Nguyên nhân gây ô nhiễm ở hà nội

Sáng 11/12, phiên chất vấn tại kì họp HĐND TP Hà Nội nóng bỏng với vấn đề ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hầu hết các đại biểu đều quan tâm đến thực trạng ô nhiễm, nguyên nhân và các giải pháp sắp tới của thành phố về vấn đề này.

Gần đây, dư luận xã hội nói chung rất quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người dân. Trả lời câu hỏi của các đại biểu về nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường của Hà Nội, ông Vũ Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND thành phố cho biết: Hiện nay Hà Nội có nhiều cụm công nghiệp, làng nghề trên địa bàn thành phố [trong tổng số 9 khu, cụm công nghiệp cũ, 10 khu công nghiệp tập trung mới, 25 cụm công nghiệp vừa và nhỏ và 1270 làng nghề] vẫn đang sử dụng công nghệ cũ lạc hậu, không áp dụng đầy đủ các biện pháp giảm thiểu khí thải… Ngoài ra, tại các khu vực nông thôn vẫn đốt rác, đốt rơm rạ sau mùa thu hoạch, sản xuất gạch, ngói, nung vôi theo phương pháp thủ công.

Về nguyên nhân gây ô nhiễm nước hồ, ông Khanh cho rằng hiện nay lưu lượng nước thải chảy vào hồ đã vượt quá khả năng tự làm sạch dẫn đến sự suy thoái chất lượng nước và làm tăng trầm tích trong hồ. Nguồn nước thải từ các khu công nghiệp, làng nghề, khu dân cư đều không được xử lý theo đúng quy định, và chưa đạt tiêu chuẩn trước khi xả thải ra các sông, hồ. Chỉ có 1/10 khu công nghiệp tập trung mới [khu công nghiệp Thăng Long], 2/25 cụm công nghiệp [Ngọc Hồi, Phùng Xá] có hệ thống xử lý nước thải, công nghiệp tập trung. Tổng lượng nước thải công nghiệp được xử lý mới chỉ đạt 20-30%. Chỉ có 19/37 bệnh viện được kiểm tra có hệ thống xử lý nước thải, trong khi đó Hà Nội có tới 110 bệnh viện.

Ô nhiễm môi trường nghiêm trọng

Việc xử lý nước thải của Hà Nội mới chỉ đạt 480.500m3/ngày đêm trên tổng số 800.000m3 thải ra một ngày đêm. Trong khi đó, nước mặt bị nhiễm bẩn không được xử lý thẩm thấu xuống các tầng chứa nước mặt bị ô nhiễm từ trên có nguy cơ xâm nhập mạnh hơn xuống các tầng chứa nước. Hoạt động sản xuất nông nghiệp [sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật…] thẩm thấu xuống đất khiến cho nguy cơ rủi ro nước dưới đất bị ô nhiễm cao. Việc khoan quá nhiều các lỗ giếng khoan khai thác nước và thăm dò địa chất và khoan trong hoạt động xây dựng đã chọc thủng tầng chứa nước, khi sử dụng xong không trám lấp lại tạo nguy cơ cho các chất gây ô nhiễm xâm nhập. Hiện tượng đổ đất lấn chiếm và vứt rác xuống sông, hồ vẫn chưa được ngăn chặn và xử lý kiên quyết.

Thêm một nguyên nhân nữa là năng lực thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố còn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế. Công tác xử lý, tiêu hủy, tái chế chất thải rắn hiện tại chủ yếu vẫn dựa vào chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi rác Nam Sơn [Sóc Sơn], Kiêu Kỵ [Gia Lâm]…

ô nhiễm không khí tại hà nội

Ông Khanh cũng không quên nhắc đến một nguyên nhân không kém phần quan trọng là hoạt động thanh tra đối với các cơ sở gây ô nhiễm chưa được triệt để, chế tài xử phạt chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe các trường hợp vi phạm.

Thực trạng ô nhiễm đã rõ, nguyên nhân cũng đã được chỉ ra, nhưng việc khắc phục nó như thế nào là điều mà các đại biểu hết sức quan tâm. Đại biểu Nguyễn Hoài Nam cho rằng, sự quan tâm đến vấn đề môi trường của UBND TP thời gian qua là chưa đúng mức và chưa chủ động. Ông Nam thắc mắc: Xây dựng các KCN tập trung, cụm công nghiệp làng nghề, ngoài giải quyết việc làm còn có mục tiêu bảo vệ môi trường, Vậy khi phê duyệt các dự án này, cơ quan nào chịu trách nhiệm?

Phó chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh khẳng định, từ khi có luật bảo vệ môi trường, quá trình lập dự án KCN, làng nghề đều có đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, do các dự án thực hiện cam kết chưa nghiêm túc, cơ quan có trách nhiệm xử lý có kiểm tra và xử lý nhưng nhiều nơi làm chưa tốt. Theo ông Khanh, trách nhiệm này thuộc về BQL dự án vì thành phố đã giao trách nhiệm cho các BQL.

Về ô nhiễm tại các làng nghề, ông Khanh cho biết một số cơ sở đã bị phạt tiền, có những cơ sở đang cho lập hồ sơ và có những cơ sở không loại trừ khả năng tước chứng nhận về môi trường và có thể xử lý nặng hơn.

Cùng chung ý kiến với đại biểu Nam, đại biểu Nguyễn Văn Bảo cho rằng tới đây khi tiếp tục phát triển các khu công nghiêp, các dự án thì khi phê duyệt, UBND TP cần quan tâm thẩm định môi trường.
Trả lời chất vấn của đại biểu Phạm Thị Loan về chủ trương và kế hoạch của thành phố trong vấn đề xử lý nước thải đô thị và ô nhiễm không khí, ông Khanh cho biết UBND TP đang “làm hết sức mình” và “chỉ đạo quyết liệt” về quy hoạch làng nghề. Đồng thời với xử lý là xây dựng và tổ chức lại. Thành phố sẽ cố gắng quy hoạch những nơi quá ô nhiễm và nghĩ tới cả việc chuyển nghề cho người dân.

ĐB Nguyễn Văn Trịnh nêu lên thực trạng bãi rác Minh Khai, thị trấn Như Quỳnh gây ô nhiễm nặng cho dân. Ô nhiễm ở sông Cầu Bây do KCN Sài Đồng B, cách đây mấy năm Sở TNMT thông báo đã kiểm tra và bảo đảm vệ sinh nhưng gần đây sông Cầu Bây lại tiếp tục ô nhiễm, trong khi nước của sông này dùng tưới cho 5 xã với diện tích gần 2000 ha.

Trước những bức xúc của đại biểu về vấn đề ô nhiễm môi trường và công tác xử lý, phó chủ tịch UBND thành phố Vũ Hồng Khanh cho biết, thành phố đã xây dựng kế hoạch tổng thể để quản lý chất lượng không khí, quy hoạch và đầu tư mạng lưới quan trắc chất lượng không khí và sẽ hoàn thành trong năm 2009. Đối với vấn đề nước thải, thành phố sẽ thử nghiệm một số phương án xử lý giảm thiểu ô nhiễm một số hồ trên địa bàn và sẽ xong trước tháng 6/2009.
Việc huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị từ thành phố đến các cơ sở được đặc biệt quan tâm. Thành phố sẽ tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tạo dư luận lên án mạnh mẽ đối với những hoạt động, hành vi gây ô nhiễm môi trường. Thành phố cũng cam kết sẽ có biện pháp xử lý mạnh đối với các trường hợp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, kéo dài.

Thực trạng ô nhiễm môi trường

Văn bản trả lời câu hỏi của nhiều đại biểu về thực trạng môi trường cho thấy, thực trạng ô nhiễm môi trường trên địa bàn, nhất là do các bệnh viện [rác thải y tế], khu công nghiệp và làng nghề truyền thống là rất nghiêm trọng.

Hiện nay chất lượng môi trường khí, nước và đất đều bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chất lượng không khí trên địa bàn thành phố đã có biểu hiện suy thoái, đặc biệt là các khu vực nội thành. Nồng độ các chất khí gây ô nhiễm tăng dần, đặc biệt là ô nhiễm khí thải giao thông. Tại nhiều khu vực, khí thải đã vượt tiêu chuẩn cho phép. Về môi trường nước, ông Khanh cho biết bốn sông thoát nước chính [sông Lừ, Sét, Kim Ngưu và Tô Lịch] nhận phần lớn các loại nước thải của nội thành, đều bị ô nhiễm nặng. Các sông Nhuệ, Đáy, Bùi và sông Tích cũng bị ô nhiễm, nhất là tại nhiều điểm hợp lưu của sông Nhuệ vào mùa khô. Các hồ của Hà Nội đa số chưa tách nước thải nên đêu bị ô nhiễm nghiêm trọng. Chất lượng nước dưới đất cũng có biểu hiện suy thoái, một số vùng có dấu hiệu ô nhiễm asen với các mức độ khác nhau.

Chủ Đề