Từ sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô Việt Nam rút ra bài học gì

Việt Nam nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng phải phân tích kỹ quá trình sụp đổ của Liên Xô. Đó là ý kiến của ông Grigory Trofimchuk, chuyên gia Nga trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á-Âu, khi trả lời phỏng vấn Báo Quân đội nhân dân Điện tử nhân sự kiện 30 năm ngày thông qua tuyên bố chấm dứt sự tồn tại của Liên Xô [26-12-1991 / 26-12-2021].

Phóng viên [PV]: Nhiều ý kiến cho rằng, chính dân chủ phương Tây, chủ nghĩa dân tộc và việc phá hoại quân đội là những nguyên nhân khiến Liên Xô sụp đổ. Ông có nhận định như thế nào về ý kiến này?

Chuyên gia Trofimchuk: Có hai yếu tố chính dẫn đến sự sụp đổ của Liên Xô. Yếu tố thứ nhất, đó là con người, khi Mikhail Gorbachev trở thành Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, người không phù hợp với vị trí như vậy. Yếu tố thứ hai là sự phổ biến của lối sống phương Tây trong dân chúng, gồm thời trang, âm nhạc, hàng tiêu dùng…

Ngày nay, một số chuyên gia kinh tế cho rằng, Liên Xô dường như sụp đổ là do giá dầu thấp. Điều này không đúng, bởi nền kinh tế Liên Xô được xây dựng theo cách mà nó không quá phụ thuộc vào những nguyên liệu thô bán ra nước ngoài.

Chủ nghĩa dân tộc nở rộ khi cơ cấu và sức mạnh của Liên Xô bắt đầu sụp đổ một cách rõ ràng. Đó là nhiều phần tử cực đoan nhận thấy mọi thứ đều có thể xảy ra, kiểm soát xã hội bị suy yếu và ảnh hưởng chính quyền trung ương sụt giảm mạnh. Mọi việc bắt đầu từ những cuộc nổi lên của người Tatar ở Crimea và làn sóng bất bình ở Kazakhstan liên quan đến việc bổ nhiệm một người dân tộc Nga giữ chức vụ đứng đầu Cộng hòa Crimea.

Sau đó, Karabakh “nổ tung”, mà trên thực tế nó đã làm nổ tung lan ra cả nước. Hơn nữa, chuỗi biểu tình toàn quốc này không thể dừng lại được nữa. Tiếp đó diễn ra theo dây chuyền các cuộc đấu tranh mang sắc thái dân tộc ở các nước cộng hòa vùng Baltic, Gruzia, Transnistria, nội chiến ở Tajikistan…

Trong khi đó, Mikhail Gorbachev ngay từ đầu tỏ ra mình như “người ngoài cuộc”, không liên quan gì đến những cuộc đụng độ đang diễn ra ở các nước cộng hòa. Chính điều này càng làm kích động thêm những diễn biến tiêu cực, kích động lòng hận thù lan rộng. Khi có ý kiến cho rằng, Gorbachev dường như đã có kế hoạch cải tổ, thì điều này cũng không phù hợp với thực tế, vì hệ thống dưới thời ông ta đã bắt đầu sa sút, trong khi ông ta đã tự ý áp dụng một số giải pháp.

Ông Grigory Trofimchuk, chuyên gia Nga trong lĩnh vực chính sách đối ngoại, quốc phòng và an ninh, Chủ tịch Hội đồng Chuyên gia Quỹ nghiên cứu Á-Âu.
Ảnh: 1in.am

Về vấn đề hệ tư tưởng, tức là dân chủ, công khai hóa và cải tổ, thì đó là một chủ đề riêng biệt. Chính vì điều này mà rất nhiều người dân Liên Xô trong nhiều thập kỷ sau đó đã căm ghét thuật ngữ “dân chủ”, cho rằng nó liên quan trực tiếp với những kẻ đã làm sụp đổ một cường quốc rộng lớn, những kẻ không đem lại điều gì bình thường và đã cướp bóc những thứ còn sót lại của đất nước. Đối với hàng chục triệu người dân, những “nhà dân chủ” tượng trưng cho sự sụp đổ.

Quân đội và các cơ quan sức mạnh đã hiểu tất cả và cố gắng ngăn chặn sự sụp đổ vào tháng 8-1991. Tuy nhiên, người dân của đất nước đang trên đà tan rã lúc đó đã chống lại họ với lập luận rằng, những cơ quan đó bảo vệ chế độ cũ kỹ, lỗi thời, trong khi phía trước là một nền dân chủ tỏa sáng và là lối thoát khỏi “bức màn sắt”. Thậm chí khi đó còn không ai hiểu, không thể hình dung được nền dân chủ phương Tây sẽ mang lại điều gì trên thực tế.

PV: Ông có suy nghĩ như thế nào về những sai lầm trong việc quản lý văn hóa - tư tưởng và báo chí, cũng như về việc bỏ dạy học chủ nghĩa Mác-Lênin trong nhà trường, bởi những điều này cũng đã góp phần đáng kể khiến Liên Xô tan rã?

Chuyên gia Trofimchuk: Bộ máy tuyên truyền của Liên Xô luôn từng là một trong những bộ máy mạnh nhất trên thế giới, cũng như trong lịch sử nhân loại nói chung. Đây là một thực tế không thể chối cãi và được công nhận rộng rãi.

Tuy nhiên, công tác tuyên truyền cũng cần phải thay đổi theo thời gian, theo nhu cầu từng giai đoạn, trong đó có thực trạng và sự phát triển văn hóa đại chúng ở phương Tây. Chẳng hạn, nếu Liên Xô không ngăn cấm dòng nhạc mới và thời trang, mà ngược lại, nên củng cố và phát triển xu hướng này, thì Liên Xô đã cho thấy rằng, không chỉ trong ngành không gian vũ trụ, mà còn trong những lĩnh vực này họ là nước tiên phong trên thế giới.

Liên Xô lẽ ra phải đi đầu trong mọi lĩnh vực, bởi chế độ của nó được coi là đã ở thời kỳ tốt nhất vào thời điểm đó. Chẳng hạn, trong những thập niên từ 1960 đến 1980, nước này đã sản xuất những bộ phim hay nhất được đưa vào quỹ văn hóa thế giới vàng.

Thậm chí ngày nay, nhiều người say sưa xem những bộ phim này, có người còn xem đi xem lại rất nhiều lần. Nhưng cuối cùng, thời trang và âm nhạc phương Tây đã lấn át mọi thứ. Đối với thiếu niên Liên Xô, việc nghe nhạc trong nước hay đi dạo trong trang phục Liên Xô là mất thể diện.

Nói đến tư tưởng chính trị, thì phải công nhận rằng, lãnh đạo Liên Xô cũng đã cố gắng quan tâm đến mong muốn thực sự của người dân. Chẳng hạn, dưới thời Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Brezhnev, hình ảnh của Stalin đã xuất hiện trong các tác phẩm văn học nghệ thuật, đặc biệt là trong các bộ phim, và điều này đã gây ấn tượng mạnh.

Nhưng về tổng thể thì hệ thống này đã bị hủy hoại bởi một điều mà không ai ngờ tới, đó là sự qua đời của 3 Tổng bí thư liên tiếp chỉ trong vòng 3 năm, gồm Brezhnev, Andropov và Chernenko. Và sau đó thì xuất hiện Mikhail Gorbachev. Nhưng điều đã xảy ra thì không thể thay đổi được nữa, vì không ai có thể trở về quá khứ.

Học thuyết Mác-Lênin nhất định phải được phát triển có tính đến những thay đổi diễn ra trên thế giới, nhưng hiện không ai làm điều này và cũng không có những nhà tư tưởng như vậy để làm. Nhưng Lênin vẫn không ở lại phía sau chúng ta, mà là đang ở phía trước. Rồi thời đại của Người chắc chắn sẽ quay trở lại sau bao năm bị lãng quên, cố tình im lặng về nhân vật vĩ đại nhất trong lịch sử nước Nga này.

PV: Việt Nam cần rút ra những bài học gì cho mình từ sự kiện Liên Xô sụp đổ, thưa ông?

Chuyên gia Trofimchuk: Việt Nam nói chung và Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng phải phân tích kỹ quá trình sụp đổ của Liên Xô. Nhưng điều quan trọng nhất là phải rút ra được bài học chính xác nhất về nguyên nhân thực sự dẫn đến sự sụp đổ của cường quốc vĩ đại, đất nước từng có gần một thế kỷ đi đầu về hệ tư tưởng tiên tiến nhất thế giới. Vấn đề chính ở đây là công tác nhân sự, là những con người cụ thể nắm giữ các vị trí lãnh đạo.

Khi nhà nước không tìm kiếm, không chuẩn bị kỹ đội ngũ cán bộ, cũng không chú trọng đến yếu tố quan trọng nhất là con người trong bộ máy của mình, thì chắc chắn nhà nước đó sẽ bị hủy hoại. Thậm chí sẽ còn tệ hơn nữa, khi những người cơ hội bằng cách nào đó ngồi vào những vị trí cấp cao.

Ngạn ngữ Nga có câu: “Cha đạo thế nào, giáo xứ thế đó”, hay “Người đánh cá từ xa đã nhận ra nhau”. Câu ngạn ngữ này ý nói là, người ở vị trí cao sẽ luôn chọn những người tương tự mình. Đây là bài học lớn và nghiêm khắc nhất mà Việt Nam cần rút ra. Cần phải có chế tài nghiêm khắc cho những ai không xứng đáng với sự tín nhiệm dành cho anh ta. Với những việc làm do chính bàn tay mình tạo ra, thì Gorbachev đã không xứng đáng với lịch sử và nhân dân. Những việc làm đó đi ngược lại mọi chuẩn mực cơ bản về đạo đức và trách nhiệm, mà trước hết là trong xã hội Nga.

Hiện Việt Nam đứng trước trọng trách lịch sử to lớn, đó là phải chứng tỏ được rằng, sự sụp đổ của Liên Xô không liên quan gì đến hệ tư tưởng và cũng hoàn toàn không phải vì hệ tư tưởng mà dẫn đến sự sụp đổ đó.

PV: Xin cám ơn ông về cuộc phỏng vấn này!

Theo qdnd.vn

Xét trên phương diện lực lượng, đây là tổn thất to lớn đối với phong trào cách mạng thế giới. Thành trì của chủ nghĩa xã hội [CNXH] đã sụp đổ, chỗ dựa vững chắc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế đã không còn, các nước XHCN còn lại đứng trước thử thách khốc liệt do hệ quả của sự tổn thất đó để lại. Song, khi thời gian đã qua đi, những nguyên nhân về sự sụp đổ của mô hình CNXH Xô viết đã được tổng kết, các nước XHCN còn lại trên thế giới cũng từng bước vượt qua được khủng hoảng, tìm ra những con đường mới để tiếp tục kiên định đi tới lý tưởng cộng sản chủ nghĩa. Sự kiện Liên Xô và Đông Âu tan vỡ có lẽ cũng cần được nhìn nhận dưới một góc độ ngày càng đầy đủ hơn, không chỉ là một tổn thất, mà còn là một sự kiện mang lại những bài học quý báu cho các nước XHCN. Sự phủ định biện chứng một mô hình sai lầm, nhiều khiếm khuyết là cần thiết cho sự phát triển trong tương lai của CNXH. Những bài học kinh nghiệm được rút ra từ sự kiện lịch sử đau đớn ngoài ý muốn của những người cộng sản chân chính đã có ý nghĩa to lớn đối với các nước XHCN, trong đó có Việt Nam để tiếp tục đạt được nhiều thành tựu hơn nữa trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Từ sự sụp đổ và tan rã của CNXH ở Liên Xô, chúng ta có thể rút ra được những bài học bổ ích sau đây:

Một là, phải thường xuyên chăm lo xây dựng đảng để giữ vững vai trò cầm quyền của Đảng, bộ máy chính quyền trong sạch vững mạnh và gắn bó với nhân dân. Xây dựng đảng vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức, luôn luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, nắm chắc quần chúng và động viên được sức mạnh của nhân dân.

Đảng lãnh đạo bằng đường lối, có đường lối lãnh đạo đúng đắn nhưng đường lối đó chỉ trở thành sức mạnh vật chất khi quần chúng nhân dân hiện thực hóa trong đời sống xã hội. Do vậy, đòi hỏi mỗi đảng cộng sản phải trung thành với lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin, vận dụng sáng tạo các nguyên lý cách mạng để đề ra đường lối chiến lược, sách lược đúng đắn và phù hợp với thực tiễn. Để lãnh đạo, quản lý điều hành đất nước có hiệu quả, Đảng cầm quyền, bộ máy chính quyền phải gắn bó mật thiết với nhân dân, được lòng dân, nắm chắc dân và quy tụ được sức mạnh của nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi Đảng và chính quyền bị tha hóa biến chất, xa dân và sách nhiễu dân, mối quan hệ với nhân dân bị rạn vỡ cũng đồng nghĩa với Đảng sẽ mất quần chúng, nhà nước và chế độ sẽ đánh mất cơ sở xã hội chính trị thì tất yếu bị lật đổ.

Đảng luôn luôn phải giữ vai trò cầm quyền, có nghĩa là Đảng Cộng sản phải thể hiện quyền lực chính trị, quyền lãnh đạo về chính trị và không bao giờ chia sẻ quyền lực đó cho bất kỳ lực lượng nào khác. Đảng mất là mất hết, vì Đảng lãnh đạo toàn bộ các mặt, các lĩnh vực của xã hội, lãnh đạo hệ thống chính trị, nhân sự cán bộ… Lãnh đạo Nhà nước thực hiện tốt chức năng, cụ thể hóa đường lối của Đảng, quản lý tốt xã hội, kiến tạo xã hội mới, định ra chính sách xã hội đúng đắn đáp ứng lợi ích chính đáng của nhân dân, thực sự dân chủ, lắng nghe và tôn trọng những nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đảng và bộ máy chính quyền là “xương sống” của chế độ nên phải vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, thực sự vì nhân dân, thực hiện có hiệu quả các chức năng, nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý điều hành xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân thì mới bảo đảm cho sự tồn tại của chế độ xã hội và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Hai là, vấn đề then chốt có ý nghĩa quyết định là xây dựng và thực hiện tốt chiến lược công tác cán bộ, nhất là cán bộ chủ trì và xây dựng nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý kế cận, kế tiếp ở các cấp từ Trung ương đến địa phương. Trong công tác tổ chức sắp xếp cán bộ, nhất là những vị trí chủ chốt cần lựa chọn đúng những người thực sự tiêu biểu về bản lĩnh chính trị, đạo đức và lối sống, năng lực trí tuệ và trình độ tổ chức thực tiễn, gần gũi nhân dân và được tín nhiệm, bảo đảm sự vững vàng về chính trị. Kiên quyết loại khỏi bộ máy lãnh đạo của Đảng và cơ quan Nhà nước những phần tử cơ hội thực dụng, tha hóa về chính trị tư tưởng và đạo đức, lối sống, sách nhiễu dân và xa dân, không được tín nhiệm. Thực hiện tốt công tác quản lý cán bộ, đánh giá và sử dụng cán bộ vì đó là gốc của mọi công việc, không để mất cảnh giác để các thế lực thù địch cài cắm các phần tử cơ hội, phần tử chống đối phản bội chui sâu, leo cao trong bộ máy của Đảng và Nhà nước.

Ba là, xây dựng nền kinh tế ổn định và phát triển vững chắc, giữ được độc lập tự chủ trong hội nhập kinh tế quốc tế có hiệu quả, giữ vững sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế. Sự ổn định và phát triển vững chắc của nền kinh tế là nền tảng vật chất bảo đảm sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước. Khi kinh tế lâm vào khủng hoảng suy thoái, đất nước dễ lâm vào mất ổn định chính trị, tạo điều kiện cho các thế lực thù địch lôi kéo, kích động nhân dân chống lại Đảng và chính quyền, làm chuyển hóa chế độ xã hội theo quỹ đạo của chủ nghĩa tư bản. Cần giữ vững sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước đối với nền kinh tế, bảo đảm đúng định hướng phát triển của quốc gia, không để cho bất kỳ một thế lực nào điều khiển và thao túng nền kinh tế. Cần duy trì được tốc độ tăng trưởng hợp lý và ổn định, phát huy tốt năng lực nội sinh, tạo được nhiều việc làm để tăng thu nhập của người dân, bảo đảm công bằng xã hội, an sinh xã hội, tạo cơ sở vật chất để đất nước ổn định và phát triển bền vững. Mở rộng hội nhập quốc tế trong điều kiện toàn cầu hóa, đặc biệt là hợp tác về kinh tế là xu thế khách quan mà các nước XHCN phải tham gia, nếu không thì khó có thể tồn tại và phát triển được. Vấn đề đặt ra là các nước XHCN mở rộng hội nhập quốc tế để tận dụng được những thành tựu khoa học cộng nghệ, tận dụng được nguồn lực tài chính của các nước phát triển làm cho sản xuất của đất nước ngày càng lớn mạnh đủ sức canh tranh, lợi ích quốc gia - dân tộc và cơ sở vật chất của chủ nghĩa xã hội ngày càng được củng cố.

Bốn là, tăng cường công tác chính trị tư tưởng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm và bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên, nhân dân; phòng, chống có hiệu quả chiến lược “diễn biến hòa bình” và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Công tác tư tưởng, lý luận phải trở thành vấn đề quan trọng hàng đầu trong điều kiện Đảng cầm quyền, trước hết phải quan tâm thường xuyên đến công tác giáo dục lý luận chính trị cho các đối tượng trong xã hội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là những người nắm vững bản chất các nguyên lý cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh thì mới trở thành những người tiên phong. Nhận thức sâu sắc nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của CNXH ở Liên xô và Đông Âu, với những nguyên nhân chủ quan và khách quan. Giáo dục mục tiêu, lý tưởng của Đảng, quán triệt kịp thời những nghị quyết đến cán bộ, đảng viên. Tuyên truyền, vạch trần âm mưu, thủ đoạn thâm độc của các thế lực thù địch chống phá sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc XHCN. Củng cố niềm tin có cơ sở khoa học của cán bộ, đảng viên, của nhân dân vào con đường đi lên CNXH trong giai đoạn hiện nay. Cần huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong tiến hành công tác chính trị tư tưởng, đặc biệt là phải phát huy vai trò của cơ quan và cán bộ chuyên trách từ Trung ương đến cơ sở.

Năm là, Đảng cầm quyền phải nắm chắc lực lượng vũ trang, đặc biệt chăm lo xây dựng quân đội nhân dân và công an nhân dân thực sự trung thành, tin cậy về chính trị, có chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, làm nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Việc nắm chắc và chăm lo xây dựng lực lượng vũ trang, nhất là quân đội nhân dân và công an nhân dân vững mạnh, thực sự trung thành và tin cậy về chính trị là một nguyên tắc chiến lược của đảng cầm quyền, liên quan trực tiếp đến sự sống còn của quốc gia dân tộc và chế độ. Đảng cầm quyền phải thường xuyên làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng và rèn luyện bản chất giai cấp công nhân của lực lượng vũ trang, luôn trung thành với Đảng, với nhân dân. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, quyết tâm chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ quân đội và công an, sẵn sàng nhận và thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao trong các tình huống không để bất ngờ xảy ra. Đảng luôn luôn giữ vững vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp và toàn diện về mọi mặt đối với lực lượng vũ trang, nhất là quân đội và công an; đặc biệt chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội và công an vừa hồng, vừa chuyên... Sự vững mạnh của lực lượng vũ trang không chỉ là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ Tổ quốc, mà còn là đội quân lao động sản xuất, đội quân công tác, lực lượng chính trị tin cậy của Đảng và Nhà nước. Đây là lực lượng nòng cốt để cùng toàn dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chủ động xử lý kịp thời và đập tan âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch chống phá con đường đi lên CNXH.

Trên đây là những bài học kinh nghiệm rút ra từ sự sụp đổ mô hình CNXH ở Liên Xô và Đông Âu, trong điều kiện hiện nay kẻ thù sử dụng nhiều thủ đoạn rất thâm độc để tiếp tục tiến công nhằm xóa bỏ chế độ XHCN của các nước còn lại. Theo đó, việc nghiên cứu nguyên nhân và rút ra bài học kinh nghiệm từ sự sụp đổ của CNXH ở Liên Xô và Đông Âu vận dụng vào thực tiễn xây dựng CNXH ở mỗi nước hiện nay là rất cần thiết.

Thiếu tướng, PGS, TS NGUYỄN VĂN BẠO

Video liên quan

Chủ Đề