Tìm cách nào để hạn chế chạy đua chiến tranh hạt nhân?

05:30' - 30/10/2017

BNEWS Quan hệ xấu đi giữa Nga và Mỹ, chương trình hạt nhân Triều Tiên, khả năng Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân với Iran, căng thẳng giữa Ấn Độ và Pakistan là những nhân tố có thể dẫn tới xung đột hạt nhân.

Cần phải làm gì để ngăn chặn thảm họa hạt nhân và không để vũ khí hạt nhân rơi vào tay những kẻ khủng bố. Đó là các nội dung được giới chuyên gia thảo luận tại Hội nghị quốc tế lần thứ 10 của Diễn đàn Luxembourg về ngăn chặn thảm họa hạt nhân tại Paris vừa qua.
Năm 2017 ghi nhận quan hệ quốc tế có nhiều nguy cơ không xác định liên quan đến vấn đề an ninh hạt nhân. Nổi bật là những tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump về khả năng xem xét lại chương trình hạt nhân với Iran, các vụ thử tên lửa của Triều Tiên, cũng như quan hệ xấu dần giữa Ấn Độ và Pakistan có thể dẫn đến việc một trong hai nước sử dụng tiềm lực hạt nhân của mình.

Trong đó, một trong những khó khăn phức tạp nhất ở đây là tình trạng trì trệ trong quan hệ giữa hai cường quốc hạt nhân là Nga và Mỹ liên quan đến việc cắt giảm vũ khí hạt nhân.
Trong năm tới, Moskva và Washington dự định sẽ hoàn tất việc cắt giảm vũ khí chiến lược theo yêu cầu của Thỏa thuận Paris. Tuy nhiên, số phận của thỏa thuận này trong bối cảnh thực tiễn quan hệ song phương hiện nay thật khó mà dự đoán.

Thêm vào đó, việc thực hiện Hiệp ước về các lực lượng hạt nhân tầm trung [INF] cũng đang gặp khủng hoảng, đây được xem là hòn đá cản đường những nỗ lực gây dựng hệ thống an toàn hạt nhân hiện nay.Năm 1987, Mỹ và Liên Xô ký kết hiệp ước INF và văn kiện này chính thức có hiệu lực từ tháng 6/1988. Nội dung chính của hiệp ước là cấm các bên tham gia xử lý, sản xuất hoặc thử nghiệm từ mặt đất các loại tên lửa đạn đạo có tầm bắn từ 500 km đến 5.500 km. Đã có khoảng 2.700 tên lửa tầm trung bị tiêu hủy sau khi INF có hiệu lực.

Chủ tịch Diễn đàn Luxembourg về ngăn chặn thảm họa hạt nhân Vyacheslav Kantor nhấn mạnh rằng đang có sự gia tăng căng thẳng do những phàn nàn của hai bên trong quá trình thực hiện thỏa thuận INF.

Trong khi đó, chương trình về tiêu hủy plutonium dư thừa bị đóng băng, công việc nghiên cứu khoa học hạt nhân cũng bị dừng lại. Tình hình này có thể dẫn tới nguy cơ các nước chạy đua vũ khí hạt nhân không kiểm soát. Tình trạng hạt nhân hóa như vậy chắc chắn sẽ làm suy yếu những nỗ lực bảo đảm ổn định cho hệ thống an toàn hạt nhân.
Giáo sư đại học Mariland và cựu Giám đốc Viện nghiên cứu vũ trụ - Viện hàn lâm khoa học CCCP, Roald Sagdeev trao đổi với báo Gazeta rằng hiện Mỹ đang ngả về quan điểm cho rằng không thể tiến hành đàm phán với phía Nga.

Ngay cả trong những năm tháng Chiến tranh Lạnh, hai bên vẫn giữ được đối thoại mà nay thì không thể. Tuy nhiên, quan hệ song phương giữa Nga và Mỹ trong lĩnh vực an toàn hạt nhân rất quan trọng, ít nhất cũng vì các nước “nhỏ” [ám chỉ Ấn Độ và Pakistan] luôn nhìn vào hành động của các nước “lớn”.

Và nếu như bây giờ đối thoại Nga-Mỹ về gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược [START] hay thực hiện INF bị đổ vỡ, điều đó tất nhiên sẽ tác động đến quyết định tham gia đàm phán về an toàn hạt nhân của các nước khác.

Còn cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ William Perry thì tin rằng quan hệ giữa Moskva và Washington không phải mới đây mới bị xấu đi, mà Mỹ là nước khởi xướng. Đầu tiên là những động thái mở rộng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương [NATO] và bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa tại các nước Đông Âu.

Sau đó, khi Mỹ ủng hộ cách mạng màu, ví dụ như tại Ukraine, thì Nga bắt đầu lo sợ sự ủng hộ đó sẽ dành cho cả cuộc cách mạng màu tiềm tàng tại Nga. Và khi tại Nga diễn ra các hoạt động biểu tình phản đối năm 2012, Tổng thống Vladimir Putin cho rằng đứng đằng sau chúng là Mỹ.Song ông Perry cho rằng một phần trách nhiệm thuộc cũng về Moskva, ngụ ý đến cuộc trưng cầu dân ý tại Crimea năm 2014, cũng như “đe dọa về phía các nước vùng Baltic”. Cựu lãnh đạo Lầu năm góc kết luận rằng nếu xem xét tổng thể, các sự kiện đó là những nhân tố tác động đưa mối quan hệ song phương quay trở về thời Chiến tranh Lạnh.Cơ sở của hệ thống an ninh hạt nhân hiện nay là Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân [NPT] ký năm 1968. Theo thỏa thuận này, quy chế cường quốc hạt nhân được trao cho 5 nước Nga, Mỹ, Pháp, Anh và Trung Quốc. Hiện nay có Ấn Độ và Pakistan tham gia vào CLB hạt nhân này. Cũng giả thuyết rằng Israel có vũ khí hạt nhân, Triều Tiên thì tiến hành các vụ thử hạt nhân.

Vấn đề Triều Tiên rơi vào ngõ cụt chính vì các nước không thể thỏa thuận được với nhau. Washington sẵn sàng đàm phán với Bình Nhưỡng nếu Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân. Trong khi đó, Triều Tiên đặt ra điều kiện tiên quyết để bắt đầu đối thoại là phải được công nhận quy chế quốc gia hạt nhân.

Theo cựu Thủ tướng Anh Tony Blair, tình trạng cạnh tranh hiện nay là do nhiều quốc gia cảm thấy lo ngại về chế độ tại đất nước mình, hay nói chính xác hơn là chính các chế độ này “gợi lên sự lo ngại từ phía cộng đồng quốc tế”. Trước hết là Triều Tiên và Iran.Theo giới chuyên gia, vai trò then chốt trong giải quyết tình hình tại bán đảo Triều Tiên phải thuộc về Trung Quốc và Mỹ. Bởi Washington là bên chỉ trích Bình Nhưỡng còn Trung Quốc có khả năng gây sức ép lên ban lãnh đạo Triều Tiên. Trong mô hình này, việc Nga tham dự là hợp logic, tuy nhiên cần phải chuẩn bị trước một sân chơi cho đối thoại.

Trong khi đó, các chương trình hạt nhân của Iran cũng không phải không có khó khăn. Tổng thống Mỹ Donald Trump nhiều lần tuyên bố muốn xem xét lại thỏa thuận với Tehran, để ký một thỏa thuận tốt hơn. Việc Mỹ dọa xem xét lại quan điểm với Iran có thể gây ra bất ổn trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí nói chung.

Việc Mỹ ném bom nguyên tử xuống Nhật Bản vào những ngày cuối cùng của chiến tranh thế giới lần thứ hai trên thực tế đã đẩy thế giới vào cuộc chạy đua hạt nhân khốc liệt. Danh sách các quốc gia có khả năng hạt nhân  được mở rộng. Ngày nay, tuy chiến tranh lạnh đã kết thúc, nhiều hiệp định về việc cấm thử bom hạt nhân, cấm phổ biến vũ khí hạt nhân, hạn chế sản xuất, tàng trữ vũ khí hạt nhân, xây dựng các khu vực không có vũ khí hạt nhân... được nhiều nước trên thế giới ký kết thì có một thực tế là nguy cơ hạt nhân vẫn không hề giảm sút, vẫn đang tồn tại một kho vũ khí hạt nhân khổng lồ cùng với các chiến lược hạt nhân đầy tham vọng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quân sự, hiện nay có các nhóm nước sau có khả năng hạt nhân:

Các cường quốc hạt nhân, cũng là năm nước Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ, gồm: Mỹ, Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc. Nhóm năm quốc gia này được gọi là "Câu lạc bộ hạt nhân". Có thể coi "Câu lạc bộ hạt nhân" là lực lượng hạt nhân chi phối toàn cầu và có ý nghĩa quyết định về an ninh hạt nhân trong thế giới hạt nhân.

Các quốc gia hạt nhân non trẻ, gồm những nước có tiềm năng đáng kể về kinh tế và kỹ thuật, đã tự chế tạo thành công vũ khí hạt nhân. Tiêu biểu trong nhóm này là Ấn Ðộ và Pakistan. Tuy nhiên, do tiềm năng còn hạn chế, nhóm này có tác động chủ yếu trong phạm vi khu vực.

Các quốc gia bên ngưỡng cửa hạt nhân là những nước đã đầu tư nghiên cứu và đang từng bước làm chủ vũ khí hạt nhân. Trong số các quốc gia này đáng kể là Iran và CHDCND Triều Tiên.

Một số quốc gia hạt nhân không lộ diện là các nước có tiềm năng hạt nhân, song vì nhiều lý do nên chưa công khai vũ khí hạt nhân của mình. Tiêu biểu cho nhóm này là Israel.

Cho đến nay, kho vũ khí hạt nhân của thế giới được đánh giá là đa dạng trên cả hai phương diện: bom, đạn và phương tiện. Số bom, đạn hạt nhân chủ yếu thuộc loại chiến lược là các loại bom H, bom 3F, bom 3R, bom N, với các công suất khác nhau. Ước tính, trên thế giới hiện đang tàng trữ hơn 22 nghìn bom, đạn hạt nhân, đủ phá hủy nhiều lần toàn bộ bề mặt trái đất. Về phương tiện, ngày nay, các cường quốc hạt nhân ngay từ lãnh thổ của mình có thể phóng tên lửa liên lục địa mang đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ điểm nào trên trái đất, đủ sức thiêu hủy hàng chục thành phố lớn của một quốc gia trong thời gian chớp nhoáng.

Một chuyên gia của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế  Stokholm [SIPRI] cảnh báo rằng: "Ðáng lo là ở chỗ các nước bắt đầu nhận thấy những loại vũ khí này có thể sử dụng được, trong khi dưới thời chiến tranh lạnh, họ xem chúng chỉ là vũ khí để ngăn chặn". Báo cáo của SIPRI ước tính rằng đến đầu năm 2007 các cường quốc hạt nhân đã có 11.530 đầu đạn sẵn sàng phục vụ cho các tên lửa và máy bay.

Theo SIPRI, năm 2006, Mỹ vẫn là nước chi cho quốc phòng nhiều nhất thế giới với chi phí khoảng 529 tỷ USD cho lực lượng quân sự của mình. Sau Mỹ là Anh và Pháp. Trung Quốc vươn lên vị trí thứ tư thế giới với gần 50 tỷ USD. Nhật Bản xếp ở vị trí thứ năm với 43,7 tỷ USD. Nga chi 34,7 tỷ USD cho quốc phòng.

Tất cả các quốc gia hạt nhân đều cam kết không sử dụng trước đòn đánh hạt nhân, song đều dành cho mình quyền giáng trả hạt nhân cho lực lượng tiến công xâm lược. Theo các thỏa thuận song phương, cả Nga và Mỹ  đều đang cắt giảm kho vũ khí của mình, nhưng lại đang phát triển vũ khí mới để hiện đại hóa lực lượng quân đội.

Vấn đề đang nổi lên hiện nay là mâu thuẫn giữa Nga và Mỹ chung quanh kế hoạch triển khai hệ thống phòng chống tên lửa NMD của Mỹ ở châu Âu.Trong khi Mỹ ra sức khẳng định kế hoạch triển khai NMD là "nhằm đối phó với nguy cơ tiến công bằng tên lửa từ Iran", giới quân sự Nga đã chứng minh rằng nguy cơ này hoàn toàn không có cơ sở, và cho rằng kế hoạch của Mỹ đe dọa an ninh quốc gia Nga, phá vỡ hệ thống an ninh chiến lược hiện hành và tạo thêm những đường phân chia mới trên lục địa châu Âu. Tổng thống Nga V.Pu-tin khẳng định rằng các đơn vị tên lửa và căn cứ mới của Mỹ ở châu Âu sẽ phá vỡ thế cân bằng lực lượng ở châu lục này. Những cuộc thảo luận giữa NATO và Nga về NMD cũng như về Hiệp ước về các lực lượng vũ trang thông thường ở châu Âu [CFE] gần đây vẫn không giải tỏa được bất đồng, đe dọa sự hồi sinh của bóng ma chiến tranh lạnh.

Có thể nói, thế giới đang đứng trước hiểm họa hạt nhân to lớn và đầy tiềm ẩn. Giải trừ vũ khí hạt nhân luôn là mối quan tâm hàng đầu của nhiều nước trên thế giới, bao gồm nhiều nội dung khác nhau. Cuối tháng 7 vừa qua, Ủy ban Hiệp ước về một khu vực Ðông-Nam Á không có vũ khí hạt nhân [SEANFWZ], đã thông qua Kế hoạch hành động toàn diện về SEANFWZ nhằm thúc đẩy hợp tác trong khu vực chống vũ khí hạt nhân và mở rộng cơ hội cho các nước thành viên ASEAN tham gia những nỗ lực quốc tế chống lại loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này.

Các nước ASEAN cũng đề nghị năm cường quốc hạt nhân tham gia hiệp ước SEANFWZ.

Kiên trì cấm thử vũ khí hạt nhân toàn diện, xây dựng các khu vực không có vũ khí hạt nhân, giảm triệt để số vũ khí hạt nhân hiện có và duy trì thế cân bằng chiến lược hiện tại... là những vấn đề then chốt để thế giới trở nên an toàn hơn, để những thảm họa như Hiroshima và Nagasaki không bao giờ tái diễn.

HOÀNG LIÊN

Video liên quan

Chủ Đề