Hướng dẫn những trò chơi văn học

Trần Đình Sử

Bản chất trò chơi của văn học nghệ thuật đã được thừa nhận hồn nhiên trong thực tế. Mỗi khi nói về văn nghệ người ta đều nói đến đọc cho vui, đọc giải trí, đọc cho đỡ buồn, văn học để giải sầu…Mà đây là một chức năng quan trọng của văn học nghệ thuật. Thế nhưng khi nêu thành lí thuyết thì vấn đề trò chơi luôn luôn bị phê phán là quan niệm không nghiêm túc về văn học nghệ thuật. Vì vậy ở đây chúng ta hãy xem lại cơ sở li thuyết và vấn đề bản chất của trò chơi của văn học như thế nào?

1. Khái niệm trò chơi và sự chơi

1.1. Các quan niệm về chức năng xã hội của trò chơi và sự chơi

Chơi là hiện tượng của sự sống, từ xưa đến nay trở nên mối bận tâm tha thiết của nhiều nhà triết học, nhân loại học, xã hội học, mĩ học. Một mặt hình như nó là mảnh đất làm sản sinh nhiều hình thức văn hoá, mặt khác các hình thức chơi cụ thể không ngừng xuất hiện rồi mất đi trong lịch sử văn minh của nhân loại. Gốc rễ của hoạt động chơi bị biến mất  cùng với văn hoá nguyên thuỷ xa xưa mà con đuờng tìm kiếm chỉ còn thấy lờ mờ.

Từ thời cổ đại đến nay đã có nhiều định nghĩa về sự chơi từ các phương diện sinh lí, tâm lí, xã hội học, triết học, nhưng tất cả đều chưa đầy đủ, còn phiến diện. Thời cổ đại Aristote nêu thuyết bản năng “bắt chước”, một thứ  chơi, bắt chước đem lại nhận thức, niềm vui. Ông không xem xét đầy đủ tất cả mọi trò chơi. Giải thích bằng bản năng là chưa giải thích gì cả. Triết gia Anh H. Spencer cho rằng chơi là phát tiết tinh lực thừa, có tác dụng luyện tập sự khéo léo các hoạt động, ở trẻ thơ rèn luyện các năng lực thấp, còn trong mĩ học  là luyện các năng lực cao. Nhà tâm lí hoc Đức W. Wund cho trò chơi là con đẻ của lao động, trong trò chơi đều có các nguyên mẫu của hình thức lao động nghiêm túc. Như vậy trò chơi có sau lao động.

Nhà xã hội học mácxit Nga L. Plekhanov trong sách Những bức thư không có địa chỉ viết : trong lịch sử loài người lao động có trước trò chơi.

 Các nhà tâm lí học Nga thời xô viết xem hoạt động chơi như một nét tâm lí trẻ em, khi thành ngươì lớn người ta chuyển sang chơi thể thao. Nhà tâm lí học Liên Xô cũ D. B. Elkonin trong sách Tâm lí học trò chơi  xem trò chơi là hoạt động trong đó tạo dựng các quan hệ xã hội giữa người với người, không phụ thuộc vào nhu cầu thực dụng trục tiếp. Trong trò chơi trẻ em chủ yếu là tưởng tượng, huyễn tưởng.  Các quan niệm tâm lí học khẳng dịnh trò chơi đối với sự hình thành nhân cách con người.: hình thành quan hệ xã hội, luyện sự khéo léo, kĩ năng lao động. Có thể thấy trò chơi đã được quan tâm nhưng vấn đề được nhìn còn rất hạn hẹp theo từng khía cạnh của chức năng xã hội. Nhìn chung, người ta hiểu trò chơi và chơi  là hoạt đọng phi thực dụng, chơi là không thật, phi thực tế,  chơi chỉ có ý nghĩa tập luyện nào đó là có ích.

   1.2. Quan niệm khai sáng, nhân văn chủ nghĩa về trò chơi.

 Thời Khai sáng chơi là khái niệm khẳng định chủ thể. I. Kant là người đầu tiên nêu vấn đề nghệ thuật như là trò chơi tự do, khẳng định tính chất trò chơi trong cảm thụ thẩm mĩ và nghệ thuật. Sự khẳng định chủ thể chơi tự do gắn với tư tưởng nhân văn coi coi người chủ thể là trung tâm của xã hội. F. Schiller xem trò chơi là sự hưởng thụ bằng cách thể hiện tinh lực thừa không phụ thuộc vào nhu cầu bên ngoài. Trong chơi sự xung động cảm tính và xung động lí tính hoà hợp làm một, làm cho nhân cách phát triển hài hoà. Chơi khẳng định bản chất của con người. Hai tác giả này qua quan niệm chơi khẳng định tinh thần chủ thể là tuyệt đối, là sự giải phóng về quan niệm chủ thể trong nghệ thuật gắn với sự khẳng định vị trí trung tâm của con người của chủ nghĩa nhân văn. Kant hiểu chơi tự do nghĩa là hành vi tâm lí của chủ thể thẩm mĩ. Mặc dù ông cho rằng cái đẹp có tính phổ biến và có thể truyền đạt, nhưng ông hiểu một cách tiên nghiệm trên cơ sở tính chất cảm thụ chung của con người. Kant chưa có khái niệm giao tiếp, chưa có đối thoại.

Theo truyền thống này, nhà mĩ học Nga Xô viết L. N. Stolovich cho rằng trò chơi và nghệ thuật tương đồng với nhau về một số mặt. Một là cả chơi và sáng tạo nghệ thuật đều tự do, nghĩa là không bị cưỡng bức. Chơi cũng như nghệ thuật trước hết cần vui thú, thú vị, thể hiện trong quá trình chơi. Thú vị của nghệ thuật cũng ở trong quá trình thưởng thức như nghe nhạc, đọc tiểu thuyết…Hai là  cả hai đều vận dụng một số quy luật tâm lí như tin vào sự quy ước, tuân thủ luật chơi, biết là giả, không thật, mà vẫn thực hiện theo yêu cầu của nó một cách nghịch lí. Khi chơi người chơi hết mình, không biết chắc kết quả, có thể được hoặc có thể thua, đọc văn học có thể hiểu nhiều hoặc có thể ít, hoặc không hiểu, nhưng vui thú ở trong quá trình. Nhưng, thứ ba ông không chấp nhận đồng nhất nghệ thuật với trò chơi, cho đó là sai lầm, vì cho rằng trò chơi chủ yếu là hoạt động của trẻ em. Khi lớn lên, yếu tố trò chơi không biến mất, mà được cải tạo lại, chuyển sang hoạt động nghệ thuật hoặc là chơi thể thao (giống như Elkonin!). Quan niệm này có nhiều điểm giản đơn, không thỏa đáng. Tại sao trò chơi chỉ giành riêng cho trẻ em? Tại sao chỉ rút gọn trò chơi vào nghệ thuật và thể thao? Đó là định kiến hẹp hòi, thiển cận.

Theo tôi, từ trò chơi có nghĩa đen và nghĩa bóng. Từ trò là yếu tố trong vai trò, chơi có nghĩa là đóng trò, đóng vai. Chơi tức là đóng trò, đóng vai. Trong đời sống con người phải đóng nhiều vai, tức là tuân theo quy ước, ví như làm chủ tọa, đứng chủ tế, làm chỉ huy, làm MC… Sân khấu là nơi diến trò, diễn viên đóng trò. Nhà văn đóng vai người kể chuyện. Nhà thơ đóng vai người trữ tình. Người đọc đóng vai người đọc thì mới hiểu tác phẩm. Người nghiên cứu nhiều khi không đọc tác phẩm như người đọc. Người ta quen xem chơi là không nghiêm túc. Vấn đề chưa giải quyết rõ là, sự chơi có nghiêm túc hay không?

1.2.Quan niệm chơi như một hiện tượng văn hoá.

 1.3.1. Johan Huyzinga (1872 – 1945), nhà văn hoá học Hà Lan là người đặt lại vấn đề trò chơi trên nền tảng văn hoá. Quan điểm của ông được các  nhà lí luận mác xít Xô viết coi là tư sản và gạt ra ngoài (Xem sách của Stolovich, 1985). Trong sách Con người chơi (1938) ông xem trò chơi như là yếu tố của văn hoá, (không phải là trong văn hoá, mà là của văn hoá), bởi vì người ta đã bỏ quên tầm quan trọng của khái niệm và nhân tố trò chơi đối với văn minh của nhân loại. Huizinga là tác giả nghiên cứu kĩ lưỡng nhất về khái niệm trò chơi. Ông xem trò chơi có trước văn hoá. Nhìn các đông vật đùa chơi ta thấy sự tự do và hứng thú, niềm vui, thư giản, Ngay đối với động vật trò chơi không chỉ là hiện tượng vật lí, tâm lí. Nó có một chức năng ý nghĩa, vượt qua nhu cầu trực tiếp của đời sống vật chất. Nó đem ý nghĩa truyền đạt cho hoạt động. Tất cả trò chơi đều có một ý nghĩa nào đó, phi nhu cầu vật chất.

  Theo Huyzinga, trò chơi là : “một hoạt động tự do, là một hoạt động “không nghiêm túc”, nó độc lập với “dời sống bình thường”, nhưng đồng thời thu hút mãnh liệt người chơi, nó là hoạt động không có liên hệ với lợi ích vật chất, không thể dựa vào nó mà kiếm lợi nhuận; theo phương thức cố định và có trật tự, nó có giới hạn không thời gian nhất định, nó thúc đẩy sự hình thành các đoàn thể xã hội. Theo đó có thể chia ra 5 đặc điểm quan trọng của chơi sau:

  1)Trước hết chơi là hành vi tự nguyện. Bị ép buộc thì không còn chơi nữa. Đó là phẩm chất tự do của chơi làm nó tách khỏi tiến trình tự nhiên, về mặt tự triển khai nó như đoá hoa nở tự nhiên. Có người bảo là do bản năng, nhưng bản năng là điều chưa biết, chỉ biết rằng người ta thích thì chơi. Chơi có thể bỏ dở, có thể trì hoãn không bắt buộc. Nó không phải là một công việc…

2) Chơi không phải là việc làm hay cuộc sống “thật”, “bình thường”, nó là hoạt động tạm thời thoát ra khỏi đời sống thực, đi vào một lĩnh vực khác. Bất cứ trẻ con nào cũng biết chơi là giả vờ. Tính chất giả vờ này so với việc “nghiêm túc” có vẻ nó thấp hơn một bậc. Chơi chỉ là một ý thức giả vờ, nhưng nó cũng rất nghiêm túc, nó đòi hỏi người chơi say mê, chơi hết mình, trung thực. Trong đời sống sự chơi và việc nghiêm túc có quan hệ mờ nhoè, có khi chơi đòi hỏi nghiêm túc mà viêc nghiêm túc cũng cần trò chơi. Người ta thường nghĩ rằng chơi có nghĩa là tạm nghỉ việc hàng ngày, cho nên không vụ lợi, nó có tính chất bổ sung đời sống, cho nên cũng là một phần của đời sống. Nó mở rộng đời sống, trang sức cho đời sống.

3) Thời gian và địa điểm chơi khác với thời gian không gian đời sống “bình thường”. Sân vận động, đấu trường, sân chơi, phòng đánh cờ, nơi hành lễ, đàn tế trời, nơi cầu đảo…đều giống nhau. Nó có tính tách rời, hữu hạn. Nó bao hàm quá trình và ý nghĩa của nó. Nó bắt đầu và lúc nào đó thì “hoàn thành”, kết thúc. Tự nó vận hành cho đến xong. Mọi hoạt động trong đó đều phù hợp với thời gian không gian của nó. Nó có một hình thức phức tạp của một hiện tượng văn hoá.Một khi mở ra, trò chơi lâu dài vẫn là một tâm lí sáng tạo của tâm hồn như một tài sản được tâm hồn bảo lưu, nó có thể lưu truyền. Trong cấu trúc trò chơi luôn có nhiều lặp lại.

4) Trong không thời gian chơi có một trật tự, có luật chơi mà mọi người phải tôn trọng. Vi phạm luật chơi lập tức mất thú. Do tuân thủ luật chơi mà nảy sinh các trạng thái tâm lí như hồi hộp, thăng bằng, đối nghịch, xung đột, giải quyết. Trò chơi làm say mê con người. Yếu tố hồi hộp rất quan trọng, vì không biết chắc kết quả cuối cùng, chỉ biết gắng sức, kiên trì, quyết đoán, phấn đấu để “giành phần thắng”mà không cầm chắc. Các trò chơi thử thách kĩ năng như giải câu đố, bắn súng, bắn cung, ghép hình, ghép khối, đánh bài…cũng có tính chất hơn thua. Đánh bạc, thi điền kinh cũng là hình thức chơi hơn thua, thử thách quyết liệt. Dù muốn thắng vẫn phải tuân thủ luật chơi. Phá luật có nghĩa là phá huỷ bản thân thế giới trò chơi, và bị cộng đồng chơi phản đối, không cho chơi nữa. Nếu lừa dối, gian lận thì càng tỏ ra hèn hạ, đê tiện, bị phát hiện và bị đuổi khỏi trò chơi.

5) Cộng đồng chơi có khuynh hướng tự vây bọc trong vòng khép kín, bí mật, có quy ứơc riêng như một câu lạc bộ, có tính chất lâu dài. Trẻ con gọi nhau đi chơi cũng có chút “lén lén lút lút”. “chúng mình” chơi với nhau, không phải “chúng nó”. Nhóm chơi có cách ăn mặc riêng, màu sắc riêng…ăn mặc có tính biểu diễn, khác đời sống thường.

   Huyzinga vận dụng 5 tiêu chí chơi nêu trên vào các hình thức văn hoá như lễ hội, vu thuật, lễ thức cầu mưa, cầu phúc, cũng tổ tiên…lễ nghi tôn giáo, đều có tính chất trò chơi. Ông nghiên cứu tính chất trò chơi trong các lĩnh vực pháp luật (các quan toà đội tóc giả, có luật chơi của toà, có tranh tụng hơn thua, đấu lí với nhau), chiến tranh (tuyên chiến, kêu đối thủ ra đánh…), học vấn, thơ ca, thần thoại, triết học, hình thức chơi của nghệ thuật, chơi và văn minh phương Tây, thành phần chơi trong văn minh hôm nay. Quan niệm chơi và trò chơi của Huizinga là một cơ sở để ta hiểu thêm về hoạt động nghệ thuật trong đó có văn học.

Theo ông trò chơi và văn hoá là một thể song sinh liên hợp (đã thế thì sao lại có trước văn hoá?), mà chơi ở vị trí hàng đầu. Tính cạnh tranh, tranh đua giành phần thắng trong các hoạt động có tính chơi là động lực thúc đẩy văn hoá phát triển. Sự chơi đem cho người ta khái niệm “thắng lợi”. Thắng nghĩa là trong kết cục tỏ ra ưu việt về trí tuệ, về khéo léo, về tài nghệ, được tôn trọng, có vinh dự. Trong đánh bạc thì ranh giới chơi và nghiêm túc bị nhoè. người chơi nghĩ là chơi, người kinh doanh không nghĩ thế. Mọi cuộc thi đều có tính trò chơi: thi thơ, thi tiểu thuyết…đều là chơi, mà nghiêm túc, thúc đẩy văn chương tiến tới.

1.3.2. Nhà mĩ học Anh E. H. J. Gombrich (sinh năm 1909 tại Áo) khẳng định tư tưởng của Huyzinga về tính nghiêm túc của chơi và trò chơi. Ông cho biết Huyzinga không giải quyết triệt để về quan hệ trò chơi và sự nghiêm túc. Có lần sau khi giảng xong chuyên đề “Con người chơi”, có người hỏi tác giả: “Có phải ông nghĩ rằng công việc ông đang làm cũng là trò chơi? Ông kinh ngạc nói “Đúng!”, nhưng trong lòng thì ông hét to: “Không!”.Điều đó nói lên sự mâu thuẫn của ông trong vấn đề chơi và nghiêm túc.

1.4. Quan niệm chơi trên nền tảng giao tiếp, giao lưu, đối thoại.

1.4.1. Khái niệm chơi của L. Wittgenstein.

    H. Gadamer cho rằng cách hiểu chơi trước đây thiên về tính tự do, không vụ lợi  của ngưòi chơi, chủ thể chơi mà chưa quan tâm đến bản thân trò chơi. Chơi là khái niệm then chốt của triết học hiện đại. Nhà triết học Áo L. Wittgenstein xem ngôn ngữ là trò chơi dựa vào việc sử dụng ngôn ngữ và cách dùng ngôn ngữ mà ngữ pháp là luật chơi. Trước đó ông tin rằng có một ngữ pháp chung làm cơ sở để người ta có thể dịch từ tiếng này sang tiếng kia và các dân tộc có thể hiểu nhau. Nhưng sau thì ông cho rằng, mỗi ngôn ngữ có luật chơi của nó. Ngôn ngữ không cô lập, nó là “bức tranh đời sống” chi phối quy tắc ngôn ngữ, cùng một quy tắc ngôn ngữ nhưng người nói có thể nói khác nhau theo ý thích của mình, không bắt buộc. “Bức tranh dời sống” thay đổi ngôn ngữ cũng thay đổi. Chơi ngôn ngữ thể hiện trong ngữ cảnh.

1.4.2. Quan niệm chơi của M. Bakhtin: đối thoại

  Bakhtin hiểu chơi trên cơ sở đối thoại, cácnavan. Chơi là tách ra khỏi cuộc sông thực tế, cuộc sống thứ hai trong cácnavan, trò chơi tấn phong, hạ bệ, mọi người đều chơi và bị chơi. Đối thoại về chân lí. Tuy nhiên trong quan niệm của Bakhtin chưa quan tâm đến cấu tạo văn bản và hiểu văn bản.

1.4.3. Quan niệm chơi trong thông diễn học của H. Gadamer

Gadamer trong sách Chân lí và phương pháp (1960) nêu ra một lí thuyết chơi hoàn toàn đối lập với lí luận kinh điển thời Khai sáng. Sự chơi vượt lên sự thể nghiệm cá nhân, tôn trọng luật chơi để đạt đến sự đồng giao lưu, cùng tồn tại. Theo ông phương thức tồn tại của tác phẩm là chơi, hay chơi là phương thức tồn tại của tác phẩm. Cái mà chúng ta gặp trong kinh nghiệm nghệ thuật giống như cái ta gặp trong sự chơi. Thời hiện đại vị trí trung tâm của con người đã bị phê phán, do đó, theo Gadamer, một là ta cần phải bỏ thói quen quan niệm chơi tức chỉ là chủ thể chơi như quan niệm khai sáng. Hai là bỏ quan niệm chơi là không nghiêm túc, dường như muốn làm gì thì làm, không chịu trách nhiệm. Ông cho rằng trò chơi đơn thuần nói chung là không nghiêm túc. Nhưng hoạt động chơi thì nghiêm túc. Đó không vì chơi có mục đích gì mà bản thân chơi có một tính chất nghiêm túc. Để chơi cho ra chơi thì hoạt động chơi phải được tuân thủ. Chơi có trật tự mới làm cho sự chơi chuyên chú vào bản thân nó. Nó không có mục đích, ý đồ, không có sứ mệnh tạo hồi hộp. Trò chơi, sự chơi độc lập với ý thức người chơi. Ông lấy ví dụ khi ta miêu tả sóng mà nói sóng vui chơi trên bãi cát, gió nô đùa trong nhành lá, để nói rằng chơi là cái gì lặp đi lặp lại, không có mục đích và không gắn với chủ thể. Mọi sự chơi là quá trình bị chơi. Sức hấp dẫn của sự chơi là do nó vượt lên trên người chơi mà chiếm vị trí chủ đạo. Chủ thể của chơi là bản thân cuộc chơi chứ không phải người chơi. Đặc trưng của sự chơi của con người so vơi chơi nói chung là chơi cái gì, nghĩa là cái trật tự vốn có của trò chơi sẽ là cái được người chơi lựa chọn. Cái lôi cuốn người chơi là sự trói buộc của nó do người chơi lựa chọn. Do đó, chọn hành vi chơi phân biệt với các hành vi khác. Chơi cũng không phải là hành vi hoạt động tự do của chủ thể, bởi vì trong trò chơi không phải là không gặp nguy hiểm, chơi là phải chấp nhận mạo hiểm. Bản thân trò chơi đối với người chơi là một sự mạo hiểm. Chúng ta chỉ có thể chơi với khả năng nghiêm túc của trò chơi. 1) Sức hấp dẫn của trò chơi nằm trong sự mạo hiểm của chơi. Ta được tự do quyết định lựa chọn, tự do gánh vác hậu quả. 2) Ngoài người chơi, trò chơi còn có kẻ khác tham gia là người xem, chơi mà không có người xem thì mất thú. 3) Trò chơi có không gian, nhưng không phải là không gian tự do, mà ngược lại là hạn chế. Chơi có nghĩa là là hi sinh tự do và chấp nhận hạn chế. Do đó chỉ khi người chơi chơi hết mình với sự chơi thì họ mới có cảm giác tự do đối với mình. Tự do trong lựa chọn và trong chấp nhận. Từ đó Gadamer rút ra, phương thức tồn tại của sự chơi của loài người là tự biểu hiện mình. Sự chơi của con người biểu hiện bản thân con người. Ý nghĩa nổi bật của chơi là tự biểu hiện. Vì người chơi không phải là chủ thể của chơi, cho nên tự biểu hiện không phải là mục đích. Bản thân sự nộp mình cho trò chơi là tự biểu hiện. Tức thông qua việc chơi cái gì vật gì mà đạt đến sự biểu hiện trong trò chơi. Bản thân chơi không vì người khác mà biểu hiện. Nhưng nếu khảo sát nghi thức tôn giáo thì biết chơi là  biểu hiện ý nghĩa chỉnh thể cho người xem. Thông qua cộng đồng hiện diện của người xem mà tạo nên tính khép kín của sự chơi. Do đó sự chơi là chỉnh thể do người chơi và người xem cuộc chơi tổ chức. Người cảm thụ sự chơi chân thực nhất là người xem, qua đó, sự chơi đạt đến mức lí tưởng.

   Quan niệm trò chơi, sự chơi của Gadamer hoàn toàn mới, giúp ta hiểu thêm bản chất chơi của nghệ thuật. Tuy vậy hạ thấp tính tự chủ, chủ thể của người chơi là vấn đề cần suy nghĩ thêm.

  Tóm lại quan niệm trò chơi đã trải qua ba giai đoạn. Một là trò chơi gắn với bản năng, hình thức tập dượt; hai là chơi như hoạt động tự do biểu hiện của chủ thể và ba là chơi như một hoạt động nghiêm túc mà con người nộp mình cho nó để tự biểu hiện và có niềm khoái cảm. Trò chơi từ chỗ được hiểu là đối lập với nghiêm túc đã trở thành hoạt động nghiêm túc.

2.Nghệ thuật như là sự chơi ( chơi, trò chơi)

Theo Huyzinga trong quá trình lịch sử, trong khi các hoạt động tôn giáo, học thuật, chính trị, chiến tranh ngày càng xa dần tính chất trò chơi thì thơ ca vẫn bảo lưu tính chất đó. Từ Poiesis là chỉ một loại chức năng chơi, trong chơi tâm trí thơ ca tạo ra thế giới riêng của mình, trong đó mọi sự có bộ mặt khác, vượt lên trên nghiêm túc, thể hiện trí tuệ ngây thơ nguyên sơ trong cảm thụ thế giới, như trong mộng. Thời nguyên thuỷ thơ bắt nguồn từ chơi và trở thành trò chơi thiêng liêng. Thời cổ xưa nhà thơ là người nhập mê, nhà tiên tri.

Mối liên hệ giữa văn học và nghệ thuật với trò chơi hay nghệ thuật, văn học như là sự chơi là hai khía cạnh của vấn đề. Trong nghệ thuật chơi và nghiêm túc song hành cùng nhau, vừa là chơi, mà cũng nghiêm túc.Đây là chuyện bình thường. Hãy xem các lễ hội, các cuộc duyệt binh, rõ ràng có tính nghiêm túc của lễ với đủ các nghi thức trang trọng, nhưng trong đó rõ ràng là có tính trò chơi, tính biểu diễn, tính hấp dẫn. Văn học có tính tư tưởng nghiêm túc, nhưng người ta đến với tư tưởng ấy bằng con đường trò chơi. Bản thân tư tưởng cũng có thế này thế này hay thế khác có tính lựa chọn có tính trò chơi.

2.1. Sự giống nhau giữa nghệ thuật với trò chơi. Các hình thức nghệ thuật và trò chơi, sự chơi có nhiều điểm chung: 1) Nghệ thuật và các hình thức chơi đều từ cội nguồn trò chơi mà phát triển lên. 2) Nghệ thuật và trò chơi đều tự nguyện, chấp nhận chơi và mạo hiểm, may rủi trong sáng tác và thưởng thức đều tự nguyện. 3) Nghệ thuật và trò chơi đều có không gian thời gian riêng, thoát khỏi không gian thời gian đời sống thực tế. Đó là thế giới nghệ thuật, không gian, thời gian nghệ thuật. Thế giới ấy là sự tạm ngừng của đời thường và bước vào một thế giới khác. 4) Cả hai đều có luật chơi của mình, khác với luật trong đời sống, nhưng đều có tính nghiêm túc đòi hỏi người chơi tuân thủ. Trong văn học có quy tắc của nó, có hạn chế về thể loại, về vần nhịp, về luật thơ, về các quy định hạn chế…làm khó cho người chơi. 5) Cả hai đều tự biểu hiện, muốn thể hiện tài trí, sức sáng tạo, sự khéo léo, sức tưởng tượng của mình. Chơi cũng là hưởng thụ, trải nghiệm những kinh nghiệm đặc biệt về thể xác và tinh thần, đột phá lôgíc, đột phá lí trí, đột phá đẳng cấp, giàu nghèo trong xã hội, đạt tới tự do, bình đẳng. 6) Cả chơi và nghệ thuật đều là hình thức thoát khỏi tạm thời cuộc sống thật để biểu hiện mình trong một thế giới khác, tạo niềm vui, giải trí, hưởng thụ trong thế giới ấy.

2.2. Sự khác biệt giữa nghệ thuật và trò chơi. Tuy nhiên giữa chơi và nghệ thuật có sự khác biệt, không phải hoàn toàn đồng nhất. Nghệ thuật là bộ phận đặc thù trong lĩnh vực chơi.1) Nghệ thuật nghiêng về phương diện tinh thần, trí tuệ, tình cảm, khác xa các trò chơi thể lực hoặc lí trí. Nó là lĩnh vực của trí tưởng tượng, sáng tạo. 2) Nghệ thuật không phải là trò chơi đơn thuần, mà là trò chơi tái hiện đời sống bằng tưỏng tượng, biểu hiện nghĩa, khám phá nghĩa, từ đó mà nhận thức, cảm thụ, tự giáo dục và hưởng thụ thẩm mĩ. Chơi nghệ thuật là hình thức thể hịên thái độ, tình cảm của con người đối với thời cuộc, cuộc đời và con người.

3. Đặc trưng nghệ thuật, văn học nhìn từ trò chơi và sự chơi

      Ngoài các điểm giống và khác nhau giữa nghệ thuật và trò chơi như trên, khái niệm nghệ thuật như một hoạt động trò chơi, có đặc điểm riêng của nó. Trò chơi là yếu tố đặc trưng của sáng tạo nghệ thuật. Chơi là một hoạt động tự do, không bắt buộc. Trò chơi về cơ bản là hoạt động vô tư, có tính chất ngẫu hứng, bất ngờ, tính nghịch lý, chống lại sự tự động, máy móc của cuộc sống xung quanh và sự kiểm soát quá mức của nó. Trò chơi thường thực hiện các chức năng rèn luyện các khả năng cần thiết để thực hiện một vấn đề nghiêm túc, là các bài tập về khả năng tự chủ. Chẳng hạn cách nhận xét đánh giá một hành vi của nhân vật hay của cả một nhân vật là một bài tập đối với một con người. Sự lựa chọn thẩm mĩ, thị hiếu, thích hay không thích cũng là một trò chơi hữu ích. Một khía cạnh quan trọng khác của nhu cầu trò chơi là nó bù đắp cho con người những gì mà nó không tìm thấy trong cuộc sống thực. Qua văn học, nghệ thuật con người được bù đắp đủ thứ mà trong thực tế nó không bao giờ trải qua.

    Bản thân trạng thái vui chơi luôn có tính chất lưỡng trị: nó kết hợp sự thống nhất giữa đức tin và sự không tin, mối liên hệ giữa sự nghiêm túc thiêng liêng với sự giả vờ và ngốc nghếch. Trong khối tư liệu rất lớn nghiên cứu về mối quan hệ qua lại giữa nghệ thuật và trò chơi, các nhà nghiên cứu đang cố gắng xác định những loại hình nghệ thuật nào có nhiều yếu tố trò chơi hơn cả? Theo ý kiến của số đông nhà nghiên cứu, thì đó là nghệ thuật âm nhạc - thơ ca, âm nhạc và khiêu vũ. Ở nhóm nghệ thuật tạo hình (hội họa, điêu khắc), mối liên hệ với trò chơi dường như ít rõ ràng hơn. Có những dấu hiệu nào có thể phân biệt rõ ràng nghệ thuật và trò chơi không? Có. Nếu vui chơi đối lập với nghiêm túc, thì tất nhiên, nghệ thuật không đối lập với thái độ nghiêm túc. Một mặt, trò chơi có các chức năng quan trọng là tổ chức toàn bộ sự tồn tại của xã hội, nhưng mặt khác, khi trò chơi không còn thiêng liêng, phi thiêng, nó hoàn toàn rời bỏ địa vị bản thể học cao, để chuyển thành nghệ thuật. Tính bản thể của sáng tạo nghệ thuật thể hiện ở chỗ, nghệ thuật luôn muốn hấp thu sự sống toàn vẹn và vĩnh cữu hóa nó. Nghệ thuật kế thừa những chức năng thiêng liêng của cuộc chơi, mà khi càng khái quát hóa tối đa, nó có thể chống lại mọi thứ có thể làm gián đoạn hay ngăn trở cuộc sống. Bất kỳ kiệt tác nghệ thuật nào, bất kỳ hiện tượng nghệ thuật đỉnh cao nào đều có một khát vọng tương tự như khát vọng đối với cái tuyệt đối, khát vọng được hấp thụ sự sống đầy đủ và kéo dài nó đến vô tận, thể hiện trong khát vọng vượt thời gian của nó. 
     Tính trò chơi trong nghệ thuật thể hiện ở các phương diện khác nhau ở cấp độ cả nội dung và hình thức nghệ thuật. Ở nội dung nghệ thuật, yếu tố trò chơi bộc lộ trong việc phát triển chuỗi sự kiện, cốt truyện, xây dựng các mâu thuẫn, xung đột. Về mặt này, yếu tố nổi bật nhất của cả loại hình nghệ thuật đại chúng lẫn loại nghệ thuật tinh anh đều cần đến là tính giải trí, cần phải hấp dẫn sự hứng thú của người đọc, người xem, người nghe. Ở cấp độ của hình thức nghệ thuật, yếu tố trò chơi thể hiện trong chính quá trình sáng tạo ra các phương tiện nghệ thuật nói bóng: ẩn dụ, quy ước ngôn ngữ, các ẩn ngữ đặc biệt tạo nên sự khác biệt của các quy tắc kết hợp các thành phần của thế giới thực và thế giới hư cấu. Trong những trường hợp khi nghệ thuật tìm cách tiếp cận gần với cái được gọi là "kết cấu tự nhiên", thì nó sẽ đánh mất đi những ý nghĩa tiềm ẩn không thể diễn đạt được, và cùng với chúng – đánh mất luôn sự hứng thú và hấp dẫn của nó. Nghệ thuật càng cố gắng đồng nhất bản thân nó với thực tại bao nhiêu, thì nó càng làm giảm đi các nhân tố có ý nghĩa và tinh thần vốn có của riêng nó. Sự khơi gợi liên tưởng, nghĩa, ý nghĩa mới được nảy sinh một cách tích cực khi nghệ sĩ thay đổi nhãn quan cũ, xây dựng tổ hợp mới, kết hợp được những gì mà trước đây dường như không thể kết hợp được.
Sự coi nhẹ tính trò chơi của văn học dẫn đến coi văn học là thiêng liêng, nghiêm túc thái quá, khiến cho văn học biến thành tài liệu giáo huấn khô khan, nhàm chán, ít hoặc không có chút gì hấp dẫn. Coi nhẹ trò chơi khiến nhà văn coi sáng tác là “làm nhiệm vụ”, mất đi tính tự chủ, vui chơi. Và cuối cùng coi nhẹ tính trò chơi, sự chơi khiến nhà văn mất đi cơ hội sáng tạo văn học đích thực. Những kẻ phủ nhận tính chất chơi của văn học đang làm hỏng văn học.
Tài liệu tham khảo:
1.L.N. Stolovich. Chức năng nghệ thuật như là trò chơi và sáng tạo. trong sách: Cuộc sống, nghệ thuật, con người, Politizdat, Moskva, 1985, tr.260 -309.
2. J. Huyzinga. Homo Ludens, “Progress”, Moskva, 1992.
3. H.G. Gadamer, Chân lí và phương pháp, Nxb Thương vụ ấn thư quán, Bắc Kinh, 2007.Khái niệm trò chơi, tr. 143 – 156.

TĐS