Ví dụ về phương pháp mô hình hóa năm 2024

Mô hình hóa là một phương pháp khoa học để nghiên cứu các đối tượng, các quá trình … bằng cách xây dựng các mô hình của chúng (các mô hình này bảo toàn các tính chất cơ bản được trích ra của đối tượng đang nghiên cứu) và dựa trên mô hình đó để nghiên cứu trở lại đối tượng thực.

  1. Mô hình

Mô hình là một hệ thống các yếu tố vật chất hoặc ý niệm (tư duy) để biểu diễn, phản ánh hoặc tái tạo đối tượng cần nghiên cứu, nó đóng vai trò đại diện, thay thế đối tượng thực sao cho việc nghiên cứu mô hình cho ta những thông tin mới tương tự đối tượng thực.

- Tính chất của mô hình:

+ Tính tương tự: có sự tương tự giữa mô hình và vật gốc, chúng có những đặc điểm cơ bản có thể so sánh với nhau được như: cấu trúc (đẳng cấu), chức năng, thuộc tính, cơ chế vận hành…. Song sự tương tự giữa mô hình và đối tượng thực (vật gốc) chỉ là tương đối.

+ Tính đơn giản: mô hình chỉ phán ánh một hoặc một số mặt nào đó của đối tượng gốc.

+ Tính trực quan: mô hình là sự tái hiện đối tượng nghiên cứu dưới dạng trực quan.

+ Tính lý tưởng: khi mô hình hóa đối tượng gốc, ta đã khái quát hóa, trừu tượng hóa, phản ánh đặc tính của đối tượng gốc ở mức độ hoàn thiện hơn (lý tưởng).

+ Tính quy luật riêng: mô hình có những tính chất riêng được quy định bởi các phần tử tạo nên nó.

Ví dụ mô hình tế bào được làm bởi chất liệu khác với tế bào thực; mô hình trường học tiên tiến có nét riêng bởi các thành tố của trường đó (đội ngũ, cơ sở vật chất, môi trường giáo dục, quản lý …).

- Phân loại mô hình: Có nhiều cách phân loại, dựa trên những dấu hiệu khác nhau:

+ Theo dấu hiệu vật chất và tinh thần, có 2 loại:

• Mô hình vật chất gồm: mô hình hình học, mô hình vật lý, mô hình vật chất - toán học.

• Mô hình tinh thần (tư duy) gồm: mô hình biểu tượng (mô hình trí tuệ) mô hình logic - toán (mô hình công thức, ký hiệu…).

+ Theo loại hình mô hình có các loại: mô hình lý thuyết, mô hình thực nghiệm…

+ Theo nội dung phản ánh, có hai loại: mô hình cấu trúc, mô hình chức năng. + Theo tính chất của mô hình, có rất nhiều loại:

Thực tế nghiên cứu trong các lĩnh vực khoa học khác nhau, tùy theo đối tượng nghiên cứu, người nghiên cứu có thể lựa chọn các mô hình sau:

• Mô hình toán: là mô hình được sử dụng phổ biến trong nhiều lĩnh vực nghiên cứu khoa học hiện đại. Người nghiên cứu dùng các loại ngôn ngữ toán học

như: số liệu, biểu thức, biểu đồ, đồ thị. v.v… để biểu thị các đại lượng và quan hệ giữa các đại lượng của sự vật hoặc hiện tượng.

Ví dụ:

Mô tả một mô hình cấu trúc tĩnh, như tam giác vuông: a2 + b2 = c2

Mô phỏng quá trình vận động, như phương trình chuyển động: S = S0 + Vt

Mô hình toán học của quá trình tái sản xuất xã hội của K.Marx: C + V + M. Mô hình các hệ thống có điều khiển như máy móc, hệ sinh học, hệ xã hội đều có thể xây dựng hoặc mô tả bằng số liệu, biểu thức, biểu đồ, đồ thị tương hợp. • Mô hình vật lý: là mô hình được sử dụng phổ biến trong các nghiên cứu kỹ thuật và công nghệ, là mô hình mô phỏng đối tượng thực bằng vật liệu nhân tạo có quy mô ớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn đối tượng thực, nhưng có hình dạng, cấu trúc không gian, tỷ lệ kích thước và quá trình vận động tương tự đối tượng thực.

Ví dụ: Mô hình động cơ đốt trong.

Làm mô hình con tàu thu nhỏ để nghiên cứu về khả năng chịu đựng của con tàu trước sóng biển và bão tố.

Khi nghiên cứu trên mô hình vật lý, người nghiên cứu cần quan tâm tới hệ số tương tự của vật liệu hoặc của quá trình để có được những suy luận chuẩn xác từ các quan hệ giữa mô hình với các quá trình thực của đối tượng nghiên cứu.

• Mô hình sinh học: là mô hình thường được sử dụng trong nghiên cứu y học: dùng chuột bạch, thỏ để tiến hành những thực nghiệm thay thế việc thực nghiệm trên cơ thể người. Nó giúp người nghiên cứu quan sát được (một cách gần tương tự) những quá trình xảy ra trên cơ thể con người.

• Mô hình sinh thái: là mô hình một quần thể sinh học được tạo ra trong những nghiên cứu nông nghiệp, lâm nghiệp, sinh thái học.

Mô hình sinh thái giúp xác định quy hoạch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp quy luật sinh thái, phục vụ cho các quy hoạch tổng thể những vùng nông nghiệp, lâm nghiệp hoặc nông - lâm nghiệp kết hợp.

• Mô hình xã hội: là mô hình được sử dụng trong nghiên cứu về khoa học xã hội và nhân văn.

Đây là mô hình xã hội với những điều kiện do người nghiên cứu khống chế để qua đó rút ra những kết luận về tính khả thi trong những giải pháp được đề xuất. Ví dụ: Trong nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, người nghiên cứu chọn những lớp điểm (tức mô hình xã hội) để dạy thử với những cách tổ chức và tiến hành khác nhau nhằm rút ra kết luận về mô hình phương pháp cải tiến.

  1. Phương pháp mô hình hóa

Phương pháp mô hình hóa là một phương pháp khoa học bằng việc xây dựng mô hình của đối tượng nghiên cứu, sao cho việc nghiên cứu mô hình cho ta những thông tin (về thuộc tính, cấu trúc, chức năng, cơ chế vận hành ….) tương tự đối tượng nghiên cứu đó.

Cơ sở logic của phương pháp mô hình hóa là phép loại suy. Phương pháp mô hình hóa cho phép tiến hành nghiên cứu trên những mô hình (vật chất hay ý niệm (tư duy)) do người nghiên cứu tạo ra (lớn hơn, bằng hoặc nhỏ hơn đối tượng thực) để thay thế việc nghiên cứu đối tượng thực. Điều này thường xảy ra khi người nghiên cứu không thể hoặc rất khó nghiên cứu đối tượng thực trong điều kiện thực tế.

Phương pháp mô hình hóa xem xét đối tượng nghiên cứu như một hệ thống (tổng thể), song tách ra từ hệ thống (đối tượng) các mối quan hệ, liên hệ có tính quy luật có trong thực tế nghiên cứu, phản ánh được các mối quan hệ, liên hệ đó của các yếu tố cấu thành hệ thống - đó là sự trừu tượng hóa hệ thống thực.

Dùng phương pháp mô hình hóa giúp người nghiên cứu dự báo, dự đoán, đánh giá các tác động của các biện pháp điều khiển, quản lý hệ thống.

Ví dụ: sử dụng phương pháp phân tích cấu trúc (đặc biệt là cấu trúc không gian, các bộ phận hợp thành có bản chất vật lý giống hệt đối tượng gốc) để phản ánh, suy ra cấu trúc của đối tượng gốc như: mô hình động cơ đốt trong, mô hình tế bào, sa bàn….

Phương pháp “chiếc hộp đen” được coi là phương pháp mô hình hóa chức năng.

Trong phương pháp này, người ta đã trìu xuất chức năng của hệ, còn chức năng của hệ được mô hình hóa bằng “chiếc hộp đen” cho biết mối quan hệ giữa “đầu vào” và “đầu ra” của hệ.

Tác động Phản ứng Vào X Ra Y

Hình 6: Phương pháp mô hình hóa chức năng (chiếc hộp đen) Một cách gần đúng ta có một hàm phân tích chức năng:

Y = f(X)

Chẳng hạn: Người xem ti vi không cần biết cấu trúc của ti vi mà chỉ chú ý đến động tác: bật công tắc, điều chỉnh các núm … (đầu vào) rồi xem hình, nghe tiếng (đầu ra).

Để đánh giá sơ bộ chất lượng học tập của một lớp học, chỉ cần kiểm tra trình độ học sinh bằng câu hỏi, bài tập (bài kiểm tra) rồi chấm bài và ghi kết quả. Lúc này ta xem lớp như một “chiếc hộp đen” - mô hình chức năng.