Có nên chính thức hóa nghề phi chính thức năm 2024

(VOV) -Luật việc làm sẽ bảo vệ người lao động không bị giới chủ bóc lột tiền lương, làm việc trong môi trường không an toàn…

Bà Trương Thị Mai – Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội trao đổi với báo chí xung quanh dự thảo Luật Việc làm.

Có nên chính thức hóa nghề phi chính thức năm 2024

PV: Thưa bà, Luật Việc làm hướng đến đối tượng lao động nào là chủ yếu, liệu có gì trùng lặp với Bộ luật Lao động đang thi hành?

Bà Trương Thị Mai: Luật Việc làm điều chỉnh toàn bộ lực lượng lao động đang làm việc tại Việt Nam. Các chính sách của Luật này hướng nhiều về khu vực phi chính thức. Khu vực chính thức đã được điều chỉnh trong Bộ Luật lao động ở cả hai góc độ là tiêu chuẩn lao động và quan hệ lao động. Hiện tại, 15 triệu lao động ở khu vực chính thức đang vận hành theo quy định của Bộ Luật lao động trong đó quy định giờ làm việc, giờ làm thêm, giờ nghỉ ngơi, mối quan hệ giữa người lao động và chủ DN…

Bộ Luật lao động sửa đổi cũng quy định các chính sách khá cụ thể về tiền lương, đặc biệt có cơ chế mới là Hội đồng tiền lương để công bố theo định kỳ hoặc theo quá trình phát triển kinh tế hoặc theo quá trình lạm phát để nhằm hỗ trợ người lao động hoặc cho DN trong quá trình vận hành nền kinh tế.

PV: Cụ thể, Luật Việc làm sẽ điều chỉnh những vấn đề nào, thưa bà?

Bà Trương Thị Mai: Thứ nhất, chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Khi người lao động đang đi làm việc, có thu nhập ổn định, công việc bình thường do chủ DN trả thì không vấn đề gì nhưng nếu họ bị thất nghiệp thì rơi vào khu vực phi chính thức. Khi đó, họ sẽ được hưởng một khoản trợ cấp trong thời gian nhất định để có thể được đào tạo nghề, đào lạo lại nghề hoặc được hỗ trợ tư vấn để quay lại thị trường lao động.

Thứ hai là chính sách nâng cao kỹ năng nghề. Khi người lao động đang làm việc bình thường nhưng lại có nhu cầu được xác nhận tình trạng tay nghề của họ hoặc thiết lập một kỹ năng nghề cao hơn thì có thể đề xuất để thi hoặc sát hạch để được cấp chứng chỉ kỹ năng nghề.

Một chính sách khác nữa sẽ tác động tới lực lượng đang có quan hệ lao động đó là thông tin dự báo về thị trường lao động. Trong quá trình phát triển nền kinh tế như hiện nay, một người lao động khó có thể làm việc suốt đời trong một DN hay một công việc cụ thể, kể cả trong khu vực công cũng vậy. Người ta có thể dựa vào thông tin dự báo thị trường lao động hàng tháng, hàng tuần để quyết định xem có chuyển dịch công việc hay không.

Các chính sách còn lại đều tác động đến khu vực phi chính thức với các loại lao động: tự làm nhưng có vài nhân công đến làm việc cùng như tiệm uốn tóc, sửa xe…; tự làm và việc làm đó tạo ra thu nhập cho chính họ; lao động không trả lương, đặc biệt trong các hộ gia đình (ví dụ như nông nghiệp).

PV: Vậy trong luật có qui định các chính sách cụ thể nào tác động đến các nhóm đối tượng này, thưa bà?

Bà Trương Thị Mai: Có 6 chính sách tác động đến nhóm lao động này gồm: tín dụng nhỏ cho vay lãi suất thấp; hỗ trợ người lao động đi lao động xuất khẩu; hỗ trợ phát triển thị trường; hỗ trợ để chuyển dịch việc làm khi đất đai bị thu hồi, tái định cư; chính sách dành cho lao động trẻ; chính sách việc làm công.

Mỗi năm chúng ta có khoảng 1-1,2 triệu lao động trẻ bước vào thị trường lao động và trong số 1,6 triệu việc làm mới, chiếm khoảng 1,2 triệu là lao động trẻ nên cần phải dành sự quan tâm và chính sách đặc biệt hơn. Họ chính là nguồn nhân lực hiện nay và trong tương lai của nền kinh tế.

Chính sách việc làm công hoàn toàn mới và mang tính tạm thời vận hành khi nền kinh tế có cú sốc hoặc biến động lớn. Một bộ phận người lao động bị thất nghiệp tạm thời, nhà nước có thể tổ chức để thu hút họ vào các dự án nhỏ ngay tại địa phương trong thời gian từ 1-3 tháng hoặc 6 tháng. Chúng tôi đang đề nghị Bộ lao động thiết lập chính sách này trong giai đoạn ngắn để người lao động có thu nhập trong thời gian ngắn và quan trọng nhất là tạo điều kiện cho họ quay lại thị trường bình thường.

PV: Với chất lượng, kỷ luật lao động hiện nay, nhiều người cho rằng, cần phải đào tạo văn hóa cho người lao động?

Bà Trương Thị Mai: Hiện nay, chúng ta đang bắt đầu vận hành nhanh hơn quá trình phát triển nền kinh tế thị trường, trong đó thị trường lao động là yếu tố quan trọng. Việc nâng cao chất lượng cho người lao động về tay nghề, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp là quan trọng. Chúng ta đang hướng tới mục tiêu việc làm bền vững thì người lao động phải có tay nghề, có thu nhập thỏa đáng, môi trường làm việc an toàn. Những yếu tố này sẽ gắn với đạo đức nghề nghiệp, tác phong của người lao động.

Trong 10 năm tới, chúng ta sẽ tiếp tục cơ cấu lại lao động. Chúng ta chỉ còn khoảng 20% nông nghiệp đóng góp trong GDP và có 30-35% lao động nông nghiệp từ con số hơn 47% hiện nay. Như vậy, đòi hỏi quá trình chuyển dịch rất nhanh, sẽ có khoảng 10 triệu lao động nông nghiệp chuyển sang khu vực chính thức, đòi hỏi có sự tác động của chính sách, nếu để chuyển dịch tự nhiên thì sự tổn thương với người lao động rất lớn.

Chính sách này là để cho người lao động chuyển dịch theo quá trình do nhà nước vận hành, hỗ trợ để họ học nghề, tạo dựng cho họ công việc… Đó là chính sách bảo hiểm thất nghiệp.

PV: Vậy trong quá trình này, theo bà yếu tố nào cần phải quan tâm nhất?

Bà Trương Thị Mai: Tôi đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao năng suất tập hợp trong quá trình phát triển kinh tế. Đến 2010, năng suất tập hợp chỉ chiếm khoảng hơn 19% và sẽ đạt mức 35% vào năm 2020. Hiện trong GDP có 3 yếu tố: vốn, lao động, năng suất tập hợp, trong đó 2 yếu tố đầu chiếm tỷ lệ rất cao, khoảng hơn 70%, chúng ta sẽ giảm tỷ lệ này để nâng cao năng suất tập hợp, quá trình đó mới phục vụ tốt cho tái cơ cấu nền kinh tế.

Nếu chất lượng người lao động, nguồn nhân lực không đáp ứng được thì quá trình tái cơ cấu sẽ không đạt được mục tiêu mong muốn là vượt qua mức của một nước trung bình thấp, tiến lên nước trung bình khá.

PV: Quá trình chuyển dịch sẽ có rất nhiều lao động nông thôn ra thành thị. Liệu có chính sách nào đào tạo nghề cho các đối tượng này, thưa bà?

Bà Trương Thị Mai: Lao động nông thôn ra thành thị sẽ chuyển dịch bằng quá trình chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế. Trong quá trình chuyển dịch họ sẽ được hỗ trợ chính sách tư vấn, đào tạo nghề, bảo vệ... Nếu người dân nông thôn cứ tràn ra thành thị như hiện nay mà không được chính sách điều chỉnh thì có thể họ sẽ bị giới chủ bóc lột tiền lương, làm việc trong môi trường không an toàn… Điều này có thể kéo theo cả gia đình họ về các vấn đề giáo dục, đào tạo, y tế…