Và rồi chẳng còn ai review

“Mười…” Mười người bị lừa ra một hòn đảo nằm trơ trọi giữa biển khơi thuộc vịnh Devon, tất cả được bố trí cho ở trong một căn nhà. Tác giả của trò bịp này là một nhân vật bí hiểm có tên “U.N.Owen”. “Chín…” Trong bữa ăn tối, một thông điệp được thu âm sẵn vang lên lần lượt buộc tội từng người đã gây ra những tội ác bí mật. Vào cuối buổi tối hôm đó, một vị khách đã thiệt mạng. “Tám…” Bị kẹt lại giữa muôn trùng khơi vì giông bão cùng nỗi ám ảnh về một bài vè đếm ngược, từng người, từng người một… những vị khách trên đảo bắt đầu bỏ mạng. “Bảy…” Ai trong số mười người trên đảo là kẻ giết người, và liệu ai trong số họ có thể sống sót?

“Một trong những tác phẩm gây tò mò hay nhất, xuất sắc nhất của Christie.” – Tạp chí Observer “Kiệt tác của Agatha Christie.” – Tạp chí Spectator

Vâng, đó là câu chuyện được nhắc đến trong tác phẩm tiểu thuyết hình sự kinh điển của nhà văn trinh thám nổi tiếng Agatha Christie mang tên: “Mười người da đen nhỏ”. Câu chuyện kể về việc mười người với xuất thân khác nhau được mời đến một hòn đảo cách biệt với đất liền. Họ đều bị tố cáo rằng đã phạm phải những tội mà tòa án thông thường không thể phân xử được trong bữa ăn đầu tiên ở ngôi nhà mà họ được mời đến. Kể từ đây, từng người từng người một đã chết theo trình tự dựa vào mức độ nặng nhẹ của tội lỗi mà họ gây ra với cách thức chết tương tự như lời bài vè. Đó là những cái chết “không cưỡng lại được” dù họ đã cố gắng đề phòng đến thế nào đi nữa. Và cuối cùng là không còn một ai sống sót trên hòn đảo nữa cả. Sự thật phải mất đến mấy tháng sau mọi người mới biết được nhờ vào… lá thư thuật lại toàn bộ câu chuyện của người đã đứng sau mọi chuyện .

Đây là một mô-típ mới, với văn phong hoàn toàn cuốn hút người đọc, một vụ án được dựng ra mà thuyết phục về động cơ gây án, khó đoán về cách thức thực hiện và hoàn hảo theo kịch bản đã được xây dựng. Mọi thứ đều trở nên bị động, và người đọc cũng vậy. Có thể nói đây là một tác phẩm được xây dựng một cách hoàn hảo. Nhưng nếu một lần, chúng ta thoát ra khỏi sự hoàn hảo đó và tự vấn rằng: “Liệu mọi chuyện có phải đều nên xảy ra đúng như vậy?” thì sẽ thế nào.

Những “chiêu lừa” để đưa được mười người họ lên hòn đảo đều có vẻ thuyết phục và giả sử một trong số đó thất bại thì hung thủ cũng sẽ tìm cách để trên đảo có đủ mười người. Những cái chết đầu tiên đều đột ngột và đẩy dần nhịp độ của câu chuyện. Những cái chết đó đều do hung thủ trực tiếp ra tay nên hung thủ ở vị thế hoàn toàn chủ động được những việc này. Nhưng những cái chết sau này của những người được cho là đã phạm phải những tội lỗi “tinh vi hơn, đáng sợ hơn” đã được cộng thêm yếu tố căng thẳng cực độ về tâm lí. Với cái chết của Lombard Philip - một cựu lính đánh thuê, người đang giữ trong tay khẩu súng ngắn nhưng kết quả lại phải chết dưới tay của Vera Elizabeth Claythorne- một nữ giáo viên trẻ có năng lực! Theo lời kể của hung thủ thì ông ta không một mảy may ngạc nhiên vì có thể đoán được điều này. Theo mình nghĩ thì việc Lombard Philip và Vera Elizabeth Claythorne hành động như thế nào là khách quan đối với Lawrence Wargrave- người đứng sau toàn bộ mọi chuyện. Việc mọi chuyện xảy ra hoàn hảo theo như tính toán của ông chưa mang tính thuyết phục cao vì số trường hợp xảy ra sẽ còn rất nhiều. Và ông có nói đến trong lá thư rằng ông hiểu được sự căng thẳng cực độ của cô giáo trẻ lúc này đến thế nào nên “chắc chắn cô ta sẽ đưa cổ mình vào sợi dây đang treo lủng lẳng”. Trong xuyên suốt câu chuyện, dù tác giả không dùng nhiều câu từ miêu tả nhân vật nhưng vẫn giúp người đọc có thể nắm bắt được tính cách của nhân vật. Với tính cách của Claythorne thì cô ấy có thể dễ dàng đưa cổ của mình vào sợi dây kia nhưng quay trở lại lúc trước đó, nếu người chết không phải là Lombard Philip thì có phải mọi chuyện không còn cái vẻ hoàn hảo của nó nữa phải không? Cho rằng nếu Claythorne là người bị chết thứ chín theo trình tự của bài vè thì với sự ranh mãnh của Lombard, Wargrave khó mà có thể giết được anh ta vì còn chưa biết được anh ta sẽ về phòng hay ở bên ngoài ngôi nhà đầy xác chết đó!? Nếu những cái chết trước hung thủ có thể hoàn toàn chủ động gây ra được và sẽ có nhiều phương án để thay thế nếu thất bại thì những cái chết sau này lại có vẻ gượng ép và mang vẻ chỉ nên như vậy để cùng nhau trở thành một kì phẩm tâm đắc được hung thủ kể lại trong lá thư của mình! Thiết nghĩ, ở lá thư mà hung thủ viết không quá nhiều tính toán chủ quan của ông như “Tôi đã đoán được…” mà dự phòng nhiều phương án xảy ra khách quan hơn thì phải chăng sẽ thuyết phục hơn !? Có thể nói quyển sách viết về một kế hoạch hoàn hảo. Sự không hoàn hảo duy nhất của nó chính là sự hoàn hảo theo đúng như những tính toán ban đầu của hung thủ!

Dù mình nói đến sự không hoàn hảo trong sự hoàn hảo của cuốn sách thì theo mình “Mười người da đen nhỏ” thật sự là một tác phẩm kinh điển và đáng có trong tủ sách của những ai yêu thích truyện trinh thám. Dù xuất hiện nhiều nhân vật trong câu chuyện nhưng mỗi nhân vật đều được nữ hoàng truyện trinh thám Agatha Christie khắc họa một nét riêng mà không có vẻ gì lẫn vào những nhân vật khác cả. Nhịp độ câu chuyện tăng dần, ma lực của nó khiến mình khó lòng đặt cuốn sách xuống và cảm giác biết trước sắp xảy ra chuyện gì nhưng vẫn không thể nào tránh được thôi thúc mình phải nhanh chóng đi hết câu chuyện này để hiểu được mọi việc! Đây vẫn là một cuốn sách mà mình rất thích!

Tác giả: Hà Thảo

Nếu bạn yêu thích bài viết này, hãy ấn nút Like của bài viết trên website và chia sẻ đến cộng đồng nhé!

----

Tham gia cuộc thi Đọc Ngược để rèn luyện khả năng phản biện và có cơ hội nhận giải thưởng tiền mặt cùng voucher mua sách hấp dẫn tại: //goo.gl/NNcFHR

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị và các cuộc thi về sách tại link: //www.facebook.com/bookademy.vn

Chủ Đề