Phật giáo theravada là gì

1] Phật giáo Nguyên Thủy – Theravāda là gì?

Phật giáo Nguyên Thủy – Theravāda là trường phái Phật giáo tiếp nhận giáo lý kinh điển từ Tipiṭaka [kho tàng Tam tạng Thánh Điển Pāḷi], hay còn được coi là học thuyết của các bậc Trưởng lão.

Tipiṭaka - kho tàng Thánh Điển Pāḷi được các học giả công nhận rằng: đây là phần chứng tích còn lưu lại những ghi chép chân thực nhất về các lời dạy ban đầu của Đức Phật. Trong nhiều thế kỷ, Theravāda đã là trường phái Phật giáo thống trị tại các quốc gia Phương Đông như Thái Lan [Thailand], Miến Điện [Myanmar/Burma], Cambodia, Lào [Laos] và Tích Lan [Sri Lanka]. Ngày nay số tín đồ Phật giáo Theravāda lên đến con số trên 150 triệu [số liệu cập nhật tháng 3 năm 2017] [1]  trên toàn thế giới. Đặc biệt, trong những thập kỷ qua Theravāda đã bắt đầu bám rễ và phát triển sâu rộng ở Phương Tây.

Phật giáo Nguyên Thuỷ – Theravāda được truyền thừa và phát triển ngay từ sau khi Đức Phật tổ Gautama viên tịch. Sự truyền thừa này được các sử gia thừa nhận là không bị gián đoạn. Điểm cốt lõi hay tính ưu việt của Phật giáo Nguyên Thuỷ – Theravāda là việc truyền bá có sự hòa hợp nhưng không hòa tan. Theravāda dẫu có được truyền thừa đến bất kỳ quốc gia nào thì vẫn giữ nguyên đặc tính giáo lý đặc thù, không đồng hóa mà cũng chẳng dị biệt.

Các tín đồ Phật giáo Nguyên Thuỷ – Theravāda tuân thủ nghiêm ngặt những tôn chỉ – giáo pháp và giới luật được tin rằng do Đức Thế Tôn đề ra. Giáo pháp hay Giới Luật [Dhamma

- Vinaya] là các “phương tiện” hỗ trợ nhằm thực hành cũng như giữ gìn Pháp. Các Pháp được vận hành và lưu truyền cho đến ngày nay nhờ vào các tăng đoàn Tỳ khưu, Tỳ khưu ni được thành lập và phát triển từ thời Đức Phật.

Đặc tính chung của Phật giáo Nguyên Thuỷ – Theravāda ở mọi quốc gia là tụng kinh bằng tiếng Pāḷi và tiếng bản ngữ; tu hành y cứ theo thánh điển Pāḷi; tam y và bình bát là tài sản của bậc xuất gia; chỉ ăn ngày một buổi, không ăn phi thời.

2] Trường phái Phật giáo Nguyên Thủy – Theravāda ra đời vì lý do gì?

Khoảng 100 năm sau khi Đức Phật viên tịch, có sự bất đồng ý kiến về giới luật, nên Tăng chúng chia làm hai nhóm họp riêng ở hai thành Vesālī và Vajji. Nhóm họp ở Vesālī, do ngài Yassa triệu tập 700 vị A La Hán, dưới quyền chủ tọa của Trưởng lão Revata và tất cả đồng ý không sửa đổi giới luật của Đức Phật. Trong khi đó, Tăng sĩ của thành Vajji họp dưới quyền chủ Tọa của Đại đức Vajjiputta lại chấp nhận sửa đổi 10 điều luật Đức Phật cấm không được làm.2

Do đó, kết tập Tam tạng lần thứ hai chỉ đặt trọng tâm vào việc giải quyết giới luật mà thôi. Phái Ngài Yassa triệu tập và giữ đúng giới luật của Đức Phật thì gọi là Trưởng lão; Phật giáo Thượng Tọa Bộ; Phật giáo Nguyên Thủy – Theravāda; Phật giáo Nguyên Thủy; Phật giáo Theravāda; hay còn được gọi là Phật giáo Nam Tông [do được truyền thừa từ phương Nam và thống trị ở các quốc gia Nam Á]. Phái do Ngài Vajjiputta sửa đổi 10 điều luật của Đức Phật thì gọi là phái Phật giáo Mahāsaṃghika; Phật giáo Tiến Thủ; Phật giáo Đại Chúng Bộ; hay còn gọi là Phật giáo Bắc Tông [do được truyền thừa từ phương Bắc, từ Ấn Độ vào các quốc gia như Trung Quốc, Tây Tạng, Triều Tiên].

Từ vị trí địa lý của 2 nhóm họp này, Phật giáo Nguyên Thủy – Theravāda lấy Miền Bắc Ấn Độ làm trung tâm để truyền đạo, còn Phật giáo Mahāsaṃghika lấy trung Ấn Độ làm trung tâm truyền đạo. Mãi cho đến thế kỷ thứ 3 trước Công Nguyên – thời kỳ vàng son cực thịnh của Phật giáo Nguyên Thủy – Theravāda, Đức vua DhammaAsoka và Trưởng lão Tissa mới gởi 9 phái đoàn Phật giáo Nguyên Thủy – Theravāda lên đường sang các xứ lân cận để hoằng đạo.

Riêng vị A La Hán Mahinda, 4 vị Trưởng lão và Sumana cùng một cận sự nam A Na Hàm Bhanduka dùng thần thông bay qua hư không đáp xuống ngọn núi khả ái Missaka, trên đỉnh núi Sīka nằm giữa vùng đất xinh đẹp Ambatthala [Sri Lanka hiện nay] và cứ thế Phật giáo Nguyên Thủy – Theravāda phát triển một cách cực kỳ nhanh và mạnh ở Sri Lanka, Châu Á, cùng Đông Nam Châu Á.

3] Pāḷi là ngôn ngữ chủ đạo trong kinh điển của Phật giáo Nguyên Thủy – Theravāda

Ngôn ngữ của các văn bản kinh điển Theravāda là tiếng Pāḷi. Đại đức Ānanda, thị giả của Đức Phật ghi nhớ các bài thuyết pháp [Suttas] của Đức Phật. Không lâu sau khi Đức Phật viên tịch [ca. 480 trước CN], 500 Trưởng lão – trong đó có Ngài Ānanda tiến hành kết tập tất cả các bài pháp mà các ngài đã nghe trong suốt 45 năm hành đạo của Đức Phật. Do đó, hầu hết các bài pháp đều bắt đầu với lời dẫn: Như vầy tôi nghe, [Evam me sutam,].

Sau khi Đức Phật viên tịch, lời dạy của Ngài tiếp tục được truyền miệng trong cộng đồng tăng lữ, giữ theo truyền thống truyền miệng có từ lâu trước thời Đức Phật. Đến khoảng 250 trước CN, tăng chúng đã sắp xếp hệ thống và biên soạn những lời dạy này thành ba phần: Tạng Luật

– Vinaya Pitaka [các luật lệ liên quan đến tập tục và giới luật của tăng chúng, gồm có 5 bộ], Tạng Kinh – Sutta Pitaka [các bài thuyết pháp, lời khuyên dạy của Đức Phật cho các Đại đệ tử của ngài, gồm có 5 bộ], và Tạng Luận [Vi Diệu Pháp] – Abhidhamma Pitaka [các học thuyết đặc biệt / một phân tích tâm lý, triết học của Giáo Pháp, gồm có 7 bộ]. Cả ba gộp lại được gọi là Tam Tạng Thánh Điển – Tipitaka.

Vào thế kỷ thứ ba trước CN, các nhà sư Ấn Độ và Sri Lanka kế thừa Đức Phật và các bậc thánh bắt đầu thực hiện biên soạn hàng loạt các bản chú giải về Tam Tạng; những bản chú giải này

được tập hợp và dịch sang tiếng Pāḷi bắt đầu từ thế kỷ thứ 5 trước CN. Tam Tạng cùng với các phụ chú giải [các bản chú giải, biên niên v.v] tất cả hợp thành toàn bộ kho tàng giáo lý Nguyên Thủy - Theravāda.

Tiếng Pāḷi: theo Mahavaṃsa, tiếng Pali là ngôn ngữ vương quốc Ma Kiệt Đà [Magadha], đây là một trong mười sáu nước cộng hòa thời đức Phật. Vương quốc Ma Kiệt Đà vô cùng rộng lớn và nổi tiếng, địa bàn hoạt động của Phật giáo phần lớn nằm trên vương quốc này. Kỳ kết tập kinh điển lần thứ nhất và lần thứ ba cũng diễn ra trên vương quốc này, nhưng địa danh và tên gọi thì khác nhau. Thời nhà vua Asoka, ông thống nhất toàn cõi Ấn Độ và lấy ngôn ngữ Ma Kiệt Đà làm quốc ngữ trong suốt triều đại của ông. Theo các nhà nghiên cứu, Tiếng Pāḷi khởi nguyên là ngôn ngữ không có hệ thống mẫu tự riêng. Mãi cho đến khoảng năm 100 trước CN, lần đầu tiên, Thánh Điển Tam Tạng mới được cố định bằng chữ viết, do các vị Tăng sĩ đã viết chữ Pāḷi bằng cách dùng các mẫu tự Sinhala của họ. Từ đó, Thánh Điển Tam Tạng đã được chuyển ngữ sang nhiều loại chữ viết [như Devanagari, Thai, Burmese, Roman, Cyrillic. v.v]. Mặc dù các bản dịch tiếng Anh tràn ngập, nhiều người nghiên cứu Phật giáo Nguyên Thủy – Theravāda thấy rằng việc học tiếng Pāḷi, cho dù nghiên cứu chưa chuyên sâu, cũng làm cho sự thấu hiểu của họ về giáo lý của Đức Phật được sâu rộng hơn rất nhều.

Không ai có thể minh chứng rằng, Thánh Điển Tam Tạng có chứa bất cứ một từ nào, thật sự được thốt ra từ Đức Phật trong lịch sử. Các phật tử tu học theo giáo lý của Đức Phật không hề cho đây là vấn đề. Không giống như kinh điển của các tôn giáo lớn trên thế giới, Ngôn ngữ Tam Tạng không được coi là thánh kinh, như là sự khẳng định không sai lầm về chân lý thiêng liêng, do một đấng tiên tri khải ngộ, phải được chấp nhận bằng đức tin thuần túy. Giáo lý của Đức Phật nhắm tới sự được thẩm định trước tiên, được thực hành trong cuộc sống của mình cho nên người ta phải tự phát hiện xem các giáo lý ấy, thực ra, có đem lại các kết quả mong đợi không. Chính chân lý mà ngôn ngữ trong Tam Tạng Kinh Điển chỉ dạy mới là tối quan trọng, chứ không phải chính bản thân ngôn ngữ. Dù rằng các học giả sẽ tiếp tục bàn cãi về nguốn gốc của những phần trong Tam Tạng Kinh Điển trong nhiều năm sắp tới [và như vậy hoàn toàn đánh mất cốt lõi của giáo lý], Tam Tạng Kinh Điển sẽ âm thầm tiếp tục phục vụ – như chúng đã từng trong bao thế kỷ – như là sự hướng đạo không thể thiếu được cho hàng triệu tín đồ trong việc mưu cầu Giác ngộ.

 

4] Học thuyết cốt lõi của Phật giáo Nguyên Thủy – Theravāda

Tứ Thánh Đế

Không lâu sau khi Giác ngộ, Đức Phật giảng bài pháp đầu tiên, trong đó Ngài trình bày cơ cấu chủ yếu làm cơ sở cho các giáo lý của Ngài về sau. Cơ cấu đó bao gồm Bốn Chân Lý cao thượng, bốn nguyên tắc nền tảng của bản chất Pháp [Dhamma] phát sinh từ sự đánh giá thấu đạt và chân thật tận cùng cội rễ điều kiện của con người. Ngài dạy các chân lý này không phải với tư cách các lý thuyết siêu hình hoặc như là những bài luận về đức tin, mà là các phạm trù nên chúng ta phải luôn thể nghiệm trực tiếp của chúng ta theo cách hỗ trợ cho sự Giác ngộ:

  1. Khổ Thánh Đế: khổ, sự không hài lòng, không thỏa mãn, áp lực căng thẳng [stress]; sanh, già, bệnh, chết ..v...
  2. Tập Khổ Thánh Đế: nguyên nhân của sự không thoả mãn này là sự ham muốn [tanha] nhục cảm, muốn trở thành, muốn không trở thành;
  3. Diệt Khổ Thánh Đế: từ bỏ ham muốn; diệt ái.
  4. Đạo diệt khổ thánh đế: Bát Chánh Đạo: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, Chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định.

Bởi vì vô minh [avijja] - không biết được Tứ Thánh Đế, bởi vì không hiểu đối với thế giới quan đúng đắn, chúng ta mãi bị buộc ràng vào vòng luân hồi [samsara], với sinh, lão, bệnh, tử, và tái sinh. Tham dục là động cơ thúc đẩy tiến trình này tiến lên, từ sát na này tới sát na khác và qua chu trình của vô vàn sinh mệnh, tuỳ theo nghiệp [kamma], qui luật phổ quát của nhân quả. Theo qui luật bất biến này, mỗi hành động mà người ta làm ở phút giây hiện tại – dù là do thân, khẩu hay ý – cuối cùng sẽ kết quả tuỳ theo sự khôn khéo của nó: bất thiện nghiệp cho quả khổ đau, thiện nghiệp đưa đến quả an vui. Khi nào ta còn không biết đến qui luật này, ta nhất định sống lông bông vô phương hướng: lúc thì hạnh phúc, lúc lại khổ đau; một đời trên thiên đàng, kiếp sau lại rơi vào điạ ngục.

Đức Phật phát hiện ra rằng việc thoát khỏi luân hồi cần được giao cho mỗi Thánh Đế một nhiệm vụ cụ thể: Thánh đế thứ nhất phải được thấu hiểu, thứ hai: xả bỏ, thứ ba: thực hiện, thứ tư: phát triển. Thực hiện viên mãn Thánh Đế thứ ba dọn đường cho sự Giác ngộ: chấm dứt vô minh, tham, khổ, và nghiệp; trực nhập vào tự do tuyệt diệu và hạnh phúc siêu phàm như là đích cuối cùng cho mọi giáo lý của Đức Phật: Tự do, Tự tại, Bất tử, Niết bàn [Nibban].

Bát Chánh Đạo và thực hành Pháp

Bởi vì cội rễ của vô minh xoắn xuýt mật thiết với mạng tâm lý chằn chịt, tâm vô minh có thể tự đánh lừa mình với sự khéo léo đáng kinh ngạc. Do đó mà giải pháp cần hơn là tử tế, quan tâm, yêu thương đơn thuần ở giây phút hiện tại. Hành giả phải tự trang bị cho mình kỹ năng cần thiết để sử dụng đa dạng các công cụ để có thể khôn ngoan hơn, bền bỉ hơn và cuối cùng bứng gốc các xu hướng bất thiện của tâm. Chẳng hạn như: thực hành pháp bố thí [dāna], lần lần gạt bỏ thói quen của tâm hướng về sự tham lam và dạy những bài học vô giá về các động cơ bên trong, và kết quả của hành động thiện; thực hành pháp trì giới [śīla], giữ cho ta khỏi lạc đường và rơi vào đường quấy. Nuôi dưỡng tâm từ [maitrī], thiện ý tâm từ giúp phá tan sự lôi kéo, quyến rũ của sân hận. Mười pháp tùy niệm giúp giảm bớt nghi tình, cam chiụ khổ đau xác thịt, duy trì lòng tự trọng, khắc phục sự lười biếng, tự mãn, giữ mình khỏi tham dục không kềm chế.

Các phẩm hạnh tốt đẹp xuất hiện và chín muồi từ những công phu này không những làm cho con đường đến Niết bàn của hành giả được phẳng phiu; mà qua thời gian chúng còn có ảnh hưởng chuyển hoá hành giả thành một thành viên rộng lượng, giàu lòng yêu thương, hỉ xả, trầm tĩnh, và có đầu óc trong sáng hơn. Sự theo đuổi Giác ngộ là món quà vô giá.

Trí huệ [paññā]

Bát Chánh Đạo tốt nhất được hiểu như là một tập hợp các phẩm chất cá nhân cần tu dưỡng, phát triển, hơn là một chuỗi các bước xếp thứ tự tuyến tính. Sự phát triển chính kiến, và chính tư duy [các yếu tố được xác định đồng nhất với trí huệ và sự chiếu kiến] tạo điều kiện cho sự phát triển của chính ngữ, chính nghiệp, và chính mạng [các yếu tố đạo đức]. Khi đức hạnh phát triển thì các yếu tố đồng nhất với định [chính tinh tấn, chính niệm, và chính định]. Cũng như thế khi chính định viên mãn, trí huệ tiến hoá vào mức càng sâu hơn. Và như thế tiến trình mở ra: sự phát triển của một yếu tố thúc đẩy sự phát triển của yếu tố tiếp theo, nâng hành giả cao lên trên con đường của sự viên mãn tinh thần và cuối cùng đạt đến đỉnh cao Giác ngộ.

Con đường tỉnh thức dẫn đến Giác ngộ bắt đầu với nỗ lực thứ nhất là hành động trong chính kiến – nhận thức giúp mình định được giá trị của Tứ Thánh Đế và nguyên lý của nghiệp. Con người bắt đầu nhận ra rằng hạnh phúc tương lai của mình không phải do số phận tiền định, mà cũng không phải phó mặc cho đấng thiêng liêng hay may rủi. Trách nhiệm cho hạnh phúc của con người nằm trên chính đôi vai của họ. Biết được điều này, các xu hướng của tâm sẽ nghiêng về các xu hướng giác ngộ.

Vào điểm này, các tín đồ tự tâm phát nguyện nhập tâm giáo lý của Phật, trở thành Phật tử bằng việc qui y Tam Bảo [Triple Gem]: PHẬT [Buddha], PHÁP [Dhamma], và TĂNG [Sangha]. Với đôi chân trụ vững trên nền chắc chắn, với sự giúp đỡ của các thiện hữu hoặc các bậc thầy đáng kính hướng đạo, hành giả giờ đây đã được trang bị đầy đủ để tinh tấn trên đường Đạo, dõi theo bước chân của chính Đức Phật.

Giới luật [Sīla]

Chính kiến, chính tư duy tiếp tục chín muồi qua sự phát triển các nhân tố của con đường liên quan đến giới luật [śīla], đức hạnh – cụ thể là, chính ngữ, chính nghiệp và chính mạng. Tất cả những điều này súc tích dưới hình thức rất cụ thể, thực tiễn là ngũ giới, qui định nền tảng ứng xử đạo đức mà mỗi Phật tử tu Phật phải tuân giữ: không sát sinh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối và không sử dụng chất độc hại [rượu, ma tuý]. Ngay cả giới luật phức tạp của Tỳ khưu gồm 227 giới và Tỳ khưu ni 311 giới cũng tựu trung có năm giới cơ bản này làm nòng cốt.

Định [samadhi]

Đã trụ vững trong sự thanh lọc của các hành vi hướng ngoại thông qua việc giữ gìn giới luật, nền móng thiết yếu đã được đặt cho việc tiến sâu vào các khía cạnh vi tế, chuyển hoá của đạo: thiền định và sự phát triển của định. Điều này được chi tiết hoá thành ba yếu tố cuối cùng của đạo: chính tinh tấn, theo đó hành giả học được cách ưu tiên cho các phẩm chất tinh nhuệ hơn là các phẩm chất vụng về; chính niệm, theo đó hành giả học cách giữ cho sự chú ý của mình liên tục bám vào thể nghiệm phút giây hiện tại; và chính định, theo đó hành giả học cách hoà tâm trọn vẹn và không xao động trong mục tiêu thiền định của mình để đi vào các cảnh thiền, một loạt các trạng thái tiến dần sâu hơn của sự tịch tịnh thân tâm.

Chính niệm và chính định được phát triển nối đuôi thông qua niệm xứ – satipatthana [trạng thái của sự minh sát hay là nền tảng của định], một phương pháp có tính hệ thống để thực hành thiền quán xuyên các kỹ năng và kỹ thuật đa dạng. Trong số các luyện tập này, niệm thân - mindfulness of the body [đặc biệt là tức niệm [niệm hơi thở] - mindfulness of breathing đặc biệt có hiệu quả trong việc mang lại sự quân bình của hai phẩm chất song sinh là tịch tịnh [samatha] và quán chiếu [vipassana], hay là minh kiến thông qua việc luyện tập kiên trì, hành giả trở nên thuần thục trong việc kết hợp công lực của samatha - vipassana để thực hiện khám phá bản chất của tâm và thân. Khi hành giả làm chủ được khả năng luôn dẫn sự thể nghiệm tức thì của mình về anicca [vô thường], dukkha [khổ] và anata [vô ngã], ngay cả sự thể hiện vi tế nhất của ba đặc điểm thể nghiệm này cũng mang lại sự tập trung sắc bén vô song. Đồng thời, nguồn gốc của khổ [dukkha] - tham - bị phơi bày không thương tiếc dưới ánh sáng của sự thức tỉnh. Cuối cùng tham không còn nơi ẩn náu, toàn bộ tiến trình nghiệp thêu dệt nên khổ bị tháo tung, Bát Chánh Đạo đạt điểm đỉnh, và hành giả đạt, vĩnh viễn, ánh sáng bất chợt của cái không bị qui định buộc ràng – Niết bàn [Nibbana].

Giác ngộ

Sự thể nghiệm bừng sáng đầu tiên này, được biết đến như là đắc quả vị nhập lưu - stream-entry [sotapatti], là một trong bốn giai đoạn tuần tự của Giác ngộ, mỗi giai đoạn kéo theo sự cởi bỏ hay làm yếu đi các ách phược - fetters [samyojana], sự thể hiện của vô minh ràng buộc con người trong vòng luân hồi sinh tử. Nhập lưu đánh dấu một bước ngoặt bất ngờ và triệt để trong kiếp sống hiện tại của hành giả và trong toàn bộ cuộc hành trình đằng đẵng trong luân hồi của mình. Vì chính vào thời điểm này bất cứ nghi tình còn vương vấn nào về chân lý của giaó lý của Phật đều biến mất; chính vào thời điểm này bất cứ niềm tin nào vào hiệu quả thanh lọc của các nghi thức lễ nghi cũng tan biến; và chính vào lúc này những khái niệm từng được ấp yêu về cái tôi chứa đựng cá thể tiêu tan. Người đắc quả vị nhập - lưu cho là được bảo đảm không còn rơi vào vòng tái sinh tám lần trong tương lai [tất cả chúng tan biến] trước khi Viên Ngộ.

Nhưng Giác ngộ viên mãn vẫn là con đường dài phía trước. Khi hành giả dấn bước với lòng kiên định mới, hành giả vượt qua hai cột mốc có ý nghiã hơn: quả vị Nhất Lai [sakadagati], được kèm theo sự suy yếu các triền phược ham muốn cảm quan và tà ý, và quả vị Bất Lai, không tái sanh [agati], theo đó các triền phược đều bị bứng tận gốc rễ.

Giai đoạn cuối cũng của Giác ngộ, quả vị A-la-hán, xuất hiện khi ngay cả các mức độ tham dục và bản ngã tinh tế nhất bị quét sạch không bao giờ trở lại. Vào lúc này, hành giả, bây giờ đã là một bậc A-la-hán, hay là người-xứng-đáng, đi đến điểm cuối của giáo lý của Đức Phật. Với vô minh, khổ, áp lực căng thẳng, và tái sinh tất cả đều chấm dứt, vị A-la-hán bây giờ có thể phát lên tiếng kêu chiến thắng mà Đức Phật đã công bố khi Giác ngộ: Sanh đã tận, Phạm hạnh đã thành, những gì nên làm đã làm, sau đời này sẽ không có đời sống khác nữa.3

Vị A-la-hán sống nốt quảng đời còn lại tự tại hưởng ân sủng của Niết Bàn, bảo đảm vĩnh viễn không còn tái sinh. Khi dòng nghiệp vô tận trong quá khứ của A-la-hán cuối cùng chấm dứt, A-la-hán lâm chung và vào Niết Bàn [patinibbana] – cõi hoàn toàn Không buộc ràng. Dù rằng ngôn ngữ bất lực trong việc diễn tả sự kiện phi thường này, Đức Phật so sánh nó với điều xảy ra khi ngọn lửa cuối cùng đã tiêu thụ hết nhiên liệu của nó.

Thật sự mưu tìm hạnh phúc

Đạo Phật đôi khi bị phê phán một cách thẳng thắn là một tôn giáo và triết học tiêu cực hoặc bi quan. Quả thật cuộc đời không chỉ là khổ đau hay bất mãn: đời mang lại nhiều hạnh phúc và niềm vui cao cả. Thế thì tại sao người Phật tử lại bị ám ảnh bởi với những bất mãn và khổ?

Đức Phật đặt nền tảng giáo lý của ngài trên sự đánh giá thẳng thắn cảnh ngộ của con người chúng ta: có sự bất mãn và khổ trên thế gian. Không ai có thể cãi lại sự thật này. Khổ ẩn náu đằng sau ngay cả những hình thức cao nhất của những hoan lạc trần thế, bởi vì, sớm hay muộn, chắc chắn sau ngày là đêm, hạnh phúc ấy phải chấm dứt.

Nếu như giáo lý của Đức Phật kết thúc ngay tại chỗ ấy, thì chúng ta có thể cho là chúng thật sự là bi quan và cuộc sống vì thế là tuyệt vọng. Nhưng, như một bác sĩ kê đơn phương thuốc điều trị cho một bệnh nhân, Đức Phật đưa ra cả niềm hy vọng [Thánh Đế thứ ba – third Noble Truth] và cách điều trị [Thánh Đế thứ tư – fourth].

Giáo lý của Phật do đó đem lại niềm lạc quan, hoan hỉ vô song. Giáo lý như là phần thưởng hạnh phúc chân thật nhất, cao cả nhất, và đem lại giá trị và ý nghĩa sâu xa cho một sinh linh hữu hạn khổ đau nếu như không có giáo lý. Một bậc thầy hiện đại đã tóm tắt rất hay: “Phật giáo là thật sự mưu tìm hạnh phúc”.

Friday September 24, 2021

Video liên quan

Chủ Đề