Thụ tinh ống nghiệm thành công bao nhiêu năm 2024

Patrick Steptoe và nhà sinh lý học Robert Edwards đã mất hơn 10 năm thực nghiệm và thất bại hàng trăm lần, để rồi nhận được kết quả mỹ mãn. Tại Việt Nam, kỹ thuật TTTON [IVF] được thực hiện lần đầu vào năm 1997, tính đến thời điểm hiện nay đã có hơn 40 trung tâm hỗ trợ sinh sản được cấp phép hoạt động. Sự ra đời của phương pháp Thụ tinh trong ống nghiệm đã giúp cho hàng triệu người không may bị hiếm muộn trên thế giới có được niềm vui, nụ cười và hạnh phúc khi ôm đứa con của chính mình vào lòng. Việt Nam bắt đầu thực hiện TTTON từ 1997, trải qua hơn 20 năm, phương pháp thụ tinh ống nghiệm IVF đã mang niềm hạnh phúc đến hàng triệu gia đình và là phương pháp hỗ trợ sinh sản nhanh nhất và có tỉ lệ thành công cao nhất hiện nay.

Thông qua những kiến thức căn bản và hữu ích dưới đây, hy vọng các cặp vợ chồng đang khao khát con yêu có thể tiến gần hơn và “chạm ngõ” ước mơ được làm cha làm mẹ của mình.

Thụ tinh ống nghiệm [In vitro fertilization – IVF] là phương pháp điều trị phổ biến nhất tại Việt Nam và trên thế giới. Quá trình Thụ tinh trong ống nghiệm được thực hiện trong phòng Lab, tại đó giao tử đực [tinh trùng của chồng] và giao tử cái [trứng của người vợ] sẽ được cho thụ tinh với nhau để tạo thành phôi. Thông thường sau 2-5 ngày nuôi cấy bên ngoài cơ thể [Phôi được nuôi dưỡng trong các tủ nuôi cấy phôi], sau đó phôi sẽ được đưa trở lại buồng tử cung của người vợ để phát triển thành thai nhi.

IVF là phương pháp điều trị hiếm muộn được ứng dụng phổ biến nhất

2. Ai cần áp dụng phương pháp Thụ tinh trong ống nghiệm?

Case thụ tinh trong ống nghiệm [IVF] đầu tiên trên thế giới là trường hợp người vợ bị tắc nghẽn ống dẫn trứng. Sau đó, phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm còn được mở rộng phạm vi thực hiện cho các cặp vợ chồng hiếm muộn không thể có thai bằng các phương pháp điều trị thông thường như canh ngày rụng trứng, bơm tinh trùng vào buồng tử cung hoặc những cặp vợ chồng lớn tuổi, kèm theo các bệnh lý: lạc nội mạc tử cung, rối loạn phóng noãn, bất thường ở tinh trùng và các yếu tố miễn dịch, hoặc vô sinh chưa rõ nguyên nhân… [2]

Nhìn chung, đối tượng cần đến phương pháp IVF gồm:

  • Hiếm muộn do các bệnh lý tại buồng tử cung như lạc nội mạc trong cơ tử cung, u xơ tử cung
  • Hiếm muộn do rối loạn phóng noãn, tắc hoặc ứ dịch vòi trứng, đã cắt bỏ vòi trứng do thai ngoài tử cung hay triệt sản.
  • Hiếm muộn do tinh trùng yếu, tinh trùng ít hoặc xuất tinh ngược dòng, không có tinh trùng trong tinh dịch…
  • Cặp vợ chồng lớn tuổi, dự trữ buồng trứng ở người vợ suy giảm
  • Bơm tinh trùng thất bại nhiều lần
  • Hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân.
  • Các cặp vợ chồng mang gen bệnh như Thalassemia, Hemophilia… cần sàng lọc tiền làm tổ để giảm thiểu nguy cơ sinh con mắc bệnh.

3. Quy trình và các bước làm thụ tinh trong ống nghiệm

Bước 1: Xét nghiệm kiểm tra sức khỏe tổng quát của hai vợ chồng

  • Người vợ: được xét nghiệm các bệnh lý như Viêm Gan, Giang Mai, HIV, xét nghiệm công thức máu, nhóm máu, đánh giá chức năng gan thận, đo điện tim, chức năng tuyến giáp.

  • Người chồng: xét nghiệm các bệnh lý như Viêm Gan, Giang Mai, HIV; xét nghiệm công thức máu, nhóm máu.

Bước 2: Kích thích buồng trứng

  • Vợ sẽ được siêu âm vào ngày 2-3 của vòng kinh để đếm số nang trứng [noãn] đầu chu kỳ, sau đó Bác sĩ sẽ định liều thuốc tiêm [liều FSH dao động từ 100-450 IU/ngày]. Quá trình tiêm thuốc kéo dài từ 9 - 12 ngày.
  • Trong quá trình tiêm thuốc, người vợ sẽ được siêu âm đếm số lượng nang noãn phát triển và đo kích thước từng nang noãn, đến khi nang đạt kích thước từ 17-18mm thì cho tiêm mũi thuốc rụng trứng.
  • Sau khi tiêm thuốc rụng trứng 36h thì sẽ tiến hành lấy trứng.

Bước 3: Quy trình lấy trứng thụ tinh trong ống nghiệm

  • Thủ thuật chọc hút trứng được thực hiện qua ngã âm đạo. Khi chọc hút trứng, người vợ được tiền gây mê [an thần nhẹ] nên sẽ không cảm thấy đau đớn. Thời gian chọc hút trứng khoảng 10 – 15 phút cho mỗi ca. Song song với thời gian đó, người chồng được lấy mẫu tinh trùng tươi hoặc rã đông mẫu tinh trùng được đông lạnh trước đó để chuẩn bị cho việc thụ tinh với trứng.
  • Sau chọc hút trứng, người vợ sẽ được nằm lại theo dõi tại bệnh viện trong vòng 2 – 4 giờ tiếp theo tùy tình trạng sức khỏe.

Bước 4: Nuôi cấy phôi

  • Tại phòng Lab, Trứng và tinh trùng được thụ tinh với nhau theo hai cách [ICSI: tiêm tinh trùng vào bào tương trứng và IVF cổ điển: trứng và tinh trùng tự thụ tinh với nhau]. Sau khi phôi được tạo thành và nuôi trong tủ cấy từ 2-5 ngày thì sẽ chuyển vào buồng tử cung của người vợ.
  • Cặp vợ chồng sẽ được thông báo về số lượng và chất lượng phôi được tạo thành bởi bác sĩ và chuyên viên phôi học. Bác sĩ sẽ thông báo Số phôi chuyển vào buồng tử cung và số phôi được trữ lạnh.

ICSI: tiêm tinh trùng vào bào tương trứng

IVF cổ điển: trứng và tinh trùng tự thụ tinh trong ống nghiệm

Bước 5: Chuyển phôi

  • Có hai trường hợp: Nếu chuyển phôi ngay trong chu kỳ kích thích buồng trứng thì gọi là chuyển phôi tươi. Nếu vì lý do nào đó [quá kích buồng trứng, nội mạc tử cung mỏng, sức khỏe chưa tốt] thì số phôi hiện có sẽ được chọn lọc những phôi có chất lượng tốt nhất để đem trữ lanh toàn bộ, sau đó người vợ sẽ được chuyển phôi vào tháng tiếp theo, qui trình này được gọi là chuyển phôi trữ lạnh.
  • Bước quan trọng là Bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm kiểm tra niêm mạc tử cung đủ độ dày cần thiết hay chưa? Nếu NMTC chất lượng tốt, hình ảnh thuận lợi cho sự làm tổ và phát triển của phôi thì sẽ tiến hành chuyển phôi vào buồng tử cung.
  • Quá trình chuyển phôi thường diễn ra nhanh chóng, kéo dài khoảng 5 đến 10 phút. Sau đó người vợ có thể ra về mà không cần nằm nằm lại theo dõi tại bệnh viện.
  • Trong thời gian 10-14 ngày [tuỳ vào tuổi phôi] sau chuyển phôi, người vợ sẽ sử dụng thuốc hỗ trợ và thử thai theo lịch hẹn.

Bước 6: Ngày thử thai

Người vợ đến tái khám để kiểm tra và thực hiện xét nghiệm máu [xét nghiệm Beta HCG] theo lịch hẹn.

  • Nồng độ Beta HCG máu >5- 25 IU/L [tuỳ máy xét nghiệm] có nghĩa là phôi đã làm tổ và người vợ đang mang thai.
  • Sau khi xét nghiệm beta hCG dương tính và siêu âm xác định sự hiện diện của túi thai, yolksac, vị trí túi thai, số phôi thai, tim thai thì người vợ sẽ được lên lịch hẹn tái khám theo dõi thai kỳ.

Nếu còn phôi trữ lạnh thì người vợ có thể chuyển phôi tiếp tục sau khi sinh con mà không cần kích thích buồng trứng lại. Tương tự, nếu thất bại với chuyển phôi mà còn phôi trữ lạnh.

Hình: Quy trình thụ tinh trong ống nghiệm [1]: lấy trứng; [2] Thụ tinh trong ống nghiệm; [3] Nuôi cấy phôi [4] Chọn lọc phôi chuyển; [5] Chuyển [cấy] phôi vào buồng tử cung

4. Tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm IVF

Có nhiều cột mốc “định nghĩa thành công” của thụ tinh trong ống nghiệm:

  • Xét nghiệm beta HCG dương tính sau khi chuyển phôi
  • Siêu âm thấy túi thai sống trong buồng tử cung lúc 6-7 tuần
  • Thai diễn tiến: tuổi thai từ 9-12 tuần
  • Thai sinh sống: bé chào đời khỏe mạnh

Tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm đã tăng theo thời gian, vào thập niên 80 tỷ lệ thành công 10%, với sự tiến bộ của khoa học thì tỷ lệ này đã cải thiện mỗi năm. Đến nay tỷ lệ thành công tăng lên 50-60% tùy vào tuổi vợ và các bệnh lý đi kèm. Tỷ lệ thành công giảm dần sau 30 và giảm nhanh sau 35 tuổi. Thêm vào đó, một số yếu tố có thể làm giảm tỷ lệ thành công bao gồm:

  • Tuổi hai vợ chồng: Đối với phụ nữ, Tuổi đóng vai trò rất quan trọng và quyết định “thành hay bại” của một chu kỳ IVF. Càng lớn tuổi số lượng và chất lượng trứng ở phụ nữ ngày càng giảm, đặc biệt sau 35 tuổi tình trạng này diễn tiến ngày một nhanh hơn và đến thời kỳ mãn kinh lúc này số lượng trứng của phụ nữ đã cạn kiệt thực sự. Ngược với phụ nữ, đàn ông có khả năng sản xuất tinh trùng đến trọn đời, tuy là vậy nhưng chất lượng tinh trùng của nam giới không duy trì tốt theo năm tháng mà giảm dần số lượng và chất lượng do tuổi, môi trường sống độc hại, thói quen uống rượu bia và hút thuốc, té chấn thương vùng bìu.
  • Bệnh lý: thường gặp là ở cơ quan sinh dục: hai vợ chồng cần kiểm tra sức khỏe tổng quát cũng như khám sức khỏe sinh sản để phát hiện các bất thường ở đường sinh dục như Lậu, Giang Mai, HIV, Lao. Bệnh lý nền của vợ như Lạc nội mạc tử cung, Đái tháo đường, Tim mạch, Cường giáp và Suy giáp, các bệnh lý này làm giảm khả năng làm tổ của phôi và tăng nguy cơ sẩy thai.
  • Dinh dưỡng: bổ sung đầy đủ các chất dinh dưỡng cần thiết như đạm từ thịt bò, thịt gà, thịt heo, cua, hàu, tôm…; bổ sung nhiều chất xơ từ rau củ quả và trái cây. Người vợ cần bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều axit folic như ngũ cốc, giá đỗ, cam, bưởi,… các loại thực phẩm nhiều omega 3 như dầu cá, dầu thực vật… Tránh sử dụng các chất kích thích như rượu bia, thuốc lá.
  • Tâm lý: điều trị IVF là một quá trình dài và mất thời gian của hai vợ chồng nên dẫn tới tăng nguy cơ Trầm cảm, Rối loạn lo âu. Để làm giảm nguy cơ này thì thói quen tập thể dục điều độ, nâng cao sức khỏe của cả hai vợ chồng cần được thực hiện thường xuyên. Luôn giữ tâm trạng vui vẻ, thoải mái.

Đội ngũ y bác sĩ chuyên môn cao, trang thiết bị hiện đại góp phần nâng cao tỷ lệ thành công của IVF

5. Cần chuẩn bị gì trước khi thực hiện thụ tinh ống nghiệm

Có 03 việc quan trọng cần chuẩn bị trước khi thực hiện quy trình thụ tinh ống nghiệm:

  1. Thông tin: Các cặp vợ chồng trước khi điều trị IVF nên tham khảo đầy đủ thông tin về quy trình điều trị, những vấn đề sẽ trải qua khi tiến hành làm. Tỷ lệ thành công thụ tinh ống nghiệm thì mỗi trung tâm hỗ trợ sinh sản sẽ khác nhau, mỗi cặp vợ chồng sẽ có tỷ lệ thành công khác nhau. Do đó các cặp vợ chồng nên tìm hiểu rõ nguyên nhân hiếm muộn của mình là gì, phác đồ điều trị, tỷ lệ thành công của mỗi chu kỳ trước khi bắt tay vô thực hiện.
  2. Thời gian và chi phí: do mỗi chu kỳ thực hiện mất 2 tuần cho kích thích buồng trứng, 2 tuần chờ thử hai và 4 tuần cho chuyển phôi trữ. Chính vì vậy, các chị nên thu xếp thời gian nghỉ ngơi hợp lý, không có đi công tác xa nhà hoặc áp lực công việc sau khi chuyển phôi. Mỗi chu kỳ thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm sẽ dao động rất nhiều giữa các cặp vợ chồng do phụ thuộc vào liều thuốc, thời gian dùng thuốc và số lượng phôi hiện có, do đó không thể so sánh chi phí của 2 cặp vợ chồng với nhau. Chi phí tổng bao gồm: thuốc, xét nghiệm, thủ thuật chọc hút trứng, trữ phôi, chuyển phôi dao động từ 70-120 triệu tuỳ nơi.
  3. Tâm lý: đây là vấn đề quan trọng vì bất kỳ cặp vợ chồng nào điều trị cũng có lo lắng, căng thẳng. Áp lực từ chi phí điều trị, thời gian thực hiện và những khó chịu trong quá trình tiêm thuốc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm trạng của các chị. Do đó, để khắc phục tình trạng này, các chuyên gia trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản khuyên nên trao đổi thông tin với bác sĩ điều trị, hỏi rõ từng vấn đề trong quy trình thực hiện, có bác sĩ tâm lý tham vấn khi bản thân các chị bắt đầu thấy có dấu hiệu căng thẳng, mệt mỏi. Hai vợ chồng nên dành thời gian tâm sự, trao đổi thông tin với nhau để hiểu những áp lực mà đối phương đang có để từ đó có giải pháp hỗ trợ cho nhau.

Tóm lại, Thụ tinh trong ống nghiệm đã có hơn 40 năm tuổi đời, với tỷ lệ thành công lúc đầu từ 10% đã tăng lên 50-60%. Quá trình thụ tinh trong ống nghiệm diễn ra ngoài cơ thể, các phôi chỉ được nuôi trong ống nghiệm từ 2-5 này và sau đó người vợ sẽ được cấy phôi vào buồng tử cung để mang thai giống như những người phụ nữ khác. Việc chuẩn bị cho quá trình thực hiện IVF rất quan trọng, các cặp vợ chồng nên tìm hiểu thông tin rõ ràng về quy trình thực hiện, tỷ lệ thành công [mỗi cặp vợ chồng là một con số khác nhau], chi phí điều trị cũng khác nhau ở từng người. Tâm lý của các chị thay đổi do áp lực của thời gian điều trị kéo dài, tốn kém chi phí và tỷ lệ thành công cao hay thấp tuỳ vào nguyên nhân hiếm muộn. Chính vì vậy, việc trong đổi thông tin giữa hai vợ chồng và vợ chồng với bác sĩ vô cùng cần thiết.

Chủ Đề