Trong năm 1978 Đoàn 125 đã kết hợp vận chuyển với đưa Bộ đội ra thực hiện nhiệm vụ tải máy đảo

QPTD -Thứ Tư, 29/09/2021, 08:42 [GMT+7]

Phát huy truyền thống Đoàn tàu không số, Lữ đoàn 125 tập trung xây dựng vững mạnh, hiện đại

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại của dân tộc, cùng với toàn quân và toàn dân ta, “Đoàn tàu không số” - Lữ đoàn 125 [thuộc Vùng 2 Hải quân] đã lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần cùng cả nước làm nên huyền thoại lịch sử “Đường Hồ Chí Minh trên biển”. Phát huy truyền thống đó, Lữ đoàn đang tập trung xây dựng đơn vị vững mạnh, hiện đại, ngang tầm yêu cầu, nhiệm vụ.

Cách đây 60 năm, ngày 23/10/1961 Bộ Tổng Tư lệnh [nay là Bộ Quốc phòng] ra quyết định thành lập lực lượng vận tải quân sự đường biển mang tên Đoàn 759, để mở đường chiến lược trên Biển Đông, vận chuyển vũ khí, phương tiện, trang bị, kỹ thuật và cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam. Ngay sau khi được thành lập, Đoàn đã nhanh chóng sắp xếp biên chế lực lượng, vừa mua sắm, sửa chữa, đóng mới tàu thuyền, vừa tổ chức trinh sát thăm dò luồng lạch, bến bãi, xác định tuyến vận chuyển. Đêm ngày 10/4/1962, chiếc tàu vỏ gỗ gắn máy cùng 07 thủy thủ lặng lẽ rời bến Nhật Lệ [Quảng Bình] tiến về phía Nam, sau 08 ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu cập bến Vàm Lũng [Cà Mau]. Ngày 01/8/1962 tàu trinh sát trở về miền Bắc an toàn. Chuyến đi trinh sát mở đường thành công đã tạo niềm tin và củng cố thêm quyết tâm cho Quân ủy Trung ương ra Nghị quyết về vận tải đường biển chi viện cho chiến trường miền Nam.

Đêm ngày 11/10/1962 chiếc tàu vỏ gỗ đầu tiên chở 30 tấn vũ khí mật danh “Phương Đông 1” xuất phát từ bến Nghiêng [Đồ Sơn, Hải Phòng], sau 05 ngày vượt biển, tàu đã cập bến Vàm Lũng [Cà Mau] an toàn. Sự kiện này đánh dấu tuyến vận tải chiến lược xuyên Biển Đông đã được mở. Nhận tin tuyến đường biển được khai thông, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi điện biểu dương khen ngợi và chỉ thị: “hãy nhanh chóng rút kinh nghiệm, tiếp tục vận chuyển nhanh hơn nữa, nhiều hơn nữa vũ khí cho đồng bào miền Nam giết giặc”. Chấp hành chỉ thị của Bác, Đoàn đã tổ chức thành công hàng chục tàu vận tải, vượt qua sóng gió và sự săn đuổi, kiểm soát của địch, chuyển hơn 1.000 tấn vũ khí cho các chiến trường Nam Bộ, tiếp sức cho quân, dân miền Nam đẩy mạnh tiến công quân sự, kết hợp với nổi dậy phá ấp chiến lược, mở rộng vùng giải phóng. Đồng thời, khẳng định phương thức vận chuyển đường biển là tối ưu và hiệu quả nhất. Từ đó, Quân ủy Trung ương đã giao nhiệm vụ vận tải đường biển cho Quân chủng Hải quân phụ trách. Ngày 29/01/1964, Đoàn được điều về trực thuộc Quân chủng Hải quân và đổi tên thành Đoàn 125 mang biệt danh “Đoàn tàu không số”.

Để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới, Đoàn tiếp tục củng cố tổ chức, lực lượng, tăng cường huấn luyện, rèn luyện ý chí chiến đấu cho bộ đội, đảm bảo có lệnh là lên đường. Vượt qua hàng trăm nghìn hải lý, trong điều kiện khắc nghiệt, bom đạn, thủy lôi dày đặc của không quân, hải quân Mỹ, Đoàn đã vận chuyển hàng chục vạn tấn vũ khí, trang bị, nhiên liệu và hàng chục vạn chiến sĩ phục vụ cho các chiến trường. Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lữ đoàn vừa vận chuyển người và vũ khí, vừa tham gia chiến đấu giải phóng các đảo thuộc quần đảo Trường Sa. Trong 80 ngày, đêm tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, Lữ đoàn đã tổ chức 143 lần chiếc tàu ra khơi, hành trình 65.721 hải lý, vận chuyển 18.741 cán bộ, chiến sĩ, 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng và các loại súng, pháo; đánh chìm 01 tàu PCF, đánh hỏng nặng 03 tàu khác, gọi hàng 01 tàu, bắt 42 tù binh,... trực tiếp góp phần đưa cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc đến thắng lợi hoàn toàn. Tuyến đường vận tải chiến lược trên biển mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã hoàn thành nhiệm vụ đặc biệt xuất sắc.

Đất nước thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ của Hải quân có sự phát triển, trọng tâm là bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc. Nhiệm vụ chủ yếu của Lữ đoàn 125 là vận tải cho các tuyến đảo xa vừa được giải phóng, phục vụ đi lại của quân và dân cả nước; trong đó, nhiệm vụ vận chuyển cho Trường Sa được đặt lên hàng đầu. Đặc biệt, ngày 14/3/1988, nhiều cán bộ, chiến sĩ các tàu: HQ505, HQ604, HQ605 của Lữ đoàn đã anh dũng chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc trên quần đảo Trường Sa. Ghi nhận những chiến công, thành tích đặc biệt xuất sắc trong chiến đấu, xây dựng, Lữ đoàn và 13 tập thể, 22 cá nhân vinh dự được Nhà nước tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cùng nhiều phần thưởng cao quý.

Đồng hành cùng ngư dân vươn khơi, giữ vững chủ quyền

Hiện nay, yêu cầu xây dựng Quân chủng Hải Quân nhân dân Việt Nam tiến thẳng lên hiện đại nhằm phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc đang đặt ra những yêu cầu mới, rất cao. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn xác định: tiếp tục phát huy truyền thống Đường Hồ Chí Minh trên biển của đơn vị hai lần anh hùng, triển khai đồng bộ các biện pháp xây dựng Lữ đoàn vững mạnh, hiện đại; tập trung vào những biện pháp chủ yếu sau:

Một là, tăng cường công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, nâng cao bản lĩnh chính trị cho cán bộ, chiến sĩ, làm cơ sở để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Lữ đoàn đẩy mạnh thực hiện Đề án “Đổi mới công tác giáo dục chính trị tại đơn vị trong giai đoạn mới”, triển khai đầy đủ các nội dung giáo dục chính trị hằng năm theo quy định. Tập trung quán triệt cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nắm vững các quan điểm, đường lối quân sự, quốc phòng của Đảng được thể hiện tập trung trong Nghị quyết Trung ương 8 [khóa IX và XI] về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, Nghị quyết Trung ương 4 [khóa X] Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 và các chỉ thị, nghị quyết của trên. Thông qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng vị trí, vai trò, tầm quan trọng của biển, đảo; những tác động và ảnh hư­ởng đến sự phát triển kinh tế biển, đảo và quốc phòng, an ninh của đất nước, v.v. Đồng thời, thường xuyên cập nhật thông tin thời sự về biển, đảo; tình hình tranh chấp trên Biển Đông, cũng như quan điểm, chủ trương, biện pháp giải quyết của Đảng, Nhà nước ta. Thông qua đó, làm cho cán bộ, chiến sĩ nắm vững tình hình biển, đảo, nhiệm vụ của Quân đội, của Quân chủng và Đơn vị; có nhận thức đầy đủ về đối tượng, đối tác cùng âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; từ đó, nêu cao trách nhiệm, tinh thần cảnh giác, lòng trung thành tuyệt đối với mục tiêu lý tưởng của Đảng, vững vàng trong khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Trong quá trình thực hiện, Lữ đoàn coi trọng công tác giáo dục truyền thống của “Đoàn tàu không số” năm xưa, xây dựng lòng tự hào, tình yêu biển, đảo, bồi dưỡng ý chí, quyết tâm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp đấu tranh bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ - Người chiến sĩ Hải quân”, gắn với Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị [khóa XIII] về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị [khóa XII], “Về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và phong trào Thi đua Quyết thắng bằng những nội dung, mô hình thiết thực. Qua đó, giúp cán bộ, chiến sĩ nhận thức đúng tình hình, nắm chắc nhiệm vụ, có bản lĩnh chính trị kiên định, tư tưởng vững vàng, sẵn sàng nhận và hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Hai là, tập trung đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu. Bám sát phương châm: “cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện đồng bộ và chuyên sâu; lấy nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo làm mục tiêu huấn luyện; kết hợp vận dụng những bài học quý về vận tải của đơn vị trong chiến tranh và kinh nghiệm bảo vệ chủ quyền biển, đảo để đưa chất lượng huấn luyện lên một bước mới. Để các đơn vị huấn luyện sát với yêu cầu, nhiệm vụ, Lữ đoàn chỉ đạo các đơn vị tập trung đột phá vào: [1] huấn luyện bộ đội thành thạo và làm chủ vũ khí, trang bị kỹ thuật, nhất là đối với các loại khí tài mới, hiện đại; [2] huấn luyện sát phương án tác chiến của từng lực lượng. Chú trọng bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ các cấp vững về chuyên môn, giỏi về năng lực quản lý, chỉ huy, điều hành; thuần thục công tác chỉ huy - tham mưu cấp hải đội và lữ đoàn, cũng như nâng cao trình độ về ngoại ngữ, tin học. Các đơn vị tăng cường huấn luyện, diễn tập phối hợp ban đêm theo các phương án đã xác định và trong điều kiện thời tiết xấu; chú trọng huấn luyện nâng cao sức cơ động để kịp thời giải quyết, xử lý các tình huống xảy ra trên biển, đảo; duy trì nghiêm các chế độ, nền nếp và hệ thống trực sẵn sàng chiến đấu. Tích cực bổ sung, điều chỉnh các phương án tác chiến phù hợp với tình hình thực tiễn và tổ chức luyện tập, diễn tập theo quy định; kết hợp chặt chẽ giữa thực hiện nhiệm vụ vận tải với tuần tra trinh sát và phối hợp với các lực lượng khác nâng cao khả năng nắm tình hình. Phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền, cơ quan chức năng các địa phương nơi đóng quân có kế hoạch, phương án chiến đấu tại chỗ, bảo vệ doanh trại, kho tàng, bến cảng, v.v. Đồng thời, tích cực tham gia diễn tập khu vực phòng thủ, tác chiến trị an, tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn.

Ba là, thường xuyên làm tốt công tác bảo đảm hậu cần, kỹ thuật phục vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác. Với phương châm chủ động, linh hoạt, độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường, sáng tạo, cần kiệm trong lao động sản xuất, Lữ đoàn tập trung bảo đảm vật tư, xăng dầu và các mặt hàng thiết yếu phục vụ cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, huấn luyện và các nhiệm vụ đột xuất khác, nhất là nhiệm vụ “BM”, “CV”. Nhằm đảm bảo sức khỏe cho bộ đội hoạt động liên tục, dài ngày trên biển với cường độ cao, Lữ đoàn chỉ đạo cơ quan hậu cần đột phá vào “Nâng cao chất lượng nuôi dưỡng chăm sóc sức khỏe bộ đội và xây dựng chính quy ngành Hậu cần”. Đẩy mạnh phong trào thi đua thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong mọi khâu, mọi hoạt động; tích cực tăng gia sản xuất, vệ sinh, phòng dịch và củng cố, xây dựng hệ thống doanh trại “chính quy - xanh - sạch - đẹp”. Trong công tác kỹ thuật, Lữ đoàn chú trọng nâng cao chất lượng bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa tàu thuyền và vũ khí, trang bị kỹ thuật đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Duy trì nghiêm túc chế độ, nền nếp kỹ thuật tuần, tháng, quý; bảo đảm an toàn, phòng, chống cháy, nổ; xây dựng tàu chính quy, mẫu mực. Thực hiện tốt Cuộc vận động “Quản lý, khai thác vũ khí, trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và An toàn giao thông”.

Kế thừa, phát huy truyền thống vẻ vang “Mưu trí dũng cảm, khắc phục khó khăn, vận tải đường biển, chi viện chiến trường, quyết chiến quyết thắng”, cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 125 tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và Nhân dân; đoàn kết, mưu trí, kiên cường, dũng cảm trong chiến đấu; tích cực, chủ động, sáng tạo trong lao động sản xuất và công tác, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Đại tá VÕ ĐÌNH CHIẾN, Lữ đoàn trưởng

Video liên quan

Chủ Đề