Bài hát viếng lăng bác của nhạc sĩ nào

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác Đã thấy trong sương, hàng tre bát ngát Ơi! hàng tre...xanh xanh Việt Nam... Giông tố mưa xa đứng thẳng hàng Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng Thấy một mặt trời trong lăng rất đỏ Ngày dòng người...đi trong thương nhớ... Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín...mùa xuân Bác nằm trong lăng, giấc ngủ bình yên . Giữa một vầng trăng sáng trong dịu hiền Dẫu rằng trời xanh biếc là mãi mãi Dẫu rằng biển xanh biếc là mãi mãi Mà sao nghe nhói...ở trong tim...! Mai về miền Nam thương trào nước mắt Mai về miền Nam nhớ Bác khôn nguôi Muốn làm con chim ca hót quanh năm Muốn làm bông hoa hương tỏa đâu đây Muốn làm cây tre...trung hiếu...chốn đây............... .....

Chúng tôi đến nhà nhạc sĩ Hoàng Hiệp vào buổi trưa muộn. Mấy ngày nay, ông vẫn mệt liên tục nhưng khi nghe chúng tôi đặt vấn đề xin ông vài lời về mối duyên thơ - nhạc với nhà thơ Viễn Phương, ông đã bằng lòng ngay và cất giọng chậm rãi về câu chuyện của họ.

"Tôi và anh Viễn Phương rất thân thiết với nhau, anh lớn hơn tôi vài tuổi. Ca khúc Viếng lăng Bác chính là một dấu son đậm đà để tình bạn của chúng tôi thêm thăng hoa. Năm 1976, chúng tôi cùng ra họp ở Hà Nội, cùng vào viếng Bác. Lúc về, cả hai rất xúc động, tự hứa với mình sẽ làm điều gì đó. Về lại miền Nam, anh Viễn Phương đã làm bài thơ Viếng lăng Bác. Sau đó vài tháng, tôi phổ nhạc cho bài thơ này. Đây cũng là ca khúc nằm trong chùm sáng tác giúp tôi nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Viễn Phương là người đầu tiên nghe bài hát này, anh rất xúc động. Tôi có sửa một vài từ trong bài thơ của anh nên tôi rất cảm động khi anh hoàn toàn không phiền trách gì.

Thời kháng chiến chống Mỹ, anh và tôi cùng công tác chung ở Đoàn văn công của ông Nguyễn Ngọc Bạch. Nhờ là đồng hương nên chúng tôi cảm thấy gần gũi, thân thương lắm! Tôi nhớ tính anh rất hiền hậu nhưng cũng hay nghịch ngầm. Thời gian trước giải phóng, tôi và anh đều trẻ lắm, chưa ai có người yêu, đi công tác chung ở Bình An thuộc Hà Tiên bây giờ, tụi tôi gặp cô Lan Hương, dễ thương lắm. Vậy là Viễn Phương làm thơ trêu chọc tôi. Tôi còn nhớ được mấy câu đầu như vầy: "Tôi đi công tác Bình An/Đi qua rẫy mới gặp nàng Lan Hương/Tôi về tôi nhớ tôi thương/Năm canh trằn trọc thất thường bữa ăn/Đêm năm canh nhớ nàng tha thiết...". Anh Viễn Phương như vậy đó. Rất hiền hậu mà cũng hóm hỉnh lắm, nhưng chỉ có vài người bạn thân mới biết thôi...

Tôi rất buồn khi biết tin anh ra đi. Dù vẫn biết phải như vậy nhưng vẫn buồn... cứ nghe nhói ở trong tim... Những người bạn thân của mình cứ như lá vàng trên cành, héo dần rồi rụng, họ bỏ chúng tôi rồi...".

Sau thời gian lâm trọng bệnh, nhà thơ Viễn Phương đã từ trần vào lúc 15h15 ngày 21/12/2005 tại tư gia, hưởng thọ 78 tuổi.

Ông tên thật là Phan Thanh Viễn, sinh ngày 1/5/1928 tại xã Bình Đức, quận Châu Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là tỉnh An Giang). Ông tham gia cách mạng từ tháng 8/1945 thuộc Chi đội 23. Những bài thơ đầu tiên của ông được đăng trên tờ Tiếng súng kháng địch (tờ báo của Khu 9 Nam Bộ). Sau hiệp định Genève, ông được phân công về Sài Gòn hoạt động báo chí trong lòng địch. Bị địch bắt ở tù năm 1960, ra tù (1962) ông thoát ly ra vùng Củ Chi tiếp tục chiến đấu trên cương vị Tổng thư ký Hội Văn nghệ giải phóng cho đến 1975.

Sau 1975, ông từng giữ các chức vụ Chủ tịch Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật TP.HCM, Phó chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam. Tác phẩm chính: Chiến thắng Hòa Bình (1952, trường ca, giải nhì thơ Nam Bộ), Anh hùng mìn gạt (1968, truyện ký), Nhớ lời di chúc (1969, trường ca), Như mây mùa xuân (1978, thơ), Quê hương địa đạo (1981, truyện ký), Sắc lụa Trữ La (1988, truyện), Phù sa quê mẹ (1991, thơ), Miền sông nước (1999), Đá hoa cương (2000, truyện ký)... Người đọc luôn nhớ đến ông qua bài thơ Viếng lăng Bác (Hoàng Hiệp phổ nhạc) và bài văn bia Đời đời ghi nhớ khắc tại Đền tưởng niệm các liệt sĩ Bến Dược (Củ Chi). Linh cữu của ông quàn tại tư gia (40A Phạm Ngọc Thạch, Q.3, TP.HCM). Lễ truy điệu lúc 6 giờ ngày 24.12.2005, động quan lúc 6 giờ 30 cùng ngày. An táng tại nghĩa trang TP.HCM.

Bài hát viếng lăng bác của nhạc sĩ nào

Ảnh TL: Vào Lăng viếng Bác

Viếng Lăng Bác

“Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát Ôi! Hàng tre xanh xanh Việt Nam Bão táp mưa sa, đứng thẳng hàng.

Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ Kết tràng hoa dâng bảy mươi chín mùa xuân.

Bác nằm trong Lăng giấc ngủ bình yên Giữa một vầng trăng sáng dịu hiền Vẫn biết trời xanh là mãi mãi Mà sao nghe nhói ở trong tim.

Mai về miền Nam thương trào nước mắt Muốn làm con chim hót quanh Lăng Bác Muốn làm đóa hoa tỏa hương đâu đây Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”.

Viễn Phương

Nhà thơ Viễn Phương, tên thật là Phan Thanh Viễn, sinh ngày 1 tháng 5 năm 1928, mất ngày 21 tháng 12 năm 2005, quê ở xã Bình Đức, huyện Châu Thành, tỉnh An Giang. Tuy vậy, từ thuở thiếu thời ông đã gắn bó với Cần Thơ; nhất là năm 1946 đáp lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Hồ Chủ tịch, ông “xếp bút nghiên’ vào bộ đội làm chiến sĩ trinh sát Đại đội 23, tham gia đánh chiếm các đồn Phụng Hiệp, Bình Thủy, Cái Răng, Phong Điền… Năm 1954 ông được tổ chức đưa lên Sài Gòn hoạt động bí mật với các “vai” nhà giáo, nhà báo, thư ký hãng buôn rồi bị bắt với tội danh “Việt cộng nằm vùng”. Trong hai năm bị tra khảo, giam cầm, trong các nhà lao Vĩnh Long, Chí Hòa, Gia định, Phú Lợi, ông đã sáng tác hàng loạt bài thơ tố cáo tội ác của Mỹ - Diệm, ca ngợi tinh thần đấu tranh bất khuất của các chiến sĩ cách mạng ở trong tù. Bài “Tiếng hát trong đề lao” có những câu:

“… Tiếng khóc im dần trong tối tăm

Em tôi ngủ đẹp tựa thiên thần

Mẹ lau gạch lạnh tanh mùi máu

Trải tóc con nằm thay chiến chăn”

Hoặc bài “Người em Nam bộ” bị địch tra tấn đóng đinh vào bàn tay, với những câu thật sót xa:

“… Ai đã từng trông thấy bàn tay

Bị mũi đinh găm xuống mặt bàn

Tôi đã từng quỳ bên tượng chúa

Tôi khóc người bị đóng nát bàn tay”

Ra tù năm 1958, ông về vùng đất thép Củ Chi hoạt động, năm 1962 được bầu là Tổng thư ký của Hội Văn nghệ khu Sài Gòn – Gia định – Chợ Lớn, phụ trách mảng văn nghệ nông thôn. Ông đã cùng với đồng đội của mình vừa cầm bút viết báo, viết sách, làm thơ động viên nhân dân chiến đấu, vừa cầm súng đánh giặc. Những tác phẩm chính của ông phải kể đến là các tập truyện và ký “Quê hương địa đạo”, “Anh hùng mìn gạt”, “Miền sông nước”; truyện ngắn “Sắc lụa Trữ La”; truyện thiếu nhi “Lòng mẹ”; các trường ca “Chiến thắng Hòa bình”, “Nhớ lời Di chúc”; các tập thơ “Như mây mùa xuân”, “Phù sa quê mẹ”, “Mắt sáng học trò”… Nhà thơ Viễn Phương đã từng đoạt Giải thưởng Văn học Nam bộ năm 1952 với tác phẩm “Chiến thắng Hòa bình”; giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2001 cho các tập “Như mây mùa xuân”, “Quê hương địa đạo”, “Văn bia đền tưởng niệm Bến Dược”. “Viếng lăng Bác” là một trong những bài thơ hay nhất của Viễn Phương. Sinh thời ông thường kể:

Mùa xuân năm1976, lần đầu tiên tôi được ra thăm miền Bắc. Cũng như đồng bào ta ở mọi miền Tổ quốc và ở nước ngoài, được thăm Hà Nội, được vào Lăng viếng Bác là một mong muốn, nguyện vọng thiết tha của chúng tôi. Sáng hôm ấy, trời mưa phùn như dây bột, Hà Nội lây phây trong gió rét, tôi đi lẫn trong đoàn người xếp hàng nối nhau lặng lẽ vào Lăng… Những hàng tre xanh thẳm xum xuê, những vườn đào khoe sắc thắm, từng hạt nước long lanh; rồi mùi hương hoa mùa xuân dịu nhẹ và tiếng chim hót đâu đây. Trong Lăng, Bác nằm đó, thanh thản, hiền từ, giản dị như đang trong giấc ngủ sau một ngày lo toan, bận rộn việc dân, việc nước. Ai cũng muốn được dừng lại thật lâu ở bên Bác, được ngắm Bác cho thỏa lòng mong nhớ. Tôi đã không cầm được nước mắt của mình… Ra khỏi Lăng, trong tôi bỗng lóe lên hai câu thơ đầu tiên đúng như tình cảnh của mình:

“Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát”…

Và cái hình ảnh:

“Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng

Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ”

cứ đeo đuổi, bám riết như ăn sâu vào tâm trí tôi, để rồi bài thơ “Viếng Lăng Bác” hoàn thành với những câu khái quát và đầy thành kính:

“Con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ôi, Hàng tre xanh xanh Việt Nam

Bão táp mưa sa đứng thẳng hàng

Ngày ngày mặt trời đi qua trên Lăng

Thấy một mặt trời trong Lăng rất đỏ…”

Những câu thơ đầy nhớ thương tha thiết:

“Vẫn biết trời xanh là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim

Mai về miền Nam thương trào nước mắt

Muốn làm con chim hót quanh Lăng Bác

Muốn làm đóa hoa hương tỏa đâu đây

Muốn làm cây tre trung hiếu chốn này”.

Mở đầu bài thơ là hình ảnh hàng tre, kết thúc bài thơ cũng có hình ảnh cây tre. Phải chăng cây tre tượng trưng cho sức sống bền bỉ của dân tộc Việt Nam, cho cuộc đời bình dị và đầy gian khổ nhưng thật vĩ đại của Bác Hồ. Nếu ở khổ thơ đầu, từ hình ảnh thực của rặng tre bên Lăng Bác nhà thơ đẩy lên thành hình ảnh tượng trưng cho cả dân tộc kiên cường bất khuất đứng quanh Người, thể hiện rõ ý chí và nguyện vọng của Người, thì ở câu thơ cuối, mong muốn của nhà thơ luôn được ở bên cạnh Bác, dù chỉ là con chim hót quanh Lăng, là đoá hoa hương tỏa đâu đây và là cây tre trung hiếu chốn này.

Ông còn tâm sự: Tôi đã làm nhiều bài thơ về Bác Hồ, nhưng cảm xúc chỉ đến bằng sự liên tưởng bởi vì tôi chưa được gặp Bác bao giờ. Khi được ra thăm Lăng Bác, đi giữa dòng người lặng lẽ, nước mắt rơi dài, tiếng khóc nấc nghẹn, bên hình ảnh người Cha già nằm tĩnh tại dưới ánh sáng mờ hồng hắt lên từ khuôn mặt, tôi đã xúc động mạnh. Lúc ấy tứ thơ hiện về như linh cảm. Ra khỏi Lăng, tôi phải ngồi xuống bờ cỏ để ghi lại. Khi về đến Hội Nhà văn Việt Nam thì bài thơ cũng hoàn thành. Tôi gửi Báo Văn Nghệ đăng giùm. Sau này nhạc sĩ Hoàng Hiệp phổ nhạc làm cho bài thơ “Viếng Lăng Bác” càng được thăng hoa, thể hiện tấm lòng yêu thương tha thiết của những người con miền Nam với Bác kính yêu.

“Viếng Lăng Bác” của Viễn Phương là một bài thơ đặc sắc. Những câu thơ nền nã, thì thầm, man mác bâng khuâng và có gì đấy như day dứt khôn nguôi; diễn tả niềm kính yêu và lòng biết ơn vô hạn của nhà thơ cũng như của toàn dân, toàn quân ta đối với Bác Hồ. Bài thơ nhanh chóng đi vào lòng bạn đọc, được tuyển chọn in vào các tập thơ hay; vào sách giáo khoa và là ca khúc đi cùng năm tháng.

Nhạc sĩ Hoàng Hiệp tên thật là Lưu Trần Nghiệp, bút danh Lưu Nguyễn, sinh ngày 1 tháng 10 năm 1931, mất ngày 9 tháng 1 năm 2013, quê xã Mỹ Hiệp, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Hoàng Hiệp tham gia cách mạng từ tháng 8 năm 1945, công tác tại Đoàn Tuyên truyền lưu động Long Xuyên, sau chuyển về Đoàn Văn công và Phân hội Văn nghệ Long Châu Hà. Hoàng Hiệp bắt đầu sáng tác từ năm 1948. Năm 1954, ông tập kết ra miền Bắc trong Đoàn Văn công Nam Bộ. Năm 1956, học lớp Sáng tác đầu tiên của Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam). Năm 1957 bài hát “Câu hò bên bờ Hiền Lương” ra đời chung với nhạc sĩ Đằng Giao là điểm khởi đầu cho sự nghiệp sáng tác chuyên nghiệp của Hoàng Hiệp. Năm 1960, ông về làm biên tập viên âm nhạc Nhà xuất bản Mỹ thuật - Âm nhạc thuộc Bộ Văn hóa, sau đó làm Trưởng phòng Âm nhạc, rồi Phó Tổng biên tập nhà xuất bản. Năm 1969, là Phó Giám đốc Nhà xuất bản Giải phóng (bộ phận ở miền Bắc). Trong vòng 20 năm (1954 - 1975) năm sống ở Hà Nội, Hoàng Hiệp đã viết hơn 100 bài hát; trong đó nhiều bài là những tiêu biểu cho dòng nhạc cách mạng thời kỳ chống Mỹ như: “Lá đỏ”, “Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây”, “Cô gái vót chông”, “Ngọn đèn đứng gác”...

Tháng 5 năm 1975, Hoàng Hiệp về Thành phố Hồ Chí Minh, là cán bộ sáng tác của Hội Văn nghệ Giải phóng miền Nam Việt Nam, cán bộ Nhà xuất bản Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh, sau chuyển sang Hội Âm nhạc thành phố và một thời gian làm Tổng thư ký của Hội. Dấu ấn của thời kỳ sáng tác này, bên cạnh những tình ca“Con đường có lá me bay” (1977), “Mùa chim én bay”, “Em vẫn đợi anh về”, “Nơi anh gặp em” (bài hát trong phim “Nơi gặp gỡ của tình yêu”). Ngoài sáng tác ca khúc, Hoàng Hiệp còn viết nhạc cho kịch nói như: “Người ven đô”, “Màu giấy mới”, “Xa thành phố yêu dấu”...; nhạc cho các vở cải lương “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Tiền và Nghĩa”; viết nhạc cho phim truyện và phim tài liệu: “Cánh đồng mơ ước”, “Bản nhạc người tù”, “Mùa gió chướng”, “Biệt động Sài Gòn”... Ông còn là dịch giả cuốn Nhạc lý cơ bản của Spasspbine, và là tác giả của nhiều sách giáo khoa âm nhạc.

Hoàng Hiệp là một trong những nhạc sĩ tiêu biểu nhất của dòng nhạc cách mạngViệt Nam, với nhiều tác phẩm phản ánh những giai đoạn thay đổi của dân tộc trong thế kỉ 20. Âm nhạc của ông là sự hài hòa giữa âm hưởng trữ tình lãng mạn và hào hùng cách mạng. Ông cũng là một trong những nhạc sĩ phổ thơ xuất sắc. Ðất nước và dân tộc luôn là điều nhạc sĩ tâm niệm để có những khúc ca sâu lắng. Sự nghiệp âm nhạc của nhạc sĩ Hoàng Hiệp có hơn 400 bài hát, ca khúc cách mạng nổi tiếng. Riêng chừng 200 ca khúc được nhạc sĩ sáng tác từ những năm đầu kháng chiến tới ngày giải phóng miền Nam là chùm ca khúc được công chúng biết tới nhiều nhất và nhiều người nhớ nhất khi đặt chân tới miền Nam.

Với những công hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng và nền âm nhạc nước nhà, ông đã được tặng thưởng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng III, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất, Huy chương Thành đồng Tổ quốc, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy chương Vì sự nghiệp Văn học - Nghệ thuật. Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật đợt II (năm 2000), Giải Sáng tác của Hội Nhạc sĩ Việt Nam năm 1993, 1994, 1995. Ông còn được Giải thưởng của Tổng cục Chính trị, Giải thưởng Nguyễn Đình Chiểu, Giải thưởng của Hội Văn học - Nghệ thuật Hà Nội và các tỉnh Minh Hải, Hậu Giang, An Giang, Bình Dương và Thành phố Hồ Chí Minh.

Nhà thơ Viễn Phương và nhạc sĩ Hoàng Hiệp đều là những người con của quê hương An Giang, chung tay súng, tay bút thời kháng chiến chống Mỹ, đến hòa bình lại cùng cơ quan công tác. Họ còn chung đứa con tinh thần mang tên “Viếng lăng Bác”, bài hát - bài thơ khiến bất cứ ai hòa vào dòng người vào viếng Bác cũng đều rưng rưng xúc động.

Sinh thời, Hoàng Hiệp chia sẻ: Dựa vào cấu tứ văn học khá chặt chẽ của bài thơ “Viếng Lăng Bác”, ông bố cục bài hát thành 2 đoạn: Đoạn 1 diễn tả tâm trạng bồi hồi của tác giả, cũng là đại diện cho miền Nam ra Bắc vào Lăng viếng Bác. Đoạn 2 là nỗi nghẹn ngào, xúc động, tình cảm thương nhớ, bùi ngùi của tác giả khi đứng trước Người. Ở đoạn 1, bằng một đường nét giai điệu thật giản dị, tiết tấu hơi dàn trải với những âm hình đơn giản, diễn tả khá chính xác lòng bồi hồi náo nức của dòng người từ miền Nam ra Hà Nội viếng Lăng Bác.

Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác

Đã thấy trong sương hàng tre bát ngát

Ơi hàng tre xanh xanh Việt Nam

Ồng đã dành những nét nhạc trang trọng nhất cho sự liên tưởng đó:

Ngày ngày mặt trời đi qua trên lăng

Thêm một mặt trời trong lăng rất đỏ

Ngày ngày dòng người đi trong thương nhớ

Kết tràng hoa dâng 79 mùa xuân

Nếu đoạn 1 diễn tả tâm trạng của tác giả trên đường vào viếng Lăng Bác, thì đoạn 2 là nỗi xúc động vô hạn của dòng người khi nhìn thấy Bác đang yên nghỉ trong lăng.Hoàng Hiệp chuyển sang nhịp 6/8 diễn tả sự bình yên, lắng đọng, một cái gì yên tĩnh tuyệt đối. Thật đúng với tâm trạng của hết thảy mọi người vào viếng Bác: Ai cũng muốn giữ sự yên tĩnh, tránh gây tiếng động dù chỉ là một tiếng thở mạnh. Trong đoạn này, lòng thương tiếc vô hạn, nỗi đau của mỗi ai đến viếng Bác đã được diễn tả tinh tế và đẩy tới đỉnh điểm của cảm xúc:

Dẫu rằng trời xanh biết là mãi mãi

Dẫu rằng biển xanh biết là mãi mãi

Mà sao nghe nhói ở trong tim…

Trong sáng tác âm nhạc cần có những chỗ - ít nhất là một chỗ - gây ấn tượng thật mạnh cho đối tượng thưởng thức khiến họ nhớ mãi. Đó chính là cảm xúc của người viết mãnh liệt tạo ra những sáng tạo đột xuất và là chỗ thể hiện tài năng của tác giả. “Mà sao nghe nhói ở trong tim” là chỗ gây ấn tượng như thế.Tình cảm toàn bài là nỗi nhớ thương, là âm hưởng buồn đau, ngậm ngùi của tác giả đi viếng Bác. Buồn nhưng không bi lụy, đau thương đã biến thành hành động là như vậy.

“Viếng lăng Bác” là một bài hát hay. Sở dĩ bài hát được quần chúng ưa thích vì các tác giả đã diễn tả đúng được cảm xúc, tình cảm của họ đối với Bác. Lời lẽ thật giản dị nhưng chắt lọc với những liên tưởng thật phong phú bằng những hình tượng độc đáo, lại được chuyên chở bằng một giai điệu giàu sức biểu hiện.