Lãi suất ngân hàng tăng trở lại mới nhất năm 2022

Cuộc đua lãi suất đang được hâm nóng khi ngày càng xuất hiện thêm nhiều yếu tố khiến các ngân hàng thương mại phải tăng lãi suất huy động. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng thương mại nhà nước dường như vẫn đang đứng ngoài cuộc đua này.

THÊM NHIỀU NGÂN HÀNG TĂNG LÃI SUẤT TIẾT KIỆM

Theo tổng hợp của Công ty Chứng khoán Bảo Việt [BVSC], lãi suất huy động trung bình đối với cả hai kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng tiếp tục có diễn biến tăng nhẹ trong tháng 4/2022, cùng ở mức 0,08 điểm phần trăm lên mức 4,9%/năm và 5,66%/năm. So với cùng kỳ năm 2021, cả 2 loại lãi suất trung bình này đều đã tăng trở lại, lần lượt ở mức 0,08 và 0,02 điểm phần trăm, sau 2 năm liên tục giảm.

Chi tiết hơn, 2 nhóm ngân hàng thương mại cổ phần cùng chứng kiến lãi suất huy động tăng trong tháng 4, đối với cả 2 loại kỳ hạn. Trong đó, nhóm các ngân hàng thương mại cổ phần quy mô lớn [vốn trên 5.000 tỷ đồng] tăng 0,11 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 6 tháng lên 4,70%/năm và 0,12 điểm phần trăm đối với kỳ hạn 12 tháng lên 5,46%/năm.

Tương tự, nhóm ngân hàng thương mại cổ phần quy mô nhỏ [vốn dưới 5.000 tỷ đồng] nâng lãi suất của 2 loại kỳ hạn trên thêm 0,05 điểm phần trăm và 0,03 điểm phần trăm, lên lần lượt 5,51% và 6,13%/năm.

Riêng nhóm ngân hàng thương mại nhà nước tiếp tục không điều chỉnh lãi suất trong tháng 4/2022. Lãi suất trung bình kỳ hạn 6 tháng tiếp tục được duy trì ở mức 3,78%/năm trong tháng thứ 11 liên tiếp; và lãi suất kỳ hạn 12 tháng vẫn đang không thay đổi ở mức 4,95%/năm sau 9 tháng.

Việc các ngân hàng thương mại nhà nước chưa điều chỉnh biểu lãi suất huy động chủ yếu là do vẫn giữ được lợi thế về nguồn vốn. Trong đó, nguồn tiền gửi có kỳ hạn từ Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng này trong 3 tháng đầu năm tăng khoảng 66.000 tỷ đồng. Ngoài ra, các chương trình miễn phí chuyển khoản kể từ đầu năm 2022 cũng đang phát huy hiệu quả để hút tiền gửi không kỳ hạn về.

Tuy nhiên, khi nhìn tổng thể toàn hệ thống, giới chuyên môn cho rằng, các ngân hàng tại Việt Nam đang phải chịu nhiều áp lực khiến lãi suất huy động tăng trong thời gian vừa qua.

Thứ nhất, tăng trưởng tín dụng [tới ngày 25/4/2022] đạt 6,75%, mức cao nhất trong 10 năm qua. Nhiều ngân hàng nhỏ và vừa đã dùng gần hết hạn mức tăng trưởng tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước phát đợt đầu. Tín dụng tăng mạnh khiến kênh thị trường mở [OMO] liên tục được sử dụng để bơm tiền ngắn hạn ra ngoài hệ thống sau gần 1 năm kênh này đóng băng.

Thứ hai, áp lực lạm phát ngày càng rõ nét. Khi lạm phát tăng, ngân hàng buộc phải tăng lãi suất huy động để giữ mức lãi suất thực dương thì mới có thể hút dòng tiền nhàn rỗi của cư dân. Và để tránh xảy ra cuộc chạy đua lãi suất, các ngân hàng buộc phải điều chỉnh dần với bước tăng nhỏ.

Thứ ba, FED thắt chặt chính sách tiền tệ khiến đồng USD tăng giá từng ngày, tạo áp lực giảm giá cho các đồng tiền khác, đặc biệt là đồng nội tệ của các nền kinh tế mới nổi, bao gồm cả VND. Theo đó, muốn duy trì ổn định tỷ giá, các quốc gia này cũng phải siết cung tiền, hoặc bơm thanh khoản USD. Nhưng với hướng giải quyết nào thì lãi suất trong nước cũng sẽ tăng.

Với các áp lực trên, một số ngân hàng thương mại tiếp tục tăng lãi suất huy động VND trong tháng 5/2022. Điển hình, SCB áp dụng lãi suất huy động tiết kiệm mới tăng khoảng 0,1 - 0,3%/năm, trong đó lãi suất kỳ hạn 6 tháng lên 6%/năm; 9 tháng lên 6,5%/năm; 12 tháng lên 7,3%/năm…

Hay như, Sacombank vừa công bố biểu lãi suất huy động mới, theo đó lãi suất huy động kỳ hạn 3 tháng tăng lên 3,7%/năm; 6 tháng tăng lên 4,7%/năm. Ở kỳ hạn huy động 12 tháng, lãi suất tăng lên 5,8%/năm.

Một số ngân hàng cũng điều chỉnh tăng biểu lãi suất tiết kiệm còn có SHB, Eximbank, Ngân hàng Bản Việt, Nam Á, ACB…

LÃI SUẤT TIẾT KIỆM NGÂN HÀNG NÀO CAO NHẤT?

Do nhiều ngân hàng thay đổi biểu lãi suất nên bảng xếp hạng lãi suất tiền gửi cao nhất trong tháng 5/2022 cũng có một vài thay đổi so với tháng trước đó.

Dẫn đầu danh sách là SCB với mức lãi suất 7,6%/năm. Mức lãi suất niêm yết này đối với kỳ hạn 13 tháng và chỉ áp dụng cho món tiền gửi có số dư từ 500 tỷ đồng trở lên.

Xếp liền sau là ngân hàng HDBank với mức lãi suất cao nhất 7,15%/năm. Điều kiện đi kèm để được hưởng lãi suất này là khách hàng cần có khoản tiết kiệm tối thiểu từ 300 tỷ đồng trở lên, lĩnh lãi cuối kỳ với kỳ hạn 13 tháng. Nếu không đạt đủ số tiền tối thiểu,ngân hàng áp dụng lãi là 6%/năm cho kỳ hạn 13 tháng này.

Techcombank và ACB đang cùng triển khai lãi suất tiết kiệm cao nhất ở mức 7,1%/năm. Khách hàng gửi tiết kiệm với số tiền từ 999 tỷ đồng trở lên kỳ hạn 12 tháng tại Techcombank sẽ được nhận lãi suất ưu đãi kể trên. Trong khi đó ngân hàng ACB đang huy động lãi suất 7,1%/năm cho khoản tiền gửi tối thiểu từ 100 tỷ đồng trở lên với thời hạn gửi là 13 tháng.

Bên cạnh đó, khách hàng có thể cân nhắc lựa chọn gửi tiền ở một số ngân hàng khác cũng có lãi suất tiết kiệm tương đối cạnh tranh như MSB [7%/năm]; LienVietPostBank [6,99%/năm]; MB [6,9%/năm], Ngân hàng Việt Á [6,9%/năm], BacABank [6,9%/năm]... Nhưng các ngân hàng này đều có những tiêu chuẩn riêng để đạt được mức lãi suất như trên, chứ không cào bằng cho mọi khoản tiền gửi.

Tại nhóm 4 ngân hàng có vốn nhà nước bao gồm Vietcombank, VietinBank, Agribank và BIDV vẫn chưa có dấu hiệu thay đổi so với trước. Theo đó, VietinBank có lãi suất cao nhất ở mức là 5,6%/năm. Trong khi mức cao nhất tại các ngân hàng Vietcombank, Agribank và BIDV cùng là 5,5%/năm.

Lãi suất tiết kiệm tăng

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến 21/3/2022, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 4,03% [cùng thời điểm năm 2021 tăng 1,47%]. Cầu vốn tăng cao cùng với áp lực từ các kênh đầu tư khác như vàng, chứng khoán, bất động sản... khiến các ngân hàng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm tăng.

Trong những ngày cuối tháng 3, có 10 ngân hàng đã tăng lãi suất tiết kiệm, cao nhất tới 0,6 điểm % một năm.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Phương Đông [OCB] tăng lãi suất gửi tiết kiệm online đến 0,6 điểm %/năm ở kỳ hạn 6 tháng, tăng 0,5 điểm %/năm ở kỳ hạn 9 tháng và 0,2 điểm % ở kỳ hạn 12 tháng. Ngân hàng TMCP Nam Á [NamABank] tăng thêm 0,2 điểm %/năm cho kỳ hạn 6 tháng. Ngân hàng TMCP Quân đội [MB Bank] tăng thêm 0,4 điểm %/năm cho lãi suất tiền gửi 12 tháng. Ngân hàng TMCP Bắc Á [BacABank] tăng thêm 0,3 điểm %/năm lãi suất cho tiền gửi 6 tháng và 0,1%/năm cho kỳ 12 tháng.

Lãi suất huy động trên thị trường đang thiết lập mặt bằng mới.

Các ngân hàng TMCP khác như Bản Việt [VietCapitalBank], Đông Nam Á [SeABank], Quốc tế [VIB], Đông Á [DongABank] và Kỹ thương Việt Nam [Techcombank] tăng lãi suất tiết kiệm tại quầy từ 0,01-0,2 điểm %/năm. Lãi suất cao nhất trên thị trường hiện được nâng lên 7,6%/năm, thuộc về Ngân hàng TMCP Sài Gòn [SCB] kỳ hạn 13 tháng, dành cho khách gửi 500 tỷ đồng.

Lãi suất liên ngân hàng cũng liên tục tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Hiện lãi suất các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần đều trên 2%/năm, tăng rất mạnh so với mức 1%/năm giai đoạn 2020-2021. Có nhiều dự báo cho rằng, lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục tăng và khó có thể trở về mức thấp của giai đoạn trên.

Nhiều ý kiến nhận định, lãi suất huy động đang thiết lập mặt bằng mới. Ngoài những nguyên nhân như nhu cầu vốn tăng cao, cạnh tranh với các kênh đầu tư khác thì một nguồn tiền nhàn rỗi rất lớn của DN gửi vào ngân hàng trước đây, giờ đang được rút ra để rót vào sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ [FED] tăng lãi suất khiến xu hướng mặt bằng lãi suất tại các nền kinh tế đều tăng, trong đó có Việt Nam. Hơn nữa chỉ số Giá tiêu dùng [CPI] vẫn đang đà tăng, với mức bình quân 3 tháng tăng 1,91% so với cùng kỳ năm trước, áp lực lạm phát trong những tháng còn lại vẫn rất lớn.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, với áp lực lạm phát ngày càng hiện hữu, mặt bằng lãi suất đã chạm đáy, cùng với đà phục hồi của nền kinh tế sẽ đẩy lãi suất huy động tăng. Tốc độ tăng lãi suất sẽ phụ thuộc vào tốc độ phục hồi của nền kinh tế và lạm phát.

Tuy nhiên, nguy cơ còn có thể đến từ những ngân hàng nhỏ, thanh khoản yếu, cơ cấu tiền gửi không tối ưu, cầu vốn nhiều. Những ngân hàng này, sẽ phải tăng lãi suất cao hơn các ngân hàng còn lại, để huy động. Khi các ngân hàng này đẩy lãi suất tăng cao, dễ dẫn đến cuộc đua hút tiền gửi, khiến cho mặt bằng lãi suất huy động tăng. Nếu điều này xảy ra, dự báo sẽ lãi suất huy động 2022 sẽ tăng cao hơn nhiều so với bình quân năm 2021.

Kìm lãi suất cho vay 

Với những yếu tố nêu trên, sự quan ngại về tác động lên mặt bằng lãi suất cho vay là hiện hữu. Việc các ngân hàng thường xuyên tìm kiếm nguồn vốn rẻ trên thị trường thế giới, FED tăng lãi suất sẽ khiến chi phí vốn tăng mạnh hơn.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành kế hoạch hành động, thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/1/2022 của Chính phủ. Cụ thể, về lãi suất, việc điều hành cần phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ khác, chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay khoảng 0,5-1% trong hai năm 2022 và 2023, nhất là đối với lĩnh vực ưu tiên.

Lãi suất cho vay tăng, sẽ đẩy nhiều DN vào khó khăn, có thể phải đóng cửa.

Nhưng diễn biến lãi suất trên thị trường đang không có lợi cho ngân hàng. Việc giảm lãi suất cho vay 0,5-1%/năm sẽ là thách thức lớn. Chưa kể, nhiều ngân hàng đã đặt mục tiêu lợi nhuận cao trong năm 2022, vì vậy có thể sẽ tăng lãi suất cho vay khi lãi suất huy động tăng cao.

Theo chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực, nhiệm vụ trọng tâm của Việt Nam năm 2022 là hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, các chính sách phải hướng đến nhiệm vụ này, nên lãi suất không thể tăng, bởi nếu lãi suất tăng thì sẽ cản trở phục hồi.

Một số ý kiến cho rằng, năm 2020 và 2021, các ngân hàng đã kiếm lớn từ mảng tín dụng do lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng lãi suất cho vay chỉ giảm nhỏ giọt. Hiện tại, hệ số NIM [chênh lệch giữa lãi suất huy động và cho vay] của nhiều ngân hàng vẫn ở mức cao, nên lãi suất huy động tăng không tác động quá lớn đến lợi nhuận ngân hàng. Ngoài ra, tín dụng năm nay dự báo tăng mạnh hơn sẽ giúp các nhà băng có thêm lợi nhuận. Vì vậy, không được để lãi suất cho vay thiết lập mặt bằng mới cao hơn.

Lãi suất cho vay tăng sẽ đẩy chi phí đầu vào của DN tăng, trong khi giá nhiều nguyên vật liệu đầu vào đã tăng cao. DN không chịu nổi sẽ phải tăng giá bán, dẫn tới tổng cầu có thể bị tác động xấu và bắt đầu trì trệ, thậm chí sụt giảm. Nếu không tăng giá bán, sẽ đẩy nhiều DN vào khó khăn và có thể phải đóng cửa.

Cùng với đó, lãi suất cho vay tăng, có thể khiến gói kích thích kinh tế vừa được Chính phủ ban hành mất tác dụng. Cho dù DN có được hỗ trợ 2% lãi suất vay thì cũng không còn hiệu quả. Khi đó, sự hồi phục kinh tế sau dịch Covid sẽ bị giáng một đòn mạnh.

Trần Thủy

Nỗi lo lớn, dân giữ tiền phòng thủ, lãi suất lập tức tăng cao

Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đang thiết lập mặt bằng mới, cao hơn nhiều so với năm 2021. Từ đầu năm đến nay, lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng, có lúc lên tới 3,4%/năm. 

Video liên quan

Chủ Đề