Brazil rộng lớn tại sao

Đầu tư ra nước ngoài Nhà đầu tư Brazil đánh giá cao thị trường tiềm năng Việt Nam Thứ Năm, 05/07/2018 01:59 Phát biểu trong Diễn đàn Thương mại và đầu tư Việt Nam - Brazil diễn ra tại TP. Sao Paulo, Brazil ngày 03/07. Phó Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Vương Đình Huệ đã chia sẻ trước gần 200 đại biểu về định hướng phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế, tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại giữa hai nước; cũng như tầm nhìn, định hướng về những giải pháp thúc đẩy hơn nữa quan hệ hợp tác kinh tế giữa Việt Nam và Brazil.

Phó Thủ tưởng nhấn mạnh về quan hệ hợp tác đầu tư truyền thống và tốt đẹp giữa Việt Nam – Brazil sau gần 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao [1989 - 2019]. Đặc biệt, những thành tựu quan trọng, tích cực trên nhiều lĩnh vực từ khi thiết lập mối quan hệ đối tác toàn diện giữa hai nước vào năm 2007.

Brazil hiện là nền kinh tế lớn nhất và là đối tác quan trọng nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Mỹ. Tính riêng trong năm 2017, trao đổi thương mại song phương đã đạt 3,87 tỷ USD, tăng gần 12 lần trong một thập kỷ qua.

Đề cập những giải pháp thúc đẩy quan hệ đầu tư giữa hai nước trong thời gian tới, Phó Thủ tưởng nhấn mạnh về tiềm năng của thị trường Việt Nam với mong muốn các doanh nghiệp Brazil nghiên cứu tìm hiểu để mở rộng đầu  tư vào một thị trường năng động, hứa hẹn có thể mang lại nhiều lợi ích cho các doanh nghiệp hai nước,  trong đó có doanh nghiệp Brazil. Những lợi thế sẵn có, chính sách kinh tế cởi mở của Việt Nam được minh chứng từ những đánh giá của nhiều tổ chức Quốc tế và những con số cụ thể. Theo đó, Việt Nam được đánh giá là một điểm đến đầu tư hấp dẫn trong khu vực, đã thu hút khoảng 320 tỷ USD vốn FDI từ 127 nền kinh tế, quy mô thương mại năm 2017 đạt  425 tỷ USD. Nhiều tập đoàn lớn xuyên quốc gia [TNCs] hàng đầu trong Global Fortune Top 500 hiện có hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, lựa chọn Việt Nam là trung tâm [hub] sản xuất chiến lược, kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Qua đó, Việt Nam đang từng bước trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt trong các lĩnh vực điện tử, may mặc, xe máy, nông nghiệp và thủy sản…Quý I vừa qua, kinh tế Việt Nam tiếp tục khởi sắc, với mức tăng trưởng 7,38%, mức cao nhất trong 10 năm qua; Ngân hàng Phát triển Châu Á [ADB] đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 lên 7,1%, hứa hẹn mở ra thời kỳ phát triển nhanh, ổn định trong thời gian tới. 

So sánh giữa hai nền kinh tế Việt Nam – Brazil Phó Thủ tướng cho rằng có rất nhiều lĩnh vực, sản phẩm của hai nước mang tính bổ trợ cao như: năng lượng, hàng không, nông nghiệp, cơ sở hạ tầng, y tế, sinh học, khai khoáng... Brazil  có thể trở thành cầu nối giúp Việt Nam tiếp cận thị trường các nước khu vực Nam Mỹ; Việt Nam sẽ trở thành cầu nối giúp Braxin tiếp cận thị trường ASEAN rộng lớn với hơn 650 triệu dân và một thị trường lớn hơn với 800 triệu dân, khi Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương [CPTPP], mà Việt Nam là thành viên, có hiệu lực.

Nhằm tăng cường hơn nữa quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Brazil thời gian tới. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, hai bên cần đẩy mạnh trao đổi thông tin sâu rộng về chính sách liên quan tới đầu tư của mỗi nước, các lĩnh vực ưu tiên hợp tác [đặc biệt là nông nghiệp]; phối hợp triển khai các chương trình hợp tác trong xúc tiến đầu tư, thương mại dưới nhiều hình thức để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hai bên hiểu biết hơn về môi trường, cơ hội đầu tư của mỗi nước; Chính phủ hai nước cần khuyến khích và thúc đẩy dòng đầu tư và thương mại hai chiều, trên cơ sở cùng có lợi; tăng cường trao đổi các đoàn doanh nghiệp đi khảo sát tìm hiểu thị trường cơ hội đầu tư và kết nối kinh doanh nhằm nâng tầm quan hệ thương mại - đầu tư tương xứng với tiềm năng, lợi thế của hai nước.

Những lĩnh vực đầu tư ưu tiên, được Phó Thủ tướng định hướng các doanh nghiệp Brazil nghiên cứu gồm: công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, phát triển hạ tầng, nông - lâm - thủy sản, năng lượng tái tạo, công nghệ thông tin, dược phẩm, sinh học, xây dựng, dịch vụ...;cũng như tham gia đối tác chiến lược vào các doanh nghiệp nhà nước của Việt Nam đã, đang và sẽ cổ phần hóa, thoái vốn...

“Việt Nam sẽ giữ vững ổn định chính trị xã hội, kinh tế vĩ mô, tạo lập môi trường kinh doanh tốt nhất hướng đến các chuẩn mực của OECD, giảm chi phí giao dịch, đặc biệt là chi phí về logistics, chi phí cơ hội và chi phí hành chính, xây dựng môi trường - chính sách kinh tế vĩ mô ổn định, có tính dự báo cao, minh bạch và trách nhiệm giải trình với cộng đồng kinh doanh. Với tôn chỉ Chính phủ hành động, Việt Nam sẽ tiếp tục xây dựng môi trường đầu tư minh bạch, thân thiện với doanh nghiệp, có độ mở cao và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi thành phần kinh tế, bao gồm cả các doanh nghiệp Brazil  được tiếp cận những cơ hội tiềm năng, hoạt động kinh doanh hiệu quả tại Việt Nam.Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư Brazil tiến hành đầu tư thành công, bền vững, lâu dài ở Việt Nam…”, Phó Thủ tướng cam kết.

Đồng quan điểm với Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Vũ Đại Thắng cũng đề nghị các doanh nghiệp Brazil tiếp tục quan tâm tăng cường đầu tư, giao thương với Việt Nam dựa trên lợi thế và thế mạnh của các bạn trên tinh thần bình đẳng, hai bên cùng có lợi.

Bên cạnh việc đánh giá cao nhận xét của Phó Thủ tướng về tinh thần nỗ lực và sự trỗi dậy của Braxintrong quá trình trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới và thành viên chủ chốt của nhóm 5 nền kinh tế lớn mới nổi, với quy mô GDP gần 2 nghìn tỷ USD.  Các đại biểu thuộc cơ quan Brazil trong đó có Phòng Thương mại Sao Paulo, cũng thể hiện sự tin tưởng vào môi trường đầu tư tại Việt Nam và cam kết sẽ triển khai mạnh mẽ việc thúc đẩy hợp tác đầu tư giữa hai nước.   

Trao đổi với nhiều Tập đoàn, Doanh nghiệp….hàng đầu của Brazil: Liên đoàn Công nghiệp Brazil [FIESP] [Tổ chức đại diện cho 133 Liên đoàn giới chủ với hơn 13 vạn công ty thành viên]; Tập đoàn Embraer chuyên về công nghiệp hàng không, quốc phòng và an ninh; Eurofarma tập đoàn dược phẩm; Hiệp hội xúc tiến thủy sản Brazil. Hai bên cũng nêu những nội dung có thể cụ thể, như: FIESP làm đầu mối phối hợp với các Bộ, ngành, tổ chức kinh tế Việt Nam quảng bá, thúc đẩy các hoạt động hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai nước thời gian tới. Hoan nghênh Embraer làm việc, tiếp xúc với các đối tác Việt Nam về việc cung cấp máy bay; chia sẻ kinh nghiệm; chuyển giao kỹ thuật. Phối hợp, hỗ trợ Hiệp hội Abipesca trong việc chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản, đánh bắt cá, đặc biệt trong vấn đề đánh bắt cá xa bờ, bảo quản cá đông lạnh...

Bên cạnh việc đồng thuận với ý kiến của phía Việt Nam; các Tập đoàn, doanh nghiệp Brazil kỳ vọng vào hiệu quả đầu tư sẽ đạt được khi triển khai dự án tại Việt Nam với việc cam kết nghiên cứu đầu tư, kinh doanh tại  thị trường Việt Nam.  

Diễn đàn Thương mại và đầu tư Việt Nam – Brazil là sự kiện kinh tế lớn nhất giữa hai nước từng được tổ chức tại Braxin. Diễn đàn do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chủ trì phối hợp với các cơ quan của Brazil thực hiện và được các tập đoàn, doanh nghiệp lớn; các cơ quan uy tín của Brazil…nhiệt tình hưởng ứng. Qua đó, đã thể hiện sự quan tâm nghiêm túc và kỳ vọng của cộng đồng doanh nghiệp hai nước về mối quan hệ hợp tác kinh tế có nhiều dư địa để mở rộng, phát triển hơn giữa Việt Nam và Brazil trong giai đoạn tới.

BK [TH]


Chủ Đề