Con chim đa đa là chim gì

Tháng Ba, khi mùa xuân đã vào độ chín, cái rét chỉ còn rơi rớt vài đợt nhường chỗ cho nắng ấm chan hòa. Trên sườn núi cao, những bông hoa đào cuối cùng cũng đã rụng từ bao giờ để quả non mươn mướt mỡ màng dần căng vỏ. Tháng Ba được báo hiệu bởi cơn mưa rào bất chợt cho cây cối đâm chồi, nảy lộc xanh tươi. Mùa này lên vùng cao Lào Cai không còn cảnh đồi núi trơ trọi màu xám mà đã chuyển sang một màu xanh tươi đầy sức sống. Còn ở các bản làng rực rỡ màu hoa cải vàng, cải trắng mọc quanh những ngôi nhà vách đất đẹp như một bức tranh thêu.

Tháng Ba, đồng bào vùng cao phát nương, đốt cỏ để trồng ngô. Khi những đám khói nương bay lên trên nền trời, mùi khói thơm cùng với những tiếng nổ tanh tách của củi tươi là tín hiệu vui đối với những bầy chim chóc quanh đó, đặc biệt là chim đa đa, còn gọi là gà gô. Những mảnh nương mới đốt là “mâm cỗ” màu mỡ với đủ thứ “khoái khẩu” của loài chim này, nên chỉ cần nhìn thấy khói đốt nương là hôm sau chúng kéo nhau đến bới đất tìm thức ăn. Mùa xuân, chim đa đa vào mùa sinh sản nên chúng thường ghép đôi với nhau, con nào cũng béo nung núc.

Chim đa đa [ảnh minh họa].

Chim đa đa, hay gà gô, là tên gọi chung, còn đồng bào vùng cao Lào Cai vẫn gọi là chim “bắt tép kho cà” theo âm tiếng gáy của chim trống. Mỗi độ tháng Ba về, tiếng chim “bắt tép kho cà” gáy vang cả đồi núi để gọi bạn tình. Tiếng gáy của chim tuy không thánh thót như tiếng hót của họa mi, không luyến láy như tiếng khướu, nhưng nghe chân chất, mộc mạc và vang rất xa. Chỉ cần một chú chim “bắt tép kho cà” ở cánh rừng này gáy, một lúc sau, những chú chim ở khu rừng khác cũng gáy theo, tạo thành “bản hợp xướng” vang cả núi rừng. Đa đa trống thường gáy nhiều nhất vào buổi trưa nắng to sau đợt rét, hoặc sau cơn mưa rào nắng bừng lên. Mùa đa đa gáy bắt đầu từ tháng Ba đến hết tháng Tám, khi có những đợt gió lạnh đầu mùa tràn về.

Ngày tôi còn nhỏ, mỗi mùa đốt nương thường nghe tiếng chim đa đa gáy nhưng hiếm khi nào nhìn thấy tận mắt hình dáng chúng như thế nào. Tò mò quá, có lần lũ trẻ chúng tôi leo lên tận đỉnh đồi tìm, nhè nhẹ trườn đến gần mà rình xem đa đa gáy. Khi đến sát nơi, tiếng chim gáy rát tai nhưng chưa kịp nhìn thì thấy tiếng động nhẹ, cả đôi chim đã phành phạch vỗ cánh bay vút lên làm cả lũ giật mình, nhìn theo mà tiếc hùi hụi. Có đứa kiên trì làm bẫy, rồi rắc thóc với củ sắn nạo làm mồi, sau mấy hôm chờ đợi đã bắt được một chú đa đa trống. Cả lũ reo lên sung sướng như bắt được vàng vì nhìn chú chim đẹp quá, mắt chim long lanh có một viền đen kéo dài như đeo kính, còn lông cổ, lông ngực đa đa có màu trắng với nhiều họa tiết tròn như những đồng xu nối nhau, lông cánh chim có màu vàng, nâu đỏ, chim trống chân màu vàng có cựa nhọn. Hình dáng, màu sắc như vậy nên đa đa rất khéo ngụy trang, khi đứng trong đám cỏ ít người nhìn thấy.

Tháng Ba, cơn mưa rào đầu mùa đổ xuống, tôi ngược sông Hồng lên phía thượng nguồn, nhìn những đám khói nương chiều hòa lẫn màu trời mà thèm nghe tiếng chim đa đa gáy. Tiếng chim thân thương ấy mang một nỗi nhớ xa xăm về kỷ niệm tuổi thơ. Giờ đây, để nghe bản hợp xướng tiếng chim đa đa trên vùng cao Lào Cai là điều xa xỉ vì số lượng loài chim này chẳng còn bao nhiêu do con người săn bắt tận diệt. Lên mạng, vào mấy trang facebook của hội chơi chim cảnh, thấy người ta hồn nhiên “khoe” ảnh săn bắt đa đa khắp nơi mà xót xa. Tôi đi dọc núi đồi, đi suốt triền sông cũng chỉ nghe vang vẳng đâu đó tiếng gáy của một chú chim đa đa lạc lõng, khắc khoải gọi bạn tình. Cũng không biết nó có gọi được bạn tình đến không hay tiếng gáy “bắt tép kho cà” ấy ngày mai sẽ lại tắt lịm đi vì bao cạm bẫy đến giăng quanh rừng.

Tôi ngồi trong căn lán nhỏ ngắm làn mưa rừng phủ trắng dần đồi núi. Tiếng chim đa đa không nghe thấy nữa, chỉ nghe giọng hát trong điện thoại rỉ rả buồn thiu, xa vắng: “Có con chim đa đa nó đậu cành đa, sao em không lấy chồng gần mà đi lấy chồng xa. Có con chim đa đa hót lời nỉ non, sao em nỡ lấy chồng, từ khi tuổi còn son…”. Chim đa đa có bao giờ đậu trên cành đa đâu? Đó chỉ là một cách nói thôi. Có lẽ tiếng chim đa đa ở phương Nam xa xôi nào đó cũng tha thiết, khắc khoải nhớ thương như một mối tình dang dở đã khiến người nhạc sỹ cảm xúc mà sáng tác những lời hát này. Mùa chim đa đa giờ đây sao nghe buồn da diết…

Ca dao xứ Quảng có câu: “Con chim đa đa đậu nhánh đa đa/ Chồng gần không lấy, bậu lấy chồng xa/ Mai sau cha yếu mẹ già/ Chén cơm đôi đũa, ấm trà ai lo?”. Có tài liệu cho rằng đa đa chính là cây đa, trong bộ ba “cây đa, bến nước, sân đình”, vốn được xem là biểu tượng của làng quê Việt Nam bao đời nay. Tôi e cách hiểu này không đúng.

Cây Đa đa - Harrisonia perforata ra hoa trên núi Sơn Trà.Ảnh : P.C.T

Về tình, rõ ràng câu hát hàm ý trách cứ hay van nài của anh hàng xóm nhắc nhở cho cô láng giềng đừng “bỏ đường quang đi quàng bụi rậm”, nên nhành đa đa mà chim đa đa lui tới không thể là cành của một loài cây cao bóng cả thường chiếm vị trí trang trọng ở đầu hay giữa làng như một trung tâm sinh hoạt cộng đồng.

Về lý, ai cũng biết chim Đa đa còn gọi là Gà gô, tên khoa học là Francolinus pintadeanus, thuộc họ Trĩ – Phasianidae, một loài chim rừng, thường sống trên cây trong các bụi rậm vùng trung du hay núi đồi, thỉnh thoảng cũng gặp ở đồng bằng.

Nên theo tôi, cây đa đa mà chim đa đa hay đậu chính là loài cây bụi Đa đa, còn có tên Cò cưa, Xân, Săng - Harrisonia perforata [Blanco] Merr., thuộc họ Thanh thất - Simaroubaceae.

Đa đa là loài cây nhỏ mọc trườn, phủ lông mịn như len, thân cành có gai cong, cành non màu nâu tím. Lá kép mọc so le, có 5-11 lá chét hình trứng, nguyên hoặc khía răng, hai mặt nhẵn, mặt trên bóng màu lục sẫm, mặt dưới nhạt; cuống chung có cánh giữa các lá chét. Cụm hoa mọc ở đầu cành hoặc kẽ lá thành xim; hoa màu trắng, đài gồm 5 thùy nhỏ có lông; tràng có 5 cánh thuôn, dài 6-8mm; 10 nhị; 1 vòi nhuỵ. Quả hạch đỏ, to 2-2,5cm, chứa 3-5 nhân. Ra hoa quả quanh năm.

Đa đa thường gặp mọc rải rác trong rừng thứ sinh, ven rừng già ở độ cao tới 900m. Phân bố ở nhiều nơi: Sơn La, Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Khánh Hòa, Bình Phước, Đồng Nai. Tại Đà Nẵng có gặp ở ven rừng Sơn Trà, Bà Nà, Hải Vân. Còn có ở Nam Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, New Guinea, Australia. Thu hái các bộ phận rễ, vỏ thân, cành lá và quả của cây quanh năm để làm thuốc.

Phân tích thành phần hóa học trong lá có các limonoid [perforatin, perforatinolon và các chất khác]. Đa đa mới được Trung Quốc ghi nhận làm thuốc trong Tân Hoa bản thảo cương yếu với tên gọi Ngưu cân quả [牛筋果], có công dụng thanh nhiệt giải độc, dùng chữa đau mắt.

Theo Trung hoa bản thảo, Đa đa có vị đắng, tính lạnh, nhập kinh can và phế, có công năng thanh nhiệt, triệt ngược [chữa sốt rét]. Liều sắc uống trong 10-15g, dùng tươi có thể bội liều.

Theo Từ điển cây thuốc Việt Nam, rễ và các bộ phận cành lá có vị đắng, tính mát; có tác dụng thanh nhiệt giải độc. Người ta thường dùng vỏ thân, cành lá sắc uống chữa ỉa chảy, kiết lỵ, sốt rét. Cũng dùng chữa đau nhức xương và làm thuốc điều kinh.

Ở Campuchia, người ta dùng quả để trị nhọt ở gan bàn chân. Ở Trung Quốc, người ta dùng rễ để chế thành dạng xi-rô dùng uống trị sốt rét. Ở Thái Lan, rễ cũng dùng làm thuốc hạ sốt.

Theo Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, trong kháng chiến chống Mỹ, vỏ thân Đa đa được cán bộ và bộ đội khu V dùng chữa lỵ và làm thuốc điều kinh. Xí nghiệp Liên hiệp Dược tỉnh Đắk Lắk đã sản xuất viên H­­2 gồm Đa đa và Mức hoa trắng. Cách chế như sau: Vỏ thân Đa đa phơi khô 1.000g, lấy 500g cắt nhỏ nấu với 2 lần nước, lọc rồi cô lại còn 0,5 lít cao lỏng, lấy nốt 500g dược liệu còn lại tán nhỏ, rây bột mịn. Vỏ thân Mức hoa trắng đã phơi khô 1.000g, cũng chế biến như trên. Trộn cao lỏng và bột thuốc 2 loại dược liệu nói trên, rồi thêm bột nếp sao cho được khối lượng đủ sản xuất 5.000 viên. Liều dùng mỗi ngày 8-10 viên.

Ngoài ra ta còn lấy vỏ thân Đa đa phối hợp với gỗ cây Bách bệnh và thân cây dền phơi khô thái nhỏ sắc với 400ml nước còn 100ml, uống trong ngày, chữa sốt rét.

Lưu ý, các sách dẫn trên đây đều không ghi nhận độc tính, nhưng theo một số tài liệu trên mạng thì Đa đa có độc, nên thận trọng không dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú.

Chủ Đề