Đánh giá về sách nhân tố enzyme năm 2024

Hiromi Shinya sinh năm 1935 tại Fukuoka. Sau khi tốt nghiệp Y khoa Đại học Juntendo, ông sang Mỹ. Ông là bác sĩ đầu tiên trên thế giới thực hiện đưa thiết bị nội soi, hay còn gọi là phương pháp Shinya vào khám chữa bệnh.

Ông cũng là người đầu tiên trên thế giới thành công trong việc phẫu thuật nội soi cắt bỏ polyp đại tràng mà không cần phẫu thuật mở ổ bụng bệnh nhân, mở ra một bước tiến mới cho y học thế giới. Hiện ông đang là giáo sư chuyên ngành phẫu thuật tại Đại học Y Albert Einstein, và là Trưởng khoa nội soi bệnh viện Beth Israel. Ngoài ra, ông còn là bác sĩ cố vấn cho bệnh viện Maeda (trước đây là phòng khám tiêu hóa Akasaka), phòng khám tiêu hóa Hanzomon.

# Lời nói đầu: Cơ thể con người có thể sống mà không mắc bệnh

Nền y học hiện đại ngày càng phát triển, thế nhưng số người mắc bệnh vẫn không hề giảm?

Sau hàng chục năm nghiên cứu, tác giả nhận ra thói quen sinh hoạt, ăn uống quyết định tình trạng sức khỏe của bệnh nhân. Ví dụ, bệnh nhân tiểu đường được bác sĩ chỉ dẫn về ăn uống để bệnh không trở nặng.

Ông chỉ ra: Vốn dĩ cơ thể con người có nhiều hệ thống phòng vệ và cơ chế miễn dịch bảo vệ khỏi bệnh tật. Ngoại trừ bệnh bẩm sinh, nguyên nhân gây mắc bệnh là do thói quen ăn, uống, sinh hoạt chưa điều độ.

Do phần lớn mọi người không biết thực phẩm nào là tốt, thực phẩm nào là không tốt với cơ thể con người nên mới bị mắc bệnh. Với tâm nguyện giới thiệu về thói quen sinh hoạt, ăn uống đúng đắn để mọi người duy trì sức khỏe tốt, ông đã viết Nhân tố Enzyme - Phương thức sống lành mạnh

Ông đã chứng minh tại sao sữa bò hay thực vật không tốt cho cơ thể, việc hấp thụ quá nhiều catechin có hại cho dạ dày hay người thường xuyên ăn thịt, sữa chua thường có đường ruột không tốt…

Vậy ăn gì mới tốt cho cơ thể? Điều quan trọng là ta phải biết nhìn nhận những thông tin tốt và dựa vào đó để chọn lựa thực phẩm tốt; đồng thời duy trì thói quen sinh hoạt, ăn uống lý tưởng.

Với những ai có thể duy trì thói quen sinh hoạt, ăn uống như trên mà không cảm thấy áp lực thì chắc chắn sẽ muốn tiếp tục thực hiện, nhưng cũng có không ít người không thể duy trì vì những lý do từ môi trường bên ngoài: chuyện làm ăn,...

Không sao cả. Mặc dù nói đây là những loại thực phẩm không tốt cho cơ thể nhưng không có nghĩa là bạn tuyệt đối không được ăn chúng. Việc không để bản thân tích tụ căng thẳng, áp lực quá mức cũng quan trọng tương đương với việc thực hiện thói quen ăn uống đúng đắn.

Tuy nhiên, việc hấp thụ quá nhiều loại thực phẩm không tốt sẽ khiến cho nguy cơ mắc bệnh của ta cao. Quan trọng là bạn phải biết giới hạn của cơ thể. Từ đó, ta có thể vừa thưởng thức món ăn ngon, vừa duy trì thói quen sinh hoạt, ăn uống đúng.

Thực tế, tác giả là một người thích ăn thịt. Nhưng ông chỉ ăn 2 - 3 lần trong năm. Và mỗi lần ăn, ông đều chọn loại thịt được nuôi dưỡng khỏe mạnh, tự nhiên và không có chất phụ gia, kích thích,...

Phương thức sống lành mạnh trị liệu enzyme giúp dạ dày và đường ruột sạch đẹp hơn

Từ Nhân tố Enzyme - Phương thức sống lành mạnh, ta biết được: Lối sinh hoạt không tiêu tốn enzyme diệu kỳ là lối sinh hoạt giúp con người sống lâu và khỏe mạnh.

Đối với những ai lần đầu tiếp xúc với từ enzyme diệu kỳ, mình xin giải thích ngắn gọn. Enzyme là tên gọi chung cho các protein xúc tác được tạo ra trong tế bào sinh vật và là thành phần không thể thiếu trong các hoạt động sống của sinh vật. Enzyme tham gia vào rất nhiều hoạt động trong cơ thể: hấp thụ, tiêu hóa,...

Trong cơ thể, có hơn 5000 loại enzyme khác nhau. Có nhiều loại enzyme đến vậy là bởi mỗi enzyme chỉ đảm nhiệm một hoạt động duy nhất.

Khi một bộ phận nhất định trong cơ thể tiêu hao một lượng lớn các enzyme chuyên biệt thì các bộ phận trong cơ thể tiêu hao một lượng lớn các enzyme chuyên biệt thì tại các bộ phận khác trong cơ thể lại xuất hiện tình trạng thiếu các enzyme. Cơ thể sẽ tốn một lượng lớn enzyme diệu kỳ, lâu dài dẫn đến tình trạng thiếu hụt enzyme để duy trì sức khỏe và dễ mắc bệnh hơn.

Như vậy, muốn sống lâu và khỏe mạnh, ta cần phòng tránh tiêu hao enzyme, tăng số lượng, kích hoạt các enzyme diệu kỳ trong cơ thể.

Vậy làm sao để thực hiện được những việc này? Trước hết, để quá trình hình thành enzyme diễn ra thuận lợi, ta cần hấp thu các thực phẩm chứa nhiều enzyme để làm nguyên liệu. Và để làm tăng số lượng enzyme, ta cần có môi trường đường ruột tốt… Tóm lại, việc cải thiện thói quen sinh hoạt, ăn uống sẽ giúp ta.

Chương 1: Phương pháp đạt đến tuổi thọ tự nhiên

Câu chuyện về bác sĩ Hideyo Noguchi

Từ khi còn bé, mẹ của tác giả thường nói: “Hãy trở thành một bác sĩ như Hideyo Noguchi!”

Hideyo Noguchi là một bác sĩ vĩ đại của toàn thể người dân Nhật Bản. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo khó. Thuở nhỏ, vì một vết bỏng nặng mà bị mất cánh tay trái, nhưng ông vẫn khổ luyện, trở thành một bác sĩ giỏi và đi sang Mỹ để tiếp tục nghiên cứu y học. Ở đó, ông đã đạt được nhiều thành tích xuất sắc mà ngay cả người Âu Mỹ lúc bấy giờ cũng không làm được. Tuy nhiên, trong một lần đi đến châu Phi để chữa bệnh sốt vàng da cho người dân ở đây, không may ông cũng bị nhiễm độc và qua đời.

Câu chuyện trên và lời động viên của mẹ đã giúp ông có động lực để đạt được thành công: Năm 1971, sau bài phát biểu công bố phương pháp mổ nội soi cắt bỏ polyp tại hội thảo nghiên cứu nội soi dạ dày ở Mỹ, nội soi - một lĩnh vực ngoại khoa mới đã được ra đời.

Sau khi được giới y học công nhận, ông có cơ hội được gặp nhiều người trong ngành, trong đó có một bậc thầy trong ngành y, người đã từng gặp Hideyo Noguchi, thần tượng từ tấm bé của ông. Sau khi biết được về sự thật, ông lại thất vọng: Tuy bác sĩ Hideyo Noguchi vĩ đại, nhưng ông lại không hề biết quý trọng cơ thể của mình: ông say mê nghiên cứu đến mức quên ăn, quên ngủ; uống nhiều rượu đến mức đáng kinh ngạc.

Từ khi đó, tác giả quyết tâm : ”Tôi vẫn sẽ phấn đấu làm một bác sĩ vĩ đại như Hideyo Noguchi, nhưng tôi sẽ không sống phóng túng và tự rút ngắn cuộc đời mình như ông.” Và điều mà tác giả hướng tới là sống bùng nổ nhưng vẫn lâu dài.

Đừng để giá trị tuổi thọ trung bình đánh lừa

Hideyo Noguchi qua đời khi 51 tuổi. Thế nhưng, khi đó, ông đã sống lâu hơn tuổi thọ trung bình của người Nhật.

Người ta thường đánh giá một người sống thọ dựa vào việc tuổi của người đất có vượt qua được số tuổi trung bình của người dân hay không.

Nếu chỉ nhìn vào con số, ta sẽ thấy tuổi thọ trung bình của người Nhật đã tăng lên rõ rệt. Năm 1947, không lâu sau chiến tranh, tuổi thọ trung bình của nam giới là 50,06 tuổi, ở nữ giới là 53,96 tuổi. Nhưng đến năm 2005, tuổi thọ trung bình ở nam giới là 78,53 tuổi và ở nữ giới là 85,49 tuổi. Như vậy, trong vòng 60 năm, tuổi thọ trung bình của người Nhật tăng khoảng 30 tuổi.

Liệu có phải số tuổi của người dân thực sự tăng? Qua phân tích của tác giả, ông chỉ ra rằng nguyên nhân giúp tăng lên nhiều như vậy không phải là do số tuổi của người dân thực sự tăng mà là do tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh được giảm xuống.

Ngoài ra, tác giả đã chỉ ra một sự thật đáng buồn khác: Con người đúng là sống lâu hơn nhưng số thời gian trên giường bệnh cũng tăng theo.

Như vậy thì tuổi thọ tăng có thực sự là một điều hạnh phúc hay không?

Lý do người dân Okinawa sống rất lâu dù hay ăn thịt lợn

Hấp thụ quá nhiều thực phẩm động vật khiến vị tướng, tràng tướng xấu đi, gây ảnh hưởng tới sức khỏe bản thân. Điều này đã được chứng minh qua các số liệu lâm sàng.

Thế nhưng nhiều người đặt câu hỏi: “Vậy tại sao những người cao tuổi ở Okinawa nói rằng ăn thịt lợn chính là bí quyết sống khỏe của họ?”

Khi thường xuyên ăn thực phẩm động vật, cơ thể con người sẽ thiên về tính axit. Khi cơ thể bị chuyển sang tính axit, các khoáng chất magie, canxi trong xương răng sẽ được sử dụng để cân bằng lại độ pH. Chính vì thế, người hay ăn thực phẩm động vật sẽ dễ bị mắc bệnh loãng xương.

Không chỉ vậy, thực phẩm động vật lại không chứa chất xơ. Để đào thải lượng phân ít ỏi này, ruột sẽ thực hiện nhu động nhiều hơn cần thiết khiến cơ vòng, cơ dọc thành ruột dày lên, đồng thời ruột trở nên cứng và ngắn hơn.

Khi đó, áp lực bên trong ruột lớn hơn, hình thành các túi thừa. Chất thải bị tích tụ trong các túi thừa này sẽ sản sinh ra một lượng độc tố, làm thay đổi hoạt động của vi khuẩn trong đường ruột và có thể dẫn đến các căn bệnh nguy hiểm như polyp hay ung thư.

Hơn nữa, chất béo trong thịt động vật còn rất dễ bị oxy hóa và tạo ra một lượng lớn gốc oxy hóa tự do trong cơ thể.

Vậy tại sao ăn nhiều thịt lợn mà người dân vùng Okinawa vẫn sống lâu?

Nguyên nhân thứ nhất là do nước ở đây: Các loại khoáng chất như canxi, magie,... trong nước ở Okinawa nhiều gấp mấy lần so với nước trong đất liền. Nước mà người dân dùng hằng ngày đều chứa hàm lượng khoáng chất cao nên đã giúp cân bằng pH trong cơ thể.

Nguyên nhân thứ hai là do thói quen ăn uống: Mặc dù lượng thịt lợn hấp thu cao gấp 1,6 lần bình quân cả nước, nhưng lượng thực phẩm thực vật cũng nhiều. Cụ thể, lượng hấp thụ các loại tảo biển cao gấp 1,5 lần; đậu hũ gấp 2,1 lần hay các loại rau xanh gấp 1,6 lần so với cả nước.

Nguyên nhân thứ ba là do cách nấu của họ: Trước khi chế biến, thịt lớn sẽ được luộc sơ, thế nên các chất béo dư thừa sẽ được loại bỏ bớt.

Tại sao vẫn có những người có thói quen hút thuốc mà lại sống được đến 90 tuổi?

Ngày nay, vẫn có những người sống khỏe mạnh đến 90 tuổi, mặc dù họ hút thuốc thường xuyên. Thông thường, sống đến 90 tuổi đã được cho là người sống thọ, tuy nhiên, giới hạn tuổi thọ của con người thực ra lại trên dưới 120 tuổi. Tính ra những người có thói quen hút thuốc lá này đã bị rút ngắn khoảng 30 năm tuổi thọ.

Tất nhiên chúng ta không thể khẳng định chắc chắn rằng 30 năm tuổi thọ bị rút ngắn đó hoàn toàn là do tác hại của thuốc lá, nhưng nếu có thể bỏ thì chắc chắn họ sẽ sống thọ hơn nữa.

Vậy tại sao họ lại có thể sống khỏe đến 90 tuổi? Đó là vì họ có khả năng giải độc mạnh. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là những người bên cạnh họ cũng vậy.

Tác giả hy vọng những ai đang hút thuốc có thể ý thức được rằng bản thân không chỉ đang phá hoại sức khỏe của mình mà còn phá hoại sức khỏe của những người khác.

Bạn nên cẩn thận với những phương pháp chống lão hóa

Ắt hẳn bất cứ ai trong chúng ta đều có ước muốn được trẻ trung mãi mãi.

Hiện nay, phương pháp chống lão hóa đang thu hút sự chú ý của nhiều người. Tuy nhiên, những phương pháp này đều có ảnh hưởng rất xấu đến cơ thể vì trái với triết lý tự nhiên.

Phương pháp chống lão hóa tốt nhất chính là sống lành mạnh

Điều cần thiết để có thể sống lâu và khỏe mạnh đó là giữ cân bằng cho cơ thể, hấp thu các chất tốt cho cơ thể, làm những việc tốt cho cơ thể ở mức độ vừa phải và thuận theo tự nhiên.

Tác giả đã hướng dẫn ta thực hiện 7 phương pháp sống khỏe:

  1. Ăn uống đúng cách
  2. Uống nước tốt
  3. Bài tiết đúng cách
  4. Hô hấp đúng cách
  5. Vận động điều độ
  6. Ngủ nghỉ hợp lý
  7. Cười vui vẻ và cảm nhận hạnh phúc

Chương 2: Giải mã enzyme

Táo bón cũng là nguyên nhân dẫn đến ung thư

Nền y học hiện đại ngày nay thường phân tách các cơ quan trong cơ thể một cách riêng biệt như tim, gan, phổi,... và khi có vấn đề gì xảy ra thì chỉ giải quyết nó như vấn đề riêng của một bộ phận. Trong khi đó, tất cả các cơ quan trong cơ thể con người đều có mối liên quan đến nhau. Nếu một bộ phận xảy ra vấn đề thì nó sẽ gây ảnh hưởng đến toàn thân.

Ví dụ, những người ăn ít chất xơ và hấp thụ ít nước vào cơ thể dẫn đến táo bón. Các chất không được tiêu hóa trong phân sẽ hư thối, lên men, sinh ra các độc tố. Các độc tố này thay đổi cấu trúc di truyền trong các tế bào thành ruột, thậm chí gây ung thư. Không chỉ thế, các độc tố sinh ra từ phân đóng khối trong cơ thể còn ảnh hưởng xấu đến các tế bào trong toàn cơ thể.

Chắc nhiều người biết khi bị táo bón, da thường nổi mụn,... Đó là do các độc tố đã theo máu đi đến từng tế bào trên cơ thể (trong đó có da). Vì vậy, khi thấy da kém, ta phải nghĩ đến các vấn đề tương tự đang xảy ra ở các nơi khác trong cơ thể, thậm chí là trường hợp xấu nhất - ung thư.

Hai mươi điềm báo về sức khỏe của bạn - Tín hiệu nguy hiểm thông báo giảm sút enzyme

  1. Dễ bị cảm
  2. Đau cơ, đau khớp, đau thắt lưng
  3. Hay bị tiêu bón, tiêu chảy, phân có mùi hôi
  4. Da khô, dễ bị mụn
  5. Cơ thể lạnh
  6. Không có cảm giác thèm ăn, hay có cảm giác buồn nôn, đau dạ dày.
  7. Ợ nóng, chướng bụng, hay ợ hơi
  8. Mỏi mắt, mờ mắt
  9. Đau đầu, mất ngủ
  10. Tóc rụng nhiều, mỏng dần
  11. Da xuất hiện nhiều nếp nhăn, nám
  12. Cân nặng tăng lên (Hoặc không ăn kiêng nhưng cân nặng lại giảm đột ngột)
  13. Hay bị tê
  14. Tinh thần giảm sút, hay ưu sầu
  15. Không thể tập trung
  16. Dễ cáu bẳn
  17. Dễ bị phù nề
  18. Hay chóng mặt, mệt
  19. Có những bệnh đặc biệt như dị ứng, hen suyễn…
  20. Hay bị ù tai

Đường ruột chính là bộ não thứ hai biết tự suy nghĩ

Đường ruột được gọi là “bộ não thứ hai” của cơ thể vì tính độc lập của nó: đường ruột vẫn có thể hoạt động bình thường ngay cả khi con người rơi vào trạng thái chết não. Không chỉ vậy, tiến sĩ Michael D. Gershon phát hiện ra 95% serotonin - chất dẫn truyền thần kinh tồn tại trong não - được tạo ra trong đường ruột. Ông còn cho rằng: “Có lẽ đây là một điều không thể tin nổi, nhưng cái đường ruột xấu xí kia còn thông minh, giàu ‘tình cảm’ hơn hẳn trái tim của chúng ta. Sở hữu một hệ thần kinh riêng biệt, có thể tạo ra các phản xạ mà không cần đến mệnh lệnh từ não hay tủy sống, khắp cơ thể này chỉ có mỗi đường ruột mới làm được như thế.”

Ví dụ, các thức ăn có chứa protein, chất béo, tinh bột… sẽ cùng lúc tiến vào dạ dày, nhưng chỉ trong tích tắc, dạ dày có thể phân biệt được những thành phần trong đó, đồng thời truyền thông tin đến các cơ quan về chủng loại và số lượng enzyme để tiêu hóa, hấp thu các chất. Cùng lúc đó nếu các độc tố có hại với cơ thể cũng tiến vào đường ruột, đường ruột sẽ truyền thông tin đến hệ thống miễn dịch gây tiêu chảy và đào thải độc tố ra ngoài cơ thể. Đường ruột có thể xử lý nhanh chóng, hiệu quả như vậy chính là minh chứng cho việc đường ruột có thể tự suy nghĩ, phán đoán và truyền đạt mệnh lệnh đến hệ miễn dịch trong cơ thể.

Đường ruột - bộ não thứ hai này - còn có thể giải thích dưới hoạt động của “thần kinh tự trị”, thần kinh kiểm soát cơ thể trong vô thức.

Thần kinh tự trị có hai loại là thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Thần kinh giao cảm sẽ ưu tiên hoạt động mạnh khi con người rơi vào trạng thái căng thẳng, kích thích, trong khi thần kinh phó giao cảm sẽ hoạt động mạnh khi con người trong trạng thái thư giãn.

Mối quan hệ giữa hoạt động của thần kinh tự trị với các hoạt động của cơ quan được tác giả chỉ rõ: Khi thàn kinh giao cảm hoạt động mạnh, huyết áp, bộ máy hô hấp, nhịp tim đều được kích thích hoạt động. Còn dạ dày, đường ruột lại được kích thích khi thần kinh phó giao cảm hoạt động mạnh. Đó là lý do vì sao khi ta ăn no, ta lại cảm thấy buồn ngủ.

Cơ thể chúng ta cân bằng là nhờ có sự chuyển giao trạng thái hoạt động giữa thần kinh giao cảm và phó giao cảm. Chính vì vậy, khi thời gian hoạt động của thần kinh giao cảm hoặc phó giao cảm quá dài, cơ thể ta sẽ bị tổn thương.

Vậy sự cân bằng giữa thần kinh giao cảm và phó giao cảm được giữ vững dựa vào yếu tố nào?

Nói ngắn gọn thì đó chính là sinh hoạt điều độ, thuận theo quy tắc của tự nhiên.

Khi mặt trời mọc, chúng ta thức dậy, làm việc, sinh hoạt, sau khi ăn xong, ta nghỉ ngơi một chút và khi mặt trời lặn thì ta ngủ.

Thế nhưng, phần lớn mọi người trong xã hội ngày nay lại bỏ qua nhịp sống tự nhiên ấy. Và đó cũng chính là nguyên nhân lớn nhất phá vỡ sự cân bằng của hệ thần kinh tự trị trong con người ngày nay.

Bảy phương pháp sống khỏe

1. Ăn uống đúng cách – giúp quá trình lưu thông trong dạ dày, đường ruột diễn ra tốt hơn.

2. Uống nước tốt – giúp quá trình lưu thông dịch thể trong toàn cơ thể diễn ra tốt hơn.

3. Bài tiết đúng cách – giúp quá trình lưu thông dạ dày, đường ruột và quá trình bài tiết nước tiểu tốt hơn.

4. Hít thở đúng cách – làm cho quá trình hô hấp tốt hơn, qua đó củng cố quá trình lưu thông máu vốn có tác dụng vận chuyển enzyme.

5. Vận động điều độ - cải thiện lưu thông máu, bạch huyết và quá trình hô hấp

6. Nghỉ ngơi điều độ - giúp ổn định quá trình lưu thông khí, dạ dày, đường ruột.

7. Cười và cảm nhận hạnh phúc

Chương 3: Thói quen ăn uống lành mạnh:

Tại sao người Ấn Độ có thể uống nước sông Hằng?

Theo đạo Hindu, sông Hằng ở Ấn Độ là dòng sông thánh linh thiêng nhất.

Nhưng ta biết được nước ở sông Hằng không thể coi là nguồn nước tinh khiết: trong nước chứa vô số loại vi khuẩn, các chất thải sinh hoạt, nước thải của nhà máy lân cận, tro cốt,…

Mặc dù vậy, người dân vẫn dùng nước sông để tắm rửa, pha trà, nấu nướng mỗi ngày.

Thỉnh thoảng có vài du khách Nhật bắt chước theo người dân tắm ở đây, nhưng sau đó họ đều bị đau bụng. Vậy tại sao người Ấn Độ sử dụng nước sông mà không có biểu hiện gì?

Có thể là do mỗi ngày họ đều hấp thụ một lượng lớn kháng sinh tự nhiên (thuốc kháng khuẩn.)

Món ăn có tác dụng kháng khuẩn chính là món cà ri truyền thống của Ấn Độ. Trong món này, có rất nhiều loại rau và gia vị có dược tính được sử dụng. Ví dụ nghệ có tác dụng đề kháng với tụ khuẩn cầu, nguyên nhân gây ngộ độc thức ăn. Tỏi tốt đối với dạ dày, gây đổ mồ hôi, lợi tiểu, diệt khuẩn,…

Trong chương 1, tác giả cũng đề cập đến phương pháp nấu nướng truyền thống, chế độ ăn uống của người dân Okinawa giúp họ sống thọ (mặc dù họ ăn rất nhiều thịt lợn.)

Ngoài ra, ta có thể đề cập đến đồ ăn Kosher – đồ ăn truyền thống của người Do Thái. Họ không ăn thịt lợn, các loại giáp xác như sò, tôm,… các loại thân mềm và các loại động vật khác bị chết vì bị bệnh hay bị sơ chế theo những phương pháp bị giới luật nghiêm cấm với lý do đấy không phải là Kosher.

Đạo Do Thái cho phép tín đồ ăn thịt bò, tuy nhiên các phương pháp chế biến cũng được quy định rất tỉ mỉ, nghiêm ngặt từ việc cắt tiết hay mổ thịt cho đến việc không được nấu chung với các sản phẩm từ sữa.

Như vậy, trong các món ăn truyền thống của các vùng miền đều chứa đựng rất nhiều tinh hoa trí tuệ truyền từ đời này sang đời khác để người dân địa phương đó có thể sống trường thọ và khỏe mạnh.

Đánh giá về sách nhân tố enzyme năm 2024

Ăn thực phẩm giàu enzyme

Ăn những thực phẩm tự nhiên và tươi mới.

Tất cả các sinh vật sống đều nuôi dưỡng sinh mệnh của mình bằng việc hấp thụ sự sống từ các sinh vật khác.

Thực phẩm tốt bắt buộc phải tự nhiên vì chỉ có tự nhiên mới tạo ra sinh mệnh sống. Và thực phẩm tốt cũng phải tươi mới vì khi các hoạt động sống của chủ thể đình chỉ, sự sống trong đó cũng sẽ mất đi.

Các thực phẩm có nguồn gốc từ nhà máy không có sinh mệnh. Vì vậy, dù chúng có ăn được cũng không thể nuôi dưỡng sinh mệnh của chúng ta.

Cách ăn ngũ cốc đúng đắn:

Ăn ngũ cốc chưa qua tinh chế. Nếu là gạo, hãy chọn gạo lứt, nếu là lúa mì, hãy chọn loại chưa qua tinh chế vì loại chưa qua tinh chế rất giàu dinh dưỡng.

Ngoài ra, bột yến mạch cũng là lựa chọn tốt bởi yến mạch chứa lượng chất xơ nhiều gấp 3 lần gạo lứt, rất nhiều canxi, sắt, protein, vitamin...

Đánh giá về sách nhân tố enzyme năm 2024

Nấu cơm gạo lứt dễ hơn bạn tưởng

Ta có thể nấu gạo lứt với các loại ngũ cốc khác như kê nếp, lúa mạch cán,... Cách nấu gạo lứt với nồi cơm có chức năng nấu gạo lứt như sau:

Vo gạo lứt 1-2 lần bằng nước tốt và không cần xát quá mạnh như gạo trắng

Ngâm gạo lứt trong nước tốt từ 30 phút đến 2 tiếng

Cho thêm muối biển khi nấu

Cách làm gạo lứt nảy mầm tại nhà

Gạo lứt nảy mầm chứa nhiều GABA, một loại axit amino có hiệu quả cao với sức khỏe - gây ức chế sự hưng phấn của thần kinh và giúp hệ thần kinh hoạt động ổn định.

Cách làm gạo lứt nảy mầm đơn giản:

Cách thứ nhất: Ngâm gạo trong nước ấm khoảng 30 độ, duy trì độ ấm của nước trong suốt quá trình, sau một ngày, gạo sẽ nảy mầm.

Cách thứ hai: Ngâm gạo lứt vào nước rồi bảo quản trong tủ lạnh. Sau 3 ngày, gạo sẽ nảy mầm.

Dù là cách nào cũng nên cho nước xâm xấp mặt gạo hoặc nhiều hơn một chút. Không nên đậy kín đồ đựng vì trong quá trình nảy mầm gạo cần rất nhiều oxy. Khi gạo lứt nảy mầm được 1 mm là thành công.

Gạo lứt nảy mầm sau đó cần chắt nước, phơi khô, cho vào túi kín và bảo quản ở chỗ râm mát. Nên nhanh chóng ăn hết gạo trong thời gian ngắn.

Thành phần quan trọng bị thiếu trong các loại rau trồng trong nhà kính.

Các nông sản trong nhà kính thiếu Phytochemical - chất dinh dưỡng có tác dụng chống oxy hóa, nâng cao hệ miễn dịch, góp phần phòng tránh nhiều bệnh.

Cách để tránh các loại rau trong nhà kính là chọn các loại rau củ theo mùa vụ.

Hấp thụ nước qua các loại nước ngọt là cực kỳ ngu ngốc

Đánh giá về sách nhân tố enzyme năm 2024

Bởi các loại trà, nước hoa quả, đồ uống có gas đều là các loại thức uống được hòa tan thêm nhiều chất khác. Khi loại nước này đi vào cơ thể, cơ thể ta buộc phải tách bỏ tạp chất ra ngoài, với trà là tannin, với cà phê là cafein...Chưa kể, trong các nước giải khát có chứa một lượng đường rất lớn. Hơn nữa, đường tan vào trong nước sẽ hấp thu rất nhanh nên khi uống sẽ làm tăng đột ngột lượng đường trong máu, dẫn đến nguy cơ mắc các bệnh béo phì, tiểu đường, tim mạch,...

Đánh giá về sách nhân tố enzyme năm 2024

Liệu phụ gia thực phẩm có thực sự an toàn?

Tuy đã có một số thí nghiệm kiểm tra tính an toàn của phụ gia thực phẩm (chất được thêm vào thực phẩm với mục đích bảo quản, gia công thực phẩm) nhưng tác giả đã chỉ ra 2 vấn đề lớn:

Thời gian kiểm nghiệm quá ngắn. Trong trường hợp con người hấp thụ các chất đó trong vài năm, vài chục năm sau thì chưa ai biết được độc tính của các chất đó sẽ ra sao.

Tất cả các kiểm nghiệm đều tiến hành với các chất phụ gia đơn lẻ, trong khi, thực tế, ta lại sử dụng nhiều loại chất cùng một lúc. Và khi kết hợp nhiều loại lại, có thể gây ra độc tính không thể ngờ.

Mối lo về lò vi sóng

Các bức xạ từ lò vi sóng làm phá hủy các kết cấu gen di truyền của các loại thực phẩm, khiến chúng bị tổn thương và mang theo những loại nguy hiểm to lớn.

Phương pháp thực hành giúp kéo dài tuổi thọ

Cải thiện thói quen ăn uống: 85% thực vật, 15% động vật

Có thói quen sinh hoạt tốt để tiết kiệm enzyme: ngủ sau khi ăn trưa, vận động vào buổi sáng...

Sống hạnh phúc

Giữ thân nhiệt bình thường: Người có thân nhiệt thấp dễ mắc ung thư.

Làm bài kiểm tra độc tố để biết mức độ nhiễm độc

Đánh giá về sách nhân tố enzyme năm 2024

# Review

Sau khi đọc quyển sách này, mình đã cải thiện thói quen sinh hoạt của mình: ăn uống đúng giờ, hạn chế uống nước ngọt, ăn nhiều rau, củ, quả sạch,... Ngoài ra, quyển sách đã cung cấp những kiến thức rất bổ ích: tại sao người Ấn Độ uống được nước sông Hằng,... Không những vậy, mình đã thực hiện các bài tập thư giãn cơ và số lần mình cảm thấy nhức mỏi cũng giảm… Nói chung, hầu như các phương pháp sống khỏe mà mình đã thử đều cho kết quả tốt.

Kết: Một quyển sách bổ ích dành cho mọi người, giúp mọi người sống ở trạng thái khỏe mạnh chứ không phải vô bệnh. Sống bùng nổ mà vẫn lâu dài là thông điệp quý báu của tác giả muốn nhắn nhủ đến chúng ta.

# Những đường link liên quan:

Ăn gì để thông minh như người Do Thái?

Bộ não thứ hai của cơ thể

Review chi tiết bởi: Thùy Dung - Bookademy

Hình ảnh: Thùy Dung - Bookademy

Đánh giá về sách nhân tố enzyme năm 2024

------

Theo dõi fanpage của Bookademy để cập nhật các thông tin thú vị về sách tại link: Bookademy

Bạn đam mê viết lách, yêu thích đọc sách và muốn lan tỏa văn hóa đọc tới cộng đồng của YBOX.VN? Đăng ký để trở thành CTV Bookademy tại link: http://bit.ly/bookademy_ctv

(*) Bản quyền bài viết thuộc về Bookademy - Ybox. Khi chia sẻ hoặc đăng tải lại, vui lòng trích dẫn nguồn đầy đủ "Tên tác giả - Bookademy." Các bài viết trích nguồn không đầy đủ cú pháp đều không được chấp nhận và phải gỡ bỏ.