Nguy cơ tự kiểm tra là gì

Nghề kiểm toán là một nghề khổ, khổ không có nghĩa là đổ những giọt mồ hôi hay chịu mưa chịu nắng, khổ là phải chống chọi với những áp lực công việc, ý kiến trái chiều và đặc biệt là những cám dỗ vật chất.

Trời có bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông.

Đất có bốn phương: Đông, Tây, Nam, Bắc.

Người có bốn đức: cần, kiệm, liêm, chính.

Thiếu một mùa, thì không thành trời.

Thiếu một phương, thì không thành đất.

Thiếu một đức, thì không thành người

Hồ Chủ Tịch

Tư tưởng ấy luôn luôn đúng bởi lẽ có giữ vững được lập trường tư tưởng, đạo đức mới có thể vững vàng trước sóng gió của cuộc sống, trước cám dỗ bởi áp lực cơm áo, gạo, tiền.

Đặc biệt với nghề kiểm toán không chỉ là phương tiện để đảm bảo độ tin cậy của thông tin mà còn là công cụ giám sát thông tin của xã hội thì trong môi trường làm việc nhiều áp lực, các kiểm toán viên có thể rơi vào tình huống ủng hộ hành vi quản lý phi đạo đức, nói dối hay cung cấp thông tin không chính xác cho đơn vị quản lý hoặc lập các BCTC không chính xác một cách trọng yếu. Điều đó gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của nền kinh tế quốc gia.

Xuất phát từ nguyên nhân đó Chuẩn mực đạo đức ra đời sẽ là kim chỉ nam cho nghề kiểm toán. Đạo đức nghề nghiệp là những hướng dẫn giúp các thành viên ứng xử một cách trung thực nhằm đạt được sự tin cậy của xã hội.

Luật pháp sẽ phải can thiệp vào một số phương diện của nghề nghiệp kiểm toán nhằm tạo sự ổn định xã hội, đặc biệt là ổn định kinh tế thị trường. Trong khi đó, chuẩn mực đạo đức nhằm xây dựng hình ảnh lý tưởng của nghề nghiệp để nâng cao sự tín nhiệm của công chúng đối với nghề nghiệp. Việc tồn tại song song hai quy định trên là điều tất yếu khách quan.

Nhằm giúp bạn hiểu và nắm bắt được thước đo đạo đức để đi sao cho vững, bước sao cho bền, mình muốn gửi tới các bạn tinh thần của Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp với

A. 7 NGUYÊN TẮC NGHỀ NGHIỆP ĐỐI VỚI NGHỀ KIỂM TOÁN

1. Độc lập:

Độc lập là nguyên tắc hành nghề cơ bản của kiểm toán viên. Tính độc lập bao gồm:

a] Độc lập về tư tưởng Là trạng thái suy nghĩ cho phép đưa ra ý kiến mà không chịu ảnh hưởng của những tác động trái với những đánh giá chuyên nghiệp, cho phép một cá nhân hành động một cách chính trực, khách quan và có sự thận trọng nghề nghiệp.

b] Độc lập về hình thức Là không có các quan hệ thực tế và hoàn cảnh có ảnh hưởng đáng kể làm cho bên thứ ba hiểu là không độc lập, hoặc hiểu là tính chính trực, khách quan và thận trọng nghề nghiệp của nhân viên công ty hay thành viên của nhóm cung cấp dịch vụ đảm bảo không được duy trì.

2. Chính trực:

Người làm kiểm toán phải thẳng thắn, trung thực và có chính kiến rõ ràng. Tính chính trực còn nhấn mạnh đến sự công bằng và sự tín nhiệm.

3. Khách quan:

Người làm kiểm toán phải công bằng, tôn trọng sự thật và không được thành kiến, thiên vị. Cần tránh các mối quan hệ dẫn đến sự thành kiến, thiên vị hoặc bị ảnh hưởng của những người khác có thể dẫn đến vi phạm tính khách quan, không nên nhận quà hoặc tặng quà, dự chiêu đãi hoặc mời chiêu đãi đến mức có thể làm ảnh hưởng đáng kể tới các đánh giá nghề nghiệp hoặc tới những người mình cùng làm việc.

4.Năng lực chuyên môn và tính thận trọng:

Người làm kiểm toán phải thực hiện công việc kiểm toán với đầy đủ năng lực chuyên môn cần thiết, với sự thận trọng cao nhất và tinh thần làm việc chuyên cần. Kiểm toán viên có nhiệm vụ duy trì, cập nhật và nâng cao kiến thức trong hoạt động thực tiễn, trong môi trường pháp lý và các tiến bộ kỹ thuật để đáp ứng yêu cầu công việc

5.Tính bảo mật:

Người làm kiểm toán phải bảo mật các thông tin có được trong quá trình kiểm toán; không được tiết lộ bất cứ một thông tin nào khi chưa được phép của người có thẩm quyền, trừ khi có nghĩa vụ phải công khai theo yêu cầu của pháp luật hoặc trong phạm vi quyền hạn nghề nghiệp của mình.

6.Tư cách nghề nghiệp:

Người làm kiểm toán phải trau dồi và bảo vệ uy tín nghề nghiệp, không được gây ra những hành vi làm giảm uy tín nghề nghiệp.

7.Tuân thủ chuẩn mực chuyên môn:

Người làm kiểm toán phải thực hiện công việc kiểm toán theo những kỹ thuật và chuẩn mực chuyên môn đã quy định trong chuẩn mực kiểm toán Việt Nam, quy định của Hội nghề nghiệp và các quy định pháp luật hiện hành.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện được nhất quán và duy trì theo nguyên tắc nghề nghiệp đề ra thì Kiểm toán viên luôn phải trau dồi kiến thức chuyên môn và nghiệp vụ để có thể đáp ứng được:

  • Yêu cầu về học vấn, đào tạo và kinh nghiệm làm nghề kiểm toán.
  • Các yêu cầu về cập nhật chuyên môn liên tục.
  • Các quy định về bộ máy quản lý điều hành doanh nghiệp.
  • Các chuẩn mực nghề nghiệp và quy định về thủ tục soát xét.
  • Các quy trình kiểm soát của Hội nghề nghiệp hay của cơ quan quản lý nhà nước và các biện pháp kỷ luật.

Kiểm soát từ bên ngoài do một bên thứ ba được ủy quyền hợp pháp đối với các báo cáo, tờ khai, thông báo hay thông tin do người làm kiểm toán lập. Thông qua đó mới có thể đáp ứng được yêu cầu của 7 nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp nói trên.

Học phải đi đôi với Hành thì mới có hiệu quả, tuy nhiên trong quá trình thực hành hay nói đúng hơn là khi thực hiện các nghiệp vụ kiểm toán thì phát sinh các nguy cơ không thể lường trước được, đó chính là rủi ro mà chúng ta cần phải tránh.

B. CÁC NGUY CƠ ẢNH HƯỞNG ĐẾN ĐẠO ĐỨC NGHỀ NGHIỆP

Việc tuân thủ các nguyên tắc đạo đức nghề nghiệp có thể bị đe dọa trong rất nhiều trường hợp. Các nguy cơ có thể được phân loại như sau:

1.Nguy cơ do tư lợi:

Nguy cơ này có thể xảy ra do việc người làm kiểm toán hoặc thành viên trong quan hệ gia đình ruột thịt hay quan hệ gia đình trực tiếp của người làm kiểm toán có các lợi ích tài chính hay lợi ích khác;

2.Nguy cơ tự kiểm tra:

Nguy cơ này có thể xảy ra khi người làm kiểm toán phải xem xét lại các đánh giá trước đây do mình chịu trách nhiệm;

3.Nguy cơ về sự bào chữa:

Nguy cơ này có thể xảy ra khi người làm kiểm toán ủng hộ một quan điểm hay ý kiến tới mức độ mà tính khách quan có thể bị ảnh hưởng;

4.Nguy cơ từ sự quen thuộc:

Nguy cơ này có thể xảy ra khi, do các mối quan hệ quen thuộc mà người làm kiểm toán trở nên quá đồng tình đối với lợi ích của những người khác; và

5.Nguy cơ bị đe dọa:

Nguy cơ này có thể xảy ra khi người làm kiểm toán có thể bị ngăn cản không được hành động một cách khách quan do các đe dọa [các đe dọa này có thể là có thực hoặc do cảm nhận thấy].

Tuy nhiên dù trên khía cạnh khách quan hay chủ quan thì cũng không thể lường hết được những rủi ro, nguy cơ trong quá trình kiểm toán, nhưng việc chúng ta luôn luôn trau dồi kiến thức, hiểu và nắm rõ được các quy định cơ bản về Chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp vẫn là yếu tố tiên quyết.

Tóm lại, việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp đối với mỗi kiểm toán viên là rất quan trọng. Mỗi cá nhân cần phải rèn luyện tinh thần, tu dưỡng đạo đức và nâng cao tinh thần trách nhiệm bên cạnh việc trau dồi kiến thức chuyên môn của mình. Không những thế, các kiểm toán viên cần được sự hỗ trợ từ môi trường làm việc và sự kiểm soát của pháp luật để việc tuân thủ chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp được thực hiện dễ dàng và đúng đắn hơn.

Steven

Hãy theo dõi tôi nhé...sẽ có nhiều thú vị cho bạn đấy !!!

* indicates required
Email Address *
First Name
Last Name
Birthday
/ [ mm / dd ]

Video liên quan

Chủ Đề