Nghị định hướng dẫn thi hành pháp lệnh tín ngưỡng

Ngày 08/11/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 92/2012/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Nghị định này thay thế Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 01/3/2005 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2013.

So với Nghị định số 22/2005, Nghị định số 92/2012 có nhiều điều, khoản được sửa đổi, bổ sung, trong đó có 12 điều được quy định mới, làm rõ hơn quan điểm và chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Về sửa đổi, có thể nói hầu hết các điều được quy định trong Nghị định số 22/2005 đều được sửa đổi ở nhiều mức độ khác nhau theo hướng quy định chi tiết, hướng dẫn cụ thể hơn các quy định của Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo. Đặc biệt, Nghị định số 92/2012 đã sửa đổi theo hướng rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện các thủ tục có liên quan đến nhiều hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo nhằm giải quyết kịp thời, nhanh chóng các yêu cầu chính đáng của các tổ chức tín ngưỡng, tôn giáo cũng như các cá nhân có liên quan. Ví dụ: Thời hạn để Thủ tướng Chính phủ xét công nhận tổ chức tôn giáo theo thẩm quyền, nếu Nghị định số 22/2005 quy định 90 ngày thì Nghị định số 92/2012 quy định chỉ còn 45 ngày; hoặc thời hạn để Chủ tịch UBND cấp tỉnh xét công nhận tổ chức tôn giáo theo thẩm quyền, nếu Nghị định số 22/2005 quy định 60 ngày thì Nghị định số 92/2012 quy định chỉ còn 30 ngày… Ngoài ra, Nghị định số 92/2012 còn gộp một số điều, khoản trong Nghị định số 22/2005 thành các điều, khoản mới cho gọn và logic hơn về nội dung. Ví dụ: Điều 3 và Điều 4 của Nghị định số 22/2005 được ghép thành Điều 4 của Nghị định số 92/2012…

Về bổ sung, bên cạnh việc kế thừa và bổ sung chi tiết trong các điều, khoản của Nghị định số 22/2005, Nghị định số 92/2012 còn bổ sung thêm 12 điều mới, với các nội dung chính như sau:

- Quy định hoạt động tín ngưỡng tại cơ sở tín ngưỡng [Điều 3], tạo cơ sở pháp lý cho các cộng đồng dân cư nơi có cơ sở tín ngưỡng bầu, cử người đại diện hoặc ban quản lý cơ sở tín ngưỡng của cộng đồng, đảm bảo việc tổ chức hoạt động tín ngưỡng của công dân theo quy định của pháp luật. Quy định này không áp dụng đối với các cơ sở tín ngưỡng là nhà từ đường, nhà thờ họ, tộc.

- Đăng ký sinh hoạt tôn giáo [Điều 5], đây là quy định nhằm đáp ứng nhu cầu của công dân cần tập trung để thực hành nghi thức thờ cúng, cầu nguyện, bày tỏ đức tin về tôn giáo mà mình tin theo, nhưng chưa được Nhà nước cho phép hoạt động tôn giáo. Một tổ chức 20 năm sinh hoạt tôn giáo ổn định và không vi phạm quy định tại khoản 2 Điều 8 và Điều 15 Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo, được coi là điều kiện đầu tiên để được cấp đăng ký hoạt động tôn giáo.

- Mặt dù Nghị định số 22/2005 chưa quy định việc sử dụng con dấu của các tổ chức tôn giáo, nhưng trên thực tế từ lâu Nhà nước đã thừa nhận và cho phép các tổ chức tôn gáo đăng ký sử dụng con dấu của mình. Do đó, Nghị định 92/2012 bổ sung quy định việc sử dụng con dấu của tổ chức tôn giáo và các tổ chức trực thuộc cho phù hợp với thực tế hiện nay [Điều 11].

- Điều 15 và Điều 16 Nghị định số 92/2012 quy định mới về công tác quản lý đối với trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo và người nước ngoài theo học tại trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo ở Việt Nam. Các môn học chính khóa là môn lịch sử Việt Nam và pháp luật Việt Nam phải do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan hướng dẫn chương trình, nội dung và kiểm tra việc giảng dạy. Người nước ngoài trong thời gian theo học và sau khi tốt nghiệp trường đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo nếu hoạt động tôn giáo ở Việt Nam phải tuân thủ quy định của Nghị định này.

- Nghị định bổ sung quy định mới việc phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài [Điều 20], phải được sự chấp thuận bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương. Trường hợp người Việt Nam được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử có yếu tố nước ngoài chưa được cơ quan quản lý nhà nước về tôn giáo ở Trung ương chấp thuận thì không được sử dụng chức danh đó để hoạt động tôn giáo tại Việt Nam.

- Bổ sung quy định về đăng ký hiến chương, điều lệ sửa đổi [Điều 30]. Tổ chức tôn giáo khi sửa đổi hiến chương, điều lệ có trách nhiệm gửi văn bản đăng ký kèm theo hiến chương, điều lệ sửa đổi đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ được hoạt động theo hiến chương, điều lệ sửa đổi sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận.

- Bổ sung quy định về sinh hoạt tôn giáo của người nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam được tạo điều kiện sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở tôn giáo như tín đồ tôn giáo Việt Nam; người nước ngoài có nhu cầu tập trung để sinh hoạt tôn giáo tại cơ sở tôn giáo hợp pháp ở Việt Nam phải gửi hồ sơ đăng ký đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và phải tuân thủ các quy định của Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan.

- Bổ sung quy định về tiếp nhận hồ sơ [Điều 43]. Theo đó, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm có thể gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện 01 bộ hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Khi nhận được hồ sơ hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải có giấy biên nhận, trong đó hẹn ngày trả kết quả cho đương sự biết.

- Quy định điều khoản chuyển tiếp: Tổ chức tôn giáo, hội đoàn tôn giáo, dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác của tôn giáo đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp đăng ký hoạt động tôn giáo và công nhận về tổ chức theo quy định tại Nghị định số 22/2005/NĐ-CP thì không phải làm thủ tục đăng ký và công nhận lại theo quy định tại Nghị định này./.

Chủ Đề