Luật khiếu nại 2023 và các văn bản hướng dẫn

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2005

Ngày cập nhật 05/05/2009

Trả lời :

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2005 đã sửa đổi tổng số 21 điều của Luật khiếu nại, tố cáo. Trong đó tập trung vào các quy định về cơ chế giải quyết khiếu nại hành chính tại Điều 39 và Điều 46 và sửa đổi, bổ sung về thẩm quyền giải quyết khiếu nại; việc tham gia của luật sư vào quá trình giải quyết khiếu nại; quyết định giải quyết khiếu nại; hồ sơ giải quyết khiếu nại; quyền của người khiếu nại, người bị khiếu nại quy định tại các điều 2 , 17 , 18 , 23 , 25 , 26 , 32, 37, 38, 40, 41, 42, 43, 44, 45, 47, 54. Cụ thể là:

- Về cơ chế giải quyết khiếu nại: được sửa đổi theo hướng “một vụ việc khiếu nại được giải quyết ở hai cấp hành chính và người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính trong các lần giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính”. Việc sửa đổi, bổ sung như trên vừa đề cao trách nhiệm của cơ quan hành chính trong quá trình quản lý điều hành, phòng ngừa phát sinh khiếu nại, vừa phù hợp với yêu cầu của WTO về quyền khởi kiện quyết định hành chính cuối cùng của người khiếu nại, đồng thời khắc phục tình trạng đùn đẩy trách nhiệm, gây khó khăn trong quá trình giải quyết khiếu nại của công dân, phát huy vai trò của tòa án trong việc giải quyết các vụ án hành chính.

- Về thẩm quyền giải quyết khiếu nại: để phù hợp với cơ chế giải quyết khiếu nại nêu trên, đáp ứng yêu cầu của Tổ chức Thương mại Thế giới về quyền khởi kiện vụ án hành chính đối với quyết định cuối cùng của cơ quan hành chính, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2005 đã lược bỏ các quy định liên quan tới quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Tổng thanh tra và Thủ tướng Chính phủ. Điều này làm thay đổi về thẩm quyền giải quyết khiếu nại được quy định trong Luật khiếu nại, tố cáo.

- Về vai trò của Luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại: để đảm bảo giải quyết nhanh chóng, chính xác, khách quan các khiếu nại, đáp ứng yêu cầu dân chủ hoá trong hoạt động giải quyết khiếu nại hành chính, yêu cầu của WTO về việc tham gia của Luật sư vào quá trình giải quyết khiếu nại, Luật sửa đổi, bổ sung đã cụ thể hoá vai trò của Luật sư trong quá trình giải quyết khiếu nại của cơ quan hành chính. Theo quy định tại Khoản 2 và Khoản 18 của Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo thì người khiếu nại có quyền “Nhờ Luật sư giúp đỡ về pháp luật trong quá trình giải quyết khiếu nại” và “Luật sư có quyền tham gia trong quá trình giải quyết khiếu nại”.

Về quyết định giải quyết khiếu nại; hồ sơ giải quyết khiếu nại; quyền của người khiếu và người bị khiếu nại: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo năm 2005 đã quy định rõ quyết định giải quyết khiếu nại lần hai phải ghi rõ “Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ. Trong trường hợp khiếu nại là đúng hoặc đúng một phần thì yêu cầu người có quyết định hành chính, hành vi hành chính bị khiếu nại sửa đổi, huỷ bỏ một phần hay toàn bộ quyết định hành chính, chấm dứt hành vi hành chính bị khiếu nại”. Ngoài ra, để phù hợp với việc quy định người khiếu nại có quyền khởi kiện vụ án hành chính trong các lần giải quyết của cơ quan hành chính, Luật cũng quy định rõ trong quyết định giải quyết lần hai người giải quyết khiếu nại phải ghi rõ “Quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án của người khiếu nại” [Khoản 18 Điều 1]. Đối với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo đã bổ sung quy định về nội dung quyết định giải quyết khiếu nại, trong đó người giải quyết phải căn cứ vào “Kết quả xác minh nội dung khiếu nại” và ghi rõ “Kết luận nội dung khiếu nại là đúng, đúng một phần hoặc sai toàn bộ” [Khoản 11 Điều 1].

- Về xử lý trách nhiệm người có thẩm quyền không giải quyết khiếu nại: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật khiếu nại, tố cáo đã bổ sung một khoản mới vào Điều 36 của Luật khiếu nại, tố cáo năm 1998, theo đó tại khoản 9 Điều 1 thì trong thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu nếu người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết thì phải bị xem xét xử lý kỷ luật. Người khiếu nại có quyền kiến nghị với cấp trên trực tiếp của người không giải quyết khiếu nại để xem xét xử lý kỷ luật người đó. Tương tự như vậy, theo quy định tại khoản 16 của Điều 1 quy định rõ trong thời hạn giải quyết khiếu nại lần hai mà người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại không giải quyết thì phải bị xem xét xử lý kỷ luật. Người khiếu nại có quyền kiến nghị với cấp trên trực tiếp của người không giải quyết khiếu nại để xem xét xử lý kỷ luật người đó.

Chủ Đề