Vị trí của Viện kiểm sát nhân dân trong bộ máy nhà nước

VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

 55 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN [1960-2015]

Hiến pháp năm 1959 lần đầu tiên đã quy định chế định Viện kiểm sát nhân dân. Ngày 26/7/1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Lệnh công bố Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960, đánh dấu sự ra đời của cơ quan Viện kiểm sát nhân dân [VKSND] trong hệ thống bộ máy Nhà nước ta. Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố nhằm bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, đảm bảo mọi hành vi xâm phạm lợi ích của Nhà nước, của tập thể, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân đều được xử lý theo pháp luật.  

Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 01/QĐ ngày 31/12/1960 của Viện trưởng VKSND tối cao để thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố; nhằm đảm bảo cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất trên địa bàn Thủ đô.

Kế thừa và phát huy những thành quả và kinh nghiệm hoạt động của Viện công tố trong cách mạng dân tộc, dân chủ, kể từ khi thành lập đến nay, trải qua 55 năm xây dựng và trưởng thành, được sự quan tâm lãnh đạo của VKSND tối cao, Thành uỷ Hà Nội, sự giám sát của Hội đồng nhân dân thành phố, sự giúp đỡ của các cấp uỷ Đảng, Ủy ban nhân dân, các sở, ban, ngành thành phố, đặc biệt là sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan nội chính và sự đồng tình ủng hộ của các tầng lớp nhân dân Thủ đô, VKSND thành phố đã không ngừng được củng cố, phát triển và đã đạt được những thành tích quan trọng. Qua mỗi giai đoạn cách mạng của đất nước, chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát có thay đổi, nhưng các thế hệ cán bộ, Kiểm sát viên VKSND thành phố Hà Nội đã không ngừng phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ và xây dựng chủ nghĩa xã hội, vào thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước cũng như vào thắng lợi sự nghiệp đổi mới của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta, đồng thời góp phần đắc lực vào công tác đấu tranh phòng, chống vi phạm, tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1975: Sau khi VKSND thành phố Hà Nội được thành lập, cùng với việc kiện toàn tổ chức bộ máy, Viện kiểm sát thành phố triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1960. Công tác kiểm sát giai đoạn này thực chất là công tác chính trị, phục vụ nhiệm vụ chính trị. Hoạt động kiểm sát tập trung vào phục vụ công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng quan hệ sản xuất mới ở miền Bắc, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân, góp phần tích cực đấu tranh trấn áp các lực lượng phản cách mạng và các loại tội phạm, chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ và đấu tranh giải phóng miền Nam; đồng thời kiểm sát việc thực hiện chính sách hậu phương quân đội với tinh thần huy động tối đa sức người, sức của thực hiện thắng lợi cuộc cách mạng dân tộc dân chủ ở miền Nam. Trong giai đoạn này, theo lời kêu gọi của Tổ quốc, nhiều cán bộ, lãnh đạo, Kiểm sát viên đã lên đường nhập ngũ, tham gia vào cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Thời kỳ này, VKSND thành phố đã tập trung đấu tranh trấn áp kịp thời, xử lý nghiêm minh các đối tượng phản cách mạng, gián điệp, biệt kích, các lực lượng phản động đội lốt tôn giáo, hoạt động phỉ, gây bạo loạn..., giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, bảo vệ thành quả của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ; đồng thời tích cực chủ động kiểm sát việc chấp hành pháp luật của các cơ quan quản lý, phân phối các vật tư, thiết bị, lương thực, thực phẩm, bảo vệ các vật tư quốc phòng, hàng hoá do các nước anh em và bè bạn viện trợ; phát hiện và đấu tranh, xử lý các hành vi trộm cắp, tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, phân phối sai chính sách, chế độ. VKSND thành phố đã thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra, kiểm sát xét xử nhiều vụ án lớn về an ninh quốc gia: vụ linh mục Nguyễn Văn Thông lợi dụng tôn giáo hoạt động gián điệp và phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân; vụ Nguyễn Quang Hải lôi kéo một số đối tượng ngụy quân, ngụy quyền hoạt động gián điệp; vụ Trần Minh Châu [tức Cập] và đồng bọn làm gián điệp cho Mỹ để phục vụ kế hoạch “Bắc tiến”; nhiều vụ án điển hình về các hành vi xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, vật tư quốc phòng, quân trang, lương thực, các vụ đầu cơ, buôn lậu, làm giả tem phiếu, móc ngoặc trong việc phân phối hàng hóa, vật tư.

VKSND thành phố cũng đã chú trọng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc ban hành các văn bản pháp quy của các cơ quan Nhà nước cùng cấp; đã tiến hành kiểm sát trực tiếp tại các cơ quan nhà nước, các hợp tác xã...; kiểm sát văn bản của Ủy ban nhân dân các cấp, các cơ quan quản lý kinh tế, qua đó đã phát hiện nhiều văn bản vi phạm về thẩm quyền, nội dung, hình thức để kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu các cơ quan khắc phục, sửa chữa nhằm đảm bảo pháp chế thống nhất.

Giai đoạn từ năm 1975 đến năm 1986: Đất nước đã thống nhất và đi lên chủ nghĩa xã hội tuy nhiên vẫn phải đối mặt với những khó khăn bộn bề về kinh tế, xã hội do chiến tranh và những tàn dư của chế độ cũ để lại, đồng thời phải đương đầu với chiến tranh biên giới phía Bắc, Tây Nam và chiến tranh phá hoại của các thế lực thù địch. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV, V [năm 1976, 1982] đã xác định mục tiêu chiến lược cách mạng trong giai đoạn mới là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc. Do yêu cầu của cách mạng cần tăng cường lực lượng cán bộ cho miền Nam, VKSND thành phố đã cử nhiều lượt cán bộ, Kiểm sát viên giỏi vào miền Nam công tác tăng cường cho các Viện kiểm sát mới được thành lập ở các tỉnh miền Nam.

Hiến pháp năm 1980 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 1981 đã khẳng định vị trí, vai trò, trách nhiệm của ngành Kiểm sát trong việc bảo đảm pháp chế thống nhất trong cả nước. Với chức năng, nhiệm vụ được xác định cụ thể tại Hiến pháp và Luật tổ chức VKSND mới, VKSND thành phố đã tập trung phục vụ tích cực cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới và trấn áp phản cách mạng, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ các quyền dân chủ của nhân dân; bên cạnh đó, chú trọng kiểm sát việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, chủ yếu là trong sản xuất lương thực, thực phẩm, hàng tiêu dùng, thu mua sản phẩm, phân phối lưu thông, đặc biệt với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất và nhu cầu dân sinh; đã phục vụ việc lập lại trật tự quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa, đấu tranh chống các hoạt động vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh. Trong lĩnh vực hình sự, VKSND thành phố đã phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật tập trung điều tra, truy tố, xét xử đối với các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và tội phạm về kinh tế. Một số vụ án điển hình đã gây tiếng vang lớn: Vụ hoạt động gián điệp do Thái Như Siêu cầm đầu; vụ gây rối trật tự công cộng tại Khách sạn 115 đường Nam Bộ và ga Hà Nội; tham gia giải quyết tình hình phức tạp trên địa bàn Thủ đô sau chiến tranh biên giới phía Bắc; xử lý đường dây buôn lậu vàng và đô la lớn với trên 50.000 lượng vàng; vụ cướp máy bay lên thẳng tại sân bay Bạch Mai; vụ Phạm Đăng Hùng giết người, cướp tài sản, hiếp dâm xảy ra tại số 7 Phạm Đình Hổ; vụ Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại công trình Thủy điện Sông Đà...

Qua kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội, VKSND thành phố đã phát hiện và báo cáo, kiến nghị về một số sơ hở trong các chủ trương, biện pháp quản lý kinh tế tạo điều kiện cho những đối tượng vụ lợi thực hiện hành vi làm trái chính sách, chế độ mưu lợi ích riêng để cấp trên xem xét và có những bổ sung, chấn chỉnh kịp thời, tạo môi trường ổn định cho sự phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô - trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của cả nước. Đặc biệt, thông qua hoạt động kiểm sát, VKSND thành phố đã phối hợp với Cơ quan điều tra, Tòa án khởi tố, truy tố, xét xử để răn đe, ngăn chặn hành vi phạm tội trong các vụ án Nguyễn Văn Tuấn - Phó Giám đốc Ngân hàng Công thương tỉnh Hà Tây; vụ án Nguyễn Văn Trọng - Nhà máy đường Vạn Điểm [sau 20 ngày Viện kiểm sát tiến hành kiểm sát trực tiếp đã phát hiện có dấu hiệu tội phạm và quyết định khởi tố vụ án để điều tra, xử lý].

Nhằm bảo đảm các quyền tự do, dân chủ của công dân, VKSND thành phố đã tăng cường kiểm sát việc thực hiện chính sách bắt, giam, giữ, tập trung cải tạo và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo của cán bộ và nhân dân trong các quan hệ lao động, dân sự và kiểm tra hành chính của cơ quan Công an, đặc biệt đối với đơn khiếu nại về việc bị tập trung cải tạo hoặc cưỡng bức lao động không đúng chính sách, pháp luật, kịp thời kiến nghị với cơ quan hữu quan có biện pháp cải thiện đời sống của những người bị giam giữ, cải tạo…

Công tác kiểm sát luôn bám sát các nhiệm vụ của Ngành, các Nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của Ủy ban nhân dân thành phố và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, các cơ quan hữu quan trong xử lý, giải quyết án. Viện kiểm sát cũng đã đề xuất với Thành uỷ mở hội nghị pháp chế nhằm kiểm điểm việc chấp hành pháp luật, tuân thủ pháp chế ở địa phương, nâng cao ý thức pháp luật, bảo vệ pháp chế của cán bộ lãnh đạo các cấp, các ngành.

Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 2001: Những năm đầu của thời kỳ đổi mới, sự phát triển của kinh tế thị trường đã bộc lộ những sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý kinh tế, quản lý xã hội. VKSND hai cấp thành phố thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội [kiểm sát chung] theo kế hoạch thống nhất, tập trung vào những ngành kinh tế trọng điểm, có vị trí then chốt trong nền kinh tế quốc dân như hoạt động quản lý kinh doanh xuất nhập khẩu [năm 1990], quản lý, sử dụng ngoại tệ [năm 1991], kinh doanh của các ngành thuốc lá, rượu bia và giao thông, bưu điện [năm 1992], xây dựng cơ bản [năm 1993], quản lý và sử dụng đất đai [năm 1994, 1995], việc chấp hành pháp luật về thuế và thu ngân sách [năm 1996, 1997], quản lý và sử dụng vốn đầu tư xây dựng thuộc các lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, nông nghiệp và phát triển nông thôn, thực hiện Luật Công ty [năm 1998, 1999], quản lý nhà nước về kinh doanh xuất nhập khẩu [năm 2000]... Viện kiểm sát đã tích cực thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và chức năng kiểm sát các văn bản quy phạm pháp luật, quán triệt các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chính sách hình sự trong tình hình mới, tăng cường phối hợp với các cơ quan bảo vệ pháp luật chú trọng phát hiện và xử lý nghiêm minh hàng trăm vụ lợi dụng sơ hở trong hoạt động quản lý tiền tệ để lừa đảo chiếm đoạt tiền của Ngân hàng, các quỹ tín dụng, các hành vi lợi dụng danh nghĩa “tự chủ tài chính” để làm trái pháp luật. Viện kiểm sát đã phát hiện và kháng nghị, kiến nghị với các cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi hàng trăm văn bản quy phạm pháp luật có vi phạm. Đặc biệt, thông qua công tác kiểm sát, VKSND thành phố đã kịp thời báo cáo và tham mưu giúp Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố giải quyết ổn định tình hình, ngăn chặn việc đổ vỡ về quỹ tín dụng trên địa bàn thành phố, qua đó góp phần củng cố pháp chế và trật tự pháp luật trong quản lý kinh tế, quản lý văn hóa, xã hội theo quy định của pháp luật.

Giai đoạn từ cuối năm 2001 đến nay: Thực hiện đổi mới hoạt động của các cơ quan tư pháp theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng, Hiến pháp năm 1992 [sửa đổi, bổ sung năm 2001] và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, từ tháng 10/2001 đến nay, Viện kiểm sát không còn thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực hành chính, kinh tế, xã hội [kiểm sát chung] mà tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. VKSND thành phố đã giải quyết triệt để những công việc tồn, đọng, tổ chức lưu trữ hồ sơ, bố trí, phân công cán bộ tăng cường cho công tác này; đã giải thể các đơn vị làm công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong lĩnh vực kinh tế, hành chính và Phòng điều tra theo mô hình tổ chức mới.

Triển khai thực hiện Nghị quyết số 08/NQ-TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới và Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, VKSND thành phố đã bám sát chức năng, nhiệm vụ của Ngành và nhiệm vụ chính trị của địa phương, tăng cường phối hợp với các cơ quan tư pháp thành phố trong giải quyết án. Bình quân những năm gần đây, hàng năm, VKSND hai cấp thành phố thụ lý, giải quyết khoảng 9.000 vụ án hình sự, kiểm sát giải quyết trên 14.000 vụ, việc dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động.

Thực hiện chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong lĩnh vực hình sự, VKSND thành phố Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan bảo vệ pháp luật, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các loại tội phạm, đặc biệt tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm về tham nhũng, buôn lậu, ma tuý và các loại tội phạm có tổ chức, tội phạm công nghệ cao; tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, các vụ án được Trung ương ủy quyền, các vụ án được dư luận xã hội quan tâm… điển hình là vụ án Lê Thị Công Nhân tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; vụ Nguyễn Doãn Kiên cùng một số đối tượng theo Pháp Luân Công có hành vi hô hào kích động nhằm đập phá Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; vụ án ma túy có tính chất xuyên quốc gia Xiêng Phênh - Vũ Xuân Trường mua bán, vận chuyển trái phép hơn 140 kg heroin và hàng trăm kg thuốc phiện; vụ Lê Tân Cương và “Thủy cung Thăng Long”, vụ Lã Thị Kim Oanh - Giám đốc Công ty tiếp thị đầu tư nông nghiệp và phát triển nông thôn Tham ô tài sản và Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng thiệt hại khoảng 100 tỷ đồng; vụ án Công ty Mua bán trực tuyến MB24 sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, Internet chiếm đoạt tài sản với tổng số tiền 631 tỷ đồng của trên 100 bị hại tại 31 tỉnh, thành phố; vụ án Dương Chí Dũng và đồng phạm Tham ô tài sản, Cố ý làm trái..., vụ án Nguyễn Đức Kiên [“bầu Kiên”] cùng đồng phạm Kinh doanh trái phép, Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, Trốn thuế, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thông qua việc giải quyết các vụ án tham nhũng, kinh tế trên, VKSND thành phố đã có kiến nghị với các cơ quan quản lý nhà nước khắc phục những tồn tại, thiếu sót, bất cập trong lĩnh vực quản lý tín dụng, ngân hàng để có biện pháp tăng cường quản lý cán bộ, tiền và tài sản của doanh nghiệp nhà nước. VKSND thành phố đã đấu tranh quyết liệt với những tội phạm có tính chất băng, nhóm hoạt động theo kiểu “xã hội đen” nh­ư vụ Trương Văn Khánh [“Khánh Trắng”], Nguyễn Thị Phúc [“Phúc Bồ”] cùng đồng phạm giết người, cướp, cưỡng đoạt tài sản, trốn thuế… Những vụ án đã được liên ngành Công an, Viện kiểm sát, Toà án hai cấp thành phố phối hợp giải quyết tốt, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn thành phố. Viện kiểm sát đã có nhiều biện pháp nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên tại phiên toà, đặc biệt là chất lượng tranh luận, luận tội. Các bản án, quyết định của Toà án có vi phạm pháp luật đều được Viện kiểm sát kháng nghị, kiến nghị để yêu cầu khắc phục.

Cùng với việc tăng cường các biện pháp nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp trong việc giải quyết các vụ án hình sự, bảo đảm hoạt động điều tra, xét xử các vụ án hình sự tuân thủ đúng các quy định của pháp luật; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, VKSND hai cấp đã xây dựng, hoàn thiện hệ thống quy chế hoạt động, quy chế làm việc của Viện kiểm sát thành phố và các đơn vị trực thuộc, của tập thể lãnh đạo Viện, Ban Cán sự Đảng. Công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi; công tác phối hợp liên ngành, phối hợp giữa các phòng nghiệp vụ... đều được quy chuẩn, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý, chỉ đạo, điều hành.  Hoạt động tranh tụng của Kiểm sát viên tại các phiên tòa từng bước được nâng lên thông qua công tác phối hợp tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm [các phiên toà “theo tinh thần Nghị quyết 49”] đã góp phần nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Kiểm sát viên; đảm bảo dân chủ, khách quan, đúng quy định của pháp luật.  Bên cạnh đó đã chú trọng công tác kiểm sát các hoạt động tư pháp, kịp thời phát hiện các vi phạm trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra, xét xử để kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu khắc phục, bảo đảm không bỏ lọt tội phạm và người phạm tội, không làm oan người vô tội và các hoạt động tố tụng tuân theo quy định của pháp luật.

Viện kiểm sát thường xuyên phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành rà soát để nắm chắc số người bị kết án phạt tù nhưng chưa thi hành; kiểm sát chặt chẽ các trường hợp hoãn thi hành án để có biện pháp thúc đẩy thi hành Qua kiểm sát việc thi hành án hình sự, VKSND hai cấp đã phát hiện các vi phạm để kháng nghị, kiến nghị yêu cầu Toà án nhân dân, Cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm trong việc thi hành án khắc phục vi phạm. VKSND thành phố cũng thường xuyên tham gia Hội đồng xét giảm án của thành phố để thẩm định, đề nghị xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt tù cho các phạm nhân cải tạo tiến bộ, bảo đảm các trường hợp được xét giảm phù hợp với các điều kiện, quy định của pháp luật.

Thực hiện quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 và Luật Tố tụng hành chính năm 2010, VKSND hai cấp thành phố đã sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên để phù hợp với yêu cầu mới. Những năm gần đây, số lượng các tranh chấp về nhà ở, tài sản, hôn nhân gia đình, kinh tế, lao động, hành chính mà VKSND hai cấp thành phố kiểm sát việc lập hồ sơ và tham gia phiên toà, phiên họp ngày càng tăng; tuy nhiên chất lượng công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình, hành chính, kinh doanh thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật cũng từng bước được nâng cao. Viện kiểm sát đã trực tiếp khởi tố nhiều vụ tranh chấp dân sự và tích cực hỗ trợ thu hồi tài sản, phát hiện và kháng nghị, kiến nghị các cơ quan, tổ chức có biện pháp pháp phòng ngừa vi phạm, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân.

Công tác kiểm sát thi hành án dân sự cũng đã đạt được những kết quả tích cực, VKSND hai cấp thành phố đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, tổ chức xác định rõ các trường hợp có điều kiện thi hành án hoặc không có điều kiện thi hành, đẩy nhanh tiến độ thi hành các bản án, quyết định có điều kiện thi hành, đồng thời tăng cường kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động cưỡng chế, hoãn thi hành án. Qua công tác kiểm sát, Viện kiểm sát phát hiện nhiều vụ, việc có vi phạm pháp luật của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thi hành án và ban hành nhiều kháng, kiến nghị nghị yêu cầu khắc phục vi phạm.

Công tác kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp của các cơ quan tư pháp, tiếp công dân và giải quyết khiếu nại tố cáo thuộc trách nhiệm của VKSND đã được đặc biệt quan tâm, VKSND thành phố đã giải quyết hàng trăm khiếu nại, tố cáo phức tạp, bức xúc, kéo dài, các đơn thư khiếu nại vượt cấp, đã ban hành nhiều kháng nghị, kiến nghị yêu cầu các cơ quan tư pháp khắc phục vi phạm trong việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo.

Thực hiện Nghị quyết số 15/2008/QH12 ngày 29/5/2008 của Quốc hội khoá XII, VKSND thành phố Hà Nội được thành lập trên cơ sở hợp nhất VKSND hai cấp thành phố Hà Nội [cũ] và VKSND hai cấp tỉnh Hà Tây, VKSND huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi hợp nhất, Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo VKSND thành phố đã kịp thời ổn định tổ chức, sắp xếp trụ sở, bổ sung trang thiết bị, cơ sở vật chất; bổ sung và hoàn thiện hệ thống các quy chế hoạt động quản lý, quy chế nghiệp vụ nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, đảm bảo thống nhất trong hai cấp kiểm sát thành phố.

VKSND thành phố Hà Nội trong nhiều năm qua luôn giữ vai trò nòng cốt trong khối các cơ quan Nội chính của thành phố, hàng năm đã bám sát Nghị quyết của Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố để triển khai các công tác phục vụ nhiệm vụ chính trị của Thủ đô. VKSND hai cấp luôn chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan tư pháp và các cơ quan chức năng tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời các vụ, việc phức tạp, các “điểm nóng” trên địa bàn, góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tư vấn giúp chính quyền địa phương xử lý các vụ vi phạm hành chính phức tạp; phối hợp với các cơ quan tiến hành tố tụng triển khai chương trình phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội; tích cực tham gia các Ban chỉ đạo của thành phố về phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm, thực hiện nghĩa vụ quân sự, thi hành án, thực hiện các Chương trình của Thành ủy...; đồng thời phối hợp với các cơ quan tố tụng lựa chọn các vụ án hình sự để xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp, tăng cường công tác xác định án hình sự trọng điểm, công tác xét xử lưu động, nhằm tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong nhân dân, nhằm phòng ngừa vi phạm, tội phạm xảy ra trên địa bàn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở Thủ đô.

Bên cạnh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống các quy chế công tác nghiệp vụ ở từng khâu công tác, Viện kiểm sát hai cấp chú trọng xây dựng, ký kết các quy chế phối hợp với các cơ quan tư pháp nhằm tạo cơ sở thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan và nhiệm vụ chính trị chung của thành phố; đã chủ trì xây dựng và tổ chức ký kết Quy chế phối hợp với Cơ quan điều tra thành phố trong việc tiếp nhận, xử lý và kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và trong công tác phối hợp giải quyết án hình sự; Quy chế phối hợp công tác với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố, Quy chế phối hợp với Tòa án nhân dân hai cấp thành phố trong giải quyết án và trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành; Quy chế phối hợp với các cơ quan tư pháp của  thành phố trong công tác thi hành án dân sự… Trên cơ sở các quy chế này, hoạt động phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng của thành phố được kịp thời, hiệu quả, được Thành ủy, Hội đồng nhân dân thành phố ghi nhận và đánh giá cao.

Lãnh đạo VKSND thành phố cũng quan tâm, tăng cường mối quan hệ hợp tác, hữu nghị, học tập, trao đổi kinh nghiệm với Viện kiểm sát, Viện công tố các nước trong khu vực. Những năm qua, đã phối hợp VKSND tối cao tổ chức đón tiếp trọng thể đoàn đại biểu Tổng Viện kiểm sát Ucraina, Viện kiểm sát tối cao nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Tòa án tối cao Vương quốc Cam-pu-chia, Viện kiểm sát tối cao nước Cộng hòa Cuba sang thăm và làm việc tại Việt Nam; tổ chức tiếp đón Đoàn đại biểu Viện kiểm sát thủ đô Viêng-Chăn [nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào] và ký kết Bản ghi nhớ về quan hệ hợp tác hữu nghị giữa Viện kiểm sát của Thủ đô 02 nước Việt Nam - Lào; tiếp đoàn Viện công tố vùng Rouen [Cộng hòa Pháp], Viện kiểm sát nhân dân thành phố Bắc Kinh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Vân Nam [nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa] sang thăm và làm việc; đồng thời cử các đồng chí lãnh đạo VKSND thành phố đi đào tạo, nghiên cứu về hệ thống pháp luật tại Trung Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ theo Đề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý ở nước ngoài bằng Ngân sách Nhà nước của Ban Tổ chức TW và kế hoạch hợp tác quốc tế của VKSND tối cao.

Những năm qua, ngành Kiểm sát Thủ đô đã chú trọng đổi mới tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ với mục đích xây dựng đội ngũ cán bộ Kiểm sát có bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ vững vàng, đạo đức, lối sống trong sáng theo lời dạy của Bác Hồ: “Cán bộ kiểm sát phải công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ tiếp tục được quan tâm. VKSND thành phố là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình liên kết với các cơ sở đào tạo để tổ chức các lớp đào tạo tại chỗ cho cán bộ, Kiểm sát viên, đã phối hợp, tạo điều kiện để cán bộ quản lý, Kiểm sát viên theo học các lớp nâng cao trình độ quản lý, lý luận chính trị, tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về kiểm sát giải quyết án, các lớp cao học luật, lớp học soạn thảo văn bản, công tác văn thư, lưu trữ, ngoại ngữ, tin học..., đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa quá trình đào tạo và tự đào tạo để nâng cao kỹ năng nghề nghiệp thực hành quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp cho Kiểm sát viên. Chính vì vậy, lực lượng cán bộ Kiểm sát Thủ đô ngày càng được củng cố và lớn mạnh. Năm 2008, thời điểm mới sáp nhập, ngành Kiểm sát Hà Nội mới chỉ có 668 biên chế, trong đó có 20 Thạc sĩ Luật, nhiều đồng chí chưa hoàn thiện chương trình Cử nhân Luật; đến nay, tổng số cán bộ, công chức ngành Kiểm sát Hà Nội đã có 916 người [812 biên chế và 104 nhân viên Hợp đồng theo Nghị định 68/NĐ-CP của Chính phủ], đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên đều đã được chuẩn hóa về trình độ theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân, có 102 Thạc sĩ luật, 664 Cử nhân luật trong đó 110 cán bộ có trình độ Cao cấp Lý luận chính trị. Cơ cấu đội ngũ Kiểm sát viên hiện nay chiếm 52,6% tổng số cán bộ, công chức, hai cấp kiểm sát có 482 Kiểm sát viên [163 Kiểm sát viên trung cấp và 319 Kiểm sát viên sơ cấp].

VKSND thành phố Hà Nội chính là cái nôi đào tạo thực tiễn lớn nhất trong cả nước, từ VKSND thành phố, nhiều đồng chí đã trưởng thành, giữ những trọng trách quan trọng trong các cơ quan trung ương như đồng chí Vũ Đức Khiển, đồng chí Hà Mạnh Trí, đồng chí Nguyễn Thị Tuyết, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, đồng chí Nguyễn Hải Phong… Nhìn chung, cán bộ, Kiểm sát viên ngành Kiểm sát Thủ đô có bản lĩnh chính trị vững vàng, có trách nhiệm và trình độ chuyên môn nghiệp vụ đảm bảo đáp ứng được tốt yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Hiện tại, cơ cấu Viện kiểm sát hai cấp thành phố Hà Nội gồm 45 đơn vị, trong đó 30 Viện kiểm sát nhân dân quận, huyện, thị xã và 15 phòng nghiệp vụ. Cơ sở vật chất ngành Kiểm sát Thủ đô những năm gần đây đã được tăng cường; mạng lưới công nghệ thông tin, cơ yếu đang từng bước được trang bị theo hướng hiện đại để phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ kiểm sát và hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành. 11 trụ sở Viện kiểm sát cấp huyện đã được xây dựng mới đảm bảo đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, sửa chữa, nâng cấp 15 trụ sở Viện kiểm sát hai cấp; đồng thời được trang bị 20 xe ô tô công và 50 xe mô tô công phục vụ công tác. Viện kiểm sát thành phố cũng đã đề nghị và được Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt, cấp 2,5 ha đất để thực hiện đề án xây dựng mới trụ sở VKSND thành phố theo tinh thần cải cách tư pháp.    

Với tất cả sự nỗ lực cố gắng, trong những năm gần đây, VKSND thành phố Hà Nội là một trong những đơn vị dẫn đầu phong trào thi đua yêu nước của ngành Kiểm sát nhân dân, đã vinh dự đón nhận Huân chương Lao động Hạng Ba năm 2001, Huân chương Lao động Hạng Nhất [Viện kiểm sát tỉnh Hà Tây cũ năm 2001],  Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 2010 và danh hiệu “Cờ Thi đua của Chính phủ” các năm 2005, 2007, 2009, 2012, 2013, 2014.... ; 18 tập thể và 13 cá nhân được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động; 16 tập thể được tặng Cờ Thi đua của Chính phủ, 18 cá nhân được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 02 cá nhân được công nhận danh hiệu Chiến sỹ thi đua toàn quốc và rất nhiều Bằng khen của các cấp, các ngành tặng cho tập thể, cá nhân. Đó là sự ghi nhận, đánh giá cao của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các Ngành đối với những thành quả lao động tận tụy của tập thể lãnh đạo, cán bộ, Kiểm sát viên VKSND hai cấp thành phố Hà Nội trong những năm qua.

Năm 2015 là một năm có ý nghĩa trọng đại đối với ngành Kiểm sát nhân dân nói chung và ngành Kiểm sát Hà Nội nói riêng, là năm Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014 có hiệu lực thi hành; đồng thời kỷ niệm 55 năm thành lập ngành Kiểm sát nhân dân [26/7/1960-26/7/2015] và kỷ niệm nhiều ngày lễ lớn của đất nước. Trong những năm tiếp theo, để thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ cải cách tư pháp, VKSND hai cấp thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa về mọi mặt, trong đó tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tập trung nghiên cứu, xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm thực hiện tốt hơn chức năng, nhiệm vụ của ngành Kiểm sát nhân dân. Viện kiểm sát hai cấp tiếp tục triển khai, quán triệt nghiêm túc việc thực hiện Hiến pháp năm 2013 và Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan tư pháp, các cơ quan thông tin, truyền thông tuyên truyền sâu rộng những nội dung mới của Hiến pháp; chuẩn bị các điều kiện cần thiết và sớm ổn định tổ chức, bộ máy, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Luật Tổ chức VKSND tại hai cấp thành phố.

Thứ hai, tăng cường công tác xây dựng Đảng, tập trung tham mưu cho cấp ủy giải quyết tốt những vấn đề liên quan đến Đại hội Đảng, đồng thời phối hợp với các ngành, các cấp, các cơ quan chức năng trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, xử lý các vụ việc phức tạp, góp phần giữ vững an ninh trật tự, ổn định tình hình địa phương, đảm bảo tổ chức thành công Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015-2020.

Thứ ba, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm về cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 và Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị, đẩy mạnh cải cách hành chính tư pháp, cải cách chế độ công vụ, công chức; tiếp tục quán triệt sâu sắc lời dạy của Bác Hồ đối với cán bộ Kiểm sát “Công minh, Chính trực, Khách quan, Thận trọng, Khiêm tốn”, gắn với “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tăng cường công tác xây dựng, quản lý cán bộ, nâng cao chất lượng, đội ngũ cán bộ, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ và đề cao trách nhiệm của cán bộ, Kiểm sát viên trong việc thực thi nhiệm vụ nhằm xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh.

Thứ tư, tiếp tục tập trung thực hiện tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp. Tăng cường trách nhiệm công tố, gắn công tố với hoạt động điều tra, nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự, kiểm sát chặt chẽ hoạt động điều tra, xét xử nhằm chống oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm sát hoạt động tư pháp, tăng cường các biện pháp để kiểm sát chặt chẽ, toàn diện hoạt động xét xử, các bản án, quyết định của Tòa án, kịp thời phát hiện vi phạm và kiến nghị, kháng nghị; bảo đảm hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, giam, giữ, thi hành án… tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục phối hợp có hiệu quả thực hiện các nhiệm vụ chính trị của Thủ đô, tham mưu giải quyết các vụ việc, khiếu kiện phức tạp, tích cực tuyên truyền, giáo dục pháp luật, công tác trợ giúp pháp lý trong cộng đồng… góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố.

Thứ năm, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trong toàn ngành Kiểm sát Thủ đô. Mỗi cán bộ, công chức tiếp tục phấn đấu, nỗ lực không ngừng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Với bề dày truyền thống 55 năm xây dựng và trưởng thành, cùng với sự đồng thuận, đoàn kết, thống nhất trong tập thể lãnh đạo, sự nỗ lực phấn đấu của toàn thể cán bộ, Kiểm sát viên VKSND hai cấp thành phố, sự ủng hộ, hỗ trợ của VKSND tối cao, Thành ủy, sự phối hợp các cơ quan hữu quan… sẽ là động lực thúc đẩy VKSND thành phố Hà Nội phát huy những kết quả đạt được, tiếp tục phát triển và xây dựng đơn vị trong sạch, vững mạnh, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của ngành, đồng thời khắc phục những khó khăn, thử thách, tích cực phục vụ các nhiệm vụ chính trị của thành phố, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó./.  

Video liên quan

Bài Viết Liên Quan

Chủ Đề