So sánh ngân hàng tư nhân

Đầu quý IV/2021, cả nước chuyển sang trạng thái "bình thường mới", các ngành như xây dựng hạ tầng, vật liệu xây dựng, năng lượng, bán lẻ, logistics… phục hồi nhanh và hưởng lợi lớn. Tuy nhiên, đáng chú ý là ngành ngân hàng giữ vai trò huyết mạch của nền kinh tế lại không được đề cập trong nhóm ngành “hưởng lợi”. Vậy các ngân hàng đã chuẩn bị tâm thế và nội lực như thế nào cho cuộc đua sắp tới, và đâu sẽ là động lực cho khối các nhà băng trong tương lai?

Cuộc đua tăng vốn để trợ lực cho hoạt động kinh doanh, quản trị rủi ro

Năm 2021 chứng kiến sự tăng vốn của nhiều ngân hàng. Từ đầu năm đến nay, NHNN đã chấp thuận cho 19 ngân hàng tăng vốn điều lệ, bao gồm các ngân hàng có vốn nhà nước như Vietcombank, VietinBank, BIDV; các ngân hàng thuộc khối tư nhân gồm SHB, VP Bank, TP Bank, OCB...

Theo nghiên cứu của Bộ phận Quan hệ nhà đầu tư (VietinBank) tổng hợp thông tin trên những báo cáo tài chính đăng công khai trên website các ngân hàng, tính đến thời điểm 30/9, VietinBank là ngân hàng dẫn đầu về vốn điều lệ với 48.058 tỷ đồng.

Theo lộ trình, chậm nhất đến 1/1/2023, các ngân hàng phải thực hiện tỉ lệ an toàn vốn (CAR) theo chuẩn Basel II được quy định tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN. Bên cạnh đó, việc tăng vốn cũng góp phần tăng cường năng lực tài chính, giúp các ngân hàng gia tăng nguồn vốn trung dài hạn để mở rộng hoạt động kinh doanh khi tỉ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn bị siết chặt theo lộ trình tại Thông tư 08/2020/TT-NHNN ngày 14/8/2020 của NHNN. Vì vậy, cuộc đua tăng vốn của các ngân hàng sẽ chưa dừng lại và còn diễn ra mạnh mẽ trong năm 2022.

So sánh ngân hàng tư nhân
So sánh giá trị giao dịch trên kênh Internet và mobile banking của các ngân hàng trong Quý II/2021 so với cùng kỳ năm ngoái

Cuộc đua chuyển đổi số và chuyển dịch cơ cấu thu nhập

Nhìn vào cơ cấu nguồn doanh thu của các ngân hàng, có thể nhận thấy rõ xu hướng chuyển dịch nguồn thu lãi truyền thống từ tín dụng như trước đây tập trung sang tăng thu nhập ngoài lãi. Điều này thể hiện qua tỉ lệ thu nhập lãi thuần/tổng thu nhập hoạt động (NII/TOI) của các ngân hàng như Vietcombank, VietinBank, Techcombank, VP Bank… có xu hướng giảm dần.

Trong các ngân hàng TMCP có vốn nhà nước, VietinBank có mức độ chuyển dịch tỉ lệ NII/TOI khá rõ khi tỉ lệ này giảm từ mức 86,9% trong năm 2020 xuống mức 79,7% trong 6 tháng đầu năm 2021. Đối với nhóm ngân hàng TMCP tư nhân, sự chuyển dịch diễn ra mạnh mẽ ở ACB, Liên Việt Post Bank, SHB… khi liên tục tăng tỉ trọng thu nhập ngoài lãi, đặc biệt là thu nhập từ hoạt động dịch vụ.

Theo báo cáo của Vụ Thanh toán (NHNN), giá trị giao dịch trên kênh internet và mobile banking của các ngân hàng trong quý II/2021 đạt 14.834 nghìn tỷ, tăng 21,3 lần so với cùng kỳ, riêng kênh mobile banking tăng 9,1 lần. Tiềm năng lớn của kênh ngân hàng số đã mở lối cho cuộc đua xu hướng thứ 2 là đầu tư công nghệ và chuyển đổi số trong khối ngân hàng - một cuộc đua marathon cả về tốc độ và quy mô.

Bên cạnh cuộc đua về xây dựng và định vị thương hiệu các sản phẩm ứng dụng ngân hàng số, tiêu biểu là VCB Digibank, VPBank NEO, VietinBank iPay, My VIB… trong ngành ngân hàng đang có một cuộc đua ngầm khác là nâng cao năng lực cốt lõi (core), công nghệ để chuẩn bị sẵn sàng với sự cạnh tranh từ các công ty fintech, và dịch vụ mobile money trong thời gian tới. Đáng chú ý, VietinBank cũng triển khai các giải pháp khai thác Big data, AI, học máy vào phân tích dữ liệu khách hàng.

Lãnh đạo VietinBank nhận định: Tìm kiếm sự “hưởng lợi” chỉ là cụm từ cho kỳ vọng ngắn hạn. Về dài hạn ngân hàng muốn phải xây dựng lợi thế cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ số hiện đại và năng lực tài chính mạnh. Đó mới chính là yếu tố mang lại sự phát triển nhanh, bền vững. Những ngân hàng có khát vọng chuyển đổi số mạnh mẽ và tận dụng thế mạnh về vốn chắc chắn sẽ có ưu thế để phát triển, bứt phá và dẫn đầu trong thời gian tới.

Theo thống kê của Công ty Chứng khoán Guotai Junan Viet Nam (IVS) trong báo cáo cập nhật ngành ngân hàng công bố mới đây, 6 tháng đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng nhìn chung được duy trì tích cực với mức tăng trung bình trên 7% tại các ngân hàng niêm yết. Lợi nhuận toàn ngành này duy trì đà tăng tích cực với mức tăng 58% so với cùng kỳ năm ngoái.

NHÓM NGÂN HÀNG TƯ NHÂN TĂNG TRƯỞNG MẠNH

Theo đó, nhóm ngân hàng tư nhân top đầu có tốc độ tăng trưởng cao nhất (khoảng 10%-12% so với đầu năm) và đã chạm trần tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước cấp trong nửa đầu năm.

Tuy nhiên, nhóm ngân hàng quốc doanh có kết quả kém tích cực nhất do ảnh hưởng tăng mạnh trích lập dự phòng. Còn nhóm ngân hàng tư nhân top trên tăng trưởng khá nhờ biên lợi nhuận NIM mở rộng và cắt giảm chi phí (MB, Techcombank, VPBank, ACB, TPBank).

Trong khi đó, nhóm ngân hàng tư nhân nhỏ hơn (như Viet Capital Bank, Kienlongbank) tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất nhờ một số khoản thu nhập bất thường hoặc/và giảm mạnh chi phí dự phòng.

Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng, ngoại trừ số ít một số ngân hàng như VPBank, HDBank, kết quả quý 2/2020 của nhiều ngân hàng không khả quan đã tạo nền so sánh thấp, là tiền đề cho tăng trưởng cao trong nửa đầu năm nay.

Theo nhận định của IVS, do ảnh hưởng kéo dài của dịch bệnh, kết quả kinh doanh quý 3/2021 của toàn ngành sẽ có phần chững lại.

Đồng thời, với kỳ vọng dịch bệnh sẽ sớm được kiểm soát tại thời điểm đầu tháng 9 cùng tiến độ tiêm vaccine được đẩy mạnh, IVS dự đoán ngành ngân hàng sẽ có quãng bứt tốc cùng mùa cao điểm trong quý 4 giúp tốc độ tăng trưởng tín dụng toàn nền tinh tế đạt 9%-10% cho cả năm 2021. Trong đó, khối ngân hàng tư nhân niêm yết tăng trưởng tín dụng trung bình 15%.

LỢI NHUẬN TIẾP TỤC PHÂN HOÁ

Về mặt lợi nhuận, chuyên gia của IVS cho rằng sẽ tiếp tục có sự phân hóa giữa các nhóm ngân hàng quốc doanh, nhóm ngân hàng tư nhân dẫn đầu và nhóm ngân hàng tư nhân nhỏ.

Cụ thể, quy mô nhỏ cùng tập khách hàng tập trung giúp nhóm ngân hàng tư nhân nhỏ dễ dàng mở rộng quy mô tín dụng so với tổng tài sản và do đó đạt tốc độ tăng trưởng ấn tượng.

Ngược lại, nhóm ngân hàng quốc doanh lại là nhóm chịu áp lực từ nhiều phía, như: đẩy mạnh hỗ trợ khách hàng và giảm lãi suất theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; các khách hàng lớn, số lượng nhiều và chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh khiến nguy cơ nợ xấu tăng cao; sự kém linh động hơn về số hóa, độ phủ chi nhánh lớn khiến chi phí hoạt động vẫn ở mức cao; biến động nhân sự tại VietinBank hay Vietcombank cũng sẽ đến sự thay đổi về chiến lược/quan điểm tiếp cận rủi ro của ngân hàng.

Trong khi đó, các ngân hàng tư nhân có số dư nợ khoảng 200.000-400.000 tỷ đồng như Techcombank, MB, VPBank, VIB, Sacombank cũng có sự phân hóa nhất định.

Theo IVS, Techcombank và MB có triển vọng sáng hơn nhờ cải thiện được chất lượng tài sản cùng hiệu quả hoạt động kinh doanh. Phân khúc hoạt động cũng bền vững, ít chịu ảnh hưởng ngắn hạn hơn so với VPBank khi nhiều khách hàng của ngân hàng cũng như FE Credit chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh.

IVS dự báo biên lợi nhuận NIM nửa cuối năm 2021 dự kiến giảm trung bình 0,2-0,3 điểm phần trăm do các gói hỗ trợ cắt giảm lãi suất cùng với dư địa giảm chi phí huy động không còn nhiều.

Ở khía cạnh dự phòng, chi phí dự phòng của các ngân hàng, đặc biệt các ngân hàng lớn vẫn đang duy trì nền cao và tăng trích lập cho các khoản nợ xấu phát sinh cũng như trích lập theo lộ trình Thông tư 03.

"Với những gì đang diễn ra đến thời điểm hiện tại, một số ngân hàng sẽ phải tăng trích lập dự phòng trong thời gian tới do nợ xấu phát sinh, hoạt động kinh doanh tiêu dùng bị ảnh hưởng do dịch bệnh kéo dài", chuyên gia của IVS nêu quan điểm.

Nhìn về triển vọng trung và dài hạn, IVS kỳ vọng tích cực hơn trong năm 2022 khi kinh tế Việt Nam có thể hồi phục sau đợt dịch này, đặc biệt sau khi phần lớn dân số đã được tiêm vaccine và kỳ vọng vào mức miễn dịch cộng đồng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng theo đó được kỳ vọng ở mức 14% nhờ hồi phục các hoạt động kinh doanh, tiêu dùng.

"Yếu tố chính sách là một trong những nhân tố chính khiến chúng tôi giữ quan điểm tích cực về ngành ngân hàng. Kể từ năm 2020, Thông tư 01/2020 đã được ban hành nhằm hỗ trợ tối đa các ngân hàng cũng như khách hàng. Các chỉ đạo về cắt giảm lãi suất hay sửa đổi Thông tư 01/2020 bằng Thông tư 03/2021, xuyên suốt 2 năm giúp các ngân hàng “dễ thở” hơn trong hoạt động xử lý nợ xấu đột ngột tăng cao", IVS lưu ý.

Trong bối cảnh dịch bệnh rất khó kiểm soát tốt và kinh tế hoạt động cầm chừng như hiện tại, IVS cho rằng Ngân hàng Nhà nước sẽ nâng mặt bằng lãi suất kể từ năm 2023 trong kịch bản tích cực khi Covid-19 đã được kiểm soát tốt trên toàn cầu cũng như Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng.

"Với những đánh giá nêu trên, chúng tôi duy trì xếp hạng “Tích cực” với ngành ngân hàng. Về ý tưởng đầu tư trong 6-18 tháng tới, chúng tôi quan tâm đến các cổ phiếu có triển vọng kinh doanh tích cực, mô hình kinh doanh hiệu quả, chất lượng tài sản ở mức tốt với tỷ lệ bảo phủ nợ xấu cao. Theo đó, một số cổ phiếu được lựa chọn là TCB, MBB, CTG và VCB", phía IVS khuyến nghị.