100 phim hàng đầu năm 2002 năm 2022

Nếu còn sống trên đời, huyền thoại Maria Callas vào năm tới sẽ ăn mừng sinh nhật 100 tuổi. Từ đầu mùa thu này cho tới năm 2023, có khá nhiều dự án quan trọng sẽ lần lượt được tổ chức nhằm kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Maria Callas, trong đó có một viện bảo tàng lớn tại Athens, một cuộc triển lãm lưu động tại nhiều nước trên thế giới, cũng như một bộ phim của Hollywood về sự nghiệp của diva gốc Hy Lạp.

Cuối tuần qua, Hội đồng thành phố Athens thông báo kế hoạch thành lập một viện bảo tàng mới nhằm vinh danh thần tượng Maria Callas (1923-1977). Theo nguyệt san Diapason của Pháp, chuyên thông tin về làng nhạc cổ điển và sân khấu kịch opera, đây không phải là lần đầu tiên thủ đô Athens tôn vinh một trong những ''vĩ nhân'' đến từ Hy Lạp, nổi tiếng trên toàn cầu. Cách đây đúng hai thập niên, viện bảo tàng đầu tiên dành riêng cho Maria Callas đã ra đời tại thủ đô Athens. Tuy nhiên, do thiếu nguồn đầu tư, bảo tàng này gặp thất bại và buộc phải đóng cửa sau hơn 7 năm hoạt động (từ đầu năm 2002 đến cuối năm 2008).

Viện bảo tàng thứ nhì mang tên Maria Callas

Rút kinh nghiệm từ lần trước, Tòa thị chính Athens lần này huy động các nguồn đầu tư quan trọng, đồng thời cung cấp một bộ sưu tập phong phú, đa dạng hơn trước. Ngoài các tài liệu lưu trữ chưa từng được phổ biến, bảo tàng mới tại Athens sẽ giới thiệu với công chúng các bài tập, bảng điểm hay sổ tay ghi chép của Maria Callas từ khi bà còn học ở Nhạc viện quốc gia, các bức ảnh chụp, các bản ghi âm hiếm, các quyển tổng phổ opéra có chữ ký của nữ danh ca, các vật dụng cá nhân, đồ nữ trang, phụ kiện hay trang phục sân khấu…

Đằng sau bộ sưu tập phong phú này là nỗ lực quyên tặng của hàng chục hiệp hội văn hóa của Hy Lạp cũng như các nhà sưu tầm tư nhân. Theo tạp chí Diapason, thị trưởng hiện thời của Athens, ông Kostas Bakoyannis đã dày công thuyết phục các đối tác đóng góp vào kho lưu trữ của viện bảo tàng tương lai. Hầu hết các nhà hát lớn trên thế giới, nơi thần tượng Maria Callas từng đi biểu diễn lúc sinh tiền, đều đã nhận lời. Bên cạnh các hiện vật đến từ các nhà hát nổi tiếng của Ý như La Scala tại Milano, nhà hát La Fenice tại Venise cũng như sân khấu Arena di Verona, nơi Maria Callas khởi nghiệp tại Ý vào năm 1947, còn có sự đóng góp của hai nhà hát lẫy lừng thế giới Metropolitan Opera và Carnegie Hall tại New York.

Về phía các tư liệu mang tính gia đình hay cá nhân, thị trưởng Athens đã thuyết phục các gia đình của nhiều nghệ sĩ quá cố, trong đó có  các danh họa Hy Lạp Alekos Fassianos, Dimitris Mytaras hay Panagiotis Tetsis… Sinh thời, các nghệ sĩ này đều từng quen biết Maria Callas chẳng những qua công việc mà còn ở ngoài đời. Sáng tác nghệ thuật đối với họ là điểm chung khởi đầu, để rồi sau đó nhường chỗ lại cho mối quan hệ sâu sắc hơn. Đến khi các nghệ này qua đời, gia đình và con cháu họ đã tặng lại nhiều hiện vật sưu tầm về thần tượng Maria Callas. Theo dự kiến, viện bảo tàng Athens sẽ mở cửa đón khách vào mùa hè năm 2023. Chương trình sinh hoạt kỷ niệm đạt tới đỉnh điểm vào đầu tháng 12 năm tới, đúng vào ngày sinh lần thứ 100 của diva người Hy Lạp.

Quỹ tài trợ di sản nghệ thuật của Maria Callas

Song song với kế hoạch mở bảo tàng tại Athens, còn có nhiều dự án tại Pháp của Quỹ Maria Callas, do ông Tom Volf điều hành. Quỹ này được thành lập vào năm 2017, theo đề xướng của ông Georges Prêtre, nhạc trưởng người Pháp và cũng là người bạn đồng hành trung thành nhất với Maria Callas từ cuối nhưng năm 1950 cho tới khi bà qua đời. Họ đã cùng ghi âm những tác phẩm để đời của Maria Callas, trong đó có vở Carmen của Bizet, Tosca của Puccini và tuyển tập chọn lọc bao gồm các giai điệu opera trứ danh nhất cho hãng đĩa EMI (nay là Warner Classics). Sau ngày Maria Callas qua đời, nhạc trưởng Georges Prêtre cùng với một số bạn thân lập hội của những người ngưỡng mộ La Callas (theo cách gọi của người Pháp), tiền thân của Qũy tài trợ hiện thời. Theo báo La Croix, mục tiêu của hội này là bảo vệ di sản nghệ thuật của diva người Hy Lạp, bằng cách sưu tầm hiện vật và nhất là quyên tiền để mua lại tất cả những gì có liên quan đến Maria Callas thông qua các cuộc bán đấu giá.

Nhờ vào việc vận động quyên tiền, qũy này đã tập hợp được nhiều tài liệu quý báu, kể cả thư từ, nhật ký, bản thảo viết tay, phim ảnh đời tư, hàng ngàn bức ảnh gốc (kể cả phim âm bản). Các tư liệu này được lưu trữ, nhưng thay vì được giữ kín, lại mở rộng cho nhiều đối tượng, kể cả các nhà nghiên cứu, sinh viên làm luận án hay khách ngưỡng mộ. Cũng từ khối lượng thư từ trao đổi này mà hình thành nhiều sinh hoạt, như hội thảo chuyên đề, biểu diễn kịch hay triển lãm lưu động, trong đó có chương trình ''Maria by Callas'' vào năm 2017 tại nhà hát La Seine Musicale tại Paris và cung triển lãm Grimaldi tại Monaco vào năm 2018.

Riêng trong năm 2023, nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Maria Callas, Quỹ tài trợ các dự án do ông Tom Volf điều hành sẽ dựng thêm cuộc triển lãm thứ nhì, hợp tác với nhiều bảo tàng và phòng triển lãm để trưng bày những tư liệu và hình ảnh chưa được phổ biến. Cuộc triển lãm lưu động này trên nguyên tắc sẽ đi qua các nước Hy Lạp, Ý, Bỉ, Pháp, Đức, Thụy Điển và sau đó nữa là Hoa Kỳ, do Maria Callas đã đi biểu diễn tại rất nhiều sân khấu lớn trên thế giới.

Bên cạnh đó vào mùa thu năm nay, nhà hát Châtelet ở Paris giới thiệu lại vở kịch với nữ diễn viên điện ảnh Monica Bellucci trong vai thần tượng Maria Callas. Toàn bộ nội dung vở kịch dựa trên tác phẩm ''Lettres & Mémoires'' (Thư từ và Hồi ký) của Maria Callas do nhà xuất bản Albin Michel phát hành và do tác giả Tom Volf tập hợp lại rồi dựng thành vở kịch trên sân khấu. Đợt biểu diễn này bắt đầu vào ngày 14/11 tại thủ đô Paris, mở màn cho chương trình sinh hoạt kỷ niệm Maria Callas trên toàn nước Pháp.

Ngôi sao màn bạc Angelina vào vai thần tượng Maria Callas

Về phía Hollywood, theo nhật báo Greek Herald, một bộ phim kể lại cuộc đời và sự nghiệp của Maria Callas đang được chuẩn bị cho năm tới. Với tựa đề '' Maria'' ngắn gọn, bộ phim do Steven Knight viết kịch bản và do đạo diễn người Chile Pablo Larraín thực hiện. Năm nay 46 tuổi, ông đã từng nhận đề cử Oscar và từng đoạt giải tại nhiều liên hoan lớn kể cả Cannes (2012), Berlin (2015) và Toronto (2016). Thể loại phim tiểu sử (biopic) không còn gì xa lạ với Pablo Larrain, người đã từng quay phim về cuộc đời của tác giả Pablo Neruda, phu nhân Jackie Kennedy hay công nương Diana Spencer. Cả hai bộ phim tiểu sử Jackie (2016) và Spencer (2021) với Kristen Stewart và Natalie Portman trong vai chính, đều đã nhận đề cử Oscar ở hạng mục Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

Lần này, thần tượng điện ảnh Angelina Jolie đã được tuyển để đóng vai chính trong bộ phim phác họa lại đoạn cuối cuộc đời của giọng ca soprano vĩ đại nhất thế giới. Trong những ngày tháng cuối cùng ở Paris giữa những năm 1970, Maria Callas chạnh lòng nhớ lại một kiếp sống đầy biến động, giữa quá khứ vàng son và tương lai u ám, khi một huyền thoại sinh động đã đánh mất vầng hào quang.

Sinh thời, Maria Callas từng được Leonard Bernestein mệnh danh là "Kinh Thánh của opera". Nhờ có giọng cao thuần chất dramatic coloratura tràn đầy màu sắc và kịch tính, cũng như nhờ vào tài năng diễn xuất phi thường, mà bà trở thành một trong những giọng ca có tầm ảnh hưởng lớn nhất trong lịch sử nhạc cổ điển.

Tuy nhiên, trong đời tư, Maria Callas vướng vào nhiều vụ tai tiếng đặc biệt là mối quan hệ ngoại tình với nhà tỷ phú Aristote Onassis, làm hao tốn biết bao giấy mực thời bấy giờ. Gần nửa thế kỷ sau ngày vĩnh viễn ra đi, Maria Callas vẫn là một trong những giọng ca được tôn sùng trong làng nhạc kịch opera. Giọng ca soprano hay nhất mọi thời đại có chiều sâu bí ẩn hơn cả nhân vật tiểu thuyết, bà sống trên tột đỉnh vinh quang, để rồi ra đi một cách âm thầm tức tưởi. Hai yếu tố đối nghịch ấy có thể giải thích vì sao huyền thoại Callas vẫn đầy ma lực quyến rũ, những góc khuất bí ẩn trong đời lại càng tỏa ánh rực rỡ sáng ngời.