Học phí trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu

Năm học mới ở trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu - HN Ảnh: Thu Hằng

Mặc dù đã có văn bản quy định chung về việc thu chi và sử dụng học phí của UBND thành phố Hà Nội là quyết định số 73/2000/QĐ-UB đối với các trường công lập và quyết định số 42/2000/QĐ-UB đối với các trường dân lập, nhưng tình trạng thu học phí ở các trường vẫn còn nhiều tùy tiện...Mỗi trường một loại phí, không trường nào giống trường nào là ghi nhận của chúng tôi khi làm cuộc khảo sát về mức đóng góp đầu năm ở các trường. Chị Trần Mai Phương - phố Lãn Ông, có con gái là học sinh lớp 3 Trường Tiểu học Hồng Hà cho biết: "Từ đầu năm học đến nay, tôi đã phải đóng 375.000 đồng cho nhiều khoản khác nhau như: tiền xây dựng, tiền hỗ trợ giáo dục học kỳ I, tiền ăn bán trú, tiền chăm sóc, tiền Đội, tiền cơ sở vật chất tháng 9, tiền bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thể, tiền học tiếng Anh, Tin học…". Chị còn đang lo chuẩn bị tiền cho cuộc họp phụ huynh đầu năm sắp tới. Thường thì lúc đó sẽ thêm những khoản đóng góp khác nữa như tiền quỹ trường, quỹ lớp, quỹ khuyến học… chắc cũng khoảng 300 - 400 nghìn đồng nữa.

Cùng là một cấp tiểu học, nhưng anh Nguyễn Văn Tiến - có con năm nay vào lớp 1 trường Tiểu học Hoàng Diệu [quận Ba Đình] cho biết: "Vừa nhập học mấy ngày, thấy cháu bảo đến đóng tiền học. Ngỡ là nhiều lắm cũng chỉ hết 500.000 đồng, nhưng không ngờ tổng cộng lên đến 850.000 đồng, nào là tiền xây dựng: 40.000 đồng một học kỳ, tiền photo: 40.000 đồng, hỗ trợ tiểu học: 45.000 đồng, sao đội: 18.000 đồng, bảo hiểm y tế: 50.000 đồng, bảo hiểm thân thể: 25.000 đồng… Chỉ riêng tiền đóng trang thiết bị cơ sở vật chất đã là 425.000 đồng, số tiền này được giải thích là để mua sắm bàn gấp phục vụ cho việc ăn ngủ bán trú ở lớp, tiền mua tivi, quạt trần, giá để mũ… Ngoài ra còn một khoản nữa là đóng góp xây dựng tự nguyện. Tiếng là "tự nguyện" nhưng mức đóng thấp nhất cũng phải là 500.000 đồng. Có người trong túi còn 300.000 đồng đành phải quay về. Mà nhiều khoản đóng góp không hề có biên lai, chỉ ký vào một quyển sổ tự lập của trường mà thôi".

Chị Ngân Oanh có con học ở trường Tiểu học Thạch Bàn [quận Long Biên - Hà Nội] bức xúc nói: Không biết có phải vì mới lên quận hay không mà mọi khoản đóng góp đều tăng, thậm chí nhiều khoản còn rất vô lý như tiền học mô hình [10 buổi mỗi tuần] là 50.000 đồng một tháng, tiền mua sắm trang thiết bị…

Không biết có phải trường chuyên, "đẳng cấp" cao hơn nên mọi khoản đóng góp cao hơn không, nhưng mỗi học sinh Trường THCS Hà Nội - Amsterdam phải đóng 850.000 đồng cho hơn 10 khoản thu như: tiền bồi dưỡng giáo viên dạy tăng tiết: 300.000 đồng một học kỳ, quỹ phụ huynh học sinh: 170.000 đồng một học kỳ, tiền vệ sinh…

Một điều nữa là, chẳng biết có phải quá "nhiệt tình" với khoản thu hộ là bảo hiểm y tế và bảo hiểm thân thế, hay vì một lý do nào khác, mà nhiều trường thúc phụ huynh nộp ngay từ đầu năm học, thay vì chờ đến cuộc họp đầu năm để tự do lựa chọn. Trường THCS Thạch Bàn lại còn sốt sắng hơn, buộc tất cả học sinh phải đóng hai khoản này. Gia đình anh Toàn ở xóm Lẻ phường Thạch Bàn, chị làm ruộng, anh là sĩ quan quân đội nên đã mua bảo hiểm cho cả gia đình ở đơn vị bộ đội nơi anh công tác, nhưng trường Thạch Bàn vẫn yêu cầu phải đóng, nếu không gia đình phải làm đơn, có xác nhận của đơn vị thì mới được chấp nhận. Thấy quá rườm rà, nhiêu khê, nên anh đành đóng cho xong chuyện nhưng vẫn ấm ức vì sự áp đặt của trường.

Ông Lê Ngọc Quang - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính - Sở Giáo dục Đào tạo Hà Nội cho biết: Hai văn bản quy định về thu chi học phí hiện nay là 73/2000/QĐ-UB và 42/2000/QĐ-UB không còn phù hợp nữa nên Sở GD & ĐT đang cùng Sở Tài chính vật giá xây dựng phương án mới trình UBND cho phép tăng mức thu chi vì từ khi văn bản ra đời đến nay đã nhiều lần điều chỉnh tăng lương, mức trượt giá mỗi năm khoảng chừng 6 - 8% nên những khoản thu đã quy định không bù đắp nổi mức chi. Hơn nữa, hai văn bản này lại mâu thuẫn với Quyết định 70 của Thủ tướng Chính phủ có điều khoản quy định giao quyền tự chủ cho các đơn vị có thu, trong đó có các trường học, nhưng hai quyết định 72 và 43 lại khống chế các khoản chi thu, kể cả với khối trường dân lập, làm cho các trường mất tính chủ động. Nhưng, từ nay đến khi quyết định mới được ban hành  thì mọi khoản thu trong nhà trường vẫn không thay đổi. Cụ thể là đối với mầm non, trung học cơ sở, trung học phổ thông và dạy nghề, mức học phí vẫn không thay đổi [trừ tiểu học không có học phí mà thay bằng tiền hỗ trợ học phí], tiền xây dựng [40.000 đ/học kỳ], tiền học bán trú 2 buổi/ngày, hỗ trợ tiểu học: 10 - 15.000 đ/tháng, học phẩm [đất nặn, giấy màu… đối với khối trường mầm non]. Ngoài ra còn có các khoản thu hộ khác trong nhà trường như: đoàn thể, hội, đoàn đội, bảo hiểm [không bắt buộc]. Các hội, các cơ quan vào cuộc cũng phải có trách nhiệm thông báo, giải thích rõ ràng cho phụ huynh học sinh biết, tránh áp đặt, hiểu lầm về các khoản thu hộ này.

Ông Quang cũng cho biết có nhiều khoản thu trong nhà trường như mua ghế nhựa cho học sinh ngồi trong giờ sinh hoạt tập thể sáng thứ hai hàng tuần, nước uống, mua sắm thêm quạt, đèn chiếu sáng… dù không hợp pháp vì không có trong quy định nhưng hợp tình, hợp lý, được phụ huynh học sinh ủng hộ thì vẫn được chấp nhận. Trường hợp ở Trường Tiểu học Hoàng Diệu, ngân sách xây dựng của thành phố chỉ duyệt cho mua trang thiết bị đơn giản, chưa phù hợp với điều kiện sinh hoạt của học sinh bán trú, các bậc phụ huynh lại muốn con em mình có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt suốt mấy năm học nên tự đứng ra vận động, quyên góp, mua thêm thứ này, sắm thêm thứ nọ. Đối với một sốngười, khoản chi đó là nhỏ, nhưng với số khác lại là cả một vấn đề, do vậy nhà trường phải có trách nhiệm điều tiết giữa nhu cầu với hoàn cảnh chung của đại bộ phận phụ huynh học sinh. Chủ trương của Sở là tạo điều kiện và khuyến khích hình thức xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục, đó cũng là chủ trương của Đảng và Nhà nước. Các khoản thu chi này cũng phải công khai, dân chủ, có xây dựng quy chế rõ ràng và đưa vào quỹ Hỗ trợ và phát triển của trường để mua sắm trang thiết bị dạy học, đầu tư cho phát triển. Ngược lại, Sở cũng sẽ xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với các trường có hành vi áp đặt, bắt buộc trái với ý muốn của phụ huynh.

Ở nhiều cuộc họp phụ huynh học sinh, công bằng mà nói, nhiều khoản đóng góp hoàn toàn là tự nguyện, do đại diện PHHS đề xuất chứ không có trong chủ trương của trường, của ngành giáo dục. Những đề xuất này đều được đưa ra trong cuộc họp PHHS để trưng cầu ý kiến mọi người và đều được biểu quyết... nhất trí. Nhiều người do sĩ diện, cả nể… nên thấy mọi người tán thành thì cũng đành đồng ý mà không dám thẳng thắn nêu quan điểm của mình. Mặt khác, các trường, các lớp cũng thả nổi cho ban PHHS thao túng, vì trong đó có phần lợi về trường, nên dẫn đến tình trạng loạn đóng học phí, mỗi trường mỗi kiểu, mỗi lớp mỗi mức thu như hiện nay. 

Thu Hằng

Chủ Đề