Aslem là thuốc gì

Thuốc Aslem không chữa được ung thư. Ảnh: Ngọc Khánh

Aslem không phải là thuốc điều trị ung thư nói chung như một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, mà chỉ có tác dụng phối hợp trong điều trị ung thư theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Ngày 3-3, Cục trưởng Cục Quản lý dược [Bộ Y tế] Trương Quốc Cường đã có văn bản thượng khẩn gửi tới sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; các công ty sản xuất, kinh doanh thuốc, các cơ sở khám, chữa bệnh trực thuộc Trung ương với nội dung như trên.

Quảng cáo quá mức

Trong thời gian vừa qua, trên một số phương tiện thông tin đại chúng có đưa tin về việc sử dụng thuốc Aslem trong điều trị các bệnh ung thư làm cho nhiều người bệnh đã tự đi tìm mua thuốc để sử dụng mà không theo hướng dẫn sử dụng của thầy thuốc, điều này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến việc sử dụng thuốc an toàn, hợp lý của người bệnh; một số cơ sở bán lẻ thuốc đã lợi dụng để bán thuốc với giá cao, ảnh hưởng quyền lợi của người dân…

Sau khi kiểm tra các thông tin và hồ sơ đăng ký sản xuất, lưu hành thuốc lưu tại Cục Quản lý dược, Cục cho biết, thuốc Aslem được Cục quản lý dược [Bộ Y tế] chính thức cấp số đăng ký sản xuất và lưu hành trên thị trường từ ngày 23-2-2006 với công dụng: “Phối hợp điều trị ung thư sau mổ hoặc không có chỉ định mổ nhằm tăng cường miễn dịch, kìm hãm tốc độ tăng trưởng của khối u và kéo dài thời gian sống”; đây là thuốc phải được kê đơn, sử dụng theo đúng chỉ định của thầy thuốc và chỉ được bán khi có đơn của thầy thuốc chuyên khoa. Như vậy, thuốc Aslem không phải là thuốc điều trị ung thư nói chung như một số phương tiện thông tin đại chúng đã đưa tin, mà chỉ có tác dụng phối hợp trong điều trị ung thư theo chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa.

Cũng theo Cục Quản lý dược, căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 53 của Luật Dược năm 2005: “Thuốc kê đơn không được quảng cáo cho công chúng dưới mọi hình thức”. Thuốc Aslem là thuốc kê đơn, như vậy, việc một số phương tiện thông tin đại chúng, đơn vị sản xuất, kinh doanh đã trực tiếp hoặc gián tiếp quảng cáo hoặc đưa tin có tính chất quảng cáo đối với thuốc Aslem là vi phạm các quy định của pháp luật về dược hiện hành.

Theo quy định tại Quy chế kê đơn và bán thuốc theo đơn ban hành theo Quyết định số 1847/2003/QĐ-BYT ngày 28-5-2003 của Bộ trưởng Bộ Y tế, thuốc Aslem là thuốc chỉ được bán khi có đơn của các thầy thuốc chuyên khoa. Việc một số cơ sở bán thuốc Aslem không có đơn của thầy thuốc là vi phạm các quy chế của Bộ Y tế.

Việc người dân tự đi mua thuốc để điều trị mà không có chỉ định của thầy thuốc chuyên khoa có thể ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả điều trị cũng như lãng phí tiền của.

Cục Quản lý dược đề nghị, giám đốc sở y tế các địa phương chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh, các đơn vị kinh doanh thuốc trên phạm vi địa bàn thực hiện đúng các quy định về kê đơn, bán thuốc theo đơn và các quy định về thông tin, quảng cáo thuốc nói chung và đối với thuốc Aslem nói riêng; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động của các cơ sở kinh doanh thuốc, cơ sở khám, chữa bệnh trong việc thực hiện các quy định trên và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Thủ trưởng các cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở kinh doanh thuốc có trách nhiệm chỉ đạo việc kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các quy định về kê đơn thuốc và bán thuốc theo đơn, các quy định về thông tin, quảng cáo thuốc và quản lý giá thuốc; tăng cường công tác hướng dẫn sử dụng thuốc hiệu quả, an toàn và hợp lý cho người bệnh.

Người bệnh: không tự ý đi mua thuốc và không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định của thầy thuốc để bảo đảm việc sử dụng thuốc an toàn và hiệu quả trong điều trị, tránh lãng phí về kinh tế.

Cục Quản lý dược sẽ yêu cầu đơn vị sản xuất, các đơn vị sử dụng thuốc Aslem kiểm tra, báo cáo đầy đủ những nội dung có liên quan đến việc sản xuất, sử dụng thuốc Aslem và sẽ xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.

Được biết, sau khi có thông tin thuốc Aslem có thể chữa được ung thư, giá thuốc này đã tăng vùn vụt, thậm chí khan hàng. Cuối tuần qua, giá thuốc này đã tăng từ 250.000 đồng/hộp lên 290.000 đồng/hộp có nơi còn bán hơn 300.000 đồng/hộp trong khi  giá bán cách đây 5- 6 tháng khoảng 100.000 đồng/hộp. Trong khi đó, theo đại diện Công ty Dược Vĩnh Phúc, giá bán buôn của công ty này là 250.000 đồng/hộp 10 ống và khi bán lẻ các cửa hàng có thể cộng thêm 10- 15% giá nhập.

Sự thật về thuốc Aslem

Aslem là công trình nghiên cứu khoa học của Trường Đại học Dược Hà Nội kéo dài trong 38 năm, do cố GS Tôn Thất Tùng khởi xướng. Tháng 7-2007, thuốc này đã được Cục Quản lý dược cấp số đăng ký lưu hành rộng rãi và tháng 2-2008, Aslem đã được Công ty cổ phần Dược phẩm Vĩnh Phúc [Vinphaco] chính thức đưa ra thị trường.

Theo bản hướng dẫn sử dụng thì Aslem dùng bổ trợ trong điều trị ung thư để kéo dài tuổi thọ của bệnh nhân ung thư; tăng cường miễn dịch trong các bệnh mạn tính lao, xơ gan, sỏi thận...; hiệp đồng tác dụng với kháng sinh trong điều trị và ngăn ngừa nhiễm khuẩn trước và sau phẫu thuật... Thế nhưng, các thông tin từ quảng cáo đều nói đến Aslem như là thuốc chữa mọi loại ung thư. Chính những thông tin này đã khiến nhiều người bệnh bỏ ra tiền triệu để mua thuốc mong chữa khỏi bệnh.

Bệnh viện K là một trong những bệnh viện lớn điều trị cho bệnh nhân ung thư. Hiện Bệnh viện K sử dụng thuốc tiêm Aslem cho một số bệnh nhân dùng phương pháp điều trị bài bản hoặc những bệnh nhân không còn khả năng chữa khỏi.

Ngày 3-3, GS.TS Nguyễn Bá Đức, Giám đốc Bệnh viện K khẳng định: ’’Thuốc Aslem là thuốc điều trị miễn dịch không đặc hiệu. Thuốc Aslem không có tác dụng ức chế tế bào ung thư, chỉ dùng thuốc Aslem thì không thể khỏi bệnh’’.

GS.TS Nguyễn Bá Đức khuyên người bệnh, bệnh nhân ung thư không nên coi đó là thuốc chữa khỏi bệnh ung thư. Thuốc sử dụng phải theo sự chỉ dẫn của bác sĩ. Thuốc Aslem chỉ sử dụng để tăng cường sức khỏe, tăng cường sức đề kháng sau khi bệnh nhân ung thư đã điều trị bằng các phương pháp khoa học. 

Năm 2006, Bệnh viện K đã sử dụng thử thuốc Aslem trên bệnh nhân bị ung thư vú. Bệnh nhân được chia làm 2 nhóm. Trong đó nhóm 1 gồm 74 bệnh nhân ung thư vú điều trị đầy đủ theo phương pháp y học hiện đại gồm phẫu thuật, xạ trị, hóa trị sau đó không dùng thêm gì nữa. Nhóm thứ 2 gồm 74 bệnh nhân cũng dùng các phương pháp nói trên và tiêm thêm thuốc Aslem 2 ống/lần, 1 tuần tiêm 2 lần. Kết quả sau 6 tháng thử nghiệm bệnh nhân tiêm thêm Aslem sống lâu hơn.

GS.TS Nguyễn Bá Đức nói về kết quả này: ’’Sự khác nhau này không có ý nghĩa thống kê do thời gian sống thêm chưa đạt tới mức quy định để khẳng định hiệu quả vượt trội của thuốc bổ trợ. Đối với bệnh nhân không dùng được 1 trong 3 phương pháp [phẫu thuật, xạ trị, hóa trị] thì các bác sĩ chỉ định dùng thuốc Aslem để bổ trợ góp phần nâng cao thể trạng’’.

Bệnh viện K đã đưa ra kết luận, Aslem không có tác dụng chữa ung thư, cần phải nghiên cứu rộng hơn trên nhiều loại ung thư với mẫu lớn hơn và thời gian theo dõi lâu hơn.

Theo VNN

Chủ Đề