Tiêu chí đánh giá bài văn tả cảnh lớp 5 năm 2024

1.Nội dung chữa lỗi văn bản do học sinh tạo lập là một phần không thể thiếu trong quy trình dạy tập làm văn nói chung và văn miêu tả nói riêng. Khi chấm chữa bài, các giáo viên thường chỉ chú ý chữa các lỗi cụ thể của từng bài, từng học sinh riêng lẻ mà thiếu sự khái quát thành những dạng lỗi để phân tích cho học sinh nhận diện được loại lỗi, biết được nguyên nhân mắc lỗi để tìm cách sửa. Lỗi mà giáo viên thường quan tâm nhất chủ yếu là chữa lỗi chính tả, lỗi xa đề, lạc đề, thỉnh thoảng có ghi “lối diễn đạt vụng” một cách chung chung… Vì vậy, khi nhận lại bài văn đã được giáo viên chấm điểm, các em vẫn không hiểu được bản chất của việc mắc lỗi và cần tránh lỗi khi làm một bài văn miêu tả.

2.Khảo sát gần 1000 bài tập làm văn miêu tả của học sinh lớp 5 các tỉnh Hà Nội, Quảng Ninh, Hoà Bình, Lạng Sơn, Thanh Hoá, Bắc Ninh chúng tôi xin đưa ra một số loại lỗi đặc trưng, cơ bản như sau:

2.1. Lỗi về lôgic trình bày

Lỗi phổ biến nhất về lôgic trình bày là cả phần thân bài của bài văn thường được học sinh viết thành một đoạn văn với tất cả các ý sắp xếp một cách lộn xộn. Lỗi này do học sinh quan niệm không đúng về cấu tạo bài văn miêu tả gồm ba phần mở bài, thân bài, kết luận, mỗi phần là một đoạn văn. Cũng có thể bắt gặp trong lỗi này là bài viết có tách đoạn nhưng chỉ là dấu hiệu về mặt hình thức còn nội dung thì vẫn là các ý chồng chéo, lộn xộn. Dưới đây là một số lỗi thường gặp.

- Trình bày theo kiểu liệt kê thông tin. Những bài văn viết theo kiểu này thường là một sự liệt kê, kể lể về đối tượng miêu tả mà không có sự phân loại thông tin cho rành mạch. Ngôn ngữ mà người viết sử dụng chủ yếu là thứ ngôn ngữ kể lể, tường thuật không mang rõ đặc trưng ngôn ngữ miêu tả. Ví dụ : “Trường tôi có những phòng học san sát nhau. Vào tới trường có phòng đầu là phòng phụ trách phòng thứ hai là phòng phòng hiệu trưởng phòng thứ ba là phòng giao ban. Trong phòng có một chiếc bàn dài và hàng chục chiếc ghế. Bên dưới có phòng thư viên bên trong có bàn ghế cong cong như hình chữ u. Bên cạnh có một cái tủ đựng toàn là sách và truyện thiếu nhi để các bạn đọc và mượn về nhà đọc cho đỡ buồn. Phòng học gồm có từ 8 đến 10 chiếc bàn. Trên bục có một bộ bàn ghế của thầy cô và có một chiếc bảng bên trên có ảnh Bác Hồ. Sân trường có một cột cờ cao chót vót với lá cờ màu đỏ ngôi sao màu vàng. Hai bên có bồn hoa và những chiêc ghế đá. Bốn góc có bốn cây bàng”.

- Trình bày lộn xộn, lặp ý, không phát triển được ý của đoạn, bài . Đây là những bài văn viết không phận loại, sắp xếp được hệ thống ý theo một trình tự lôgic hợp lí mà chỉ là một tập hợp các ý lắp ghép lại với nhau một cách cơ học vụng về, làm cho bài văn trở nên lủng củng, rắc rối. Thường những bài viết thuộc dạng này, toàn bộ phần thân bài chỉ là một đoạn hỗn hợp với rất nhiều ý. Mỗi đoạn vẫn gồm rất nhiều ý và không xác định nổi nội dung. Ví dụ: “Trước cổng trường là một cây đa to. Sau đó đến cổng trường có in chữ Trường tiểu học Hữu Nghị có những thanh sắt màu xanh đậm. Nhìn vào trường em thấy có 2 cây bàng ở bên cạnh và có 3 dãy nhà cao tầng. Mỗi lớp có một cái tủ để đựng sách vở và các đồ dùng khác và bảng để chúng em học bài. Trên bàn cô còn có lọ hoa và sách vở của cô. Trên đỉnh đầu có một tờ giấy in chữ Năm điều Bác Hồ dạy trên đó có chữ Dạy tốt, Kỉ luật, Trật tự. Mỗi cửa sổ có một bình hoa cảnh có điện và sau đó là đến quạt trần. Các bạn và các em nhỏ đang chơi ở sân trường. Sân trường có những bồn hoa to đẹp”.Trình tự miêu tả được xác định từ ngoài vào trong: trước cổng trường - cổng trường - vào trường nhưng người viết đã không phân tách ra thành từng bộ phận của cảnh để miêu tả mà đi vào kể lể một cách tuỳ tiện. Nếu người viết theo trình tự miêu tả như vậy để bao quát chung toàn bộ cảnh trường rồi đi vào miêu tả một số đặc điểm cụ thể như sân trường, khu hiệu bộ, khu lớp học… thì bài viết sẽ đảm bảo sự mạch lạc và người đọc sẽ dễ dàng hình dung được cảnh trí ngôi trường.

- Xa đề . Đây là những bài văn viết lan man dài dòng. Bài văn không có được một cái nhìn bao quát về toàn bộ vấn đề minh đưa ra nên không có chủ đích rõ ràng, không làm chủ được bài viết, không xác định được trọng tâm của bàn. Có những chi tiết phụ lại được miêu tả quá kĩ, quá chi tiết đến mức không cần thiết. Ví dụ: “Trường có 3 dãy nhà A B C hình chữ u. Tường được sơn màu vàng cửa màu xanh. Sau trường còn có một thửa đất trồng cây ăn quả như nhãn và dành cho các bạn trai chơi đá bóng. Trước trường có những bồn cây của các lớp chăm sóc công trình măng non. Sân trường được đổ bê tông sạch sẽ. Những bồn hoa của các lớp với những loại khác nhau cùng đua nhau khoe sắc đẹp rực rỡ như những cánh bướm. Những hạt sương đêm còn đọng trên cánh hoa và nhuỵ hoa. Hai bên được lắp vòi để chăm sóc công trình măng non. Nhìn thẳng trên còn có mấy cái ghế đá cho các em ngồi chơi. Còn có chỗ để xe đạp và phòng bác bảo vệ có một cái trống to để báo hiệu. Sang bên cạnh là nhà truyền thống để giao ban mỗi ngày, có bàn ghế và cây cảnh ở giữa trên mặt là một Bác Hồ bằng tượng màu trắng chân dung. Bên cạnh là phòng thầy hiệu trưởng và hiệu phó. Bên cạnh là phòng hành chính”.Đoạn dẫn trên là toàn bộ phần thân bài của bài văn tả ngôi trường đã nhiều năm gắn bó. Nội dung của đoạn bao gồm rất nhiều ý vừa giới thiệu bao quát ngôi trường vừa tả sân trường vừa tả các phòng ban… Người viết cứ tiện đâu nói đấy, thấy gì viết nấy.

- Lạc đề . Đây là những bài văn không đúng yêu cầu của đề thậm chí còn lạc hẳn sang một vấn đề hoàn toàn khác. Ví dụ với đề bài “Em hãy tả lại quang cảnh ngôi trường đã nhiều năm gắn bó với em”, thì có một số bài văn lạc sang miêu tả một cây bàng trên sân trường; có một số bài lại tả về một buổi học của lớp; một số bài tả về quang cảnh của một lớp học, tả một buổi trực nhật…

Có thể nói, các dạng lỗi trên đều có chung nguyên nhân do kĩ năng phân tích đề yếu hoặc học sinh quan niệm rằng có thể viết bất kì thứ gì miễn là có liên quan đến đối tượng được miêu tả.

2.2. Lỗi về lôgic phản ánh hiện thực khách quan

Loại lỗi này có nguyên nhân do không quan sát kĩ đối tượng hoặc thiếu những tri thức phổ thông cần thiết, thiếu vốn thực tế về đối tượng miêu tả nhưng thường được giáo viên phê một cách chung chung là lỗi dùng từ. Giáo viên không chỉ rõ cho học sinh thấy lỗi đó thế nào, nguyên nhân nào dẫn đến việc học sinh mắc lỗi đó nên hầu như qua rất nhiều bài viết, học sinh vẫn không biết được cách sửa. Bản thân giáo viên trong giờ trả bài tập làm văn cũng ít chữa những lỗi này vì cho rằng học sinh lớp 5 chữa lỗi này là quá khó. Cụ thể:

- Đưa những thông tin sai hoặc không chính xác về đối tượng miêu tả, không đúng với tri thức tự nhiên, tri thức phổ thông . Khi viết bài học sinh phải có một vốn hiểu biết nhất định về đối tượng mà mình miêu tả. Vốn hiểu biết ấy có được từ hoạt động quan sát, từ các bài đọc trong sách giáo khoa, trong sách báo, nghe qua đài, ti vi hàng ngày… Vốn hiểu biết này càng nhiều thì bài viết sẽ càng đảm bảo độ phong phú và chính xác về thông tin so với thực tế khách quan. điều này có sức thuyết phục cao đối với người đọc, khiến họ tin vào các thông tin về đối tượng miêu tả được đưa ra trong bài văn. Những vốn hiểu biết này được gọi là tri thức tự nhiên hay tri thức phổ thông. Trong bài làm của học sinh, những loại lỗi này khá phổ biến ở mọi loại đối tượng từ học sinh dân tộc thiểu số đến học sinh dân tộc Kinh, từ học sinh khá đến học sinh trung bình và yếu đều dễ mắc. Ví dụ: “Khi em bước lên chiếc sân chơi của trường thì thấy một cột cờ đỏ chói ngay trước mặt em và những hàng cây xanh rì rào chuyển động. Những bồn hoa mà bác bảo vệ đã phải tốn công chăm sóc để chúng mọc lên cao và nở ra hoa. Ngôi trường của em được lợp bằng một mái tôn màu đỏ chót. Những bức tường có màu sặc sỡ. Những cây bàng giống như những chiếc quạt nan nhỏ bé. Những cây hoa sữa thì toả đi xung quanh khắp ngôi trường với những chú chim đậu vào những cành cây. Những chiếc bảng có màu đen đậm và bàn ghế dài chẳng chịt và có 4 ngăn”.

So sánh cây bàng với những chiếc quạt nan nhỏ béthì không hợp lí bởi vì cây bàng vốn là loại cây trồng để lấy bóng mát, tán cây toả tròn không thể mảnh dẻ như hình chiếc quạt nan được.

- Đưa những thông tin bình luận thái quá hoặc sống sít, gượng ép, không đảm bảo độ chân thành. Theo quan điểm tiếp cận nội dung cảm xúc, trong bài văn miêu tả người viết phải thể hiện xúc cảm của mình với đối tượng được miêu tả. Xúc cảm ấy sẽ được thể hiện qua những chi tiết nhận xét, đánh giá, bình luận của người viết. Muốn thuyết phục người đọc, những xúc cảm đó phải được thể hiện một cách chân thành, tương xứng với đối tượng được miêu tả. Học sinh lớp 5 còn nhỏ chưa ý thức nhiều về điều này nên các em thường bày tỏ cảm xúc thái quá làm cho câu văn trở nên gượng ép, sáo rỗng, không đảm bảo độ chân thành cần thiết. Ví dụ : “Đi vào cổng trường là một cảnh đẹp đồ sộ làm em vô cùng xúc động. Đó là một toà lâu đài cao tầng xung quanh là một hàng cây xanh đẹp đẽ. Bên ngoài cổng trường là phòng bác bảo vệ. Gần phòng bác bảo vệ là nơi các thầy cô họp. Cạnh phòng họp của các thầy cô là những phòng học của các bạn học sinh”.

Câu đầu tiên của đoạn là câu đưa ra một thông tin bình luận thái quá không thực tế. Ngôi trường dù đẹp nhưng là nơi người viết đã gắn bó nhiều năm, đã học tập hàng ngày ít khả năng gây cảm giác “vô cùng xúc động” như vậy được.

- Đưa những thông tin không phù hợp với yêu cầu và chuẩn hành vi văn hoá, không đảm bảo độ chính xác về ngữ cảnh văn hoá. Khi cung cấp thông tin về đối tượng miêu tả, ngoài việc đảm bảo sự chính xác với thực tế khách quan và chân thành về cảm xúc - người viết còn phải lưu ý về ngữ cảnh văn hoá và những chuẩn hành vi văn hoá đã được xã hội quy định và công nhận như cách xưng hô, cách biểu lộ thái độ, cách chọn lọc chi tiết theo hướng tích cực. Ví dụ: “Chị ta chừng độ 23 tuổi. Hình dáng của chị ta nhỏ nhưng chị ta cao. Khuôn mặt chị ta tròn như hình trái xoan. Mắt chị ta to, đôi má hồng hào. Cách ăn mặc của chị ta gọn gàng nhưng chị ta chỉ thích mặc quần áo nhiều màu sắc”. Một học sinh lớp 5 mà gọi một cô gái 23 tuổi (lại là người mình quý mến) là “chị ta” thì không đúng với chuẩn tắc hành vi văn hoá . “Tính tình cô giáo lúc gọi bạn Hơn lên bảng. Bạn ấy không biết làm tính thì cô giáo chửi bạn Hơn. Còn em lên bảng biết làm thì cô không chửi em”.Tả về một cô giáo đã dạy mà mình yêu quý nhất mà người viết dùng từ “chửi” là không phù hợp với chuẩn văn hoá.

3.Giáo viên cần nhận thức đúng về tác dụng của việc chữa lỗi cho học sinh trong dạy học tiếng Việt nói chung dạy tập làm văn nói riêng. Hoạt động chấm chữa bài nói, viết cho học sinh phải được thực hiện một cách nghiêm túc, có hệ thống đảm bảo tính khoa học mới có thể nâng cao chất lượng bài viết cho các em. Để thực hiện có hiệu quả nội dung chữa lỗi, chúng tôi chia thành các bước như sau:

Bước 1: Chấm bài.

- Xác định thái độ đúng mực khi chấm bài của học sinh. Việc chấm bài phải được thực hiện một cách nghiêm túc tránh sự qua loa, đại khái để chỉ ra một cách đầy đủ và chính xác các lỗi trong bài làm của học sinh. Mặt khác, khi chấm bài cần tôn trọng sản phẩm của các em, cố gắng hiểu ý định cũng như cảm xúc của các em thể hiện trong bài. Thực tế khảo sát cho thấy có rất nhiều lỗi về lôgic phản ánh hiện thực khách quan và lôgic trình bày nhưng không hề có bút tích xác định lỗi của giáo viên.

- Phân loại và gọi thành tên các lỗi của học sinh trong bài làm. Việc phân loại lỗi cần chia ra những lỗi phổ biến ở nhiều học sinh và những lỗi có tính cá nhân, cá biệt.

- Tìm hiểu nguyên nhân của các loại lỗi. Việc phân loại và gọi tên các lỗi giúp cho việc tìm hiểu nguyên nhân mắc lỗi của học sinh được thuận lợi và có cơ sở. Giáo viên cần đọc kỹ các lỗi để chỉ rõ nguyên nhân cơ bản trong việc măc lỗi của học sinh.

Bước 2: Trả bài

- Nhận xét bài làm của học sinh.

- Đọc mẫu một vài bài làm tốt cho học sinh tham khảo.

- Chỉ ra các loại lỗi phổ biến và cá biệt.

- Thực hành chữa mẫu một số lỗi cơ bản.Sau khi đã chỉ rõ và phân tích nguyên nhân mắc lỗi giáo viên cần đưa ra và chữa mẫu một số lỗi cơ bản có tính phổ biến cho học sinh tham khảo học theo.

- Hướng dẫn học sinh cách sửa lỗi. Đưa ra một số câu hỏi để hướng dẫn học sinh cách sửa lỗi cụ thể trong bài của mình.

- Kiểm tra, nhận xét việc sửa lỗi của học sinh.

4.Phần nội dung chữa lỗi cho học sinh nếu được các giáo viên thực hiện nghiêm túc, có hệ thống, đảm bảo tính khoa học như quy trình đề xuất trên thì sẽ rèn cho học sinh kĩ năng phát hiện lỗi, tìm hiểu nguyên nhân của sự sai sót và biết cách sửa lỗi trong bài viết của mình, có tác dụng nâng cao ý thức của học sinh về việc dùng từ đặt câu, diễn đạt câu, trình bày đoạn, liên kết đoạn thành bài. Mặt khác hoạt động chữa lỗi còn rèn cho các em thói quen phải cân nhắc suy xét cẩn thận khi viết, thói quen đọc lại, kiểm tra lại những điều mình vừa viết ra để điều chỉnh sửa chữa nếu thấy cần thiết, nhờ đó hiệu quả học tập của học sinh được nâng cao.