có được cắt chưa và hàng rào cây có được tỉa sửa không? Có thùng rác nào ở quanh đó không? Tấm bảng tên Hội Thánh có cần phải sơn lại không? Sự sạch sẽ rất thu hút. Các phương tiện và các bãi đất dơ bẩn, nhếch nhác sẽ khiến người ta tránh xa.


Đôi lúc thông điệp của các tòa nhà trái ngược với thông điệp Hội Thánh bạn muốn truyền đi. Có thể bạn đang nói, “Chúng tôi rất thân thiện!” nhưng các tòa nhà của bạn thì lại nói, “Chúng tôi thì lạnh lùng và không quan tâm tới ai.” Bạn có thể tuyên bố, “Chúng tôi rất hợp thời,” còn nhà thờ của bạn thì gào thét rằng, “Chúng tôi đã lỗi thời năm mươi năm rồi.” Thật khó tạo dựng một hình ảnh “Chúng tôi hiệp một với nhau” trong khi nhà thờ của bạn thì đang mục rệu ra.

Một trong những vấn đề phải đối diện trong việc duy trì môi trường nhà thờ là bạn có khuynh hướng xem nhẹ những nhược điểm sau khoảng bốn tuần. Một khi bạn trở nên quen thuộc với ngôi nhà thờ, bạn không còn để ý xem nó sai sót chỗ nào nữa. Bạn quên mất những chỗ sơn hư, tấm thảm sờn cũ, tòa giảng bị mẻ một góc, những nét vẽ lỗi thời ngoài tiền sảnh, những tờ bướm cũ trong những cuốn thánh ca, những âm thanh không còn chính xác của cây đàn piano, bóng đèn bị cháy. Không may là những điều đó xuất hiện ngay trước mắt những ai chú ý chi li.

Một cách để thắng hơn khuynh hướng này là làm một bản báo cáo về tình trạng nhà thờ. Hãy cho một người thợ chụp ảnh đi khắp khuôn viên nhà thờ và chụp các bức ảnh theo cái nhìn của một người khách. Sau đó cho những người lãnh đạo của bạn xem các tấm hình này và quyết định xem cần phải làm điều gì. Hầu hết các mục sư không hề nhìn khán phòng của họ từ băng ghế phía sau. Các yếu tố môi trường bạn cần chú ý thật kỹ là ánh sáng, âm thanh, chỗ ngồi, không gian, nhiệt độ, cây cảnh, nhà trẻ và nhà vệ sinh.

*Ánh sáng. Ánh sáng có một tác động mạnh mẽ đến tâm trạng của con người. Ánh sáng không đủ làm giảm tinh thần của buổi thờ phượng. Những bóng tối che khuất gương mặt người nói sẽ làm giảm tác dụng của sứ điệp.

Đa số các nhà thờ quá tối. Có lẽ điều đó bắt nguồn từ việc các Cơ-đốc nhân phải thờ phượng trong những căn hầm tối trong nhiều năm liền. Ngay cả các nhà thờ có nhiều cửa sổ cũng hay che cửa lại. Bằng cách nào đó, nhiều Hội Thánh đã có ý nghĩ rằng ánh sáng lờ mờ tạo nên tâm trạng “thuộc linh” hơn. Tôi hoàn toàn không đồng ý.


Tôi tin rằng các nhà thờ phải sáng và đầy ánh sáng. Đặc tính của Đức Chúa Trời được thể hiện trong sự sáng. I Giăng 1:5 chép, “Đức Chúa Trời là sự sáng, trong Ngài chẳng có sự tối tăm đâu.” Ánh sáng là điều đầu tiên hết Đức Chúa Trời tạo dựng [Sáng 1:3 ]. Ngày nay, tôi nghĩ rằng Đức Chúa Trời sẽ nói với hàng ngàn nhà thờ rằng, “Hãy có sự sáng.”

Nếu bạn muốn đánh thức các chương trình thờ phượng của bạn, hãy thắp sáng ngôi nhà thờ lên. Hãy cuốn màn cửa sổ lại. Hãy mở toang những cánh cửa sổ và cửa lớn. Mở hết mọi bóng đèn lên. Trong tuần này, hãy bí mật thay thế toàn bộ bóng đèn trong nhà thờ của bạn bằng những bóng đèn có công suất gấp đôi, rồi tuần tới bạn sẽ thấy tâm trạng buổi thờ phượng thay đổi như thế nào. Bạn có thể có cả một cuộc phấn hưng trong tầm tay mình!

*Âm thanh. Hãy đầu tư cho hệ thống âm thanh tốt nhất bạn có đủ khả năng. Nếu bạn phải cắt bớt chi phí, hãy cắt ở một lĩnh vực nào đó-đừng cắt ở đây. Hội Thánh Saddleback tăng trưởng trong mười lăm năm mà không có một nhà thờ, nhưng chúng tôi luôn có một hệ thống âm thanh hiện đại, chất lượng cao.

Cho dù sứ điệp của bạn thuyết phục bao nhiêu đi nữa thì cũng không ăn thua gì nếu người ta không thể nghe nó một cách thoải mái nhất. Một hệ thống âm thanh nhỏ xíu, cũ kỹ sẽ làm hỏng tiếng hát của một ca sĩ được ơn nhất cũng như vô hiệu hóa những diễn giả giàu năng lực nhất. Và không có gì phá hỏng những giây phút thiêng liêng cho bằng tiếng hú chói tai của những chiếc loa. Nếu bạn là một mục sư, hãy nói Hội Thánh mua một bộ micro tốt để bạn không bị trói tay trên tòa giảng.

*Chỗ ngồi. Cả sự thoải mái lẫn cách sắp xếp chỗ ngồi đều ảnh hưởng rất nhiều đến tâm trạng của bất kỳ buổi thờ phượng nào. Tâm trí chỉ có thể hấp thu những gì mà chỗ ngồi có thể chịu được. Thật không may, chuyện đứng ngồi lại là điều ma quỷ hay dùng nhất để khiến người ta phân tâm.

Nếu bạn có thể thay thế toàn bộ băng ghế, tôi khuyên bạn nên làm vậy. Trong bối cảnh văn hóa ngày nay, hai nơi duy nhất mà người ta bị buộc phải ngồi trên những băng ghế dài là trong nhà thờ và ngoài sân vận động, chỗ khán đài có vé rẻ tiền. Người ta muốn có cái ghế của riêng mình. Một không gian cá biệt được đánh giá cao trong xã hội chúng ta. Đây là lý do tại sao những chiếc ghế hộp tại các rạp hát luôn có giá cao hơn. Nếu người ta bị buộc phải ngồi quá gần nhau, họ sẽ cảm thấy rất không thoải mái. Mỗi người nên ngồi cách nhau ít nhất là mười tám inch nếu bạn dùng ghế rời và hai mươi mốt inch nếu bạn dùng ghế dài.

Nếu bạn dùng ghế ngồi có thể di chuyển được, hãy sắp đặt sao cho mọi người đều có thể nhìn thấy mặt nhau. Điều đó sẽ cải thiện đáng kể cách người ta đáp ứng trong buổi thờ phượng. Nếu bạn đang mở một Hội Thánh mới, hãy luôn luôn sắp ghế ít hơn số người bạn biết là sẽ có mặt. Người ta luôn được khích lệ khi phải nhắc thêm ghế ngồi. Và thật là chán nản khi tham dự một buổi thờ phượng đầy những chiếc ghế trống.

*Không gian. Quy luật về không gian là: Đừng để quá rộng cũng đừng để quá chật! Cả hai thái cực này đều giới hạn sự tăng trưởng của bạn. Khi nơi thờ phượng của bạn đã đầy đến 80 phần trăm chỗ ngồi, bạn cần phải bắt đầu một chương trình thờ phượng mới. Một lý do khiến nhiều Hội Thánh cứ ở mãi tình trạng lình bình là vì họ nghĩ rằng họ không cần phải có thêm một thì giờ thờ phượng khác vì vẫn còn những chỗ trống trong nhà thờ. Khi bạn hết không gian, bạn sẽ rơi vào tình trạng mà Peter Wagner gọi là “sự bóp nghẹt xã hội” [sociological strangulation]. Một ngôi nhà thờ nhỏ có thể bóp nghẹt sự tăng trưởng của một Hội Thánh.

Bạn cũng có thể có quá nhiều không gian. Nhiều Hội Thánh có những nhà thờ quá rộng lớn để họ có thể ngồi đầy mọi chỗ. Ngay cả khi bạn có 200 người dự nhóm, mà phòng nhóm lại có sức chứa 750 người, thì người ta vẫn có cảm giác là “chẳng có ai ở đây cả!” Hầu như không thể tạo một cảm giác ấm cúng và thân mật khi có quá nhiều ghế trống. Một động lực tăng trưởng quan trọng đã bị đánh mất khi nhà thờ quá lớn so với Hội Thánh của bạn.

Đám đông càng nhỏ chừng nào, diễn giả càng phải đứng gần họ bấy nhiêu. Khi đám đông tăng trưởng lớn hơn, thì bục giảng cần phải dời ra xa hơn về phía sau và đưa lên cao hơn một chút. Nếu bạn chỉ có năm mươi người trong buổi thờ phượng, thì chỉ cần đặt tòa giảng cách hàng ghế đầu chừng vài feet. Hãy quên chuyện sân khấu đi.


*Nhiệt độ. Là một mục sư đã giảng nhiều năm trong những phòng tập thể dụng không có điều hòa và những nhà lều không có hệ thống sưởi, tôi nói điều này với lòng tin rất mạnh mẽ: Nhiệt độ có thể phá hỏng cả một chương trình thờ phượng được lên kế hoạch tốt nhất chỉ trong vài phút! Khi người ta thấy quá nóng hay quá lạnh, họ không chịu tham dự nữa. Tâm trí họ bắt đầu không tập trung và lại mong muốn cho mọi sự sớm kết thúc.

Một trong những lỗi phổ biến mà các Hội Thánh hay mắc phải trong việc điều hòa nhiệt độ là để cho nhà thờ trở nên quá ấm. Người chuyên trách đặt máy điều nhiệt ở một nhiệt độ hợp lý trước buổi thờ phượng mà không nhận ra rằng khi mọi người đã ngồi đầy cả nhà thờ rồi, thì nhiệt độ thân thể sẽ làm tăng nhiệt độ không khí lên. Đến lúc máy điều hòa đã làm cho không khí mát dịu hơn thì buổi thờ phượng cũng sắp kết thúc.

Trước khi buổi thờ phượng bắt đầu, hãy đặt máy điều nhiệt thấp hơn vài độ so với mức làm cho người ta thấy thoải mái. Hãy làm lạnh không khí trước khi đám đông bước vào. Nhiệt độ sẽ gia tăng nhanh chóng một khi buổi thờ phượng bắt đầu. Giữ cho nhiệt độ mát mẻ sẽ giúp mọi người tỉnh táo.

*Cây cảnh. Tôi khích lệ bạn dùng các loại cây cảnh và bông hoa để trang trí cho nhà thờ. Trong nhiều năm liền, chúng tôi phải mang cây cảnh, dương xỉ, và những cây trang trí nhỏ vào trong phòng nhóm mỗi tuần, rồi lại mang ra. Cây cảnh nói rằng, “Ít nhất cũng có một cái gì đó đang sống trong nơi này!”

Tôi chắc rằng bạn từng nghe nhiều người nói, “Tôi thấy gần Chúa hơn khi hòa mình vào thiên nhiên.” Điều đó cũng dễ hiểu thôi. Khi Đức Chúa Trời tạo dựng A-đam và Ê-va, Ngài không đặt họ trong một tòa cao ốc bằng bê tông và trải nhựa đường khắp xung quanh họ; Ngài đặt họ trong một khu vườn. Vẻ đẹp thiên nhiên của sự sáng tạo đem lại nguồn cảm hứng, giúp thư giãn, và hồi phục con người. Không phải tình cờ mà Thi 23:1-6  là Thi Thiên được nhiều người yêu thích nhất. Người ta có thể dễ dàng tưởng tượng một phong cảnh tươi đẹp với dòng nước yên tĩnh và những đồng cỏ xanh mượt.

*Tiện đây, cũng hãy cẩn thận, đừng quá lạm dụng những biểu tượng tôn giáo huyền bí trong nhà thờ của bạn. Mọi người điều biết thập giá là gì, nhưng những thân hữu không hiểu những cái ly, vương miện và hình chim bồ câu có lửa ở trên đuôi.


*Nhà trẻ sạch sẽ và an toàn. Nếu bạn muốn chinh phục những cặp vợ chồng trẻ, bạn cần phải có một nhà trẻ hợp vệ sinh và an toàn. Không được để giẻ lau nhà ở góc phòng, và đồ chơi thì phải được làm sạch mỗi tuần.

*Nhà vệ sinh sạch sẽ. Các vị khách có thể quên bài giảng, nhưng ký ức về một nhà vệ sinh nặng mùi sẽ cứ đeo bám họ mãi! Bạn có thể nói nhiều về nhuệ khí của một Hội Thánh bằng cách kiểm tra chất lượng của các nhà vệ sinh. Sự thật đáng buồn là nhiều Hội Thánh cần một ngôi nhà thờ hoàn toàn mới. Họ sẽ không thể tiếp cận cộng đồng trong ngôi nhà thờ họ đang dùng được. Một mục sư đã nói với tôi trong tâm trạng hết sức chán nản rằng ông đã cầu nguyện, “Chúa ôi, xin giáng lửa của Ngài xuống!”

Khi Larry DeWitt, một người bạn của tôi, được gọi sang miền nam California để quản nhiệm một Hội Thánh, ông thấy đó là một ngôi nhà thờ làm bằng ván tọa lạc giữa một khu ngoại ô kỹ thuật cao. Larry nhận ra rằng kiểu dáng và tuổi tác của ngôi nhà thờ là một rào cản ngăn trở việc tiếp cận cộng đồng. Ông nói với các nhà lãnh đạo Hội Thánh rằng ông sẽ đồng ý chăn dắt Hội Thánh nếu họ sẵn sàng rời khỏi ngôi nhà thờ và bắt đầu tổ chức thờ phượng trong nhà hàng Hungry Tiger. Các thành viên đã đồng ý.

Đến nay, sau nhiều lần đổi địa điểm nhóm, Hội Thánh đó đã tăng trưởng đến vài ngàn người dự nhóm. Họ đã chẳng thể tăng trưởng được nếu cứ ở mãi trong ngôi nhà thờ cũ của mình. Như tôi nói trong chương 1, chiếc giày không thể nói với bàn chân giới hạn kích cỡ nó có thể lớn lên được. Hội Thánh Saddleback đã dùng các sân trường trung học làm nơi tổ chức những chương trình thờ phượng cho các thân hữu trong mười ba năm. Để tận dụng tốt nhất những gì chúng tôi có, chúng tôi tổ chức hai nhóm, nhóm bố trí và nhóm dọn dẹp. Nhóm thứ nhất sẽ đến trước 6 giờ sáng và chuẩn bị bốn mươi hai phòng học cùng với một phòng tập thể dục. Nhóm bố trí sẽ vẽ sơ đồ mọi thứ trong phòng học lên bảng đen trước khi di chuyển bất cứ món đồ gì. Làm vậy để bảo đảm rằng mọi thứ có thể được trả về chỗ cũ khi nhóm dọn dẹp đến sắp xếp lại mọi thứ vào 1 giờ chiều, sau khi kết thúc mọi chương trình thờ phượng. Mỗi phòng học đều được dọn dẹp hai lần vào Chúa Nhật-một lần vào lúc sáng sớm và một lần vào lúc chúng tôi không còn dùng chúng nữa. Đó là một công việc nặng nhọc, nhưng xứng đáng với sự tăng trưởng.

Mục tiêu chúng tôi làm mọi việc đó là để làm cho không gian tươi sáng hơn như điều Phao-lô đã nói trong Tít 2:10

 , “…để trong mọi lãnh vực, lời giáo huấn của Đức Chúa Trời, Đấng cứu rỗi chúng ta, được rạng rỡ thêm” [có nhấn mạnh].

Tạo Một Bầu Không Khí Thu HútBầu không khí là điều khó định nghĩa nhưng không thể nhầm lẫn vào đâu được khi bạn bước vào một buổi thờ phượng. Nó thường được gọi là “tinh thần,” “tâm trạng,” hay “giọng điệu” của buổi thờ phượng. Dù bạn gọi nó bằng gì đi nữa, bầu không khí nhất định ảnh hưởng lớn đến những điều diễn ra trong chương trình thờ phượng của bạn. Nó có thể phục vụ cho mục đích của bạn hoặc chống lại điều bạn đang cố hoàn thành.

Nếu bạn không chủ tâm xác định bầu không khí bạn muốn tạo nên trong một buổi thờ phượng, thì bạn đang phó mặc Hội Thánh cho số mệnh. Tại Hội Thánh Saddleback, chúng tôi dùng 5 từ để mô tả bầu không khí chúng tôi muốn tạo nên mỗi tuần.

*Không Khí Mong đợi. Một trong những ý kiến gần đây nhất mà các vị khách nói với chúng tôi là họ cảm nhận được một bầu không khí mong đợi giữa vòng dân sự. Có một tinh thần hăng hái mạnh mẽ trước mỗi buổi thờ phượng. Người ta cảm thấy phấn khích, tràn đầy năng lực và tinh thần mong đợi gặp gỡ lẫn nhau. Các thành viên cảm nhận rằng Đức Chúa Trời ở với chúng tôi và nhiều đời sống đang được biến đổi. Các vị khách thường mô tả bầu không khí đó giống như “điện.”


Điều gì tạo nên tinh thần mong đợi? Nó được tạo ra bởi một số yếu tố: các thành viên cầu nguyện suốt cả tuần cho các chương trình thờ phượng, họ cầu nguyện trong suốt các buổi thờ phượng, các thành viên nhiệt tình dẫn đưa những người bạn chưa tin của mình đến nhà thờ, một lịch sử những chương trình thờ phượng biến đổi đời sống, đám đông lớn, phong cách lễ hội trong âm nhạc, và đức tin của nhóm hướng dẫn thờ phượng.

Lời cầu nguyện mở đầu của bạn phải luôn luôn thể hiện được sự mong đợi Đức Chúa Trời sẽ ngự giữa chương trình thờ phượng và các nhu cầu của dân sự sẽ được đáp ứng. Sự mong đợi là một từ khác nói lên đức tin. Chúa Giê-xu phán,

Theo như đức tin các ngươi, phải được thành vậy” [Ma-thi-ơ 9:29 ].

*Thái độ vui mừng. Thi 100:2  chép, Khá hầu việc Đức Giê-hô-va cách vui mừng, hãy hát xướng mà đến trước mặt Ngài.” Vì Đức Chúa Trời muốn sự thờ phượng của chúng ta là sự vui mừng lớn, nên chúng ta cần phải khai thác bầu không khí của sự vui mừng, hoan hỉ. Có quá nhiều chương trình thờ phượng giống với một đám tang hơn là một lễ hội. Nguyên nhân chính thường là do thái độ của người hướng dẫn chương trình thờ phượng. Tôi có tham dự một số chương trình thờ phượng mà tôi thấy rất muốn hỏi người hướng dẫn chương trình, “Anh có bao giờ mỉm cười không?”

Thờ phượng là một niềm vui, không phải là một nhiệm vụ. Chúng ta kinh nghiệm niềm vui trong sự hiện diện của Đức Chúa Trời [21:6

]. Trong Thi 42:4, Đa-vít nhớ lại, “Xưa tôi đi cùng đoàn chúng, dẫn họ đến nhà Đức Chúa Trời, có tiếng reo mừng và khen ngợi một đoàn đông giữ lễ.” Câu Kinh Thánh này có mô tả bầu không khí trong các buổi thờ phượng của bạn không?

*Không khí khích lệ. 
Hê-bơ-rơ 10:25 c

hép, “Chớ bỏ sự nhóm lại như mấy kẻ quen làm, nhưng phải khuyên bảo nhau, và hễ anh em thấy ngày ấy hầu gần chừng nào, thì càng phải làm như vậy chừng nấy.” Đã có quá nhiều tin xấu trên thế giới rồi, nên con người cần một nơi để nghe tin tốt.

Chúng tôi muốn các chương trình thờ phượng của mình đem lại sự khích lệ, chứ không khiến cho dân sự nản lòng. Ngay cả khi sứ điệp có thể đụng chạm đến nhiều người, chúng tôi vẫn bắt đầu và kết thúc cách tích cực. Bạn có thể thay đổi hành vi của một người nhanh hơn nhiều thông qua sự khích lệ chứ không phải chỉ trích. Hãy nghiên cứu chức vụ của Chúa Giê-xu và tìm xem Ngài đã dùng sự khích lệ khéo léo như thế nào để khơi dậy những điều tích cực nhất trong lòng dân sự.

*Không khí gia đình. Chúng tôi phải làm việc cật lực để tạo nên một bầu không khí gia đình trong các buổi thờ phượng dù có đông người như thế nào. Cách chúng tôi chào hỏi nhau vào đầu và cuối buổi nhóm, cách những người đứng trên bục nói chuyện với những người bên dưới và cách mục sư nói chuyện với đám đông đều chứng tỏ rằng, “Chúng ta là một gia đình. Chúng ta đã cùng nhau đến đây. Bạn thuộc về nơi này.”


Tôi rất thích câu Kinh Thánh trong I Phi-e-rơ 3:8 của bản Living Bible: “Anh em phải nên như một đại gia đình hạnh phúc, đầy sự cảm thông với nhau, yêu thương lẫn nhau bằng tấm lòng mềm mại và tâm tình khiêm nhường” [ND]. Trong một thế giới đang biến đổi theo chiều hướng không quan tâm đến ai, con người đang tìm kiếm một nơi họ cảm thấy rằng họ thuộc về nơi đó.

*Không khí phục hồi. Cuộc sống rất khó khăn. Mỗi cuối tuần, tôi đều nhìn vào khuôn mặt hàng ngàn người đã bị thế gian bao vây suốt cả tuần. Họ đến với những nguồn năng lực thuộc linh và tình cảm đã cạn khô. Công việc của tôi là kết nối họ vào nguồn năng lực phục hồi thuộc linh của Đấng Christ. Chúa Giê-xu phán,

“Hỡi những kẻ mệt mỏi và gánh nặng, hãy đến cùng ta, ta sẽ cho các ngươi được yên nghỉ. Ta có lòng nhu mì, khiêm nhường; nên hãy gánh lấy ách của ta, và học theo ta; thì linh hồn các ngươi sẽ được yên nghỉ” [Ma-thi-ơ 11:28-29].

Một trong những mục đích của chương trình thờ phượng hằng tuần là phục hồi thuộc linh và tình cảm của dân sự cho một tuần lễ mới. Chúa Giê-xu khẳng định, “Vì loài người mà lập ngày Sa-bát, chớ chẳng phải vì ngày Sa-bát mà dựng nên loài người” [2:27]. Trong khi chuẩn bị sứ điệp, tôi luôn cầu nguyện, “Cha ơi, xin giúp con nói một điều gì đó vào sáng Chúa Nhật này để giúp dân sự của Ngài chuẩn bị cho ngày thứ Hai.”

Tôi mường tượng Hội Thánh như một ốc đảo thuộc linh ngay giữa một sa mạc khô cằn. Chúng ta được kêu gọi để đem lại nguồn nước sự sống tươi mới cho dân sự đang chết khát chung quanh chúng ta.

Đặc biệt ở miền nam California, người dân cần được giải thoát khỏi cuộc đấu tranh quyết liệt với công việc. Vì lý do này, chúng tôi hay dùng những lời nói hóm hỉnh trong các chương trình thờ phượng.

“Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay” [Châm 17:22]. Làm cho người ta cảm thấy khỏe khoắn hơn không phải là một tội. Khi dạy cho dân sự cười đùa với chính họ và những nan đề của họ, chúng ta không chỉ làm giảm nhẹ gánh nặng của họ mà còn giúp họ thay đổi nữa.

Tôi tin rằng một trong những vấn đề lớn nhất của những người Tin Lành là chúng ta đã đảo lộn phương thuốc: Chúng ta xem mình quá quan trọng còn Đức Chúa Trời thì không quan trọng đủ! Ngài là Đấng toàn hảo-còn chúng ta thì không. Không phải ngẫu nhiên mà từ sự hài hước [humour] và từ sự khiêm nhường [humility] lại có cùng một nguyên từ. Trong trường hợp nào đi nữa, nếu bạn học được cách cười chính mình bạn sẽ luôn có nhiều lý do để vui thú.

*Không khí tự do. Kinh Thánh chép,

 

Thánh Linh của Chúa ở đâu, thì sự tự do cũng ở đó” [II Cô-rinh-tô 3:17]. Chúng tôi luôn tránh sự bảo thủ, các lề thói trang trọng và mọi hình thức phô trương trong các chương trình thờ phượng của mình. Thay vào đó, chúng tôi khai thác bầu không khí thân mật, thư giãn, và gần gũi. Chúng tôi khám phá ra rằng một chương trình thờ phượng thân mật, không phô trương luôn phá tan những nỗi lo sợ và dè dặt của những người chưa tin Chúa.

Người ta luôn cảm thấy lo lắng khi ở trong khung cảnh trang trọng nhiều hơn là lúc ở trong khung cảnh thân mật. Điều này cực kỳ quan trọng, nếu như bạn quan tâm tới những đời sống đang biến đổi. Các chương trình thờ phượng quá trang trọng và nặng hình thức nghi lễ sẽ khiến những vị khách chưa tin Chúa lo sợ rằng họ có thể “làm chuyện gì sai.” Nó khiến cho họ cảm thấy không tự nhiên. Tôi tin chắc bạn cũng cảm thấy như vậy khi bạn không biết phải làm gì trong một đám đông xa lạ.

Khi người ta cảm thấy không tự nhiên, họ càng giương cao “hàng rào phòng thủ” tình cảm của mình. Vì chúng tôi muốn tiếp cận những người không đi nhà thờ, nhiệm vụ đầu tiên của chúng tôi là làm giảm sự lo lắng của họ để họ hạ “hàng rào phòng thủ” xuống. Khi họ cảm thấy thoải mái rồi, họ sẽ không nghĩ về chính họ nữa và có thể hòa mình vào sứ điệp.

Đối với nhiều người chưa tin tại Mỹ, từ thân mật đồng nghĩa với đáng tin, trong khi sự trang trọng lại gợi lên sự không chân tình và giả dối. Đặc biệt những người đang trong thế hệ baby boom thường tránh sự tráng lệ và nghi thức. Vì lý do này, chúng tôi không dùng các chức danh mục sư để gọi các mục sư trong Hội Thánh. Không ai gọi tôi là “Tiến sĩ Warren”; mọi người gọi tôi là “Rick.”

Chúng tôi cũng không có những quy tắc về ăn mặc tại Hội Thánh Saddleback. Các vị mục sư ăn mặc rất bình thường, giống như mọi người đến dự nhóm. Một cuộc điều tra gần đây cho tạp chí GQ thực hiện cho biết rằng chỉ có khoảng 25 phần trăm nam giới ở Mỹ có một bộ đồ vest. Đã nhiều năm qua tôi không hề giảng dạy tại Hội Thánh Saddleback khi mặc đồ vest. [Dĩ nhiên, đứng giảng trong một căn lều và một phòng tập thể dục nóng bức cũng có liên quan đôi chút!]

Những gì người ta mặc đi nhà thờ là một vấn đề văn hóa, chứ không phải vấn đề thần học, nên chúng tôi không cần phải quan tâm nhiều tới nó. Có một điều chúng ta biết rất rõ: Chúa Giê-xu không hề mặc áo vest và thắt cà vạt, nên cũng không cần phải ăn vận như vậy thì mới giống Đấng Christ.

Hãy In Một Tờ Chương Trình Thờ Phượng Đơn Giản

Các thân hữu không biết tiết mục tiếp theo trong giờ thờ phượng là gì. Điều này khiến họ thấy lo lắng. Một tờ chương trình sẽ nói rằng, “Không có gì đáng ngạc nhiên ở đây cả.” Nói trước cho các thân hữu biết điều bạn sẽ làm giúp họ thư giãn và làm giảm sự đề kháng của họ.

Mô tả chương trình thờ phượng bằng thứ ngôn ngữ bình thường. Nếu các vị khách không thể hiểu tờ chương trình của bạn, thì không có lý do gì để bạn in nó ra cả. Trong một tờ chương trình tiêu biểu, bạn sẽ gặp những từ như khẩn cầu, Thánh Ca dâng hiến, Thánh Ca kêu gọi, chúc phước, và bài đàn kết thúc. Đối với một người chưa tin, điều đó giống như bạn đang nói tiếng La-tin.

Tại Hội Thánh Saddleback, thay vì nói “Khẩn Cầu” và “Chúc Phước,” tờ chương trình của chúng tôi chỉ nói là “Lời Cầu Nguyện Mở Đầu” và “Lời Cầu Nguyện Kết Thúc.” Thay vì “Lời Mời Thờ Phượng,” nó ghi, “Bài Hát”; thay vì “Dâng Hiến,” nó ghi, “Dâng Tiền Cho Chúa.” Bạn hiểu rồi đấy. Chúng tôi dựa theo bản Kinh Thánh Living Bible để đặt tên cho các tiết mục trong tờ chương trình. Chúng tôi thích làm rõ các khái niệm cho những người chưa tin hiểu được hơn là gây ấn tượng với họ bằng những từ ngữ trang trọng.

Đính kèm các ghi chú giải thích. Khi bạn đi xem opera hay xem kịch, đôi lúc rất khó hiểu, nên người ta phát cho bạn một tờ ghi chú chương trình. Hãy nói với mọi người lý do tại sao bạn làm điều bạn đang làm trong chương trình thờ phượng. Tờ bướm của chúng tôi cũng có lời giải thích về tấm Thiệp Chào Mừng, việc dâng hiến, thì giờ kêu gọi và các tiết mục khác trong chương trình.

Giảm Thiểu Những Thông Báo Nội Bộ Của Hội Thánh

Hội Thánh của bạn càng lớn chừng nào, thì các thông báo càng nhiều chừng nấy. Nếu bạn không có một phương cách để xác định xem điều nào nên thông báo công khai giữa đám đông và điều nào thì không, bạn sẽ mất rất nhiều thời gian cho phần thông báo trong chương trình thờ phượng. Làm sao giải quyết vấn đề này?

Tập cho các thành viên của bạn xem bảng thông báo. Hãy nói đại loại như vầy, “Tuần này có vài chương trình đặc biệt cho quý ông, cho những người lớn độc thân và cho các em học sinh cấp trung học cơ sở. Xin quý Hội Thánh hãy xem thông báo cụ thể tại bảng thông báo.” Đó là những gì bạn cần phải nói.

Chỉ thông báo những gì có liên quan tới mọi người. Mỗi lần bạn thông báo một việc gì đó chỉ liên quan tới một nhóm người, thì mọi người khác sẽ lờ đi. Chẳng lâu sau đó, không còn ai chịu nghe nữa. Đừng lãng phí thời gian của mọi người khi thông báo những vấn đề chỉ liên quan tới một số ít người trong hội chúng.

Tránh kêu gọi giúp đỡ từ trên bục giảng. Cần phải giới hạn việc kêu gọi giúp đỡ tình nguyện trong các buổi nhóm cho thân hữu. Sự kêu gọi cá nhân vẫn có tác dụng tốt hơn.

Đừng làm những công việc nội bộ Hội Thánh trong thì giờ thờ phượng cho thân hữu. Hãy để dành việc đó cho chương trình thờ phượng của các tín hữu. Tôi biết có một Hội Thánh đã mời mọi vị khách của mình ra về, còn các thành viên thì ở lại để làm một việc riêng. Đó chính là không thân thiện với khách mời!

Liên Tục Đánh Giá Và Cải Thiện

Mỗi sáng thứ Hai, sau trận đấu, các cầu thủ đội bóng NFL đều xem lại băng ghi hình trận đấu của họ vào Chúa Nhật vừa qua để quyết định xem họ cần phải làm gì để chơi tốt hơn vào tuần sau. Chúng ta càng cần phải quan tâm nhiều hơn tới những gì đang diễn ra trong các chương trình thờ phượng mỗi Chúa Nhật. Đội NFL chỉ đang chơi bóng thôi; còn chúng ta thì hơn như vậy nữa.

Các Hội Thánh tăng trưởng luôn luôn hỏi rằng, “Làm sao chúng ta có thể thực hiện tốt hơn?” Họ liên tục đánh giá các chương trình thờ phượng và mục vụ của mình. Sự đánh giá là chìa khóa dẫn tới sự tuyệt diệu. Bạn phải liên tục kiểm tra từng phần trong chương trình thờ phượng và đánh giá tính hiệu quả của nó.

Tại Hội Thánh Saddleback, ba công cụ giúp chúng tôi đánh giá là các tấm card Ấn Tượng Đầu Tiên, Thiệp Chào Mừng và một bảng Đánh Giá Chương Trình Thờ Phượng. Cả ba công cụ này cung cấp cho chúng tôi những phản hồi vô giá, cũng chính là bí mật của sự cải thiện liên tục.

Tấm card Ấn Tượng Đầu Tiên cung cấp cho chúng tôi những phản hồi của các vị khách mới đến lần đầu, giúp chúng tôi xem xét chương trình thờ phượng từ góc nhìn của họ. Thiệp Chào Mừng cung cấp cho chúng tôi phản hồi từ phía những người đi nhóm thường xuyên và các thành viên. Chúng tôi liên tục nhận được những gợi ý và lời khuyên của mọi người trong đám đông. Và bảng Đánh Giá Chương Trình Thờ Phượng là phản hồi từ chính các nhân sự của chúng tôi. Nó bao gồm một khung đánh giá mọi thứ, từ chuyện đậu xe cho tới bàn nước uống, từ âm nhạc tới sứ điệp.

, Phao-lô kết thúc phần dạy dỗ của ông về các chương trình thờ phượng nhạy cảm với những người tìm kiếm, nói rằng, Nhưng mọi sự đều nên làm cho phải phép và theo thứ tự.” Câu này ngụ ý rằng việc lên kế hoạch, đánh giá và cải thiện các chương trình thờ phượng của chúng ta là một việc đáng phải làm. Cả sự thờ phượng Đức Chúa Trời lẫn việc truyền giáo cho mọi người đều xứng đáng với những nỗ lực cao nhất của chúng ta.

Hãy Nhớ Bạn Đang Phục Vụ Ai

Bạn có thể thấy bối rối trước mọi đề nghị tôi vừa nêu ra cho bạn trong việc thiết kế một chương trình thờ phượng nhạy cảm với những người tìm kiếm. Xin nhớ rằng đây là những ý tưởng quan trọng, nhưng không phải tất cả chúng đều cần thiết trong việc xây dựng một chương trình thờ phượng cho thân hữu. Như tôi đã nói ở trên, yếu tố duy nhất không thể bỏ qua trong chương trình thờ phượng dành cho thân hữu chính là hãy đối xứ với những người chưa tin bằng tình yêu thương và lòng tôn trọng, liên hệ buổi thờ phượng với những nhu cầu của họ, và chia sẻ sứ điệp một cách thực tế, dễ hiểu.
Những chương trình thờ phượng dành cho các thân hữu là một công việc nặng nhọc! Cần phải có một lượng năng lực, sự sáng tạo, lòng tận tâm, thời gian, tiền bạc, và cả sự chuẩn bị lớn để kéo họ đến hết tuần này sang tuần khác. Sao lại phiền như vậy? Tại sao lại phải trải qua đủ mọi phiền toái như vầy chỉ để bắc cầu qua lỗ hổng văn hóa giữa Hội Thánh và những người ngoại? Bởi vì, như Phao-lô nói, chúng ta làm mọi điều này “vì cớ Giê-xu” [II Cô-rinh-tô 4:5, BNC].

Bạn cần phải biết lý do tại sao bạn làm việc bạn đang làm, nếu không thì bạn sẽ chán nản mà bỏ cuộc. Tôi nhớ lại một Chúa Nhật đặc biệt nhiều năm về trước. Chúng tôi đang dọn dẹp một trường trung học để chuẩn bị cho các buổi thờ phượng cuối tuần sắp tới và có gần phân nửa số người trong nhóm bố trí không có mặt vì lý do này hay lý do khác. Lúc tôi đang khiêng các dụng cụ cho nhà trẻ từ chiếc xe tải băng qua sân trường để vào một phòng học, tôi cảm thấy chán nản vô cùng.

Sa-tan bắt đầu phóng những mũi tên tự thán vào tôi: Tại sao mi phải làm đủ mọi thứ sắp đặt này và mệt nhoài đi trong khi việc duy nhất các mục sư phải làm là có mặt mà thôi? Họ chỉ bước vào trong nhà thờ của họ mà thôi. Hầu hết các mục sư đâu phải làm chuyện này, tại sao mi phải làm hết năm này sang năm khác chứ!

Khi tôi bắt đầu thấm với những suy nghĩ tự thán, Thánh Linh vỗ vai tôi và nói, “Này Rick, con đang làm việc này cho ai?” Tôi đứng chết trân giữa sân đậu xe của trường, bắt đầu khóc, và tôi nhắc mình nhớ rằng tôi đang làm điều tôi phải làm vì cớ Chúa Giê-xu. Và những gì tôi làm không bao giờ sánh được với điều Ngài đã làm cho tôi.

“Hễ làm việc gì, hãy hết lòng mà làm, như làm cho Chúa, chớ không phải làm cho người ta, vì biết rằng anh em sẽ nhận lãnh từ nơi Chúa cơ nghiệp làm phần thưởng, bởi chưng anh em đang hầu việc Chúa Christ đó” [Cô-lô-se 3:23-24].

Hội Thánh Theo Đúng Mục Đích – Ms Rick Warren  [ vpcgg.org ]

Video liên quan

Chủ Đề