Mức trung bình đầu tư cho giáo dục tại việtnam năm 2024

Tại hội thảo gần đây về tự chủ đại học, một chuyên gia nước ngoài đã phân tích khá đa chiều về đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam hiện nay.

Theo ông Christophe Lemiere, Trưởng ban phát triển con người, Ngân hàng thế giới [WB] tại Việt Nam, dù có nhiều thành tích trong các bảng xếp hạng đại học thế giới, song Việt Nam lại là quốc gia có tỷ lệ nhập học vào đại học, cao đẳng thấp nhất ở Đông Nam Á giai đoạn 2000 - 2020.

Đầu tư cho giáo dục đại học của Việt Nam hiện còn khiêm tốn.

Đáng chú ý, thanh niên Việt Nam thuộc hộ nghèo, cận nghèo chiếm chưa đến 15% tổng số sinh viên đại học và có đến hơn 40% sinh viên thuộc diện khá giả.

Bên cạnh đó, tỷ trọng ngân sách chi tiêu công phân bổ cho giáo dục đại học, cao đẳng thuộc nhóm thấp nhất trong khu vực và các quốc gia tương đương. Chẳng hạn, năm 2019, giáo dục Đại học Việt Nam chỉ nhận được 0,23% GDP hoặc 4,9% tổng chi tiêu công cho giáo dục.

Các trường đại học đang phụ thuộc quá nhiều vào học phí, tức là đóng góp của hộ gia đình và đang ngày càng tăng. Theo đó, năm 2017, tỷ lệ này chiếm 57% nguồn thu của trường đại học, trong khi ngân sách nhà nước chỉ 24%. Đến năm 2021, hộ gia đình đóng góp đến 77%, còn ngân sách chỉ chiếm 9%.

Ngoài ra, chương trình cho vay sinh viên do Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam quản lý ngày càng khó tiếp cận. Cụ thể, năm 2011 có 2,4 triệu người thụ hưởng, năm 2017 chỉ có 725.000 người và đến năm 2021 chỉ còn 37.000 người thụ hưởng.

Điều này dẫn đến 50% sinh viên sẽ đổi ngành học nếu gặp khó khăn về tài chính và chỉ 10-12% cân nhắc sử dụng tín dụng sinh viên, 10-16% quyết định vay người thân.

Về kinh phí nghiên cứu phân bổ cho các trường đại học, ông Christophe Lemiere cho rằng, còn thấp và không tương xứng với năng lực và tiềm năng.

Tỷ lệ nhân lực nghiên cứu và phát triển của trường đại học ở Việt Nam khoảng 50%, tuy nhiên ngân sách nhà nước phân bổ cho nghiên cứu tại các trường đại học chỉ chiếm 16%.

Ông Christophe Lemiere còn cho biết thêm, sự tham gia của khu vực tư nhân vào giáo dục đại học còn hạn chế do cách tiếp cận xã hội hóa giáo dục đại học chủ yếu xoay quanh học phí và đóng góp từ các hộ gia đình;

Rào cản về thể chế, chính sách đối với đại học công lập như sử dụng tài sản công [đất đai, công trình]; hay đó là sự thiếu nhất quán, ngưỡng đầu tư PPP tối thiểu còn quá cao [100 tỷ đồng]; thiếu hướng dẫn và hỗ trợ kỹ thuật trong việc tổ chức thực hiện dự án PPP...

Về phía Việt Nam, theo con số chính thức mà Bộ Tài chính đưa ra năm 2020, ngân sách chi cho giáo dục đại học chưa đến 17.000 tỷ đồng, chiếm 0,27% GDP, nhưng con số thực chi chưa được 12.000 tỷ đồng, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực và thế giới.

Từ những thực tế này, đại diện tại Việt Nam đã đưa 5 khuyến nghị chính sách về tài chính cho giáo dục đại học Việt Nam. Trước tiên, Việt Nam cần điều chỉnh cách tiếp cận về tự chủ tài chính của cơ sở giáo dục đại học;

Tăng đáng kể ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đại học, dành 0,8-1% GDP đầu tư cho giáo dục đại học đến năm 2030, tức hơn 300 triệu USD/năm.

Từ nguồn này sẽ giúp các trường có nguồn tài chính bền vững. Sinh viên được tiếp cận bình đẳng bằng các hình thức cho vay dựa trên thu nhập trong tương lai, miễn học phí cho các đối tượng mục tiêu và chương trình học bổng quốc gia.

Đồng thời, tăng tỷ lệ chi ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển phân bổ cho các trường đại học, dành hơn 30% đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển tại các trường đại học, tức hơn 117 triệu USD/năm.

Từ đây sẽ phát triển nguồn nhân lực và tăng cường năng lực nghiên cứu, phát triển bằng cách tài trợ kết hợp đào tạo và nghiên cứu hoặc tài trợ theo nguyên tắc cạnh tranh.

Ngoài ra, điều chỉnh cơ chế phân bổ và đơn giản hóa quy trình nộp đơn đề xuất nghiên cứu. Thứ năm, huy động nguồn lực bổ sung từ khu vực tư nhân, cụ thể tăng hợp tác công -tư, đa dạng hóa nguồn thu và tiếp cận tín dụng.

Đứng trên lập trường là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn cho hay, Bộ đã đưa vào đề xuất dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn đến 2030, tầm nhìn 2045 mức chi cho giáo dục đại học từng bước bằng mức trung bình của khu vực về tỷ lệ GDP.

Muốn nâng cao hiệu quả đầu tư của Nhà nước theo ông Sơn cần phải minh bạch hóa. Minh bạch tất cả khoản thu, khoản chi của cơ sở đại học trực thuộc các bộ ngành, địa phương thì mới tính được chi như thế nào cho hiệu quả.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ trực tiếp người học chuyển từ chi thường xuyên sang chi hỗ trợ trực tiếp người học, đặt hàng và giao nhiệm vụ đã có quy định nhưng cần mở rộng hơn nữa đối tượng, với cơ chế ưu đãi hơn. Đây là chính sách rất hiệu quả. Việc đầu tư đặt hàng phải theo cơ chế cạnh tranh, tập trung những ngành, trường tạo sức mạnh lan tỏa.

Cũng về đầu tư cho giáo dục, trong một lần phát biểu tại nghị trường đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Tuyết Nga [Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình] đề xuất, chúng ta cần đảm bảo ngân sách 20% cho giáo dục, có lộ trình tăng tỷ lệ và mức đầu tư cho giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tương đương với các nước trong khu vực hoặc trên thế giới.

Đại biểu này cũng kiến nghị cần nâng cao hiệu quả thực hiện tự chủ đại học, giáo dục nghề nghiệp để thực hiện hiệu quả khâu đột phá chiến lược về nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Đồng thời theo đại biểu, cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho các cơ sở giáo dục đại học thuộc các lĩnh vực khoa học cơ bản, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, khoa học sức khỏe, luật, sư phạm... và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp chất lượng cao theo những lĩnh vực kinh tế trọng điểm, để bám sát chiến lược đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Với góc nhìn của chuyên gia giáo dục, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, để phát triển giáo dục đại học, trước tiên cần phải điều chỉnh lại phân bổ ngân sách giáo dục theo hướng tăng hợp lý tỷ lệ ngân sách chi cho giáo dục đại học.

Bên cạnh đó, bổ sung các căn cứ pháp lý tạo thuận lợi phát triển giáo dục ngoài công lập, đặc biệt đối với giáo dục hoạt động không vì lợi nhuận.

Đồng thời đổi mới thể chế cho phép tăng cường tính chất mở của hệ thống giáo dục quốc dân nhằm tạo điều kiện tận dụng tối đa sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị phục vụ cho sự nghiệp phát triển giáo dục của đất nước.

Chủ Đề